Tình anh bán chữ - Hải Lưu

 

TÌNH ANH BÁN CHỮ (Trích)

Lưu Như Hải

http://img2.blog.zdn.vn/56982506.jpg

(...) Thánh Đường trên đồi (còn gọi là Nhà Thờ Núi) ở Nha Trang ngày thường đã nên thơ, mà trong kỳ nghỉ hè 1956 thì lại càng lộng lẫy, tráng lệ hơn. 

Một ngày chủ nhật kia, sau khi đi lễ nhà thờ, hai bà Mẹ bận đi thăm ai đó trong khoảng thời gian ngắn, cho nên tôi được giao phó sứ mạng thần tiên là dẫn dắt hai em (đúng ra là cô chị “dẫn dắt” tôi và cô em) đi dạo chơi chung quanh khuôn viên Nhà Thờ toạ lạc trên một ngọn đồi rất ngoạn mục. (Ai ở Nha Trang cũng đều biết ngọn đồi này). Thời gian đó tôi vẫn còn ngơ ngáo, nhưng đã biết cảm thấy thinh thích cô chị một cách mơ hồ, không thể diễn tả bằng lời.

Sau khoảng nửa giờ, chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi gần một bức tượng vĩ đại để hai em nghỉ chân, còn hồn tôi thì vẫn còn bay lơ lửng trên tầng cao, chưa thấy mỏi mệt gì cả. Vào thời điểm đó tôi không quan tâm là bức tượng làm bằng chất liệu gì, xi măng hay là kim loại, hay bằng đá? Bằng gì cũng được, miễn là thời gian chờ đợi hai Bà Mẹ càng lâu càng tốt! Thôi cứ cho là bằng đá cho nên thơ hơn. Bỗng nhiên trời đổ mưa chòm mây [mưa bóng mây] trong vài phút.

Khi trời quang mưa tạnh thì như một phép lạ, trên đôi mắt của bức tượng còn đọng lại những giọt lệ long lanh, phản chiếu ánh sáng mặt trời, tạo ra những cầu vồng tí hon lóng lánh nhiều màu sắc. 

Cô chị có vẻ đa cảm nên hỏi tôi: “Anh có thấy bức tượng đá đang khóc cho tội lỗi của loài người không?” 

Tôi giật mình trước câu hỏi trí tuệ này, nhưng “nhanh trí … dại” áp dụng bài quang học lớp Đệ Tứ mà ba hoa rằng: “Đó là một hiện tượng quang học do tia nắng mặt trời và giọt nước mưa tạo ra”. Giê-su-ma! Lạy Chúa Tôi, tôi đã phạm sai lầm chết người. Ý của nàng muốn tôi trả lời một đằng, tôi lại nói một nẻo. Nàng có vẻ suy tư và buồn mông lung, không hé môi lấy một lời, kể từ lúc đó cho đến khi về đến nhà. 

Năm mươi năm sau tôi tình cờ xem lại cuốn album cũ có tấm ảnh của nàng:

Ảnh này đã mấy mươi năm, 
mà em thì vẫn trăng rằm không phai 
Thơ ngây, mỹ lệ, tinh khôi, 
thanh xuân, em vẫn không rời cõi tiên. 
Dưới trần còn một người điên 
năm mươi năm ngủ, một đêm giật mình 
ở trong tiềm thức vô biên 
rưng rưng chữ viết nghiêng nghiêng của nàng 
đằng sau tấm ảnh hoen vàng: 
"… tặng anh ... kỷ niệm ... Nha Trang” - Nghẹn ngào!

(VBL, Nha Trang, 4 - 8 - 1956)

Tôi nhớ lại một kỷ niệm là đã dùng bài thơ Giận Nhau của Nguyễn Xuân Huy để "thăm dò tình hình" như sau:

“Hôm xưa em biếng học 
“Khiến cho anh bất bình 
“Khẽ đánh em cái thước 
“Vào bàn tay xinh xinh …”

 Nguyễn Xuân Huy


Nhưng nàng qủa là cao tay ấn khi trêu lại tôi rằng:

“Hôm nay ai biếng học 
“Ai kia dám bất bình 
“Thì ai đây sẽ khóc 
“Ai còn thấy ai xinh?”

Lúc đó, không biết được bà nhập hay ma ám mà tôi “lên đồng” viết lại:

“Em tha hồ biếng học 
“Anh đâu dám bất bình 
“Thôi xin em đừng khóc 
“Mà em khóc càng xinh!”

Việc dạy kèm cô bé là một nguồn cảm hứng như mê tửu, là khúc dạo đầu [prelude] cho định mệnh sư phạm của tôi sau này. Và cũng là một vết thương êm ái cho tôi là đã chớm, đang, và sẽ bị “cảm nặng hết thuốc chữa” trước một nữ ca viên ở trong ca đoàn. Vì thế, công việc của tôi lúc bấy giờ như một giấc mơ tiên, khác hẳn công ăn việc làm sau này.

Những buổi học nối tiếp nhau dường như phảng phất tiếng sáo diều vi vu trong một cuốn phim quay cảnh đồng quê trữ tình mà tôi mong không bao giờ kết thúc, và tiếc thay, không có nút bấm rewind để mà được sống lại những giây phút mộng du. (...) 


--- Ngưng trích---

 

back to top