Kỷ niệm với trường Trần Quý Cáp - Hải Lưu
Hồi ức: VÀI KỶ NIỆM Ở TRƯỜNG TRẦN QÚY CÁP, Hội An.
Lưu Như Hải
Tôi may mắn được về trường Trần Qúy Cáp, Hội An, năm 1965, và được Thầy Hiệu Trưởng HOÀNG TRUNG cho phụ trách Ban C (Anh văn) đầu tiên của trường. Ngoài Thầy Hoàng Trung còn có qúy vị tiền bối uyên bác như Thầy Tống Khuyến, Thầy Phan Khôi (trùng tên với nhà văn Phan Khôi), Thầy Nguyễn Đức Nam. Madame Huỳnh Tân (tốt nghiệp trường Sư Phạm Hà Nội vào khoảng năm 1950), cùng một số nhà giáo kỳ cựu ... Nghe nói Thầy Phan Khôi đã từng từ chối không nhận chức vụ Tỉnh Trưởng do Sài Gòn mời Thầy tham chính.
Kể từ năm 1966 trở đi thì phe bên kia gia tăng pháo kích vào trong thị xã Hội An và thỉnh thoảng có quăng lựu đạn. Một học sinh Trần Qúy Cáp là em Vũ Khắc Khánh (con của ông Vũ Khắc Cẩm là nhân viên văn phòng) tử nạn. Một đồng nghiệp là cô giáo Liên dạy môn Anh Văn thiệt mạng vì trúng mảnh lựu đạn như một tai bay vạ gió, trúng ai nấy chịu. Trong không khí hồi hộp như thế thì trò và thầy không thể không giao động tinh thần, mặc dầu chúng tôi trong khi học và dạy thì rất hăng say.
Gia đình phụ huynh học sinh theo truyền thống tôn sư trọng đạo cho nên qúy trọng thầy cô lắm. Riêng tôi thường đi thăm một số gia đình nông dân và ngư dân theo lời mời tham dự đám cưới, đám tang, hoặc đám giỗ người thân của học sinh trong các lớp tôi phụ trách. Qua sự tìm hiểu thân tình về gia cảnh một số môn đệ, tôi biết một sự thật chết người: Bà con cô bác ở vùng ngoại ô thường là có khuynh hướng ngả về phe bên này hoặc phe bên kia, vì nhiều lý do phức tạp và tế nhị, không thể nói vắn tắt nơi đây. Thời gian 1965-1967 tôi thường đi Hội An và về lại nhà ở Đà Nẵng bằng xe đò hoặc xe gắn máy, đã vài lần xuýt gặp tai nạn bắn sẻ hoặc mìn nổ trên đường lộ ...
Trên QL 1 từ Đà Nẵng vào đến gần Thanh Quít là đoạn đường đôi khi bị bắn sẻ, hoặc bị giật mìn. Khách vãng lai qua đây rất sợ tai họa từ trên trời rơi xuống không biết lúc nào. May mắn là vài lần tôi đến khúc đường tử thần đó chỉ mươi phút sau khi xảy ra cảnh thương vong của hành khách xe đò hoặc người đi xe gắn máy.
Học sinh trường Trần Qúy Cáp nói chung là ham học và tính tình hòa nhã. Tôi nhớ nhất ba môn sinh là: H. T. Ngọc Mai (Lớp 11C), Nguyễn Nho Nhượn (11C) và Johnny Hội (không nhớ họ), lớp 11B. Anh này đờn guitar và hát rất hay, thường biểu diễn văn nghệ trong lớp và tại buổi liên hoan toàn trường (Đặc sắc nhất là bài "Never On Sunday", Johnny Hội vừa đàn guitar vừa hát rất tới). Thấy các em hào hứng qúa cho nên tôi thường dành ra 10 phút cuối giờ để thầy trò tự biên tự diễn (nhưng không dám vỗ tay, e làm phiền lớp học hàng xóm) với điều kiện là trước đó phải học hành cho ngon lành. Anh thứ hai là Nguyễn Nho Nhượn. Anh này đặc biệt là đã nổi tiếng về tài làm thơ với ý tưởng độc đáo. Anh Nhượn có mời tôi đến thăm nhà anh ở chỗ Cống Ông Đá để anh tặng thơ. Lúc đầu tôi cũng nghĩ là thơ học trò của các em thì đại khái giống nhau: cũng yêu đương, cũng thất tình, cũng giận hờn vu vơ, cũng lý tưởng "tay với cao hơn trời" (Anh Bằng, Nỗi Lòng Người Đi), v.v. Nhưng sau khi đọc nhiều bài thơ của anh thì tôi giật mình: À, thì ra mấy thầy cô giáo trẻ thường chủ quan, tự cao, trong khi không hay chưa hiểu tài năng cùng tư tưởng của môn sinh. Tuy giật mình như thế nhưng tôi cũng không tiên đoán được là anh Nguyễn Nho Nhượn sẽ trở thành một hiện tượng thi ca không những ở Quảng Nam mà còn lan rộng đến Sài Gòn chỉ trong vòng vài năm nữa thôi.
(Vui lòng google "Nguyễn Nho Nhượn" để tìm hiểu thêm về tiểu sử và các thi phẩm của cố thi sĩ này)
Qua niên khóa 66-67 thì tôi theo các em lớp 11C lên lớp 12C, mỗi tuần gặp nhau được 6 giờ (hồi đó không gọi là tiết). Sách giáo khoa năm ấy là bộ English for Today, cuốn 6, trong đó có bài thơ nổi tiếng của Robert Frost là Stopping by Woods on a Snowy Evening (Dừng Chân bên Rừng Một Chiều Tuyết Phủ) mà các em rất thích.
Stopping by Woods on a Snowy Evening - Robert Frost Whose woods these are I think I know.He will not see me stopping here
To watch his woods fill up with snow.
My little horse must think it queer
To stop without a farmhouse near
Between the woods and frozen lake
The darkest evening of the year.
He gives his harness bells a shake
To ask if there is some mistake.
The only other sound’s the sweep
Of easy wind and downy flake.
The woods are lovely, dark and deep,
But I have promises to keep,
And miles to go before I sleep,
And miles to go before I sleep.
Thầy trò chúng tôi phóng tác thành thơ tiếng Việt như sau:
Hai năm dưới mái trường Trần Qúy Cáp thân thương qua mau, tôi xin hoán chuyển với đồng nghiệp L.T.Kim Hải ở trường Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá, với hy vọng miền Tây Nam Phần có không khí chiến tranh bớt ác liệt hơn. (Xem bài nói về kỷ niệm của tôi ở Rạch Giá). Như thế, tôi đã phụ lòng tin cậy của các em học sinh ở Hội An năm 1967. Nay cho tôi gởi đến các em (hôm nay đã là những ông/bà nội/ngoại) lời xin lỗi muộn màng về sự giã biệt để tìm nơi an toàn cho cá nhân mà dứt áo ra đi. Cũng cho phép tôi bầy tỏ nơi đây lòng biết ơn đến Thầy Hiệu Trưởng HOÀNG TRUNG, Thầy TỐNG KHUYẾN, Thầy PHAN KHÔI, Thầy NGUYỄN ĐỨC NAM, Bà Giáo [Mme.] HÙYNH TÂN ... và qúy đồng nghiệp cùng hai ông cai trường Trần Qúy Cáp về tấm lòng ưu ái đặc biệt mà qúy vị đã dành cho tôi trong các năm 1965-1967 và trong cuộc bể dâu vào thời gian không lâu sau đó. Trân trọng.
Lưu Như Hải