Vài giòng về đêm văn nghệ Thái Thanh Montréal, 3/11/2005
Vài giòng về đêm văn nghệ Thái Thanh
Montréal, 3/11/2005
MẤY LỜI VÀO CHUYỆN- Bên song cửa một sớm mai, nắng hồng rất nhẹ.Tiếng hát Thái Thanh trong Nửa hồn thương đau lại dìu tôi về dĩ vãng, một thoáng hương xưa… Tiếng hát Thái Thanh của thế hệ tuổi tôi mà bây giờ không còn nữa vì Chị đã giã từ sân khấu. Trong nuối tiếc, tôi nhớ lại một bài viết về Thái Thanh 10 năm trước, lần cuối cùng tôi có dịp nghe trực diện Thái Thanh và đã viết bài Vài giòng về đêm văn nghệ Thái Thanh…
Nguyễn Hải Bình – May 27, 2015
Tôi đến buổi văn nghệ Thái Thanh để tìm lại một mảnh đời đã qua trong đó tiếng hát Thái Thanh đã là tiếng hát của thế hệ mình.
Tưởng rằng chỉ có mình lẩn thẩn tiếc nuối quá khứ nên đến với tiếng hát Thái Thanh. Nhưng tôi đã mỉm cười thấy mình sai khi bước vào thính phòng nghe anh Nguyễn Ngọc Ngạn giới thiệu mở đầu với nhận xét của anh là những khán thính giả của chương trình văn nghệ hôm nay trẻ nhất cũng là 60 tuổi trở lên. Thính phòng không còn một ghế trống, người nghe ái mộ Thái Thanh hay tiếng hát Thái Thanh? Những năm qua từ lúc đôi mươi đến khi tuổi mình đã vào cuối hạ, tôi đã thả hồn lãng đãng trong “Giòng sông xanh”, lãng mạn với “Ngày xưa Hoàng thị”, ngậm ngùi “Trả lại em yêu” khi tái ngũ khoác lại chiếc áo quân nhân và mang một vết thương lòng ân hận mỗi khi nghe Thái Thanh hát tuyệt vời bài thơ Huy Cận Phạm Duy phổ nhạc “Ngâm ngùi”. Chiều nay tôi không biết có tìm lại được năm xưa trong tiếng hát Thái Thanh ở tuổi thất thập của chị không.
Thái Thanh đã xuất hiện sau một số bài trình diễn của hai ái nữ Ý Lan, Quỳnh Hương và ba cô cháu ngoại. Ba mươi năm thấy lại, người nữ ca sỹ đầu đàn của tân nhạc Việt Nam tóc đã bạc phơ nhưng giọng nói vẫn như xưa, thanh thoát đượm chút nhí nhảnh thuở nào. Và khi Thái Thanh vào bài Giòng sông Xanh tôi vẫn cảm nhận thấy những trong sáng của bản luân vũ J. Strauss, những dạt dào sóng nước Danube bleu như chị đã hát mà tôi được nghe hơn 50 năm trước đây tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, thời vàng son nhất của ban hợp ca Thăng Long còn có cả Khánh Ngọc, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc. Tiếng hát Thái Thanh hôm nay vẫn cao vút, quấn quít, nốt láy vẫn là của một giọng ca trời cho mà còn điêu luyện,lại được nâng giấc bằng tình cảm của mình phơi bày trong giòng nhạc. Dĩ nhiên với tuổi đời chồng chất, làn hơi đã không cho người ca sỹ một cường điệu thuở vàng son.
NhưngThái Thanh đã khéo lựa một số bài cho những người ái mộ chị ban xưa của những thập niên 50, 60 qua “Suối mơ”, “Buồn tàn thu” và đã dìu toàn thể hội trường về với quê hương qua “Tinh ca”,”Tình hoài hương” ... Để đáp lòng nghệ sỹ, người nghe nhạc của Montréal có một điểm son là thưởng thức được những giọng hát với sự im lặng tuyệt đối của mình. Nên chi cả thính phòng như đắm chìm trong giòng nhạc và tiếng hát Thái Thanh, cho tới khi bừng dậy vỗ tay ca ngợi giọng hát vượt thời gian. Thái Thanh đã khóc trước ân tình ái mộ này và người viết không còn thấy một khoảng cách không gian giữa khán thính giả và người trình diễn.
Thực sự chương trình văn nghệ là một kết hợp trình diễn của toàn gia nghệ sỹ Thái Thanh với Ý Lan, Quỳnh Hương, ba cô cháu gái và thứ nam Lê Xuân Việt cộng thêm Tuấn Ngọc.
Với Ý Lan, ''mỏng mày hay hạt'' - dù tự giới thiệu đã có tới 6 con- là gần với Thái Thanh nhất trên phương diện nghệ thuật. theo cảm quan của tôi. Cũng một giọng ca cao vút, làn hơi phong phú, Ý Lan như đã trình bày các ca khúc với tất cả tình cảm của mình và bằng một diễn xuất điêu luyện nhưng vẫn thật tự nhiên. Tôi nhìn Ý Lan đúng là một người nghệ sỹ chứ không thấy chỉ là một ca sỹ - an artist, not only a singer - khi Ý Lan truyền đạt được tới người nghe tất cả tình cảm của mình gói ghém trong giòng nhạc cô đang thả hồn diễn tả. Trong tiếng hát đó người nghe cũng thấy như tình cảm của mình cuốn theo Ý Lan và lời ca thể hiện trong mỗi bài từ “Kỷ Niệm”, “Lòng Mẹ” của một tình phụ mẫu đến “Tình Cầm” hát cùng Tuấn Ngọc mà tôi thấy chạnh lòng với ''Nếu anh còn trẻ như năm cũ ...'' để bâng khuâng vì ''Không còn mùa Thu'' của chính tôi. Bên này hải ngoại tôi ít gần với nhạc Việt vì bận rộn nên chỉ còn thấy muốn nghe Ý Lan và giọng ca mệnh yểu Ngọc Lan. Nghe Ý Lan trực diện tôi thanh thản hết ý hôm nay.
Chương trình cũng còn có Tuấn Ngọc, Thái Hà -tức Thanh Hà của Montréal một thời-, Quỳnh Hương, Xuân Việt và ba kiều nữ lớp tuổi ''mười ba'' (tôi muốn nói teen agers) cháu ngoại của Thái Thanh. Tuấn Ngọc thì vẫn vậy, lúc nào cũng rất tỉnh, tự nhiên như ''ở nhà'', hát vẫn rất đạt với “Người đi qua đời tôi” và nhất là “Tình Cầm” trình bày chung với Ý Lan. Các màn trình diễn khác đều thật đạt và thính phòng thấy lại phút trẻ trung khi ba kiều nữ ''mười ba'' hát “Tuổi thần tiên”
thật ngọt ngào và sinh động. Người chọn bài và dựng trình tự đã khéo lựa “Về đây nghe em” của Trần Quang Lộc để đóng chương trình với tất cả gia đình Thái Thanh hát nối để cho người nghe tìm lại một thoáng quê hương ...
Nguyễn Hải-Bình
Sherbrooke, 14/11/2005
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %29 %028 %2015 %19:%05