Những nhà giáo nổi tiếng thế giới

Những nhà giáo nổi tiếng thế giới

Sáng lập hệ thống trường mẫu giáo, tạo phương pháp giáo dục Montessori, xây dựng trường học đầu tiên dành cho phụ nữ là đóng góp của những nhà giáo nổi tiếng thế giới.

Friedrich Froebel (1782-1852)

Bạn có tưởng tượng được cuộc sống trước khi có trường mẫu giáo? Trẻ em phải làm việc trong các nhà máy và mỏ than, không có tiệc mừng sinh nhật, được coi là người lớn khi chỉ 7 tuổi. Sau đó, nhà giáo dục người Đức Friedrich Froebel mang đến cho thế giới khái niệm về trường mẫu giáo ngày nay.

Tầm nhìn của ông có ảnh hưởng từ tâm linh. Ông tin rằng tất cả đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, do đó mọi sự vật đều có bản chất giống nhau. Froebel tin rằng cần thiết phải nghiên cứu về bản năng và cảm xúc của một đứa trẻ. Qua đó, ông phát hiện giai đoạn quan trọng nhất để phát triển bộ não con người là từ khi sinh ra cho đến lúc 3 tuổi. Điều này giúp Froebel trở thành một trong những nhà cải cách giáo dục mạnh mẽ nhất của thế kỷ 19 nhờ nhấn mạnh vào tầm quan trọng của giáo dục mầm non.

John Amos Comenius (1592-1670)

John Comenius là nhà giáo dục người Czech, được xem là "cha đẻ của giáo dục hiện đại". Ông là người đầu tiên khám phá và dùng sách giáo khoa bằng hình ảnh như khái niệm phổ quát của giáo dục. Ông tin rằng giáo dục phải bắt nguồn từ những ngày đầu tiên của tuổi trẻ và kéo dài đến hết cuộc đời.

Comenius cũng quan niệm giáo dục dành cho tất cả mọi người, từ nam đến nữ, từ giàu đến nghèo, từ người lanh lợi đến kẻ khù khờ. Đối với ông, mọi giới hạn giáo dục đều là trở ngại chính cho sự tiến bộ của nhân loại. Ông loại bỏ những trở ngại này bằng cách soạn thảo một số sách giáo khoa xuất sắc.

Anne Sullivan (1866-1936)

Anne Sullivan là nhà giáo nổi tiếng người Mỹ. Bà bị giày vò bởi các chứng bệnh liên quan đến thị lực và phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật mắt. Năm 1886, bà tốt nghiệp trường học dành cho người mù và theo đuổi sự nghiệp giảng dạy. Một cách tình cờ, Sullivan trở thành gia sư của Helen Keller - cô bé 6 tuổi không thể nhìn, nghe hay nói. Sullivan khi đó mới 20 tuổi, bà sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, viết lên lòng bàn tay đứa trẻ để dạy cho nó.

Với việc Helen Keller sau này là người khiếm thị - khiếm thính đầu tiên đạt học vị Cử nhân Nghệ thuật, Anne Sullivan trở thành biểu tượng của thế giới trong giáo dục trẻ em khuyết tật.

Sarvepalli Radhakrishnan (1888-1975)

Sarvepalli Radhakrishnan là triết gia vĩ đại, nhà giáo dục nổi tiếng, đồng thời là vị tổng thống thứ hai của Ấn Độ. 

Sau khi nhận bằng M.A về triết học ở tuổi 21, Radhakrishnan được thừa nhận là giáo viên có kiến thức sâu rộng về các khái niệm khó nhất của triết học. Ông đặt nặng vai trò của giáo dục tâm linh, cho rằng giáo dục phải phát triển những cảm xúc thiêng liêng trong mỗi người.

Khi một sinh viên hỏi Radhakrishnan từng học tập ở nước ngoài hay chưa, ông trả lời: "Chưa! Nhưng tôi sẽ đến đó để dạy". Ông đam mê với sự nghiệp trồng người và có mối quan hệ tốt với sinh viên. Ngày sinh của Radhakrishnan (5/9) được chọn là ngày nhà giáo Ấn Độ để tôn vinh những đóng góp của ông cho nền giáo dục. 

Savitribai Phule (1831-1897)

Savitribai Phule là nữ giáo viên đầu tiên của trường nữ sinh đầu tiên ở Ấn Độ, người sáng lập thơ Marathi hiện đại. Bà khiến mọi người kinh ngạc khi đấu tranh mạnh mẽ chống chế độ chuyên chế và các tệ nạn xã hội trong thời kỳ đầu của Ấn Độ. 

Với sự hỗ trợ của chồng, bà mở một trường học cho nữ sinh thuộc tầng lớp "tiện dân", vào thời điểm mà việc chạm vào người các "tiện dân" bị xem là làm ô uế những người thuộc tầng lớp trên. Vượt qua những gian khổ chồng chất khi theo đuổi nghề giáo, cuối cùng bà đã được Chính phủ Anh vinh danh vì những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Xã hội của phụ nữ Ấn Độ ngày nay được tạo nên một phần nhờ hành động can đảm của Savitribai Phule. 

Maria Montessori (1870-1952)

Một trong những triết lý giáo dục đổi mới và gây ảnh hưởng của thế kỷ 20 đã được phát triển và thúc đẩy bởi Maria Montessori, giáo viên người Italy mà tên tuổi đã trở thành biểu tượng của một phong cách giáo dục. 

Phương pháp Montessori ngày nay được sử dụng phổ biến trên thế giới. Theo bà, trẻ em chủ yếu tự học, trách nhiệm chính của giáo viên là tạo ra môi trường thích hợp và kích thích trẻ phát triển tự nhiên. Bà đề cao việc để trẻ di chuyển và học hỏi từ mọi thứ xung quanh hơn buộc chúng ngồi yên và được giảng dạy thụ động. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, phương pháp này bị phản đối dữ dội ở Mỹ, tuy nhiên từ năm 1960, nó trở thành một phần quan trọng trong giáo dục ở quốc gia này. 

Maria Montessori cũng quan tâm đến giáo dục hòa bình và kết hợp vào công việc của mình. Bà được đề cử cho giải Nobel hòa bình lần thứ 3 khi qua đời năm 1952, ở tuổi 81. 

William McGuffey (1800-1873)

Cũng như Maria Montessori, William Holmes McGuffey là giáo viên người Mỹ dành cả cuộc đời để phát triển lý thuyết về giáo dục trẻ em. Ông là học sinh xuất sắc, bắt đầu dạy học ở tuổi 14. Dành nhiều giờ trong các trường học ở Ohio và Kentucky, McGuffey không có phương pháp chuẩn để học sinh đọc và cuốn sách duy nhất có sẵn là Kinh thánh.

McGuffey ngừng sự nghiệp giảng dạy để đi học đại học. Ở tuổi 26, ông trở thành giáo sư ngôn ngữ học tại Đại học Miami (Oxford, Ohio). Ý tưởng của ông về giảng dạy ngôn ngữ được nhiều đồng nghiệp ngưỡng mộ. Năm 1835, ông viết một loạt bài cho nhà xuất bản Truman và Smith.

McGuffey thiết lập một khuôn mẫu sách giáo khoa, khuyến khích trình bày nội dung sống động, dạy bảng chữ cái và phát âm bằng các câu chuyện đơn giản, đặt từ vựng trong bối cảnh, yêu cầu học sinh đọc lớn và tương tác với những gì được học. Những nội dung mà McGuffey phát triển có tác động rất lớn đối với giáo dục trẻ em ở Mỹ và sự hoàn thiện của tài liệu giáo dục hiện đại.

Emma Willard (1787-1870)

Đã có một thời kỳ người Mỹ tin rằng giáo dục đại học chỉ dành cho đàn ông. Phụ nữ được cho là có thể tiếp cận giáo dục ở một mức độ nhất định, thường nghiên cứu về kinh tế gia đình và cách cư xử hơn là toán, khoa học và triết học. Emma Hart Willard chính là người phụ nữ làm thay đổi quan điểm này.

Sinh ra ở Connecticut năm 1787, Emma sớm thể hiện sự xuất chúng. Bà được cha khuyến khích học tập và trở thành giáo viên tại trường mình học vào năm 17 tuổi. 19 tuổi, bà làm hiệu trưởng của một trường khác. Tuy nhiên, do không hài lòng với chương trình giảng dạy, bà tự thành lập trường nội trú để dạy cho các cô gái về lịch sử và khoa học. Sau đó, Emma đã kêu gọi được chính quyền thành Troy tài trợ xây dựng cơ sở giáo dục đại học đầu tiên cho phụ nữ tại Mỹ, mở cửa vào năm 1821. 

Bình đẳng và dân chủ trong giáo dục khi đó còn cách xa, tuy nhiên Emma là người đã bắt đầu ngọn lửa này trong thế kỷ 20. Bà giảng dạy cho phụ nữ ở Mỹ và châu Âu, mở thêm một trường khác dành cho phụ nữ ở Hy Lạp, viết sách giáo khoa về địa lý và lịch sử nước Mỹ cho đến khi qua đời vào năm 1870. 

Trường học được thành lập ở Troy vẫn còn tồn tại đến ngày nay với tên gọi Emma Willard. 

Jaime Escalante (1930-2010)

Trong thập niên 80, Escalante chấp nhận dạy học ở trường Garfield High, một trong những trường có điều kiện thiếu thốn nhất ở Los Angeles. Với môn toán học, ban đầu phong cách giảng dạy cứng rắn, tạo nhiều thách thức của ông vấp phải sự phản kháng của học sinh lẫn chính quyền. Tuy nhiên, theo thời gian, cách tiếp cận này khiến những học sinh bướng bỉnh dần yêu thích môn toán, đỗ kỳ thi AP Giải tích với kết quả cao, ngay cả khiến ông bị nghi ngờ về gian lận trong thi cử. Escalante yêu cầu tổ chức thi lại và vô cùng tự hào khi học sinh của mình hoàn thành xuất sắc.

Năm 1988, Escalante được trao huân chương xuất sắc vì những đóng góp trong giáo dục. Cùng năm này, bộ phim "Stand and Deliver" dựa trên câu chuyện có thật của ông phát hành, trở thành một trong những bộ phim Hollywood cảm động nhất về đề tài nhà giáo.

 

Kim Quy st

 

back to top