Taxi Sài Gòn
Taxi Sài Gòn
Trang Nguyên
Người bạn thời sinh viên kể chuyện Taxi Sài Gòn bây giờ chạy đầy đường phố. Thống kê có hơn hai chục công ty Taxi hoạt động với số lượng chừng trên 4,000 chiếc. Nghe chuyện này xong thì tôi lại thấy lượng xe bao nhiêu đó không nhiều so với số dân tăng gấp bốn năm lần kể từ năm 1975 đến nay. Một tài liệu báo chí cũ ghi nhận, ước lượng taxi Sài Gòn của những năm đầu thập niên 70 có chừng 7,400 chiếc. Số xe taxi tăng vọt là nhờ năm 1968 chương trình hữu sản hoá của chính quyền miền Nam được ban hành cho phép nhập cảng loại xe bốn chỗ Renault, Dauphine Alfa, Datsun, Mazda bán trả góp cho ai muốn hành nghề lái taxi.
Bến xe taxi Citroen Traction trên đường Lê Lai cạnh
ga xe lửa Sài Gòn thời Pháp thuộc – Nguồn: AnhxuaVN
Có lần thằng bạn học rủ tôi ghé qua nhà chơi cho biết. Ngôi nhà nằm trong con hẻm lớn gần chợ Nancy. Ðến nơi tôi thấy chiếc xe hơi nằm trong khoảnh sân bên hông nên cứ tưởng hồi trước nhà bạn giàu có lắm. Bạn kể: “Ông già hồi xưa lái taxi, chiếc Datsun này mua trả góp nhiều năm nhưng đến năm 1975 Sài Gòn sụp đổ nên không còn trả tiền cho ngân hàng nữa. Ông già tiếc của để nằm chết gí trong sân mặc dầu vài người ở đầu hẻm ngỏ ý mua lại tu bổ để chạy mối đưa đón khách ra vô phi trường”. Gia đình bạn chỉ còn hai cha con, bà mẹ mất vì bệnh ung thư hơn mười năm trước đúng vào lúc ông được xét thuộc diện đủ điều kiện mua xe trả góp trong chương trình hữu sản hoá xe lam và xe taxi. Gia đình lâm vào cảnh kẹt tiền nên ông già làm đám bà già đơn sơ rồi đem hỏa táng.
Xe taxi Citroen Traction không có biển hiệu taxi chạy trên con phố
Chợ Lớn khiến nhiều người tưởng xe hơi cá nhân – Ảnh: LIFE
Bạn nói ông già kể rằng không phải ai muốn mua xe hơi để chạy taxi đều được cho mượn tiền dễ dàng. Xe lam tương đối rẻ tiền được ngân hàng cho vay dễ hơn. Việc cho vay mua xe taxi đòi hỏi nhiều điều kiện thế chấp khắt khe hơn nhiều. Có người thế chấp nhà cửa, có người phải có số tiền tiết kiệm trong ngân hàng hơn 50% số tiền mượn mua xe. Xe hiệu Datsun hồi đó không phải là xe giá trị lắm mà đã tới 60 cây vàng. Vàng hồi xưa rẻ nên mua được vì có số tiền tiết kiệm cất trong ngân hàng sau thời gian hơn mười năm ông làm tư chức cho một công ty sản xuất. Ông muốn làm việc tự do không gò bó thời gian để còn có thì giờ chăm sóc cho thằng con “quý tử”.
Ðến nhà chơi mới biết thằng bạn đúng là quý tử. Ông già từ một bác tài taxi trở thành ông lái xe ôm túc trực ở bến xe miền Ðông kiếm tiền nuôi thằng con ăn học. Ở ngăn bếp cuối nhà dựng một bể cá bằng vải nylon dày rộng gần ba mét vuông nuôi trăm con cá trê vàng để cải thiện bữa ăn cho gia đình, chủ yếu là cho thằng con. Mấy lần thằng bạn xin ông già vừa học vừa làm kiếm chút ít tiền phụ giúp nhưng ông nhất định không chịu. Vào được đại học là chuyện khó, cố gắng học hành đến nơi đến chốn để tốt nghiệp tìm kiếm công việc nhẹ nhàng. Bạn kể ổng chỉ cái “ao cá” trong nhà dạy rằng, đầu tư vào chuyện gì cũng có thể lỗ như đám cá nuôi này mà nhiễm bệnh một cái là ngã lăn chết trắng, nhưng đầu tư vào kiến thức thì không bao giờ lỗ vốn cả.
Card Postal chào mừng ngày tư hữu hoá
xe lam và taxi năm 1968 – Nguồn: AnhxuaVN
Nhưng nghiệm lại những lời ba bạn kể thì đâu nhất thiết phải đúng như vậy. Chuyện ba bạn hay nhiều người lái taxi khác nhờ có chiếc xe mà ăn nên làm ra cũng khá nhiều. Bằng chứng là ông chạy xe ôm chỉ kiếm đủ tiền ăn uống mỗi ngày, còn tiền sinh hoạt những chuyện khác nữa, mỗi năm phải bán ra ít vàng để tiêu xài thêm. Nhớ hồi xưa trong xóm tôi từ đầu hẻm lớn đến cuối hẻm nhỏ, chỉ một hai nhà sắm xe hơi riêng nhưng chừng ba bốn nhà có taxi, không rõ là mua đứt hay thuê của chủ. Nhà nào trông bề ngoài cũng khá giả. Mặt tiền tô đá rửa, sàn lát gạch bông, tủ bàn đồ nội thất đều là gõ đỏ. Nhà thằng bạn học hồi đệ thất ở đầu hẻm trên, ba và anh cả của nó đều lái taxi. Nghe đâu gia đình di cư từ miền Bắc vào, mua được mảnh đất gần đất Thánh Chà (nghĩa địa của người Chà Và, Ấn Ðộ). Cả nhà sống nhờ chiếc taxi của Pháp hiệu Citroën Traction, rồi sau này khá lên thay thế bằng hai chiếc Renault. Ông già lái một chiếc, ông anh cưới vợ, tậu thêm một chiếc taxi ra riêng, cất ngôi nhà gạch khang trang bên cạnh.
Hồi đó, tôi thường hay nghe người lớn nói “Sài Gòn hòn ngọc Viễn Ðông”. Lúc đó tôi chẳng hiểu gì hết. Sau này, khi nhìn những tấm ảnh tư liệu Sài Gòn xưa thời Pháp thuộc, thấy loại xe Citroën Traction chạy đầy trên đường giống như các cảnh trong phim Bến Thượng Hải thì chỉ nghĩ đơn giản là Bến Thành Sài Gòn thuở thập niên 40 khi ấy đã phồn thịnh đâu thua gì xứ người. Nhưng thực ra nơi nào lại không có người giàu kẻ nghèo. Xe Citroën Traction cũng chỉ là taxi của những người lái thuê cho chủ chạy rong trên đường kiếm khách hay có khi đậu hàng dài tại bến xe nào đó trên đường Lê Lai (Budonnet), Tự Do (Catinat), Nguyễn Huệ (Charner) Trần Hưng Ðạo (Galliéni)… chờ khách gọi đi. Khách đi taxi đa phần là người trung lưu nhưng không phải vì thế mà không hỏi giá tiền cho một cuốc xe đi Gò Vấp hay Chợ Lớn để khỏi phải bị bác tài ăn gian. Taxi không có giá quy định nên tài xế thường trông mặt khách mà ra giá. Người nhà quê lên thành phố đi taxi thường hay kỳ kèo giá cả.
Xe taxi trên đường phố còn nhiều hơn xe hơi hồi thập niên 60 – Nguồn: AnhxuaVN
Sau này, xe hơi Sài Gòn nhập cảng nhiều hơn nhưng xem ra cũng không vượt qua con số taxi chạy trên đường phố. Taxi Sài Gòn thời Pháp không có gắn đèn hiệu trên mui hay biển sơn dòng chữ taxi bên hông xe nên nhiều người cứ tưởng là xe hơi cá nhân vi vu trên phố. Ðến đầu thập niên 60, luật giao thông quy định, taxi phải sơn hai màu, nửa phần trên màu ngà nửa phần dưới màu xanh dương, gắn đồng hồ tính tiền, có số biển hiệu rõ ràng. Do đó, mới có chuyện ông nội thằng bạn học kể trên, từ Cần Thơ khăn gói lên thăm thôi nôi thằng cháu, xuống bến xe, đi bộ ra đường cái, giơ tay ngoắc, miệng kêu taxi mà chẳng xe nào chịu dừng. Ðến lúc ba bạn sắm được taxi thì ông nội chẳng còn nữa.
Chương trình hữu sản hóa xe lam và xe taxi giúp cho nhiều người cải thiện kinh tế gia đình và phát triển giao thông công cộng, trong lúc hoạt động xe buýt lại không hiệu quả ở một đô thị hơn hai triệu dân. Một số công chức ăn lương nhà nước cũng xin mua được xe trả góp để cho người nhà lái taxi nhưng lại thuê người khác lái. Tài xế chạy thuê, trừ tiền thuê mướn mỗi ngày, kiếm cũng dư ba bữa ăn cho cả gia đình.
Taxi hiệu Renault 2CV trên một con phố Sài Gòn – Ảnh: Jerry Bosworth
Ông Tám ở con hẻm ngang trước hẻm nhà tôi hồi trước chạy xe ba gác máy chở đồ la-ghim cho các bà bán ở chợ. Ðến năm 1972, ông thuê xe taxi của chủ nhưng được mang xe về để ở sân nhà vì nhà chủ không có chỗ đậu xe. Hàng xóm cứ tưởng ông chạy ba gác máy lên hương đổi đời thành ông Tám Taxi. Rồi ông cũng làm chủ của chiếc xe sau khi người chủ di tản ra nước ngoài. Chiếc taxi Renault nằm ì trong sân nhà suốt nhiều năm, muốn bán đi chẳng được vì không có giấy tờ. Tự dưng một ngày có người lại nhà năn nỉ ông bán chiếc xe với giá vài ba cây vàng mà chẳng cần làm giấy tờ chi cả. Ông Tám trút được của nợ, lại có tiền sửa chữa cái nhà.
Khác với xe lam còn hoạt động một thời gian dài sau năm 1975, nhiều người bảo xe taxi biến khỏi Sài Gòn một cách khó hiểu. Chẳng có gì khó hiểu. Thiếu thốn xăng dầu, xe taxi lưu lạc khắp nơi. Xe các hiệu Dauphine Alfa, Datsun, Mazda còn lại ở Sài Gòn khi đó lại được khoác chiếc áo mới thành xe du lịch bình thường, chạy “dù” đưa đón khách có nhu cầu đi xe hơi. Còn taxi đời cũ như Renault 2CV trở thành món hàng quý cho những ai thích sưu tầm xe cổ. Chuyện sưu tầm xe Taxi Sài Gòn xưa là sở thích của số ít người muốn lưu giữ hình ảnh của một trong những phương tiện giao thông công cộng một thời của ngày trước.
Ðó là một nét đẹp văn hóa bảo tồn hình ảnh phát triển giao thông của một thành phố. Xe taxi liên tục phát triển qua nhiều giai đoạn, gắn chặt hình ảnh riêng biệt của mình song song với các loại xe vận chuyển công cộng khác. Lái taxi là một nghề dễ kiếm sống, nhất là ở các đô thị đang phát triển với nhu cầu đi lại của khách từ nơi khác đến hay khách tại chỗ rất đông. Hành khách đông, tất nhiên sự cạnh tranh kinh doanh là điều không tránh khỏi. Taxi Uber từng bị taxi truyền thống chỉ trích không chỉ tại Sài Gòn mà còn nhiều thành phố khác trên thế giới. Giá rẻ, sử dụng công nghệ, tiếp cận nhanh là điều khách đi xe ai cũng thích.
Hồng Anh st ∙∙∙∙∙·▫▫ᵒᴼᵒ▫ₒₒ▫ᵒᴼᵒ▫ₒₒ▫ᵒᴼᵒ