Động, tĩnh trong thế giới Origami – Đinh Trường Giang
Động,tĩnh trong thế giới Origami
Đinh Trường Giang
Nếu bạn đã quen nhìn những tác phẩm xếp hình bằng giấy sinh động, ba chiều, tỉ mỉ với nhiều nếp gấp phức tạp khéo léo, bạn hẳn ngạc nhiên và xúc động khi bắt gặp những tác phẩm giấy xếp Origami của Đinh Trường Giang. Chúng tao nhã, giản dị, độc đáo và đầy tính sáng tạo nhưng không kém phần sinh động. Càng ngắm, bạn càng khám phá ra chiều sâu ấp ủ của chúng chan chứa tính nhân bản trong mối liên hệ giữa con người, vạn vật và thần linh.
Flowing Nude, 35.5cm(chiều dài/ngang)x18 cm( chiều sâu)x42cm(chiều cao),
giấy vẽ màu nước Arches.
Ðiểm đặc biệt nổi bật trong tác phẩm của anh là sự đơn giản và thanh nhã. Anh tạo ra các mẫu đơn giản, trừu tượng, ít nét mà vẫn lột được cái thần của vật muốn xếp. Dejan Stojanovic có nói “Kỹ năng phức tạp nhất là phải đơn giản.” Steve Jobs cũng đồng ý với điều này “Ðơn giản có thể được coi là khó hơn so với phức tạp. Muốn cho những nghĩ suy của bạn đơn giản hơn, bạn phải làm việc cật lực lắm. Tuy nhiên một khi bạn đạt được điều đó, cái giá trị cuối cùng của nó là, bạn có thể di chuyển được núi non.”
Khi bạn nhìn vào một tác phẩm của anh, như tác phẩm N1, chỉ với một mảnh giấy mà anh tạo nên một hình thể bạn có thể đoán ra nhiều hình tượng khác nhau, khi bạn ngắm nó dưới nhiều góc độ. Một dải khăn lụa, một tấm lưng cong của thiếu nữ đang ngồi xõa tóc, tùy bạn. Nó như một tác phẩm điêu khắc phóng lớn trưng bày ở các công viên, trong khuôn viên đại học hay trước sân một viện bảo tàng. Sắc trắng thuần khiết của giấy đưa tâm hồn con người trầm và lắng xuống vào một trạng thái tĩnh. Những nếp gấp tạo chiều sâu và bóng tối khiến hình thể chợt sinh động hẳn lên như một động lực đưa cái tâm con người trở về nguồn cội của mình. Bạn đã bước vào thiền khi xem, y như tác giả đã bước vào thiền khi tạo tác vậy.
Dưới mắt nhìn của tôi, trong tác phẩm này anh đã cho ta xem hình ảnh vòng tròn luân chuyển huyền nhiệm, thiêng liêng của một phụ nữ từ thời thiếu nữ mang thai, sinh con, đứa con lớn lên cùng mẹ và khi trưởng thành thiếu nữ chính là cái bóng của bà mẹ hay bà mẹ đã ngã xuống để đi vào cõi vô cùng.
Đinh Trường Giang sinh năm 1966 tại Huế. Anh từng là sinh viên Đại học Kiến trúc TP HCM trước khi cùng gia đình sang Mỹ định cư năm 1989. Anh tiếp tục theo đuổi ngành kiến trúc và tốt nghiệp tại CUA (Washington DC) năm 1993. Năm 2008 bỏ làm cho một hãng kiến trúc lớn tại Washington DC để cùng các bạn mở văn phòng kiến trúc tại tiểu bang Maryland. Anh sáng tác Origami từ năm 1998. Từng dự nhiều buổi triển lãm về Origami tại Hoa Kỳ, Áo, Tây Ban Nha, Pháp, Do Thái, Đài Loan…
Đinh Trường Giang
Trịnh Thanh Thủy (TTT): Xin cho biết anh bước vào nghệ thuật xếp giấy Origami như thế nào?
Ðinh Trường Giang (ÐTG): Khi còn học lớp 2 hay 3, ba me có mua cho sách xếp giấy, lúc đó đã thích xếp những con thú trong sách. Sau 1975, mất tất cả. Chỉ còn nhớ vài mẫu đơn giản. 1996, 3 năm sau khi ra trường kiến trúc ở Mỹ, trong một lần đi tiệm sách, tình cờ thấy lại quyển sách mà ba me đã mua cho mình hồi nhỏ, nhìn hình là nhớ lại ngay. Như gặp lại một người bạn xưa. Từ đó chơi với giấy và tìm hiểu thêm về Origami. 1998 bắt đầu sáng tác cho đến nay.
TTT: Anh bắt đầu một tác phẩm ra sao, ý tưởng trước, bản phác hoạ, vật liệu thích hợp? Và tới khi hoàn thành nó mất thời gian bao lâu?
ÐTG: Tác phẩm bắt đầu từ ý tưởng. Có khi bất chợt. Có khi đã ở trong tiềm thức từ rất lâu. Có khi muốn thực hiện một ý có trong đầu. Có khi chơi với giấy rồi thấy ra những hình ảnh khác. Mình xếp giấy nhưng đôi khi giấy cũng dẫn dắt mình. Thường thì phác họa bằng giấy thường hay khổ nhỏ trước khi xếp lớn hơn. Ðôi khi phác thảo nhanh lại có những nét ưng ý, khó bắt lại được khi xếp lần 2.
Thời gian? Tùy tác phẩm, tùy cảm hứng, tùy… giấy. Thường thì xếp xong, để đó vài ngày xem lại, có thể chỉnh sửa cho đến khi ưng ý, hoặc chưa thích thì xếp lại cái khác.
Chị hỏi “bao lâu”, nhớ có lần ở Nhật, nghe một tay xếp hỏi Eric Joisel (nghệ sỹ origami Pháp) mất bao lâu để hoàn thành chú thiên nga “đơn giản”, Eric trả lời “30 năm” 30 năm chơi với giấy, một nếp vuốt giấy thấy đơn giản trong 1 giây là kết quả của từng đó năm :). Trong câu giỡn chơi có phần sự thật.
TTT: Tôi thấy anh dùng nhiều loại giấy khác nhau, đôi khi tình cờ là giấy gói cà phê hay khăn giấy ở Starbucks để hoàn thành một vật mẫu. Loại giấy thích hợp anh hay dùng là loại nào? Với những loại giấy không thích hợp để làm, anh sẽ phải dùng cách gì để giúp vật mẫu trở nên một tác phẩm toàn hảo?
ÐTG: Giấy gì cũng có thể xếp được, nhưng dĩ nhiên để có tác phẩm giữ dạng lâu dài hay gởi đi triển lãm thì lựa chọn giấy rất quan trọng.
Những tác phẩm dùng giấy napkin làm ướt bằng trà và cà phê vẫn giữ dạng tốt sau nhiều năm (có thể dùng fixative để xịt lên một lớp mỏng nếu muốn). Giấy dĩ nhiên chịu tác động của độ ẩm, nhưng nếu bảo quản trong môi trường tốt hoặc dùng giấy dày với kỹ thuật xếp ướt sẽ không/ít bị biến dạng.
Loại giấy tôi sử dụng chính là giấy vẽ màu nước hay giấy dày làm bằng tay, thích hợp với kỹ thuật xếp ướt.
Bò rừng Bison, 41cm Chiều ngang x 23cm chiều cao, giấy làm bằng tay.
TTT: Màu trắng và sự giản dị được dùng nhiều trong tác phẩm của anh, anh có thể giải thích lý do không?
ÐTG: Tôi thích sự đơn giản, thích câu nói của Saint-Exupéry “sự hoàn hảo được đạt đến không phải khi không còn gì để thêm vào, mà khi không còn gì để bớt đi “.
Với tác phẩm dùng giấy một màu, chủ yếu là màu trắng của giấy vẽ màu nước, tôi muốn người xem chú tâm vào hình khối và bóng đổ mà không bị phân tâm bởi màu sắc hay các chi tiết trang trí của giấy.
Sự giản dị của tác phẩm cũng giúp chính mình dễ thấy những lỗi cần sửa, vì so với một tác phẩm phức tạp, một nếp nhăn hay gãy của giấy mình không thích trong một tác phẩm đơn giản sẽ lộ ra rõ ràng. Cái “tưởng chừng như đơn giản” nhiều khi lại không đơn giản
Màu trắng và sự giản dị cũng phù hợp với điều mà tôi muốn đạt đến: tối giản và trang nhã.
TTT: Là một kiến trúc sư, theo anh kỹ nghệ hoạ có ảnh hưởng và liên kết nào với một tác phẩm Origami của anh không? Hình thể rất quan trọng với một tác phẩm Origami, khi sáng tác, anh sử dụng những vòng tròn, vuông, tam giác hay chữ nhật của hình học như thế nào trong vật mẫu?
ÐTG: Học kiến trúc giúp nhìn vật thể 3 chiều, chú trọng hình khối, tỷ lệ, độ tương phản… nên cũng giúp cho sáng tác. Tuy nhiên trong các tác phẩm của tôi, người xem hiếm khi thấy bóng dáng của hình học căn bản hoàn hảo, như chị nhắc đến hình tròn, vuông, tam giác. Thay vào đó là những đường cong nương theo chiều giấy. Có lẽ người xem khi nghe “kiến trúc sư” thì nghĩ sáng tác một cách khoa học, xếp theo kiểu hình học nhiều…
Cách xếp giấy ngẫu hứng dựa vào cảm tính của tôi có thể nói là phản khoa học
TTT: Tôi có theo dõi tiểu sử (ÐTG là con trai của hoạ sĩ Ðinh Cường) và quá trình sáng tác của anh. Theo tôi, những sáng tác của anh là một kết hợp tinh túy của nhiều kiến thức anh có từ hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc và thơ ca (Haiku) cũng như văn hóa Ðông Phương của thiền tông trong Phật Giáo nữa? Xin anh cho biết về những ảnh hưởng có được của anh trong các tác phẩm.
ÐTG: Cảm hứng sáng tác đến từ nhiều nguồn, từ hội họa, điêu khắc, văn thơ, âm nhạc, phim ảnh…tôi thích sự tối giản và mạnh mẽ của những bức tranh thiền, sự cô đọng sâu lắng của những bài thơ thiền và Haiku, thích tác phẩm điêu khắc của Constantin Brancusi và Henry Moore, thích sự thơ mộng trong tranh Marc Chagall…’
Phật 25cm chiều ngang x32cm chiều cao, giấy vẽ màu nước Arches.
Ba là họa sĩ nên chúng tôi sống gần cọ, màu và tranh cũng như sách hội họa, điêu khắc từ nhỏ. Tuy ba chưa bao giờ dạy các con vẽ và hiếm khi góp ý phê bình sáng tác của con (cứ để phát triển tự nhiên), tôi đã học được rất nhiều khi nhìn ba mình vẽ. Từ khi chơi với giấy thì ít thời gian dành cho cọ và màu (hi vọng tương lai sẽ có thời gian quay lại). Mọi người thường bảo tài (nếu có một chút) là thừa hưởng của ba – điều đó không sai vì chắc cũng có gene. Nhưng nền tảng văn hóa của tôi chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ me. Nhờ me mà tôi biết thêm về thơ, văn, âm nhạc, phim ảnh cổ điển .
Dreamdance
TTT: Những nghệ sĩ Origami bậc thầy đã ảnh hưởng anh ?
ÐTG: Người đầu tiên gây ấn tượng mạnh về “thổi hồn vào giấy” là Akira Yoshizawa (1911-2005). Ông cũng là người tiên phong sử dụng kỹ thuật xếp ướt. Ngoài ra tôi thích sự đơn giản và cách điệu của Kunihiko Kasahara.
Các tác phẩm của Eric Joisel (1956-2010), Vincent Floderer, Jean Claude Correa (1945-2016 ) – 3 nghệ sĩ Origami Pháp có phong cách rất khác với tôi – cũng để lại ấn tượng mạnh. Hiện nay cũng có nhiều tay xếp mà tôi yêu thích, nhưng không kể hết ra được.
TTT: Anh có kế hoạch gì trong tương lai cho hoạt động trong nghệ thuật xếp giấy Origami không? Phát triển nó trong một quy mô rộng chẳng hạn?
ÐTG: Tương lai sẽ xếp tác phẩm khổ lớn hơn (khi nói đến Origami, người ta thường nghĩ đến những tác phẩm nhỏ), tham gia thêm nhiều triển lãm với mong muốn thay đổi cách nhìn của đại chúng về Origami (phần lớn vẫn cho xếp giấy là một môn thủ công chứ không phải nghệ thuật có thể sánh ngang với điêu khắc sử dụng các chất liệu khác). Cũng mong có ngày sẽ đúc các tượng kim loại tỷ lệ lớn từ tác phẩm xếp giấy. Có nhiều người hỏi về in sách, nhưng cần thêm nhiều thời gian để có một quyển sách như ý mình.
Một mẫu Origami trong Dự Án tương lai
Ngọc Lan st