Bài viết nhân kỷ niệm 16 năm ngày Trịnh Công Sơn tạ thế (1/4/2001- 1/4/2017) nêu lên một góc nhìn khác về gia tài âm nhạc của TCS. Từ góc nhìn này sẽ có thể góp phần nhận diện mảng ca khúc rất đồ sộ của TCS mà trước nay thường được gọi là “ca khúc phản chiến” mà tác giả gọi chung là những bài ca ý thức: ý thức về quê hương và về thân phận con người trong một hoàn cảnh bi thương.…Tác giả Đòan Xuân Kiên viết : “…nếu chỉ là một ngôn ngữ mới thôi thì cũng chưa hẳn đã đủ để trở thành một Trịnh Công Sơn như thế. Các ca khúc của anh còn mang đậm tính cách đại biểu cho những tâm cảnh của một thế hệ…”
1 Tháng Tư 2001 là ngày Trịnh Công Sơn từ giã chúng ta. Từ bấy đến nay, giới văn hoá trong nước và hải ngoại đều đã dành cho anh những truy niệm thật trân trọng. Các tạp chí đứng đắn đều đã ra số đặc biệt về Trịnh Công Sơn với nhiều hồi ức bè bạn của một lứa thanh niên trí thức lớn lên cùng với anh, cùng chia sẻ những tâm tình buồn vui của thế hệ. Đáng kể là một vài tập biên khảo giá trị về Trịnh Công Sơn cũng đã ra đời góp phần tìm hiểu về người nhạc sĩ tài danh. Mặc dầu vậy, Trịnh Công Sơn vẫn như một ẩn số nghệ thuật thách đố người thưởng ngoạn qua nhiều thế hệ.
Trước năm 1963, Trịnh Công Sơn đã có hai bài hát được công chúng biết đến (Ướt Mi và Thương Một Người). Nhưng có thể nói là năm 1963 đánh dấu cho sự xuất hiện của “hiện tượng Trịnh Công Sơn”. Ở miền trung, học sinh trường trung học Đà Nẵng và Huế đã chuyền tay những bài hát của Trịnh Công Sơn như Nhìn những mùa thu đi, Lời buồn thánh, Chiều một mình qua phố… Từ lời hát đến giai điệu là những dấu hiệu mới, rất mới đối với thế hệ mới lớn lúc đó. Sinh hoạt văn nghệ những năm 1960 đã nghiễm nhiên hình thành một thời mới với những diễn đàn văn học nghệ thuật mới như Sáng Tạo, Văn Nghệ. Song hành với sinh hoạt văn học nghệ thuật là những diễn đàn học thuật như tạp chí Đại Học (Huế) và Thế Kỷ Hai Mươi, Mai (Sài Gòn). Không khí chung là một sự vươn tìm một ngôn ngữ mới cho văn học nghệ thuật mà cốt lõi là sự vượt thoát khỏi thế hệ “văn nghệ tiền chiến”. Thành tựu lớn của văn nghệ ở giai đoạn này chính là sự hình thành một ngôn ngữ mới cho văn nghệ “hậu chiến”. Ngôn ngữ thơ – nói riêng – và văn học – nói chung- đã thay đổi : một thế hệ thanh niên trí thức say mê lao vào cuộc tìm kiếm ngôn ngữ mới cho thơ, văn. Ngôn ngữ thơ tượng trưng, siêu thực, hội hoạ trừu tượng, tiểu thuyết mới… tất cả đều quyện vào nhau làm thành một tư trào văn nghệ mới tại miền Nam lúc bấy giờ.
Trong khung cảnh chung ấy, ngôn ngữ âm nhạc những năm đầu của thập niên 1960 chừng như vẫn tiếp tục con đường cũ, như thể vẫn nối dài một thế hệ âm nhạc tiền chiến. Bởi vì thật ra thế hệ nhạc sĩ thời ấy vẫn là những người đã khởi đầu sự nghiệp họ từ thời tiền chiến mà thôi. Cho nên những bài hát của Trịnh Công Sơn đã sớm trở thành “hiện tượng” trong sinh hoạt văn nghệ miền Nam, bắt đầu là từ những thành phố miền trung (Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn) rồi nhanh chóng bay vào Sài Gòn. Trong vòng hai năm 1965 và 1966, Trịnh Công Sơn đã ra mắt công chúng nghệ thuật Sài Gòn tại sân cỏ trường Văn Khoa, rồi Quán Văn. Rất mau chóng, thế hệ trẻ đã đón nhận anh như một đại biểu cho hế hệ của mình, vì anh đã hát lên những tiếng hát mới, bằng một ngôn ngữ rất mới trong âm nhạc thuở ấy. Một dấu mốc lớn trong sự nghiệp sáng tác Trịnh Công Sơn là sự xuất hiện tập ca khúc Ca Khúc Trịnh Công Sơn (nxb. An Tiêm, 1966). Những bài hát trong tập ca khúc này được xếp đặt xoay quanh bốn chủ đề: “Thần Thoại – Quê Hương – Tình Yêu – Thân Phận”. Từ đây, ca khúc của trịnh Công Sơn sẽ nhất quán xuyên suốt quanh những chủ đề này.
Nhiều người đã nói đến chất thơ trong lời ca của Trịnh Công Sơn. Chất thơ ấy là tổng hợp của những hình tượng thơ và cấu trúc từ vựng tân kì mà Trịnh Công Sơn đã tiếp thu từ ngôn ngữ văn học nghệ thuật Pháp hiện đại. Ngôn ngữ trong lời hát như thế không chỉ là thứ ngôn từ quen thuộc của văn học thế hệ Thơ Mới (1932-1945) trước kia. Cho nên muốn cảm được, muốn hiểu được tính cách ngôn ngữ lời ca của Trịnh Công Sơn thì cần phải có một số vốn văn học phương tây hiện đại.
Tuy nhiên, nếu chỉ là một ngôn ngữ mới thôi thì cũng chưa hẳn đã đủ để trở thành một Trịnh Công Sơn như thế. Các ca khúc của anh còn mang đậm tính cách đại biểu cho những tâm cảnh của một thế hệ. Thế hệ lớn lên sau 1954 tại miền Nam sớm tiếp nhận những tư trào triết học và văn học nghệ thuật tây phương đương thời: triết hiện sinh, thơ và hội hoạ trừu tượng, đa đa, siêu thực, tư trào chủ nghĩa cấu trúc, tiểu thuyết mới, rồi triết lí thiền Phật giáo… Những tư trào đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến lối sống lối nghĩ của một thế hệ. Ai đó đã nói rất đúng, rằng “Sơn hát với những ưu tư thầm kín nhất của tuổi hai muơi chúng tôi, với những tư duy của thế hệ trẻ chúng tôi và với một cách dặt vấn đề – biệt ngữ của phong trào học triết học siêu hình thời ấy – khác với những nguời nhạc sĩ di truớc.” (1) Về mặt này, Trịnh Công Sơn có thể xem là một thành tựu văn hoá của thế hệ những người làm văn nghệ những năm 1970.
Thế hệ thanh niên ấy cùng lớn lên, cùng chạm mặt với cuộc chiến tranh mới đã trở thành ác liệt kể từ sau năm 1963. Những tâm tình nhiều trăn trở dằn vặt của một thế hệ thanh niên miền Nam đã phả vào từng bài hát của Trịnh Công Sơn. Anh nghiễm nhiên trở thành một đại biểu hàng đầu cuả thế hệ trí thức Việt Nam trong thời chiến tranh vừa qua.
Nói đến tâm tình của một thế hệ trong thời chiến tranh vừa qua, không thể không nhắc đến những bài hát của Trịnh Công Sơn mà các nhà bình luận thường gọi là “nhạc phản chiến”. Cách gọi tên này mang hậu ý chính trị và không phản ảnh đúng những nội dung và chủ định của người nhạc sĩ này. Trong số mấy tập bài hát mang tên Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam, Ta Phải Thấy Mặt Trời, Phụ Khúc Da Vàng ra đời liên tiếp từ những năm 1967 đến năm 1974, chúng ta chỉ thấy những diễn biến tâm tình rất thực của một lớp thanh niên trí thức vào lúc ấy. Đó là những tiếng hát xuất phát từ đáy lòng thầm kín của mỗi chúng ta trước thời thế, chứ không phải là những tiếng hát sặc mùi “hô khẩu hiệu” như rất nhiều bài hát của phong trào phản chiến, hay phong trào “hát cho dân tôi nghe” lúc đó. Nó mang nhiều màu sắc trầm tư, thậm chí siêu hình. Về mặt nghệ thuật ca khúc thì mảng bài hát này rất phong phú về cấu thức câu nhạc: câu nhạc thường dài, giai điệu của những bài hát thường có hai thể chính: những khúc hát trầm tư (như bài “Phúc âm buồn” hay “Vết lăn trầm”) thường là những khúc blues não nuột; những bài khác theo thể hành khúc thì lại đậm tính cách dân tộc (âm hưởng ngũ cung), tạo nên dáng vẻ độc đáo của hành ca Trịnh Công Sơn trong mảng những bài ca thời thế này.
Trịnh Công Sơn đã sáng tác liên tục trong non bốn thập niên, nhưng thời sung sức nhất của anh là trong hai thập niên 60 và 70. Đó là thời kì nằm gọn trong một thời chiến. Những bài hát của anh đã gói ghém những tâm sự của thế hệ. Rồi ra, khi những xúc động và những thành kiến của một thời sẽ lắng xuống, sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn sẽ tái hiện trong tâm khảm người thưởng ngoạn như là một tổng thể những tâm cảnh của một thế hệ lớn lên trong một thời giông bão, ở đó có những khắc khoải thao thức về thời thế, những ước vọng thầm kín hay những tiếng nói phẫn nộ của tâm thức về thân phận riêng chung… Những tâm cảnh đó mang sắc thái rất khác với những thế hệ đi trước, mà sẽ đẫm tính cách nội tâm. Nói khác đi, tác phẩm của anh sẽ tồn tại như một tổng hợp hai mảng ca khúc quyện hoà vào nhau:
- Những khúc hát tâm tình thường mang sắc màu nhợt nhạt, tàn phai đổ vỡ, những khúc điệu blues vật vã trong tập Ca Khúc Trịnh Công Sơn (1966) hay những giai điệu trữ tình thường chỉ đơn giản về khúc điệu nhưng lại có lời ca rất giàu hình tượng mới mẻ. Đó là giai đoạn của những ca khúc trong các tập ca khúc Như cánh vạc bay và Cỏ xót xa đưa. Về sau, mảng những bài hát tâm tình này sẽ trườn về cõi an nhiên thanh thoát của cõi thiền để tạo nên những ca khúc rất đặc sắc. Đó là những ca khúc trong hai tập Khói trời mênh mông và Tự tình khúc (1973);
- Những bài hát mà chúng ta có thể gọi chung là những “bài ca ý thức” của anh là những bài hát sâu sắc về ý nghĩa, phong phú về tính cách âm nhạc dân tộc. Những ca khúc này được in lần lượt trong các tuyển tập Ca Khúc Da Vàng (1967), Kinh Việt Nam (1968), Dựng Lại Nhà Dựng Lại Người (1970), Ta Phải Thấy Mặt Trời (1971), Phụ Khúc Da Vàng (1972).
Sinh thời, Trịnh Công Sơn đã trải qua trọn một bi kịch của người nghệ sĩ trong một thời thế mà chính trị đã rất tham lam, chỉ muốn chỉ huy văn hoá. Trong thời thế đó, Trịnh Công Sơn đã hát về tâm tình trung thực của mình và của thế hệ mình. Thế lực chính trị ở cả hai miền trước 1975 đều không chấp nhận những tiếng hát của lương tâm như thế. Đó là lý do vì sao sau 1975, mảng bài ca ý thức của Trịnh Công Sơn không được phép lưu hành. Một số khá nhiều những bài hát đó vẫn có thể rất “thời sự” ngay lúc này (hãy hát lại thử một bài như “Huế Sài gòn Hà nội” hay “Chưa mòn giấc mơ”, có phải nó vẫn là một ước vọng rất đương thời hay không? Có phải hôm nay đây, chúng ta vẫn còn là những “Vết lăn trầm” hay không? Có phải bây giờ đây đời sống Việt Nam vẫn còn là “Phúc âm buồn”, và có phải “Gia tài của mẹ” vẫn còn những lũ bội tình hay không?) Một nghịch lí khó hiểu là hiện nay lượng bài hài hát của trịnh Công Sơn được phổ biến trong công chúng chỉ là một nửa những nội dung lớn của ca khúc TCS, trong khi một nửa kia, nửa của những ca khúc khơi dậy ý thức về quê hương, về thân phận thì vẫn còn trong vòng phổ biến rất hạn hẹp -nếu không nói là bị khuất lấp. Đấy vẫn chưa phải là một cách nhìn nhận đúng đắn chỗ đứng của người nhạc sĩ tài hoa này.
Anh đã thung dung từ giã cõi vô thường ngày 1-4-2001, nhưng đối với chúng ta – ít ra cũng là đối với một thế hệ văn học nghệ thuật Việt Nam tại miền Nam từ 1963 trở về sau – anh vẫn còn đấy, lừng lững một vóc dáng con nhạn lẻ “bên đời hiu quạnh”, vẫn “một cõi đi về”. Anh vẫn còn quanh đây để chia sẻ những băn khoăn trăn trở của thế hệ về thân phận bi kịch. Bi kịch của thân phận người nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn xem ra cũng nhiều đau xót như thân phận dân tộc chúng ta khi bước qua ngưỡng cửa của thế kỉ hôm nay đấy chăng?
Đoàn Xuân Kiên
Ngọc Lang sưu tầm