TRẦU CAU
TRẦU CAU
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
Nói đến nước Văn Lang ngày xưa là nói đến tục nhuộm răng, xâm mình và ăn trầu. Cư dân xứ Văn Lang sống bằng nghề chài lưới nên rất sợ các loài thủy quái quấy phá. Vì vậy họ phải xâm mình cho các giống động vật sống dưới nước lầm tưởng đồng loại để không quấy nhiễu. Trên đầu thuyền có vẽ hai con mắt to cho các loài thủy quái kiêng dè mà tránh xa vì tưởng đó là một loài thủy quái khổng lồ có thân mộc cứng như đá với cặp mắt to và đen ngòm đang nhìn vào chúng.
Một tục khác phân biệt người Việt cổ với người Trung Hoa là tục ăn trầu. Các nhà nghiên cứu cho thấy tục ăn trầu không được tìm thấy ở phía bắc vĩ tuyến 25.
Tục nhuộm răng, xâm mình và tục ăn trầu được tìm thấy các nước Nam Á và hải đảo Thái Bình Dương. Người Nhật cũng có tục nhuộm răng từ lâu. Họ gọi tục nhuộm răng là Ohaguro. Đến năm 1870 chánh phủ canh tân thời Meiji (Minh Tri) ra lịnh bãi bỏ tục này. Cho đến năm 1938, 80% phụ nữ ở nông thôn miền Bắc Việt Nam vẫn còn nhuộm răng đen. Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Mã Lai là những nước trồng trầu, cau, tiêu thụ và xuất nhập cảng nhiều trầu và cau trên thế giới. Ăn trầu thì phải có cau, vôi và thuốc xỉa. Nói là ‘ăn trầu’, người ‘ăn trầu’ có nhai lá trầu têm với vôi và hột cau tươi hay cau khô ngâm nước cho mềm, nhưng không có nuốt xác lá trầu nhai nát với hột cau và vôi.
Trầu và cau là hai loại thảo mộc không ăn được nhưng có một vị trí rất đặc biệt trong đời sống của các dân tộc ăn trầu và nói riêng trong xã hội Việt Nam. Trầu là phương tiện giao tế xã hội của người xưa nên có câu:
Miếng trầu là đầu câu chuyện.
Trầu cau được dùng trong lễ hỏi và lễ cưới ở Việt Nam.
Trong đức tin Ấn Giáo người ta dùng trầu cau trong nghi lễ tế thần. Người Ấn Độ gọi trầu là Paan. Lá trầu là nơi nữ Thần phú quí Laskshmi ngụ. Tín đồ Ấn Giáo tin rằng đầu lá trầu là nơi ngụ của Thần Indra và Shukra; giữa lá trầu là nơi ngụ của nữ Thần Saraswati; mặt dưới của lá trầu là nơi ngụ của nữ Thần Mahalakshmi và trong lá trầu là nơi ngụ của Thần Vishnu. Trên, dưới, bên phải và bên trái của lá trầu đều có Thần ngụ.
Trong Ấn Giáo người ta xem Supari tức hột cau, phần mềm màu đỏ hình tròn trong trái cau, tượng trưng cho 09 hành tinh dưới dạng Thần Brahma, Surya v.v.
Nhìn chung các dân tộc Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Khmer, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia đều ăn trầu và dùng trầu cau trong lễ cưới và nghi lễ tế Thần. Trong bài này chúng tôi sẽ nói qua về Trầu và Cau và vị trí của trầu cau trong đời sống của các dân tộc ăn trầu và nói riêng trong đời sống của người Việt Nam.
Trầu không là một loại dây ở miền nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á. Nó cũng được tìm thấy trên các hải đảo Thái Bình Dương, quần đảo trong biển Caribbean và Phi Châu nhiệt đới.
Trầu là thân thuộc ‘uy tín’ của họ tiêu, lá lốt, rau càng cua, thuộc gia đình Piperaceae. Tên khoa học của trầu là Piper betle. Tên Hán- Việt của dây trầu là Phù Viên. Người Anh gọi trầu là betel, betel pepper, betel vine, betel leaf vine; Ấn Độ: Paan; tiếng Sanskrit (Phạn): nagavalli; Khmer: maluu; Thái: Plue.
Trầu được trồng bằng dây trầu già có mắt cứng. Trồng trầu phải có cây nọc cho dây trầu leo để tìm ánh sáng mặt trời. Từ đó có chữ ‘nọc trầu’. Nọc trầu thường là cây so đũa (Sesbania grandiflora), cây điên điển (Sesbania sesban), cây vông nem (Erythrina variegata) hay cây chùm ngây (Moringa oleifera).
Dây trầu dài từ 5 đến 10 m. Lá trầu hình trái tim màu xanh sẫm, xanh- vàng nhạt hay vàng tươi. Dây trầu không có hoa hay trái. Người ta trồng để lấy lá dùng để ăn trầu, dùng trong hôn lễ hay nghi lễ tôn giáo. Trầu cần đất màu mỡ và cần được tưới nước hàng ngày. Phân bón cho trầu có thể là phân chuồng, phân gà, phân dê (ở Ấn Độ), phân bánh dầu, urea, phosphate, potash, keserite.
Ở Việt Nam trầu ngon là trầu Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) và trầu Tân Triều (Biên Hòa. Đó là loại trầu vàng. Ở các nước Nam Á hay Đông Nam Á khác người ta thích ăn trầu lá xanh có vị cay nồng hơn trầu vàng.
Các loại trầu hiện hữu ở Việt Nam là:
- trầu bai tức trầu Tân Triều và trầu vàng Bà Điểm đôi khi còn được gọi là trầu Sài Gòn.
- trầu xà lẹt là trầu lá xanh và dày rất cay.
- trầu rừng là trầu hoang mọc trong rừng, lá nhỏ như lá tiêu.
- trầu sóc vinh lá dày màu xanh sẫm đen.
Người ta ăn trầu với hột cau và vôi nhai cho đến khi xác trầu và cau bị nghiền nát hòa với vôi tạo thành một hợp chất màu đỏ làm cho răng và môi bị nhuộm đỏ. Trầu cay, nồng. Vôi cũng cay nồng. Do đó người mới ăn trầu dễ bị phỏng miệng. Cho đến bây giờ người ta phân vân chưa biết dân tộc nào ăn trầu sớm nhất trong lịch sử loài người. Ấn Độ là nơi số người ăn trầu rất cao. Hàng năm Ấn Độ nhập cảng gần 5 triệu ki- lô trầu. Mã Lai cũng là nơi trồng trầu, cau nhiều và tiêu thụ nhiều trầu cau. Nhưng người ta tìm thấy dấu vết của việc ăn trầu trong động Duyong trên đảo Palawan, Phi Luật Tân và động Rato Puti từ năm 2680 trước Tây Lịch. Như vậy cư dân trên quần đảo Phi Luật Tân đã ăn trầu rất sớm trong lịch sử?
Ngoài việc ăn trầu, lá trầu còn được xem là lá thuốc. Lá trầu có chavicol, estragol, eugenol, methyl eugenol, hydroxycatechol. Trong tinh dầu trầu Sirih của người Mã Lai và Indonesia có terpenes và terpenoids. Trầu có tính kháng trùng Staphylococcus aureus, Diplococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes, Vibrio cholerae, Shigella dysenteriae, Salmonella typhi v.v.
Ở Ấn Độ người ta dùng lá trầu để trị lãi, hơi thở có mùi khó chịu (halitosis), trị nhức đầu, giã lá vắt nước nhỏ vào tai để ngừa tai làm mủ, trị ho, cảm. Lá trầu còn được xem như có tính kích dục nữa.
Ở Mã Lai và Indonesia dầu Sirih (dầu cất từ lá trầu không) được dùng để trị thấp khớp, nhức đầu.
Ở Việt Nam người ta ngắt đầu lá trầu dán vào huyệt Ấn Đường (giữa hai chân mày) của đứa trẻ khi bị nấc cục. Khi nhức đầu người ta dán đầu lá trầu không trên huyệt Thái Dương (màng tang). Người ta nấu nước lá trầu không cho người bị bịnh trái rạ tắm để khỏi bị ngứa. Người ta giã nát lá trầu không hòa với rượu nếp để chà trên thân thể khi bị ngứa hay bị sởi. Người ta cũng giã lá trầu không để đắp vào những vết loét, u nhọt. Khi ho người ta đắp lá trầu trên huyệt Chiên Trung (giữa hai vú). Người ta dán lá trầu trên vú phụ nữ để làm ngừng sự tiết sữa.
Ở Phi Luật Tân, Thái Lan, Indonesia, Trung Hoa người ta dùng lá trầu không để trị đau răng. Phụ nữ ở các nước Đông Nam Á thường dùng lá trầu không nấu nước tắm.
CÂY CAU
Cây cau là thân thuộc gần của cây dừa, cây đủng đỉnh. Tên khoa học của cây cau là Areca catechu thuộc gia đình Arecaceae hay Palmae. Cây cau gốc ở Mã Lai và được tìm thấy nhiều ở Indonesia, các hải đảo Thái Bình Dương, các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á còn lại. Lý do tạm cho rằng cây cau gốc ở Mã Lai vì ở Mã Lai có đảo Penang được người Trung Hoa âm thành Bình Lang. Theo tiếng Mã Lai, Penang có nghĩa là cây cau. Do đó tên Hán- Việt của cây cau là Bình Lang và cây cau núi hay cau Lào được gọi là Sơn Bình Lang. Người Việt Nam còn gọi cây cau là tân lang.
Trên đường sang Á Đông người Tây Phương đến Ấn Độ và thấy người Ấn Độ ở miền Nam trồng và tiêu thụ nhiều trầu cau nên cho rằng Ấn Độ là nơi phát tích của cây cau. Người Bồ Đào Nha đặt chân lên Ấn Độ trước tiên. Họ gọi cây cau là areca dựa vào cách gọi của người Tamil ở miền Nam Ấn Độ ‘areec’. Cư dân trên các hải đảo Thái Bình Dương gọi cây cau là bu, bua, buei, pugua, pu, poc. Tiếng Hindi gọi là paan supari, khattha. Người Sri Lanka (Tích Lan) gọi là puak. Người Anh gọi là betel palm, areca nut palm; Pháp: noix d’arec; Tây Ban Nha: palma catechu. Tên khoa học Areca catechu của cây cau gợi lại vị chát của cây me keo Acacia catechu.
Cây cau cao từ 10 đến 15 m. Tàu cau hao hao giống tàu dừa nhưng nhỏ hơn. Hoa cau trắng và thơm. Cau ra trái trên một buồng dài như dừa. Trái cau hình bầu dục cùng kích thước và hình dáng của trứng gà. Vỏ cau tươi màu xanh. Khi chín vỏ chuyển sang màu vàng cam. Bên trong có hột tròn, mềm màu đỏ có vị chát. Trái cau càng già hột cau càng chát.
Cây cau có công dụng đa dạng. Hột cau bán dùng ăn trầu. Xác cau dùng để đánh răng khi Việt Nam chưa biết bàn chải và kem đánh răng. Cây cau dùng làm nhà. Tàu cau dùng để chụm lửa. Mo cau dùng để làm quạt như cái quạt mo của Thằng Bờm. Ở nông thôn người ta dùng mo cau để ‘mo’ cơm.
Trái cau có nhiều tannins, gallic acid, arecoline, guracine. Từ xưa người ta biết dùng trái cau để trục lãi do tác dụng của arecoline C8 H13 NO2. Ở Ấn Độ người ta dùng hột cau để trị bịnh ngoài da, phong hủi, lãi, mất hồng huyết cầu, béo phì. Người ta nhai lá cau non để trợ tiêu hóa. Trong ngành thú y người ta dùng arecoline hydrobromide để trục lãi và chứng đau ruột của ngựa.
Ở Việt Nam có các loại cau dùng để ăn trầu:
- cau hòn là cau trên đảo Phú Quốc.
- cau Xiêm là cau có trái to màu trắng mốc lấy giống từ Xiêm La về (Thái Lan).
- cau lão tức cau già, trái nhỏ, ruột cũng rất chát.
- cau liên phòng hay cau tứ quí ra trái quanh năm. Trái nhỏ màu trắng mốc.
- cau rừng hay cau Lào được gọi là sơn bình lang. Loại cau này được tìm thấy trong trạng thái hoang dại ở Trung Bộ dọc theo biên giới Lào. Tên khoa học của cau Lào là Areca laosensis thuộc gia đình Arecaceae. Cây cau Lào cao lối 5, 6 m. Trái cau chín màu vàng- đỏ. Cau Lào cũng được dùng để ăn trầu. Nó có dược tính như cau thường thấy.
TRẦU CAU TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC ĂN TRẦU
Việc ăn trầu đã có từ xưa ở Nam Á và Đông Nam Á. Người ăn trầu tin rằng ăn trầu làm cho chân răng vững chắc vì trong trầu có vôi (Ca) và hột cau có nhiều tannins. Nhiều nhà khoa học cường điệu tính năng bổ dưỡng của trầu cau như có sinh tố A, sinh tố C, chất vôi làm mạnh chân răng và ngừa chứng rỗng xương!! Các nhà khoa học ‘chạy theo dư luận’ này quên rằng người ăn trầu có nuốt xác đâu mà có sinh tố A, C, và chất vôi!
Khi mới tiếp xúc với người Nam Á và Đông Nam Á ăn trầu người Tây Phương rất sợ vì thấy miệng đàn ông và đàn bà đều đầy máu! Bây giờ các bác sĩ Tây Y thẳng thắn cho biết việc ăn trầu với cau và vôi dễ gây ung thư vùng miệng và nướu răng. Dù các nhà khoa học nói xuôi theo hay nói ngược lại với những người ăn trầu, trầu cau vẫn có một vị trí bất biến trong cộng đồng các dân tộc ăn trầu vẫn biết rằng từ đầu thế kỷ XX về sau số người ăn trầu ở Nam Á và Đông Nam Á và nói riêng ở Việt Nam sút giảm rất nhiều. Ở Việt Nam ngày nay chỉ còn một it người cao niên và dân nông thôn ăn trầu mà thôi. Vẫn biết rằng ngày nay miếng trầu được thay thế bằng thuốc điếu trong các câu chuyện xã giao hàng ngày, trầu cau vẫn còn quan trọng chẳng những cho những người còn ăn trầu mà cho cả dân tộc trong lễ hỏi và cưới gả ở Việt Nam, Cambodia và nghi lễ tôn giáo ở Ấn Độ. Ở Ấn Độ người ta gói tiền trong lá trầu để đưa cho các thầy tế lễ.
Việc trồng trầu và cau mang lại một nguồn lợi kinh tế quan trọng cho các nước Bangladesh, Sri Lanka, Ấn Độ, Mã Lai v.v. Ấn Độ mỗi năm phải nhập cảng gần 500,000 ki- lô trầu. Nhưng nước này sản xuất nhiều cau. Mức sản xuất cau trên thế giới lối 640,000 tấn. Trong số này Ấn Độ chiếm 50% và Trung Quốc chiếm 25%. Trầu cau được bán sang Pakistan, Trung Đông, các nước trên lục địa Phi Châu.
Ở Việt Nam nghề sấy và tích trữ cau khô mang nhiều lợi nhuận. Cau khô được bán cho đồng bào thiểu số trên cao nguyên Nam Trung Bộ, cộng đồng người Chàm ở Nam Trung Bộ và Tây Ninh, Châu Giang (Nam Bộ).
Trước kia ở Champa (Chiêm Thành) có hai thị tộc có thế lực. Đó là thị tộc Cây Cau (Kramukavamca) (theo tiếng Sanskrit <Phạn> Kramamuka có nghĩa là Cây Cau) và thị tộc Cây Dừa (Narikelavamca) (theo tiếng Sanskrit <Phạn> Narikela có nghĩa là Cây Dừa).
Thị tộc Cây Dừa ở Indrapura, Vijaya (Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn).
Thị tộc Cây Cau ở Kauthara, Panduranga (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) phía nam.
Trong truyện tích Trầu Cau có hai anh em sinh đôi tên Tân và Lang cùng yêu một thiếu nữ láng giềng. Người anh (Tân) được vợ. Người em (Lang) thất tình bỏ nhà ra đi. Bị đói khát và mệt lữ người em chết và hóa đá. Người anh (Tân) đi tìm em. Đói, khát và mệt người anh ngồi trên tảng đá (đá vôi?) và chết hóa thành cây cau. Người vợ đi tìm chồng cũng gặp cảnh đói khát và mỏi mệt. Nàng ngồi trên tảng đá tựa vào cây cau và chết . Nàng hóa thành dây trầu quấn trên cây cau.
Do tên của hai người đàn ông là Tân và Lang trong sự tích mà tân lang trở thành tên gọi của cây cau và cũng là tên gọi của người rể trong lễ cưới.
Tân lang: Người rể
Tân lang: Cây cau
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu dựa vào câu chuyện này để sáng tác một bản nhạc buồn và đôi chút lãng mạn. Bản nhạc nói lên sức mạnh vô hình của tình yêu nam- nữ, tình huynh đệ và tình phu thê.
Tình yêu nam- nữ cay nồng như vôi.
Tình huynh đệ cao vượt và thẳng đứng như cây cau không nhánh nhưng trái có vị chát.
Sự thủy chung của người vợ như vị cay dịu của lá trầu không.
Lá trầu (vị cay dịu) têm với vôi (cay và nồng) nhai với hột cau (chát và nồng) và xỉa thuốc lá (cay và nồng) tạo thành một màu đỏ thắm, màu đỏ của ba loại TÌNH: tình yêu nam- nữ bất toại, tình huynh đệ và tình phu thê.
Bà Điểm là xã nổi tiếng về việc trồng trầu vàng. Bà Điểm được biết đến với Mười Tám Thôn Vườn Trầu hay văn vẻ hơn là Thập Bát Phù Viên nơi xảy ra trận đánh đẫm máu của 72 nghĩa dũng cuối cùng thề quyết tử chiến với quân Pháp dưới sự chỉ huy của Phan Công Hớn vào hậu bán thế kỷ XIX.
Trầu và cau là một chủ đề văn chương bình dân Việt Nam. Cư dân vùng Sài Gòn- Gia Định thường nghe:
Trầu Sài Gòn (1) ăn chơi nhả bã,
Thuốc Gò Vấp hút đỡ vài hơi.
Một thanh nam nhắn nhủ với thanh nữ mà mình thầm yêu:
Cho anh một lá trầu vàng,
Sang năm trả lại cho nàng nguyên mâm.
Một câu hát ru em được xem như ca dao khuyên nhủ những người đàn ông đa thê về cách cư xử với các bà vợ:
Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.
Cũng ý này lại có câu:
Ngọn trầu bò dưới đất là ngọn trầu lương,
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.
Chuyện trầu cau là chuyện cưới hỏi, hôn nhân. Trầu cau, thuốc xỉa trở thành phương tiện xã giao ngày xưa khi thuốc điếu Bastos, Cotab, Melia chưa xuất hiện ở nước ta.
Miếng trầu là đầu câu chuyện.
Trầu là nghĩa
Thuốc xỉa là tình.
Trong xã hội Khổng Giáo người ta có cái nhìn không lành mạnh đối với người xướng ca. Trong xã hội phong kiến Việt Nam, xướng ca và nô tỳ được xếp hàng ngang nhau. Con người xướng ca không được dự các cuộc thi tam trường để được đỗ đạt ra làm quan. Trường hợp Đào Duy Từ là một điển hình. Trên thực tế nam hay nữ đều dễ say mê thanh sắc của đào, kép hát nên nhiều bà mẹ phải nói liều khi con gái trót yêu kép hát bội :
Trồng trầu mà lộn dây tiêu
Con mê hát bội mẹ liều con hư.
Têm trầu là một nghệ thuật làm nổi bật sự khéo léo của người phụ nữ ngày xưa.
Cau non khéo bửa cũng dày
Têm trầu cánh phượng để thầy ăn đêm.
Các thiếu nữ cũng dùng thuật têm trầu để chinh phục người khác phái. Từ đó có những vần thơ dưới đây về trầu cau:
Trầu này trầu quế trầu hầu,
Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi lấy mình.
Trầu này trầu tính, trầu tình,
Trầu nhân, trầu nghĩa, trầu mình lấy ta.
Trầu này têm tối hôm qua,
Giấu cha, giấu mẹ đem ra cho chàng.
Trầu này không phải trầu hàng
Không bùa, không thuốc, sao chàng không ăn?
Hay là chê khó, chê khăn,
Xin chàng dừng lại mà ăn miếng trầu.
Người phụ nữ trong xã hội nông nghiệp chịu ảnh hưởng Khổng Giáo có quá nhiều bổn phận nên khi tuổi già chồng chất cũng có chút bi quan về dung nhan của mình khi ví:
Thân em như miếng cau khô,
Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày.
Có người đau khổ khi ví mình như lá trầu vàng và người phối ngẫu như hột cau sâu:
Trầu vàng ăn với cau sâu
Lấy chồng thua bạn thảm sầu mà hư.
Ca dao dùng hình ảnh buồng cau gởi về cha mẹ như để nói lên lòng hiếu thảo của con cái đối với bậc sinh thành:
Ai về cho gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ,
Buồng sau kính thầy.
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
Hồng Anh st