Truyện Ngắn: Chiến tranh

Truyện Ngắn: Chiến tranh

Tác giả Luigi Pirandello

Nhà văn Lugi Pirandello năm 1932 

 Luigi Pirandello sinh ngày 28 tháng 6 năm 1867 tại Girgenti, Sicily (Italia), mất ngày 10 tháng 12 năm 1936, tại Rome. 

Năm 20 tuổi ông rời Sicily để theo học luật. Sau đó, đam mê của ông chuyển sang văn chương và ông theo đuổi việc nghiên cứu về văn chương tại Đức, rồi ông trở về Rome và trở thành một nhà văn. Năm 1903, sau khi gia đình bị phá sản ông đi dạy học để giúp đỡ tài chính cho vợ con. Để có thêm thu nhập, ông viết rất khỏe. Từ năm 1916 đến 1924, ông viết hai mươi tám vở kịch cho nhà hát. Các vở kịch của ông, trong đó có vở Six Characters in Search of an Author - Sáu nhân vật tìm một tác giả (1921), đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với kịch hiện đại. Năm 1926, ông thành lập đoàn hát lưu diễn của mình.
Lugi Pirandello viết nhiều tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, và khoảng 40 vở kịch. Năm 1934, ông được giải Nobel Văn chương.
Truyện ngắn War - Chiến tranh, kể về chuyện xảy ra trên một toa tàu hỏa ở Italty trong thế chiến thứ nhất (1914 - 1918). Truyện được Michele Pettinati dịch từ tiếng Ý sang tiếng Anh. Bản Việt dịch theo bản tiếng Anh của Michele Pettinati. 
 
 
Những hành khách rời Rome bằng chuyến tàu tốc hành đêm đã phải dừng lại chờ tới sáng ở nhà ga nhỏ Fabriano để tiếp tục cuộc hành trình của họ bằng chuyến tàu địa phương cổ lỗ nối vào tuyến đường chính đi Sulmona.  
Lúc bình minh, một người phụ nữ dáng to béo có vẻ rầu rĩ được dìu lên một toa hạng nhì ngột ngạt đầy khói thuốc ở đó năm hành khách đã chờ qua đêm. Trông bà giống như một hình nhân ủ rũ. Theo sau bà là người chồng có vóc người nhỏ bé, gầy yếu, thở phì phò, mặt trắng bệch, đôi mắt nhỏ sáng có vẻ rụt rè và lo lắng. 
Sau khi yên vị ông lịch sự cám ơn những hành khách đã giúp vợ ông lên tàu và nhường một chỗ cho bà; rồi ông quay sang phía vợ kéo cổ áo choàng của bà xuống nhẹ nhàng hỏi:
“Em có ổn không?”
Người vợ, thay vì trả lời, lại kéo cổ áo choàng lên đến tận mắt, để giấu khuôn mặt của bà.  
“Thế giới thật tồi tệ,” người chồng lẩm bẩm với nụ cười héo hắt.
Và ông cảm thấy có nhiệm vụ giải thích với các bạn đồng hành rằng người phụ nữ buồn bã kia rất đáng thương vì chiến tranh đang lấy đi người con trai duy nhất của bà, một chàng trai hai mươi tuổi mà cả hai vợ chồng đã dành cho cậu toàn bộ cuộc đời, thậm chí bỏ nhà cửa ở Sulmona để theo cậu đến Rome, nơi cậu là sinh viên đại học, rồi cho phép cậu tình nguyện nhập ngũ, tuy nhiên với một sự cam kết là ít nhất trong sáu tháng cậu sẽ không bị đưa ra mặt trận. Nhưng bây giờ, đột ngột, họ nhận một bức điện tín nói rằng cậu sẽ phải ra trận trong ba ngày nữa và muốn họ đến tiễn cậu đi.  
 
Người đàn bà mặc chiếc áo choàng lớn đang bồn chồn cựa quậy, thỉnh thoảng lại rên rỉ như một con thú hoang, cảm thấy rằng tất cả những lời giải thích đó sẽ không gợi được một chút cảm thông nào nơi những người kia, mà hầu như có thể tin rằng, họ cũng trong cùng hoàn cảnh khổ đau như chính bà. Một trong số mấy người đó, người đã lắng nghe với vẻ chú ý đặc biệt, nói: 
“Ông bà nên cám ơn Thượng đế vì con của ông bà đến bây giờ mới ra mặt trận. Con tôi đã ra trận ngay từ ngày đầu cuộc chiến. Nó đã được đưa về hậu phương hai lần vì bị thương, rồi lại được điều ra tiền tuyến.” 
“Còn tôi thì sao? Tôi có hai con trai và ba đứa cháu đều ở mặt trận”, một hành khách khác nói.  
“Có thể như thế, nhưng trong trường hợp của chúng tôi nó là đứa con trai độc nhất”, người chồng dè dặt nói.  
“Cho dù như thế thì có gì khác biệt? Ông bà có thể làm hỏng người con trai duy nhất của ông bà bằng việc quan tâm đến nó quá mức, ngoài ra ông bà không thể thương nó hơn những đứa con khác nếu như ông bà có. Tình thương của cha mẹ không phải như bánh mì để mà có thể bẻ ra và chia đều cho các con. Một người cha sẽ dành tất cả tình thương của mình cho từng đứa con mà không phân biệt, dù là một hay mười đứa, và nếu bây giờ tôi đang đau khổ vì hai đứa con trai của tôi, thì tôi không đau khổ mỗi đứa một nửa mà nhân đôi…”
“Đúng… đúng…” người chồng bối rối thở dài, “nhưng giả sử (dĩ nhiên tất cả chúng ta hy vọng sẽ không bao giờ là trường hợp của ông) một người cha có hai con ở mặt trận và mất đi một đứa, thì vẫn còn một đứa để mà an ủi… trong khi đó…” 
“Vâng,” người kia nói với vẻ bực mình, “một đứa con còn lại an ủi ông ta nhưng đồng thời đứa con còn lại đó cũng là người mà người cha phải sống vì nó, trong trường hợp người cha chỉ có một người con duy nhất nếu người con này chết thì người cha cũng có thể chết theo và chấm dứt nỗi khổ đau của ông ta. Trong hai trường hợp thì trường hợp nào tệ hơn? Ông không thấy trường hợp của tôi tệ hơn trường hợp của ông ư?”.
“Vô lý,” một hành khách khác khuôn mặt đỏ au, mập mạp có đôi mắt xám đỏ ngầu ngắt lời. 
Ông ta thở dồn dập. Từ đôi mắt lồi dường như toát ra sự tức giận phát xuất từ một sức sống mạnh mẽ mà cơ thể yếu ớt của ông ta khó mà kiềm chế. 
“Vô lý,” ông ta lặp lại, tay đưa lên miệng để che giấu hai chiếc răng cửa đã rụng. “Vô lý. Chúng ta sinh con ra vì lợi ích của chúng ta hay sao?” 
 
Những hành khách khác buồn bã nhìn ông. Người đàn ông có con ra trận từ ngày đầu cuộc chiến thở dài: “Ông nói đúng. Con chúng ta không thuộc về chúng ta, chúng thuộc về Tổ quốc…”
“Vô lý,” người khách béo mập vặc lại. “Ta có nghĩ đến Tổ quốc khi ta sinh con ra không? Con chúng ta sinh ra vì… à, vì chúng phải sinh ra và khi chúng ra đời chúng mang theo cuộc đời của chúng ta. Đây là sự thật. Chúng ta thuộc về chúng nhưng chúng không bao giờ thuộc về chúng ta. Và khi chúng hai mươi tuổi, thì chúng giống y như chúng ta hồi bằng tuổi chúng. Chúng ta cũng có một người cha và một người mẹ, nhưng cũng còn có khá nhiều điều khác… các cô gái, thuốc lá, những ảo tưởng, cà vạt mới… và Tổ quốc, dĩ nhiên, khi Tổ quốc gọi chúng ta sẽ đáp lời khi chúng ta hai mươi cho dù cha và mẹ nói không. Bây giờ, ở tuổi của chúng ta, tình yêu dành cho Tổ quốc vẫn vĩ đại, dĩ nhiên, nhưng còn mạnh hơn tình yêu Tổ quốc là tình yêu dành cho con cái. Có ai trong số chúng ta ở đây mà không sẵn lòng vui vẻ thay chỗ cho con chúng ta ở mặt trận nếu như có thể?” 
Mọi người im lặng gật đầu tán thành. 
“Vậy thì,” người hành khách mập tiếp tục, “tại sao chúng ta lại đánh giá những cảm xúc của con chúng ta khi chúng ở tuổi hai mươi? Không phải là tự nhiên sao khi ở tuổi đó chúng đánh giá tình yêu dành cho Tổ quốc của chúng (tôi đang nói về những chàng trai có học, dĩ nhiên) lớn hơn tình yêu dành cho cha mẹ? Không phải là tự nhiên sao khi sau cùng con cái xem chúng ta là những ông bà già không thể đi đâu được nữa và phải ngồi ở nhà? Nếu Tổ quốc là một điều cần thiết tự nhiên như bánh mì mà mỗi chúng ta phải ăn để khỏi chết đói, thì phải có người đi để bảo vệ nó. Và những chàng trai con của chúng ta lên đường, khi hai mươi tuổi, chúng không cần những giọt nước mắt xót thương, vì nếu chúng chết, sẽ chết hào hùng và hạnh phúc. Bây giờ, nếu người ta chết trẻ và hạnh phúc, không vương vấn những khía cạnh xấu của cuộc đời, sự chán chường với cuộc sống, sự đê tiện, sự đắng cay khi vỡ mộng… chúng ta có thể yêu cầu gì hơn nữa nơi chúng chứ? Cho nên mọi người thôi đừng khóc nữa, mọi người nên cười, như tôi vậy… hay ít nhất là cám ơn Chúa, như tôi vậy, vì con trai tôi, trước khi nó chết, đã gửi thư cho tôi nói rằng nó sẽ chết và bằng lòng chấm dứt cuộc sống theo cách tốt nhất mà nó ao ước. Đó là lý do tại sao, như các bạn thấy, thậm chí tôi không có vẻ buồn…”
Ông ta giũ chiếc áo choàng màu nâu vàng như để khoe nó; bờ môi thâm phía trên mấy chiếc răng rụng run run, mắt ông ngấn nước, bất động, và ngay sau đó ông ta kết thúc bằng một tràng cười khô khốc tưởng chừng có thể hóa thành tiếng khóc than thổn thức. 
“Đúng vậy… đúng vậy,” mấy người kia tán thành. 
 
Người đàn bà, bồn chồn trong tấm áo choàng nơi góc toa xe, từ ba tháng nay đã ngồi và lắng nghe cố tìm trong những lời của chồng và những người bạn của bà một điều gì có thể an ủi bà trong nỗi buồn sâu thẳm, một điều gì có thể giúp bà thấy được nên nhẫn nhịn để đứa con trai mình nếu không phải đến chỗ chết thì cũng là chỗ có thể nguy đến tính mạng. Nhưng bà không tìm được một lời nào trong số nhiều lời đã được nói ra… và nỗi buồn của bà càng lớn hơn khi thấy rằng không có ai như bà nghĩ  có thể chia sẻ cảm xúc của bà.  
Nhưng bây giờ, những lời nói của người hành khách làm bà ngạc nhiên đến sững sờ. Bà chợt nhận ra rằng không phải những người khác xấu và không hiểu được bà mà chính bà là người không thể tự nâng mình lên ngang tầm với những người cha người mẹ sẵn lòng cam chịu, không khóc lóc, không chỉ với lúc lên đường của những người con mà thậm chí ngay cả khi chúng chết.
Bà ngẩng đầu, từ chỗ ngồi của mình lắng tai nghe với sự chú tâm hết sức những chi tiết mà ông khách mập đang kể với các bạn đồng hành về cách mà người con trai của ông đã nằm xuống như một anh hùng, vì Quốc vương và Tổ quốc, hạnh phúc và không nuối tiếc. Có vẻ như bà đã chạm phải một thế giới mà bà chưa hề nghĩ đến, một thế giới cho đến bây giờ bà còn chưa biết, và bà yên tâm nghe mọi người cùng hoan hô người cha dũng cảm chịu đựng nói về cái chết của con trai ông. 
Rồi đột ngột, như thể bà đã không nghe được gì cả và như vừa thức dậy từ một giấc mơ, bà quay sang ông già, hỏi:
“Vậy… con trai ông chết thật rồi ư?” 
Mọi người đăm đăm nhìn bà. Ông già cũng quay lại nhìn bà, đôi mắt màu xám nhạt ngấn nước, chằm chằm nhìn vào mặt bà. Trong một lúc ông cố gắng trả lời, nhưng dường như ngôn ngữ bất lực. Ông cứ nhìn và nhìn bà, hầu như chỉ đến khi đó - với câu hỏi ngớ ngẩn, không thích hợp đó - ông đã đột ngột nhận ra cuối cùng thì người con trai của ông đã thật sự chết - đã ra đi mãi mãi - mãi mãi. Gương mặt ông nhăn nhíu, rồi ông vội vã rút chiếc khăn tay trong túi ra và, trước sự ngạc nhiên của mọi người, bật ra những tiếng khóc đầy khổ đau, tan nát cõi lòng, không thể kiềm chế.
 
Võ Hoàng Minh dịch (Từ “War”)
Nguồn: The International Story/ Nhà xuất bản St.Martin Press, 1994.
 
Kim Kỳ st
 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %08 %775 %2017 %13:%04
back to top