MẸ TRONG LÒNG NGƯỜI ĐI

MẸ TRONG LÒNG NGƯỜI ĐI

NGUYỄN MỘNG GIÁC

Hình minh họa

Có một lần vô tình tôi đọc được mấy câu thơ thật lạ của thầy Huyền Không. Bài thơ nhan đề Trẻ Thơ như thế này:

Chùa xưa mái ngói cũ

Trèo lên nắm cây sào

Đêm khuya rồi không ngủ

Kéo rụng bao nhiêu sao?

 Chú bé rắn mắt của tôi ơi! Chú hoang nghịch lắm! Chú không còn biết kiêng nể gì nữa. Chú dám trèo lên cả mái chùa mà theo trí tưởng tượng của tôi, ngói âm dương lợp từ bao đời trải qua mưa nắng, hoặc đã rệu rã trên thân kèo mục, hoặc đã xanh rêu. Không khéo chú sẽ bị trượt chân ngã xuống sân chùa, hoặc những mảnh ngói vụn vỡ rơi xuống sẽ đánh thức vị sư già đang tham thiền nhập định. Đã thế, chú lại mang theo một cây sào dài, khều trộm ổi sân chùa chăng? Hay chọc phá một tổ chim?

Không. Chú lẻn vào chùa ban đêm. Trăng hạ huyền đêm nay lên chậm. Chú biết. Chim đã ngủ yên trong tổ. Trái ổi chín đã lẩn mất giữa cành lá đen. Bầu trời mênh mông, đêm vô cùng. Chú thao thức không ngủ, bâng khuâng hoang mang không hiểu mình muốn gì. Trên trời, những vì sao nhấp nháy trêu ghẹo chú. Có những vì sao sáng, có những vì sao mờ. Có những ánh sao đổi ngôi. Chú thích quá, những tưởng có thể dùng cây sào vô dụng kia để tự tay "đổi ngôi" những đám tinh tú rắn mắt. Chú trở thành nhà thơ, hoặc một nhà chính trị không tưởng. Tôi thích thú trở thành một nhà thơ hơn, vì hành động "kéo rụng bao nhiêu sao" vừa dễ thương vừa vô hại. Nhưng chú nhớ cho, đừng bao giờ kéo rụng một ngôi sao đặc biệt. Ngôi sao ấy rụng xuống, chú sẽ cô đơn hối tiếc vĩnh viễn trên đường đời. Áo chú rách vì chui qua hàng rào gai vào chùa, sẽ không ai vá cho chú. Chú cảm thấy lạnh vì đêm khuya, không có bàn tay mềm mại nào đặt lên trán chú, tai chú không còn nghe được tiếng xuýt xoa lo âu nào nữa. Đừng! Hãy coi chừng! Chú khều rụng bao nhiêu sao sáng sao mờ cũng được, nhưng hãy lặng lẽ trân trọng cầu xin Ngôi Sao Mẹ còn sáng mãi trên bầu trời. Ngày chú lớn khôn rồi bị trôi nổi bập bềnh nhiều phen trên sóng dữ của đời, chú sẽ hiểu thấm thía hơn thứ ánh sáng huyền diệu của Ngôi Sao ấy, chú sẽ hiểu thế nào là nỗi khổ xa mẹ, hoặc mất mẹ.

Vâng! Phải đến một lúc nào đó trên đời, tất cả chúng ta trong đó có chú, sẽ phải xa bàn tay thân yêu, xa đôi mắt lo âu, xa lời ru hiền hòa của mẹ. Không thể tránh được. Đó là luật sinh hóa, không hề có biệt lệ. Chính Mẹ ngày xưa cũng phải đành đoạn xa Ngoại, gạt nước mắt mà đi.

Khóc như thiếu nữ vu qui nhật

Tiểu tự thư sinh lạc đệ kỳ

(Khóc như thiếu nữ ngày về nhà chồng

Cười như anh học trò vừa hỏng thi)

 

Chú có nghe hai câu cổ thi ấy? Các cụ mỉa mai, chế giễu Mẹ: "Ấy, các cô dâu cứ níu áo mẹ khóc như mưa như gió trước khi lên xe hoa, chỉ là giả vờ mà thôi. Vui sướng như thế, hạnh phúc như thế, khóc cái gì!"

Ờ, các cụ cũng có lý. Nhưng phải xét giọt nước mắt long lanh trên má mẹ thời ấy theo chữ tình: Mẹ có vui duyên mới thật, nhưng Mẹ cũng buồn đến đứt ruột vì phải xa bàn tay chăm sóc của Ngoại. Mẹ bắt đầu một cuộc hành trình khác, giống y cuộc hành trình của Ngoại trước kia.

Chú bé khều sao của tôi ơi? Chú có chị gái đến tuổi cập kê không? Có hả? Thế thì cứ lấy trường hợp cô chị của chú, lấy cuộc hành trình cô ấy đang chuẩn bị như cuộc hành trình của Mẹ và Ngoại, làm ví dụ cho chú dễ thấy. Chắc chú đã từng phụng phịu hờn dỗi mỗi lần thấy Mẹ chải tóc cho chị, may áo cho chị, làm đẹp cho chị. Chú thấy tủi thân vì bị bỏ rơi, chú ghen tức với chị. Mẹ dành cho chị nhiều ưu tiên quá. Cái áo đẹp nhất này. Hộp phấn tốt nhất này. Đôi guốc đắt giá nhất này. Cái lược quí nhất này. Tôi cũng trải qua cảnh huống như chú. Tôi có lời khuyên: hãy kiên nhẫn chờ! Chị của chú sắp phải xa bàn tay mẹ rồi, chú yên tâm. Chú hãy nghe lời thi sĩ Hồ Dzếnh kể lại kinh nghiệm của mình:

Ngày xưa còn nhỏ ngày xưa

Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang

Lòng vui quần áo xênh xang

Tay cầm hương nến đinh vàng mới mua

Chị tôi vào lễ trong chùa

Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên:

"Lòng thành lễ vật đầu niên

Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng"

Chị tôi phụng phịu má hồng

Vùng vằng chút nữa quên bồng cả tôi

Tam quan ngoài mái chị ngồi

Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn

Quẻ thần, thánh mách mà khôn

"Số nàng chồng đắt, mà con cũng nhiều"

Chị tôi nay đã xế chiều

Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ.

Đấy chú thấy không. Chẳng còn mấy lúc nữa Mẹ sẽ là "độc quyền" của chú. Sao nét mặt chú chưa vui? Còn hồ nghi à? Này, bà chị đáng ghét của chú tuy phụng phịu, vùng vằng trước lời chòng ghẹo, nhưng ra khỏi tam quan vẫn không quên ngồi sà xuống bên các thầy đoán quẻ để biết "đường tình duyên gia đạo". Rồi chị lỏn lẻn cười khi thần thánh mách nhỏ cho chị biết rằng chị sẽ vừa chồng đắt mà con cũng nhiều.

"Chồng đắt" thì chị mắc sức chọn (nếu Mẹ cho chị được phép chọn). Còn con cái nhiều thì...tội nghiệp chị quá. Chị lại khổ một đời vì con, như Mẹ đã khổ một đời vì chú, như Ngoại đã khổ một đời vì Mẹ...

Hình như ngay từ thời thơ ấu, bắt chước Ngoại, Mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng để sau này biết cách nâng niu, chiều chuộng, chăm sóc nuôi nấng chú. Mẹ (lúc đó mới là một cô bé thắt tóc bím hay làm nũng) lấy vải vụn của Ngoại tập may áo cho búp bê, cho con búp bê bú sữa, đắp chăn lên ngực cho búp bê khỏi ho, bước chân đi rón rén cho búp bê khỏi giật mình thức giấc: Mẹ đã say mê vai trò chăm sóc con cái ngay từ thời còn chưa hiểu gì về thân phận đàn bà.

Bài học vỡ lòng ấy đối với Mẹ không khô khan tàn nhẫn như những phép tính cộng tính trừ, không rắc rối bí hiểm như những công thức hóa học. Tất cả sắc đẹp, tình yêu, trí tuệ, đức kiên nhẫn, niềm tin đều dồn cả cho bài học làm mẹ ấy, vậy mà mẹ không rối trí chút nào. Mẹ học thuộc tự nhiên dễ dàng như thuộc một câu hát ru em. À, mà cả những câu hát ru em cũng là những bài học làm mẹ.

Bài học báo trước nỗi vật vã của việc mang nặng đẻ đau:

Vì sương cho núi bạc đầu.

Vì đâu sương gió cho rầu rĩ hoa.

Chú biết không, mỗi lần chú cựa quậy trong bào thai là mỗi lần mẹ cắn môi đến bật máu để nén đau đớn, nước mắt sống chảy thành dòng trên gò má xanh xao của mẹ. Nhưng cơn đau qua đi mẹ lại mừng: "Thằng Chó Con của mẹ. Nó khỏe đẹp dữ". Mẹ vừa lấy ống tay áo gạt nước mắt vừa khoe với Ngoại như vậy. Chú đã xé lòng mẹ mà chào đời. Chú khóc oa oa trong lúc mẹ nằm đó, như con tàu vừa vượt qua một vùng biển sóng cuồng cuối cùng đến được bến bờ, ván long, sơn tróc, rệu rã ê ẩm từ mũi đến lái.

Nhưng đã hết đâu. Lời hát ru lại báo trước nỗi lo lắng không nguôi của mẹ lúc con bắt đầu chập chững vào đời. Những đêm thấp thỏm theo từng hơi con thở:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh dài thức đủ năm canh

Rồi những nỗi lo khi con khôn lớn:

Ru con nước mắt hai hàng

Nuôi con càng lớn mẹ càng thêm lo.

Cái thân cò ốm o của mẹ tuy mong manh thế, nhưng dẻo dai chịu đựng thử thách, bền bỉ hy sinh cho con đến độ phi thường. Mẹ lo đến cả những bất trắc gặp phải trong chuyện cơm áo:

 

Cái cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Mẹ phải chuẩn bị tinh thần chịu đựng cả sự bạc bẽo của con cái:

 

Mẹ thương con biển hồ lai láng

Con thương mẹ kể tháng kể ngày.

Mẹ lo trước lúc con gái mẹ phải đi lấy chồng:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Xa hơn thế nữa, lo đến lúc phải lìa đời để đàn con côi lại:

 

Mẹ già như chuối chín cây

Gió rung mẹ rụng con rày bơ vơ.

 

Cuộc đời mẹ là một chuỗi dài hy sinh, chuỗi dài lo lắng. Người chị của thi sĩ Hồ Dzếnh vào tuổi xế chiều, sau bao năm nuôi nấng lo âu cho đàn con lớn khôn, đứa đi lấy chồng, đứa lấy vợ, đứa thành người hiền giúp đời, kẻ thành nỗi ô nhục cho cha mẹ, chắc đôi lúc cũng bùi ngùi nhớ lại cái thời ẵm em lên chùa xin quẻ: "Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ?". Nhất định là nhớ. Và buồn, vì mơ với thực khác nhau xa quá. Cái gương cái lược làm dáng thời con gái, chắc người mẹ ấy đã nhường cho con rồi. Mẹ cần soi gương nữa, vì cái gương của mẹ là đôi mắt vui buồn của các con. Chú bé khều sao của tôi ơi! Chú biết không, một bà mẹ Việt Nam đã vui buồn theo cuộc đời con cái, dù khổ cực nhưng tha thiết yêu mến nỗi khổ cực ấy như một báu vật thiêng liêng trên đời, một hôm nào đó, cảm xúc hát ru con bằng hai câu thơ tuyệt tác:

 

Cuộc đời nước mắt soi gương.

Càng đau đớn lắm càng thương nhớ nhiều.

 

Giọt nước mắt long lanh có thể làm gương soi thấu ý nghĩa cuộc sống ấy, chú bé rắn mắt của tôi ơi, chính là Ngôi Sao Mẹ trên bầu trời đêm. Hãy coi chừng, đừng vô ý khều rụng Ngôi Sao sáng láng cao cả ấy!

Thú thực với chú cho đến lúc này tôi vẫn còn lo.

Đêm khuya rồi không ngủ

Kéo rụng bao nhiêu sao?

 

Chú đang là, sẽ là một nhà thơ. Cho nên tôi nói chuyện thơ để dè chừng chú, xin chú nhẹ tay đừng vô ý "đổi ngôi" một vì sao thiêng liêng. Nhưng cái táo bạo của chú (dám chui qua rào, dám trèo lên mái chùa, dám ngồi một mình giữa đêm tối, dám nghĩ đến chuyện kéo rụng những vì sao), tôi ngại lắm. Chú có thể trở thành một kẻ chọc trời quấy nước muốn xóa sạch tất cả tinh tú để gắn lên trời đêm một ngôi sao độc nhất: ngôi sao của chú. Hoặc chú muốn các vì sao ngoan ngoãn xếp hàng ngay ngắn theo ý mình. Hoặc chú muốn chúng xếp thành vòng để nhìn chú sáng láng. Nếu như vậy, nói chuyện thơ với chú chẳng đi đến đâu. Thơ thẩn phù phiếm! Tôi kể chuyện của tôi cho chú nghe, có lẽ dễ tin hơn.

Cha tôi mất từ năm 1972 nên đến 1975, anh em chúng tôi chỉ còn có mẹ. Trước đó mẹ tôi đã tưởng có thể xoa tay an hưởng tuổi già vì đã lo lắng xong xuôi cho tương lai các con. Con lớn đã lập gia đình. Con nhỏ đã có nghề nghiệp. Tiền mẹ tôi chắt chiu dành dụm suốt đời công chức tỉnh lẻ đủ xây hai ngôi nhà cho chúng tôi ở, và một ngôi trường tư thục để hết chiến tranh, đứa nào giải ngũ sẽ về nối nghiệp nhà làm nghề dạy học. Thời thế biến đổi làm tan hết ước vọng đơn sơ của mẹ tôi. Gia sản còn lại chỉ có một mớ sách cũ và đống kiến lỗi thời. Các con của mẹ thất nghiệp. Rồi lần lượt hết đứa nọ đến đứa kia vào tù. Phải, vào tù!

Vì nếu bọn đàn ông mê lý trí và không tưởng có thể chấp nhận mấy tiếng "học tập cải tạo", thì mẹ tôi, lấy nỗi khổ cực nuôi con và tình mẫu tử bao la ra làm thước đo giá trị mới, mẹ tôi nói thẳng từ đầu là "đi ở tù". Mẹ quay quắt còm cõi vì lo cho hết đứa này đến đứa khác. Một đứa học hành dang dở, học trường sĩ quan hải quân, đi ở tù ba năm ở Hóc Môn, được về vài tháng mẹ con chưa kịp mừng mừng tủi tủi lại bị bắt ở tù trở lại thêm bốn năm ròng. Một sĩ quan không quên ở tù ra không nơi nào chịu cho nhập hộ khẩu, phải tìm cách vượt biên, bị bắt, đào thoát được, bị tầm nã, phải chạy về quê trốn trong căn nhà mẹ. Mẹ vơ vét tiền nong, năn nỉ người này người nọ, cuối cùng gửi được con trên chiếc thuyền chật trốn qua Hong Kong. Một đứa đi không thành phải bỏ trường trốn vào Sài Gòn. Mẹ lại gạt nước mắt đưa con ra bến xe, biết rằng từ đây chỉ còn được gặp con trong lén lút, khuất lấp.

Riêng tôi lúc nhỏ đau một trận thập tử nhất sinh, báo hại mẹ tôi phải bỏ các em tôi ra tận Huế để chữa trị. Lớn lên tôi cũng khiến cho mẹ tôi lo lắng thấp thỏm hơn ai hết. Những lần tôi vào tù, mẹ tôi đều tất tả vào Sài Gòn để lo lắng cho tôi. Lần đầu tôi bị nhốt trong xà lim chật hẹp hôi thối, lại tối tăm suốt ngày vì chỉ có một lỗ nhỏ đưa cơm trên cánh cửa sắt và một lỗ thông hơi nhỏ khác gần sát trầb. Tôi phải ngồi dựa vào vách xà lim ẩm ướt thật lâu mới làm quen được bóng tối. Không biết làm gì, tôi tẩn mẩn tìm đọc những câu mà người vào đây trước tôi đã dùng móng tay khắc lên vách khám: những ngày tháng, những tên họ, những hình tục tĩu. Nhưng ở vào chỗ cao trọng sáng sủa nhất của vách xà lim, ở chỗ có chút gió thổi làm loãng mùi hôi hám tanh tưởi người tù thường ngồi, tôi chú ý thấy hai dòng nguyện: Lạy Đức Mẹ Maria, và Nam Mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát. Hai hình ảnh tuyệt vời của tình Mẹ giữa cảnh ngục tù. Chiều hôm đó, bọc quần áo nhà tôi gửi vào tuy bị khám xét cẩn thận nhưng cũng sót lại một mẫu giấy nhỏ. Tôi vui mừng tưởng như mảnh thư của nhà tôi, nhưng không phải. Đó chỉ là một mẩu biên lai điện tín. Tôi kê sát vào lỗ đưa cơm đọc được nhật ấn bưu điện Thị Nghè, ngày tháng hôm ấy, và gửi về Qui Nhơn. Tôi vừa mừng vừa xót xa: Vậy là một lần nữa, mẹ tôi nghe tin đứa con trai của mẹ vào tù. Tôi cầm mẩu biên lai bồi hồi thật lâu. Hôm sau, chỗ vách sáng nhờ lỗ thông hơi dẫn chút nắng xanh xao vào xà lim tối, tôi lấy móng tay bắt chước các bạn đi trước khắc mấy dòng chữ: tên Mẹ tôi, tên nhà tôi và ngày "nhập trại". Tôi dò tìm mãi vẫn không thấy trên vách tù tên một lãnh tụ nào, một anh hùng nào, một khẩu hiệu nào. Lúc đau đớn, mọi người như đứa trẻ thơ, đều chỉ biết cầu cứu đến Mẹ.

Tôi dài dòng kể chuyện riêng, để nhắc chú bé khều sao của tôi hai điều, vâng, hai điều, chú nhớ cho. Nếu chú trở thành một tay chọc trời quấy nước, thì nhớ đừng dại dột khều rụng Vì Sao Mẹ. Lúc thất thế, chú sẽ hối hận vô cùng vì không có thể còn Người để kêu hai tiếng "Mẹ Ơi!". Nếu chú chưa thất thế, thì hãy nhớ luôn luôn đến công lao nuôi nấng và nỗi lo âu của tất cả các bà mẹ trên đời. Hãy gắng làm cho các bà mẹ ấy vui vì được thấy con trẻ bụ bẫm, con lớn hạnh phúc, và riêng mẹ thì được an hưởng tuổi già. Làm được hai việc đó, thì chú mặc tình "đổi ngôi" bao nhiêu vì sao cũng được, khều rụng bao nhiêu vì sao cũng được.

Nhưng...nhưng tận thâm tâm, tôi vẫn thích chú trở thành một nhà thơ hơn. Kéo rụng bao nhiêu sao? Ôi! Nên thơ và vô hại biết mấy, nếu chỉ là lời thơ.

Hồng Anh st

back to top