Đường mòn Oregon

Đường mòn Oregon

Sean Bảo

Đã kể bạn nghe về Đường mòn nước mắt của người da đỏ, Những người rừng huyền thoại dẫn đường, về những vó câu của Pony Express và Đường hỏa xa thiên lý, những chàng Cao-Bồi, Về Miền Viễn Tây, về tiểu bang “vàng” California và Thành phố “bạc” Tombstone… Thì phải kể về Đường mòn Oregon. Bởi đó là con đường lót mình cho nước Mỹ hoàn thành chủ thuyết Manifest Destiny – Vận mệnh hiển nhiên.

The Oregon Trail – Ðường mòn Oregon, kéo dài từ Illinois về Oregon phía Tây, xuyên chiều ngang nước Mỹ, bắt đầu từ những năm 1840. Thực sự thì chẳng phải là một con đường mòn, mà là những lối băng rừng, qua sông, lội suối, vượt ngàn; khi thì bát ngát thảo nguyên, khi thì thăm thẳm hoang mạc, khi thì cheo leo dốc đèo… Hành trình ấy kinh hoàng và cũng đẫm huyền thoại, để kể lại cho người đời sau.

 Từ 1823, những người thợ bẫy thú rừng và buôn lông thú cùng những nhà thám hiểm đã sớm đi trên con đường này. Ðến năm 1830 thì những người can đảm ấy đã dẫn dắt các vị Cha Cố và quân đội đi tiền phương. Sau nhiều thất bại thì cũng có vài nhóm nhỏ đến được Ðồn Vancouver, Washington mạn Tây Bắc. Lời đồn theo gió bay xa, tin vui theo vó ngựa và những chuyến hải hành đường biển ròng rã tháng trời, cuối cùng cũng đến tai các người dân ở phía Ðông, nơi cư dân thuộc 13 tiểu bang đầu tiên của đất nước. Thư của người đi trước nói rằng đất đai ở Oregon màu mỡ, thung lũng xanh, cỏ mượt, mưa thấm ruộng nương. Quốc hội lại ban hành đạo luật cho đất hoặc được mua với giá rất rẻ. Và hơn hết là tin đồn về những thỏi vàng rải rác ven sông suối ở California.
Tác phẩm nổi tiếng năm 1872 của họa sĩ John Gast, “American Progress”
(Quá trình tiến tới của Hoa Kỳ) trong chủ thuyết “Vận mệnh hiển nhiên”.

Và thế là ngày 16 tháng 5, 1842 nhóm di dân đầu tiên gồm 100 gia đình bắt đầu lên đường bỏ xứ về miền Tây lập nghiệp. Họ chọn người trưởng nhóm đi trước, người già cả và trẻ em ngồi xe bò wagon, đồ đạc cá nhân được mang theo, phần lớn là bột mì, cà phê, đường, muối, soong chảo… Có gia đình mang theo cả đàn piano, violin. Các thanh niên phụ nữ đa phần đi bộ theo bánh xe bò, đi trung bình 1 dặm một giờ, ngày đi 15 dặm. Khi đến chiều tối họ quây xe bò thành vòng tròn để giữ bò ngựa, các tay đi săn bò rừng trở về đốt lửa trại nướng thịt nấu ăn. Các tay súng được chia phiên canh gác thú dữ, đề phòng người da đỏ tấn công.  Các trẻ em và người già nghỉ ngơi cho ngày mai lê gót, trong khi vài cặp tình nhân hẹn hò nhảy múa bên tiếng đàn violon, nhiều người nên duyên vợ chồng cho cuộc sống ngày mai đầy hứa hẹn ở vùng đất mới. Sáu tháng sau hơn một nửa số người đó đến được Oregon. Và một năm sau thì chuyến thứ 2 gồm một ngàn gia đình cùng gia súc lên đường. Tin tức về miền đất hứa ở Viễn Tây đã làm dậy lên làn sóng di dân. Hàng trăm ngàn sau đó nối bước, nhất là sau khi vàng được tìm thấy ở California năm 1849.

Thoạt đầu các đoàn di dân này bắt đầu từ Missouri và dự tính đến Oregon City, thủ phủ của Oregon thời ấy. Những chuyến xe bò ban đầu được dùng gọi là Conestoga, một cỗ xe bốn bánh bằng gỗ có hình dạng như chiếc thuyền, có khung niềng sắt, trét nhựa để có thể lội sông, có mui bằng vải bạt để che mưa, xếp lại khi nắng nóng, do 4 đến 12 con ngựa hay bò kéo. Nhưng hành trình quá nhọc nhằn do địa hình đá sỏi, đèo núi và kéo dài nhiều tháng. Có khi họ phải chặt cây phá rừng mở đường, có khi phải làm bè cây qua suối, có khi phải dàn hàng ngang đi để khỏi cuốn bụi mù cho người đi sau. Hầu hết họ đi vào mùa xuân và đến đích vào tháng 8, trễ hơn thì mùa giông bão và mưa tuyết sẽ khó khăn muôn phần. Mưa bão làm các con đường trở nên lầy lội ngập bánh xe, hầu hết các con bò ngựa đều kiệt sức, xe gãy trục, sút bánh, hơn 2/3 các xe bị hư hỏng, nên tất cả phải bỏ xe đi bộ, bỏ những đồ đạc bên đường và ngay cả những di dân xấu số không chịu đựng nổi hành trình. Người ta gọi con đường mòn Oregon là nghĩa trang dài nhất nước Mỹ.

Cỗ xe Conestoga

Trong suốt hàng tháng trời rong ruổi, một số người mệt mỏi đã tách riêng ra hay đi theo những con đường tắt, những con đường quyết định may rủi và số phận của chuyến đi. Bệnh tật, tai nạn, kiệt sức, thời tiết bão tố bất ngờ, địa hình hiểm trở cùng người da đỏ tấn công. Và họ định cư rải rác quanh các lối rẽ, một trong những lối đi tắt và ngoài dự tính ban đầu lại làm nên sự khám phá bất ngờ của các vùng đất danh tiếng như Yellowstone và thành phố sau này như Salt Lake City, Utah. Cũng có những lối đi tắt xuyên qua núi rừng hoang dã đã kết thúc một hành trình. Ðó là câu chuyện bi thương của đoàn Donner trong lộ trình đi đến California mùa đông 1846. 

Tháng 4, 1846 đoàn Donner gồm 9 cỗ xe bò rời Springfield, Illinois. Dẫn đầu bởi James Reed một thương gia giàu có, mộng làm giàu từ vàng ở California. Người vợ thường xuyên bị nhức đầu và tin rằng khí hậu miền Tây sẽ chữa lành bệnh. Reed thì dựa vào cuốn sách “The Emigrants’ Guide to Oregon and California – Cẩm nang về miền đất hứa Oregon và California” của Landsford W. Hastings, trong đó nói rằng có một đường tắt làm rút ngắn 400 dặm với địa hình thuận lợi. Thực sự thì lộ trình trong sách chỉ là giả định và chính tác giả cũng chưa từng đặt chân qua. Reed cùng một nhóm 32 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em trong đó có anh em Donner và nhiều người. Mẹ vợ của Reed 70 tuổi bị lao và phải chống gậy vì rất yếu. Bà lại không muốn xa con gái. Reed lại tin rằng với cỗ xe ngựa 2 tầng hiện đại thời bấy giờ, có bếp lò xây trong xe, có ghế nệm với lò xo nhún, có giường ngủ, chiếc xe đắt tiền này có thể giúp họ đến California an lành. Con gái Reed 12 tuổi gọi cỗ xe là “Cung điện tiên phương”. Cùng 9 xe ngựa wagon khác mới toanh, đoàn dự trù chỉ mất 4 tháng. Gia đình của Donner thì có George là chủ nhà 62 tuổi, từng 5 lần di cư trước đây. Với kinh nghiệm lang bạt, hai anh em và vợ con tự tin cho chuyến đi cuối cùng trong đời của họ.

Đường mòn Oregon, kéo dài từ Illinois về Oregon phía Tây, xuyên chiều ngang nước Mỹ,

Ngẫu nhiên trong thời gian ấy, Lansford Hastings tác giả của cuốn sách chỉ đường cũng bắt đầu từ California, đi về hướng Ðông để xác minh thêm con đường tắt mà ông đã viết. Ðoàn của Donner sau 3 tuần đến  Independence, Missouri để mua thêm dụng cụ, thức ăn. Ngày sau họ lên đường thì gặp bão lớn. Cùng đi thì họ gặp và nhập thêm vài nhóm khác, số đoàn viên lên đến 87 người. Ngày 25 tháng 5, 1846 đoàn dừng trại trong nhiều ngày bởi nước lũ lớn bên sông Big Blue gần Kansas. Bà mẹ 70 tuổi chết vì không kham nổi, xác chôn dọc bờ sông. Họ ghép một bè qua sông và xuôi theo dòng Platte tháng sau đó. Họ đến đồn Laramie phía Ðông dãy núi Rocky 1 tuần sớm hơn dự kiến. Ở đó họ được cảnh báo về mối hiểm nguy và trắc trở vì đường sỏi đá, không phù hợp cho xe bò, nhiều đèo dốc và vực cao… Dù vậy, Reed bỏ qua tai vì mong rút ngắn thời gian và khoảng cách bằng con đường tắt. Một phần vì hơn tuần sau, đoàn lại gặp được người đưa thư báo tin rằng chính Hasting, tác giả cuốn sách sẽ gặp và dẫn đoàn ở đồn Bridger ở chân dãy núi Rocky. Ngày 19 tháng 7 đoàn đến sông Little Sandy, Wyoming. Từ đây chia ra 2 nhánh, một nhánh đi theo đường cũ về phía Bắc và nhánh kia đi đường tắt về phía Nam. Khi đến đồn thì Hasting đã dẫn đoàn khác đi trước sau khi để lại thư cảnh báo về sự nguy hiểm và khuyên không nên đi con đường tắt. Phần lớn đoàn đi theo đường cũ vòng quanh núi ngoại trừ nhóm Donner và chục người. Sau khi nghỉ ngơi 4 ngày, họ bắt đầu con đường tắt 7 tuần định mệnh vì tin rằng rút ngắn gần 400 dặm quả đáng để thử thách.

Khi đoàn qua được dãy núi Wasatch thì họ gặp một nhóm khác. Từ đó họ nhìn xuống hoang mạc lớn Salt Lake, Utah và đoán là sẽ mất hơn 2 tuần nữa để xuống núi. Vài gia đình nghèo đã cạn thực phẩm và nước uống. Bấy giờ là cuối tháng 8, 1846 nắng nóng như điên ở sa mạc Salt Lake, nhiều con bò, ngựa khát nước bứt dây thừng, hất lật xe, chạy như điên dại. Tháng 10, 1846 thì cả đoàn đến chân dãy núi Sierra Nevada.Trong đoàn đã xảy ra vài vụ đâm chém xô xát vì bất đồng. Một nhóm người thổ dân Paiute đã tấn công giết bò, bắt đi và làm bị thương một số, gần 100 con bò của cả đoàn bị mất từ khi khởi hành. Tháng 11 thì họ qua đèo vào mùa bão tuyết. Họ buộc phải dừng lại cắm lều trên dốc đèo ngập 3 mét tuyết ở dãy núi Sierra Nevada. Ðây chính là đoạn đường khó khăn nhất cho hành trình, dù chỉ chừng 100 dặm. Rặng núi đá này gồm hơn 500 đỉnh, cao hơn 3km. Với độ cao, nơi này đón những trận bão tuyết dày đặc hơn bất cứ nơi nào ở Bắc Mỹ. Sườn núi phía Ðông lại dựng đứng. Sau khi đã trải qua ngàn dặm ở vùng Trung Mỹ thì các ngựa bò đã gần như kiệt lực. Ðến chân dãy núi này vào mùa Ðông thì bùn lầy và tuyết ngập gối cùng mưa bão, trong khi cỏ khô và thức ăn cạn kiệt. Các xe bò phải được chèn bánh để khỏi trượt dốc. Các thanh niên tình nguyện đi tìm thức ăn và cứu nạn đã không trở về. Ðói quá họ phải ăn cả lều bạt bằng da, hầm xương bò, xương ngựa để cầm cự và cuối cùng cả ăn thịt người vừa chết. Chỉ có 45 người trong số 89 người sống sót sau khi các đoàn đi cứu nạn tìm thấy vào mùa xuân năm sau. Nơi ngọn đèo xấu số đó được đặt tên là Ðèo Donner, nằm trong dãy Sierra Nevada ở mạn Bắc California, nối liền San Francisco với Reno.

Một thoáng dừng chân

Suốt thời kỳ di dân về miền Viễn Tây từ năm 1840 đến 1860 bằng con đường Oregon Trail này có chừng 400 ngàn người. Trong đó chỉ có khoảng 80 ngàn đến Oregon, một số khác dừng lại định cư ở các tiểu bang sau này như Wyoming, Idaho; 70 ngàn người theo đạo Mormon đến Utah và phần lớn 250 ngàn đến California theo giấc mộng “vàng”. Trong con số di dân vĩ đại về miền đất hứa Exodus này có chừng 20 ngàn người chết vì bệnh tật, chỉ có 400 người chết bởi cung tên thổ dân. Xác họ chôn dọc theo con đường mòn.

Ðường mòn Oregon vẫn còn được dùng trong suốt những năm của cuộc nội chiến và thưa dần cho đến năm 1869, khi con đường hỏa xa thiên lý Ðông Tây hoàn tất. Ðến năm 1890 khi hệ thống xa lộ Mỹ bắt đầu xây dựng thì các đường trải nhựa đã dần dà thay thế các lối mòn. Ngày nay xa lộ 26 chạy song song phần lớn đường mòn huyền thoại này. Xuyên suốt hơn 2,170 dặm ngày nay vẫn còn những dấu tích, tên họ của người di dân lưu lại trên những núi đá lớn gọi là Register Rocks ở Nebraska, Idaho và Independence Rock ở Wyoming, những hòn núi cao vót lạ kỳ được di dân nhắm hướng mà đi. Di dân cũng để lại dấu tích trong các hang núi, ven hồ, các nơi cắm trại dọc đường.

Những lối đi lún mòn trên đường suốt 20 năm di dân, ngày nay vẫn còn hằn vết bánh xe bò trong lòng đất xuyên qua 6 tiểu bang. Nơi qua bao năm tháng biển dâu, cỏ xanh chừng như bị giẫm không mọc lên nổi. Nơi những giai thoại, câu chuyện và hồn thiêng của những tiền nhân như còn phảng phất đâu đây. Một thuở di cư mở nước đầy bi tráng, hoàn thành “Vận mệnh hiển nhiên” bằng Ðường mòn Oregon.

 

Ngọc Lan st

 

back to top