Nghệ thuật Trung Hoa qua Triều đại Tần – Hán
Nghệ thuật Trung Hoa qua Triều đại
Tần – Hán
Từ thời xưa, người Trung Hoa tin rằng nền văn hóa của họ là do Thiên Thượng truyền xuống…
Niềm tin ấy được thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật tao nhã và những đồ vật thiết kế đầy tinh xảo được trưng bày trong triển lãm “Age of Empires: Chinese Art of the Qin and Han Dynasties” (Tạm dịch: Thời đại của các Vương triều: Nghệ thuật Trung Hoa qua triều đại Tần – Hán) (Từ 221 TCN đến 220 SCN) tại bảo tàng nghệ thuật Metropolitan.
Mô hình cỗ xe ngựa (bản sao hiện đại), bản gốc có từ triều đại nhà Tần (221-206 TCN).
Mô hình trên bao gồm nhiều sắc tố của đồng, mượn từ Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
Từ đội quân đất nung của vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa, cho tới dải lụa với thiết kế đầy tinh tế mô tả con đường lên Thiên thượng, đến cả bộ đồ mai táng làm bằng ngọc bích mang ý nghĩa gìn giữ sự bất tử của một vị công chúa, tất cả những tác phẩm đó đã thể hiện niềm tin của người Trung Hoa vào một cõi tâm linh vượt ra ngoài thế giới vật chất.
Bộ đồ chôn cất của Đô Quân, nhà Tây Hán (206 TCN – 9 sau CN). Làm từ ngọc bích và các dải vàng ròng. Mượn từ Bảo tàng tỉnh Hà Bắc và Viện Văn hóa tỉnh Hà Bắc. Bộ đồ ngọc bích này được khai quật từ mộ của Đô Quân, vợ của hoàng tử Lưu Thịnh vùng Trung Sơn. Thi hài của bà được bọc và liệm trong bộ đồ này. Bộ đồ bao gồm 2.400 mảnh ngọc bích hình chữ nhật được khắc chữ và trang trí tỉ mỉ, gắn vào nhau bởi dải vàng và dây lụa. Thời nhà Hán có quan niệm rằng nếu một người đã khuất được bọc trong ngọc bích và không để sót khe hở, thì sẽ ngăn được “tinh hoa của sự sống” thoát ra, và người đó sẽ đạt được sự bất tử.(Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
Ông Tôn Chí Tân, người phụ trách về nghệ thuật Trung Hoa tại bảo tàng nghệ thuật Metropolitan giới thiệu về tác phẩm Lực sĩ làm bằng gốm, thuộc đời Tần (221-206 TCN): “Đặc điểm độc đáo của tác phẩm điêu khắc này là sự mô tả chính xác về mặt giải phẫu học cơ thể người, điều không thể tìm thấy trong nghệ thật Trung Hoa trước triều nhà Tần”.
Tác phẩm Lực sĩ làm bằng gốm thời nhà Tần (221-206 TCN).
Bảo tàng Lăng mộ Hoàng đế tần Thủy Hoàng. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
Tác phẩm Lực sĩ này được tìm thấy cùng mười tác phẩm khác trong một hố gần lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Nhóm tác phẩm này tượng trưng cho một đoàn kịch biểu diễn nhào lộn ở triều đình. Thể loại kịch Trung Hoa này có nguồn gốc từ thời cổ đại, và tại thời kỳ Tần – Hán đã phát triển thành tiết mục có động tác hoàn chỉnh, bao gồm cả đi trên dây và nuốt gươm. Tác phẩm Lực sĩ có dáng dấp oai nghiêm và bàn tay cứng cỏi, cùng với thế đứng rộng. Nhân vật này đã từng cầm cây cột cho người khác leo lên đỉnh để đu, giữ thăng bằng và xoắn mình. Sự chính xác đáng kinh ngạc về giải phẫu học của tác phẩm cho đến nay vẫn chưa được biết đến trong nghệ thuật Trung Quốc. Người ta phỏng đoán rằng tạo tác này được lấy cảm hứng từ các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp mà Alexander Đại Đế đã đưa vào vùng Trung Á từ một thế kỉ trước đó
Tác phẩm Cung thủ quỳ gối thời nhà Tần (221-206 TCN). Làm bằng gốm với vết tích của các chất màu,
Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
Ông Thomas P. Campbell, quản lý và giám đốc điều hành của bảo tàng nghệ thuật Metropolitan phát biểu trước báo giới trong cuộc triển lãm rằng: “Nhiều tác phẩm trong cuộc triển lãm ngoạn mục này chưa từng được tìm thấy ở phương Tây. Du khách sẽ có cơ hội được một lần trong đời chiêm ngưỡng một kỷ nguyên huy hoàng của nền văn minh Trung Hoa”. Cũng theo ông Thomas P. Campbell, triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 16/7/2017.
Sáu chiếc chuông thời Tây Hán (206 TCN – 9 SCN) được khảm bằng vàng và bạc,
Viện văn hóa và khảo cổ học tỉnh Giang Tây.(Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
Triển lãm bao gồm 160 hiện vật được chế tác tinh xảo bao gồm cả điêu khắc, hội họa, thư pháp, gốm sứ, kim loại, hàng dệt, và các mô hình kiến trúc được mượn từ hơn 32 bảo tàng ở Trung Quốc.
Vị tướng không mang giáp thời nhà Tần (221-206 TCN) được làm từ gốm,
Bảo tàng lăng mộ Tần Thủy Hoàng. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
Lấy các chiến binh đất nung làm ví dụ, mỗi chiến binh lại có một nét mặt riêng biệt, tạo nên cảm giác của những tính cách khác nhau. Đội quân gồm 7.000 lính tráng bằng đất nung được chôn cùng Thủy Hoàng đế để bảo vệ ông tại thế giới bên kia. “Một đội quân của Hoàng đế cũng hùng mạnh như khi ông còn sống”, ông Tôn Chí Tân nói về ý định của Tần Thủy Hoàng trong việc tạo ra quần thể lăng mộ của ông.
Tác phẩm Vũ nữ, thời Tây Hán (206 TCN – 9 SCN), làm bằng gốm cùng các màu khoáng,
Bảo tàng thành phố Tô Châu (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
Một ví dụ khác là về các pho tượng vũ công thời nhà Hán với tay áo dài được làm từ đất nung. Mặc dù tạo hình đơn giản, nhưng vẫn khiến bức tượng trông như đang múa. Với tên gọi là các “minh khí”, ám chỉ là những thứ thuộc về âm phủ, những pho tượng được tạo ra để mang niềm vui tới thế giới bên kia, mua vui cho người đã khuất trong cõi vĩnh hằng.
Nổi bật trong các tác phẩm là những đồ vật bằng đồng với lớp lót phức tạp, lớp sơn mài tinh tế, và những họa tiết ấn tượng. Chúng đã cho thấy sự tinh tế trong kỹ thuật và thiết kế tới từng chi tiết.
Thùng đựng tiền thời Tây Hán (206 TCN – 9 SCN) làm bằng đồng tại Bảo tàng tỉnh Vân Nam.
(Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
Cặp hình chạm những con thú thần thoại thời nhà Tần (221-206 TCN).
Tác phẩm làm bằng đồng được khảm thủy tinh và mạ vàng, đặt tại Bảo tàng Tây An. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
Tác phẩm Tê giác thời Tây Hán (206 TCN-9 SCN), làm bằng đồng mạ vàng, đặt tại Bảo tàng Nam Kinh.
(Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
Bình rượu với họa tiết rồng xen kẽ thời Tây Hán (206 TCN – 9 SCN), làm bằng đồng Bảo tàng tỉnh Hà Bắc.
(Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
Có thể lấy một chiếc bình rượu thời nhà Hán làm ví dụ. Nó được trang trí bằng vàng và bạc, khắc họa bốn con rồng cách điệu, cùng ba hình phượng hoàng lồng vào nhau tạo thành một vòng tròn trên nắp. Chiếc bình rượu là tạo tác gia truyền quý giá thời Hán, tượng trưng cho trí tuệ, sự thanh cao, hòa bình và sự kiên trì. Nhiều tác phẩm khác cho thấy mức độ tinh tế phi thường của nền văn hoá Trung Hoa cổ đại.
Nhất thống Trung Hoa
Bên cạnh thiết kế tao nhã tạo nên nguồn cảm hứng bất tận, triển lãm “Thời đại của các Vương triều: Nghệ thuật Trung Hoa qua triều đại Tần-Hán” còn cho thấy những thành quả của sự thống nhất Trung Hoa.
Trong suốt thời kỳ cai trị của mình, Tần Thủy Hoàng đã đi khắp lãnh thổ Trung Hoa, giải quyết các vấn đề trong nước, kiểm tra các vùng lãnh thổ, dựng các bia đá tuyên bố chiến công, đồng thời cũng kết nối với Trời đất thông qua các nghi lễ cổ.
Triều đại nhà Tần chỉ kéo dài vỏn vẹn 15 năm (221 – 206 TCN), nhưng đã thiết lập được cơ chế hành chính thống nhất. Nó được tiếp nối, mở rộng và củng cố bởi nhà Hán cũng như các triều đại tiếp sau đó
Mô hình nhà nhiều tầng thời Đông Hán (25 SCN – 220 SCN) làm từ gốm cùng các chất màu,
tại Bảo tàng Hà Nam. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng thể hiện sức mạnh quân sự của triều đại đương thời, là yếu tố trọng yếu để thống nhất lãnh thổ. Tất nhiên, những vị hoàng đế không thể luôn dùng vũ lực để cai trị, vì “đó sẽ là một công việc bất khả thi”, ông Tôn Chí Tân nói. Ông cũng đề cao việc nhà Tần chuẩn hóa văn tự từ hàng trăm phương ngữ khác nhau: “Tất cả mọi người trong vương quốc đều có thể hiểu các chính sách và sắc lệnh của chính phủ, kể cả những người khuyết tật”.
Không chỉ như vậy, nhà Tần còn xây dựng một hệ thống đường xá trải dài 4.250 dặm, vượt qua con số 3.740 dặm của Đế quốc La Mã tại thời kỳ hưng thịnh nhất (khoảng năm 150 SCN). Đồng thời, nhà Tần còn thiết lập một đường biên giới mạnh mẽ với sự giúp sức của công trình Vạn Lý Trường Thành trải dài 2.150 dặm, kết nối những bức tường được xây dựng bởi sáu tiểu quốc từng tham chiến thời bấy giờ. Vạn Lý Trường Thành đã giúp Trung Hoa đứng vững trước nhiều cuộc xâm lăng và chia cắt.
Tác phẩm Người bắn cung đứng thời nhà Tần (221-206 TCN) làm bằng đất nung,
đặt tại Bảo tàng lăng mộ Tần Thủy Hoàng. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
“Khi triều đại nhà Hán lên nắm quyền, nhiều cải cách nhà Tần khởi xướng đã được thông qua. Mặc dù tiêu chuẩn tiền tệ, trọng lượng và đo lường được bắt đầu từ triều đại nhà Tần, nhưng phải mất vài thập kỷ các tiêu chuẩn đó mới có thể phát triển”, ông Tôn Chí Tân nhận định.
“Triều nhà Hán cũng kế thừa Nho giáo để làm nền tảng tri thức”, ông Tôn Chí Tân giải thích. Học giả Nho giáo Đống Trọng Thư đã viết cuốn “Thiên nhân tam sách” cho Hoàng đế nhà Hán là Hán Vũ Đế, giải thích vì sao các bậc vương giả phải tuân theo nguyên tắc cai trị hòa bình là nền chính của Nho giáo.
Phỏng theo Từ Huyễn (916-991) và phỏng theo bản gốc của Lí Tư ( năm 219 TCN) – Bia khắc chữ trên bia đá của núi Dịch. Niên đại của tấm bia có từ đời nhà Tống (960-1279). Được phục chế bằng cách viết mực trên giấy, đặt tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
Những giá trị của Nho giáo như lòng hiếu thảo đã trở thành luật lệ trong thời nhà Hán. Bên cạnh đó, các sắc lệnh của nhà vua viết trên các phiến gỗ, được bảo quản trong các ống thủy tinh mỏng trưng bày trong triển lãm, chỉ rõ các đặc quyền dành cho người cao niên dưới thời Hán.
“Theo sắc lệnh, người cao niên, sẽ được công nhận khi đến 70 tuổi, được miễn thuế bán hàng và không bị truy tố vì tội nhẹ. Thêm vào đó, người sẵn sàng giúp đỡ các cụ bà neo đơn sẽ được miễn thuế và lao động khổ sai (thuế lao động phong kiến). Đó có lẽ là hình thức phúc lợi xã hội sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc”, trích lời mô tả cho “Các sắc lệnh của nhà vua” trong triển lãm.
Gương đồng thời nhà Hán (206 TCN – 220 SCN) đặt tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc.
(Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)
Nhưng có lẽ tuyệt tác mang tính biểu tượng đại diện cho cho sự khai thủy dân tộc và sự hợp nhất dưới một triều đại Trung Hoa là tấm gương dưới thời Hán được trang trí công phu. Trên cạnh gương có viết:
“Những nghệ nhân chế tác chiếc gương này từ tinh chất của ngũ hành. Những hình ảnh và thiết kế bắt nguồn từ các nguyên tắc cơ bản. Sự sáng chói của nó giống như mặt trời và mặt trăng, và các ký tự vô cùng chắc chắn và rõ ràng. Khi bạn nhìn thấy khuôn mặt của mình phản chiếu ở đây, tấm gương này sẽ xua tan tất cả những tai họa và khốn khổ. Hãy để Vương quốc Trung Nguyên bình yên và an toàn, và các thế hệ sẽ luôn thịnh vượng, bằng cách tuân theo nguyên tắc vĩ đại chi phối tất cả.”
Minh Anh (T/H)
●▬▬▬▬๑۩ Kim Quy st ۩๑▬▬▬▬▬●