Todd Rundgren- Ân nhân của thuyền nhân
Todd Rundgren
Ân nhân của thuyền nhân
Ian Bùi
Lời Giới Thiệu: Mặc dù là một nghệ sĩ lớn của nền âm nhạc Mỹ, nổi danh từ thời 70, nhưng Todd Rundgren vẫn là một tên tuổi xa lạ đối với đại đa số người Việt. Ít ai biết Todd đã từng tổ chức gây quỹ cho thuyền nhân Việt Nam vào cuối thập niên 70. Nhân dịp Todd đến Texas trình diễn tại Houston và San Antonio, chúng tôi đã được hân hạnh phỏng vấn Todd cho loạt bài hai kỳ trên báo Trẻ về người nhạc sĩ đa tài và độc đáo này. Tuần này mời các bạn đọc sơ lược tiểu sử Todd Rundgren.
Todd Rundgren thời điểm 1972
Phần 1
Sinh ngày 22/6/1948 gần thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, Todd Rundgren bắt đầu chơi nhạc từ hồi còn ở trung học, vào lúc ban Beatles đang tung hoành trên radio và ảnh hưởng mạnh đến giới thanh thiếu niên thời bấy giờ. Sau khi ra trường, Todd gia nhập một ban nhạc blues tên Woody’s Truck Stop và chơi guitar. Ít lâu sau Todd cùng vài người bạn lập ban nhạc rock Nazz, theo mốt các ban nhạc từ Anh Quốc như The Who. Nazz chỉ ra được hai dĩa thì rã đám, nhưng trong số đó có sáng tác đầu tay của Todd tựa là “Hello, It’s Me” sau này trở thành bản nhạc nổi tiếng nhất của Rundgren.
Năm 1970, Todd Rundgren cho ra đời dĩa nhạc đầu tiên của chính mình, “Runt” — thật ra chỉ để “chơi cho vui” thôi, vì nghề tay mặt của anh vẫn là sản xuất dĩa hát cho người khác. Không ngờ “Runt” lại có một bài leo lên đến hạng #20 trên bảng Billboard, tựa là “We Gotta Get You A Woman”, thế là Todd Rundgren nghiễm nhiên trở thành một ca sĩ được nhiều người biết đến. Sẵn trớn, anh cho ra thêm hai dĩa nữa “The Ballad of Todd Rundgren” (1971) và “Something/Anything?” (1972), thường được viết tắt là “S/A” và cũng là dĩa nhạc thành công nhất của Rundgren. Dĩa “S/A” là dĩa đôi (double album), có bốn mặt cả thảy. Trong ba mặt đầu, Todd một mình chơi tất cả các nhạc cụ (đàn, trống, piano, saxophone v.v.) và hát bè cho chính mình, cũng như tự lo phần kỹ thuật âm thanh và sản xuất. Sau này nhiều nghệ sĩ đa năng khác cũng bắt chước kiểu làm nhạc một mình như Todd, nổi tiếng nhất là Stevie Wonder và Prince.
Dĩa “S/A” có hai bài top hit, “I Saw The Light” và “Hello, It’s Me”. Danh tiếng của Rundgren bắt đầu nổi như cồn, và người ta so sánh anh với nữ nhạc sĩ Carole King đang thao túng làn sóng AM radio thời ấy. Nhưng điều này chỉ khiến Rundgren muốn tách xa khỏi thế giới nhạc pop. Thế là Rundgren quay 180 độ và tung ra dĩa “A Wizard, A True Star” (1973), viết tắt là AWATS, đầy những âm thanh lạ lùng, những bài nhạc không mang bất cứ sắc thái nào của nhạc pop, không bài nào có khả năng lọt vào Top 40.
Healing Tour, 2010
Mở màn bằng bài “International Feel” với tiếng synthesizer điện tử, AWATS kéo dài gần 55 phút, tức là hơn dĩa nhựa bình thường gần 10 phút, đòi hỏi những kỹ xảo thu thanh đặc biệt mà Todd phải tốn nhiều công sức để hoàn tất. Kết quả là AWATS không những không bán chạy mà còn làm cho Todd mất khá nhiều người hâm mộ.
Nhưng ngược lại, từ đó về sau Todd đã thu hút được một số fan mới, tuy con số này nhỏ hơn nhiều nhưng họ lại thuộc thành phần thích nghe nhạc hay, có chiều sâu. Hơn thế nữa, các nhạc sĩ cùng thời bắt đầu chú ý đến Todd, và dĩa AWATS cho tới bây giờ vẫn được xem như một sáng tạo âm nhạc có một không hai, với tầm ảnh hưởng sâu rộng vượt thời gian. Từ đó về sau Todd chuyên làm nhạc cho mình chứ không chạy theo thị hiếu của khán thính giả nữa.
Rất nhiều nhạc sĩ trẻ thời nay, kể cả Trent Reznor của Nine Inch Nails, coi AWATS như một album kinh điển chẳng khác nào “Sgt Pepper’s” của Beatles. Năm 2009, một công ty tư nhân do fan của Todd thành lập mang tên Rundgren Radio đã thuyết phục được Todd chơi lại toàn bộ dĩa AWATS từ đầu đến cuối trên sân khấu, và mang đi tour không những ở Mỹ mà còn sang cả Âu Châu!
Từ trái: Michele, Rebop, Todd, Liv Tyler
Ngoài những dĩa nhạc solo, Todd Rundgren còn lập một ban nhạc mang tên Utopia–thật ra là hai ban nhạc khác nhau với hai phong cách hoàn toàn khác biệt. Phiên bản Utopia thứ nhất, ra đời vào những năm cuối thập niên 70, chơi một loại nhạc được gọi là progressive rock (prog-rock), thiên về jazz và nhạc tự do không lời, với những bản nhạc dài 20-30 phút, cấu trúc cầu kỳ phức tạp. Phiên bản Utopia thứ nhì ra đời trong thập niên 80, thời kỳ của MTV, với dòng nhạc mệnh danh power-pop, tức là nhạc pop nhưng chơi theo phong cách rock, với những ngón đàn guitar nảy lửa do Todd đảm nhiệm. Utopia 2 còn có một lượng khán giả hâm mộ khá đông ở Nhật, và có một bài tên “Hiroshima”, nói về việc Mỹ thả bom nguyên tử trong Ðệ Nhị Thế Chiến.
Không những là một nhạc sĩ sáng tác và một tay đàn guitar cừ khôi, Todd Rundgren còn là một nhà khoa học, luôn luôn tìm tòi và thử nghiệm các kỹ thuật điện tử mới nhất để tìm cách áp dụng chúng cho mục đích làm nhạc và thâu thanh. Trong thập niên 80 Todd đã viết nhu liệu cho hãng Apple Computers để vẽ graphics và làm video cho nhạc của mình. Khi MTV mới ra đời, trong ngày đầu tiên họ đã trình chiếu music video của không ai khác hơn là Todd Rundgren.
Todd và Ringo Starr
Giữa thập niên 1990 Todd đã cho ra đời dĩa nhạc CD-Interactive đầu tiên, “No World Order”, cho phép người nghe thay đổi những bản nhạc bằng cách pha trộn các thành phần của bài nhạc theo ý mình muốn nếu họ có máy hát CD-I của hãng Philips, tạo nên vô số phiên bản khác nhau, không cái nào giống cái nào. Todd còn đi tiên phong trong việc bán nhạc online vào năm 1995, thời kỳ phôi thai của Internet, bằng cách thiết kế một website tên Patronet để các thành viên trong fan club của mình có thể ghi danh và download nhạc mà không cần phải mua dĩa. Phương cách lạ lùng mới mẻ này lập tức bị các nhà phát hành dĩa chống đối dữ dội. Mãi đến khi Steve Jobs cho ra đời hệ thống iTunes, khoảng mười năm sau đó, thì thị trường nhạc online mới thật sự bùng nổ.
Về mặt trình diễn, Todd còn là nhạc sĩ đầu tiên dùng toàn đèn LED cho các chương trình live show của mình từ những năm đầu của thế kỷ 21. Trong tour mới nhất của mình, Todd tiếp tục khai thác các kỹ thuật hiện đại như dựng hai màn ảnh LED song song trên sân khấu và đặt ban nhạc vào giữa, trong khi đó mình và hai người nữ ca sĩ đứng riêng ở phía trước, tạo nên ảo giác 3-D.
Vợ chồng Tom Hanks và Todd-Michele
Dĩa mới nhất của Rundgren, mang tên “White Knight” (Bạch-Y Hiệp-Sĩ), cũng không giống bất kỳ dĩa nào của Todd từ xưa đến nay. Mỗi bài nhạc là một sự cộng tác giữa Todd với một nghệ sĩ khác. Nhưng chúng không phải là những bản song ca kiểu như Tony Bennett với Lady Gaga, mà là một hình thức trao đổi nghệ thuật. Vì Todd sống trên đảo Kauai, xa đất liền, nên anh và các cộng tác viên phải dùng internet để liên lạc và làm nhạc chung, kể cả việc sáng tác và hoà âm.
Todd cho biết cái chết của David Bowie và Prince năm ngoái làm anh cảm thấy mình có bổn phận làm một album không chỉ cho riêng mình như anh từng làm từ hồi AWATS cho tới nay, mà phải mang một thông điệp rõ rệt đến với nhiều người hơn, nhất là sau khi cuộc bầu cử Tổng thống 2016 đã làm nhiều người mất niềm tin vào hệ thống chính trị của nước Mỹ. Do đó anh đã liên lạc một số nghệ sĩ anh quen biết và mời họ cộng tác. Tất nhiên không ai từ chối.
Trong số mười mấy người đó có những nghệ sĩ cùng lứa với Todd như Joe Walsh (The Eagles), Donald Fagen (Steely Dan), Daryl Hall (Hall and Oates). Nhưng phần đông là các nghệ sĩ thuộc thế hệ trẻ hơn–như Robyn, Dâm Funk, Joe Satriani, luôn cả con trai út của Todd là Rebop Rundgren.
Trại viên Toddstock cắm lều trước sân nhà Todd, Kauai 2008.
Khác với nhiều siêu sao nhạc rock khác, Todd có một đời sống gia đình rất ổn định. Ngoài ba người con trai, Todd còn có hai người con nuôi—một trai một gái. Cô con gái này là con của Steven Tyler, ca sĩ của ban nhạc Aerosmith, một người cha không được đàng hoàng cho lắm. Vì vậy Todd đã nuôi cô bé như con ruột từ lúc mới sinh ra. Mãi đến khi Liv Rundgren lên 12 tuổi cô bé mới biết cha ruột của mình là ai và đổi tên họ lại cho đúng. Ngày nay Liv Tyler là một tài tử điện ảnh, từng đóng nhiều phim lớn như “Lord Of The Rings”, nhưng cô vẫn xem Todd và các người anh nuôi của mình như gia đình.
Tháng 6, 2008, vợ của Todd—Michele tổ chức một tuần lễ sinh nhật 60 cho chồng trên đảo Kauai, ngay trong khuôn viên của căn nhà do Todd tự tay vẽ kiểu. Bà gởi thư mời fan từ khắp nơi tựu về để dựng lều cắm trại và chung vui, gọi nó là Toddstock, dựa theo mô hình Woodstock năm 1969. Ngoài fan từ Mỹ còn có fan đến từ những nước xa xôi như Anh, Úc, Tân Tây Lan, Nhật Bản, tổng cộng khoảng hơn hai trăm người. Sự kiện này đã được quay thành phim. Những người tham dự Toddstock ngày nay đã trở thành một nhóm bạn vô cùng thân thiết trên Facebook cũng như ngoài đời, không khác gì một đại gia đình. Họ đang sốt ruột chờ xem tháng 6 năm tới Todd sẽ làm gì để ăn mừng “thất thập cổ lai hy”…
Phần 2
Nhân dịp nhạc sĩ Todd Rundgren đến Texas trình diễn, báo Trẻ đã có cơ hội phỏng vấn người nghệ sĩ đa tài này qua điện thoại và sau show nhạc tại Houston. Mời bạn đọc theo dõi phần 2 của bài phóng sự.
Từ trái: Tác giả Ianbui, Todd, Michele và huy hiệu cờ VNCH – Hoa Kỳ do Ianbui tặng.
Todd Rundgren: Khi chiến tranh Việt Nam đang xảy ra thì tôi không có tham dự. Mà nếu như lúc ấy có bị bắt quân dịch thì có lẽ tôi cũng không hội đủ tiêu chuẩn sức khoẻ [cười]. Vả lại, bản thân tôi cũng không ủng hộ chiến tranh. Nhưng sau khi chiến tranh chấm dứt, là một công dân Hoa Kỳ, tôi cảm thấy mình có phần nào trách nhiệm trong việc hàn gắn những vết thương của cuộc chiến mà chánh phủ nước mình đã nhúng tay vào. Tôi thấy ít ra phải vậy mới công bằng.
PV: Ý tưởng này tự anh nghĩ ra hay do ai thúc đẩy?
TR: Ðây là sáng kiến của bản thân tôi. Tuy nhiên, lúc ấy tôi hoàn toàn không biết phải làm cách nào để thực hiện điều này. Chúng tôi bèn liên lạc với tổ chức Children’s Defense Fund (Quỹ Bảo Vệ Trẻ Em) của Liên Hiệp Quốc để nhờ họ hỗ trợ. Họ đã giúp chúng tôi rất nhiều về mặt tổ chức, quảng bá v.v… Họ còn thu xếp cho tôi lên chương trình TV “60 Minutes” để được phỏng vấn bởi Ed Bradley, nhờ vậy chương trình của chúng tôi được khá nhiều người biết đến.
Ngoài ban nhạc Utopia của tôi ra còn có sự đóng góp của một số nghệ sĩ khác như Rick Derringer, Patti Smith, David Johansen của ban nhạc New York Dolls… Gần 40 năm rồi nên tôi cũng quên những ai đã chơi trong đêm nào, nhưng theo tôi nhớ thì khán trường cả hai đêm đều rất đông, gần như đầy kín khán giả. Ngoài số tiền thu được, thành công lớn hơn là chúng tôi đã gây được sự chú ý của công chúng về tình trạng bi đát của thuyền nhân, cho nên trong chừng mực nào đó coi như chúng tôi đã đạt được mục đích.
Whitney Burr
PV: Trong dĩa “Initiation”, phát hành năm 75, anh có nhiều bài đậm chất triết lý Đông Phương cũng như một số lý thuyết Ấn Giáo. Anh có thể cho biết ảnh hưởng đó đến từ đâu?
TR: Thú thật là từ nhỏ tôi không lớn lên trong một gia đình Ki Tô giáo. Nhưng tôn giáo là một phần không thể tránh khỏi trong xã hội Mỹ. Khi tôi gia nhập Hướng Ðạo, họ bắt tôi phải có một tôn giáo cho nên tôi cũng đi nhà thờ Presbyterian, mặc dù tôi không siêng năng học Kinh Thánh cho lắm. Năm lên 16 tuổi tôi cũng từng nghĩ là mình được “tái sinh” (born again), nhưng có lẽ chỉ vì lúc đó tôi cảm thấy cô đơn. Lớn hơn chút nữa tôi mới nhận ra mình không thuộc vào bất cứ tổ chức hay hệ thống tôn giáo nào. Ngược lại, tôi hay thắc mắc vì sao con người ta cần có niềm tin, và tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về các tín ngưỡng.
Khoảng giữa thập niên 70 tôi làm một cuộc hành trình về phương Ðông. Tôi mua vé đi vòng quanh thế giới, đến những xứ Hồi Giáo như Turkey, Afghanistan, Iran ngay trước khi ông Shah bị lật đổ. Ở Nepal tôi tìm hiểu về Phật Giáo. Ở Ấn Ðộ thì học về Ấn Giáo. Sau đó tôi sang Thái Lan, Bali, Nhật Bản, v.v… Tại mỗi nơi tôi học hỏi về con người và tín ngưỡng nơi đó, tôi thu gom những tư tưởng của nhân loại để làm hành trang cho chính mình nhưng không theo bất cứ đạo giáo nào.
PV: Anh có một lượng fan Nhật rất đông, có phải từ chuyến đi đó?
TR: Thật ra lần đó tôi đến Nhật không phải để chơi nhạc. Sau này, khi ban nhạc Utopia của tôi sang Nhật trình diễn thì khán giả Nhật mới biết đến tôi. Lúc đầu họ thích vì thời đó tôi hay xuất hiện trên sân khấu với y phục sặc sỡ, hoá trang cầu kỳ, giống như kịch Kabuki của họ. Ban nhạc KISS rất được ưa chuộng ở Nhật cũng vì họ chẳng khác nào một tuồng Kabuki [cười]. Nhưng dần dà khán giả Nhật bắt đầu để ý đến nhạc của tôi, và các thông điệp được chuyển tải trong đó, hơn là cách trang phục. Từ đó các fan club mọc lên và tôi được nhiều người Nhật ái mộ. Ngày nay tôi vẫn thích sang Nhật để trình diễn hàng năm–nếu có cơ hội.
Todd và Ringo trong All-Starr Band, 1992
PV: Trong các bản nhạc của Utopia có bài “Hiroshima”, nói về hai trái bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật. Khán giả Nhật phản ứng ra sao khi ban nhạc Utopia chơi bài đó?
TR: Khán giả Nhật rất cảm kích khi thấy có người dám mạnh dạn đối đầu đề tài khá nhạy cảm này. Nước Nhật đã trải qua một sự thay đổi lớn từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến. Một thời họ cũng đã từng có tham vọng làm bá chủ thiên hạ, nhưng giờ đây họ chỉ chú tâm vào việc chế tạo những sản phẩm tốt và bền để bán ra thế giới. Họ yêu chuộng thiên nhiên hơn, không coi sức mạnh quân sự là thước đo của quyền lực nên dân nước họ sướng. Rất tiếc nhiều quốc gia vẫn còn dựa vào quân đội để tạo ảnh hưởng, theo tôi nước Mỹ là một.
PV: Ngoài Nhật ra anh còn có fan hâm mộ ở các nước Á Châu nào khác không?
TR: Nếu có thì tôi cũng không được biết [cười]. Nhưng năm ngoái khi tôi theo ban nhạc All-Starr của Ringo sang Nam Hàn thì chúng tôi được tiếp đãi rất nồng hậu. Người Hàn cũng giống như người Nhật, rất hiếu khách. Họ ra tận phi trường để đón tiếp và tặng hoa, tặng quà. Thời 90 có lần tôi sang diễn ở Thượng Hải trong một chương trình trao đổi văn hoá, nhưng khán giả Tàu không hiểu gì hết về âm nhạc của tôi. Họ có vẻ thích nghe mấy ban nhạc Philippines nhái nhạc Bee Gees hơn! [cười]
Todd và hồ nước trước nhà, Kauai
PV: Anh đã chơi trong ban nhạc All-Starr của Ringo trong nhiều năm. Anh thấy nó ra sao?
TR: Ði tour với Ringo là điều tuyệt vời nhất đối với một người nhạc sĩ. Mặc dù là một Beatle, nhưng Ringo thích hoà đồng với mọi người, muốn được đối xử như một thành viên trong ban nhạc. Bất cứ nơi nào chúng tôi đến Ringo đều sinh hoạt chung với ban nhạc–ở khách sạn hay đi ăn cũng vậy. Câu châm ngôn của Ringo là “Tình Yêu và Hoà Bình” (Peace & Love), và anh ấy thể hiện điều đó qua cách sống và ứng xử của chính bản thân. Ngoài ra Ringo còn là một người rất tếu, thích đùa giỡn, đôi khi cũng hơi quá trớn nhưng chỉ để vui thôi. Ringo hay nói, “Mình đâu sống lâu vầy để làm khổ thân!” [cười]
PV: Ngoài Ringo ra anh có từng hợp tác với các thành viên Beatle nào khác hay không?
TR: Ðể xem… Có một lần tôi được mướn để hoàn tất dĩa nhạc “Straight Up” của ban Badfinger do George Harrison sản xuất. Lúc ấy George mắc bận với chương trình gây quỹ cứu trợ cho Bangladesh nên anh phải ngưng nửa chừng. Lần đó tôi có tiếp xúc với George nhưng chúng tôi không làm việc chung. John Lennon thì tôi cũng có gặp một lần, nhưng vào thời điểm đó anh ta chỉ thích làm nhạc với Yoko mà thôi [cười]. Còn Paul [McCartney] thì hoàn toàn không.
Todd Rundgren trong show “International Feel”, AWATS Tour 2009. Ảnh Ann Cusack
PV: Anh có thể giới thiệu thêm về tổ chức bất vụ lợi do anh sáng lập vài năm trước mang tên Spirit of Harmony Foundation?
TR: Vâng. Mục đích của Foundation là thúc đẩy việc dạy nhạc cho học sinh ở cấp tiểu học. Chúng tôi tin rằng nếu trẻ em được học nhạc khi còn nhỏ, trí óc của chúng sẽ phát triển tốt hơn và những sự biến đổi trong não bộ đó sẽ giúp chúng trong nhiều lãnh vực khác ngoài âm nhạc, mang lại lợi ích lâu dài, có thể là suốt đời.
Mặc dù rất khó để đo lường sự thành công của chương trình này, nhưng trong vài năm qua chúng tôi đã có những bước tiến rõ rệt. Chẳng hạn như một số nhà nghiên cứu về giáo dục, tâm lý và y khoa đã giúp chúng tôi chứng minh được sự khác biệt giữa não bộ người được học nhạc khi còn nhỏ và người không được học. Hoặc như Nghị Viện tiểu bang Colorado đã quyết định đưa âm nhạc vào trong ngân sách giáo dục sau khi nghe một thành viên trong Ban Quản Trị của Foundation thuyết trình về lợi ích của việc học nhạc khi còn nhỏ.
Ngoài ra, cũng cần nói thêm là chúng tôi đã và đang hợp tác với nhiều tổ chức khác nữa, như NAMM (National Association of Music Merchants—Hiệp Hội Các Doanh Nghiệp Âm Nhạc) hay Hungry For Music, một tổ chức thiện nguyện chuyên cung cấp nhạc khí cũ cho trẻ em nghèo. Mục đích chính của Foundation của chúng tôi không phải là quyên tiền mà là để hỗ trợ bất cứ ai muốn khuyến khích dạy âm nhạc nơi học đường, và tạo điều kiện cho các tổ chức địa phương kết nối với nhau để đẩy mạnh việc này.
PV: Tại Toddstock 2008 anh nói anh ngưỡng mộ những người như B.B. King hay Tony Bennett vì họ quan niệm nhạc sĩ là người chơi nhạc cho đến hơi thở cuối cùng. Bản thân anh cũng vậy, bằng chứng là tour “White Knight” mới nhất này anh vẫn đàn hát hết mình, có thể nói còn sung mãn hơn bao giờ. Anh có bí quyết gì để giữ gìn sức khoẻ và thể lực không?
TR: Bớt ăn tinh bột!! [cười] Thật ra tôi không cần tập thể dục vì mỗi năm tôi đi tour gần 8 tháng. Mỗi lần bước lên sân khấu tôi như lên đồng trong hai tiếng đồng hồ, coi như tập thể dục. Thời gian không đi tour thì tôi ở nhà [trên đảo Kauai] và không làm gì cả, chỉ ngắm trời ngắm biển để thư giãn. Có lẽ nhờ vậy mà đầu óc tôi luôn minh mẫn và cơ thể có thì giờ hồi phục. Dĩ nhiên càng lớn tuổi thì gân cốt cũng rêm hơn, mắt mũi kèm nhèm hơn, và trí nhớ cũng không còn bén như xưa. Nhưng nói chung thì hiện giờ tôi cảm thấy cực kỳ hưng phấn.
Todd Rundgren, trong “White Knight” Tour. Ảnh Whitney Burr
PV: Anh có dự tính gì cho sinh nhật 70 vào năm tới không?
TR: Cũng có, nhưng chắc sẽ không tổ chức như Toddstock ở Kauai năm 2008 được vì địa điểm đó quá xa cho nhiều người. Có thể chúng tôi sẽ tổ chức tại nhiều nơi khác nhau, như một ở khu vực Thái Bình Dương, một ở lục địa Hoa Kỳ, một ở Âu Châu, và biết đâu một ở Nam Mỹ!
PV: Anh cũng có fan ở Nam Mỹ nữa à?
TR: Thật ra cũng nhờ đi tour với Ringo! [cười]
PV: Cảm ơn anh đã dành thì giờ cho bổn báo, hy vọng sẽ gặp anh cuối tuần này ở Houston.
TR: Rất hân hạnh được đến với độc giả Việt, mong gặp lại.
Sau đêm diễn tại House of Blues ở Houston, tôi đã gặp gỡ vợ chồng Todd và Michele ở hậu trường. Nhân dịp này, thay mặt người Việt tị nạn, tôi đã trao cho Todd một chiếc pin cài áo mang hình hai lá cờ Hoa Kỳ-VNCH, như lời cảm tạ gởi đến một ân nhân của chúng ta mà gần 40 năm nay không mấy ai biết đến. Khi nhận món quà tượng trưng này, Todd cười vang và tuyên bố: “Tôi đang biến thành người Việt!” (I’m turning Vietnamese!)
Kim Quy st ¸.•*¨*•.¸♪¸.•*♬·¯·♩¸¸♪·¯·♫¸¸*•.¸♥¸.•*¨*•.¸¸¸