Trí Nhớ - Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
TRÍ NHỚ
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Theo định nghĩa, trí nhớ là một khả năng của trí tuệ để thu thập, tích trữ và lấy ra các sự kiện mà con người đã trải qua trong quá khứ.
Có trí nhớ ngắn hạn, trí nhớ dài hạn. Ngắn hạn không tồn tại lâu và có thể chuyển sang dài hạn và lưu trữ mãi mãi
Hãy hình dung khung cảnh một buổi trưa hè, ta ngồi ở một nơi nào không phải là quê hương Hà Nội, mà nhớ lại cách đây trên dưới nửa thế kỷ, cùng bạn bè tắm sông, hái ổi trên Nghi Tàm, đạp xe vào chùa Láng, chùa Trầm. Rồi tưởng tượng như đâu đây phảng phất hương ngọc lan trên đường Quan Thánh, hay phượng vĩ đỏ ối chung quanh Hồ Tây.
Làm sao mà bất cứ lúc nào, nếu muốn, ta cũng như sống lại những gì của quá khứ? Làm sao mà não bộ, một cơ quan chỉ nặng chừng 1.5 kí lô có thể thực hiện được cái công việc đầy khó khăn đó? Ấy là chưa kể cả trăm công việc khác mà não bộ có thể đảm đương để duy trì sự sống của con người.
Riêng về trí nhớ, khoa học đã cố gắng giải đáp, nhưng sự hiểu biết mới chỉ có một phần.
Phát triển của não bộ
Khi mới sanh, não bộ nặng khoảng 50 gr, lúc trưởng thành nặng 1,5 kg.
Đó là một khối chất giống như bột mì nhão, mầu xám nhạt với cả tỷ tế bào và nhiều triệu dây nối tiếp giữa các tế bào.Tín hiệụ chuyển từ tế bào này sang tế bào khác ở chỗ nối tiếp và bằng hóa chất trung gian Acétylcholin.
Mỗi ngày có từ 60.000 tới 100.000 tế bào thần kinh bị hủy diệt và không được thay thế. Đây là một cuộc tàn sát lớn mà khi ta tới tuổi 65, có đến 1/10 tổng số tế bào thần kinh bị tiêu hủy.
May mắn thay là những tế bào còn lại có thể lãnh phần trách nhiệm của những tế bào xấu số. Chúng sẽ mọc ra nhiều nhánh xen kẽ vào khoảng trống để tiếp nhận tín hiệu thần kinh. Sự việc này cũng giống như trong khu rừng già, một cây chết đi thì cây kế cận vươn lên, sinh ra nhiều cành để điền khuyết.
Phần não có nhiệm vụ ghi trí nhớ nằm ở vùng vỏ não, hai bên thái dương, sau mắt.
Phần nhận và thanh lọc tín hiệu cho trí nhớ nằm sâu trong não, có hình chữ C, gọi là hải mã.
Sự liên hệ chức năng giữa hai vùng này rất cần thiết cho trí nhớ .
Ở tuổi già, khối lượng não nhỏ đi, tế bào thần kinh thay đổi hình dạng, sự truyền tín hiệu chậm lại, chất lipofuscin xuất hiện giữa tế bào, có thể gây rối loạn cho các cơ năng của não. Máu vào óc ít hơn, sự cung cấp dưỡng khí cũng giảm.
Hình chụp do X quang cho thấy các luống óc não nhỏ đi, rãnh giữa luống rộng ra. Từ tuổi 20 tới 90, não nhẹ bớt đi khoảng 5-10% và chứa nhiều chất lỏng hơn. Những thay đổi này có ảnh hưởng phần nào tới trí nhớ.
Trí nhớ được chia ra làm ba loại :
1-Trí nhớ ngắn hạn.
Đây là loại trí nhớ để phân tích những dữ kiện, sự việc cần tức thì và kéo dài trong chốc lát . Người Mỹ gọi nó là trí nhớ làm việc (working memory). Từ năm 1890, nhà tâm lý học Williams James gọi là trí nhớ căn bản (Primary memory).
Ta lấy một thí dụ: trí nhớ này giúp ta nhẩm trong đầu một số điện thoại trong khi quay máy. Chẳng hạn: bà vợ hỏi chồng số điện thoại của cô Cúc, em dâu, là bao nhiêu, chồng trả lời 8959.4762. Vợ nhẩm số đó và quay. Hai chị em thảo luận về quần áo, phấn son cả tiếng đồng hồ. Lần sau cần số điện thoại cô Cúc, nàng laị hỏi chàng. Thật là tiện, khỏi mất công nhớ. Mà nếu muốn nhớ, nàng phải dùng đi dùng lại nhiều lần, như là để củng cố, hợp nhất dữ kiện đó vào não.
Trí nhớ này bắt đầu có vào lúc 7 tuổi, thường thường không bị suy giảm với tuổi cao. Nó kéo dài khoảng vài chục giây tới một phút.
2- Trí nhớ trung hạn.
Những dữ kiện ghi trong trí nhớ này tồn taị từ nhiều phút tới vài năm. Một tín hiệu được nhắc đi nhắc laị, được sử dụng nhiều lần sẽ được ghi đậm sâu trong vỏ não. Khi cần đến, óc sẽ được kích thích để lấy ra dữ kiện này.
Còn bé đi học, có những bài học thuộc lòng trong Luân Lý Giáo Khoa Thư mà chắc bây giờ nhiều người trong chúng ta còn nhắm mắt ôn lại được.
Xin nói rõ là, để có chất liệu trong trí nhớ, ta phải đi qua ba giai đoạn :
a-Thu thập
Lấy dữ kiện bằng học hỏi, thảo luận, suy nghĩ, và bằng sự nhận của các giác quan.
b-Tồn trữ
Một dữ kiện, muốn được tồn trữ, phải qua sự thanh lọc của bộ phận hải mã, để coi nó có gây xúc động, hấp dẫn đáng ghi nhớ hay không.
Tên người yêu chắc chắn là phải cần ghi nhớ hơn là tên anh cảnh sát công lộ vừa mới biên phạt mình vì lái xe quá tốc độ.
Dữ kiện đó hoàn toàn mới hay có liên quan tới một kỷ niệm cũ. Thí dụ ta đã có một số ý niệm về một ca sỹ với tiếng hát vượt thời gian; rồi tháng sau có tin cô ấy lấy chồng, năm sau sinh đôi, thì bộ phận hải mã sẽ xếp những tín hiệu mới này vào hình ảnh cô ca sỹ nổi danh trên để được phong phú hơn.
c- Phục hồi kỷ niệm
Giống như máy vi tính, ta có thể phục hồi, lấy ra, bất cứ lúc nào, những dữ kiện có trong trí nhớ. Nghe tiếng hát cô ca sỹ kể trên trong CD là ta có thể hình dung ra cuộc đời ái tình sự nghiệp, gia cảnh cũng như hình dáng của cô ta .
Trí nhớ này bắt đầu có vào lúc 10 tuổi.
3- Trí nhớ dài hạn.
Trí nhớ này có thể tồn tại suốt đời người. Đây là kết quả tích tụ của nhiều năm với những kỷ niệm, kinh nghiệm, kiến thức học hỏi của người tuổi cao.
-Có những trí nhớ về kiến thức tổng quát mà ta thu góp, tàng trữ một cách tự nhiên, không cần biết nó xảy ra khi nào, ở đâu. Nói đến quê hương Việt Nam là ta hình dung ra một giang sơn có hình chữ S, có sông Hồng, núi Ngự, Cửu Long Giang. Khi nhắc tới Quang Trung, ta nhớ lại sử sách kể những trận đánh quân Tàu oai hùng của Người. Trí nhớ này tích tụ ngày một xúc tích, rất tự nhiên, đầy lúc nào ta không hay.
-Còn trí nhớ về những sự kiện cá nhân trong đời sống hàng ngày được ghi nhận với thời gian và không gian. Chẳng hạn trưa hôm qua ta ăn cơm Việt Nam ở quán Sải Gòn hoặc sinh nhật năm ngoái, ta nhận được chiếc đồng hồ mới do vợ con mua tặng. Đó là trí nhớ quá khứ.
-Sáng nay khi đi làm, ta tự nhủ là chiều nay tan sở trước khi về nhà, sẽ ghé siêu thị mua chai rượu vang vì tối nay vợ làm món cá bông lau hấp. Đây là trí nhớ vị lai.
-Có trí nhớ hành động thường nhật như ta tự hỏi, sáng nay có để thức ăn cho chú chó không, hoặc tuần trước ta cắt cỏ ngày thứ năm hay thứ sáu.
-Trong trí nhớ hồi tưởng, ta nghĩ và nói về dữ kiện của “ những ngày xưa thân ái ”, trí nhớ tự truyện nhắc đi nhắc lại chuyện về mình trong vài năm trước.
-Trí nhớ dung nhan khi “ Xin lỗi nom ông quen quen, mình đã gặp nhau, mà không sao nhớ được tên ông ”, trí nhớ “đã thấy” (déjà vu) mình đã ở nơi đó mà không nhớ bao giờ.
-Bà nội trợ, làm bếp cần mấy củ tỏi, nhưng nhà không còn. Bà ta nhẩm trong đầu là kỳ tới đi chợ thêm tỏi vào danh sách các thứ cần mua. Khi viết danh sách lại quên biên tỏi. Đi chợ, qua hàng rau quả, nhìn thây tỏi, bà ta lượm một túi, như vậy là trí nhớ thầm kín đã gợi bà mua tỏi.
Kết luận
Làm sao mà não, nói chung, các trung tâm trí nhớ, nói riêng, có thể hoàn tất công việc phức tạp đó một cách chu đáo và khoa học như vậy? Cho tới nay, chưa có một giải đáp thỏa đáng mà chỉ có những gơị ý, phỏng đoán.
Có người đã ví não bộ như cả ngàn hệ thống điện thọai mà mỗi hệ thống có thể cung cấp nhu cầu liên lạc cho tất cả dân chúng của thành phố Nữu Ước. Các trung tâm này liên tục nhận những tín hịêu thu lượm do ngũ quan đưa về, phân tích, xếp loại rồi tồn trữ.
Óc ghi nhận dữ kiện như một cái máy thu âm, bộ phận hải mã như là một cái nút kiểm soát. Bình thường, nút bấm này tắt, và chỉ mở để ghi khi nào dữ kiện được coi là quan trọng.
Một dữ kiện không quan trọng thường lởn vởn trong đầu một lúc rồi tan biến đi. Cho nên nếu ta có quên tên một người nào đó trong tiệc cưới cũng là chuyện bình thường, giống như là lâu lâu ta quên, không biết chìa khóa xe, chìa khóa nhà để ở đâu.
Nhưng lái xe đi làm mỗi ngày trên cùng con đường mà lạc lối; quên những hẹn quan trọng; kể đi kể lại cùng câu chuyện trong một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với bạn bè, thì là điều đáng ngại.
Những thắc mắc, lo âu, tự hỏi: Ta già rồi chăng? Hay ta đang mắc chứng não suy trầm trọng?
Liệu trí nhớ có bỏ ta ra đi như những con chuột tìm đường chạy trốn khỏi con tầu sắp chìm đắm dưới biển cả mênh mông!
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Texas Hoa Kỳ.
Quỳnh Nga ST