Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng

Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng:Tuyệt tác điêu khắc

“Cánh cổng Thiên Đàng”

Tại Tây phương, khi nghệ thuật vươn đến sự hoàn mỹ và hài hòa cao độ trong thời kỳ Phục Hưng, thì trung tâm của nó nằm tại Rome, thành phố của các Giáo hoàng, các nhà thờ, cung điện, và các bức họa.

Người xưa tin rằng, mỗi nền văn hóa đều là một món quà quý giá mà thiên thượng truyền xuống cho nhân loại, mỗi nền văn minh đều khởi đầu nhờ sự dẫn dắt của chư Thần. 

 

Một bản sao của “Cánh cổng Thiên đàng” tại viện bảo tàng cổ nhất ở Mumbai.

(Ảnh qua Google Art & Culture)

“Gates of Paradise” hay “Cánh cổng Thiên đàng” là tên gọi mà danh họa Phục Hưng Michelangelo đặt cho cửa Đông của Nhà rửa tội Florence (Battistero di San Giovanni), một trong những nơi được vinh dự mang tên “pháp đình” của Công giáo. Là một trong những tòa nhà cổ nhất tại Florence, Nhà rửa tội được xây dựng từ năm 1059 tới năm 1128 và là nơi diễn ra các nghi lễ tôn giáo quan trọng. Nhà rửa tội Florence được biết đến nhiều nhất qua ba bộ cửa ra vào – ba kiệt tác điêu khắc Phục Hưng bằng đồng. Trong đó, cửa Nam được nghệ sĩ Andrea Pisano thực hiện, còn cửa Bắc và cửa Đông là tác phẩm của nhà điêu khắc Lorenzo Ghiberti (1378-1455).

Cổng phía Nam của Nhà rửa tội Florence. (Ảnh qua Pinterest)

Cổng phía Đông Nhà rửa tội chính là “Cánh cổng thiên đàng” mà Michelangelo nhắc tới. (Ảnh qua Pinterest)

“Cánh cổng Thiên đàng” cho thấy khả năng điêu khắc và kể chuyện bậc thầy của Ghiberti thông qua mười bức tranh điêu khắc lấy cảm hứng từ kinh Cựu Ước.

Các tác phẩm trên “Cánh cổng Thiên đàng”. (Ảnh qua Pinterest)

Những cảnh tượng trong “Cánh cổng Thiên đàng” dựa trên những đoạn ghi chép trong Kinh thánh, từ buổi bình minh của loài người đến thời vua David và Solomon. Chúng được đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, bao gồm:

  1. Adam và Eve
  2. Cain và Abel
  3. Noah
  4. Abraham
  5. Isaac cùng Esau và Jacob
  6. Joseph
  7. Moses
  8. Joshua
  9. David
  10. Solomon và Nữ hoàng của Sheba

Một số câu chuyện trên “Cánh cổng Thiên đàng”

Dưới đây chúng ta sẽ điểm qua một số câu chuyện được thể hiện trên “Cánh cổng Thiên đàng”:

  • Bức điêu khắc trên cùng bên trái mô tả câu chuyện của Adam và Eve trên Thiên đàng. Ở góc dưới bên trái của bức điêu khắc là cảnh Chúa trời tạo ra Adam, ở giữa của bức tranh là cảnh Eve được tạo ra từ một dẻ xương sườn của Adam (Eve bước ra từ hông Adam). Ở phía trái hơi mờ, Adam và Eve bị một con rắn cám dỗ ăn trái cây trí tuệ. Và cuối cùng, ở phía bên phải cùng là cảnh Adam và Eve đứng ngoài cổng, bị Thiên thần trục xuất ra khỏi Vườn Địa Đàng.
  • Câu chuyện của Adam và Eve. (Ảnh qua Pinterest)
  • Ở góc trên bên phải của “Cánh cổng Thiên đàng”, Adam và Eve được khắc họa cùng với hai đứa con là Cain và Abel. Đây là cảnh sau khi cả Adam và Eve bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng. Ở giữa bên dưới cùng là hình ảnh Cain đang cuốc đất, trong khi Abel quan sát đàn cừu của mình. Ở phía trên cùng, Cain và Abel đang thực hiện nghi lễ tế thần. Ngay phía dưới là cảnh tượng Cain giết Abel vì ganh ghét. Hậu quả là Cain phải nhận lời nguyền của Chúa (xuất hiện ngay sau lưng Cain).

Cain và Abel. (Ảnh qua friezetileblogspotcom)

  • Bức điêu khắc tiếp theo mô tả cảnh Noah cùng gia đình và đám động vật phía trước một con thuyền lớn hình kim tự tháp. Ở phía dưới bên phải, Noah đang cầu nguyện Chúa Trời, Người xuất hiện trong một loạt các vòng tròn ở góc trên bên phải. Ở phía dưới bên trái, Noah nằm trước một túp lều chứa các thùng rượu nho trong trạng thái bán khỏa thân và say rượu, với những người con trai đứng bên phải ông.
  • Câu chuyện của Noah. (Ảnh qua Google Art & Culture)
  • Trong câu chuyện của Abraham, ở góc dưới bên trái, các thiên thần tuyên bố với Abraham rằng vợ của ông, Sarah sẽ sinh được một người con trai. Ở phía trên bên phải, Abraham đang chuẩn bị hy sinh người con trai Isaac của mình do không hiểu ý Chúa, và bị một thiên thần ngăn cản. Sau này, Abraham đã được hướng dẫn làm lễ tế tự bằng cách tế cừu.

Câu chuyện của Abraham. (Ảnh qua Google Art & Culture)

  • Ở phía trên cùng bên phải của bức điêu khắc về câu chuyện của Esau và Jacob, Rebecca nhận được lời tiên tri phán bảo trên nóc nhà về cuộc xung đột giữa những người con trai của mình, Esau và Jacob. Ở phía xa bên trái bức tranh, Rebecca sinh con trong khu nhà có hành lang hình vòm. Ở trung tâm của bức tranh phía xa, Esau đang bán quyền thừa kế của mình với tư cách người anh cho Jacob. Ngay bên cạnh đó phía bên phải, Rebecca đang đứng dạy Jacob cách để nhận được sự ban phước của cha mình dưới mái vòm. Tiếp tục nhìn sang phải, Jacob bắt đầu đi săn. Qua đó, Jacob đóng giả làm anh trai Esau của mình và dâng thịt dê lên Isaac. Ở bên phải bức tranh, gần người xem nhất, Isaac nhầm Jacob với Esau và đã ban phúc cho Jacob. Ở bên trái bức tranh, gần người xem nhất, Esau được Isaac thông báo rằng em trai anh ta đã nhận được sự ban phước của ông.
  • Câu chuyện của Esau và Jacob. (Ảnh qua haberartscom)
  • Một câu chuyện khác cũng khá nổi tiếng là việc Moses tiếp nhận Mười Điều Răn từ Chúa trời. Điều này diễn ra ở trên cùng bên phải, trong lúc tất cả các bộ lạc của Israel tụ tập ở dưới chân núi phía trước lều của họ trong sự kinh ngạc.

Câu chuyện của Moses. (Ảnh qua friezetileblogspotcom)

  • Và không thể không kể đến sự kiện Solomon, vua của Israel, chào đón Nữ hoàng của Sheba trong lúc những người tham dự mang theo món quà của họ. Khung cảnh này gợi liên tưởng tới giáo đường của Nhà thờ Florence.
  • Solomon và Nữ hoàng của Sheba. (Ảnh qua Pinterest)
  • Nằm trên khung cửa, ở trung tâm bên trái của “Cánh cổng Thiên đàng”, là bức điêu khắc chân dung của chính tác giả, nghệ sĩ Lorenzo Ghiberti. Đây là một hình thức ký tên khá độc đáo vào thời kỳ Phục Hưng, cũng giống như việc Michelangelo hay Raphael đưa chân dung của mình vào các bức họa.
  • Lorenzo Ghiberti. (Ảnh qua Google Art & Culture)
  • Khung cửa cũng khắc họa hình ảnh của các nhà tiên tri cũng như các vị Thánh khác trong Kinh thánh.
  • Các nhà tiên tri, các vị Thánh. (Ảnh qua Google Art & Culture)
  • Có thể nói qua “Cánh cổng Thiên đàng”, Lorenzo Ghiberti đã thể hiện tài năng xuất sắc của mình – một người kể chuyện hấp dẫn và một nghệ sĩ bậc thầy – bằng cách kết hợp nhiều câu chuyện trong mỗi bức điêu khắc và đưa vào tác phẩm những thử nghiệm kỹ thuật điêu khắc mới nhất thời bấy giờ.

  •  

    Huy Minh

Kim Quy st

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %29 %028 %2017 %19:%09
back to top