Truyện ngắn: CHIẾC ĐÒN GÁNH
CHIẾC ĐÒN GÁNH
Nguyễn Minh Phúc
Những người phụ nữ quê tôi không ai không biết đến chiếc đòn gánh vì ai cũng đã từng hơn một lần gánh nó trên vai. Quê tôi miền Trung nghèo lắm. Từ những bé gái mới lớn lam lũ giúp mẹ thổi cơm gánh nước, đôi vai nhỏ như oằn xuống với một cánh tay bấu vào thân đòn nặng trĩu còn tay kia dùng lấy thăng bằng gánh hai thùng nước sóng sánh - đến những bà mẹ già lập cập gánh những bó rau, bụi cải hay con gà con vịt thong dong ra chợ bán. Rồi những đứa em, người chị, hầu như cứ rãnh việc, buông tay ra là động đến chiếc đòn gánh. Gánh lúa, gánh phân, gánh mạ non, gánh nước … Toàn bộ công việc nặng nhọc đặt trên vai người phụ nữ. Đàn ông quê tôi lại ít thấy gánh gồng gì. Dĩ nhiên là họ làm những việc khác có khi còn nhọc nhằn hơn nhưng ít khi động đến chiếc đòn gánh …
Tôi nhớ như in lúc tôi còn là thằng bé sáu, bảy tuổi, chiều chiều ra đứng trên đầu cầu sông Kênh đón mẹ đi chợ về. Rướn người trên thành cầu sắt thật cao, tôi đưa mắt hướng về phía chợ. Hễ cứ thấy từ xa ai đó đang quang gánh bước đi là lòng tôi lại thấp thỏm mừng vì nghĩ đó là mẹ mình. Cái dáng tất bật, lam lũ của những người đàn bà quê tôi hầu như ai cũng giống nhau. Cho nên, tôi thường nhìn lầm. Tôi đợi từ xa và dõi mắt nhìn chằm chằm vào dáng đi vất vả cũng với hai cánh tay, một nắm trên thân đòn và một lấy thăng bằng, buông lỏng theo từng bước chân như chạy. Không lẫn vào đâu được, đúng là bước chân của mẹ tôi. Bước chân mẹ lạ lắm, có gì đó như lo toan, vội vã, nhẫn nhục, nhọc nhằn trong mỗi nhịp đi hối hả. Nhưng khi bóng người đàn bà kẽo kịt gánh gồng đến gần, thì lại không phải. Niềm vui biến mất, gương mặt buồn xo, tôi lại ngồi xuống thành cầu đợi mẹ tôi.
Cuối cùng thì mẹ cũng xuất hịên! Từ xa, nhận ra mẹ, tôi đã ba chân bốn cẳng chạy ùa tới mừng rỡ. Tôi chẳng quan tâm gì đến mồ hôi mồ kê trên gương mặt mẹ chảy ròng ròng vì mệt, vì nắng rát mà điều quan trọng nhất là nhìn vào hai cái mẹt đong đưa hai bên đòn gánh dưới cái quang bằng dây thép uốn tròn. Quà của tôi nằm ở đó! Khi thì là chiếc bánh mì, vài viên kẹo dẻo, một lóng mía ghim, có khi là mấy thứ đồ chơi rẻ tiền bằng nhựa … Thích nhất là được mẹ mua cho bánh bò ông ba tàu ngoài cổng chợ. Tôi mê bánh bò ông thì ít mà thích con gái ông thì nhiều! Chẳng là con ông học cùng lớp với tôi. Nó học giỏi nhì lớp, còn tôi hạng nhất. Bọn trẻ con thường cắp đôi tôi với con Lẻm, tên nó. Không biết nó nghĩ gì không chứ riêng tôi thì thích! Mà cũng lạ, không ai như tôi, mới học đến lớp hai, lớp ba mà đã biết mắc cỡ khi gặp nó … Nhưng đó là chuyện hồi con nít …
… Không cần đợi mẹ đồng ý, tôi đã lục mẹt lấy quà của mình vì biết mẹ chỉ mua cho tôi. Nhà có mấy chị em, ba mất sớm mà tôi là con trai duy nhất nên mẹ thương tôi hơn cả. Trăm lần như một, chiều nào mẹ đi chợ về, sau khi bán hết mớ rau cải, bầu bí trồng ở vườn nhà, thế nào mẹ cũng dành tiền ki cóp mua cho tôi ít quà. Tôi cầm gói bánh bò tung tăng chạy trước, mẹ gánh cặp mẹt đi sau. Không nhìn vào mắt mẹ nhưng biết chắc mẹ đang cười nhìn tôi hạnh phúc. Đôi gánh nhẹ hẫng trên vai mẹ và thỉnh thoảng mẹ còn nói vói theo nhắc yêu tôi: Ranh con, chạy vừa vừa chứ, té ngã bây giờ!
Hình minh họa
Tôi thật không biết chiếc đòn gánh do ai nghĩ ra và xuất hiện đầu tiên vào lúc nào nhưng quả thật, đó là một dụng cụ tuyệt vời để di chuyển vật nặng từ nơi nầy đến nơi khác bằng sức người ở quê tôi. Nó được làm bằng cây tre già ngâm nước càng lâu càng tốt, để tre dẻo, chắc và khỏi mục. Tôi đã thơ thẩn hàng giờ nhìn người ta đục đẽo chiếc đòn gánh. Thật cũng lắm công phu! Sau khi chỉ lấy đoạn gốc tre già ngâm nước chừng vài tháng, người ta làm hai chiếc máng ở hai thân đòn. Hai cái máng nầy phải giống nhau như một, giữa khắc một cái rãnh sâu dùng để móc quang vào cho khỏi lệch. Cái máng nầy cũng lắm chuyện. Gặp tay thợ đẽo giỏi, nó là hình tròn, hình ô van có khi còn được tạc vào dấu thập hoặc chữ vạn mà tôi không biết để làm gì. Có lẽ lấy hên mua may bán đắt khi gánh trên vai chiếc đòn gánh ấy chăng, hay chỉ là khắc lên cho đẹp … Chưa hết, còn phải gọt đẽo thân đòn cho thật thẳng, đoạn ở giữa mỏng hơn hai bên đầu làm đòn đong đưa cho nhẹ sức hơn khi gánh nặng … Khoảng hơn tiếng đồng hồ đẽo gọt thì chiếc đòn gánh ra đời. Nó có thể dùng hết đời nầy đến đời khác trong một gia đình quê tôi vì hiếm khi bị gãy. Đến khi nước bóng ở thân đòn nổi lên màu đen mun thì không biết chiếc đòn đã thấm biết bao nhiêu mồ hôi từ trên đôi vai những người đàn bà tần tảo …
Nhưng chiếc đòn gánh của mẹ tôi không chỉ có thế. Nó còn là một trời kỳ diệu. Nó mang đến tuổi thơ tôi những niềm vui háo hức tràn trề, cả những giấc mơ đẹp đẽ nhất trên đời. Còn gì sung sướng hơn khi được đặt ngồi vào một đầu quang, đầu bên kia là trái bầu trái bí mẹ gánh suốt dọc đường ra chợ. Tôi cứ ngồi im như thế trên suốt con đường làng, hấp háy đôi mắt hãnh diện nhìn quanh xem có đứa bạn học nào để mà vểnh mặt lên, tự hào được ngồi gánh mẹ. Tôi cũng không buồn khi thấy chỉ mấy con trâu, con bò dọc đường làng chào tôi kêu nghé ọ và những đứa trẻ chăn trâu nhìn theo cười chế giễu. Tôi biết chúng nó ganh tỵ vì không được ngồi gánh như tôi …Và vì tôi nặng hơn mấy trái bầu bí ở gánh bên kia nên mẹ phải đưa vai chệch về phía tôi để giữ thăng bằng. Mệt lắm nhưng mẹ vui. Tôi biết được điều ấy trên đôi mắt long lanh, hài lòng bừng lên trên mặt mẹ …
Hình minh họa
Đến gần chợ là tôi dứt khoát bảo mẹ cho xuống, có năn nỉ mấy cũng không chịu ngồi thêm. Tôi sợ con Lẻm, con ông ba tàu bán bánh bò đầu cổng chợ nhìn thấy. Vì sao sợ nó cười, tôi không biết nhưng rõ là tôi thích được nhìn nó xuất hiện với hai chiếc nơ xinh xắn, chạy lò cò trước cổng, mắt tròn xoe nhìn tôi và gật đầu chào. Tôi làm như ngó lơ, chạy lúp xúp theo mẹ, mắt liếc thật nhanh vào con Lẻm còn tay thì cứ cầm dây quang phía sau chiếc đòn gánh mà nhắc để khỏi mắc cỡ: Đi nhanh lên mẹ, con đói bụng lắm rồi …
Tuổi thơ tôi và chiếc đòn gánh mẹ như không hề rời nhau. Cũng có những hôm không bán được hàng, mẹ quảy gánh về mà không có quà cho tôi. Tôi cứ cầm lấy đòn gánh mẹ mà khóc tấm tức, dỗ mấy cũng không nín. Tôi nghĩ mẹ không thương tôi hoặc là quà của tôi mẹ đã cho ai mất rồi. Tôi chẳng nhìn lên mắt mẹ để thấy mẹ buồn như thế nào vì không tiền mua quà cho đứa con cưng. Có hôm mẹ tủi thân cứ nhìn tôi, ôm tôi mà khóc …
Nhưng cũng có lúc, chiếc đòn gánh với tôi là cả một cơn ác mộng! Tôi nhớ có lần đi hái trộm xoài non của bác Hai Trầu cạnh nhà. Bác Hai qua mét mẹ và chuyện đã xảy ra … Tôi mới bước chân về đến cửa, mẹ tìm hoài không thấy roi nên sẵn cây đòn gánh , mẹ phát vào mông tôi mấy cái. Dĩ nhiên là mẹ phát nhẹ thôi vì chiếc đòn gánh thì to bảng mà mông tôi thì nhỏ. Nhưng mà đau thấu trời xanh. Ghê thật là cái vị đòn làm bằng cây tre già ngâm nước! Nó thấm vào thấu bên trong, đau và nhức buốt hơn mọi loại roi nào khác. Tôi chỉ còn cách quỳ xuống đất nức nở mà xin lỗi mẹ vì đau và sợ ăn đòn tiếp . ..
Tối đó, mẹ vừa khóc vừa bôi dầu nhị thiên đường vào mông tôi đã nổi lên mấy vết hằn đỏ. Mẹ dằn vặt mình vì đã giận đánh con. Tôi làm bộ quay mặt vào tường không nhìn mẹ. Tôi giận, mẹ hỏi gì cũng không nói và thiếp đi lúc nào không hay. Khi thức dậy vẫn còn thấy mẹ ngồi chằm chằm nhìn tôi, nghẹn ngào: Mẹ đánh con bậy quá … Nhưng ai bảo con hư …Lúc ấy, với đôi mắt nhạt nhoè, tôi chỉ muốn ôm mẹ mà khóc.Vì hờn, tủi thân hay còn giận mẹ, tôi không biết. Nhưng tôi biết chắc một điều là mẹ yêu thương tôi vô bờ bến!
Chiếc đòn gánh của mẹ, với tôi còn là những kỷ niệm không thể nào quên! Khi tôi đã lớn, nhà nghèo, mẹ hàng ngày trĩu nặng nó trên vai - khi thì gánh phân, gánh gạo đi bán - khi thì gánh nươc , gánh hàng tảo tần nuôi tôi ăn học. Những năm tháng còn là sinh viên, mỗi dịp nghỉ hè về quê, tôi lại ra cầu sông Kênh đón mẹ đi chợ về. Nhưng mẹ giờ đã yếu lắm! Mẹ không còn gánh nặng được nhưng phải cố, vì tôi. Hình hài mẹ nhỏ quắt lại, đôi vai như muốn run lên theo bước chân, môi mắm chặt mỗi lần mẹ cố sức. Duy đôi mắt mẹ thì không hề thay đổi! Đôi mắt vẫn ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào nhìn đứa con trai phổng phao, chững chạc sắp trưởng thành. Tôi đứng lặng trên cầu, rơm rớm nhìn vào thân thể và đôi vai gầy guộc của mẹ oằn xuống dưới mỗi bước đi …Tôi muốn lao vào ôm mẹ mình nhưng đã không làm như vậy. Cho mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn ân hận trách mình vì điều ấy …
Ngày ấy, mẹ vẫn thường nói vui: Chính nhờ chiếc đòn gánh của mẹ nuôi con ăn học đấy! Mẹ mong khi mẹ không còn đụng đến nó nữa thì con đã trưởng thành …Còn giờ thì vì con - mẹ đâu, nó đó …
Hình minh họa- Internet
… Bây giờ tôi đã thành đạt. Sự nghiệp, công danh đến muộn nhưng cuối cùng cũng đến. Mẹ mừng hơn ai hết. Con Lẻm ông ba tàu bán bánh bò ngoài cổng chợ giờ là vợ sắp cưới của tôi. Ngày tôi lấy vợ, từ dưới quê mẹ lên thăm. Xuống bến xe đón mẹ, tôi thật ngỡ ngàng khi mẹ cứ hi hoáy tìm một vật gì để dưới gầm xe. Tìm mãi, sau cùng mẹ mới lôi được ra cây đòn gánh! Thì ra thói quen, mẹ mua cau trầu mừng đám cưới tôi và cứ nghĩ sẽ đến nhà tôi với đòn gánh trên vai và cặp quang sắt rỉ! Tôi buồn cười và hơi bực bội về sự lẩm cẩm của mẹ. Ai đời lên đến thành phố rồi mà còn đem theo nào quang nào gánh, dáng đi cứ tất bật, lo âu như ngày nào. Ngoài việc mướn xe chở cau trầu, tôi còn phải kêu thêm một chiếc xích lô chở riêng cặp quang và chiếc đòn gánh theo về vì không biết để đâu. Bảy mươi tuổi, có khi mẹ lẩn thẩn rồi cũng nên.Tôi nhủ thầm như vậy …
Mừng đám cưới tôi có mấy ngày, mẹ đòi về nằng nặc. Nhà không ai trông nom, vườn tược, gà heo không ai chăm sóc, mẹ bảo thế! Hầu như đêm nào ở nhà tôi mẹ cũng thức trắng, trằn trọc không ngủ. Mẹ lo những việc không đâu, nào ai biết được. Thỉnh thoảng mẹ lại ngồi dậy, húng hắng ho. Tôi làm sao dỗ giấc ngủ, lo lắng đòi mẹ uống thuốc nhưng mẹ bảo không sao. Me lo chuyện rau mọc nhiều không ai cắt bán, lo gà vịt không ai cho ăn, lo nước trong lu không ai gồng gánh … Đúng mẹ lẩm cẩm thật rồi!
Tôi và con Lẻm mời mẹ ở lại luôn trên thành phố với vợ chồng tôi nhưng mẹ nhất định không chịu. Mẹ ở không quen chốn đông đúc, ồn ào hơn nữa còn phải chăm mộ bà nội, ba con dưới quê, ở lâu làm sao được , mẹ nói cái lý của mẹ. Cái lý của các bà mẹ thì lúc nào cũng thuyết phục được bất kỳ ai trên đời chứ chẳng phải riêng tôi …
Ngày mẹ ra bến xe về quê ngoài quà mừng của vợ chồng tôi gửi bà con lối xóm vẫn là chiếc đòn gánh đã lên nước theo cùng. Nhìn dáng mẹ tất bật, hối hả, lòng tôi trào dâng niềm thương vô bờ bến nhưng biết làm sao giữ mẹ. Đến lúc nầy, mẹ mới móm mém cười, chắc là muốn chúng tôi đừng buồn khi chia tay:
- Đó, con thấy không? Nhờ đem theo đòn gánh mà khi về, mẹ mới mang hết mấy thứ quà con gửi cho lối xóm ... Không có nó, mình mẹ bê sao nổi!
Tôi nhận ra mẹ mình có lý. Một đời mẹ tảo tần đắm đuối vì con với chiếc đòn gánh cùng theo mẹ đi suốt bao năm trời gian khổ mãi cho đến khi con đã trưởng thành vẫn còn mãi lo âu …
oOo
Rồi mẹ tôi qua đời! Tuổi già và những căn bệnh triền miên không cho mẹ ở lại cùng tôi mãi. Cuộc chia ly đớn đau cuối cùng rồi cũng đến! Trong nỗi đau mất mẹ, tôi chỉ còn biết lặng người, xót tím tâm can.
Lúc nhập quan, khi người ta đưa hình hài nhỏ bé, khô quắt của mẹ vào quan tài, ngoài những bộ đồ cũ nát mẹ vẫn thường mặc khi còn sống cùng những vật dụng thường dùng, tôi chợt nhớ đến chiếc đòn gánh đã đi theo suốt đời cùng mẹ. Nó vẫn nằm đó, trong góc nhà kia, vẫn ánh lên thứ nước màu đen tuyền với cái thân đòn hình như cong lên vì vất vả. Chợt nghĩ về những ngày ấu thơ gian khổ, chợt nghĩ về tình yêu bao la, thắm thiết của mẹ, tôi trào dâng nước mắt …
Tôi nhớ đến lời mẹ tôi khi còn sống - mẹ đâu thì nó đó - chiếc đòn gánh ấy! Và cố thuyết phục mọi người xin đưa cây đòn theo cùng mẹ sang thế giới bên kia … Ai cũng cản tôi nhưng cuối cùng thì họ xiêu lòng. Vậy là trong quan tài mẹ tôi lại có thêm chiếc đòn gánh đã từng một thời bôn ba cùng mẹ.
Khi mọi người ra về sau lễ tang, còn một mình ngồi bên mộ mẹ, tôi đã khóc như chưa bao giờ được khóc như thế. Rồi cũng sẽ qua hết mọi khổ đau, hạnh phúc, mọi cao sang, quyền quý kể cả những vụn vặt thấp hèn trên đời nầy nhưng tôi biết, hình ảnh mẹ tôi và chiếc đòn gánh nhọc nhằn ngày xưa sẽ theo mãi tôi đến suốt quãng đời còn lại …
Kim Kỳ st