Ngày Chủ nhật 15 tháng 10 năm 2017, nhạc sĩ Lam Phương đến từ California để tái ngộ khán thính giả tại Washington D.C., Virginia và Maryland trong một chương trình nhạc thính phòng đặc biệt, với chủ đề “Tình Người Tình Quê”, kỷ niệm 68 năm giòng nhạc Lam Phương.
Những người ái mộ Lam Phương – mà cách đây trên 10 năm từng đến với chương trình nhạc thính phòng đầu tiên được tổ chức tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 17 tháng 10 năm 2004 – hôm nay có dịp gặp lại ông để hàn huyên tâm sự và chụp những tấm hình kỷ niệm ghi dấu vết thời gian trên mái tóc người nhạc sĩ vừa mừng sinh nhật thứ 80 hồi tháng 3 năm nay.
Trong buổi tái ngộ đầy xúc động này, có lẽ cả người tham dự và ban tổ chức chương trình “Tình Người Tình Quê” sẽ không cần phải nhắc lại với nhau thêm lần nữa những lời ca ngợi dành cho Lam Phương, người nghệ sĩ tài hoa đã khởi đầu sự nghiệp âm nhạc từ tuổi 15, và sau 68 năm sáng tác, đã dâng hiến cho đời trên 200 tác phẩm. Giòng nhạc phong phú và đa dạng của ông đã thu hút hàng triệu con tim của mấy thế hệ khán thính giả, từ trong nước ra tới hải ngoại, từ thâp niên 50 của thế kỷ trước cho mãi tới bây giờ. Những ngôn từ đơn sơ mộc mạc mà lại rất trữ tình, hòa trong những giai điệu dịu dàng lưu luyến, đã đưa các sáng tác của Lam Phương đi sâu vào lòng người, cho dù đó là các ca khúc thấm đẫm tình tự quê hương, dù đó là các ca khúc của một thời chinh chiến, hay đó là những bản tình ca đôi lứa mang âm hưởng lãng mạn xót xa…
Nhưng sẽ có thêm một điều đặc biệt, mà Ban tổ chức chiều nhạc thính phòng “Tình Người Tình Quê” muốn gửi đến quý khán thính giả qua chương trình hôm nay. Đó là thái độ phân minh, là lập trường dứt khoát của nhạc sĩ Lam Phương trong bối cảnh và tình hình Việt Nam. Lập trường phân minh và dứt khoát ấy đã được thể hiện qua giòng nhạc Lam Phương, ngay từ thời vĩ tuyến 17 chia đôi đất nước, trải qua 20 năm binh lửa chiến tranh, cho đến ngày hôm nay – khi mảnh đất quê hương yêu dấu của chúng ta vẫn đang chìm trong bóng tối và cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ vẫn đang tiếp diễn từng ngày.
Đó chính là lý do đưa tới việc thực hiện chương trình “Tình Người Tình Quê”, với mục đích trình bày ba giai đoạn sáng tác để hình thành giòng nhạc Lam Phương, một giòng nhạc đã hòa lẫn trong giòng lịch sử của dân tộc:
– Giai đoạn phân chia vĩ tuyến, với các ca khúc “Chiều Thu Ấy” (sáng tác đầu tay năm 1950), “Khúc Ca Ngày Mùa”, “Tình Cố Đô” – và nhất là “Chuyến Đò Vĩ Tuyến”, một nhạc phẩm rất nổi tiếng, được sáng tác ngay sau Hiệp định Genève 1954, mang theo hình ảnh giòng sông Bến Hải chia cắt đôi bờ đất nước và gói ghém tâm tình của người dân miền tự do cảm thương cho thân phận điêu linh của những đồng bào ruột thịt bên kia bức màn sắt.
– Giai đoạn âm nhạc thể hiện tình người trên mảnh đất tự do: Đây là giai đoạn sáng tác mạnh mẽ nhất, nói lên đầy đủ sự đa dạng và phong phú của giòng nhạc Lam Phương suốt trong hai thập niên, những năm tháng mà Quân và Dân Miền Nam Tự Do vừa chung sức xây dựng quê hương, vừa sát cánh từ hậu phương đến tiền tuyến để bảo vệ đất nước chống lại làn sóng xâm lược từ miền Bắc. Rất nhiều sáng tác của Lam Phương ở giai đoạn này được hàng triệu khán thính giả đón nhận nồng nhiệt và đã thấm sâu vào lòng người, từ “Tình Anh Lính Chiến” và “Chiều Hành Quân” vẽ lên hình ảnh những chàng trai xếp bút nghiên lên đường bảo vệ tổ quốc, cho đến những bản tình ca đôi lứa, dạt dào hạnh phúc hay ngậm ngùi xót xa, như “Kiếp Nghèo”, “Ngày Tạm Biệt”, “Biết Đến Bao Giờ”, “Duyên Kiếp”, “Ngày Hạnh Phúc”, “Thu Sầu”, “Trăm Nhớ Ngàn Thương”, “Xin Thời Gian Qua Mau”, “Thành Phố Buồn”, “Bọt Biển” v.v…
– Giai đoạn sáng tác trong những ngày tháng lưu vong nơi xứ lạ quê người. Đây là giai đoạn vừa thể hiện nét tài hoa của giòng nhạc Lam Phương, vừa nói lên nghị lực phi thường của người nghệ sĩ đã cố gắng vượt qua những hoàn cảnh đầy nghiệt ngã giữa vô vàn thử thách của cuộc sống tha hương, để tiếp tục mang lại cho đời các nhạc phẩm bất hủ, như “Chiều Tây Đô”, “Gửi Người Ngàn Dặm”, “Vùng Trời Ngày Đó”, “Cho Em Quên Tuổi Ngọc”, “Lầm”, “Bài Tango Cho Em”, “Cỏ Úa”, “Em Đi Rồi”, “Một Mình”, “Như Giấc Chiêm Bao”, “Hạnh Phúc Mang Theo” v.v…
Những ca khúc ghi lại các các chặng đường sáng tác của Lam Phương có thể được coi là những nhịp cầu nối liền sự cảm thông giữa thính giả và tác giả, để – qua từng âm điệu, qua từng lời hát – người thưởng thức có thể cảm nhận được sự tương đồng giữa những nhạc phẩm với bản chất hiền hòa đôn hậu và trái tim dễ rung động của người nghệ sĩ. Bởi vì mỗi ca khúc ấy đều ít nhiều phản ánh cuộc đời của tác giả. Từ khi Lam Phương khởi đầu sự nghiệp âm nhạc hồi thập niên 50 cho đến ngày hôm nay đã hơn nửa thế kỷ. Song song với biết bao nhiêu tang thương biến đổi trên đất nước, cuộc sống của Lam Phương cũng trải qua rất nhiều thăng trầm, nhưng ông vẫn không ngừng phấn đấu để vượt qua nghịch cảnh và tiếp tục chia xẻ tâm tình với chúng ta. Mỗi chặng đường người nhạc sĩ đi qua đều chất chứa những gian nan thử thách, nhưng có lẽ cũng nhờ vậy mà chúng ta đã được đón nhận từ Lam Phương những tác phẩm để đời trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.