Nước Pháp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Marie Curie

Nước Pháp kỷ niệm 150 năm

ngày sinh của Marie Curie

Marie Curie

Năm 2017 đánh dấu 150 năm ngày sinh của thiên tài Marie Curie. Nhân dịp này, Trung tâm bảo tồn các di tích quốc gia (CMN) tổ chức một chương trình sinh hoạt văn hóa trong vòng 4 tháng. Quan trọng nhất là cuộc triển lãm với chủ đề ‘‘Marie Curie, một phụ nữ tại Điện Danh nhân’’ (Marie Curie, une femme au Panthéon) từ ngày 08/11/2017 cho tới 04/03/2018.

 Cuộc triển lãm tại điện Panthéon (miễn phí cho giới trẻ dưới 26 tuổi) được tổ chức song song với các buổi thuyết trình tại Viện Curie (Institut Curie, trước kia là Viện nghiên cứu Radium) hầu quảng bá các công trình gần đây nhất về phương pháp xạ trị nói riêng, điều trị ung thư nói chung. Bên cạnh đó còn có cuộc triển lãm thường trực tại Bảo tàng Curie. Cả hai cơ sở này (Viện nghiên cứu & Bảo tàng Curie) đều tọa lạc giữa lòng khu phố La Tinh ở Paris quận 5, nằm cách điện Panthéon có vài trăm thước.

Dụng cụ hay máy đo phòng thí nghiệm, ảnh quang tuyến có dùng tia bức xạ (tia X), tài liệu bản thảo, vật dụng cá nhân, sổ tay ghi chép các phương trình vật lý cũng như hóa học, ảnh chân dung của hai vợ chồng Pierre và Marie Curie bên cạnh các đồng nghiệp …… hầu hết các tư liệu trong cuộc triển lãm tại điện Panthéon đều xuất phát từ Qũy lưu trữ của dòng họ Curie cho thấy là trước khi nổi tiếng nhờ giải Nobel, bà Marie Curie đã làm việc trong những điều kiện rất hạn chế, phương tiện tài chính eo hẹp nếu không nói là nghèo nàn.

 Tuân theo trình tự thời gian, cuộc triển lãm dựng lại cuộc đời và sự nghiệp của Marie Curie qua các cột mốc quan trọng : từ những năm tháng đầu đời tại thủ đô Ba Lan (Vacxava) cho tới lúc khởi nghiệp tại Paris (1867-1891), giai đoạn những năm 1895-1896 là lúc bà Maria Sklodowska tốt nghiệp và trở thành Marie Curie khi lập gia đình và có con với ông Pierre Curie. Thời kỳ vinh quang của bà là vào đầu thế kỷ XX, khi Marie Curie đoạt giải Nobel vật lý năm 1903 nhờ các công trình nghiên cứu với Henri Becquerel về phóng xạ.

Gần một thập niên sau đó, vào năm 1911, Marie Curie nhận thêm một giải Nobel thứ nhì trên lãnh vực hóa học, nghiên cứu về đặc tính của hai chất radium và polonium. Đóng góp của Marie Curie không những quan trọng trong ngành khoa học mà còn trên phương diện xã hội. Qua việc khuyến khích và tạo dựng một nền giáo dục phổ thông, chú trọng tới tiềm năng của thí sinh chứ không phân biệt giới tính, bà Marie Curie đã giúp giới đấu tranh đòi nữ quyền giảm bớt các chênh lệch về mặt xã hội, giáo dục giữa hai phái nam và nữ.

Được so sánh như là một thiên tài khoa học do lúc sinh tiền bà là người đầu tiên đoạt hai giải Nobel (vật lý & hóa học) và cũng là nữ giảng viên đại học duy nhất tại Đại học Sorbonne, tới khi qua đời Marie Curie cũng là phụ nữ đầu tiên được nâng lên hàng vĩ nhân khi hài cốt của bà được đưa vào điện Panthéon, nơi yên nghĩ ngàn thu của các danh nhân, không những có nhiều công lao với nước Pháp mà còn có nhiều đóng góp to lớn cho nhân loại.

Cuộc triển lãm ‘‘Marie Curie, một phụ nữ tại Điện Danh nhân’’ lại càng có ý nghĩa vào lúc các quốc gia Pháp, Đức hay Anh, Mỹ đều làm lễ kỷ niệm Đệ Nhất Thế Chiến nhân ngày 11/11. Cách đây đúng 100 năm, trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ nhất, bà Marie Curie đã vận động quyên góp để trang bị các máy chụp quang tuyến (tia X) di động để có thể điều trị các thương binh. Những chiếc máy này có sử dụng xạ khí radon, một loại khí mà bà Marie Curie lấy từ chất radium do chính bà tinh chế. Cũng trong giai đoạn này, bà đã đem bán giải Nobel bằng vàng của mình để lấy tiền gây quỹ tham gia vào ‘‘nỗ lực chiến tranh’’.

 

Sách sử không nói rõ chất radium một khi ứng dụng vào y khoa đã giúp cứu sống bao sinh mạng trong thời chiến, nhưng rõ ràng là chất này đã khiến cho bà Marie Curie lâm bạo bệnh rồi từ trần vào mùa hè năm 1934. Sau nhiều năm làm việc, nghiên cứu chất radium mà không có biện pháp cách ly an toàn, bà đã qua đời do bị nhiễm phóng xạ, thiếu máu trầm trọng do cơ thể mất khả năng tái tạo huyết cầu. Tuy mắc phải nhiều căn bệnh mãn tính, cặp mắt bị mù do đục thủy tinh thể, nhưng cho tới tận những năm tháng cuối đời, bà Marie Curie vẫn đam mê tìm tòi chừng nào tâm trí vẫn còn minh mẫn. Niềm đam mê ấy đã khiến bà dâng hiến trọn đời cho ngành khoa học. Có lẽ cũng vì thế mà bà không bao giờ chịu bó tay, luôn đi tìm cái khôn trong cái khó.

Hồng Anh st

back to top