Thế Vận Hội Mùa Đông, PyeongChang
Thế Vận Hội Mùa Đông, PyeongChang
Pyeongchang là tên tiếng Anh của thành phố Bình-Xương ở miền Ðông của Nam-Hàn, hay dễ bị lộn với Pyongyang, tức Bình-Nhưỡng thủ đô của Bắc-Hàn. Sau khi được phép tổ chức Thế-Vận-Hội Mùa Ðông 2018 (TVH-MÐ), Nam-Hàn đã chính thức đổi cách viết thành PyeongChang (chữ ‘C’ viết hoa) để tránh nhầm lẫn.
Bình-Xương là một vùng núi nằm gần bờ biển phía Ðông của Nam Hàn, cách thủ đô Seoul khoảng 3 tiếng đồng hồ lái xe. Bình Xương là thành phố Á Châu thứ ba đứng ra tổ chức TVH-MÐ – hai thành phố kia đều ở Nhật: Sapporo (1972) và Nagano (1998). Ðến năm 2020 Nhật lại sẽ tổ chức TVH Mùa Hè. Và sang năm 2022 TVH Mùa Ðông lại cũng sẽ được tổ chức ở Á Châu một lần nữa tại Trung Quốc (nơi đã tổ chức TVH Mùa Hè 2008). Có nghĩa là Á Châu sẽ thay phiên tổ chức các giải Thế-Vận-Hội trong vòng 4 năm tới – một sự kiện khá hiếm hoi.
Tuy đã từng tổ chức TVH mùa Hè vào năm 1988 tại Seoul, nhưng Nam Hàn vẫn gặp nhiều lúng túng chuẩn bị cho TVH Mùa Ðông 2018. Tốn kém nhất là sân vận động tạm, nơi sẽ tổ chức lễ khai mạc (9/2) và bế mạc (25/2), với sức chứa 35,000 người, phí tổn $78 triệu đô la. Sân này chỉ được dùng cho TVH 2018 mà thôi, sau đó phải tháo dỡ toàn bộ!
Ngoài Bình-Xương ra còn một địa điểm thứ nhì nằm cạnh bờ biển tên Gangneung, tức Giang-Lăng là nơi tổ chức các cuộc thi trong nhà như trượt băng nghệ thuật (ice skating), đua băng (speed skating) v.v. TVH-MÐ lần này có tổng cộng 15 môn chơi cả thảy, với con số kỷ lục 102 huy chương Vàng sẽ được trao. Ban tổ chức dự tính sẽ có khoảng 3,000 lực sĩ từ gần 100 quốc gia khắp nơi trên thế giới đến tham dự, trong đó có cả thể-tháo-viên đến từ Bắc Hàn. Nam-Hàn hy vọng TVH 2018 sẽ là cơ hội để hai miền Nam-Bắc xích lại gần nhau, nên khẩu hiệu của TVH năm nay là “Olympics for Peace” (Thế-Vận-Hội cho Hoà-Bình).
Tuy vậy nhưng trong những tháng chuẩn bị cuối cùng, chính quyền Nam Hàn phải ra lệnh cho an ninh và quân đội thực tập các cuộc phòng thủ để bảo vệ lực sĩ và khán giả trong trường hợp bị tấn công bất ngờ. Họ dự trù nhiều trường hợp có thể xảy ra như bị đánh bom bởi máy bay không người lái (drones); bị tấn công bởi vũ khí hoá học; hay bị bắt cóc làm con tin như lần TVH 1972 tại Munich. Ngoài ra, Nam-Hàn cũng đã yêu cầu Hải-Quân Hoa-Kỳ tạm hoãn các cuộc thực tập quân sự ngoài khơi cho đến sau khi TVH bế mạc để hạ nhiệt.
Bình-Nhưỡng chỉ cách Bình-Xương vài trăm cây số, và ai cũng biết Bắc-Hàn dư sức phóng hỏa tiễn đến đó nếu muốn. Vì vậy phái đoàn lực sĩ Mỹ cũng cân nhắc xem có nên tham dự TVH 2018 hay không. Nhưng nếu Mỹ không dự thì PyeongChang 2018 sẽ thiếu hai nước lớn là Mỹ và Nga, và đó sẽ là một sự kiện vô cùng nghiêm trọng. Hai tháng trước ngày khai mạc TVH, Uỷ-ban IOC đã ra phán quyết không cho Nga tham dự kỳ này vì lực sĩ quốc gia dùng thuốc kích thích. Ðây là một cú tát nảy lửa vào mặt nước Nga nói chung, và Tổng thống Vladimir Putin nói riêng, người mà cách đây mới 4 năm đã chủ trì TVH Mùa Ðông 2014 tại Sochi (một số lực sĩ Nga cũng đã bị tước huy chương sau giải này vì tội doping).
Một mặt, Putin cho hay các vận-động-viên nào của Nga hợp đủ điều kiện để thi đấu vẫn có thể tham dự Bình-Xương 2018 với tư cách cá nhân. Nếu thắng, họ sẽ được trao giải dưới “quốc kỳ” và “quốc thiều” của Olympics. Mặt khác, Putin khuyến cáo Nga có thể sẽ tẩy chay TVH 2018 bằng cách không tài trợ cho các lực sĩ quốc gia nếu họ sang Nam-Hàn tỉ thí. Nói tóm lại, đằng nào kỳ Thế-Vận-Hội này cũng sẽ bị chi phối bởi các màn kịch địa-chính-trị, và kẻ thủ lợi có lẽ sẽ là anh hàng xóm Trung-Quốc khổng lồ.
Giải Túc Cầu Quốc Tế, Nga
Việc Nga bị cấm tham dự TVH Mùa Ðông, còn có thể ảnh hưởng lây đến giải World Cup 2018, sẽ được tổ chức tại Nga vào tháng 6. Nhiều người đang đặt câu hỏi (khá chính đáng) là liệu đội tuyển túc cầu của Nga có bị dính líu gì tới cái xì-căng-đan này hay không? Chúng ta hy vọng là không. Nhất là các đài TV trên khắp thế giới, bởi vì họ đã đầu tư rất nhiều tiền để trực tiếp truyền hình giải Túc-Cầu Quốc-Tế. Chưa chi một số hãng truyền thông đã lo thua lỗ vì sự vắng mặt của một số nước như Hoà Lan, Chile, Nam Phi, Hoa Kỳ, và cú sốc nặng nhất: Ý!
Thật không ai ngờ một cường quốc trên sân cỏ như Ý lại có thể bị loại đau đớn và xấu hổ như vậy. Nhưng đôi khi sự thật rất phũ phàng, và khi một đội banh không còn đá giỏi nữa thì bắt buộc họ phải xê ra chỗ khác để nhường chỗ cho đội xứng đáng hơn. Và đó cũng là trường hợp của đội tuyển Mỹ. Khi chỉ cần huề với đội Trinidad là đủ điểm để vào World Cup, các cầu thủ Mỹ đã đá rất… uể oải. Trinidad là một trong những đội yếu nhất của CONCACAF, có lẽ vì vậy mà HLV Bruce Arena đã không chuẩn bị cho cầu thủ của mình đúng mức. Trận đấu diễn ra tại một sân banh nhỏ ở Trinidad, số khán giả đi xem chưa tới 2,000 (hai ngàn) người, chứng tỏ ngay cả dân Trinidad cũng thờ ơ vì không nghĩ đội nhà có hy vọng gì. Vậy mà Mỹ đã để tung lưới 2-0 và cuối cùng chỉ gỡ lại được một trái danh dự. Thật là nhục nhã ê chề.
Nhưng như câu châm ngôn tiếng Anh nói: “Khủng hoảng của người này là cơ hội của người khác”. Việc Ý, Mỹ, Hoà Lan bị loại sẽ tạo cơ hội cho những nước như Panama, Peru, Costa Rica. Ðặc biệt nhất là sự xuất hiện lần đầu tiên của Iceland, một quốc gia nhỏ xíu với dân số chưa đầy 400,000 người. Tuy Iceland chưa bao giờ được vô World Cup, nhưng sau kỳ Eurocup cách đây hai năm Iceland đã chứng tỏ mình có thể chơi ngang cơ với những bậc đàn anh như Anh, Pháp mà không lép vế. Thêm vào đó, phong cách thượng võ của cầu thủ Iceland trên sân cỏ cũng như sau các trận đấu – dù thắng hay bại, đã làm cho nhiều người phải nể phục.
Trong hai nước Á Châu vào được World Cup kỳ này, Nam Hàn là xui hơn cả vì bị quẳng vào lò lửa của Bảng F cùng với Ðức, Mễ và Thuỵ Ðiển. Dù lạc quan cách mấy cũng ít ai dám tiên đoán Nam Hàn sẽ kiếm đủ điểm để tiến vào vòng trong, chưa kể khả năng có thể thua đứt ba trận. Ðối với dân Hàn Quốc đây thực sự là Bảng Tử Thần.
Ðội Nhật trong bảng H lại có nhiều triển vọng vì Senegal không phải là đội mạnh. Còn với hai đội kia là Colombia và Poland thì Nhật vẫn có cơ hội thắng hoặc huề một trong hai để kiếm ít nhất một hoặc hai điểm.
Asian Games, Jakarta (Indonesia)
Còn gọi là Asiad, diễn ra vào tháng 8, 2018. Giải này cũng giống như Thế Vận Hội Mùa Hè cho Á Châu vì cũng được tổ chức mỗi bốn năm. Lần trước, 2014, giải này được tổ chức ở Nam Hàn với 36 môn chơi, trong số đó có 28 bộ môn có trong Thế Vận Hội và 8 môn ngoài TVH như võ thuật (wushu, karate), bowling, baseball, cricket, kabbadi v.v. Asian Games có từ năm 1951, tới nay đã tổ chức được 17 kỳ, năm nay sẽ là lần thứ 18. Những ai thích coi các bộ môn thể thao lạ nên đón xem giải này.
Commonwealth Games, Australia
Giống như Thế Vận Hội nhưng dành riêng cho các nước từng là thành viên trong khối Thịnh Vượng Chung của Anh Quốc. Giải này cũng được tổ chức mỗi bốn năm, lần tới vào tháng tư 2018 ở Úc. Khác với những giải khu vực như Asian Games, giải Commonwealth quy tụ các lực sĩ thượng thặng từ khắp nơi trên thế giới nên được nhiều người cho là chỉ thua Thế Vận Hội về kích cỡ cũng như phẩm chất. Và bởi vì tất cả các lực sĩ tham dự đều dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chung nên các cuộc tranh tài còn mang tính cách hữu nghị. Thành ra giải này có khi còn được gọi là “Friendly Games”.
Nguyễn Văn Công ST
BB