Truyện Ngắn: Apparition - Guy De Maupassant

Truyện Ngắn: Apparition

Tác giả Guy De Maupassant

Guy de Maupassant (1850 – 1893)

Guy de Maupassant (tên đầy đủ là Henri René Albert Guy de Maupassant) là nhà văn Pháp,  thế kỷ XIX,tác giả những tiểu thuyết và truyện ngắn  có khuynh hướng  hiện thực, đôi khi hư ảo. Ông sinh tại Fe1camp, một thị trấn của vùng hành chánh Haute- Normandie. Thời thơ ấu ông được gần gũi dân quê, tiếp cận với thổ ngữ và những sinh hoạt bình thường ở vùng Normandie nên đã hình thành được nguồn cảm hứng dồi dào cho các truyện ngắn của ông. Ông được xem là một trong những tác giả viết truyện ngắn hiện đại lỗi lạc nhất.

Tác phẩm của ông gồm 6 cuốn tiểu thuyết, 3 tập ký sự du lịch, một tuyển tâp thơ và trên dưới 300 truyện kể và truyện ngắn.

Chịu ảnh hưởng của Flaubert, người thầy và cũng là cha đỡ đầu của ông, nên văn phong của ông luôn thể hiện thái độ khách quan hiện thực, nhận xét tinh tế, miêu tả chi tiết tỉ mỉ, sâu sắc.

Ông chết bệnh năm 1893 tại một dưỡng trí viện tư nổi tiếng ở Paris, hưởng dương 43 tuổi.

 

Hiện Hình- Apparition


Tác giả: Guy De Maupassant
Thân Trọng Thủy dịch

 

Một buổi tối trong một khách sạn cổ kính ở đường Grenelle. Sau bữa tiệc thân mật, mọi người đang bàn về sự tạm giam, nhân nói đến một vụ kiện vừa xẩy ra. Mỗi người kể một chuyện mà họ khẳng định là chuyện thật.

Lúc đó hầu tước de la Tour-Samuel, tám mươi hai tuổi, đứng dậy đến dựa vào lò sưởi. Ông nói với giọng run run:

“Tôi cũng có một chuyện lạ, lạ đến độ tôi bị ám ảnh suốt đời. Chuyện cách đây năm mươi sáu năm rồi mà bây giờ không tháng nào tôi không nằm mơ thấy nó. Từ ngày ấy đến nay nó hãy còn là một biểu hiện, một dấu ấn của sự sợ hãi, quí vị ạ. Vâng, tôi đã trải qua mười phút quá hãi hùng đến nỗi từ giờ phút đó đến nay tôi luôn luôn ở trong tâm trạng khiếp sợ. Nghe có tiếng động bất chợt là tôi giật thót tim, những đồ vật mà tôi không thấy rõ trong bóng tối cũng khiến tôi muốn chạy trốn ngay. Tóm lại, cứ về đêm là tôi sợ.

Ôi, tiếc là tôi chẳng hề thú nhận việc đó trước khi bước vào tuổi nầy. Bây giờ thì tôi đã có thể nói hết. Ở tuổi tám mươi hai người ta được phép nhát gan trước những hiểm nguy tưởng tượng, còn trước những hiểm nguy thực sự tôi chưa bao giờ lùi bước cả.   

Câu chuyện đó đã làm xáo trộn tâm trí tôi khiến tôi thầm đau buồn và ghê sợ nhưng tôi chưa bao giờ thổ lộ với ai. Tôi đã giữ kín tận đáy lòng, nơi thường chôn chặt những bí mật đau buồn, những bí mật xấu hổ, những nhược điểm trong đời sống mà không dám nói ra.

Sự việc xẩy ra như thế nào, tôi sẽ kể lại y như vậy, mà không giải thích. Chắc chắn là có thể giải thích được, trừ phi là tôi đã điên. Nhưng tôi đã không điên, tôi sẽ dẫn chứng. Quí vị cứ tha hồ tưởng tượng. Chuyện đơn giản thế nầy đây:

Tháng 7 năm 1827 đơn vị tôi đồn trú ở Rouen. Một hôm khi đi dạo trên bến sông, tôi gặp một người đàn ông, thấy quen lắm nhưng không nhớ đích xác là ai. Do bản năng, tôi dợm dừng bước. Người ấy thấy cử chỉ đó của tôi bèn nhìn tôi và sà ngay vào vòng tay tôi.

Thì ra đó là một người bạn thời trai trẻ mà tôi rất mến. Sau năm năm không gặp nhau, anh ấy có vẻ già đi nửa thế kỷ. Tóc anh bạc trắng và bước đi lom khom như kiệt sức. Biết tôi ngạc nhiên, anh ta kể chuyện đời mình. Một tai họa khủng khiếp đã làm tan nát đời anh.

Yêu say đắm một thiếu nữ, anh đã cưới nàng trong niềm sung sướng ngất ngây. Sau một năm sống hạnh phúc tràn trề và say đắm không nguôi, nàng bị bệnh tim qua đời đột ngột. Hẳn là chính tình yêu đã giết chết nàng.

Ngay hôm an táng, anh ta đã rời bỏ tòa lâu đài, đến sống ở Rouen. Ở đây anh sống cô độc và tuyệt vọng, vì đau khổ mà sức khỏe hao mòn, thảm hại đến nỗi anh chỉ nghĩ đến việc tự tử.

Anh ta nói:

“May gặp anh ở đây, tôi nhờ anh giúp một việc quan trọng. Anh về lâu đài của tôi, tìm đến tủ ngăn kéo trong phòng tôi, phòng của chúng tôi, lấy giùm tôi một số giấy tờ tôi cần gấp. Việc nầy tôi không thể giao cho thuộc hạ hay thư ký của tôi được vì cần tuyệt đối cẩn thận và kín đáo. Mà bản thân tôi thì chẳng còn có gì trên đời nầy nữa để quay về lại căn nhà đó. Tôi sẽ đưa anh chìa khóa phòng mà đích thân tôi đã khóa trước khi bỏ đi, và cả chìa khóa ngăn kéo. Ngoài ra tôi sẽ viết mấy chữ cho ông làm vườn, anh đưa cho ông ta để ông mở cửa lâu đài cho anh. Nhưng để sáng mai anh đến ăn sáng với tôi, mình sẽ nói tiếp chuyện nầy.”

Tôi hứa sẽ giúp anh ấy làm công việc nhẹ nhàng đó. Vả chăng, bất quá chỉ là một cuộc dạo chơi thôi, vì lâu đài của anh ta chỉ cách Rouen khoảng 5 dặm (1). Tôi chỉ mất một giờ cỡi ngựa là cùng.

Ngày hôm sau tôi đến nhà anh lúc mười giờ. Chúng tôi ngồi đối diện nhau ăn sáng, nhưng anh ta nói rất ít. Anh ta xin lỗi tôi về việc đó. Anh nói cứ nghĩ tới việc tôi vào thăm căn phòng nơi chôn vùi hạnh phúc của anh là anh thấy mất tinh thần. Quả thật, tôi thấy anh ta rất kích động, bồn chồn, giống như đang xẩy ra một cuộc chiến bí mật trong tâm hồn.

Cuối cùng anh cho biết cụ thể tôi phải làm gì. Rất đơn giản. Tôi phải lấy về hai xấp thư từ và một tâp giấy để trong ngăn kéo thứ nhất bên tay phải mà tôi sẽ có chìa khóa.

Anh ta nói thêm:

“Tôi không cần phải xin anh đừng đọc những thư từ đó.”

Nghe vậy tôi hơi chạm tự ái nên trả lời hơi gay gắt. Anh ta vội ấp úng:

“Xin lỗi anh, tôi đau khổ quá!”

Và anh ta bật khóc.

Tôi từ biệt anh ta lúc một giờ để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thời tiết đẹp rực rỡ và tôi phóng nhanh ngựa qua những cánh đồng cỏ, tai nghe tiếng hót của chim chiền chiện và tiếng thanh kiếm nhịp nhàng chạm vào chiếc ủng.

Khi vào trong rừng tôi cho ngựa bước chậm lại. Cành cây lướt nhẹ vào mặt tôi, thỉnh thoảng tôi dùng răng bứt một ngọn lá nhai ngấu nghiến, lòng bất chợt cảm thấy hạnh phúc rạo rực khó tả, toàn thân tràn trề sinh lực.

Khi đến gần lâu đài, tôi rút lá thư trong túi ra để lát nữa đưa cho người làm vườn và tôi ngạc nhiên thấy thư đã niêm phong. Tôi sửng sốt và tức giận đến độ suýt quay về không làm tròn công việc được giao nữa. Nhưng tôi nghĩ làm thế thì tỏ ra mình dễ tự ái quá, không tốt. Có thể anh bạn tôi trong lúc bối rối đã vô ý dán thư lại mà thôi.

Hình minh họa

 

Lâu đài có vẻ như đã bị bỏ phế từ hai mươi năm. Cổng mở toang và hư mục, không hiểu tại sao vẫn còn đứng được. Cỏ mọc đầy lối đi, phủ kín các bồn hoa. Nghe tiếng chân tôi đá vào một cánh cửa nhỏ, một ông già từ cánh cửa lớn bên cạnh bước ra và sửng sốt khi trông thấy tôi. Tôi nhảy xuống đất và đưa lá thư cho ông. Ông đọc lui đọc tới, lật qua lật lại tờ giấy, nhìn tôi từ đầu đến chân, xong đút nó vào túi rồi hỏi tôi:

“Thế nào? Ông muốn gì?”

Tôi đáp lại liền:

“Tôi muốn gì ông phải biết chứ! Ông đã đọc lệnh của chủ ông rồi mà. Tôi muốn vào trong lâu đài.”

Ông ta có vẻ mất tinh thần:

“Vậy, ông sẽ vào phòng ông ấy?”

Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn:

“Tất nhiên! Mà này, ông lại muốn hạch hỏi tôi đấy à?”

Ông ta lắp bắp:

“Dạ không, thưa ông, chả là…phòng ấy đã không được mở từ sau cái chết… Xin ông vui lòng chờ tôi năm phút, tôi sẽ đi…sẽ vào xem thử…”

Tôi giận dữ ngắt lời:

“A! Này! Ông coi thường tôi à? Ông không thể vào đó được, vì chìa khóa ở đây nầy!”

Ông ta không còn biết nói gì nữa.

"Thưa ông, vậy tôi xin dẫn đường.”

“Ông chỉ cho tôi biết cầu thang ở đâu và để mặc tôi. Tôi sẽ tìm được căn phòng ấy không cần ông dẫn.”

“Nhưng …thưa ông…tuy vậy…”

Lần nầy tôi thực sự nổi nóng:

“Bây giờ ông im đi, nếu không thì hãy liệu hồn!”

Tôi xô ông ta ra và vào lâu đài.

 Trước tiên tôi đi qua nhà bếp rồi qua hai phòng nhỏ của vợ chồng ông ta. Tiếp đó tôi đi qua một tiền sảnh rộng, bước lên cầu thang và nhìn thấy cánh cửa phòng mà anh bạn tôi đã chỉ. Tôi mở cửa ra một cách dễ dàng rồi bước vào trong.

 Căn nhà tối tăm đến độ lúc đầu tôi chẳng thấy gì cả. Tôi dừng lại vì thoang thoảng có mùi ẩm mốc toát ra từ những căn phòng bỏ trống và đóng kín cửa, đúng là những căn phòng chết. Khi quen dần với bóng tối, tôi thấy khá rõ căn phòng ngổn ngang với một cái giường không có khăn trải, còn nệm và gối. Một cái gối còn hằn sâu dấu khuỷu tay hay dấu của một cái đầu ai đó vừa tựa vào.

Mấy cái ghế trông rất hỗn độn. Tôi chú ý đến một cánh cửa, đúng là cửa một tủ áo, hãy còn hé mở.

Thoạt tiên tôi đến mở cửa sổ để đón ánh sáng vào nhưng không mở được vì bản lề đã hoen rỉ. Tôi thử lấy thanh kiếm cạy cũng không được. Do tôi giận vì đã phí sức vô ích và cũng vì mắt tôi đã quen với bóng tối nên tôi không cần có thêm ánh sáng nữa làm gì, tôi bước lại bàn giấy.

Tôi ngồi xuống ghế bành, giở tấm ván kệ, mở ngăn kéo ra. Ngăn kéo đầy ắp. Chỉ cần lấy ba gói nhưng tôi không biết đích xác là ba gói nào, tôi đành phải lục tìm.

Tôi đang mở to mắt để đọc địa chỉ trên các bì thư thì hình như tôi nghe hay đúng hơn là cảm thấy có tiếng sột soạt sau lưng. Lúc đầu tôi không để ý lắm vì nghĩ rằng đó chỉ là tiếng gió lay mấy tấm vải. Nhưng khoảng một phút sau tôi lại nghe một tiếng động khác rõ hơn khiến da thịt tôi nổi gai ốc.

Bị hốt hoảng như vậy, dù chút đỉnh thôi, mà ngốc đến nỗi tôi không dám quay đầu lại, vì quá nhát gan. Tôi tìm được tập thư thứ hai và khi vừa thấy tập thứ ba thì có tiếng thở nặng nề khó nhọc ở sau vai làm tôi hoảng hồn nhảy khỏi đó hai mét. Vừa nhảy tôi vừa quay lại đặt tay vào chuôi kiếm, và nếu không cảm thấy có nó bên hông thì chắc tôi đã bỏ chạy một cách hèn nhát.

Sau ghế bành mà tôi vừa ngồi lúc nãy có một người đàn bà cao lớn mặc đồ trắng đang đứng nhìn tôi. Tôi cảm thấy tay chân run lẩy bẩy, suýt té ngửa xuống đất. Ôi, nếu ai không tự mình gặp phải nỗi khiếp sợ kinh khủng và phi lý đó thì sẽ không hiểu đâu. Tâm trí lơ mơ, tim như ngừng đập, người mềm nhũn như miếng bọt biển, tưởng chừng như mọi thứ trong người đều sụp đổ.

Tôi không tin có ma. Vậy mà tôi đã suy sụp vì sợ người chết và tôi đã đau khổ, ôi đã đau khổ trong một vài khoảnh khắc mà thấy dài hơn cả quãng đời còn lại của tôi, vì không cưỡng lại được nỗi khiếp sợ những điều kinh dị siêu phàm.

Nếu bà ấy không lên tiếng chắc tôi đã lăn đùng ra chết. Nhưng bà ta đã nói, với cái giọng nhẹ nhàng và đau đớn khiến tâm thần rung cảm. Tôi không dám nói là tôi đã tự chủ trở lại, đã tỉnh táo trở lại. Không. Lúc đó tôi bối rối đến độ tôi cũng không biết mình đang làm gì. Nhưng tính tự phụ thầm kín trong tôi, cả lòng kiêu hãnh nghề nghiệp nữa, đã giúp tôi giữ được thái độ đúng mức. Tôi chọn thái độ đó vì tôi và hẳn là vì bà ta, vì bà ta, dù bà là ai, người thật hay bóng ma. Về sau tôi mới nhận thức được những điều đó, vì xin đoan chắc với quí vị là ngay khoảnh khắc bà ấy hiện ra, tôi chẳng nghĩ gì cả. Tôi sợ.

Bà ta nói:

“Ôi, thưa ông, ông có thể giúp tôi một việc lớn không?”

Tôi muốn trả lời nhưng không mở miệng được, chỉ có môt âm thanh mơ hồ thoát ra từ cổ họng.

Bà ta nói tiếp:

“Xin ông làm ơn, ông có thể cứu tôi, chữa lành cho tôi. Tôi đau đớn vô cùng, tôi đau quá. Ôi! Tôi đau quá!”

Và bà ta nhẹ nhàng ngồi xuống ghế bành, nhìn tôi:

“Ông làm ơn!

Tôi gật đầu tỏ ý chấp thuận, vì vẫn mất giọng.

Thế là bà ta đưa tôi một cái lược đồi mồi và thì thầm:

 “Hãy chải tóc cho tôi, ôi, hãy chải tóc cho tôi để tôi khỏi bệnh. Tôi chỉ cần được chải tóc. Ông hãy nhìn đầu tôi mà xem. Tôi đau lắm, tóc làm tôi đau!

 Tôi thấy tóc bà ấy rối tung, rất dài và rất đen, xõa qua lưng ghế bành xuống tới đất.

Sao tôi lại làm việc nầy? Tại sao tôi lại vừa run vừa cầm lấy cái lược, và tại sao tôi lại nắm những lọn tóc dài khiến tôi có cảm giác rờn rợn như cầm những con rắn? Tôi chẳng biết nữa!

Cái cảm giác ấy vẫn còn nguyên trong mấy ngón tay và mỗi lần nhớ lại tôi không khỏi rùng cả mình!

Tôi chải đầu cho bà ấy. Chẳng rõ bằng cách nào mà tay tôi đã chạm, đã sờ vào mái tóc lạnh như nước đá ấy. Tôi xoắn tóc lại, cột rồi tháo ra, rồi tôi bện như người ta bện bờm ngựa. Bà ta thở một hơi dài, nghiêng đầu, có vẻ sung sướng.

Bỗng bà nói “cám ơn!” rồi giật lấy cái lược trên tay tôi và tuôn chạy qua cánh cửa đang hé mở.

Còn lại một mình, trong vài giây tôi thấy hoảng hốt như vừa thức giấc sau cơn ác mộng. Khi tỉnh táo lại, tôi chạy đến cửa sổ dùng hết sức đẩy mạnh cánh cửa.

Một luồng ánh sáng lùa vào. Tôi phóng tới cánh cửa lớn mà bà ấy vừa chạy qua. Cửa đóng kín, không cách gì xê dịch được.

Tôi kinh hãi muốn bỏ chạy thật lẹ. Một sự sợ hãi y như sự hoảng sợ của binh lính lúc đánh nhau. Tôi chộp thật nhanh ba gói thư trên bàn giấy, chạy ra khỏi nhà, nhảy từng bốn bậc cấp một, ra được bên ngoài mà không biết bằng cách nào. Tôi chợt thấy con ngựa cách đó khoảng mười bước. Thế là tôi nhảy phóc lên lưng nó và phóng nước đại.

Đến Rouen thì tôi dừng lại trước nhà tôi. Trao dây cương cho người lính hầu, tôi rút nhanh vào phòng đóng cửa suy nghĩ.

Trong khoảng một giờ, tôi lo lắng tự hỏi có phải mình bị ảo giác hay không. Chắc chắn tôi đã bị một chấn động thần kinh, ảnh hưởng đến não, phát sinh những điều kỳ lạ từ đó mà hình thành quyền lực siêu nhiên.

Tôi gần như tin vào một ảo ảnh, một sự sai lệch của giác quan lúc tôi lại gần cửa sổ. Tôi tình cờ nhìn xuống ngực. Cái áo khoác nhà binh dính đầy những sợi tóc dài của bà ấy quấn quanh mấy khuy áo.

Tay tôi run rẩy gỡ từng sợi tóc một ném ra ngoài. Rồi tôi gọi người lính hầu. Tôi rất xúc động, rất bối rối, không dám đến nhà anh bạn ngay hôm ấy. Hơn nữa tôi cũng muốn suy nghĩ cho thật chín chắn về những gì sẽ nói với anh ta.

Tôi cho mang mấy tập thư đến cho anh bạn và anh ta đã viết biên nhận đưa cho tên lính. Anh hỏi thăm tôi. Nghe nói tôi bệnh, bị say nắng bất chợt, anh ta rất lo.

Hôm sau từ sáng sớm tôi đã đến nhà anh ấy, quyết định sẽ nói cho anh biết hết sự thật. Nhưng anh ta vắng nhà từ chiều hôm trước chưa về.

Trong ngày hôm đó tôi có trở lại nhưng vẫn không gặp anh. Tôi chờ suốt tuần vẫn không thấy anh về. Tôi đành phải báo nhà chức trách. Họ tìm anh khắp nơi mà chẳng rõ tông tích.

Họ tiến hành khám xét tỉ mỉ tòa lâu đài bỏ hoang. Không có gì khả nghi cả. Chẳng có dấu vết nào chứng tỏ nơi đây có che giấu một người phụ nữ.

Cuộc điều tra không đem lại kết quả, mọi tìm kiếm bị bỏ dở.

Và từ năm mươi sáu năm nay, tôi chẳng có tin tức gì. Tôi không biết gì hơn.

 

Kim Kỳ st

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %26 %209 %2018 %23:%02
back to top