GIÁ HẠNH PHÚC
GIÁ HẠNH PHÚC
Võ Công Liêm
Đầu tháng sáu hàng phượng vĩ dọc đường đã trổ bông,nở rộ,không chừng cuối tháng thì phượng rải đầy đường hoa,lá trên đại lộ Bình Minh.Phượng được trồng hai bên lề đường,với hành lang lát gạch ô vuông chạy dài;mùa hè phượng đỏ thắm,soan không có hương đậm nhưng sắc quyến rũ. Mỗi bên đường là những dinh thự lớn,vườn lớn với nhiều sắc hoa và cây cảnh qúi giá,tọa lạc trong một khuôn đất rộng rãi,được bao quanh hàng rào sắt sơn đen.Bộ mặt của vùng nầy Tây hóa từ cơ sở chính quyền,cửa hàng,bệnh viện,trường học đều được thiết kế như một thị thành bên Pháp.Hàng phượng mọc dài từ cầu đúc xi-măng đến ga thành phố.Những nhánh soan sà mình,đong đưa như muốn liếm lòng đường mỗi khi gió thổi tới.Vào hạ; nắng ban mai trải rộng cả khung trời,thoảng huơng lúa mới len vào,gây ấn tượng mùa nghỉ hè sắp đến của các trường học.Thường niên vào tháng nầy,giới ôm sách nôn nao được nghỉ tay để ngao du sơn thủy,cái hào hứng của tuổi học trò là lúc đó,cái rộn ràng chia tay,cái âu yếm của kỷ niệm…thật là xao xuyến vô cùng.
Người và vật ở đây như gắng bó với nhau từ mấy thế kỷ qua,dần dà nó trở nên truyền thống cố hữu mà những nơi khác khó tạo ra được một không gian và phong thái như vậy;hay tại hồn thiêng đất nước nó nặn ra con người ở đây như thế.Mà chỉ có một khoảnh đất đó thôi,xa vài chục cây số thì cái hương vị đó lại khác rồi.Kỳ bí ở cái chỗ đó!Bởi thế nó cấu tạo ra những cuộc tình lãng mạn và đôi khi cũng rất lạ lùng.Tình yêu chớm nở như phượng, đám người trẻ khi ở tuổi trăng tròn đã cảm thấy biến chứng trong người qua hình thức sinh lý cũng như tâm lý,cho nên những chàng trai đang ở lớp trung học không sao tránh khỏi tơ vương, vướng vít vào hồn khi phải thấy,phải ngắm người con gái ở đây.Có những chàng trai trẻ đặt câu hỏi tại sao?Tại sao lạ thế nhỉ?Tại sao mình phải”si”như thế? Ngay cả vua cũng chịu huống chi ba kẻ thần dân thiên hạ.Khải là nạn nhân của sự thắc mắc đó từ khi còn ở lớp mười hai trung học,người đã phải lòng một thiếu nữ trường bên.
-Sao hôm nay về trể rứa? Người mẹ nói.Nàng cúi đầu chào mẹ rồi lặng lẽ đi thẳng vào buồng. Nàng lấy gương lên soi mặt, vuốt lại mái tóc cho gọn, đoạn nhẹ nhàng bước xuống hiên sau, tiến về phiá mẹ.
-Thưa mẹ hôm nay con họp bạn ở trường cho nên về không như thường lệ. Chắc mẹ chờ con để cùng ăn cơm tối ? Nàng nói Bà Thìn chăm chú đếm tiền cắt,tiền giấy,lẩm nhẩm chẳng phải nghe câu hỏi,rồi ngẩn đầu nhìn con.
-Mẹ vừa trả tiền công cho Hạo,nhưng một hai anh không chịu lấy,cứ bảo dịp khác rồi hãy trả.Con biết Hạo chớ? Anh ta cần cù và chịu khó,tánh tình ai cũng mến. Bà Thìn nói.Nàng nghe qua,dạ dạ,thưa thưa rồi ngoảy xuống bếp làm cơm. Đứng bếp mà miên man nghĩ đến người yêu.Nàng nhớ chàng từng phút,từng giây,xa một lúc mà đã thấy hình ảnh chàng hiện ra trong trí;thật khó phai mờ.Kể cả đêm hôm tối trời,nhất là mỗi khi nằm nghe mưa,nàng cảm thấy lẻ loi và ớn lạnh.Chỉ có nàng thổn thức điều đó,không biết ở đầu cõi xa kia chàng có nghĩ về mình không? Đó là câu hỏi nàng luôn luôn đặt trong đầu,hình như định mệnh muốn nhắc đến điều gì? Nàng sợ mất cái thanh cao diệu vợi này;mà phập phồng lo sợ sự cố xẩy ra bất ngờ.Lửa phụt cao ngọn, hơi nóng táp tới người,trách cá kho đã reo âm ỉ,bốc mùi mặn dể đưa tới đói bụng cho hai mẹ con bà Thìn.
-Coi chừng lửa ,kẻo cháy khô cá.Nghe không?Bà Thìn vói miệng nói vọng vào.
-Con hạ lửa rồi mẹ.Nàng nói.
Bên ngoài trời đã sậm tối,một vài nhà kế cận đã lên đèn.Nàng vuốt tóc và nghe như nước mắt lăn trên gò má nàng.Cơm canh đã lên bàn,ngọn đèn điện đổ xuống bàn,toả cái thứ ánh sáng chụp mủ như phòng điều tra,khảo cung tội phạm.
-Mời mẹ ăn cơm.Nàng nói.Bà Thìn mỉm cười nhìn con với đôi mắt tự mãn,có được đứa con gái nết na,ham học và yêu kiều như thế thì thế nào cũng có người để mắt,tới ngày đó chắc mẹ con bà Thìn hạnh phúc lắm.Trong bữa ăn,nàng quên mình đang ăn,tâm trí để vào những câu hỏi rồi tự trả lời lấy,cuối cùng tình yêu vẫn nằm lịm trong tim như chế ngự hết thảy mọi điều.Nàng nghĩ bâng quơ:-tình yêu có cái gì mơ hồ, úp mở, đôi khi nó tàng ẩn những điều khó hiểu mà ai sa vào rồi cũng lụy,cũng đam mê,lắm khi còn phải hy sinh.Chắc có thần ái tình nằm nơi đâu hoặc có thể gần bên nàng?xúi nàng phải hành động một cách liều lĩnh khó ngăn được.Mà thật sự; có ngăn cũng không được. Ái tình như phù phép.Nàng đầu hàng với lý luận phi đạo đức như thế.Nhưng nàng đã yêu; đạo đức chỉ là cái”xái”thuốc phiện sau khi hút,người hút không nhìn đằng xa mà nhìn khoái cảm.Nàng rùng mình vì cảm thấy như mình đang đương đầu với đối tượng ái tình…
Nàng sợ mẹ lo lắng và buồn nếu biết mình có tình yêu;cái thứ tình yêu ngày nay nó theo trào lưu tiến hóa của xã hội,nay là của mình,mai là của người khác,thay trắng, đổi đen,thời nào cũng có cái thứ đùa giỡn ái tình,ngày nay bội phần, đủ loại tầng lớp trong xã hội; đùa dể,có khi không biết đùa người ta còn bày cho đùa.Nàng biết hết tình lý của cuộc đời.Với số tuổi hai mươi ngoài, nghe,thấy không biết bao nhiêu chuyện giữa đời.Nàng biết như một kinh nghiệm sống để tránh né.Nhưng chắc chắn người tình của nàng là loại người mẫu mực,con nhà lành;nàng tự tin. Tình yêu của nàng thuộc loại tình lý tưởng cổ điển; đẹp lắm!không như ngày nay.
Hình minh họa
Dựng chiếc xe máy Honda đời mới,trong sân trường văn khoa.Khải ngồi trên ghế xe,rung rung đôi chân,lấy tay xốc xới mái tóc,sửa lại cổ áo sơ-mi,ngoài khoác thêm áo jacket chống gió,ngoại hình trông điển trai,hiền lành,nước da trắng so với dân địa phương thì da đậm màu hơn;Khải đâu có làm gì mà sạm nắng,ngoài chuyện học với ái tình,cơm ăn áo mặc có mẹ lo chu đáo vì Khải con trai độc,dưới Khải có người em gái, tên thường gọi Mộng Thúy.Cha Khải qua đời đột ngột, để lại một cửa hàng thiết bị vật tư ở trung tâm thành phố.Bà Đào mẹ Khải thay thế chồng điều hành cửa hàng,thu nhập bề bộn,nhờ cái miệng ngọt ngào và một ít nhan sắc còn lại cho nên thu hút đám đấu thầu xây dựng trong tỉnh.Khải ít nói giống cha,nhưng năng động,có hiếu với mẹ,cho nên Đào nuông chiều.Nhưng không phải vì thế mà Khải làm mẹ buồn,dù việc nhỏ.Một chàng sinh viên đủ điều kiện ăn học giữa thời buổi này không phải là ít,nhưng đứng trong góc xã hội nhìn ra, chàng quá hạnh phúc,những chàng trai cùng trang lứa muốn có một hạnh phúc như thế không phải dể.Chàng đúng là típ thư sinh ngày nay.
Ngồi đợi người yêu đã gần tiếng đồng hồ,Khải rút di động,bật nắp gọi.Không nghe nói,sập máy nhét vào túi,ngẩn đầu nhìn trời rồi lại nhìn mình trong gương chiếu hậu xe,săm se,tính nhổ ít sợi râu non.Nàng đến,đứng bên cạnh.Khải mừng ríu lên.
-Em mới đến.Khải nói.
-Anh chờ em lâu không?Em mong giờ qua nhanh để anh khỏi phải nôn nao chờ đợi.Em xin lỗi anh.Hôm nay anh đi đâu mà diện dẫm thế? Nàng nói.
-Anh đi đón em.Thôi! lên xe anh đưa em đi ăn.Khải nói
-Có mục gì đây mà đi ăn?Nàng hỏi.
Trời chiều,gió từ sông thổi lên,nghe vi vu qua hàng cây dương liễu ở công viên,cây cao đổ lá vàng bay phất phới giữa trời,người về từ các cơ quan mỗi lúc mỗi đông, đường phố đầy ứ xe và người.Khải lanh tay lái,luồng lách để xe khỏi nằm chờ, ra khỏi đoạn đường kẹt xe,Khải cho xe phóng nhanh,nàng ôm vào người Khải, đôi vú của nàng áp sát lưng Khải,nàng muốn giữ thế ngồi để khỏi phải chạm vào người Khải,chàng ngoảnh lui nhìn người yêu mỉm cười thỏa mãn,gió đuổi theo tóc,vướng vào nhau,mùi tóc hây hây như mùi rạ khô,cũng vì cái hương rạ nầy mà làm cho nhiều người say đắm mà sinh ra thử lửa với ái tình.Tình yêu có nhiều ma thuật khó lường.Ngay cả cái mùi da thịt của thiếu nữ là hương hoa;hoa hường,hoa mận,hoa lài,hít vào đâm say ngay,một thứ độc dược vô hình.Vậy mà người đời ưa hít thở những thứ đó,mà những thứ đó là bùa mê,thuốc lú mấy ai hay!
-Em lạnh không? Ôm sát vào anh.Khải nói
Tiếng dạ dịu dàng của nàng nghe bên tai.Khải cảm thấy có cái gì làm cho mình yêu đời thêm,phấn khởi hơn.Xe vút nhanh thì đã đến quán ăn. Đèn vàng trong quán đã bực sáng,tạo không gian bên ngoài và trong quán một hình ảnh huyền ảo, dể dàng lôi cuốn thực khách.Khải cầm tay nàng,hướng tới bàn ăn,chàng kéo ghế mời nàng ngồi.Nàng nhẹ nhàng,khép nép ngồi xuống ghế, đưa mắt nhìn cám ơn với nụ cười nhếch môi kín đáo,tự nhiên nàng cảm thấy e lệ bên cạnh Khải. Đi chơi với Khải một đôi lần nhưng lần nầy tự nhiên thấy lạ từ mọi phiá,nàng nén cử chỉ đó để chung vui với Khải và tỏ ra tự nhiên một cách sành sỏi.Tiếng nhạc từ giàn máy thổi tới hai người,một tình khúc nghe quen quen và gợi nhớ.
-Em chọn món ăn đi.Khải nói.
-Anh ăn gì thì em ăn theo anh.Nàng nói.
-Chắc anh thường đến đây.Nàng hỏi.
-Không; lần đầu.Anh thấy tiệm nầy tương đối thoáng và lịch sự,nên thử xem họ có đối đãi như thế không, để lần sau chúng mình còn trở lại.Khải nói.
Cảnh trời bên ngoài đã ngả màu sậm tối, ngoài lộ xe sáng ánh đèn, đêm bắt đầu rộn ràng,làm cho cảnh vật trở nên sinh động hơn.Đi chơi đêm thấy thích hợp hơn ngày.
Hai cái đầu ngúc ngắc như muốn cụng vào nhau cho thỏa chí,khách đến quán mỗi lúc mỗi đông,nghe rõ tiếng tách,chén va vào nhau át cả tiếng nhạc, âm nhạc đã bị đẩy lùi giữa lúc nầy.Khách đến đây hầu hết tìm lạc thú ẩm thực, ít ai đến đây mang theo ái tình vào chốn nầy;trật chỗ,cái không khí chén chú,chén anh mà bày tỏ đôi lời với người yêu thì không đúng điệu nhà nghề chút nào cả.Hiền lành như Khải cũng ý thức điều đó.Nhưng Khải muốn chiêu đãi nàng những món ăn, vừa ngon vừa lạ.Thế nên họ chỉ nói quanh vào món ăn,ly nước rồi nhìn nhau cười nói trong hạnh phúc lứa đôi và đọc được những suy tư trong mắt và nhặt ra được tình ý với nhau, họ tìm thấy cái ước ao sâu lắng của tâm hồn.Mà thật; đàn ông uống say hay bộc trực,nói toạc những gì bí ẩn. Đàn bà thì đằm thắm hơn,không bộc trực nhưng không giấu được; bởi khi thoả mãn với nhu cầu,khi nắm bắt cái mình muốn một cách sung sướng thì hiện rõ trên mặt,trên mắt,lộ thần hẳn ra thì làm sao không tỏ được điều muốn nói,những thứ đó trong tình trường họ luôn luôn mong đợi,có ba chữ thôi: “em-yêu-anh” nếu được nói lên thành tiếng thì hạnh phúc biết chừng nào.
Ra khỏi quán,Khải nắm tay nàng và đi chậm rãi trên viả hè.Gió đêm hiu hiu thổi,nàng cảm thấy lạnh đôi vai. Ôi! đẹp làm sao.Thơ mộng làm sao.Nàng muốn ngã đầu vào vai chàng để lấy hơi ấm;có thể đi suốt đêm nay mà không buồn về.Cả hai muốn như thế.Nhưng hệ lụy của gia đình đôi bên không cho phép,cả hai muốn níu thời gian chậm lại để tình yêu lên ngôi.Nhưng không được!
-Anh đưa em về đi thôi.Mẹ em nóng ruột chờ em.Bà yếu bóng viá lắm.Nàng nói.
-Thế em không báo cho mẹ hay?Khải nói.
-Có anh ạ!Em dối với mẹ là đi ăn sinh nhật con nhỏ cùng lớp.Em ân hận đã dối mẹ.Vì thế em nôn nao về để xin lỗi mẹ.Nàng nói.
Câu nói chân tình và biết phải trái của nàng đã làm cho Khải quan tâm,một sự quan tâm cần thiết mà Khải dành cho tương lai với nàng,tuy những tiếng nói chơn chất,mộc mạc đó Khải thấy được tâm hồn phục thiện của nàng.Từ đó Khải tin ở mình,tin ở nàng. Đó là mối tình chân của một cuộc tình hôm nay.
Chiều bỏ đi,trời đêm lại tới,khí lạnh đã bủa vây thành phố,Khải ôm xe,nàng ôm Khải ,hai bánh xe Honda như vó ngựa,quét bóng tối để về nhanh như yêu cầu của người tình.Tới nơi;Khải cầm tay nàng,mân mê từng đầu ngón tay,bàn tay đàn bà khác bàn tay đàn ông cả triệu lần,dù có phải là bàn tay lao động nó vẫn khác,ngược lại nó tác dụng một cách thiết thực và có ngôn ngữ riêng của nó; cho nên được cầm tay là một khoái cảm chung,nhiều khi còn gợi hứng với tay cầm,có lẽ những phút giây như thế làm Khải bồi hồi,chàng tỏ ra lúng túng lúc chia tay,muốn nói điều gì chăng,nhưng vẫn ngập ngừng.Khải mở xách tay lấy ra một gói qùa,bỏ vào lòng tay nàng.
-Anh tặng em món quà nầy.Khải nói.
-Tặng em món quà?Quà gì giữa lúc nầy,với mục đích gì?Nàng nói.
-Em quên rồi sao?Hôm nay;ngày nầy,năm ngoái anh được quen em.Thời gian nầy đã đánh dấu anh,không bao giờ quên, dẫu có gì vẫn không bao giờ.Khải nói.
-Chết!em vô tình quá,em vụng về quá,anh tha lỗi cho em và em xin nhận nơi anh tấm lòng cao qúi nầy.Em cảm thấy hạnh phúc vô cùng.Nàng nói.
-Mở ra xem đi!Khải dục.
-Trời ơi;sao anh làm thế?Chiếc đồng hồ Seiko đắt tiền mà anh phải mua tặng em.Em không dùng đâu. Đây là kỷ vật đời em.Nàng nói với hàng lệ chảy.
-Đồng hồ là thời khắc,là dấu yêu giữa hai ta.Xin em đừng đánh giá sai lạc. Khải nói.
Hai người cụng đầu nhau không nói,giữa không gian tĩnh lặng.Tiếng chó sủa nghe gần,nàng có cảm giác như mẹ nàng thấy nàng đang đứng cạnh một người đàn ông lạ mặt,nàng rùng mình và quảy gót bước đi.Bỗng nàng nghe tiếng gọi tên mình,ngoái lui đợi câu nói.
-Ngà!Tiếng Ngà dừng lại một lúc,rồi lại nói:-Anh yêu em.Khải nói.
Người và xe phóng vào bóng đêm,tiếng máy gầm lên như tiếng hú của loài thú hoang lạc bầy và nghe tiếng xe mòn dần về cõi xa.Tiếng cửa mở nhà Ngà nghe rõ giữa đêm.
Trần Hạo; sau 10 năm từ miền Bắc trở về.Chàng biến thể từ cái vỏ bề ngoài đến cái hồn bên trong.Cái sự thay đổi như thế đã làm cho bà con,xóm giềng thêm có vấn đề.Có người nói Hạo buồn vì người ta phụ tình chàng,không giữ lời thề trước ngày ra đi,có người đề xuất vì tiếp nhận sự đổi đời cho nên không thức thời hoặc vì phụ thân khuất bóng hay vì mẹ khóc thương chồng,thương con mà nay mù loà,người ta đẻ ra đủ thứ chuyện cho chàng.Hạo cho đó là thị phi và cũng chẳng buồn phải thanh minh,thanh nga làm gì cho mệt sự đời;bởi Hạo đi qua nhiều chặng đường,từ đường tình đến đường đời,chua-cay-mặn-đắng Hạo nếm tuốt,lên-voi-xuống-chó Hạo đều dự phần và đã đi qua bao nhiêu chế độ,bao nhiêu biến thiên của lịch sử,Hạo nhận hết như một sự cố bất di bất dịch của con người;thời nào cũng thế.Với bao ngôn từ,mỹ ngữ cũng chẳng cảm hoá được ai.Chàng cho tất cả là cơ duyên của cái duyên tiền định.Hạo tin vào điều nầy; đôi khi Hạo nghĩ sâu xa hơn, đó là nghiệp dĩ mà mình phải trả cho nên chàng nhận tuốt để giải tội đời sau.Rồi tất cả đi vào cõi phù du.Do đó Hạo bình tâm với cuộc sống hôm nay,cố gắng thực thi một con người tốt. Điều đó thật khó cho Hạo phải đương đầu với đời,mà đời là thủ đoạn,lừa dối,mánh mung,chôm chỉa làm sao mà lường,làm sao mà thánh thiện.Cuối cùng Hạo dấn thân như mọi người trong cõi đời này.
Với số tuổi gần 40 không vợ,không con,cảnh nhà neo đơn,một mình Hạo là rường cột,may mà còn có căn nhà cha ông để lại, nay vừa phụng thờ vừa phụng dưỡng.Hạo có một cái đáng qúi ở chỗ làm ăn vất vả nhưng không bao giờ để mẹ buồn hoặc lên lời than thở.Yêu mẹ những đêm hôm tối trời,mưa gió,Hạo hành động như nghĩa vụ của người con đối với cha mẹ.Từ ngày chồng mất,mẹ Hạo trở nên ít nói,không nêu vấn đề lớn,nhỏ với ai, một phần đôi mắt mù loà của bà.Mấy điểm đó làm Hạo yêu mẹ hơn.Ngày nay Hạo làm đủ nghành nghề,từ việc sổ sách đến việc khuân vát, đẩy xe,chở mướn không quản ngại hay tự ái với chức năng;chàng kiên nhẫn để vượt qua.
Hạo ngồi nghỉ tay,nuốt hết tô cháo lòng, đưa bát nước chè lên miệng núc ừng ực.Bà Thìn đã đứng cạnh bên.Hạo nhìn bà Thìn mỉm cười tươi.
-Chiều nay anh chở mớ củi đầu cửa hàng bà Hạnh về nhà cho tôi.Anh cho biết bao nhiêu để thanh toán một lần với tiền chở hôm trước luôn thể.Bà Thìn nói.
-Giữa cháu và bác đâu có xa xuôi gì mà phải lo.Cứ để đó!Hạo nói.
Không biết chăm làm ăn như thế mà Hạo có nghĩ đến chuyện tương lai hay phải lòng ai trong thị xã nầy chưa?Bà con ta ít khi nghe anh đặc vấn đề nầy.Hạo đâu phải cục gỗ,Hạo thèm ăn đồ chua, đồ mặn nhưng không nói thèm,không có thằng đàn ông nào trong cõi đời này mà nói không thèm ăn.Dzỗm!Sư cũng đòi ăn chớ người trần mắt tục.Có điều không nói ra thôi.Hạo nằm trong vị trí của nhà sư đấy.Nhiều khi thầm yêu ai mà đâu có nói nên lời,để dành đó chờ tối lửa,tắt đèn rồi hẳn hay. Đó là nét thay đổi của Hạo,so với thời tuổi trẻ anh là thứ chọc trời khuấy nước. Đâu có hiền,nhưng vì đời bắt anh phải hiền.Anh hiền để sống.Khôn thật!Hạo thường ví mình:- đời dạy đời,nghề dạy nghề.Cho nên Hạo tâm niệm “thương cha chớ chọc ăn mày”Nhờ vậy;sống trong cảnh khó mà Hạo vẫn tìm thấy hạnh phúc.
Hình minh họa
“Em yêu!Anh nóng ruột muốn gặp em;tại sao lại lánh mặt anh?Không lẽ từ buổi anh về nhà em, anh đã làm gì em buồn,rồi em giận anh?Anh cứ thắc mắc trong lòng hay em nghĩ anh phũ phàng em.Biết bao nhiêu lần hò hẹn,bao nhiêu lần mình nắm tay nhau, thề non hẹn biển, bao nhiêu lần trao nhau nụ hôn, chưa đủ để em cảm hoá tình yêu?Hay em còn nghi ngờ anh.Hơn một năm từ khi yêu em,anh cứ tưởng tình mình đã lâu lắm rồi, thì chắc hiểu nhau nhiều hơn để rồi chúng mình sẽ đi tới con đường hạnh phúc dài lâu;chắc em cũng như anh đều mong muốn như vậy.Thế thì;lý do gì em không cho anh gặp em.Xin em đừng buộc vào người anh cái án treo như thế.Khổ lắm!nếu đời anh không có em thì anh còn thiết gì hơn.Anh vẫn nhớ mãi hôm ở nhà em vào buổi chiều xế bóng,vắng mẹ; đó là một đánh dấu lớn lao nhất của anh.Anh biết em quá thương yêu anh mà phải xử thế như vậy.Sau đó em khóc.Anh hứng những hạt lệ đó vào tim anh.Giờ em hiểu anh chưa? Đọc thư nầy,em cho anh một cơ hội để gặp em.Yêu em mãi mãi.Nguyễn Phước Khải”.
Ngà cầm trong tay lá thư Khải gởi,nàng yêu Khải nhiều hơn,hơn bao giờ vì Khải vô tư,chưa hiểu rõ vai trò của người đàn bà,nhất là thiếu nữ như nàng.Ngà hiểu và nhận thức được điều đó,dù phụ nữ Âu hay Á, xưa hay nay,rừng rú hay đô thị,văn minh hay lạc hậu,hiền hay dữ,cái lằn biên đó không được vượt tuyến, nó nằm trong vị trí bảo thủ, được phong kín rủ là.Nếu sự cố xẩy ra ngoài ý muốn hay dự mưu thì người phụ nữ xem như phạm tội có thể”ném đá”như cái thuở xa xưa (?)thời nay hiện đại hơn có thể phục hồi lại được.Nhưng không ai đứng ra mà phán xét,buộc tội,ném đá:nên đem lòng vị tha ra mà đối đãi. Vì cả hai bên đều là những kẻ “nhúng-chàm”thì xem như đã vào đời...Ngà so sánh và xử lý được cảnh đời.Nhưng có sao đâu.Khải là người tình của mình thì làm chi phải xa mặt cách lòng.Nhưng sớm muộn Ngà phải nói cho mẹ biết.Ngà nghĩ chưa phải lúc này, sợ làm cho mẹ thêm ưu phiền,nàng đuổi quanh ý nghĩ đó suốt hai tuần nay từ khi lánh mặt không gặp Khải.Ngà bức rức giữa tình và hiếu,thần sắc nàng không còn linh động như trước đây,cười nói mất tự nhiên với bạn đồng song,ngay cả những khi trực diện với mẹ trong sinh hoạt hằng ngày.Bà Thìn tin tưởng ở Ngà là đứa con ngoan cho nên bà không nói những gì có tác hại đến tinh thần Ngà.Vẫn thương yêu,trìu mến như thuở nào,Ngà biết mình may mắn có được một người mẹ như thế.Bởi Ngà mất cha khi tuổi còn nhỏ,cho nên gần gủi với mẹ,và được mẹ bày khôn vẻ khéo.Vì thế không một mảy may gì xẩy ra mà Ngà giấu mẹ.Bản chất bà Thìn có lòng thương người và rộng lòng tha thứ.Bà thường hay ngóng con về sau buổi học.Ngà còn vài năm nữa là tốt nghiệp văn khoa.Nhưng từ khi quan hệ với Khải học lực của nàng có phần sút giảm.Ngà chậm rãi đẩy xe máy vào nhà thì nghe tiếng mẹ nói từ sau bếp vọng ra.
-Bửa ni sao về sớm rứa con?Bà Thìn nói.
-Dạ thưa mẹ chẳng còn gì để làm cho nên con về sớm.Ngà nói.
Ngà vào buồng,ngồi xuống ghế nhìn quanh buồng với tiếng thở dài,nàng lắng nghe những dư âm ngày cũ nhưng bây giờ đã bay xa.Ngà cần tiếng nói của Khải. Đứng dậy và lần mò xuống bếp phụ mẹ.Thấy gương mặt mẹ vui,chắc ngày nay mẹ thu nhập khá cho nên nấu nướng thêm nhiều món ăn. Đôi khi cái vui buồn bên nhau cũng giảm đi những phút giây căn thẳng và gần gủi bên nhau mẹ con bà Thìn không cảm thấy lẻ loi,vô vị.Trong bửa ăn hai mẹ con kể đủ loại chuyện,chuyện mưa nắng,chuyện xe cán chó,chó cán xe rồi ôm bụng cười nghiêng ngửa,không còn thấy là mẹ con.Cái thứ hạnh phúc đó cũng khó kiếm ở đời này.
-À;sao hơn hai tuần nay không thấy Khải đến chơi?Hay bận thi cử?.Bà Thìn hỏi.
-Dạ thưa mẹ,anh vẫn bình thường,chắc lúc nầy anh bận chuyện nhà.Anh cứ nhắc với con;bửa cơm hôm đầu tháng, mẹ nấu ngon.Anh nói;cơm miệt vườn còn ngon hơn cơm đô thị.Ngà nói
-Ồ!anh ta khéo khen,chớ đâu bằng người ta được hỡi con.Bà Thìn nói.
Trong lời qua,tiếng lại với con, bà Thìn thường hạ tiếng nói mỗi khi nhắc đến Khải.Bà tuyệt nhiên không lộ tỏ thái độ bất chính kiến của mình với Ngà và Khải.
Bà Thìn có cái nhìn xa về tương lai con mình,bà không sợ người ta đụng chạm đến nhân phẩm con bà,nhưng trong sự kết nghĩa dù dưới hình thức nào,người ta nhìn quá khứ,nhìn cái đạo đức làm người là chính,bà không có tham vọng để được vinh hoa.Bà muốn cuộc đời đến với con mình là nghĩa tình chớ không phải là nghĩa tận, phải bên nhau trọn đời dù dưới mái tranh nghèo mà hạnh phúc hơn phải sống đọa đày trong lầu son gác tiá.Bà Thìn sợ cảnh đó.Cho nên cái chung thủy của bà đối với phiá nhà chồng lúc nào cũng sắc son,nội ngoại qúi cái tấm bụng của bà là thế.Bà Thìn cười nói với con,nhìn vào tưởng bà vô tư,lạc quan.Không!bà đã điều nghiên và nhìn thấy được thực trạng của con người,trắng, đen như thế nào, bà định nghĩa một cách rõ ràng nhưng bà không nói đấy thôi. Đời nay con người là muôn mặt,từ to đầu đến nhỏ…đều thế cả; đâu còn nhân-nghĩa-lễ-trí-tín.Vì thế bà khôn khéo dạy con.
-Qua năm là con tới 27,28 rồi đó,mẹ nghĩ con ra trường là lập gia đình, đừng quá muộn.Mẹ đâu có sống hoài bên con để chăm sóc, để nâng niu.Mẹ gìn giữ ngôi nhà nầy do ba con để lại và nay được coi như ngôi từ đường của giòng họ,tiếc thay ba mẹ không có con trai,cho nên nhà nầy tương lai là của con.Mẹ trông cậy vào con.Bà Thìn nói.
Ngà lắng nghe lời mật ngọt của mẹ mà không khỏi bùi ngùi.Ngà cảm thấy như lời trăn trối của mẹ,nàng vụt òa khóc,nàng run run và hôn vào tay mẹ.
-Con xin nghe lời mẹ dạy.Con cũng muốn sắp xếp việc hôn nhân để mẹ vui.Con xin hứa.Ngà nói với tiếng sụt sùi.
-Thôi được;mẹ đi nghỉ vì mai còn nhiều việc phải làm.Bà Thìn nói.
Ngà gục đầu xuống bàn,tóc gục theo,để lại một không gian lạnh ngắt giữa lúc nầy,nàng muốn giải bày tâm sự,nhưng giải bày với ai?chỉ còn lại Khải là người duy nhất hiểu được tâm tư của nàng.Nghĩ tới đây,Ngà sợ những đổi thay bất ngờ,nàng nhắm nghiền đôi mắt để xoá những suy nghĩ hãi hùng,như đe dọa nàng.
Bên ngoài,trời đã đi vào đêm,thỉnh thoảng gió đầu xa ào tới xán vào cửa gây tiếng động mạnh,Ngà hoảng hồn, đứng dậy vuốt tóc và đi về phiá buồng ngủ.
Những đốm sao lung linh,có một vì sao lạc, xẹt ngang giữa lưng trời.Gió rít dữ dội.
Nhìn lại tình yêu của Khải và Ngà thấm thoát gần ba năm.Chóng thật!bảo sao không mau già.Cuối hè nầy Khải ra trương luật.Cái nghiệp nầy khó dụng võ nếu không có ai đở đầu, đưa đường dẫn lối thì có nước ngồi rung đùi;chẳng lẽ học xong ôm cái mảnh bằng ở nhà mẹ nuôi.Khải hiểu hoàn cảnh đó.Với lại phải có cái gì đã rồi mới tính hôn nhân với Ngà.Việc học của nàng không phải là cứu cánh cho chàng.Sở học như thế cũng đủ bản lĩnh để sống bên nhau.Khổ một điều lượng dân nơi đây không phải là mực độ lớn cho thương trường cạnh tranh,hay đầu mối của pháp lý,nghành nghề như Khải phải là nơi tranh giựt,nơi có nhiều cư dân thì mới dể kiếm ra tiền, đó là nhu cầu pháp lý.Khải muốn nhìn xa hơn để hoạt động nghề nghiệp, ngỏ hầu đem lại nhiều phúc lợi cho đời sống.Không biết sự thể có như ý muốn và thuận lợi cho Khải không.Bây giờ Khải mới thật sự biết lo cho thân mình,những năm tháng trước đây chàng vô tư và hồn nhiên như tuổi thơ, bởi người mẹ quá yêu con, cho nên bao che mọi điều và gần như bà Đào khống chế hết cả cuộc đời Khải.Tình yêu,bè bạn bà Đào kiểm soát chặt,bà không muốn Khải vướng vào những gì ngoài ý muốn của mình.Khải hiểu được tâm ý của mẹ cho nên tình yêu giữa Khải và Ngà bà Đào hoàn toàn không hay biết.Đào chỉ thấy Khải lo ăn học và chưa biết chi,dù rằng Khải đã gần tới tuổi 30. Đào thường khoe với bà con,bạn bè:-thằng Khải nhà tôi hiền lành,chăm học và ít nói như cha nó. Đào luôn luôn tự hào điều ao ước của mình.Nhưng bà đâu có thấy cái bên trong ít nói đó.Ở đời này anh nào ít nói chưa hẳn là hiền, đôi khi còn bạo hơn kẻ nói nhiều và còn nhiều trò độc đáo hơn cả người thường. Đào đâu có thấy bên trong của máy vi tính, Đào tưởng Khải học bằng vi tính; đàng hoàng thôi!Nhầm;chính cái đó đưa đến cái tò mò của lạ trong người Khải.Mà mấy ai hay?Chỉ mình Khải hay.Tình sống lâu bên nhau càng đậm nước, đậm như thuốc Bắc,thuốc Nam,cứ cô 4 chén lấy 1 chén là thuốc đúng lượng,chửa trị có hiệu quả.Khải thấm nhuần điều đó.Nhiều lúc Khải đã làm cho Ngà chặc lưỡi bất ngờ.Chàng ngồi tựa cửa sổ trên lầu hai nhìn xuống phố,tay cầm cốc cà phê sữa nóng, độc ẩm nghĩ về tương lai,nghĩ về Ngà,nghĩ về mẹ. Đó là ngã ba đường mà Khải đang đứng giữa trục lộ giao thông của ba tình huống khó xử.Cái xử lý khó nhất là đường tình,liệu mẹ có chấp thuận cho mình cưới Ngà làm vợ? Đang mơ màng. Điện thoại di động réo, đứng dậy, mở máy, đi thẳng vào buồng.
-Alô! À;em .Anh đến ngay.Khải nói.
Ngà ngồi một mình trong quán cà phê,với đôi mắt buồn,cứ dớn dác nhìn xuyên qua cửa kính,ngong ngóng đợi Khải.Cả nữa tiếng mà chưa thấy tới.Sao lạ thế?Nàng nghĩ
ngợi mông lung,nghĩ về mình,nghĩ về Khải,rồi lại lẫm bẩm trong miệng như người mất hồn,ly cà phê đã biến thành ly đá lạnh,Ngà chẳng buồn nhìn ai trong quán và cũng chẳng phải nghe tiếng nhạc,lúc nầy gần như mọi điều đối với nàng là khẩn trương,không còn gì thích thú cả.Thời gian như chậm lại.Khải vẫn chưa tới.Thường khi Ngà kiên nhẫn đợi chờ,không hề trách cứ,nhưng hôm nay nàng tỏ ra giận Khải.Giận lắm;gần cả tiếng đồng hồ.Thoạt nghĩ về cơn hờn dỗi thì thấy Khải dựng xe trước quán và vội vã đi vào với gương mặt không mấy vui,hình như chàng có vấn đề gi chăng?
-Có việc gì mà lâu thế anh?Ngà nói với giọng trách cứ.
-Anh có chút việc, giải quyết xong mới đến đây.Anh xin lỗi phải để em đợi.Khải nói.
Ngà cúi đầu không nói,gương mặt nàng buồn vời vợi.Khải chưa hiểu lý do gì mà sự tình ra như thế.E mẹ nàng có điều gì không tốt?hay việc học hành.Nếu thế thì Ngà nói ngay như mọi khi, đằng này nàng lãnh đạm,thờ ơ một cách tuyệt vọng.
-Nói anh nghe đi.Chuyện gì thế Ngà;thật tình anh không hiểu.Anh xin em.Khải nói.
Hai hàng nước mắt chảy chậm trên mặt nàng,tóc che kín khó mà nhận thấy.Nàng chần chờ để xem cái điều mình muốn nói có kích động cho Khải và ngay cả cho mình?Cuối cùng nàng nói.
-Em mất kinh nguyệt tháng nay.Em sợ quá!Sợ ảnh hưởng lớn cho hai đứa mình.Ngày mai em đi khám để biết kết quả.Ngà nói.
-Tháng nầy tháng mấy ?Anh quên hết.Khải nói.
-Cuối tháng 5 anh ạ.Ngà nói.
Cử chỉ và lời nói của Khải tỏ ra không mấy hào hứng khi được tin nầy,mà ngược lại như hung tin,nếu lọt tai mẹ Khải thì bao nhiêu kế hoạch vỡ cả.Biết ăn nói làm sao với đôi bên.Cuộc đời là thế;sau niềm vui là cái buồn đến,tiệc bắt đầu là hào nhoáng,thịnh soạn,nhưng khi ra về bàn tiệc là bãi chiến trường,chả mấy ai quan tâm.
Tình yêu có như thế không?Nó còn thê thảm hơn cả bàn tiệc.Biết thế mà sao đời vẫn săn đuổi.Giờ Khải thấy khổ.Không có nỗi khổ nào đau bằng khổ ái tình.
-Nếu sự việc như đã thế.Anh nghĩ sao?Ngà nói.
-Anh sẽ nói cho em hay.Giờ anh chưa biết kết quả như thế nào cả.Nhưng anh sẽ sắp xếp ổn cho chúng ta.Em bình tâm.Mọi việc rồi đâu sẽ vào đó.Khải nói.
Bây giờ Ngà thấy tươi lên.Ngà tin đây là trách nhiệm của Khải.Khải tính nhanh bài toán trong đầu và sẽ lập kế hoạch hành động.Khải tin vào lời nói của mình sẽ chinh phục được mọi người,dù bất cứ hoàn cảnh nào.Tình yêu nó có nhiều thể loại;khi yêu tình là trang giấy trắng, đến khi yêu rồi tình là gió cuốn và khi tình chín rồi là tình phiêu lưu.Khải,Ngà là giai đoạn ba của chén thuốc nấu cô,chỉ việc uống,dù đắng.
Cuối tháng sáu trường đại học luật tổ chức lễ mãn khoá và trao bằng tốt nghiệp, rất đông quan khách và phụ huynh đến dự.Ở hàng ghế đầu dành cho các vị khách qúi và một số nhân hào của chính quyền.Bà Mộng Đào trông lộng lẫy với chiếc áo dài cổ truyền,vàng bạc đeo đầy người,bà trang điểm vừa mắt cho nên cái tướng của bà ra dáng mệnh phụ,ở thành phố nầy hầu như ai cũng biết bà Mộng Đào;bà là mạnh thường quân cho một số hội đoàn và có thế lực, nhờ sự quan hệ buôn bán cũng như quan hệ với giới cửa quyền,bà mạnh vì bà có tiền;cho nên kỳ thi tuyển nào Khải cũng trót lọt.Chẳng phải âu lo hoặc trở ngại,bình tâm như vại.Thời nào cũng thế mới lạ chứ!Căn bệnh nầy hết thuốc chữa.Bệnh gia truyền thì còn lạ gì phải chữa.Tội cho đám dân đen,lúc nào cũng ăn sau,nằm dưới,họ an phận nhưng hạnh phúc; đó là cái giá họ phải đổi lấy mới có được.Cuối hàng ghế,Ngà ngồi một mình bất động.Khải đứng ở bục cao, dõi mắt tìm Ngà.Nhận ra rồi; Khải ngoảy đít đi vào hậu trường.Hình như Khải đau khổ vì sự hiện diện của mẹ và Ngà là hai đối tượng phản đề. Đây là buổi lễ quan trọng cho những người trúng tuyển,họ tranh nhau chụp hình lưu niệm cho nên việc đến đây để được vinh danh là niềm hãnh diện chung,cạnh đó cũng có một số người đến để se sua cái bề thế của mình.Khải phải đứng cạnh mẹ để chào đón những người bạn thân quen của mẹ và ôm nhau chụp hình lia chia.Phút sau; Khải ra khỏi vòng tay mẹ,lầm lủi tìm Ngà để chụp hình kỷ niệm.Kỷ niệm một cuộc tình…Nhưng Ngà không còn quanh đây.Nàng đã ra đi.Khải cảm thấy như ân hận điều gì.
Trên đường trở về nhà; Ngà nuốt nước mắt trong họng,nàng suy nghĩ; tại sao xung quanh Khải luôn luôn có hàng rào cản lối đi, điều đó Ngà biết từ những năm đầu yêu Khải và biết mẹ Khải không phải như mẹ mình.Cả hai bà cùng lớn lên một thời,cũng có con để yêu thương,nhưng mỗi bà mỗi chế độ yêu khác nhau,phát sinh từ đẳng cấp xã hội,từ thói lề hủ lậu và từ chỗ ít văn hóa mà ra.Dù dưới dạng thức nào, điều quan trọng là sống dưới một gia dình có lễ giáo, tất có tinh thần đạo đức,thì ít nhiều cũng hiểu được đạo làm người,nếu không từ nguồn đó ra,chắc chắn là loại thứ dân, dù nằm trong tháp ngà vẫn là thứ dân hạ lưu.Vì vậy có những cư xử khác nhau giữa đời.
Ngà đi thẳng vào nhà, nằm dài trên giường,mẹ nàng giờ nầy còn ở chợ,cho nên sinh khí trong nhà lắng xuống.Ngà mệt mỏi,buồn nôn và lịm dần trên giường ngủ.
Nắng bên ngoài đã xuống đầu mái, để lại những tia nắng yếu trên mấy tàu lá chuối trong vườn.Ngà ngủ say,xếp mình bán thân ,chỉ còn nghe tiếng thở dội trên lồng ngực nàng.
Cầm trong tay mảnh bằng cử nhân luật,Khải mân mê như đứa trẻ cầm kẹo,cái thú vị là người ta mua cho ăn.Khải biết sức lực mình.Thế nhưng cũng không phải vì thế mà lộng kính ngó chơi;uổng công chạy chọt!Nếu có việc làm thì hành xử thế nào với chức năng?Không khéo thằng tội phạm nó biện lý cho chính nó cũng không chừng.Cái xã hội đầy ắp những ông tú, ông cử như Khải e trở thành đống rát,thì đất nước nầy nhờ ai?Cái sở học ngày nay đi lần tới cái thất học.Vì vậy sinh ra chứng nói phét,nổ sảng,hoá thành căn bệnh thời đại.Khải ngồi suy tư đời mình,suy tư tình duyên của mình.Khải phải thuyết phục mẹ để cho mình cưới Ngà trước khi kiếm việc làm,tuy là nghịch với giòng đời,mẹ Khải có thể làm những gì Khải yêu cầu nhưng cái chuyện chấp nhận Khải cưới Ngà là chuyện vô tưởng của bà Mộng Đào.Mẹ Khải là người háo danh, đầy lòng tham, ích kỷ với cái nhìn thiển cận thì làm sao thỏa mãn ý Khải,dù rất yêu qúi con.Bà đã sắp xếp cuộc đời tương lai cho Khải rồi; nhưng chưa hành động đấy thôi.Khải hiểu ý mẹ, do đó không đặc vấn đề này với mẹ.Không cần Khải phải phân bua, Ngà thừa biết điều đó và chẳng thiết về làm dâu con nhà bà Mộng Đào. Đang suy nghĩ mông lung.Khải nghe tiếng gọi của mẹ dội vào buồng.
-Sau một ngày con nhận bằng tốt nghiệp mẹ đã liên lạc với chú Thể ở Sài gòn,chú sẽ tận tình giúp con làm việc mà nhu cầu công tác đó hiện nay đang cần.Chú Thể là bạn thâm tình của ba mẹ lâu nay,chú là dân có máu mặt ở đô thị lớn trong Nam.Mẹ nghĩ con vào đó thích hợp với môi trường hoạt động nghề nghiệp,ở đây tiếng ồ ạt đấy nhưng mà khó xuất quân.Nhất là nghành nghề của con.Con quyết định,thì cuối tuần nay đi ngay để nhận công tác.Mẹ Khải nói.
-Sao vội thế mẹ,con nghĩ ít nhất cũng qua tháng tới mới tính được việc làm ăn và cho con có thời gian để chuẩn bị tinh thần. Đi vào đó mọi bề đều xa lạ với con,cho nên con chưa hình dung ra được dữ kiện sẽ ra sao.Khải nói.
-Chú Thể lo mọi chuyện cho con,chỗ ăn,chỗ ở,việc làm một cách chu đáo.Mẹ tin tưởng con người của chú.Vì vậy con hãy xem chú như cha mình, đừng làm chú buồn.Không có gì mà con ngại núi,ngại sông.Chuẩn bị đi thôi; đừng để phải lỗi hẹn.Nghe mẹ đi rồi đời con sẽ sung sướng,hạnh phúc có điạ vị trong xã hội.Mẹ nói.
Ở cái thế chẳng đặng đừng;chống đề nghị của mẹ thì lấy gì để sống, mà bỏ đi như thế ăn nói làm sao với Ngà.Gia thế của Ngà rất đáng thương,tình yêu của Ngà đối với Khải quá đẹp, thì nở lòng nào,dù xa nhau một ngày.Khải nằm trong hoàn cảnh khó xử.Bỏ thì thương,sương thì nặng,nghĩa tình thật là khó giải.Khải ôm đầu mà thở vắng than dài.Tình người ngó thế mà khó trung dung,được cái nầy thì mất cái khác,cuộc đời không bao giờ thuận chiều;bóng tối với ánh sáng.thủy với hỏa,tốt với xấu những thứ đó là nghịch lý,là phản đề.Khải phải tìm lối thoát bây giờ.
-Tuần tới anh đi Sài Gòn nhận công tác.Anh không biết việc làm tiến trình ra sao và sẽ đi về đâu.Nếu ổn anh thu xếp đưa em vào ở với anh.Chúng mình sẽ có một mái ấm gia đình như thế không phiền hà tới ai.Khải nói.
- Em phải hỏi ý mẹ và xem mẹ có đồng ý cho em theo anh không.Ngà nói.
-Em cho anh biết sớm.Khải nói.
Hai kẻ nhìn nhau nhưng lòng buồn vô tận,vì cả hai đều nằm trong thế bí.
Trời chiều đầy mây xám kéo đến,gió mạnh thổi tung những hàng cây dọc bờ sông,chắc trời muốn mưa,khách đi đường đã thấy vội vàng,những hàng quán chợ chiều cũng thu xếp gọn để tránh cơn mưa dữ sắp đến.Tia chớp rạch bầu trời xám và sau đó vang lên tiếng sấm mạnh,người ta sợ những cơn thịnh nộ của thiên nhiên như lời đe dọa.Ngà sợ sấm động, ôm cứng lấy người Khải.Hai người khoát vai nhau đi về cuối đường,giữa lúc nầy họ như kẻ thất hồn thì ngại gì cơn mưa tới.
-Anh đưa em vào quán nước gần đây,trông em không được khoẻ. Đi nhanh thôi.Khải nói.
-Anh gọi cho em tách trà chanh nhé.Khải nói.
Ngà ngồi xuống ghế trông dáng tuyệt vọng,dưới mắt Ngà là sụp đổ dù có đứng dậy, đứng dậy của người nhiễm bịnh,nàng mất hẳn sinh khí sống.Ngà suy nghĩ;nếu cuộc đời là bình thường thì việc cưới hỏi ở lúc nầy là bình thường.Ngà không thể chấp nhận một cuộc hôn nhân chạy trốn như kẻ cướp giựt.Thật là vô lý!Chắc chắn mẹ Ngà tự ái lắm và mất mặt với bà con,xóm giềng;bỗng nhiên người ta tha con mình đi như mèo tha con,không một lời thưa trình với chén rượu hay đôi lời giả từ ra đi.Vô duyên thật!Đó là suy nghĩ thầm kín của Ngà.
-Em muốn về thôi anh.Em mệt quá!Em sẽ cho anh hay, dự tính mà anh đã bày tỏ với em hôm nay.Ngà nói.
-Trời sắp mưa.Em nán lại đây với anh,tạnh cơn mưa chúng mình cùng về.Khải nói.
Hai đứa nhìn nhau mà không nói,mưa bắt đầu rải xuống đường, nặng hạt,gió,mưa tung hoành đổ xuống đây, ước chừng như muốn vùi dập quán cà phê để gió cuốn đi.Ngà khoanh tay,run cầm cập,mặt tái xanh,nàng muốn oẹ cho nhẹ cơn đau.Ngà gục xuống bàn,thở dốc từng chặng.
-Em buồn nôn?Anh đưa em vào phòng vệ sinh nhé!Khải nói.
-Em nghỉ khoẻ, chốc lát sẽ qua thôi.Ngà nói.
Khải bỏ chỗ ngồi, ôm vào nàng để truyền hơi ấm.Thuở trước mà có được cảnh nầy là cảnh hạnh phúc của tình yêu,có nói trăng,nói cuội đều được xem là lời tình.Trong giờ phút nầy,tình thế nầy, chả ai buồn nói mà có nói chăng cũng chẳng giải quyết được gì.Chi bằng ngồi nghe mưa,may ra mưa giải hoá được đôi điều.
Mưa dữ nhưng lại mau dứt,bầu trời hén sáng,phố phường lên tiếng động,còi xe đua nhau ré,thúc đẩy vì mưa đã làm lở chuyến ngược xuôi của họ.
Sài Gòn đúng là thành phố xô bồ,nhìn lượng xe đuổi nhau cũng nhận ra được sự bon chen,háo hức của tầng lớp dân đô thị,thời gian không dừng lại,những trục tuyến ngày đêm như mạng nhện,giăng khắp phố phường,không rảnh tay để được nghỉ ngơi.
Chưa tới 7 giờ Khải đã dậy,lạ chỗ,lạ không khí,lại thêm tiếng xe bên ngoài đánh thức giấc ngủ của Khải.Chàng ngồi độc ẩm,chén trà hoa lài không còn quyện hương thơm nữa,lạt nhách!Chàng đâu còn nhàn nhả để thưởng thức ngon dở.Vúi như tơ vò.Khổ tới nơi rồi.Khi xưa ở nơi chốn quen thuộc,bình yên,gặp ai cũng thưa với bẩm.Giờ đây chủ mặc chủ,tớ mặc tớ.Họ đang bận chạy theo tiền tài và danh vọng.Hơi sức đâu mà chào với hỏi.Quá ngán!Khải thấy cảnh đời không còn lý tưởng hay chính mình đánh mất lý tưởng.Khải ném suy nghĩ đó sang một bên và trở về với thực tại.Vào buồng tắm; dội một cái cho khoẻ rồi tính chuyện đi quan hệ.Sống lẻ loi như thế làm Khải muốn điên lên.Ngày còn bên mẹ,bên người yêu,Khải tợ như con chim muốn bay,muốn đậu tùy thích.Giờ đây có khác chi thằng tù. Ăn vội tô hủ tiếu với ly cà phê sữa sáng nay.Nhanh chân phóng xe máy đến gặp một vài nhân vật quan trọng. Đầu tiên là ông chú mà mẹ bảo xem như cha. Đồng hồ đã điểm 8 giờ.Khải đứng trước cửa phòng giám đốc, bụm tay gõ khẽ lên cửa.Khải nghe tiếng nói từ bên trong.
-Mời vào.Giám đốc nói.
-Cháu chào chú.Khải nói.
-Khải đây phải không?Mẹ khoẻ không?Giám đốc nói.
Lần đầu xáp mặt với Huỳnh Thể.Khải chới với.Mỗi khi mẹ nói đến chú Thể,Khải cứ nghĩ là một con người hào hoa phong nhã,tốt bụng,một người vui tính, cởi mở.Nay nhìn tận mắt, Khải mới thấy mẹ mình quá suy tôn”thần tượng”chú Thể như thế.
Gương mặt Thể trầm lặng, tiết kiệm lời nói,thỉnh thoảng mỉm nụ cười lạc,hình vóc Thể ốm cao,mặt vau lại,chỉ có bộ lông mày rậm tướng là nổi bậc trên mặt.Trong câu chuyện ,phát ngôn như có tính ra lệnh,nếu ai làm phật ý thì tự ái dâng trào và tỏ ra thù ghét ngay.Một loại người như thế phải cẩn trọng lời ăn tiếng nói.Khải thông minh nhận ra được điều đó.Nhưng có sao đâu! Đã vào hang cọp thì phải bắt cho được cọp.Không nhẽ bỏ về.Khải rơi vào cái thế nghẹt thở.
-Hôm nay tôi bận đi họp.Ngày mai cũng giờ nầy đến gặp chú.Chỗ ở thế nào?Thể nói.
Khải dạ lấy lệ chứ thực lòng cũng không muốn nán lại nơi đây và cũng không muốn đối chất với”ông chú”lắm luật lệ.Khải đẩy cửa,bước ra ngoài.Giờ tan tầm trưa,nhân viên các cơ quan gần đó toả ra như ong vỡ tổ,huyên náo ,nhanh chân tìm cơm ăn dọc bên đường.Họ ăn uống nhanh không phải trễ giờ làm mà nhanh vì đói,nói là đói cho gọn từ ngữ,chớ 8 giờ làm,nhưng thực ra còn phải cà phê,thuốc lá,ba dẽm dăm ba điều gần cả tiếng đồng hồ,loay hoay thì tới giờ trưa.Chủ tớ đều thế cả; mà mỗi tháng báo cáo đều tốt hết.Khải bị cuốn theo làn sóng kiếm cơm trưa.Thôi; họ làm được mình làm được,không nhẽ cà-vạt,vét-tôn mà ngồi đường xơi cơm chung với đám ăn xin.Khải phải hoà đồng mới đuổi kịp văn minh đô thị.Thời thế phải thế thời.
Nhanh quá đi thôi!mới đó mà cả năm Khải sống và làm việc ở Sài Gòn.Đôi khi ngồi ngả lưng trên ghế xoay, đội tay trên đầu, nhớ về Ngà,nhớ những con đường tình đã đi qua mà thấy nhớ thương người yêu. Nhưng rồi lại thôi; bởi công việc bề bộn,trên bàn giấy đầy ấp giấy tờ chưa giải quyết hết,chưa kể những lúc chạy riêng,thì giờ đâu nữa mà thư với từ. Đêm nào cũng về nhà gần nửa đêm,bên nầy hẹn,bên nọ mời nhậu suốt, đâu có ăn cơm nhà.Khải bận tú-rua cho nên chóng quên,ngoài ra Khải còn thù tiếp với nhiều mỹ nhân trong tiệc mời. Đang ngáp thì điện thoại bàn reo,Khải khiếp!
-Có mấy hợp đồng ký bên xuất khẩu tiến tới đâu rồi anh Khải.Giám đốc công ty Ngoại thương nói.
-Dạ thưa giám đốc việc đang tiến trình cả hai bên.Hợp đồng này đem lại cho cơ quan nhiều lợi nhuận.Mình chỉ xuống bút một cái là đạt yêu cầu ngay.Khải nói.
Giám đốc nghe Khải báo cáo sơ lược thấy đúng ý cười lớn, đứng dậy lấy ly rót rượu ngoại mời Khải uống.Cả hai cụng ly cười nói hả hê.
-Anh vừa mới nhận công tác chưa tới năm mà thành thạo hơn cả người làm năm mười năm.Anh Thể tìm đúng đối tượng,chọn mặt gởi vàng.Giám đốc nói.
-Dạ thưa giám đốc mọi sự khởi đầu nan.Tất cả là chiêu độc chú Thể tôi truyền bí,chớ thưa giám đốc có chi mà thành thạo.Khải nói.
-Ui chà!một cái thưa giám đốc,hai cái thưa giám đốc, mất hết tình nghĩa.Cứ gọi là bác như xưa nay là đẹp. À;mời Khải chiều nay đi ăn nhà hàng với gia đình tôi nhé.Trung Kiên nói.
Giám đốc Ngoại thương tục danh là Lê Ngưỡng,nhưng từ khi trèo lên ghế giám đốc thường được gọi là anh Hai giám đốc,hay gọi là anh Trung Kiên.Gọi Ngưỡng chỉ có
vợ là Liễu gọi mỗi khi trao tình ở phòng the.Ngưỡng và Liễu gốc Quảng Bình được chuyển vào Nam sau ngày giải phóng, đã đi qua nhiều đơn vị khác nhau, cuối cùng về đây gần 10 năm và đóng chốt luôn,bạn đồng niên với Ngưỡng giờ làm lớn cả.Nhìn lại tấm hình chụp hồi mới vào đây, đôi Ngưỡng Liễu là hai bộ xương cá khô,giờ khác hẳn,béo bổ ra phết,tiếp cận với khách nước ngoài cho nên ra Tây hơn ra Việt.
Hoàn giờ đây tròn một năm.Còn ít hôm là ăn mừng sinh nhật cháu ngoại của bà Thìn.Ngà và Thìn dồn tài lực vào buổi lễ hôm đó.Có đông bà con nội ngoại và một số bạn bè, xóm giềng được mời.Cho nên bà Thìn lo sắp xếp thật chu đáo để vơi đi tiếng thị phi vì bà không muốn nghe ai nhắc đến việc tình phụ con mình,tuy nhiên bà cũng mừng thầm là con gái mình không rơi vào tay ngạ qủi.Ngà và mẹ quyết tâm giáo dục Hoàn trở nên người tốt,có nhân tâm. Đó là niềm tin yêu của hai mẹ con bà Thìn.Hơn cả năm qua,Ngà đoạn tuyệt hẳn cái quá khứ bi thảm đó,xoá mờ cái tình yêu vụng dại của tuổi trưởng thành.Ngà nhận thức và lớn dần trong tư tưởng.
-Chắc mẹ phải nhờ Hạo giúp sắp xếp và trình thiết cửa nhà trong ngày sinh nhật cháu Hoàn.Chứ mẹ con mình đâu có tay làm mấy việc nầy,với nhờ anh đi mượn thêm ít ghế ngồi.Con nghĩ sao?Bà Thìn nói.
-Sợ phiền anh không mẹ.Ngà nói.
Từ khi Ngà mang cái thai “vô thừa nhận”với con trai bà Mộng Đào,ai lại không biết việc nầy, đương nhiên Mộng Đào quá thừa biết từ khi mới rạng ra.Mẹ Khải không phải là tay mơ, đầy mưu lược.Ngà ôm nỗi đau đó vào người và coi như số phận đã định, có cưỡng cũng không được.Một phần lỗi lầm có mình trong đó, cho nên Ngà không lấy làm ân hận,chỉ ân hận làm cho mẹ buồn, đó là tội lỗi.Thế thôi.Nàng quyết tâm chọn lựa cuộc đời còn lại cho mình.Ngà kiếm được việc khi nàng đã mang thai 3 tháng,Ngà dạy ở trường phổ thông cấp một huyện,sớm đi chiều về cho tới khi nghỉ đẻ.Cu Hoàn giống Khải như hai giọt nước.Ngà cảm thấy hạnh phúc có được đứa con trai,bà Thìn cũng thế, có cháu ngoại trai để bồng bế, đó là ao ước của bà Thìn,nay có cháu trai ở với bà là xem như mộng trở thành thực.
Suốt cả thời gian dài,Hạo sống cô độc như thế,cũng chẳng thấy gái trai gì cả. Đố ai mà biết được thâm ý của Hạo.Nghe tin đồn Ngà chửa hoang,Hạo như trên trời rớt xuống đất,ngất ngư.Cứ nhủ thầm “để coi” và Hạo để coi cho tới bây giờ.Hạo sốt sắng mỗi khi bà Thìn cậy giúp điều gì.Mỗi lần đến làm gì cho bà Thìn,Hạo đưa mắt nhìn trộm Ngà,rồi nghoảnh lưng đi xa.Nhưng lại thích chăm sóc Hoàn,bồng bế,hôn hít có nhiều khi bế đi khắp cả khu phố;khác gì cha con.Vắng Hạo,cu Hoàn lại nhớ. Đòi gặp bác Hạo cho bằng được.Bà Thìn chìu cháu và bế tới giao cho Hạo.
Hạo thường bế cu Hoàn chờ mẹ từ trường về.Hai mẹ con vui mừng khi gặp nhau.Ngà quên đi Hạo đứng cạnh. Điềm nhiên bế con đi về nhà,sực nhớ ra Hạo,Ngà ngoảnh cổ nhìn Hạo với lời cám ơn.Cu Hoàn vói miệng gọi tên Hạo trong tiếng nói ấp ớ.
-Con bước ra đó gọi anh Hạo vào đây cho mẹ nhờ.Bà Thìn nói.
-Có việc gì mà khẩn trương thế mẹ.Ngà hỏi.
-À; thì cứ gọi.Cả buổi nay anh giữ thằng nhỏ suốt, đâu có làm ăn gì.Có thế mẹ mới bán được buổi chợ.Tội người ta.Nói nhờ chớ kêu anh vào để ăn cơm với gia đình mình cho vui rứa mà.Bà Thìn nói.
Chờ nước sôi,luộc bó rau muống,bà Thìn nghĩ đến Hạo,thương Hạo vừa mất mẹ mấy tháng qua.Nay lủi thủi một mình,nghĩ mà động lòng.Ở đời này mấy người nghèo thường gặp khổ,nghèo gặp eo.Thế rồi ôm bụng mà chịu.Hạo cũng có chữ nghĩa thời trước,ra đời cũng vinh hoa lắm,nhưng sanh không nhầm thời cho nên khổ,thêm tuổi lớn,lý lịch không sạch,bị vướng thì kiếm đâu cho hợp với khả năng để làm. Đành lòng làm cu-ly xe kéo để kiếm cơm nuôi thân.Hoàn cảnh như thế Hạo biết phận mình mà không nghĩ đến hôn nhân.Nhiều lần bà Thìn kể tiểu sử Hạo cho Ngà nghe.Nhưng không làm cho Ngà đoái tưởng mà cho chuyện thường tình có sao đâu.Ngà sinh sau đẻ muộn đâu có hiểu thấu đáo tình người.Ngà lớn lên trong một xã hội đổi mới cho nên đâu có thấy phiá sau lưng cuộc đời.Thời gian sẽ làm mờ tất cả,chỉ có tiếng thơm muôn thuở mà thôi.Thế nhưng đời vẫn đuổi theo như con ngựa đuổi theo củ cà-rốt.
Cúc Anh ngồi trước đài gương,xem mái tóc vừa mới nhuộm màu vàng ngô,nàng muốn làm sao cho giống Tây thôi. Đưa mấy ngón tay lên xem,móng sơn đen,móng sơn đỏ vừa làm ở tiệm móng hôm qua.Coi bộ đắc ý,ngắm tới,ngắm lui rồi mỉm cười trong gương.Quần là áo lượt suốt ngày,chả mấy đụng tay vào việc nhà.Từ ngày là vợ Khải,chưa một lần Cúc Anh ra thăm quê chồng hay ra mắt với bà con nội ngoại hoặc về thăm quê của đấng sanh thành.Chả hiểu lý do gì;mỗi lần Khải đưa đề nghị về quê là khăng khăng không muốn đi,nhưng nói đi nhảy đầm, đi du lịch là đi ngay.Về mặt tình cảm giữa đôi vợ chồng nầy hình như nghịch số và khắc khẩu,thường bất đồng ý kiến đưa tới chuyện bất hòa.Biết thế;nhưng Khải kêu ai bây giờ.Từ chỗ sợ đụng chạm với Cúc Anh,chàng biến ra lãnh cảm. Gả Cúc Anh cho Khải,vợ chồng Trung Kiên xem như hết trách nhiệm.Ngưỡng ngao ngán với đứa con gái đầu lòng,chị cả mà hư đốn,không gương mẫu cho đám em.May mà ép thằng Khải lấy làm vợ,không thì đứng đường.Khải gánh cục nợ cho giám đốc Trung Kiên, cũng vì kẹt cứng nhiều thứ trong nghề nghiệp.Mộng Đào thấy cái cảnh sống của con dâu rồi đó.Bà nghiến răng chịu trận,chớ có ai vô đó mà trách với hờn.Giờ có thương Khải cũng không đem Khải về được.Khải không còn dưới quyền lực của người mẹ.Mộng Đào biết điều đó.Bà ngậm bồ hòn.Thăm con đâu có một ngày,hôm sau đáp máy bay trở về,mang theo nỗi tuyệt vọng của cuộc đời.Trời không chiều lòng bà.Quá nhiều rồi!
Khải và Cúc Anh như hai thái cực,mấy khi chia xẻ tình cảm nồng nàn;có làm tình chăng cũng là làm bất đắc dĩ,sướng sung gì mà tình với tứ.Trước tình cảnh đó Khải nhớ về Ngà.Ngà sao dịu dàng,nết na,việc nhỏ,việc lớn đều làm được,không hề từ nan, âu yếm vỗ về Khải,chăm sóc từng chi tiết có đâu như Cúc Anh.Khải nghĩ tới tình xưa và nhìn tình nay mà ngao ngán cho cuộc tình.Cúc Anh chỉ biết có mình,chẳng biết làm vợ và cũng chẳng biết làm dâu con.Cúc Anh sinh chứng từ khi bác sĩ thử nghiệm và cho biết là không có con; vì thế Cúc Anh bất cần đời, ăn chơi quên ngày mai.Gặp phải mẹ quá thương con, nên có được chút nào của Ngưỡng kiếm được thì lại chuồi vào tay Cúc Anh.Nàng khoái disco và ánh đèn màu.
-Nè con! cất lấy và dành dụm cho tương lai. Đừng hoang phí.Mẹ biết con tri kỷ lắm,có thế cũng đở phần nào cho thằng Khải.Lúc nầy trông anh ta gầy và lo lắng công ăn việc làm.Con hãy bồi dưỡng cho Khải.Bà Liễu nói.
-Ồ!mẹ khéo lo.Anh thiếu gì thức ăn mà bồi dưỡng.Có thứ mời ông, ông lại chê.Anh cho là là xài không đúng chổ.Cúc Anh nói.
Bà Trung Kiên thả câu nói chậm rãi đến với Cúc Anh rồi lặng lẽ đẩy cửa ra về.Ngoài đường đã vào tối,quẹt trong mắt Liễu những đốm sáng chói,tạo một thứ ảo giác lung linh khó chịu.Liễu nhắm mắt lại và nhìn lui quảng đời mình đã đi qua với Ngưỡng.Liễu đâu có làm ăn gì,thế mà không chăm nổi bầy con,hư cả đám;cha mẹ chạy theo đời,con cũng chạy theo luôn.Chỉ mình Trung Kiên làm là quá thừa, luơng hướng của Trung Kiên đủ để chi vào cái khoản vặt.Trung Kiên nhiều mánh lắm.Sợ gì?Cho nên vợ con Trung Kiên phè cánh nhạn.
-Dạ thưa bà về thẳng nhà hay bà muốn ghé nơi đâu?Người tài xế nói.
-Về thôi!Tôi mệt lắm.Bà Trung Kiên nói.
Cổng sắt mở.Chiếc Mercedes ML500 nằm khiêm tốn như con chó ngoan giử nhà trước sân biệt thự tráng lệ.Trên lầu hai, đèn buồng ngủ bực sáng,nghe tiếng ca cải lương đổ xuống đường giữa đêm hôm của thành phố hoa lệ nầy.
Ôi!trời ơi;sao lắm thứ trong cuộc đời này thế. Bao phủ cả một khung trời thịnh trị cho một đất nước phồn vinh và giàu mạnh(!).
Nhà bà Thìn đèn,hoa rực rỡ.Căn giữa nhà tiền đường mở rộng cửa.Cu Hoàn mặc áo quần mới,giày dép đàng hoàng, đứng loanh quanh bên cạnh bà ngoại.Dưới hiên sau bà con nội ngoại,bạn bè bà Thìn loay hoay ba cái món trầu rượu.Trong buồng chị em bạn phụ tay trang điểm cô dâu,sửa lại khăn vành trên đầu cho được ngay, áo rộng tay màu đỏ,kiền vàng,hoa tai,móng tay,móng chân phết sơn đỏ,cổ quàng thêm khăn choàng màu mở gà,nhìn toàn thể từ đầu tới chân cho một nàng dâu vùng ngoại ô như thế là đầy đủ lắm rồi.Môi hồng,má phấn ,rảy lên tóc mấy giọt nước hoa nội hoá,phản mùi hoa bưởi,ngần ấy đủ lôi cuốn với hai họ.Nhìn quanh chỉ có mình Ngà là lộng lẫy.Nàng mỉm cười tự mãn.Xong!Mọi sự như đã rồi.
-Nè;chị em ơi,giờ nạp lễ sắp đến rồi đó.Chuẩn bị để rước dâu.Bạn đồng nghiệp nói.
Ngoài ngõ;cánh nhà trai đang chờ giờ tốt mới xin nạp lễ.Có lọng,có đèn đề huề. Đám nhà trai chả có bao nhiêu,hầu hết mấy hương chức lớn tuổi;trao đổi, dặn dò chú rể.Hạo khăn đóng, áo tứ thân dệt bằng gấm nội hoá, trông Hạo uy nghi như một quan trường thuở xưa.Chàng ngóng cổ nhìn vào trong,nôn được thấy vợ mình.
-Tới giờ nạp lễ,rước dâu rồi đó.Cụ già nói.
Dẫn đầu mâm cau trầu rượu tiến vào ,ngang qua cổng đan lá và bẹ dừa,có dán chữ vu qui,giấy vàng lóng lánh ngũ sắc,đầy đủ hoa lá cành với hai chữ lớn Trần-Nguyễn,ngoằn ngoèo như rồng bay phượng múa.Thiết kế nầy do anh em chở mướn ra sức trình bày cho Hạo.
Nói cho ra lễ nghi,chớ xong đâu vào đó Hạo về dưới mái nhà bà Thìn,bên cạnh có Ngà và cu Hoàn.Hoàn bây giờ được 2 tuổi,mẹ và bà ngoại dạy rằng:- Ba của Hoàn đấy!Nhớ nhé! Hạo hân hoan đón nhận tình yêu nầy như là mối tình đầu của đời chàng.Ngà âu yếm ôm Hạo vào lòng với nước mắt lưng tròng.Hạo và Ngà đã vượt qua bao thử thách,giờ mới tìm thấy được cái chân lý của hạnh phúc.
Bà Thìn đứng trong bếp nhìn ra ngoài với nụ cười mãn nguyện.Bà có cảm giác như sống lại những ngày xưa thân ái, tràn đầy tình người như bà đã mong đợi từ lâu.
Mười lăm năm sau,vào một buổi sáng mùa xuân.Dưới cơn mưa phùn của xứ Huế.Người ta thấy một người đàn ông đứng tuổi,tóc hoa râm xuống xe,búng dù,cúi đầu đi chậm rãi về hướng thôn Đầm Rau để tìm lại những gì đã sống và đã mất. Ông đứng tần ngần khá lâu trước một ngôi nhà cũ.Căn nhà nầy đã gieo hạt giống mới mà ông đã bỏ quên. Ông chỉ muốn được nhìn thôi.Thấy hai người đàn ông,một già một trẻ tiến về phiá người đàn ông cầm dù đang đứng chờ chuyến xe đò về phố.
-Xin lỗi ông;chắc ông ở đây? Ông có biết nhà bà Thìn còn ở đây không?Người đàn ông cầm dù nói.
-Bà ngoại tôi.Bà mất được mấy năm rồi.Cậu con trai chừng 15 tuổi nói.
-Ông quen bà?Người cha đứa nhỏ nói.
Xe đến; cả ba cùng lên xe,họ ngồi gần bên nhau trong cùng một dãy ghế.Người đàn ông cầm dù liếc mắt nhìn cậu trai mỉm nụ cười hiền hậu. Đứa trẻ đưa mắt nhìn qua cửa sổ xe và dõi mắt theo bóng chạy thụt lùi của hàng cây bên đường.
Trời hết mưa bay và vén lên ngọn nắng xuân,phản phất hương trầm đâu đây của một cố đô trầm mặc nầy ./.
Kim Kỳ st