Diary Travel Xuyên Việt Trip # 13

Diary Travel Xuyên Việt Trip # 13

*** Nam Mai ***

Quảng Bình Quan - Động Thiên Đường (Quảng Bình) - Sông Bến Hải-Cầu Hiền Lương -Thánh Địa La Vang (Quảng Trị):

Chủ Nhật ngày 15 tháng 1 năm 2017

Trước khi kể tiếp chuyện, N xin được nhắc lại chuyện đã xảy ra trong HTXV #12 vừa qua, là sau 1 ngày trời mòn mỏi ngồi đợi chờ chuyến bay tại phi trường Nội Bài, Hà Nội từ lúc sáng sớm cho đến gần chiều tối.... cuối cùng thì 4 bà của Group 4 cũng leo lên được máy bay vào buổi chiều lúc 4:07 pm để bay đến Thành Phố Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình, và đã đến đây vào lúc trời chập choạng hoàng hôn.

Quảng Bình là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Quảng Bình nằm ở nơi hẹp nhất theo chiều Đông-Tây của dãy đất thân yêu hình chữ S của Việt Nam mình (50 km theo đường ngắn nhất tính từ biên giới Lào ra biển Đông).

Dãy đất Quảng Bình như một bức tranh hoành tráng, có rừng, có biển với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thắng cảnh nổi tiếng như: đèo Ngang, đèo Lý Hoà, cửa biển Nhật Lệ, phá Hạc Hải, Cổng Trời… và với Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003.

Quảng Bình không chỉ có những hang động đẹp nổi tiếng, Quảng Bình còn có những di tích lịch sử đã đi vào sử sách Việt Nam, mà Quảng Bình Quan là một minh chứng. Quảng Bình Quan là một kiến trúc thời Nguyễn, đầu tiên được đắp bằng đất vào năm 1631, là hệ thống thành lủy cổ được xây dựng để bảo vệ kinh đô cổ. Quảng Bình Quan được xây dựng năm 1639 từ thời Chúa Nguyễn. Năm 1825, vua Minh Mạng đã cho trùng tu Quảng Bình Quan và nâng cao thêm tầng tháp canh bằng loại gạch nung kiên cố. Quảng Bình Quan là một trong những thành lũy kiên cố, và trọng yếu hàng đầu của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Tối qua sau khi check in vào khách sạn, cậu Quang Tour Guide đã nhắc các cô rằng ngày mai phải dậy sớm, để lên đường thật sớm vì chương trình ngày thứ bảy (ngày trễ máy bay) sẽ phải dồn hết vào với chương trình ngày hôm nay (chủ nhật). Vì thế mới có 7:35 am, mọi người đã ngồi đâu vào đó cả trên xe để sẳn sàng lên đường rồi. Như thế có nghĩa là các cô phải dậy từ 4, 5 giờ sáng thu dọn hành lý, check out, chờ phòng ăn mở cửa là nhào vào ăn sáng một cách vội vàng đấy các bác. Và theo chương trình hôm nay thì tại Đồng Hới, chúng tôi chỉ có đủ giờ ghé thăm Quảng Bình Quan trước khi rời thành phố này để đến Vườn Quốc Gia Phong Nha-Kẻ Bàng xem Động Thiên Đường mà thôi.

Hình chụp tại bờ sông Nhật Lệ (phía trước Saigon Quảng Bình Hotel, nơi Group 4 đã ở lại tối qua)

Trên đường tới Quảng Bình Quan, chúng tôi có đi ngang qua chợ Đồng Hới để nhìn cho biết .....

Quảng Bình Quan (di tích cổ xưa từ 300 năm trước) được nhìn từ xa

Quảng Bình Quan (dân gian gọi là cổng Hạ) - một biểu tượng đặc trưng của thành phố Đồng Hới hiện nay - là công trình kiến trúc cổ, là một cổng áng ngữ trên đường thiên lý Bắc Nam, có từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, là một trong ba cửa ải của hệ thống lũy thầy do Ngài Đào Duy Từ hiến kế và chỉ huy xây đắp vào năm 1631. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) công trình này được xây lại bằng gạch đá, năm 1961 cũng được tu sửa lại. Hiện nay, Quảng Bình Quan đã được phục chế lại như nguyên bản cách đây hơn ba thế kỷ. Du khách ra Bắc vào Nam, sẽ được chiêm ngưỡng Quảng Bình Quan, một di tích kiến trúc có giá trị lịch sử và nghệ thuật, biểu tượng đặc trưng về văn hóa của tỉnh Quảng Bình.

Sáng nay khi lên đường, trời cũng hơi lâm râm mưa, vì vậy chúng tôi chỉ ghé tại Quảng Bình Quan khoảng 10 phút để được tận mắt ngắm nhìn những di tích lịch sử từ hơn 300 năm trước của người xưa để lại, rồi chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. Sau đó là lên đường tới Động Thiên Đường. Hang Thiên Đường là một động tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Đồng Hới 60 km về phía tây bắc. Hang động này nằm trong khu rừng phục hồi sinh thái, thuộc vùng lõi núi đá vôi của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Những hình ảnh chụp trên đường đi trước khi đến Động Thiên Đường

Có đi rồi mới thấy đất nước ta thật là vô cùng xinh đẹp, trù phú ..... giang sơn gấm vóc này do Ông Cha ta đã đổ máu để vun bồi, xây dựng từ ngàn năm nay ..... giờ này liệu con cháu có gìn giử được không đây ?????

Hang Thiên Đường được phát hiện năm 2005, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh bắt đầu khám phá từ năm 2005-2010. Vào năm 2010 họ công bố hang này có tổng chiều dài là 31,4 km, chiều rộng dao động từ 30 đến 100m, nơi rộng nhất lên đến 150m; chiều cao từ đáy động lên đến trần động khoảng 60-80m, được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đánh giá là hang động khô dài nhất Châu Á, là một trong những hang động kỳ vĩ nhất mà Đoàn đã từng khảo sát nhiều hang động trên thế giới được nhìn thấy. Hang Thiên Đường là một động khô, không có sông ngầm chảy qua như động Phong Nha, theo đánh giá của Hiệp hội Nghiên cứu hang động Anh Quốc, hang động Thiên Đường còn to lớn và đẹp hơn cả động Phong Nha. Phần lớn nền đất trong động này là đất dẻo, khá bằng phẳng nên sẽ thuận tiện cho việc tham quan và thám hiểm. Nhiệt độ bên trong hang Thiên Đường luôn chênh lệch so với bên ngoài khoảng 16 °C. Động Thiên đường có cấu trúc kỳ vĩ, tráng lệ và huyền ảo, ngoài ra vẻ đẹp cực kỳ của những nhũ đá và măng đá trong hang khiến cho những người khám phá hang động liên tưởng về một thiên cung nơi trần thế, nên họ đã đặt tên hang này là Thiên Đường. So với Động Phong Nha thì thạch nhũ ở động Thiên Ðường có nhiều hình thù hơn, nhiệt độ trong hang luôn ở 20-21 độ C. Chỉ ngồi trước cửa động thôi cũng đã cảm nhận được từng luồng hơi mát từ dưới động thổi ngược lên, phả vào da thịt trong cái nắng 36-37 độ C ngoài trời.

Để dễ dàng cho du khách có thễ vào tham quan hang động này, Hang Thiên Đường đã được cho xây dựng đường đi nối vào cửa động, sau đó những bậc thang và đường đi vào bên trong hang động đã được xây với chiều dài khoảng 1,1 km và đã bắt đầu đón du khách vào xem từ ngày 3 tháng 9 năm 2010.

Khoảng 8:30 am, thì chúng tôi đến tới khu vực đón du khách vào thăm Động Thiên Đường. Sau khi Cậu Quang mua vé xong thì mọi người thay vì bị đi bộ (khoảng 1,6 km đường) thì chúng tôi được ngồi trên xe Golf, để xe này sẽ chở chúng tôi lên tới tận chân đồi.

Hà hà, đến tới chân đồi, sau khi xuống khỏi xe Golf, và để vào được bên trong Động thì .... bạn sẽ phải lựa chọn hoặc là leo 524 "bậc thang đá" hay là leo khoảng 570 mét "đường bằng" để lên được đến cửa Động! Suy nghĩ đến chuyện bắt hai cái đầu gối đã lỏng lẻo của mình "nhấp nhô" bước lên bước xuống 524 bậc thang đá ..... thì chắc là sẽ không qua khỏi con Trăng này, nên N đành chọn cách "chống gậy" để leo 570 mét đường bằng lên cửa Động vậy. Cũng may là thời tiết hôm đó cũng tốt, gió mát hây hây không nóng lắm nên leo mãi thì cũng phải lên tới nơi, chỉ có cái là mất sức lao động dữ quá!

Đường bằng được làm bằng xi măng phẳng phiêu nên cũng dễ đi, chỉ có cái là đường lên dốc, càng đi càng lên dốc (leo núi mà) nên ..... bá thở. Mới đầu còn mặc áo trong, áo ngoài, sau thì phải cởi dần vì càng leo thì mồ hôi chảy ra như tắm ...

Leo mãi rồi thì cũng tới thôi phải không các bác? Ở cái hình bên trên (hình N chụp 1 mình tại cửa xuống Động), các bác có nhìn thấy những bậc thang bằng gỗ để cho mình leo xuống Động không? Yep! Leo xuống sâu lắm, và rồi sẽ đi vòng qua, vòng lại, vòng tới, vòng lui .... để xem những nhũ đá hai bên cũng như cảnh vật bên trong động ..... nếu xem cho đến tận cuối cùng thì tính ra bạn sẽ phải đi bộ khoảng 1km (cho bận vô), sau đó bạn lại đi bộ thêm 1km nửa (cho bận trở ra). Tổng cộng là đi bộ 2 km để được xem hết mọi thứ trong Động. Cũng may là họ làm cầu thang và đường đi (bằng gỗ) rất bằng phẳng và an toàn lại có đèn chiếu sáng nên mình cũng yên tâm không sợ bị té ngã khi đi bộ trên 2km này. Họ còn cẩn thận làm lan can che chắn suốt dọc đường đi, chắc là để cho mình khỏi té nhưng N đoán cái chính là để bảo vệ những nhũ đá bên trong động không cho du khách sờ mó, vẽ bậy bạ hay là ký tên vớ vẩn lên trên nhũ đá khi chụp ảnh, hì hì hì .... N đoán như vậy là vì chính N thấy nó đẹp quá cũng muốn được đến gần sát những nhũ đá này để được sờ tay vào xem nó ra sao .... N thì sẽ rất tuân thủ luật quốc tế không dám vẽ bậy bạ lên đó, nhưng mình làm sao dám chắc rằng sẽ không có người làm chuyện này trong khi mỗi năm có đến cả trăm ngàn du khách đến viếng Động phải không các bác? Theo ý kiến riêng của N, được đi trên 2 km đường bằng phẳng an toàn như vầy thì có yên tâm thật, nhưng thay vì đi trên con đường bằng gỗ này giá như mà mình được tự do thơ thẫn trong Động với một quang cảnh thật là "tự nhiên" của nó thì sẽ rất là .... tuyệt vời. Là vì phong cảnh trong Động cực kỳ đẹp nhưng nó lại không còn có cái vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên nửa một khi đã có bàn tay của con người nhúng vào nên ít nhiều thì cũng đã làm mất bớt đi vẻ đẹp tuyệt vời của cái hang động này. Lại kể thêm, rằng đã làm cẩn thận như vậy đấy, nhưng bên trong Động cứ cách 1 quảng thì lại có 1 nhân viên bảo vệ đứng canh chừng, du khách nào mà lơ mơ muốn trèo qua khỏi lan can hay làm gì khác lạ là vị bảo vệ này xuất hiện ngay lập tức đấy ạ.

Sau khi xem xong, bạn leo cầu thang trở lên ra tới cửa Động rồi .... muốn ra về lại phải leo xuống 520 bậc thang nửa thì mới xuống tới mặt đất, để từ đây mình sẽ lên xe Golf cho họ chở ra chỗ Entrance đầu tiên (chỗ mua vé). Chuyến khám phá hang động leo trèo cực khỗ, tốn sức lao động nhưng cũng rất đáng đồng tiền bát gạo. Nếu có cơ hội, các bạn nên ghé đến một lần cho biết nhé.

Bây giờ N sẽ post những hình chụp trong Động cho các bác xem. Hình trong Động N chụp rất nhiều, nhưng chỉ post được vài tấm thôi vì sợ bài dài quá.

Nhũ đá và những cảnh vật trong hang động nếu nhìn ở bên ngoài bằng mắt thật thì đẹp lắm các bác ạ, đẹp hơn trong hình N chụp nhiều lắm nên các bác chịu khó xem đỡ vậy nhé.

Mọi người vào thăm động bắt đầu từ lúc 9:30, mãi cho đến 12:20 trưa thì chúng tôi mới trở ra, lên xe rời khỏi khu vực Động Thiên Đường. Vì chương trình của cả 2 ngày bị dồn vào làm 1 cho nên chúng tôi ghé vào 1 quán ăn bên đường ăn vội vàng cho xong bữa trưa, sau đó đúng 1:37 pm thì lại vội vàng lên đường trực chỉ tới Vỹ Tuyến 17. Chúng tôi muốn đến đó để được tận mắt nhìn cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, một nơi đã trở thành địa danh quan trọng của đất nước, đây là hai "nhân chứng lịch sử" đã mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước trong suốt hơn 20 năm từ thế kỷ trước.

Theo lời Cậu Quang "báo cáo" cho mọi người thì lộ trình từ vườn Quốc Gia Phong Nha Kẻ Bàng (tại Quảng Bình) đi tới Vỹ Tuyến 17 (tại Quảng Trị) chúng tôi sẽ đi trên con đường mòn HCM trước đây, sau đó sẽ rẽ vào 1 con đường tỉnh lộ nhỏ, để rồi sẽ tìm đường ra Quốc Lộ 1A thì mới đến được Vỹ Tuyến 17 là chỗ mà chúng tôi muốn đến. Trời, không biết cái chú Lý tài xế này không quen đường hay sao mà xe cứ rẽ ra rẽ vô hoài vào mấy cái con đường tỉnh lộ, rồi lại lộn trở vào đường mòn HCM mấy lần thế mà vẫn chưa tìm được đường ra Quốc Lộ 1A, thật là sốt ruột vì mưa đã lâu nên bây giờ trời cũng bắt đầu thấy tối rồi. Mãi gần đến 4:00 giờ chiều xe mới ra được QL 1A, Cậu Quang cho biết là xe chạy độ hơn 15km nửa thì sẽ đến Vỹ Tuyến 17. Cuối cùng, hơn 4:00 giờ chiều thì chúng tôi vào được đến Huyện Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị.

Quảng Trị là tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, nằm ở trung điểm trên hành trình từ Bắc vào Nam, được ví như điểm tỳ vai gánh hai đầu đất nước.

Cũng bình thường như bao mảnh đất khác ở khắp miền đất nước, song đến khi hai miền bị chia cắt trong cuộc chiến (1954 - 1975) thì dòng sông Bến Hải, cây cầu Hiền Lương và mảnh đất đôi bờ Hiền Lương trở nên nổi tiếng, vì sau Hiệp định Geneve (năm 1954), cầu Hiền Lương và sông Bến Hải đã trở thành giới tuyến tạm thời thuộc khu phi quân sự ở vỹ tuyến 17 chia cắt đôi nơi hai miền Nam Bắc.

Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vỹ tuyến 17 từ Tây sang Đông rồi đổ ra cửa biển Cửa Tùng. Sông dài gần 100 km, nơi rộng nhất khoảng 200 m, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh (của miền Bắc) và Gio Linh (của miền Nam) của tỉnh Quảng Trị.

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải ở km735 trên quốc lộ 1A. Cầu nối liền thôn Hiền Lương (thuộc xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh) ở bờ Bắc và thôn Xuân Hòa (thuộc xã Trung Hải, Gio Linh) ở bờ Nam. Cầu được dựng bằng gỗ năm 1928 với mục đích ban đầu dành cho người đi bộ. Sau nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, năm 1952, Pháp cho xây dựng lại cầu Hiền Lương với trụ bằng bê tông cốt thép, dầm cầu bằng thép và mặt lát bằng gỗ thông.

Sau 1975, cầu Hiền Lương ngày càng xuống cấp nghiêm trọng nên vào năm 1996, một chiếc cầu mới dài 230 m, rộng 11,5 m (nằm cách cây cầu cũ 35 m về phía Tây) đã được cho xây thêm - cầu Hiền lương 2 - đây là chiếc cầu giao thông chính qua sông Bến Hải bây giờ. Hiện nay tại chân cầu HL cũ (cây cầu giai đoạn 1952-1967) đã được phục chế nguyên dạng, và chỉ dùng để làm điểm tham quan cho du khách mà thôi.

Tại địa điểm này, hiện nay được đặt tên là Cụm Di Tích Đôi Bờ Hiền Lương - Bến Hải. Cụm di tích tại đôi bờ Hiền Lương gồm có : cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ Giới Tuyến ở bờ Bắc, nhà Liên Hợp, Đồn Công An Giới Tuyến, Giàn loa phóng thanh, Cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất" ở bờ Nam và Nhà Bảo tàng Vỹ tuyến 17.

Khi đến gần cầu HL mới, xe của chúng tôi phải rẽ vào phía trái thì đến được cây cầu cũ. Hôm nay khi đến tới đây Trời mưa rất nặng hạt, tuy nhiên cũng có nhiều du khách đang đi lại trên cầu để chụp hình kỷ niệm. Chỉ có 4 bà chúng tôi là người Việt, số khách còn lại toàn là người nước ngoài.

Tại đây, N không muốn và cũng không có giờ để đi xem những di tích kia, nên khi xuống xe là N lập tức đi thẳng ngay ra cầu Hiền Lương để được đặt chân mình đi qua đi lại, đi tới đi lui trên cầu Hiền Lương rất nhiều lần, rồi đứng dựa mình vào thành cầu ngẩn ngơ ngắm nhìn giòng sông Bến Hải buồn bã lặng lẽ dần trôi dưới cơn mưa chiều. N đã chụp vài tấm hình kỷ niệm trên cây cầu và giòng sông này để đem về cho các con, các cháu trong nhà được nhìn thấy di tích lịch sử này. Trời mưa lắm nhưng N đã tha thẩn đi tới đi lui tại đây rất lâu để ngắm nhìn giòng sông với rất nhiều ý nghĩ trong đầu ..... mà trong lòng thì bâng khuâng và cảm thấy rất bồi hồi .....

Hình dưới đây N đã tìm thấy trên Internet, N post hai tấm hình này lên đây để các bác có thễ nhìn thấy rỏ một lúc cả 2 cây cầu. Cây cầu Hiền Lương 2 mới xây (năm 1996 bên phía tay trái) được dùng để qua lại trên sông Bến Hải hiện nay, còn phía xa là cây cầu củ (cây cầu giai đoạn 1952-1967)nay được xem là 1 di tích lịch sử chỉ dùng làm địa điểm du lịch cho du khách đến thăm thôi.

Xin các bạn nhìn cho kỷ cây cầu củ với những nhịp cầu nằm sâu dưới dòng nước của sông Bến Hải nha. Nơi đây chính là di tích lịch sử của cả nước nói chung, nhưng với N và của cả gia đình N nói riêng, thì nơi đây là một chứng tích và cũng là một nơi chốn kỷ niệm rất trân quý vì ..... chính nơi đây sáu mươi mốt năm về trước, dưới chân của những nhịp cầu này đã có một người .... Người từ là từ phương Bắc, đã qua giòng sông, sông dài .... tìm đến nơi này, một nhà thân ái .... ơi .... tình Bắc duyên Nam, là duyên .... tình chung muôn đời .... ta đấp xây! Vào năm ấy, người đó đã 23 tuổi mà N thì chỉ mới có ..... 8 tuổi! Người đó, vào một đêm đen không trăng không sao, đã từ bờ Bắc liều chết âm thầm bơi suốt một giòng sông, bơi ngay dưới chân 7 nhịp cầu này để qua mãi tận phía bờ Nam và đi tìm "một nửa" kia của mình đấy. Năm nay (2017), khi N đặt chân lên đến cây cầu này thì cũng đúng là năm mà chúng tôi sẽ Celebrate 50th Wedding Anniversary đấy các bác. Nói đùa với các bác cho oai một tị, chứ các bác cũng đã biết lý do vì sao mà người ta phải liều chết bơi sông vượt biển rồi, chứ cái lý do liều chết để đi tìm một con oắt con 8 tuổi chưa biết mặt mũi thì ..... làm gì có!

Bây giờ mình sẽ nói tiếp về chuyện cây cầu này nhé. Nhìn vào hình, các bác có thấy cây cầu Hiền Lương cũ được sơn 2 màu không? Màu vàng là phần của miền Nam VN, còn màu xanh là phần của miền Bắc VN đấy.

Vào trước năm 1975, trong sự mâu thuẫn chính trị giữa hai bên, cây cầu Hiền Lương và dòng sông Bến Hải đã bị cuốn vào những cuộc tranh chấp không ngừng vì đây là nơi giáp mặt của hai chính quyền đối lập. Cũng tại nơi đây, đã từng một thời diễn ra những cuộc chiến không tiếng súng, đó là những cuộc chiến "chọi màu sắc","chọi loa" và "chọi cờ" rất quyết liệt trong thời gian chiến tranh Việt Nam giữa chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (phía Nam) và chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (phía Bắc).

 "Cuộc chiến màu sắc"

Nhìn vào trong hình, mình sẽ thấy ở ngay đoạn giữa cầu có một vạch trắng rộng khoảng 1cm kẻ ngang, được dùng làm ranh giới chia ngang giửa 2 miền Nam Bắc. Thoạt đầu Nam Việt Nam chủ động sơn một nửa cầu phía Nam thành màu xanh, ngay lập tức Bắc Việt Nam liền sơn tiếp luôn cũng bằng màu xanh cho một nửa cầu còn lại. Thấy vậy, Nam Việt Nam liền chuyển sang sơn phía cầu của mình thành màu nâu, thì Bắc Việt Nam cũng sơn lại phía cầu của miền Bắc thành ra màu nâu .... đại khái là nếu Việt Nam Cộng hòa sơn màu gì, thì Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa cũng sơn lại phần cầu của mình cho giống với màu đó. Cứ như thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc, hễ Nam Việt Nam sơn một màu khác đi để tạo ra hai màu đối lập thì ngay lập tức Bắc Việt Nam liền sơn lại cho giống nhau. Cuộc chiến màu sơn kéo dài mãi cho đến năm 1960 thì giữ nguyên 2 màu xanh-vàng, không thay đổi nửa. Hà hà hà .... đây là một hình thức "đấu tranh chính trị" chăng???? he he he .... cả hai bên cứ sơn tới sơn lui hoài chắc cũng thấm mệt rồi, nghe ra thì thấy cứ như là trẻ con chòng ghẹo nhau nhỉ!

Cầu Hiền Lương đã bị bom đánh sập vào năm 1967. Đến năm 2001, cầu được phục dựng lại, và trong suốt hơn 10 năm cầu chỉ được sơn đúng có một màu duy nhất. Nhưng vào năm 2014, tỉnh Quảng Trị đã phục hồi màu sơn cho cầu Hiền Lương trở lại thành ra 2 màu Xanh - Vàng như đã từng có trước đây. Cụ thể, một nửa phía Bắc cầu được sơn lại thành màu xanh, còn nửa phía Nam thì được sơn màu vàng. Mục đích sơn cầu trở lại ra hai mầu như trước nhằm nhắc nhớ ý nghĩa lịch sử về di tích của Cầu Hiền Lương và Sông Bến Hải trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam trước đây.

"Cuộc chiến âm thanh"

Những năm 1954-1964 là giai đoạn không còn tiếng súng ở đôi bờ giới tuyến, song cuộc chiến bằng tiếng nói đã diễn ra ở đây rất căng thẳng và quyết liệt giữa hai phe đối lập.

Lúc đầu, Bắc Việt Nam cho xây dựng một hệ thống loa phóng thanh được phân bố thành 5 cụm trong chiều dài 1.500m ở bờ Bắc, mỗi cụm gồm 24 loa có công suất 25W. Sau những ngày phát sóng đầu tiên, hệ thống loa phóng thanh này đã không thể nào át được các hệ thống loa của chính quyền Nam Việt Nam do Tây Đức và Úc cung cấp được phát ra với âm thanh lớn hơn.

Lập tức chính quyền Bắc Việt Nam liền trả đũa bằng cách tăng thêm 8 loa có công suất 50W và 1 loa có công suất 250W được viện trợ từ Liên Xô. Ngược lại chính quyền Nam Việt Nam liền được Mỹ viện trợ cho những loại loa tối tân hơn, vang xa đến hàng chục cây số. Vào đầu năm 1960, một giàn loa của Mỹ với công suất của mỗi loa lên tới hàng trăm oát được chuyển đến và đặt tại bờ Nam sông Bến Hải. Không chịu thua, chính quyền Bắc Việt Nam lập tức lắp đặt chiếc loa có công suất 500W với đường kính rộng đến 1,7m và bổ sung thêm 20 loa loại 50W, 4 loa loại 250W của Liên Xô tại chiến tuyến Bến Hải. Khi thuận gió, tiếng loa có thể truyền xa hơn 10km.

Để có đủ điện cho hệ thống loa có tổng công suất 7.000W này hoạt động, Bắc Việt Nam đã phải xây dựng một đường dây cao thế 6KVA dài gần 10km, kéo dài từ thôn Tiên An, Vĩnh Sơn đến thôn Tùng Luật, Vĩnh Giang. Ngoài ra, còn có một trạm cao tần đặt tại Liêm Công Phường cách cầu Hiền Lương 2,5km về phía bắc để tăng âm cho hệ thống loa.

Cuộc "đấu khẩu" giữa hai phía qua hệ thống loa là những lời tuyên truyền chính trị chỉ trích đối phương, thường là những tin không có lợi hoặc có thể trái ngược với thực trạng. Mỗi ngày buổi phát thanh kéo dài 14-15 tiếng đồng hồ, có khi phát vào lúc 1 - 2 giờ sáng, mở hết công suất để cho người dân cả hai bờ đều nghe thấy. Hm ..... Thế này thì chỉ có khỗ dân, N chắc chắn là về lâu về dài thì dân chúng của cả hai bờ đều bị bệnh mất ngủ và bị bệnh điếc tai các bác ạ.

Hình cái loa dưới đây N chụp được hôm ghé thăm Cầu HL. Họ vẫn còn chưng bày tại đây để làm di tích lịch sử đấy.

Hình này là N "chôm" trên Internet để cho các bác xem thấy rỏ ràng mấy cái loa trong thời gian đang có cuộc chiến "chọi loa" nó như thế nào. Hôm N đến đấy thì không còn nhìn thấy hệ thống loa nào khác ngoài cái loa N đã chụp bên trên.

Cuộc chiến "chọi cờ"

Theo quy định của hiệp định Genève, tất cả các đồn cảnh sát giới tuyến phải treo cờ hàng ngày. Treo cờ là chuyện bình thường, song "chọi cờ" mới là chuyện "quốc gia đại sự" đã từng xảy ra ở hai cột cờ ở hai đầu cầu Hiền Lương và kéo dài hàng chục năm. Lúc đầu, vào năm 1954 - 1956, chính quyền Bắc Việt Nam cho làm một cột cờ bằng cây phi lao cao 12m để treo một lá cờ có khổ 3,2m x 4,8m. Ở bờ Nam, thì Pháp cắm cờ tam tài lên nóc lô cốt Xuân Hoà ở bờ Nam cao 15m. Theo yêu cầu của nhân dân giới tuyến, cờ của chính quyền Bắc Việt Nam phải cao hơn cờ của chính quyền Nam Việt Nam nên những người lính của chính quyền Bắc Việt Nam đã vào rừng sâu để tìm cho bằng được một cây gỗ cao 18m, cao hơn cột cờ của Pháp 3m và treo một lá cờ bằng vải sa tanh rộng 24m. Ngay sau đó, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cho dựng một trụ cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m tại bờ Nam. Trên đỉnh treo một lá cờ vàng ba sọc đỏ lớn của Việt Nam Cộng Hòa, có hệ thống đèn huỳnh quang nhấp nháy đủ màu. Thế là vào tháng 7 – 1957, tổng công ty lắp máy Việt Nam đã gia công một cột cờ bằng thép ống cao 34,5m tại Hà Nội rồi vận chuyển vào giới tuyến. Trên đỉnh cột cờ gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2m, 5 đỉnh ngôi sao gắn một chùm bóng điện loại 500W, kéo lá cờ rộng 108m2. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước sự kiện này liền xây tiếp cột cờ của họ cao lên thành 35m. Năm 1962, thêm một lần nữa, tổng công ty lắp máy Việt Nam gia công một cột cờ cao 38,6m rồi chuyển vào dựng ở Hiền Lương, kéo lên lá cờ đại 134m2, nặng 15kg, cách đỉnh 10m có một cabin để lính Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đứng treo và thu cờ. Cột cờ này được xem là cột cờ cao nhất giới tuyến. Hàng ngày, lính Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kéo cờ lên sớm hơn và hạ cờ xuống muộn hơn giờ quy định (6h30’ đến 18h30’) để cho những người đi làm sớm, về muộn cũng nhìn thấy được.

 Hình cái chân "cột cờ giới tuyến" hiện tại chỉ có ở bờ phía Bắc thì nó nhìn như thế này đây ạ.

Còn bên bờ phía Nam thì không còn thấy cái cột cờ giới tuyến trước kia đâu cả. Thay vào đó thì ở bờ Nam sông Bến Hải lại có xây một tượng đài được đặt tên là: "Khát vọng thống nhất non sông". Theo lời cậu Tour Guide Quang "thuyết trình" thì tượng đài này có ý nghĩa là "với hình dáng của một thiếu phụ ôm con đang đứng ở bờ Nam sông Bến Hải nhìn về phía Bắc là để tưởng nhớ những ngày tháng đau thương khi họ không thể vượt sông để gặp chồng,cha và người thân trong những năm tháng đất nước bị chia cắt đôi bờ".

Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”(đặt tại xã Trung Hải, Gio Linh) được xây dựng trên diện tích 2.700m², gồm hai phần. Phần đế được ghép từ nhiều khối đá có kích cỡ khác nhau, được trang trí phù điêu. Phần tượng đài được làm bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa với bố cục: phía trước gồm 2 tượng bà mẹ (cao 7,70m) và em bé (cao 5,50m) đứng sát nhau, mô tả hình tượng người vợ và người con ở phía Nam. Phía sau là cụm tượng làm nền, mô tả hình ảnh những chiếc lá dừa nước.

Hình chụp tượng đài "Khát vọng thống nhất" nhìn từ xa.

Nhà bảo tàng Vỹ Tuyến 17 - phía trước có trưng bày 2 cái loa công suất 500W với đường kính rộng 1,7m (loa đã dùng trong "cuộc chiến âm thanh")

 Quanh quẩn tại cây cầu này cũng đã gần tiếng đồng hồ rồi, vả lại trời bắt đầu mưa nhiều hơn nên chúng tôi đành phải lên xe để tiếp tục đi nốt chương trình còn lại. Theo đúng chương trình thì đáng lẽ đoàn sẽ vào viếng thăm Cổ Thành Quảng Trị, sau đó vào thăm Thánh Địa La Vang. Tuy nhiên vì mưa suốt cả buổi chiều nên lúc này trời đã dần dần thấy tối nên chúng tôi đành phải quyết định bỏ qua Cổ Thành Quảng Trị để thẳng đường đến Thánh Địa La Vang thôi. Trên đường đi, xe có đi ngang qua 1 con sông và 1 cây cầu, được cậu Quang TG cho biết đây là sông Thạch Hãn và cầu Thạch Hãn. Cậu còn cho biết sau khi qua sông Thạch Hãn thì chúng ta sẽ bắt đầu đi vào một đoạn đường kéo dài khoảng 9km, đó chính là "Đại Lộ Kinh Hoàng" của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 khi xưa.

Hai hình dưới đây được lấy từ Internet để các bạn nhìn thấy và nhớ lại cảnh của Đại Lộ Kinh Hoàng cách đây 45 năm về trước.

Trên đoạn đường 9km của Đại Lộ Kinh Hoàng, dân chúng đã cố gắng chạy đi bằng bất cứ phương tiện gì để mong bảo toàn được mạng sống .... nhưng cuối cùng thì Họ cũng vẫn bị thiệt mạng vì pháo kích lẫn bom bay đạn lạc trên đoạn Quốc lộ 1 từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước.

Bây giờ thú thật là khi đi ngang đây, nhìn nhà cửa và cảnh sinh hoạt của người dân sống hai bên đường trên 9km này hiện nay thì N thấy nó cũng êm ả bình thường như những đoạn đường khác mà mình đã đi qua, nhưng không biết sao tự nhiên sống lưng của N chợt lạnh toát và thấy lòng vô cùng buồn bã khi nhớ lại chuyện đã xảy ra trên 9km của con đường này cách đây 45 năm. Đoạn đường mang tên “Đại Lộ Kinh Hoàng” ngày nay không còn một tí gì là dấu vết của tội ác ngày xưa, cũng không còn xác chết, xác chết của gần 2000 con người vô tội, nơi mà Họ đã bị chết một cách tức tưởi, oan khiên và chắc chắn là cho đến nay họ vẫn còn u uất nơi bờ cao bụi rậm, không sao siêu thoát được. Nghĩ đến thật xót xa làm sao!

Đến đây N cũng xin được kể thêm về Cậu Quang Tour Guide của Group 4, cậu này và chú tài xế Lý sẽ là người hướng dẫn và đồng hành với 4 bà tại các thành phố miền Trung và miền Cao Nguyên trước khi group 4 kết thúc chuyến đi 26 ngày vào trước ngày Tết Nguyên Đán của Xuân Đinh Dậu 2017. Hai cậu này còn rất trẻ, Cậu Quang TG thì 27 tuổi, người ở Đà Nẳng, có 1 vợ và sẽ có con đầu lòng khoảng sau Tết vài ngày. Theo thông lệ thì khi TG đưa khách đi, bước lên xe việc (job) của cậu TG là phải thuyết trình đủ mọi chuyện, mọi thứ về những di tích lịch sử, địa danh, chuyện đã xảy ra tại các địa điểm đưa khách đến, kể luôn cả việc tìm hiểu các nhà hàng, hoặc món ăn đặc sản tại mỗi địa phương khi khách cần đến .... vv ..... và ....vv.... Cậu TG này sinh ra sau chiến tranh VN cho nên chắc chắn là cậu sẽ không hiểu và không biết một cách thật chính xác về chiến tranh VN hay những chuyện xảy ra trước 1975, hoặc là những di tích lịch sử tại các địa danh thuộc về miền Nam trước 1975 rồi. Tất cả những gì mà cậu biết để thuyết trình cho khách, theo như N nhận thấy thì hình như cậu đã được học, được nhồi nhét một cách rất là bài bản từ những trường lớp sau này ..... cho nên khi nghe những lời "thuyết trình" của cậu ấy ..... cả 4 bà đều cảm thấy thật là ..... chói tai và thấy muốn .... điếc con ráy luôn! Nhưng cả 4 bà đều vì .... lịch sự và cũng thấy tội nghiệp cho các thế hệ con em sinh ra sau này, đã không được hướng dẫn đúng đắn nên sự hiểu biết của họ không được chính xác và cũng chỉ có giới hạn mà thôi. Họ cũng vì miếng cơm manh áo, công ăn việc làm nên cũng phải làm cho đúng trách nhiệm và chu toàn cho đúng với cái job của họ, cho nên các bà có nghe thấy ..... trái với cái lỗ tai của mình khi nghe cậu "thuyết trình" thì cũng tảng lờ đi và không muốn có "comment" gì cả. Nhưng sau cùng, N chịu hết nổi, N phải bảo cậu " Các cô đều là người lớn gấp ba tuổi của cháu, sinh ra trước cháu rất lâu, con của các cô có thễ còn lớn gấp đôi tuổi của cháu .... vì vậy ba cái chuyện lịch sử của chiến tranh VN gì gì đó, chắc chắn là các cô biết rỏ, biết rành và biết đúng hơn cháu. Tuy rằng cháu có tốt nghiệp từ trường du lịch ra, học hỏi được nhiều, nhưng chưa chắc những cái cháu học đã là .... đúng! Vậy cho nên cháu cứ nghỉ ngơi cho khoẻ, khỏi cần nói ..... khi nào các cô muốn biết chuyện gì và hỏi thì chừng đó cháu hẳng nói. Nhiều phần trăm thì các cô chỉ hỏi chuyện đường đi và tiệm ăn tại mỗi tỉnh mình đến thôi cháu ạ". Sau khi giải quyết chuyện này xong thì mọi người đều vui vẻ cả làng, cậu TG khỏi cần tốn sức lao động khi phải động não tìm tòi chuyện nọ, chuyện kia để "phục vụ" khách, mà các cô cũng đỡ .... điếc tai và ..... đở bị nhức đầu vì cao máu các bác ạ.

Khoảng 5:15 pm thì xe vào đến Thánh Địa La Vang.

Nhà thờ La Vang ngày nay là một thánh địa và là nơi hành hương quan trọng của người Công giáo Việt Nam, nằm ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế. Các tín hữu tin rằng, Đức Mẹ Maria hiển linh ở khu vực này vào năm 1798. Một nhà thờ đã được xây dựng gần ba cây đa, nơi họ tin là Đức Mẹ đã hiện ra và được Tòa Thánh tôn phong là Tiểu vương cung thánh đường La Vang từ năm 1961.

Lúc này trời cũng còn mưa dầm và đã chạng vạng hoàng hôn. N vào lễ và cầu xin với Đức Mẹ La Vang cho chuyến đi Xuyên Việt được bình yên, đi đến nơi về đến chốn và xin Đức Mẹ gìn giử cho chồng con và các cháu ở nhà được mọi sự an lành. Vì trời mưa và tối rồi nên chỉ kịp chụp được vài tấm ảnh kỷ niệm tại đây mà thôi.

Trong chiến cuộc Mùa Hè 1972, bom đạn đã làm sập đổ hoàn toàn Vương cung thánh đường, chỉ còn lại di tích tháp chuông loang lở.

Đây là hình chụp di tích tháp chuông loang lở sau Mùa Hè 1972, nhưng bên phía tay trái của hình các bạn sẽ nhìn thấy có ngôi thánh đường mới đang trong quá trình xây dựng

Đúng 5:45 pm thì mọi người ra xe rời Thánh Đường La Vang để lên đường về Huế. Từ đây về đến Huế vào khoảng độ 50km.

6:30 pm thì vào đến Huế, chúng tôi ghé hàng ăn Mẹ Me tại đường Võ thị Sáu để ăn các thứ bánh Huế thễ theo lời yêu cầu của số đông thành viên của group 4 gồm có: Mỹ Thiện (một bà rặc Huế), chị Tuyết Nhung (dân Huế chính cống nhưng ở Đà Lạt) và chị Thanh An (cũng dân Huế ngụ tại Đà Lạt). Cũng theo yêu cầu của 3 chị trên, sau khi ăn xong còn ghé quán Chè Hẽm tại đường Hùng Vương để mua chè ăn rồi mới chịu vào check in tại khách sạn Green Hotel Huế. Cho đến giờ này suy nghĩ lại thì N không thễ nào nhớ lại được hương vị của mấy cái thứ bánh Huế và Chè đã nói ở trên như thế nào cả, N chỉ nhớ tối hôm đó trước khi đi ngủ thì N bị ..... đói bụng không ngủ được, vì hình như các loại bánh nọ, bánh kia ấy ăn vào chẳng thấy .... ngon và no chút nào!

Mọi người check in vào Green Hotel Huế. Theo chương trình, cậu Quang hẹn sáng mai sẽ đến đón đi xem các thắng cảnh tại Huế vào lúc 8:00 sáng.

 Viết xong ngày August 6-2018 @ 10:00 pm

 

Bài kế tiếp: HUẾ - Thăm Đại Nội - Thăm Lăng Vua Minh Mạng

== Nam Mai ==

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %13 %039 %2018 %19:%08
back to top