NHẠC TRẺ MỘI THỜI CỦA SÀI GÒN “TRƯỜNG KỲ”
NHẠC TRẺ MỘT THỜI CỦA SÀI GÒN
Ông Vua Nhạc Trẻ “TRƯỜNG KỲ”
☆✭☆
Một thời để nhớ ,một thời để yêu ,nay chúng ta cùng nhìn lại nền tân nhạc Việt Nam và phong trào Hippie trước và sau 75, vua nhạc trẻ và phong trào Hippy tại Saigon đó chính là “Trường Kỳ” ra đời ngày 29 tháng 3 năm 1946 tại Hà Nội, con của ông Vũ Ngọc Trân và bà Phạm Thị Trọng Yêm, được người bác vốn là soạn giả nhiều bộ sách giáo khoa Pháp văn, không tức cảnh sinh tình, mà vịn vào chữ nghĩa phổ biến của thời đại “trường kỳ kháng chiến” đặt cho cái tên có tuổi thọ đáng nể: Trường Kỳ.
Chương 1 – Đôi dòng về ông
Trường Kỳ đã sớm mất tình mẫu tử. Ngay trong ngày ngấp nghé ba tháng tuổi, cuộc tình giữa cha mẹ đã đổ vở, Trường Kỳ được đưa về làng Đồng Nghĩa tỉnh Nam Định cho ông bà nội nuôi dưỡng. Sáu năm ấu thơ đi qua, thằng cháu đích tôn, chưa hề dám đuổi một con ruồi, sống trong tình thương yêu của bố, của ông bà nội thật ấm áp, tuyệt vời. Vườn rau, chái hiên, vuông sân, bờ ao, gốc đa… thay nhau rủ rê, dìu dắt cậu đi khắp thôn, khắp làng, đi dần đến những ước mơ chập chờn, chưa định hình trong đầu óc.
Cứ thế mà anh lớn lên cho đến ngày được trở về Hà Nội, được đưa vào trường Puginier và ở đây cùng văn hoá Pháp cho đến lớp 11è, năm 1954, song song với các trò chơi sưu tầm tem thư, sưu tập truyện bằng hình mua từ hội quán Coeur Vaillant, Trường Kỳ chơi âm nhạc bằng cách mở radio nghe đều đặn các chương trình Tuyển Lựa Ca Sĩ của đài Phát Thanh Sài Gòn. Âm nhạc từ đó, từng bước đi vào cuộc sống Trường Kỳ. Anh đã được các ông chú, bà cô đưa vào phòng trà Anh Vũ, đến rạp Kim Chung và không bỏ sót những chương trình Đại Nhạc Hội.
Trường Kỳ sớm biết mê những tiếng đàn, tiếng trống của Khánh Băng, Phùng Trọng, ban nhạc The Blue Jean Boys… Cuối cùng, thời kỳ trực tiếp chạm tay vào âm nhạc cũng đến. Trường Kỳ theo học đàn accordéon từ nhạc sĩ Vũ Lung. Với cái đàn khá nặng trước lồng ngực hẹp của thân thể nhỏ con, nhưng Trường Kỳ đã cùng người bạn mới này, lần lượt đi qua các ca khúc Thoi Tơ, Dừng Bước Giang Hồ, Cumparsita, La Paloma, Come Back To Sorrren to, Blue Danube…
Những tên tuổi trong giới nghệ sĩ chưa hề gặp cũng cảm thấy gần gũi hơn, nào là Phạm Duy, Văn Phụng, La Hối, Nguyễn Hiền, Canh Thân, nào là Thái Thanh, Thái Hằng, Mộc Lan, Hà Thanh, Châu Hà, Kim Tước… Giữa giai đoạn chăm chỉ rèn luyện, Trường Kỳ bỗng tình cờ có cơ hội biểu diễn lần đầu tiên trong đời. Bục diễn của anh nằm trong sân trường Lạc Hồng. Khán giả của anh là vô số học sinh cấp tiểu học cùng đầy đủ mẹ cha của họ.
Các nhạc sĩ trong phong trào nhạc trẻ. Từ trái, Từ trái, Nam Lộc,
Tùng Giang, Thanh Lan, Trường Kỳ, Kỳ Phát. (Hình: Kỳ Phát cung cấp)
Trường Kỳ đã trổ tài cùng với giọng ca Phương Lan, Quốc Thắng, Kim Chi… Cuộc biểu diễn được chính Trường Kỳ cho là non tay, nhưng phần thưởng anh nhận khá lớn, đó là sự quen biết giữa anh và thần đồng Phương Lan, sau mấy lời ngợi khen của cô ca sĩ tí hon này. (Phương Lan tên thật Võ Thị Nhi), từ một cậu bé nhút nhát, thường “cúi gầm mặt khi đối diện với người lạ” thằng “ Kỳ Đen ” rủ thằng “ Kỳ Lùn ” tiến đến những biệt danh “Vua Nhạc Trẻ”, “ Lãnh Tụ Hippy” không phải là những tình cờ ngẫu nhiên. Đó là cả một quá trình sinh hoạt văn nghệ với nhiều bộ môn, thơ, truyện, âm nhạc… rất phong phú của Trường Kỳ.
Nhưng âm nhạc, tài nghệ tổ chức, lẫn ký giả văn nghệ mới chính là những trọng điểm giúp cho cậu thanh niên không lớn con, không xấu trai này thành danh, Với bản tính hiền hòa, cởi mở, năng động, Trường Kỳ biết cách kết nối thành công những tài năng có chung một một chí hướng, một sự yêu mê nghệ thuật lại với nhau. Trong gần suốt hai thập niên 60, 70 anh cùng một số bạn trong giới nghệ sĩ như Jo Marcel, Tùng Giang, Nam Lộc, vv…đã đứng ra tổ chức thành công nhiều cuộc trình diễn ca nhạc qui mô tại những địa điểm rộng lớn ở thủ đô Sài Gòn.
Bước khởi đầu vào sân chơi âm nhạc rộng lớn của Trường Kỳ và các bạn chính thức mở màn trong năm 1964. Thị dân SàiGòn, nhất là lớp trẻ của một thời tự do hẳn khó quên những : Đại Nhạc Hội Nhạc Trẻ Taberd liên tiếp từ năm 64 đến năm 1973 ( trừ năm 68 ).
Ngoài ra còn các chương trình nhạc trẻ hàng tuần “Hippies À Go Go” được tổ chức tại những vũ trường ỏ Sài Gòn từ năm 67 đến 71 như: Chez Jo Marcel, Queen Bee và Ritz”, gia tài ca khúc nhạc trẻ thời bấy giờ tại Việt Nam còn khá nghèo nàn so với sự ra đời thật náo nhiệt của những ban, nhóm chơi nhạc kích động như : ( danh xưng này được đổi thành Nhạc Trẻ do chính Trường Kỳ nêu ra và được dùng từ năm 1965) : Les Fanatiques, Les Vampires, The Teddy Bears, The Daltons, Les Faucons Noirs, Les Tridents, The Rockin’ Stars, The Black Caps, The Hard Stones, Les Penitents , The 46 , The Spotlights , Phượng Hoàng , The Strawberry Four, , The Apple Three , The CatsE2 Trio, The Hammers, The Dreamers, The Crazy Dogs, The Teen Sound , The Peanuts Company , The Enterprise , The New Flintsones Corporation , The Hard Stones , The Fighters, The Starling Show , The Blue Stars , The Free Ones , v / v… Vì lẽ này, Trường Kỳ liền xắn tay áo chuyển ca khúc ngoại quốc thành lời Việt, đồng thời cho phát hành những bộ sưu tậpTình Ca Nhạc Trẻ đánh số từ 1 đến 7 trong khoảng thời gian 1972-1973.
Những ca khúc Trường Kỳ viết lời Việt được in thành từng bản rời phát hành rộng rãi và thu thanh trên các băng nhạc Tình Hồng (thực hiện cùng Nam Lộc 1973), Tình Ca Nhạc Trẻ, Thế Giới Nhạc Trẻ (ca sĩ trình bày gồm: Elvis Phương, Duy Quang, Minh Xuân, Minh Phúc, Thanh Lan, Julie, Thanh Mai, Paolo…) Được đón nhB An nhiều nhất là các bản: Tình Yêu Trong Đời (Sealed With A Kiss), Rồi Mai Đây (Lo Mucho Te Quiero), Thú Yêu Thương (The Godfather), Khi Ta Hai Mươi (All I Have To Do Is Dream), Thương Nhớ Trong Mưa (The Rhythm Of The Rain), Mùa Tình Yêu (Le Temps De L’Amour), Mùa Đông Em Đi (I Started A Joke), Điện Thoại Tới Anh (Téléphone-moi)…
Kể từ Tình Ca Nhạc Trẻ 2, còn có thêm những nhạc phẩm được gọi là Việt Hóa của nhiều nhạc sĩ khác như : Phạm Duy, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Nam Lộc, Tuấn Dũng, Trung Hành, Cao Giảng, vv…Ngoài ra anh còn viết lời cho một số sáng tác của Tùng Giang như : Biết Đến Thuở Nào, Cuộc Tình Xưa, Ta Hôn Nhau Trong Công Viên, vv…,danh tiếng của Trường Kỳ mỗi ngày một nổi, bởi cùng với âm nhạc, anh biết chen vào lãnh vực báo chí.
Nghề làm ký giả, tưởng chỉ đóng vai trò ph=E 1 nhưng chính cái viết lách tùy hứng này đã giúp tên tuổi Trường Kỳ đứng vững đến hôm nay. Cũng như nhiều bạn trẻ sính văn nghệ, Trường Kỳ làm thơ và thành lập thi văn đoàn lấy tên Hội Hoa Cương. Không rõ anh chơi thơ được bao lâu. Bài Xuân Nhớ Em của anh đăng trên nhật báo Ngôn Luận, có thể nói lên được tuổi thọ của thi văn đoàn do anh lập.
Nghề thơ không thành công nhưng nghề viết phóng sự của Trường Kỳ sớm có đất dụng võ. Anh dùng tên Johnny Kỳ cho một số bài phóng sự âm nhạc của mình trên báo Kịch Ảnh từ năm 1964. Bài viết đương nhiên được ông chủ nhiệm Quốc Phong trả nhuận bút hẳn hoi. Về sau Trường Kỳ còn được mời viết ở tuần báo Màn Ảnh, rồi phụ trách trang nhạc trẻ trên nhật báo Sống của nhà văn Chu Tử. Phóng sự hoặc nhữngbài viết có liên quan đến âm nhạc của Trường Kỳ còn xuất hiện trên nhiều tuần báo, nhật báo tại thủ đô như Tinh Hoa, Chính Luận, Tiền Tuyến… Phóng sự ăn khách của Trường Kỳ lúc bấy giờ có tên “36 Kiểu Cua Đào” đi trên tạp chí Thứ Tư, trước sự phát triển mạnh mẽ của nhạc trẻ, những trang báo của người khác chủ trương có phần không đủ chỗ cho Trường Kỳ múa bút, nên anh đã bàn với một số bạn chí thân để khai sinh một vùng đất mới, chuyên đề về âm nhạc.
Báo của Trường Kỳ mang tên Nhạc Trẻ, khổ nhỏ như tạp chí, 100 trang, phát hành 300 số. Báo có tòa soạn hẳn hoi trên đường Trương Công Định. Nhưng rất tiếc, tiền rửa hình, tiền đánh máy, tiền đóng gáy, dán bìa… chỉ cho phép Nhạc Trẻ trình diện một lần duy nhất. Trong nghiệp viết của Trường Kỳ, ngoài phóng sự anh còn viết tiểu thuyết. Cuốn Tuổi Choai Choai của anh được Jo Marcel và chính anh cùng Nam Lộc góp tay thực hiện thành phim Vết Chân Hoang, một phim màu scope khá thành công. Trước phim này, Trường Kỳ và Jo Marcel cũng thực hiện được phim Thế Giới Nhạc Trẻ.
Đời sinh hoạt nghệ thuật của Trường Kỳ quả thật sôi động, phong phú, nhờ đó anh tiếp xúc, quen biết với nhiều nhân vật trong nhiều lãnh vực văn học, nghệ thuật, quân sự, chính trị như Mai Thảo, Duyên Anh, Chu Tử, Phạm Duy, Viên Linh, Lê Hoàng Hoa, Phạm Huấn, Đỗ Kiến Nhiễu, Nguyễn Cao Kỳ.. Nhưng tuyệt vời nhất, đây là cơ hội ngàn vàng tạo cho gia tài tình nhân của anh trở nên vô cùng giàu có. Khởi từ tuổi mười ba, Trường Kỳ đã biết cái thú của nhà thơ Nguyễn Bính dù không có hàng dậu mùng tơi nào nơi anh cư ngụ.
Anh cũng sớm nhận ra mùi hương của một thịt da, được cấu tạo có chút khác biệt với phái nam, khi anh được một cô giáo ôm tiễn chân sang trường khác. Tình yêu nằm trong khoảnh khắc dậy thì thật là tuyệt vời. Trường Kỳ đã ghi lại giúp chúng ta những náo nức, rạo rực một thời, rất tinh tế, thành thật, trước năm 1975.
Trường Kỳ ngoài việc phát hành nhạc bản, tuyển tập nhạc trẻ, anh còn cho in các tập phóng sự: Mặt Trái Của Nữ Sinh Sài Gòn (1968), 36 Kiểu Cua Đào (1969), Tuổi Choai Choai (phóng sự tiểu thuyết, 1971).Chỉ cần đọc tên sách, chúng ta đã có thể biết nhBng cuốn sách của Trường Kỳ rất ăn khách.
Anh đánh hơi thật rõ thị hiếu của lớp trẻ thành phố, đánh những phát trúng ngay mục tiêu. Tuổi nữ sinh là thời kỳ tinh hoa nhất của mọi người thiếu nữ, ở đó còn đủ e lệ, thẹn thùng, còn đủ những ngây thơ dễ thương và cũng có cả những ranh mãnh lẫn những táo bạo khi bắt đầu biết nhớ nhung biết yêu thương, Đó là lúc mọi người thiếu nữ đều xinh đẹp, lộng lẫy.
Năm 2002 tại hải ngoại, Trường Kỳ cho xuất bản tập bút ký ưng ý nhất của anh, cuốn Một Thời Nhạc Trẻ. Sách dày 384 trang bìa mầu được trình bày bởi Lê Phan Lân, một giọng ca tài tử rất được mến mộ tại Montréal. Một Thời Nhạc Trẻ được chia làm 4 chương. Mỗi chương mang m9t tên riêng. Chương 1: Một Thuở Ham Vui. Chương hai: Một Thời Nhạc Trẻ. Chương ba: Những Ngày Tháng Hippy. Chương kết: Một Chốn Bồng Lai.
Danh từ Nhạc Trẻ cũng do chính Trường Kỳ đề nghị đưa ra dùng thay cho tên gọi Nhạc Kích Động, hơi gần với bạo động. Nhạc Trẻ đem lại không khí tươi vui, hoạt náo, năng động. Nhưng với mắt nhìn của xã hội, nhất là trong giai đoạn có máu thịt đổ ra, tan nát từng giây phút tại các mặt trận không xa Sài Gòn bao nhiêu, không thể không có những phê phán.
Phong trào nhạc trẻ Sài Gòn, theo tôi , là một hình thức phản chiến cao cấp nhất và đã có kết quả khả quan. Cũng là thủ đô trong thời chiến, nhưng Hà Nội khác hẳn. Cái hơn của miền Nam là tự do. Nhưng những bước chân quá đà của những người thụ hưởng tự do nhiều khi rất tai hại, và tai hại đã xảy ra thật.
Sự thất thủ của Sài Gòn một phần do giới lãnh đạo, nhưng quần chúng không thể hoàn toàn phủ nhận sự góp tay gián tiếp của mình. Trường Kỳ một thanh niên yêu âm nhạc, yêu tự do và đương nhiên rất cần thiết hòa bình, anh theo đuổi, thực hiện tận tình nguyện vọng, sở thích của anh đó là một ưu điểm. Nhưng không thể hoàn toàn biện minh cho anh trước những nghi ngờ. chỉ trích của một số nhân vật chính quyền lẫn báo giới. Trong Một Thời Nhạc Trẻ, Trường Kỳ đã nhắc lại đủ những điều này, thật đáng quí. Cũng phải cảm ơn Trường Kỳ cho chúng ta biết tường tận những khởi đầu của những tên tuổi trong làng nhạc Việt Nam, khởi đi từ thập niên 60, 70 như Thanh Lan, Trung Hành, Duy Quang, Ngọc Bích, Tuấn Ngọc, Đức Huy, Nam Lộc, Tùng Giang .v.v…
Ông vua nhạc trẻ “Trường Kỳ” đã vĩnh viễn ra đi lúc 1 giờ trưa ngày 22 tháng 3 năm 2009 tại thành phố Toronto, Canada. Ký giả Kỳ Phát nhận được tin đầu tiên và kế đó là tôi từ ca sĩ Quốc Anh đang đi lưu diễn tại Canada, Kỳ Phát, và Nam Lộc đều bàng hoàng khi nghe tin. Tôi liền gọi điện thoại về Việt Nam cho anh Tiến Chỉnh (tay bass guitar của ban nhạc Strawberry Four, cũng là người bạn rất thân với Trường Kỳ để nhắn giùm chị Huyền là hiền thê của anh trở về Canada gấp, để lo công việc). Tôi vẫn còn bàng hoàng và thương tiếc người anh thân yêu của tôi mà đã bao lần cùng anh dấn thân vào con đường viết lách, và say mê âm nhạc đến tột độ.
Chương 2
-Phong Trào Hippie nhạc phản chiến theo mô hình Woodstock 1969 và Đại hội nhạc trẻ Hoa Lư & Trường Lasan Taberd.
Vào những năm cuối thập niên 60’s khi văn hóa và nhạc trẻ của Pháp dần lùi về quá khứ thì lúc này đang nổi lên phong trào Hippy của những người Mỹ (Hoa Kỳ) ,khi mô hình này đang dần hòa nhập với thế giới và đương nhiên lúc này đã lan tới giới trẻ Sài Gòn rất nhanh, chắc quý vị đều biết trước biến cố tháng 4/1975, nhạc nhẹ nói chung và nhạc rock nói riêng gần như chỉ có ở duy nhứt ở Miền Nam, kể từ sau ngày 30/04/1975, làn sóng nhạc nhẹ tràn ra miền Bắc và dấy nên một trào lưu nhạc nhẹ rộng khắp, thu hút đông đảo thanh niên vốn trước đó chỉ tiếp xúc với những ban nhạc theo kiểu thính phòng hoặc các ban “nhạc nhẹ” đánh theo tổng phổ, năm 1954, dù người Pháp rút khỏi Việt Nam, nhạc Pháp vẫn còn hằn sâu trong sinh hoạt âm nhạc xã hội, nhưng khi người Mỹ đổ quân đến miền Nam thì nhạc Pháp cũng lùi dần nhường bước cho làn sóng văn hóa Mỹ, cuối thập niên 1950 – đầu thập niên 1960 là của nhạc Pháp còn từ năm 1967 trở lên có thể nói nhạc trẻ Sài Gòn đã hình thành, nhưng nó thật sự gây được ấn tượng mạnh mẽ với công chúng trẻ là từ năm 1963 với phong trào lập dị nhưng rất ấn tượng thời đó là “HIPPY”
Cũng từ cái mốc năm 1963 cho đến trước ngày 30/4/1975, Sài Gòn nhộn nhịp với những đại nhạc hội. Đại nhạc hội thời ấy có hai loại: đại nhạc hội dành cho giới bình dân, biểu diễn tại rạp Quốc Thanh và rạp Hưng Đạo vào mỗi buổi sáng Chủ nhật với sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng thời đó như: Chế Linh, Duy Khánh… Hát nhạc kích động “bình dân” tiêu biểu có Hùng Cường – Mai Lệ Huyền, Khánh Băng – Phùng Trọng với những bản nhạc twist, agogo như Một trăm phần trăm, Gặp nhau trên phố… mà những ban nhạc rock “tinh tuyền” gọi là rock “dởm”. Ngoài ra, có một đại nhạc hội khác gọi là đại nhạc hội kích động nhạc, tiền thân của nó là những ban nhạc học sinh của trường Taberd (nay là trường Trần Đại Nghĩa – 20 Lý Tự Trọng, quận 1).
Đại nhạc hội kích động thường được tổ chức tại trường Taberd, Thảo cầm viên hoặc sân vận động Hoa Lư. Đây là nơi trình diễn của những ban nhạc trẻ không hát những loại nhạc “bình dân” và trong đó có những ban nhạc rock thực thụ, giai đoạn đầu các ban nhạc trẻ nói chung chủ yếu là hát nhạc ngoại quốc bằng tiếng Anh hoặc Pháp, các ban nhạc rock thì cover lại những bản nhạc chủ yếu của Anh, Mỹ.
Thời gian cuối thập niên 1960 và nhất là vào đầu thập niên 1970, nhạc trẻ Sài Gòn có một sự chuyển biến đáng chú ý: đó là trào lưu “Việt hóa” các ca khúc Âu – Mỹ. Mở đầu cho trào lưu này có thể nói đến nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, anh đã chuyển soạn lời Việt cho các ca khúc được nhiều người yêu mến như: Búp bê không tình yêu (Poupée De Cire, Poupée De Son), Gõ cửa 3 tiếng (Knock Three Times), Chuyện Phim Buồn (Sad Movies), Lãng du (L’Avventura), Anh thì không (Toi Jamais) v.v…
Sau đó nhiều ban nhạc, nhiều nhạc sĩ khác cũng đã soạn lời Việt cho nhiều ca khúc ngoại quốc khác, trong đó có cả nhà báo Trường Kỳ…,nhưng trong trào lưu “Việt hóa” có lẽ điều đáng chú ý nhất là các nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà, với ban nhạc Phượng Hoàng, đã đi một bước xa hơn là sáng tác những ca khúc nhạc trẻ Việt Nam đầu tiên với những bài hát đi vào lòng người như Hãy ngước mặt nhìn đời, Tôi muốn… đặt nền móng đầu tiên cho những ca khúc nhạc trẻ Sài Gòn, về các ban nhạc trẻ, một trong những ban nhạc gây ấn tượng nhất đó là Strawberry Four gồm Tuấn Ngọc (guitar), Đức Huy (guitar), Tiến Chỉnh (bass, trước đó là Billy Chane), Tùng Giang (trống). Đây được xem là ban nhạc “nhà giàu” với những chiếc đàn, amplie Fender làm “lé mắt” dân chơi nhạc, trên sân khấu họ toàn bận complet lịch lãm và nhất là tạo được “danh giá” khi Trawberry Four là ban nhạc Việt Nam đầu tiên và duy nhất được lên đài truyền hình Mỹ (phát tại Sài Gòn).
Nhạc rock đã xuất hiện trong bối cảnh của nhạc trẻ Sài Gòn như trên. Tuy nhiên, lịch sử nhạc rock Sài Gòn có liên hệ mật thiết đến sự có mặt của quân đội Mỹ, những club mọc lên như nấm của người Mỹ tại Sài Gòn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lực lượng nhạc rock, nhất là từ năm 1965 khi người Mỹ có mặt thật đông đảo tại “hòn ngọc Viễn Đông” và các tỉnh phụ cận.
Đây cũng là giai đoạn chuyển hướng mạnh mẽ nhất của nhạc trẻ Sài Gòn, và là thời điểm xuất hiện khá nhiều ban nhạc chơi rock Mỹ, khác với trước đó dân chơi nhạc và nghe nhạc vẫn còn yêu chuộng những ca khúc trữ tình của các nhạc sĩ Việt Nam như Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước… và các ca khúc Pháp, tuy nhiên dấu mốc phát triển của rock có thể kể đến sự kiện đại nhạc hội kích động nhạc do”Trường Kỳ-Nam Lộc- Tùng Giang” tổ chức sau khi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.
Đại hội kích động nhạc này được tổ chức tại Đại Thế giới (nay là Trung tâm Văn hóa Q.5) vào năm 1963, qui tụ hầu hết các ban nhạc trẻ đang hoạt động tại Sài Gòn thời ấy và đây cũng là một tiền đề để sau đó những đại hội kích động nhạc được tổ chức thường xuyên ,những ban nhạc “thuần” rock như “The Peanuts Company,The Black Caps, The Rockin’ Stars, The Interprise, Les Pénitents, The Crazy Dog, CBC…” ,trong đó The Rockin’ Stars và The Black Caps được xem như những ban nhạc rock đầu tiên của Sài Gòn, thì hai ban nhạc “The Peanuts Company và CBC được xem là 2 ban nhạc “đệ nhất kích động nhạc” thời ấy”.
Ca sĩ Elvis Phương thành viên của Rockin’ Stars cho biết: “Ban nhạc thành lập năm 1960 với thành viên: Nguyễn Trung Lang (bass guitar), Nguyễn Trung Phương (rythm guitar), Jules Tampicanou (lead guitar), Đặng Hữu Tòng (tenor saxophone), Lưu Văn Hùng (trống) và Elvis Phương (ca sĩ). Năm 1961 có thêm 2 thành viên mới là Jean jacques Cussy va Nicole.
Cuối năm 1961 có thêm ca sĩ Billy Shane. Ban nhạc The Black Caps ra đời vào cuối năm 1960 với: Thanh Tùng (guitar), Paul Doãn (ca sĩ)… Phong trào nhạc trẻ hình thành trong giới học sinh của trường trung học Jean Jacques Rousseau (nay là trường cấp 3 Lê Quý Đôn), vì vậy hai ban nhạc này đa số là học sinh của Jean Jacques Rousseau chỉ có Nicole là của Marie Curie và Billy Shane là của Taberd”.
Các ban nhạc rock trước giải phóng chủ yếu là cover các bản nhạc rock Mỹ, cũng có một số ca khúc được những “rocker” Việt sáng tác, nhưng chủ yếu là viết lời bằng tiếng Anh để trình diễn trong những club của Mỹ”. Ban nhạc Phượng Hoàng của Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà ra đời khá trễ (1970).
Tuy nhiên đây có thể nói là một ban nhạc “Việt hóa” triệt để: sáng tác ca khúc Việt cho rock, hát lời Việt và cái tên cũng “thuần Việt” giữa vô vàn các tên ban nhạc bằng tiếng Anh đang hiện hành. Ca khúc rock viết bằng tiếng Việt của Nguyễn Trung Cang, được nhiều người biết đến đó là bản Mặt trời đen, đây có thể xem là bản nhạc rock Việt đầu tiên khá tiêu biểu của giới rock Sài Gòn.
Qua bài viết này các bạn trẻ biết thêm về Trường Kỳ và tại sao Trường Kỳ được mệnh danh là ông vua Nhạc Trẻ ..Vĩnh Biệt ông vua nhạc trẻ mội thời của Sài Gòn “Trường Kỳ”
Biết Đến Thuở Nào
Sáng tác: Tùng Giang
*♫♪‘°❤*♫♪‘°
phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng
Lòng đang giá băng, bỗng ngập tràn muôn tia nắng
Nghe bao xót xa, vụt bay theo cánh chim ngàn
Dừng bước nơi này, chỉ còn em với ta...
Ngỡ ngàng nhìn em... như đã quen rồi
Hỏi em biết chăng, những bàng hoàng giăng vây kín
Như muôn tóc mây quyện vương đôi mắt nhung huyền
Mộng ước đây rồi... sao ngại ngùng vương trong ta...
Bao đêm cô đơn, miên man với niềm thương nhớ
Suy tư âu lo, men thuốc đắng trên môi
Đã xót xa nhiều mà sao nói không nên lời
Đành xin ôm trọn mối u hoài trong tâm tư...
Biết thuở nào quên, quên hết ưu phiền
Để thôi xót xa, để bàng hoàng không vây kín
Bao nhiêu ước mơ rồi đây sẽ kết nên lời
Mộng ước một ngày thôi đợi chờ... ta có nhau...
(¯`’•.¸*♫♪ ♥(✿)♥♫♪*¸.•’´¯)
Phỏng Vấn Nam Lộc- phong trào nhạc trẻ
Thực hiện: Hoàng Lan Chi (Virginia)
Hình ảnh: Nam Lộc
Trò chuyện với nghệ sĩ Nam Lộc về phong trào nhạc trẻ thập niên 60-70
(Bài này do Khôi An ghi lại từ chương trình “Câu Chuyện Âm Nhạc” của Đài Phát Thanh Tiếng Nước Tôi – Houston – do Hoàng Lan Chi phụ trách và đã được nghệ sĩ Nam Lộc hiệu đính lại. Các hình ảnh trong bài cũng do nghệ sĩ Nam Lộc cung cấp.
LC: Xin hỏi một vài câu liên quan nhóm quý ông. Nhắc đến nhạc trẻ thập niên 60-70 là nhắc đến (Trường Kỳ- Tùng Giang và Nam Lộc). Xin ông vui lòng cho biết mối quan hệ của bộ ba quý ông, xuất phát từ đâu, thời gian nào và từ khi nào ý tuởng thành lập nhóm nhạc trẻ thành hình?
NL: Thưa cô, thực sự công lao để phát triển nhạc trẻ VN thì gồm có nhiều người lắm, nhưng theo tôi, một trong những người có công lao rất lớn là nam ca sĩ Jo Marcel. Ông là người tổ chức các phòng trà đầu tiên để các bạn trẻ có nơi trình diễn hoặc thi thố tài nghệ Lúc đó phong trào trình diễn nhạc ngoại quốc ở các câu lạc bộ (club) của Mỹ cũng đang phát triển. Chắc cô còn nhớ là khi quân đội Hoa Kỳ và đồng minh đến VN khoảng năm 1963 thì nhu cầu sinh hoạt về âm nhạc cuả họ đã tăng lên rất nhiều, vì thế các câu lạc bộ ở những nơi đóng quân cần nhiều ban nhạc để trình diễn cho những người lính viễn chinh giải trí. Một trong những người đầu tiên đứng ra lập ra các ban nhạc như thế là nhạc sĩ Tùng Giang và sau đó các bạn trẻ cũng tự lập ra các ban nhạc và đi trình diễn khắp nơi.
Tùng Giang, Trường Kỳ & Jo Marcel – 1967
Nhưng người gom góp các ban nhạc trẻ lại để cùng sinh hoạt lại là nhạc sĩ Trường Kỳ. Với tâm hồn yêu văn nghệ cùng các sinh hoạt nhạc trẻ, Trường Kỳ nghĩ rằng ngoài những lúc chơi nhạc cho các clubs ngoại quốc thì cũng nên họp lại để có những buổi trình diễn cho khán giả VN, nhất là giới trẻ. Anh Trường Kỳ đã dùng phòng trà cuả ca sĩ Jo Marcel để tổ chức những buổi nhạc Hippy-AGoGo với mục đích phục vụ khán giả VN. Anh Tùng Giang cũng là một nhạc sĩ, và khi tán thành ý định cuả anh Trường Kỳ thì anh Tùng Giang đã mời các ban nhạc trẻ cùng cộng tác với chương trình cuả anh Trường Kỳ.
Tùng Giang-Tuấn Ngọc - Minh Phúc 1966
Sau khi Tùng Giang và Trường Kỳ cộng tác đuợc một năm thì cá nhân tôi đã đi tìm đến hai anh đó vì tôi nhìn thấy cả hai anh đều là những người có khả năng, đồng thời vào thời điểm đó, nhu cầu phổ biến nhạc trẻ đòi hỏi rất mạnh mẽ, do đó nếu chỉ trình diễn trong phòng trà cuả anh Jo Marcel hay các night club khác mỗi tuần một lần thì chắc không thể nào đủ để thỏa mãn nhu cầu cuả khán giả.
Tôi là người có được bộ óc tổ chức, tôi rất thích tổ chức từ khi tôi còn trẻ, ngay từ thời trung học tôi đã thích và đã làm việc xã hội. Chính động lực đó đã đưa đẩy tôi đã đến gặp các anh TK, TG cũng như JM, trước hết để đề nghị, nên tổ chức rộng rãi hơn ở những điạ điểm rộng lớn hơn; Thứ hai, nên tạo cơ hội để các bạn trẻ được đóng góp vào các hoạt động xã hội, vô vụ lợi nhằm phục vụ cho người dân cũng như cho quân đội. Vì thế, anh em chúng tôi đã gặp nhau vào cuối thập niên 60, chính xác là vào năm 1967.
Như vậy cách đây 42 năm, anh em chúng tôi đã gặp nhau. Riêng lý do khiến cho chúng tôi thân thiết hoặc gần gũi và cũng làm cho người ta hay nhắc đến “bộ ba” Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang hơn là các bạn khác là bởi vì các bạn khác thuờng là nhạc sĩ, chẳng hạn các anh Đức Huy, Tuấn Ngọc, Paolo hay Elvis Phương v.v. họ bận đi hát hay chơi đàn, còn anh Jo Marcel thì bận kinh doanh, làm phòng trà, thu âm v.v., chỉ có ba đứa chúng tôi cùng hợp tác với nhau để đứng ra tổ chức các buổi đại hội nhạc trẻ ngoài trời có tính cách rộng lớn và khá vĩ đại, có lẽ vì thế việc nên nguơì ta thường nhắc tới tên của ba anh em chúng tôi, chứ thật ra thì nhạc trẻ có sự đóng góp công sức cuả rất nhiều người.
Jo Marcel-Tùng Giang-Trường Kỳ-Nam Lộc – 1995
LC: Thưa ông, những điều ông vưà nói có giải đáp một phần sự tò mò cuả tôi, nhưng tôi vẫn chưa rõ vì sao chỉ Truờng Kỳ được xưng tụng là “vua nhạc trẻ” trong khi TK không biết đàn và cũng không biết hát?
NL: Người ta thường gọi anh Trường Kỳ là “vua nhạc trẻ” bởi vì anh sinh hoạt với giới yêu nhạc trẻ, nhạc ngoại quốc, nhạc kích động, từ khi anh còn rất trẻ, từ khi anh còn học trung học ở truờng Taberd. Mặc dù không đàn guitar và cũng không lên sân khấu trình diễn, nhưng anh TK không những sinh hoạt với các ban nhạc mà còn có các Teenagers’ Clubs hoặc các Fans Club. Có thể anh TK đã rập khuôn cuả các bạn trẻ ngoại quốc thời đó.
Theo tôi, anh TK là người duy nhất đã đứng ra cổ vũ phong trào với các sinh hoạt liên quan tới nhạc trẻ. Từ trường Taberd, Marie Curie hoặc Jean Jackques Rousseau đến Gia Long, Trưng Vương … đều có những Teenagers’s Club, mỗi club có một người trưởng nhóm để kêu gọi các bạn trẻ. Từ khi Trường Kỳ kêu gọi như thế thì anh đã có nhiều fans ở khắp nơi, không hẳn là fans của TK mà là fans của các ban nhạc, các ca sĩ ngoại quốc, v.v…
Trường Kỳ & Fans Club
Anh TK là ngươì có công phát triển phong trào đó cũng như gom góp những fan yêu nhạc. Có thể nói anh TK là người đi tiên phong trong lãnh vực sinh hoạt này. Bên cạnh đó anh cũng là người viết các bài tuờng thuật trên báo chí VN thời đó về những sinh hoạt của giới trẻ. Do đó, mỗi khi nhắc đến nhạc trẻ là người ta nghĩ ngay đến TK.
Trường Kỳ & Fans Club
Thêm vào đó, anh TK có hình ảnh rất đặc biệt: một người đeo cặp kính rất dầy, da ngăm đen, đầu tóc lúc nào cũng dài, một người mà khi nhìn thấy nguơì ta nghĩ ngay đến một nhân vật biểu tuợng cho giới Hippy. Tôi và anh Tùng Giang thì không có đuợc hình ảnh đó, cho nên khi nhắc đến nhạc trẻ, đến Hippy thì ngươì nghĩ ngay đến ông vua nhạc trẻ, ông vua Hippy Trường Kỳ.
Những tên đó có tính cách như một thứ danh xưng mà ngươì ta đặt cho TK, chứ con ngươì thật cuả anh ấy cũng không Hippy lắm đâu (cười). Đó chính là lý do mà anh TK dù không phải là Hippy thực thụ, không phải là người đàn nhạc trẻ hay ca sĩ nhạc trẻ nhưng đuợc gọi là “vua nhạc trẻ”. Có thể nói đó là kết qủa của những sinh hoạt cùng sự đóng góp lớn lao mà anh TK đã thực hiện, và đã cống hiến cho nền nhạc trẻ VN, thưa cô.
LC: Cám ơn ông đã giải thích rất cặn kẽ, rõ ràng. Qua những điều ông vưà kể, tôi không ngạc nhiên khi biết rằng mấy chục năm sau cố nhạc sĩ Truờng Kỳ đã bay từ Canada sang Houston để tham dự buổi gặp gỡ cuả nhóm CTY do chị Hồng Vân của báo Thế Gìới Nghệ Sĩ tổ chức. Xin cám ơn ông đã nhắc tới một thời vưà qua mà các vị thính giả cuả chúng ta được gợi nhớ lại, tức là thời phong trào nhạc trẻ đã bắt đầu từ các trường Tây và lan qua các trường Việt như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Gia Long, Trưng Vương v.v.
Bây gìờ xin phép hỏi một câu không vui lắm, Thưa ông nhạc trẻ thời đó điển hình là nhóm quý ông đã thường bị chỉ trích. Ông có thể cho biết ai đã chỉ trích và vì sao?
NL: Thưa cô, những lời mà cô gọi là “chỉ trích” thì phải nói rằng cũng là những điều hợp lý mà thôi. Lúc đó đất nước đang trong thời chinh chiến, nhiều người trẻ đã phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Trong khi đó có “một lũ” thanh niên thiếu nữ khác lúc nào cũng “hoa hoè hoa sói”, tóc dài, đi “gào thét” âm nhạc trong hoàn cảnh như vậy thì cũng quả là hơi…. khó coi.
Nhưng đó chỉ là nhìn từ bề ngoài, và những người chỉ trích có lẽ họ không hiểu, hay không biết! Họ quên rằng trong “đám nhạc trẻ” cuả anh em chúng có rất nhiều người đến tuổi nhập ngũ đều gia nhập quân đội. Ngay cá nhân tôi cũng như anh Đức Huy, Tiến Chỉnh, Elvis Phương, hay Jo Marcel v.v. đều là những người đi lính. Có thể mỗi người phục vụ ở một đơn vị khác nhau, như chúng tôi thì theo đơn vị Báo Chí sau đó chuyển sang ngành Chính Huấn.
Nhạc trẻ gia nhập quân đội
Cũng có những người khác (trong Tâm Lý Chiến) như anh Lê Hựu Hà, anh Nhật Trường viết nhạc… Nói chung tôi tin rằng nếu chúng ta xử dụng những nguời nghệ sĩ trong đúng vị trí thì họ cũng là những người chiến sĩ can trường và chiến đấu rất hữu hiệu. Thay vì cầm súng họ có thể cất tiếng hát, lời ca hoặc cầm bút sáng tác những lời nhạc sắc bén và tôi nghĩ rằng hành động của họ cũng có giá trị không thua gì người cầm súng.
Trường Kỳ-Nam Lộc & nghệ sĩ tại Sư Đoàn 5 Bộ Binh
Thế nhưng nếu chỉ nhìn bề ngoài thì rất dễ tạo ra sự hiểu lầm, và như tôi vừa nói, thật ra chúng tôi cũng là những nguơì trẻ, cũng đáp lời sông núi và làm tròn bổn phận cuả người thanh niên trong thời chiến. Tuy nhiên, những lời chỉ trích – nếu có – về việc tóc dài hay nghe nhạc ngoại quốc thì tôi cũng không thấy có gì đáng buồn phiền cả.
Thực sự những lời chỉ trich nặng nề nhất mà cô LC cũng như quý vị thính giả có thể đã nghe qua, thí dụ như “đây là bọn Hippy, phản chiến, vô trách nhiệm với quê hương, đất nước v.v.”, những lời phê phán nặng nề đó thuờng phát xuất từ các động lực chính trị. Bởi vì trên nguyên tắc thì không có lý do nào để chỉ trích khi chúng tôi chơi nhạc và có đông đảo nguời tham dự, chúng tôi đóng góp công sức, tiền bạc, và những số tiền đó đều do các sĩ quan cao cấp thuộc cục Tâm Lý Chiến điều hành và quản thủ.
Phu nhân tướng Trần Văn Trung & Đại tá Cao Tiêu
chủ tọa một buổi Đại Hội Nhạc Trẻ Ngoài Trời
Tuy nhiên, thời gian đó đất nước chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh chính trị rất nhiễu nhương – tôi phải dùng chữ đó – giữa hai vị nguyên thủ lãnh đạo quốc gia là ông Nguyễn Cao Kỳ và ông Nguyễn Văn Thiệu. Lúc đó ông NCK đang có khuynh huớng ra tranh cử chức tổng thống với ông NVT, vì thế phe ông NVT và phe ông NCK tìm đủ mọi cách để triệt hạ nhau. Chúng tôi lúc đó đuợc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị hỗ trợ mà tổng cục này ở dưới quyền chỉ huy cuả tổng thống đuơng thời là ông NVT nên được chính phủ NVT yểm trợ. Phiá ông NCK tìm cách chống đối, công kích và nêu lên lý do rằng chúng tôi là “bọn” Hippy, phản chiến.
Ông NCK đã nhờ các thanh niên trong một nhóm tên là Thanh Niên Trừ Gian đi xé các bản poster quảng cáo đại nhạc hội, đồng thời có một số người viết báo, lên án chỉ trích việc làm cuả anh em chúng tôi. Ngoài ra cảnh sát quốc gia dưới sự chỉ huy của tướng Không Quân Nguyễn Ngọc Loan (đàn em của tướng Kỳ) còn được lệnh “hớt tóc” tất cả các thanh niên để tóc dài! Nói tóm lại, chúng tôi là nạn nhân cuả cuộc tranh dành chính trị giữa phe ông NCK và phe ông NVT.
Bản tin: Nhạc Trẻ bị cạo đầu
Cho tới nay, chưa bao giờ tôi nhắc đến điều này một cách công khai, nhưng hôm nay nhân buổi phỏng vấn cuả cô Hoàng Lan Chi, và những sự kiện này đã trở thành lịch sử nên tôi cũng xin công khai trình bày. Tôi tin chắc rằng có một số rất đông nhân chứng còn sống, có những nguơì hiện đang làm việc trong lãnh vực báo chí, truyền thông, truyền thanh cũng đã từng tham dự phong trào Thanh Niên Trừ Gian, cũng có người đã từng lên án hoặc chỉ trích chúng tôi.
Bây giờ, thỉnh thoảng anh em chúng tôi ngồi lại với nhau, gặp nhau ôn lại những sự kiện đó rồi ôm bụng cuời vì nhìn thấy cả một hậu trường chính trị ở miền Nam thời đó mà chúng tôi, ở cả nhóm nhạc trẻ hay nhóm “Thanh Niên Trừ Gian”, có thể nói là chỉ những người bị kẹt giữa hai lằn đạn, thưa cô (cười)!
Nam Lộc-Trường Kỳ & Thiếu tá Hà Huyền Chi,
Đại Hội Nhạc Trẻ Cuối Cùng
LC: Vâng, xin ông cho hỏi sau khi nghe những lời chỉ trích, hẳn là quý ông đã ngồi lại với nhau để đề ra cách giải quyết. Lúc đó chỉ có quý ông bàn thảo hay là có sự hỗ trợ cuả cấp trên, chẳng hạn như là từ nội các của TT Thiệu thời đó, thưa ông?
NL: Thưa cô, phải nói một cách thành thật là chắc chắn phải có sự can thiệp cuả những người trong chính quyền ông NVT thời đó. Bởi vì có những chuyện chúng tôi không thể làm được như ngăn cản nhóm Thanh Niên Trừ Gian hay những nguời được thuê đi xé các posters. Chỉ có quân cảnh hay cục Tâm Lý Chiến mới có thể phản lại những việc này, chứ chúng tôi đâu dám xuất hiện, vì lạng quạng có thể bị bắt, không biết phe nào là ủng hộ, phe nào là chống đối (cười).
Cho nên, có thể nói chúng tôi chỉ là những người phụ trách chương trình mà thôi, còn những vấn đền giao tế, public relation hay đối phó với dư luận thì hoàn toàn do cục Tâm Lý Chiến đảm nhiệm, chúng tôi không can dự vào những việc đó, ngoại trừ đưa ra một số ý kiến. Tuy nhiên, dù muốn dù không, tinh thần chúng tôi cũng bị xao động và thường phải ngồi lại với nhau đề bàn thảo, theo dõi tình hình để ứng phó tùy theo thời thế (thế thời … phải thế!).
Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng rất hãnh diện là lúc đó các anh em nhạc trẻ đã biết ngồi lại với nhau và cùng quan niệm rằng “Nếu chúng ta làm một công việc trong sạch, có ý nghĩa thì chúng ta không sợ gì cả. Khi nguời ta bảo chúng ta phản chiến mà chúng ta không phản chiến thì chúng ta không sợ. Khi người ta bảo chúng ta là kẻ gian dối mà chúng ta không gian dối thì chúng ta không sợ. Chúng ta chỉ sợ khi chúng ta thực sự là nguơì gian dối. Nếu không thì ai có nói gì chúng ta cũng đừng bận tâm”. Đó chính là lý do mà chúng tôi vững lòng tiến tới, chứ không phải chúng tôi vì sợ hãi nên phải làm hay vì bị ép buộc mà phải làm.
Chúng tôi làm chỉ vì luơng tâm và ý nghĩa cuả công việc. Đó là quan niệm mà chúng tôi vẫn áp dụng cho tới sau này. Bây giờ thì tôi đã trưỏng thành và còn vững chãi hơn, cho nên những lời nào nói không đúng về mình, nhất là trong hoàn cảnh tự do phát ngôn hiện nay thì mình lại càng nghe nhiều điều bịa đặt hơn nữa. Nhưng tiêu chuẩn vẫn là: mình làm những điều ý nghĩa, đúng với lương tâm và lý tưởng của mình thì chẳng có gì để sợ cả, thưa cô.
LC: Tôi muốn đuợc hỏi cụ thể, rõ ràng hơn. Ý tôi muốn hỏi là về các đại nhạc hội nhạc trẻ gây quỹ cho Cây Muà Xuân Chiến Sĩ thì mục đích gây qũy đã có ngay từ đầu hay chỉ có sau khi bị chỉ trích, thưa ông?
NL: Thưa cô, chúng tôi có mục đích gây quỹ cho các việc làm có tính cách từ thiện ngay từ đầu, ngay từ khi bắt đầu tổ chức là đã nhằm vào các mục đích đó, nhưng những người chỉ trích thì họ có thể dùng bất cứ lời nào hoặc luận cứ nào để tấn công. Nói tóm lại mục đích gây quỹ giúp cây mùa Xuân chiến sĩ và cô nhi quả phụ là mục đích từ những ngày khởi đầu tiên.
Chính vì mục đích đó nên chúng tôi mới làm, nếu không có mục đích đó thì chúng tôi đã không cộng tác. Thế nhưng nhóm chỉ trích lại bảo là chúng tôi lợi dụng quả phụ tử sĩ để tổ chức đại hội nhạc trẻ, họ có thể dùng bất cứ lời nào, và noí thế nào cũng được! Tôi nghĩ rằng đôi khi vì động lực chính trị làm cho người ta có thể bỏ qua bất cứ ý nghĩa nào, dù đó là những việc làm có tính cách từ thiện để yểm trợ QLVNCH.
♪♫•*¨*•.¸Kim Quy Sưu Tầm¸¸.•*¨*•♫♪