Hành Trình Xuyên Việt Trip # 15
Hành Trình Xuyên Việt Trip # 15
** Nam Mai **
HUẾ - Thăm Trúc Lâm Thiền Viện - Chùa Huyền Không Sơn Thượng và Chùa Thiên Mụ: Thứ ba ngày 17 tháng 1 năm 2017.
Viết kể lại cho các bạn nghe chuyện Hành Trình Xuyên Việt ở tập #14 & 14a mãi từ tháng 8 cho đến bây giờ đã là tuần cuối cùng của tháng 11-2018 rồi, hôm nay N mới rãnh rang được một chút, nên sẽ kể tiếp đến chuyện đi thăm các chùa tại Huế trong thời gian N có mặt 3 ngày ở đây nha.
Đúng 8:00 giờ sáng, Cậu Quang đến đón mọi người đi thăm Trúc Lâm Thiền Viện. TLTV nằm cách Quốc lộ 1A khoảng 10km, cách thành phố Huế khoảng 35km (lái xe từ thành phố tới đó mất khoảng 1 tiếng), và cách thành phố Đà Nẵng 65km nên rất thuận tiện. Nơi đây được biết đến là một điểm du lịch với cảnh quan non nước hữu tình cho nên đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới thăm.
Trúc Lâm Bạch Mã là một thiền viện thuộc phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, một danh lam thắng cảnh của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thiền viện tọa lạc dưới chân núi Bạch Mã, giữa lòng hồ Truồi thuộc xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã do Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ sáng lập, là ngôi thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đầu tiên xây dựng ở miền Trung. Chữ Bạch Mã là lấy theo tên núi tại địa phương - Chữ Trúc Lâm là hàm ý nhắc đến dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Thiền Viện khởi công xây dựng vào ngày 30/3/2006, đến nay đã hoàn thành gồm 3 khu vực: ngoại viện, tăng viện và ni viện với trên 20 hạng mục lớn nhỏ khác nhau.
Từ thành phố Huế xuôi theo Quốc lộ 1 về phía nam 30 km, qua cầu Truồi, rẽ phải vào 6 km,vượt qua vùng đất khô cằn, thưa thớt xóm làng. là đến đập Truồi, Thiền viện nằm giữa lòng hồ, cách chân đập khoảng 500m.
Hình chụp đường dẫn đến Trúc Lâm Bạch Mã
Trúc Lâm Bạch Mã nằm trên đỉnh Bạch Mã, quanh năm mây phủ trắng xóa, mờ ảo tựa chốn bồng lai. Xung quanh thiền viện là hồ Truồi trong xanh, phẳng lặng, mặt hồ Truồi như một tấm gương khổng lồ, phản chiếu cảnh mây nước hữu tình. Phóng tầm mắt nhìn xung quanh mặt hồ ta sẽ thấy những áng mây trắng bồng bềnh đang lững lờ trôi dưới đáy hồ nước trong xanh, ta lại được chiêm ngưỡng tượng Phật Thích Ca lộ thiên cao 24 mét, nặng 1.500 tấn bằng đá đang ngồi thiền trên một ngọn đồi ở trước chùa giữa hồ. Bên kia hồ là các công trình xây dựng của Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã ẩn hiện trong màu lam sương khói của ngọn Linh Sơn nằm trong dãy Bạch Mã quanh năm mây mù lãng đãng.
Tại đập hồ Truồi, để đến được Thiền viện, du khách mất khoảng 15 phút đi đò qua hồ Truồi.
Hình chụp bến đò chở khách qua hồ tới Trúc Lâm Thiền Viện
Bước xuống bến thuyền, mọi người phải đi bộ leo dốc bằng đường xi măng khoảng 200m, sau đó phải vượt qua hết 172 bậc thang mới lên đến cổng tam quan, để bước vào chính điện.
Đứng trên chùa tận đỉnh cao nhìn xa xa là khung cảnh núi rừng hùng vĩ đẹp tựa tranh vẽ, lại thêm khí hậu ôn hòa dễ chịu, nó làm cho ta cảm thấy hình như thoang thoảng đâu đây có một chút gì đó cái hơi hướng của Đà Lạt đang ở ngay trong lòng của xứ Huế. Đến đây vào mùa hè, du khách có thể tận hưởng không khí trong lành mát lạnh. Còn vào mùa đông, bạn cần nên trang bị thêm quần áo ấm, khăn quàng cổ, đặc biệt là áo khoác chống thấm nhẹ nhé, vì trên núi thường hay có sương mù và mưa phùn.
Đến thăm Thiền Viện hôm nay nhìn thấy bầu trời u ám, mây mù giăng giăng nên mọi người sợ bị mắc mưa trong lúc leo lên leo xuống đường núi trơn trợt, lại còn phải qua hồ bằng con thuyền quá mỏng manh, nên sau khi vãn cảnh chùa và chụp vài tấm hình kỷ niệm xong là vội vàng lên thuyền trở về bên kia hồ trước khi trời đổ mưa cho an toàn các bạn ạ.
Theo chương trình thì sau khi ăn trưa xong, group 4 sẽ được đưa đi viếng Chùa Huyền Không Sơn Thượng, trên đường về sẽ thăm thêm một ngôi chùa nổi tiếng của Huế nửa là Chùa Thiên Mụ.
Chúng tôi bắt đầu lên đường đi Huyền Không Sơn Thượng vào lúc 2:00 giờ chiều. Từ khách sạn Green Huế (tại trung tâm thành phố) đến Huyền Không Sơn Thượng khoảng độ 15km, Cậu Quang cho biết rằng trên đường đi mình sẽ đi ngang qua làng Kim Long nổi tiếng của Huế. (Đến đây thì N xin được nói chuyện bên lề một tí nhé. Trước đây khi còn ở Việt Nam N chỉ biết có từ Saigon tới Thủ Đức, Bình Dương, xa hơn chút xíu nửa thì đến Vũng Tàu là hết chuyện. Tại sao vậy ha? là vì nước mình đang có chiến tranh nên N ..... sợ chết, thế cho nên N chẳng bao giờ dám mơ tưởng được đi đâu ra xa hơn khỏi thành phố nơi mình đang ở cả, vì đi xa ra khỏi thành phố đến tỉnh nọ tỉnh kia thì .... nhẹ là bị lùa vào rừng ngồi chồm hổm để nghe "họ" tuyên truyền, học tập.... còn nặng hơn thì bị đấp mô, bị giật mìn chết tan xác .... nên có bao giờ dám nghĩ đến chuyện đi tới đâu đâu. Nếu có biết được đến tỉnh nọ, làng kia của nước VN mình thì chỉ nhờ vào xem tin tức, coi TV hoặc là đọc sách, đọc báo và đọc ở các chuyện hay là tiểu thuyết do các nhà văn họ tả lại cho mình nghe mà thôi. Nay N có được cái may mắn và dám gan dạ làm 1 chuyến đi gọi là Hành Trình Xuyên Việt, để được tận mắt nhìn thấy cảnh nọ, cảnh kia của từng vùng trên khắp miền đất nước, nên cái sung sướng và thú vị nhất của N là phải cố nhìn cho thật kỷ để rồi quan sát và nhận xét xem những nơi chốn N được đặt chân qua có thật là đúng theo những gì mà N tưởng tượng sau khi đã đọc hoặc xem bằng hình ảnh trong sách vở hay báo chí như trước đây hay không). Đến Huế lần này (là lần thứ 3), theo như nhận xét riêng của N, là hiện nay chỉ khi mình đi xa ra khỏi thành phố một tí, nhìn nhà cửa làng mạc ở hai bên đường thì vẫn còn thấy được quang cảnh của nhà cửa, sân vườn vẫn còn nhang nhác đâu đây cái nét cổ kính, mộc mạc, và bình dị của Huế mà N đã được đọc về Huế trong những tác phẫm của nhà văn Nhã Ca đã tả về thành phố Huế trước kia mà thôi. Ở đó (hình như là làng Kim Long) nhìn thấy thật khác hẳn với những cảnh tấp nập ồn ào của những con đường trong thành nội Huế các bạn ạ.
HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG
Chùa Huyền Không Sơn Thượng tọa lạc tại thôn Chầm, Hương Hồ, thị xã Hương Trà, là một ngôi chùa nổi tiếng, một thắng cảnh của cố đô Huế cách trung tâm thành phố khoảng 17km. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam Tông, được Thượng tọa Giới Đức khai sơn năm 1989. Vào năm 1988, hưởng ứng chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc của Nhà Nước – nhà chùa đã xin được cấp cho 50 ha để trồng cây gây rừng. Sau hàng chục năm, từ một vùng đồi núi hoang vu, khô cằn, đầy cỏ dại, không một bóng cây cao.... nhưng nhờ công xây dựng vất vả của các nhà sư và các phật tử tình nguyện, nên từ một vùng đồi hoang, nơi đây giờ đã trở thành một chốn thiên đường trên hạ giới với cây rừng bạt ngàn tàn cao bóng mát đã tạo nên được một môi trường thiên nhiên mát mẻ và trong lành.
Ngôi chùa nằm 300m trên mực nước biển, nhờ cây rừng và hồ nước bao quanh, nên không khí ở đây rất ôn hoà, dễ chịu lạ kì. Chùa nằm giữa một khu rừng thông quanh năm xanh tươi, mát mẻ, chim hót líu lo. Chùa có diện tích hơn 10.000 m2, bao gồm Ngoại viện và Nội viện: Ngoại viện là nơi sinh hoạt, thờ cúng, còn Nội viện được dành hoàn toàn cho sự tĩnh tu.
Chùa không có cổng Tam quan to lớn, mà cổng chùa chỉ bình thường như cổng của một ngôi nhà sân vườn Huế. Khuôn viên chùa là một khu vườn xanh ngắt với những dòng suối nhỏ nở đầy bông súng tím, những giò hoa phong lan quý, những cây sứ, thiên tuế, tùng, bách … với một không gian thật yên ả thanh bình.
Không gian chùa gồm Chánh Điện chính hay còn gọi là chùa Ngoài. Nơi đây thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, thờ xá lợi Phật cùng xá lợi chư vị Thánh Tăng linh thiêng nên đã tạo cho du khách một cảm giác thật thanh tịnh khi đến đây.
Khu vực chùa có Chánh điện, Am mây tía, Nghinh lương đình, Nhà khách, Chúng hòa đường (nhà sinh hoạt), Quá thiện đường (nhà ăn), Tăng xá, Cốc liêu chư Tăng-Ni, cây cảnh… Chánh điện là biến thể của một ngôi nhà rường Huế với phong cách kiến trúc và chất liệu truyền thống để giữ dáng dấp hồn Huế, hồn Việt, lấy sự hài hòa với thiên nhiên, với hồn thơ làm ý tưởng chủ đạo làm nhẹ vai trò tín ngưỡng, trọng tâm là hướng tới sống thiền, sống đạo.
Thượng tọa Giới Đức, sư trụ trì chùa còn có bút hiệu là Minh Đức Triều Tâm Ảnh vốn nổi tiếng về nghệ thuật thư pháp Việt, do đó Huyền Không Sơn Thượng được treo rất nhiều thơ văn, câu đối viết bằng nghệ thuật thư pháp. Trước đây ngoài đời Sư là thầy Nguyễn Duy Kha, từng là giáo sinh khóa 2 trường Sư Phạm Quy Nhơn. Xuất gia năm 1973, thọ giới Sa di năm 1973 và thọ giới Tỳ kheo năm 1977 tại chùa Tam Giới, Đà Nẵng. Sau đó vào năm 1978, Sư sáng lập chùa Huyền Không từ một mái lá dưới chân đèo Hải Vân. Đến năm 1989, Sư thành lập Huyền Không Sơn Thượng II, chính là nơi chúng tôi đang đến thăm ngày hôm nay.
Phải nói rằng khi viếng thăm cảnh chùa Huyền Không, ai cũng thấy thích thú với những cái tên được đặt cho các am, đình ở đó như Am Mây Tía, Yên Hà Các, Nghinh Lương Đình v.v… Am Mây Tía là nơi ở, thư phòng, nơi tiếp khách và viết thư pháp của sư trụ trì, đây cũng là nơi những người yêu thích văn chương thi phú, nghệ thuật thư pháp tìm đến để đàm đạo, bình thơ, luyện bút, khoe chữ. Yên Hà Các là nơi đón khách, với mái ngói, cột trụ, nội thất màu cánh gián giản dị và đầm ấm. Nghinh lương đình là nơi khách thập phương dừng chân nghỉ ngơi, thưởng trà, đàm đạo…
Cũng xin được nói thêm rằng trong thời điểm group 4 ghé thăm Chùa (tháng 1/2017) thì nhà Chùa đang còn trong quá trình xây dựng dở dang chưa hoàn thành hết 100%, cho nên vẫn còn thấy các nhà sư trong chùa đang làm việc hăng say chung quanh khuôn viên chùa với gạch ngói ngổn ngang như đẩy xe cút kít kéo gạch đất, đang đào đất xây hồ ao, làm đường, làm cầu .... vv... và...vv..... Phần lớn những xây dựng ở rừng Thiền này, từ những cái am, cái đình, những ao sen, cho đến những chiếc cầu gỗ xinh xinh bắc ngang qua hồ đều được các sư thầy làm bằng tay.
Lần này ghé Chùa nhưng rất tiếc là chưa có cơ may được vãn hết toàn thễ cảnh chùa (vì chưa hoàn thành), sau này nếu được dịp trở về Việt Nam, thễ nào N cũng sẽ quay trở lại thăm Huyền Không Sơn Tự một lần nửa các bạn ạ. Nơi này vắng vẻ vì khá xa thành phố, nhưng với một không gian thoáng đãng trong lành cùng với sự sắp đặt cầu kỳ nhưng hài hoà của bàn tay con người đã biến đổi từ một vùng đồi u tịch ngày xưa, để nay trở thành một địa điểm thưởng lãm mà các bạn không thể nào bỏ qua được khi đến Huế.
Rời khỏi Huyền Không Sơn Tự khi trời gần chập choạng hoàng hôn vì hai chị MT và TA ngồi đàm đạo với Sư Trụ Trì khá lâu không dứt được chuyện (hai chị này thì một người chuyên Thiền và một người chuyên môn nghiên cứu kinh sách Phật). Mọi người vội vàng lên đường để đến thăm địa điểm cuối cùng ngày hôm nay là Chùa Thiên Mụ.
CHÙA THIÊN MỤ
Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía tây. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.
Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của xứ Huế, đã được Vua Thiệu Trị liệt cảnh chùa Thiên Mụ vào một trong số 20 thắng cảnh của đất thần kinh trong bài thơ đề là Thiên Mụ Chung Thanh. Năm 1695, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã mở đại giới đàn rất long trọng tại Chùa Thiên Mụ. Lịch sử huy hoàng của các Chúa Nguyễn trong quá trình khai phá, lập nghiệp ở Đàng Trong có thể nói được mở đầu bằng công trình xây dựng Chùa Thiên Mụ.
Khuôn viên chùa được chia ra làm hai khu vực: Khu vực trước cửa Nghi Môn gồm có các công trình kiến trúc như: Bến thuyền có 24 bậc tam cấp lên xuống. Có cổng tam quan là bốn trụ biểu xây sát đường cái, từ cổng tam quan bước lên 15 bậc tam cấp nửa là đình Hương Nguyện (nhưng nay chỉ còn lại nền đất và bộ móng xây bằng đá thanh), sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên xây bằng gạch vồ bảy tầng cao vòi vọi, hai bên đình Hương Nguyện có hai lầu bia hình tứ giác (dựng vào thời Vua Thiệu Trị), lui về phía trong có hai lầu hình lục giác, một lầu để bia và một lầu để chuông (dựng vào thời Chúa Nguyễn Phúc Chu). Đây là những công trình có tính chất lưu niệm (bia, tháp). Khu vực phía trong cửa Nghi Môn gồm các điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan âm, nhà Trai, nhà Khách và vườn hoa, phía sau cùng là vườn thông tĩnh mịch.
Hình dưới đây chụp Cổng Tam Quan là bốn trụ biểu trước khi bước lên Chùa, N lấy hình này ở Internet để cho các bạn xem (vì đến đây hơi trễ, quá vội nên N không chụp được cái cổng Tam Quan này).
Trong phạm vi chùa Thiên Mụ hình như đâu đâu cũng toát lên một chút thơ, một chút mộng của xứ Huế. Mỗi công trình, mỗi kiến trúc dù cho được xây dựng dưới triều đại nào cũng đều thể hiện ra được sự tín ngưỡng, sự trang trọng và hài hòa cùng với những công trình đã được xây dựng trước đây.
Hình giòng sông Hương trước chùa Thiên Mụ
Năm 1844, nhân dịp mừng lễ "bát thọ" của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị đã cho kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: xây thêm một ngôi tháp bát giác gọi là Từ Nhân (sau đổi lại là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi lại việc dựng tháp, đình và các bài thơ văn của nhà vua.
Tháp Phước Duyên
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21m, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ một tượng Phật bằng vàng.
Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ. Ngài đã qua đời vào lúc 8 giờ tối ngày 23 tháng 4 năm Nhâm Thân 1992, tại Tổ Đình Linh Mụ, Huế, Việt Nam.
Chùa Thiên Mụ như một chứng nhân lịch sử diễn ra trên đôi bờ sông Hương. Ngôi chùa vẫn luôn tồn tại trong tâm thức người dân Huế nói riêng và đời sống văn hóa người Việt Nam nói chung. Mặc dù không có nhiều tượng Phật như các chùa khác nhưng nhìn tổng quan, khuôn viên chùa như một cung điện, hay dinh thự của các bậc vua chúa, quan lại xứ Huế ngày xưa. Vãn cảnh chùa, du khách như đang đi vào không gian của trăm năm, vừa thanh tịnh mà lại thơ mộng. Khách bước qua khỏi cổng chùa thì sẽ thấy lòng lắng lại, tĩnh tâm, bỏ lại đằng sau hết những phiền muộn, âu lo.
Ngày nay, chùa Thiên Mụ cổ kính vẫn lặng lẽ soi mình bên dòng sông Hương xinh đẹp và trở thành điểm đến không thể thiếu của khách du lịch khi đến Huế.
Đưa trở về Green Huế Hotel tại trung tâm thành phố cho mọi người nghỉ ngơi, cậu Quang hẹn đúng 7:00 giờ chiều sẽ đến đón các cô đi ăn tối. Nói thật với các bác, bữa ăn tối hôm nay là bữa ăn mà N mong chờ mãi từ hôm đến Huế tới bi giờ đấy. Các bác có biết tại sao không? Thú thật là từ hổm đến giờ (đã 3 ngày - cả thảy là 3 buổi ăn trưa và 2 buổi ăn tối rồi, hu hu hu .... bữa ăn nào thì N là (dân thiểu số) cũng "bị" đi theo các O kia (nhóm đa số) chui vào những quán "dân dã bình dân" để ăn hết bánh nọ đến bánh kia .... rồi ốc, rồi hến tùm lum tà la để cho các O ấy tìm lại "hương vị quê mình" .... cho nên N đã ngán lắm rồi, vì hầu như ngày nào bụng mình cũng thấy chỉ được .... ngót ngót thôi chứ hổng có được no các bác ạ. Hà hà hà .... tối nay, theo chương trình đã định trước trong Tour thì mình sẽ được dzô nhà hàng sang trọng đẹp đẽ và sạch sẽ để thưởng thức "món cơm Cung Đình" các bác ạ. Thấy N hứng thú quá mức, O Mỹ Thiện (room mate của N) liền cảnh cáo "này, đừng có tưởng bở nhé, cơm Cung Đình tao ăn rồi, chẳng ra gì đâu! nó bắt ngồi chờ, thức ăn nguội ngắt, nguội ngơ mà ăn thì dở òm!". Chẳng là trước đây 1,2 năm gì đó, cô nàng về thăm nhà đúng vào dịp Huế có tổ chức "Huế Festival". Nàng ta háo hức bỏ ra hình như là $100 hay là $150 đô cho 1 vé vào xem múa hát theo kiểu Cung Đình xưa cũng như sẽ được ăn một bữa theo kiểu Vua Chúa ngày xưa. Thấy nàng kể rằng: nó cho khách khứa mặc quần áo Vua Chúa (chỉ có khách Tây là chịu diện quần áo này), ăn uống thì có người bưng bê hầu hạ đúng theo kiểu cách ngày xưa ..... nhưng nó xếp bàn ghế cho khách ngồi xa tắp tí mù khơi, mình muốn vào xem văn nghệ Cung Đình cho biết mà chẳng nhìn thấy được cái sự gì vì ngồi xa quá, đã vậy thức ăn thì nguội ngắc .... dở òm! Vì vậy, cô có ác cảm với cơm Cung Đình, nên tối nay cô nàng bỏ bữa, không thèm đi ăn món cơm Cung Đình mà mình đã trả $ trước (bao gồm trong cái Tour này) quý vị ạ.
Đúng 7:00 giờ tối, cậu Quang đến đón. Theo như lời cậu tour guide diễn tả thì bữa cơm Cung Đình tối nay nó không giống như cái bữa cơm của cô MT đã ăn trước đây đâu. Đây chỉ là một Dinner đặc biệt mà Tour đã đặt cho khách tại 1 nhà hàng thuộc dạng giống như loại nhà vườn của Huế, nhà có vườn hoa, cây trái, phong cảnh với hòn non bộ, bễ nước có cá lội .... đại khái giống như là nhà của các quan khi xưa .... và thức ăn thì do những đầu bếp khi xưa là những người đã nấu ăn cho các nhà quan .... không biết có ngon hay không nhưng N thì OK là vì mình biết là mình sẽ được vào ngồi ăn uống ở những chỗ sạch sẽ đàng hoàng ra dáng nhà hàng 1 tí cho được yên .... cái bụng là chính. Vì như đã nói ở trong những bài trước đây, N ăn uống thì không cần chỗ sang trọng, đình đám gì cả, nhưng bị vì N có cái tật là .... "ăn bằng mắt" trước nha các bác, cho nên khi đã vào chỗ ăn uống thì chỗ ngồi, bàn ghế, chén đủa, ly tách .... mọi thứ chung quanh phải nhìn cho đèm đẹp, sạch sẽ, sáng láng 1 tị thì mình mới .... yên bụng, rồi thì mới cảm thấy .... ngon được, còn thức ăn có đặc sắc hay không thì để .... tính sau. Nghe cậu Quang nói, tuy là "nhà vườn" nhưng nhà hàng cũng nằm ở trong thành phố thôi. (tiếc quá, sao trong note của N lại không có ghi xuống tên của cái nhà hàng này). Chỗ ăn thì đã được Tour đặt trước rồi, mong chờ là thế mà ôi giời! khi đến nơi thì không vào ăn được các bác ạ. Không vào ăn được là vì chỗ này đúng ngày bị .... cúp điện! Thật là chán mớ đời! Vì mình đã có đặt chỗ trước rồi nên nhà hàng họ phải giải quyết cho mình, bằng cách là gửi 3 bà qua một chi nhánh khác của nhà hàng cũng ngay trong thành phố. Chỉ có điều là thay vì được ngồi ăn uống một cách thơ mộng trong cái nhà Vườn theo kiểu Huế ngày xưa thì chỗ mới này chỉ là 1 cái nhà hàng 3,4 tầng lầu thôi, nhưng cũng có trang trí cột nhà theo kiểu Rồng bay Phượng múa với ghế bàn chạm trỗ theo kiểu xưa các bác ạ. Nhìn thực đơn mà Tour đã đặt cho group 4 ăn tối nay thì cũng phong phú lắm với 6,7 món gồm những cái tên nghe rất là văn hoa theo kiểu vua chúa (tiếc quá, N quên chụp lại cái Menu vì mấy cái tên món ăn họ đặt nghe hay lắm). Không được ngồi ăn uống kiểu thơ mộng của nhà vườn, tuy nhiên cái chỗ mới này coi cũng được lại thêm phong cách phục vụ cũng cầu kỳ lắm ạ. Còn nói về món ăn thì cũng ngon lành, sạch sẽ, nóng sốt không có gì chê được cả. Chỉ có cái mình hơi bất ngờ là khi đọc tên các món ăn lên thì mình thấy nó .... ghê gớm lắm, cứ tưởng là mình sẽ được xơi những món gì lạ lùng lắm lắm .... mà hồi xưa các Vua Chúa đã ăn ..... hì hì hì ... khi các món ăn được đem ra thì thấy nó cũng giống như của "người phàm" mình ăn thôi các bác ạ ! đại khái thì cũng được làm từ trứng, từ giò, từ đậu, từ rau ra thôi ý mà .... chỉ có cái là họ bày biện rất đẹp đẽ, rồi đặt cho nó những cái tên nghe rất là văn hoa cầu kỳ làm mình tưởng là sẽ nhìn thấy món ăn gì lạ lùng ghê gớm lắm thôi. Để N post một số hình chụp các món ăn cho các bác xem nha. Một vài món thôi chứ không post đủ 6,7 món mà hôm đó N đã ăn được đâu. Tại vì sao các bác biết không? Hm! đang ăn uống vui vẻ và rất ư là cao hứng thì .... phụp 1 cái ! đèn tắt tối thui ! Lại bị cúp điện các bác ạ ! Nhà hàng vội vàng đi thắp đèn cầy cho các bàn. Cũng được thôi, cứ coi như là ăn uống sang trọng theo kiểu "candle light dinner" vậy! Hm! Đã tưởng là nước ta lóng rày văn minh lắm rồi, đã bỏ bao nhiêu là $ để xây nhà máy điện rồi, đã qua khỏi thời kỳ bao cấp lâu rồi mà ..... sao vẫn còn y nguyên cái chuyện chỗ này hôm nay cúp điện, chỗ kia hôm nọ điện cúp vậy nhỉ ???? Thiệt tình, ăn có mỗi một bữa cơm mình mong mỏi từ lâu mà cũng không xong các bác ạ.
Đây là hình các đĩa thức ăn được mang những cái tên rất là văn hoa cầu kỳ theo kiểu vua chúa mà N đã kể bên trên. Sorry là N đã không ghi tên các món ăn lại trong note, bây giờ thì chịu thôi, không thễ nhớ ra để kể cho các bác nghe được rồi, đành xem hình thôi vậy nhé.
Viết xong ngày 26 tháng 11 năm 2018 lúc 10:00 pm
Bài kế tiếp: Đồi Vọng Cảnh - Thành phố ma An Bằng - Đầm Lập An (Huế) - Đà Nẳng - Tượng Đài Mẹ Thứ - Mũi Vi Rồng (Qui Nhơn)
++ Nam Mai ++