Hoa giấy và Hương Thủy Xuân - Nét đẹp tâm linh xứ Huế

Hoa giấy Thanh Tiên và làng Hương Thủy Xuân

- Nét đẹp tâm linh xứ Huế -

Làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cách trung tâm thành phố Huế chừng 7 km về phía Đông Bắc, dọc hạ lưu sông Hương thơ mộng, êm đềm. Đến nay đã qua mấy trăm năm, người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ truyền thống nghề làm hoa giấy.

Làng hoa giấy Thanh Tiên nổi tiếng nhất với hoa sen giấy

Rực rỡ sắc màu hoa giấy của một làng nghề cổ truyền

Theo tư liệu ghi lại, làng hoa giấy Thanh Tiên ra đời gần 400 năm, từ thời các chúa Nguyễn. Sau khi Vua Gia Long thu giang sơn về một mối, nhân lễ thượng tuần, nhà Vua ban chiếu đề nghị mỗi một trấn đem về kinh thành một loài hoa quý. Trong triều đình có một vị quan người làng Thanh Tiên làm ở Bộ Lễ, chức Tả Hữu Đồng Nghị, dâng lên nhà Vua một loài hoa ngũ sắc với đầy ý nghĩa Tam Cương - Ngũ Thường: “Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung - Hiếu - Nghĩa. Trong đó luôn có một bông hoa màu vàng hoặc đỏ được làm to nhất tượng trưng cho đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín”. 

Khi nghe trình bày ý nghĩa, Vua ban chiếu khuyến khích làng Thanh Tiên làm hoa giấy để bày biện, bán lên kinh đô và phổ biến nghề cho mọi người. Hoa giấy gắn với tín ngưỡng thờ cúng của người Huế, trước là dâng cúng thần linh, tổ tiên ông bà, sau là trang hoàng nhà cửa. Những bông hoa giấy rực rỡ sắc màu nơi thôn dã không còn là “hương bảo” của riêng làng Thanh Tiên nữa mà lan tỏa khắp phố thị, làng quê Huế.
Việc làm hoa giấy không chỉ nhờ vào sự tài hoa, khéo léo, tỉ mĩ, cẩn thận trong cách làm, mà còn dựa vào đôi mắt tinh tế của các nghệ nhân. Mọi thứ đều phải cẩn trọng công phu. Người Thanh Tiên bảo rằng: “Hoa giấy giả mà thật, cái thật là sự kiên trì như chuyện trồng hoa tươi, cái thật là hoa vẫn giữ được sắc màu theo thời gian…”.

Những màu sắc rực rỡ mà giản dị của hoa giấy Thanh Tiên
tô thêm nét độc đáo của văn hóa Huế

Ưu điểm của hoa giấy Thanh Tiên là sự phong phú về màu sắc và có nhiều loại hoa khác nhau trên một cây bông, để được lâu lại thể hiện sự trang nghiêm. Cũng chính những đặc điểm đó mà thời gian sản xuất chính thức của nghề thủ công này diễn ra rộn ràng nhất vào cuối năm.

Nhưng để có những nguyên liệu tốt và đầy đủ nhất, người dân phải chuẩn bị kỹ lưỡng trong cả năm trời, từ việc chọn mây, chọn giấy, tạo màu, chặt tre, chẻ tre, phơi tre, vót nan, nhuộm tre, nhuộm giấy… Khi đã quyết định về màu sắc của bông hoa, các nghệ nhân sẽ xếp một vài tờ giấy lại với nhau, sau đó tạo ra hình dạng của những cánh hoa. Bằng cách này, hình dạng cánh hoa sẽ thống nhất với nhau.

Hoa giấy Thanh Tiên còn đẹp và khác biệt ở cách nhuộm màu, sao cho giấy giữ được màu sắc lâu bền. Người dân làm hoa không sử dụng hoá chất công nghiệp, mà dùng nhựa cây và lá cây để chế tạo thuốc nhuộm theo kiểu gia truyền. Bởi vậy, những bông hoa do họ làm ra tươi rói suốt năm, trải đủ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông.

Nghệ nhân trong một công đoạn làm hoa sen giấy

Làng hoa giấy Thanh Tiên có rất nhiều loại như hoa lan, cúc, hồng, đồng tiền, thược dược và nhiều loại khác nữa, nhưng đặc sắc và nổi tiếng nhất là hoa sen - loài hoa “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam ta. Nhờ áp dụng nghệ thuật nhuộm của hội họa nên cánh sen có sắc màu độc đáo, từ hồng đậm, nhạt dần và phớt trắng. Màu từ đậm ở phía chóp rồi chuyển sang nhạt dần ở cuống hoa. Nó tạo nên cái hồn cho cánh sen nhẹ nhàng, thanh thoát.

Hoa sen giấy có nhiều kích thước cũng như màu sắc, song màu chủ đạo vẫn là màu hồng. Hoa được làm từ giấy A4, cọng sen được làm bằng mây, mỗi hoa thường được làm từ 9 – 12 cánh. Những cánh hoa và màu sắc của hoa được làm khéo léo tới từng chi tiết, một bó hoa sen gồm hoa, lá, nụ với màu sắc hài hòa như thật nên đứng ở xa mà nhìn bạn có thể ngỡ là hoa sen thật.

Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tục xưa, hoa giấy được trang trí trang trọng ở những nơi như: Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và ông Táo. Hàng năm thay thế một lần vào Tết Nguyên đán, hoa cũ hạ xuống “Duống” và đốt đi gọi là “Tẩu”.

Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh thành lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng cũng như những nơi có người Huế sinh sống.

Giữ nghề cho làng hoa giấy Thanh Tiên

Hoa giấy Thanh Tiên ban đầu được làm chỉ bằng những chất liệu thô sơ, mẫu mã đơn giản, màu sắc cũng không được đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu của thị hiếu, hoa giấy Thanh Tiên đã có nhiều thay đổi trong khâu sản xuất, sáng tạo ra nhiều sản phẩm hoa giấy đẹp mắt từ phong cách, chất lượng, đến giá cả…

Hoa giấy Thanh Tiên phong phú về màu sắc, đẹp về hình thức, để được lâu, bền màu nhưng vẫn giữ được nét đẹp tinh tế, tự nhiên của các loài hoa nên được rất nhiều người ưa chuộng.

Đã qua mấy trăm năm, người dân Thanh Tiên vẫn giữ được truyền thống nghề làm hoa giấy

Vốn được dùng để trang trí những nơi thờ tự trong nhà, các miếu am, chùa chiền..., nhưng sau này nhờ sự đa dạng, phong phú về màu sắc và kiểu dáng, nên hoa giấy Thanh Tiên được dùng để trang trí nhà cửa, lễ hội, chương trình văn hóa văn nghệ... Cứ như thế, làng hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một điểm chấm phá cho nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian vô cùng độc đáo và đặc sắc của người dân xứ Huế và mang trong mình giá trị thẩm mỹ cao.

Cũng như những làng nghề truyền thống khác, để giữ gìn được nghề của cha ông, bao thế hệ người dân của làng đã phải vượt qua những khó khăn và thay đổi của xã hội hiện đại để giữ lại cái hồn của làng, nét văn hóa của xứ Huế.

Ngày nay, nhờ chủ trương phát triển và tôn tạo các làng nghề truyền thống, sự quan tâm của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, người làm hoa giấy Thanh Tiên Huế ngày càng có thêm động lực để tiếp tục duy trì và phát triển nghề truyền thống nhằm mang vẻ đẹp hoa giấy Thanh Tiên nói chung, hoa sen giấy Thanh Tiên Huế nói riêng, lan tỏa khắp nơi.



Sau khi được khôi phục và phát triển, đặc biệt qua những kỳ Festival nghề truyền thống Huế, làng hoa giấy Thanh Tiên càng được nhiều người biết đến. Hoa giấy Thanh Tiên không chỉ nổi tiếng ở mảnh đất Cố đô mà còn theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước và ra cả nước ngoài.

Nếu như trước đây, những bông hoa giấy chỉ khoe sắc, duyên dáng mỗi độ Xuân về, thì vài năm trở lại đây, tour thăm làng hoa giấy Thanh Tiên đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước khi đến với Huế.

Mỗi dịp cúng lễ, dù đã mua rất nhiều hoa tươi nhưng người Huế vẫn không quên mua vài cành hoa giấy làng Thanh Tiên để dâng lên thần linh, tổ tiên, am miếu… Những màu sắc rực rỡ mà giản dị đó không chỉ làm đẹp thêm cho phong vị tâm linh, mà còn tô thêm nét độc đáo của văn hóa Huế.

Nét đẹp hoa giấy Thanh Tiên vừa có ý nghĩa về chiều dài của lịch sử, vừa có chiều sâu không gian văn hóa trong ký ức nhiều người. Làng hoa giấy Thanh Tiên chính là nơi tôn vinh nghề truyền thống, nơi bảo tồn và lưu giữ giá trị văn hóa làng nghề. Vì thế đi du lịch Huế, bạn hãy tìm về làng hoa giấy Thanh Tiên để vừa ngắm hoa, vừa cảm nhận được cái hồn của làng nghề truyền thống của Việt Nam.

 

Làng Hương Thủy Xuân - Nơi Lưu Giữ Tâm Hồn Việt

~~<><><><>~~

Đến Huế thương nghe câu hò trên sông Hương, nghe nhã nhạc rồi thăm cố đô, thăm các lăng mộ của nhiều triều đại vua chúa. Xứ Huế là kinh đô xưa của đất Việt, bởi vậy những nét văn hóa đậm chất dân tộc còn được lưu truyền ở nơi đây. Có một làng nghề mang tên Thủy Xuân còn lưu giữ cả hồn Việt. Nơi đây là làng hương, nghe tên thôi cũng đủ thấy ấm lòng.

 Cách trung tâm thành phố Huế độ chừng 7km về phía Tây Nam, làng hương Thủy Xuân nằm ngay trên đường Huyền Trân Công Chúa. Nơi đây là mảnh đất nằm ngay dưới chân đồi Vọng Cảnh, nằm bên cạnh dòng sông Hương hiền hòa thơ mộng. Vừa bước đến đầu làng, chưa thấy hương đâu đã kịp nghe thơm nức mũi, gợi nhớ cho ta những khoảnh khắc an yên quây quần bên gia đình, gợi cho ta ngày lễ tết nô nức sum vầy, tự nhiên tâm trạng cũng trở nên háo hức được tham quan làng nghề hơn hẳn.

Rực rỡ làng hương - Ảnh: Omnia

Đã thấy được những bó hương đầu tiên, ai nấy đều vỡ òa trước cảnh “hoa” hương đang bung xòe với nhiều màu sắc rự rỡ. Những tay nhiếp ảnh như bị thôi miên trước vẻ đẹp dung dị mà thuần Việt này, bất giác không kìm được lòng mà đưa tay bấm máy liên tục không ngừng nghỉ.

Sắc màu hương trầm - Ảnh: Truong Quoc Toan

Ở làng Thủy Xuân này người người làm hương, nhà nhà làm hương. Nghề truyền thống của ông cha để lại đã ăn sâu vào máu thịt người dân làng Thủy Xuân rồii. Họ làm hương với niềm say mê, trân quý. Sáng sáng khi nắng chưa kịp đổi màu, người ta đã sắp hương ra giữa trời đem phơi, làm rực rỡ cả con đường Huyền Trân Công Chúa.

 

Bó hương - Ảnh: Bertrandlinet

Người làng Thủy Xuân đã quá am hiểu đời sống tâm linh của người dân xứ Huế. Dân nơi đây chủ yếu thờ Phật, không thờ Phật cũng thờ ông bà, cha mẹ như đạo làm con kính cẩn với cội nguồn. Cứ ngày rằm, lễ tết, khắp nơi lại phảng phất mùi hương trầm thơm nức.

Chưa kể người dân Huế còn có thói quen mỗi ngày khi trời sập tối lại thắp nén nhang tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, vừa để cho ấm nhà. Thế nên hương là thứ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây.

Hoa hương - Ảnh: Bizancenco

Những năm gần đây du lịch trên đà phát triển, Huế mộng mơ nườm nượp đón nhiều đoàn khách từ trong nước đến quốc tế. Họ thăm quan Huế, thăm quan đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức đều không quên ghé làng hương Thủy Xuân bởi làng nghề đây nằm ngay cửa ngỏ đến hai địa điểm thăm quan hút khách này.

 Người làng hương Thủy Xuân không được đào tạo qua để trở thành làng nghề du lịch. Chính người dân nơi đây đã tự dùng sự chân chất, ngọt ngào của mình để nói chuyện với khách, giới thiệu với khách về đặc điểm của làng nghề chân quê.

Nhọc nhằn chuyện làm hương - Ảnh: Leica

Họ lưu giữ cách làm hương truyền thống thay vì máy se hương để lưu đậm hơn nét truyền thống và nghệ thuật làm hương. Tuy ít nhiều có sự vất vả, nhưng vì cách làm hương độc đáo này lại khiến khách du lịch say mê. 

 

Những que hương được làm từ tre vót rồi buộc thành bó, chờ se hương.

 

════   Kim Quy sưu tầm và tổng hợp  ════

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %07 %956 %2019 %16:%02
back to top