Tết Nguyên Đán sắp đến. Lợn (Kỷ Hợi) sẽ được cậu Chó (Mậu Tuất) bàn giao công việc dân gian trong 12 tháng năm mới.
Tản mạn đôi nét về chú lợn, con vật rất gần gũi được nuôi trong nhiều gia đình thôn quê và các trang trại.
1. Lợn và Heo
Người miền Bắc kêu là “con lợn”, còn miền Nam gọi là “con heo”. Có người giải thích đơn giản là: Lợn ăn ngô, heo ăn bắp.
Paulus Huỳnh Tịnh Của là một học giả người miền Nam, trong “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị”, ông đã giải nghĩa Lợn là con Heo. Theo ông: người miền Nam phần lớn là những di dân từ miền Trung, tiếng nói của họ nặng, khi phải bẩm trình với quan lớn, họ lại phát âm thành “quan lợn”. Chẳng hạn như họ phát âm: trò chơi lợn (lớn), ăn quỵt (quýt), ông Giacọp (Giacóp). Quan cho là vô phép nên sai lính lấy hèo phạt, ai bẩm “quan lợn” là phải đòn 10 hèo. Nhiều người bị phạt hèo như vậy, nên khi thấy con lợn họ hình dung ngay ra những cây hèo vút vào mông họ, họ bèn mỉa mai gọi con lợn là “con hèo”. Rồi để khỏi lầm lẫn con lợn với cây gậy quái ác ấy, họ bớt đi dấu huyền, còn lại là con heo. Con lợn từ miền Bắc đi xuống miền Nam thành con heo là như thế.
Lợn, heo là một loại gia súc được nuôi bằng thức ăn tạp, nó cung cấp thịt cho người dùng. Có nhiều loại lợn: lợn sề, lợn nái, lợn giống, lợn cấn, lợn sữa, lợn choai, lợn tháu, lợn ỷ… Heo thì có heo nhà, heo ruộng, heo bông, heo lang, heo cỏ, heo bò, heo đen, heo nọc, heo nái, heo nưa, heo lứa, heo mọi… Đó là các loại heo nuôi trong nhà, còn loại heo hoang dã như heo lăn chai, heo rừng hay lợn lòi… là loài hung dữ, nhanh nhẹn.
Ngành chăn nuôi heo ngày nay đã công nghiệp hóa trong các trang trại quy mô hiện đại. Nhiều giống thuần chủng nhập khẩu như: heoYorshire, heo Landrace, heo Chester White, heo Duroc, heo Hampshire…
2 . Hình ảnh con lợn trong văn hóa dân gian
Con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi, con chó khóc đứng khóc ngồi, mẹ ơi đi chợ mua con đồng riềng. Vì sao chó phải có riềng, lợn có hành?
Triết lý Việt nam theo triết lý Trung hoa, chủ trương âm dương hoà hợp. Quan niệm đó được thể hiện trong lãnh vực ăn uống. Thịt gì món gì phải ăn với rau thơm hay gia vị nào đều có quy định cả. Người Việt ăn nhiều thứ rau mà các nước khác không có: rau mùi, rau răm, lá sung, lá xoài, củi tỏi, gừng riềng…Gà luộc cần có lá chanh, thịt lợn cần có củ hành, chó phải có củ riềng lá mơ.
Ba con vật này đứng chót trong thứ tự 12 con giáp. Gà lợn và chó là ba con vật nuôi rất thông dụng trong hầu hết các gia đình nông thôn Việt nam.
Theo cổ tích Việt Nam, tiền thân của lợn là một vị tiên trên trời, vì ham ăn, lại lười biếng chẳng chịu làm việc gì, nên Ngọc Hoàng đày xuống dương gian làm kiếp gà, bắt phải bới rác kiếm ăn. Vị tiên ấy chê giống gà nhỏ bé, đến con mèo con chó cũng bắt nạt được. Trời thương tình, cho làm kiếp bò. “Bò tuy lớn, nhưng chỉ được ăn cỏ mà còn phải vất vả kéo xe, kéo cày…”, nghĩ thế, nên vị tiên ấy lại năn nỉ:
– Xin Ngọc Hoàng cho con cái chức gì không phải làm lụng, mà được cơm bưng nước rót đến tận miệng…
– Vậy Ta cho người làm kiếp Lợn, người ta sẽ đem thức ăn đến tận mõm, chỉ việc ăn no ngủ kỹ, càng ăn lắm ngủ nhiều người ta càng thích, để thân xác béo mẫm ra cho người ta nhờ.
Thế là vị tiên đó hí hửng lạy tạ, xuống trần làm thân con lợn, không để ý đến hậu quả. Tới lúc lợn béo nùng nục, bị người ta lôi ra làm thịt, mới té ngửa ra, đòi xin hoá kiếp. Một tiên ông đến mách bảo “xin người ta thêm hành vào xào nấu với thịt thì ngươi được hoá kiếp”. Từ đó “con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi” là đề mong được hoá thân kiếp khác vậy.
Sống chung với loài người ở khắp nơi, đặc biệt thịt lợn có mặt trên các mâm cỗ, bàn tiệc và là thức ăn ít nhiều đều có trong bữa ăn gia đình ở thành thị cũng như thôn quê, từ đó hình ảnh con lợn đã đi vào nếp sống dân dã trên nhiều lãnh vực qua các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ tiếng Việt cũng thường nhắc đến động vật hữu ích này.
Ca dao Việt Nam từ rất xa xưa đã có những câu dí dỏm, tình tứ, nhân bản về việc cưới gả. Trong đó con heo cũng đóng vai trò quan trọng. Chẳng hạn một chàng trai đã “phải lòng” một cô thiếu nữ, nhưng lại vờ vĩnh hứa giúp “đằng ấy” khi “đằng ấy” lấy chồng:
Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo một vò rượu tăm.
Nghe vậy, nàng cũng bắt được ý chàng, tuy tim nàng rung động nhưng cũng trấn tĩnh, ngúng nguẩy trả lời:
Anh về thưa với mẹ cha,
Bắt lợn đi cưới, bắt gà đi cheo.
Nói gà bắt gà đi cheo, chứ thật ra chàng trai phải nộp cheo cho làng bằng thủ lợn. Bởi vì:
Sọ lợn lớn hơn đầu mèo,
Làng ăn không hết làng treo cột đình.
Tục lệ ở Việt Nam xưa là như thế. Nạp cheo để chứng minh cho cả làng biết là chúng tôi thành vợ thành chồng đàng hoàng. Biên nhận nạp cheo là một thứ giấy giá thú. Nếu không có nó thì:
Có cưới mà chẳng có cheo,
Dẫu rằng có giết mười heo cũng hoài.
Cưới mà giết mười heo thì chỉ có con nhà phú hộ, còn nhà bình dân thì làm mâm cơm cúng ông bà cũng đủ:
Nhà họ giàu thì đầu heo nọng thịt,
Đôi mình nghèo thì cặp vịt với bông tai.
Số phận người con gái thời phong kiến xưa, chưa hẳn đã tự chọn cho mình được người bạn đời như ý. Vì chưng:
Mẹ em tham thúng xôi dền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Em đả bảo mẹ rằng đừng…
Mẹ em tham thúng bánh chưng,
Tham con lợn nái, em lưng chịu đòn.
Người Việt hay dùng hình ảnh ví von: Ngu như lợn. Bẩn như heo. Chỉ biết ăn no lại nằm như heo. Nói toạc móng heo. Mượn đầu heo nấu cháo. Cám treo heo nhịn đói. Gió heo may đã về?
3. Hình ảnh con lợn trong Thánh Kinh
Trong lịch sử niềm tin đạo giáo, hình ảnh loài heo được nhìn theo nhiều khía cạnh gần như trái ngược khác nhau.Thời xa xưa thượng cổ, người Ai Cập nhìn con heo là hình ảnh biểu tượng của mặt trăng. Vì thế, họ giết heo vào những ngày có trăng. Ở bên Syria con heo là con vật thánh, dùng để tế nữ Thần sinh sôi nẩy nở Astarte.
Do thái giáo và Hồi giáo cấm các tín hữu của họ đụng đến bất cứ món gì có liên quan đến con heo. Họ thà chết chứ nhất định không bao giờ đụng đến những món ăn có thịt heo. Có lối giải thích là hai tôn giáo này ghét con heo là vì vào thời Hy Lạp cổ đại, heo là con vật mà dân ngoại dùng để hiến tế cho nữ thần Demeter, nữ thần này yêu heo cho nên phần mở đầu của các lễ hiến tế Eleusis bao giờ cũng được bắt đầu bằng việc hiến tế một con heo to béo.
Người Do thái liệt heo vào loài thú vật dơ không thanh sạch. Ăn thịt heo đối với người Do thái là một tội vì như thế là phản đạo. Bởi vậy người Do thái cấm nuôi heo.
Trong Kinh Thánh Cựu ước, con heo cũng là con vật dơ bẩn: “Con heo, vì nó có chân chẻ làm hai móng, nhưng không nhai lại: các ngươi phải coi nó là loài ô uế. Thịt của chúng, các ngươi không được ăn, xác chết của chúng, các ngươi không được đụng đến; các ngươi phải coi chúng là loài ô uế” ( Lv11,7; Ds 14,8).
Trong các dịp cúng thần, dân Israel bị Vua Hylạp là Antiôkhô ép buộc phải ăn thịt heo. Cụ Êlêasa, tuy đã 90 tuổi nhưng phương phi đẹp lão. Cụ bị bắt phải há hàm để nhét thịt heo vào miệng, nhưng cụ thà chết vinh hơn sống nhục, đã khạc nhổ hết thịt heo ra khỏi miệng, rồi tự nguyện tiến ra nơi hành hình. Những người chủ tiệc kính thần vì quen cụ đã lâu nên đã kéo cụ ra riêng một chỗ, khuyên cụ ăn một miếng thịt khác không phải là thịt heo rồi giả vờ như đang ăn thịt heo tuân lệnh nhà vua. Làm như vậy cụ sẽ thoát chết. Nhưng cụ trả lời họ: “Ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng, e rằng làm gương mù cho lớp trẻ, họ sẽ bảo là ông già Êlêasa đã 90 tuổi mà còn theo dân ngoại ăn thịt heo, và họ bị lầm lạc vì tôi đã giả vờ…”. Cụ đã bị hành hình, lúc sắp lìa đời, cụ thì thào nói: “Đức Chúa là Đấng thông biết mọi sự, hẳn Người biết là dù có thể thoát chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những cực hình nơi thân xác, mà tâm hồn tôi vui vẻ vì tuân giữ luật Chúa”. Cụ đã từ giã cuộc đời. Cái chết của cụ thật là tấm gương cao thượng chói sáng, không những cho các thiếu niên, mà còn cho phần lớn dân tộc.(x. 2 Mcb 6,18-31).
Trong sách Macacbê chương 7 kể chuyện về bữa tiệc cúng thần, có 8 mẹ con vì không chịu ăn thịt heo mà phải chịu các hình khổ tàn bạo cho đến chết.
Thánh vịnh 79 ví dân Israel như vườn nho Chúa đã vun trồng, đang xum xuê hoa trái mà sao Chúa bỏ cho hoang tàn:
Làm sao Người nỡ triệt hạ tường giậu nó
Mặc cho khách qua đường bứt quả
Mặc cho heo rừng phá phách tan hoang. (Tv 79, 13-14)
Sách Huấn ca đã phải than thở: “Với người dại chớ có nhiều lời, đừng đồng hành với con lợn”(Hc 22,13).
Sách Cách ngôn cho rằng người dại khờ khó có thể hiểu được những lời khôn ngoan hướng dẫn, họ giống như: “Đàn bà nhan sắc mà đần, khác nào vòng xuyến đeo nhầm mõm heo” (Cn 11,22)
Phúc âm Thánh Matthêu viết: “Ngọc trai chớ quăng trước bầy heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé anh em” (Mt 7,6).
Câu chuyện đứa con hoang đàng. Người con thứ đòi cha chia gia tài. Anh ta đem tiền của đó đi ăn chơi phung phí, đàng điếm. Lúc hết tiền, bạn bè ăn nhậu đều xa lánh. Miền đó lại gặp nạn đói, anh ta phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng, ông chủ bắt anh ta ra đồng trông coi đàn heo. Anh ta ước gì có thể lấy những thứ heo ăn mà thốn cho đầy bụng mà cũng chẳng có ai cho. Lúc ấy anh ta mới ăn năn hối hận trở về nhà và được người cha nhân hậu tiếp đón niềm nở, mở tiệc ăn mừng, vì: “con ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy” (x.Lc 15).
Đến thời Hy lạp La mã thống trị Israel, chuyện nuôi heo trở nên phổ biến.
Chúa Giêsu đã phá bỏ sự phân biệt vật dơ và thánh. Đối với Người cái gì dơ là từ bên trong mà ra. Vì thế không có loài vật nào là dơ cả. Thánh Phêrô thấy thị kiến và Lời Chúa phán với ông: “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế” (Cv 10,9-16)
4. Năm Hợi hứa hẹn ấm no, hạnh phúc
Loại cá thông minh được Hải quân huấn luyện để chống đặc công là loại cá heo. Nước Cuba có vịnh Con Heo. Ở Đức nhiều nơi chọn hình heo con quảng cáo, như một sự may mắn phát tài. Bữa ăn tối ngày đầu năm của người Áo bao giờ cũng có món heo sữa quay, con vật tượng trưng cho mọi điều tốt lành. Con heo có một vị trí quan trọng trong ngày đầu năm ở Áo, vì họ tin rằng con heo lầm lũi bước đi với cái mũi hít đất là biểu tượng hoàn hảo nhất của sự may mắn và “sự chuyển động về phía trước” trong năm mới. Ở một số nước như Cuba, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungragy, con heo biểu trưng cho sự phát triển, tiến bộ. Người ta đều nghĩ như vậy là vì con heo không biết đi lùi. Papua New Guinea là đảo quốc ở phía tây Thái Bình Dương, đa số thổ dân ở đây đều xem heo như một bái vật giáo. Có bộ tộc lấy mỡ heo trộn với tro bếp xoa lên mặt để biểu thị sự dũng mãnh. Có một số tộc trưởng còn xâu một lỗ trên mũi mình rồi cắm chiếc răng heo rừng vào đó để tượng trưng cho uy quyền. Heo là một trong những đồ lễ quan trọng trên cỗ xin đính hôn của các đôi nam nữ. Ở đất nước này có tờ tiền thật với hình con heo mệnh giá 20 Kina do chính phủ in ấn và phát hành từ năm 1999 cho nhu cầu lưu thông tiêu dùng hàng ngày. Tờ tiền con heo Papua New Guinea được ưa chuộng làm tiền mừng tuổi tết cho năm Kỷ Hợi 2019 này, đặc biệt với người Châu Á.
Người Việt và có thể nhiều quốc gia khác cũng có loại heo đất bỏ tiền tiết kiệm.
Con heo tạo nhiều cảm hứng cho hội họa và tranh dân gian mỗi dịp Xuân sang Tết về. Làng Đông Hồ nổi tiếng về vẽ tranh dân gian con heo.
Lợn được coi như là tiêu biểu cho sự may mắn, giàu sang.
Năm Tuất đã qua, năm Hợi lại đến với mọi người qua hình ảnh tượng trưng cho sự an nhàn của chú lợn nên tục ngữ có câu: “Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”, nói đến số phận sung sướng, an nhàn của những người sinh vào năm Hợi, hình như người tuổi Hợi ít ai vất vả cho lắm thì phải!?.
Con heo được người đời nuôi dưỡng, sống nhàn hạ, sung sướng, có lẽ để trả ơn con heo đã đem lại niềm vui, hạnh phúc trong đời sống thường nhật của con người. Năm Kỷ Hợi hy vọng sẽ no đủ, đầm ấm, hạnh phúc đến với mọi nhà.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Tản mạn về "Con Heo" Trong Ca Dao Việt Nam nhân năm "Hợi
* Lê-Ngọc Châu
Lời phi lộ: Bài này đã được phổ biến năm 2007, nhân Tết Đinh Hợi. Thắm thoát 12 năm trôi qua, đúng một giáp. Năm 2019 là Tết Kỷ Hợi, để phù hợp với thời gian người viết hiệu đính đề bài và năm tháng, giới thiệu lại cùng độc giả. Mong hoan hỷ cho mọi sự. Đa tạ (LNC).
Trong khuôn khổ bài này người viết chỉ muốn giới thiệu đến quí độc giả một vài nét đặc thù của dân tộc Việt Nam chúng ta, đó là Ca Dao, đặc biệt những câu ca dao liên quan đến con giáp "Hợi" hay "Heo" nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019.
Nhưng Ca Dao là gì? Theo định nghĩa trong Tập "Tục Ngữ, Thành Ngữ Ca Dao và Dân Ca Việt Nam" của cụ Trần Ngọc Ngải, Chicago, Illinois, USA 1997 thì Ca Dao là những câu hát ngắn ghép thành khúc điệu được phổ thông trong dân gian. Có thể nói Ca dao là văn chương dân gian, rất bình dân và trải qua nhiều thế hệ lịch sử, đã được sinh ra trong những giai đoạn xã hội từ ngàn xưa và lưu truyền cho đến ngày nay. Rất ít người biết rõ được ai là tác giả của ca dao, tuy nhiên ca dao ít nhiều cũng đã là vũ khí chống lại những xâm nhập văn hóa trải qua sự đô hộ của nhiều thời đại. Vì vậy cũng có thể nói rằng Ca Dao Việt Nam đã góp phần không ít trên phương diện bảo tồn nền văn hóa dân tộc Việt. Những câu ca dao tục ngữ, các lời hò, hát dặm hay những bài vè thường đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau như xã hội, gia đình, tín ngưỡng, tình yêu, thiên nhiên v.v... Do đó, ca dao Việt Nam là một kho tàng vô giá, là nền văn hóa căn bản của dân tộc, làm giàu thêm tiếng Việt, vì thế chúng ta nên cố gắng và trang trọng gìn giữ nó. Cho nên khi nói đến ca dao là chúng ta muốn nói đến niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mình.
Như đã nói ở trên, ca dao tục ngữ thường đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, đặc biệt là xã hội, gia đình và tình yêu. Và xã hội nào cũng vậy, có kẻ giàu người nghèo. Đáng buồn là dân nghèo thì chiếm đa số. Để diễn tả sự chênh lệch của hai giai cấp này, trong đó người ta lấy con "Heo" hay "Lợn" làm biểu tượng cho sự giàu có sung túc qua các lễ hội, đám đình vì thế dân gian Việt đã đặt ra bài ca dao sau đây:
"Anh là con trai nhà nghèo
Nàng mà thách thế anh liều anh lo
Cưới em anh nghĩ cũng lo
Con lợn chẳng có, con bò thì không
Tiền gạo chẳng có một đồng
Thiên hạ hàng xứ cũng không đỡ đần
Sớm mai sang hiệu cầm khăn
Cầm được đồng bạc để dành cưới em..."
Cũng có những câu ca dao khen tặng sự khéo léo, chăn nuôi quanh năm hay làm ăn thành công của những gia đình nông dân:
"Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn
Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm."
Hay: "Giàu lợn nái, lãi gà con"
Nuôi lợn để đem bán là một sinh kế của giới nông dân Việt. Lắm khi chẳng được gì nên từ đó cũng nẩy sinh ra những câu ca dao đùa cợt cảnh mấy bà gánh heo đi rồi lại gánh về:
"Ba bà đi bán lợn con
Bán đi chẳng được lon ton chạy về
Ba bà đi bán lợn sề
Bán đi chẳng được chạy về lon ton"
Người đàn bà Á Châu bản tánh vốn đảm đương. Đàn bà Việt Nam xưa nay giỏi trên nhiều phương diện, nhất là lo cho gia đình chồng con. Để diễn tả sự khó nhọc, bổn phận làm vợ và khả năng đa diện của người đàn bà Việt, ca dao có câu:
"Đang khi lửa tắt cơm sôi
Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem
Bây giờ lửa đã cháy rồi
Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm"
Hoặc để ám chỉ sự giàu có của ai đó:
"Cồng cộc bắt cá dưới bàu
Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo"
Cảnh mẹ chồng khắc nghiệt với nàng dâu thời phong kiến và cho đến bây giờ đã làm cho nhiều cuộc tình tan vỡ hay vợ chồng lục đục. Dân Việt chúng ta đã lồng hình ảnh này vào ca dao, tuy nhẹ nhàng nhưng rất phong phú qua lối diễn đạt:
"Bố chồng là lông con lợn
Mẹ chồng như tượng mới tô,
Nàng dâu mới về là bồ chịu chửi"
Dân quê Việt Nam hầu hết nhà nào cũng nuôi gia súc, trâu, bò, gà, vịt, heo... Heo, người ta cố nuôi cho mập, hy vọng chúng đẻ nhiều heo con đem bán lấy tiền nuôi dưỡng gia đình con cái. Con heo thường ăn xong nằm trong chuồng nên ca dao đã tả hình ảnh chú lợn như sau:
"Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ụt ịt (ủn ỉn) mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà (Mẹ) ơi đi chợ mua tôi đồng riềng"
Ai có gia đình con cái đều biết rõ sự khó khăn khi nuôi dưỡng con cái. Cách dạy con trai hay gái thường khác nhau. Đề cập đến phương diện này, ca dao Việt cũng đã diễn tả cảnh nuôi đứa con trai mà không dạy thì cũng giống như nuôi một con lừa. Còn nuôi đứa con gái mà không dạy, thì cũng giống như nuôi một con lợn:
"Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư
Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư"
Nói lên sự thiếu thật thà của con buôn, dân gian cũng có câu:
"Treo đầu heo, bán thịt chó."
Lắm khi cha mẹ phải vắng nhà, giao cho con trẻ trông coi. Khi về nhà thì hỡi ơi, nhiều chuyện bất ngờ xảy ra và ca dao Việt đã ví von kể lại chuyện này, nhẹ nhàng nhưng phản ảnh rõ nét sự ngây thơ của trẻ con:
"Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà.
Bao nhiêu củ rím củ hà
Để cho con lợn con gà nó ăn."
Nhằm trách khéo những người mẹ nghèo muốn con gái mình lấy chồng giàu nên (ngày xưa) đã ép duyên con và đưa đến những chuyện không may như sau:
"Mẹ em tham thúng xôi dền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ lườm mẹ nguýt mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng."
Cảnh ép duyên đôi khi mang lại một cuộc sống buồn, không mấy hạnh phúc đối với người đàn bà Việt tại thôn quê nói riêng. Nhiều người đã mượn ca dao để than trách số phận hẩm hiu của mình:
"Thân em mười sáu tuổi đầu
Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người
Nói ra sợ chị em cười
Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay
Tối về đã mấy năm nay
Buồn riêng thì có, vui rày thì không.
Ngày thời vất vả ngoài đồng
Tối về thời lại nằm không một mình.
Có đêm thức suốt năm canh
Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò."
Thay vì nói rõ ra mình muốn gì, ca dao Việt thâm thúy hơn mượn hình ảnh con lợn để diễn tả ý nghĩ thầm kín đó, nên có câu:
"Trông mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo thì lòng mới ngon"
Cũng có câu ca dao trách khéo sự thiên vị như:
"Mèo theo thịt mỡ ồn ào
Cọp tha con lợn thì nào thấy chi!"
Tỏ tình là cả một nghệ thuật, thông thường mấy chàng văn hoa bóng bẩy nhưng cũng có người mượn con lợn làm phương tiện hầu đạt được cứu cánh. Hãy nghe anh chàng ngố tìm cách làm quen, bày tỏ:
"Cô kia đi chợ Hà Đông
Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi
Anh đi chưa biết mua gì
Hay mua con lợn phòng khi cheo làng"
Đặc biệt ca dao cũng là phương tiện để những chàng trai tìm cách tán tỉnh đàn bà, thiếu nữ. Nhiều anh chàng tỏ tình kín đáo, khéo nói:
"Tình cờ bắt gặp nàng đây
Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần
May xong anh trả tiền công
Bao giờ lấy chồng anh đỡ vốn cho
Anh giúp một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm...
Anh giúp đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đáp đôi tằm em đeo
Anh giúp quan tám tiền cheo..."
Hoặc than thân trách phận vì không cưới được người yêu giống như cảnh con heo bị chủ bỏ đói để rồi mừng rỡ khi ước mơ thành sự thật:
"Yêu nhau chả lấy được nhau
Con lợn bỏ đói buồng cau bỏ già
Bao giờ sum họp một nhà
Con lợn lại béo cau già lại non."
Không những chỉ nhẫn nại thôi mà người đàn bà Việt hy sinh cho chồng con. Lắm khi vì thương chồng phải gánh chịu nhiều cay đắng cho nên ca dao đã để lại những câu:
"Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối,
Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan,
Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan
Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian chê cười."
Người Việt mình, nhất là nữ giới thường mê tín dị đoan. Tết về hay đi xem bói xin quẻ. Để mỉa mai mấy ông thầy bói dỏm, ca dao Việt không nhân nhượng:
"Bói cho một quẻ trong nhà
Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên"
Và để kết thúc bài này, người viết xin nhắc lại vài dữ kiện lịch sử liên quan đến năm Hợi, biểu tượng cho con heo ủn ỉn.
Vào Năm Tân Hợi 1611, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã lấy phần đất của Chiêm Thành lập ra phủ Phú Yên, rồi chia ra làm hai huyện Đồng Xuân và Tuyên Hòa.
Năm Tân Hợi 1851, nhà Nguyễn mở khoa thi hương ở An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định, nên về sau mới có câu:
"An Nhơn có tháp Mò O
Có chùa Thập Tháp có đò Trường Thi"
Riêng năm Đinh Hợi (1645) quân nhà Trịnh Tráng đem đại binh sang đánh Quảng Đông thu hồi đất cũ, mấy vùng quân ta từng làm chủ.
Tết năm 2007 là Tết Đinh Hợi, 12 năm trôi qua thật nhanh. Năm 2019 là Tết Kỷ Hợi, không biết việc gì sẽ xảy ra cho quê hương Việt Nam ?. Mặc dầu đồng hương chúng ta (đôi khi vì hoàn cảnh) tuy vẫn hằng mang tâm trạng:
"Dù ai buôn bán nơi đâu
Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về "
nhưng khi biết rằng tại quê nhà hiện nay người dân vẫn còn sống dưới ách độc tài kềm kẹp của chế độ CSVN nên có rất nhiều người Việt tị nạn cộng sản tuy luôn trăn trở về quê hương, đất nước nhưng cũng đã dằn lòng, vượt qua tình cảm riêng tư chấp nhận kiếp sống lưu vong, ăn Tết tha hương:
"Dân ta khổ sở trăm bề
Cộng sản còn đó có về được chăng!"
Ca dao hay tục ngữ truyền khẩu về con "Heo" thì còn rất nhiều nhưng người viết chỉ trích một số ít ca dao trên đây, rất tiếc bài viết có giới hạn nên tôi không thể trích dẫn hết để trình bày cùng quí vị, xin thông cảm. Nhưng qua đó cũng đủ gói ghém ý nghĩa sâu sắc của ca dao, có thể nói là căn bản của nền văn hóa dân tộc Việt Nam .
* © Lê Ngọc Châu – (Nam Đức, tối 12.12.2018)
(Xuân Đinh Hợi 2007 / XuânKỷ Hợi 2019)
Tài liệu tham khảo: Phỏng tác theo tài liệu của Hà Phương Hoài
NĂM HỢI NÓI CHUYỆN HEO
Chúng ta đang sống trong chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ, nên quỹ đạo bốn mùa (xuân hạ thu đông) hay 12 con giáp (Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi) luôn xoay chuyển. Năm 2019 là xuân Kỷ hợi, năm con heo, xin được nói chuyện về heo.
(Source:image.baidu.com)
Heo là một loài vật có hình dáng tròn trịa mũm mỉm, béo tốt ủn ỉn và hiền từ, khác với loài thú dữ khác như rắn, sư tử, beo… hại người, hại vật. Theo tự điển online, tên khoa học của heo là sus, thuộc họ lợn (suidae), tiếng Anh là pig.Heo còn được gọi là lợn, ỉn, hợi, trư, thỉ và nhiều tên riêng (danh từ riêng đặt cho chúng, như lão Trư, heo Móng Cái, heo Tây Ninh, heo Mọi, heo Tu Lại, ông Hợi, heo Năm Móng, heo Ba Giò, heo Mép, chú Lợn Snowball, cô heo Squealer, vv…).
Trong chuỗi 12 con giáp, ba con vật cuối cùng (gà, chó, và heo) có mối liên hệ gần với con người hơn các con vật như chuột, trâu, cọp, v.v. Heo là một con vật mà chỉ nói đến tên chúng ta cũng có thể cảm thấy gần gũi; một con vật mà hình ảnh của nó đã đi vào thơ ca, hội họa dân gian và là biểu tượng văn hóa. Trong tiếng Việt hằng ngày, heo cũng thường được nhắc đến, nào là "mập như heo", "ngu như heo", "lười như heo", "ăn như heo", "ngủ như heo", "sướng như heo", và "dơ như heo", vv... Nói chung là các từ ngầm so sánh để diễn ta một ai đó không làm gì cả, khỏi phải động não, chẳng hề căng thẳng (stress), mà vẫn "phây phây", tốt tướng, hưởng thụ, nhàn nhã. Nhưng đứng trên phương diện sinh học mà nói, thật ra heo không có tối dạ; trái lại, heo rất thông minh, dễ dạy, ngoan hiền và thân thiện.
Heo là con vật có một mối liên hệ lâu đời nhất với con người, không chỉ người Á châu mà còn cả Âu châu. Đối với người Việt Nam và Trung Quốc, heo gần gũi đến độ được nhân cách hóa qua nhân vật hư cấu nửa người nửa heo Trư Bát Giới trong truyện nổi tiếng “Tây Du Ký”. Đối với các dân tộc sống tại các đảo ngoài lục địa Đông Nam Á, ngoài “chức năng” cung cấp thực phẩm, heo còn là biểu tượng của sự giàu có.
Theo văn hóa Việt Nam hay Châu Á, heo là biểu trưng của tiền bạc, sự phồn thịnh, sung túc, tài lộc, nên nhiều nghệ nhân đã đúc tượng heo vàng, lịch ảnh heo treo tường, heo ống tiết kiệm làm giàu, tranh dân gian để thể hiện sự chúc tụng năm mới nhiều may mắn, con cháu đông vui, sanh sôi nảy nở, phúc lộc dồi dào phong phú. Heo cũng còn là biểu tượng của vật tế lễ cúng bái như sính lễ hôn nhân, đám giỗ, quà cưới cho cô dâu, tạ lễ sau khi thành công ở thương trường buôn bán, sanh con, cúng tế thần linh, lễ khai trương, v.v.
Ở các bán đảo Thái Bình Dương, loại heo không lông Kapia thường được dùng làm con vật để tế thần, vì người ta tin rằng heo có linh hồn, sẽ linh thiêng. Ở Âu châu thời cổ đại, heo là con vật được nữ thần Demeter (thần sinh sản trong thuyết Hy Lạp Cổ Đại) ưa thích. Bởi lẽ, heo là biểu tượng cho sự sinh sản con cái sung túc, nên phụ nữ hay mua heo mạ đồng vàng để trong nhà hay phòng riêng để cầu mắn con. Người thổ dân da đỏ ở Mỹ cũng xem heo là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn. Ở Đức, tham dự vào buổi tiệc có thịt heo vào đêm Noel có ý nghĩa ngăn ngừa quỉ thần và đem lại thịnh vượng, tiền tài cho năm mới. Ở Mỹ, heo được làm biểu tượng của đội thể thao, như đại học Arkansas đặt tên cho đội thể thao là Sus Scrofa (Con Lợn Lòi) (https://en.wikipedia.org/wiki/Domestic_pig) hay Đội Lợn Hoang, đội bóng nhí gồm 12 thành viên thiếu niên bị kẹt trong hang Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan suốt 18 ngày, đã nổi tiếng trên khắp thế giới.
Với trẻ con Việt nam, con heo đất còn là người bạn thân thiết. Thuở nhỏ bé tí, các bé nhóc đã được ba mẹ ông bà dạy cách tiết kiệm bằng cách bỏ vài đồng, vài cắc cent vào chú heo con nho nhỏ, màu vàng, màu bạc hay màu đất để cúng chùa, giúp người nghèo, làm từ thiện... Tích tiểu thành đại! Bài học “heo ống” nhỏ này sẽ giúp trẻ con hay ngay cả người lớn biết xài tiết kiệm, san sẻbố thí, cúng dường làm phước.
Heo là con vật thuộc 12 con giáp, rất thân thiện và gần gũi với con người. Nó sướng nhất vì chỉ ăn và ngủ, khỏi phải lo lắng điều gì. Vì heo vốn là nhàn nhã, sống vô tư, không lo nghĩ, tròn trịa trù phú, mũm mĩm phồn thực, phúc lộc, nên năm heo sẽ mang nhiều niềm vui, vận may, tụ tài lộc, lợi nhuận sung túc thoải mái cả tinh thần và vật chất đến với mọi người.
12 con giáp xoay vần. Năm mới Tết đến. Lại một chú Heo ngấp nghé trước thềm. Chúc mọi người một cuộc sống "sung sướng, nhàn nhã như Heo", "vô tư, không lo nghĩ như Lợn" và "thoải mái từng ngày như Hợi".
Chúc mọi nhà một năm mới đủ ăn, dư mặc, thừa tình yêu thương và giàu lòng quảng đại. Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019!
Thích Nữ Giới Hương
TALK ABOUT THE EARTH PIG IN THE PIG YEAR
(Thích Nữ Giới Hương)
We are living in the periodic circle of the universe; therefore, the circle of four seasons (spring, summer, fall and winter) or the twelve Chinese zodiac signs (rat, ox, tiger, rabbit (cat), dragon, snake, horse, goat, monkey, rooster, dog and pig) is always in motion. The 2019 is the year of pig, so let’s talk about the pig.
Pigs are chubby, cute, and harmless which are different from the fierce animals such as snakes, lions and panthers… which are able to harm human and other animals. According to the online dictionary, the scientific name of pig is sus, belonging to the suidaefamily, translated to English as pig. Pig is also known as hog, porker, piglet, boar, sow, etc. and many other proper names (such as the Old Pig, Móng Cái Pig, Tây Ninh Pig, Wild Pig, Tu Lại Pig, The Pig, Five Trotters Pig, Ba Giò Pig, Mép Pig, The Snowball Pig, The Squeller Pig, etc. …)
Among twelve animals of the Chinese zodiac, the last three (rooster, dog and pig) are closer to humans than the others such as rat, ox, tiger, etc. Thinking of the pig, we oftenthink of itsfriendliness, and many traits that naturally transitioninto poetry, folk paintings and become a cultural symbol.
In everyday Vietnamese language, pig is often mentioned. For instance, “fat like a pig”, “stupid like a pig”, “lazy like a pig”, “sleep like a pig”, “happy like a pig”, “dirty like a pig”... In general, the pig-related words refer to those who have nothing to do, have not used their brains, have no stress; yet they are phlegmatic, good looking, enjoyable and have easy lives. Biologically, pigs are not stupid but are smart, obedient and friendly.
The pig has the closest relationship with human not only inAsian culture but also Europeans. To Vietnamese and Chinese people, the pig is humanized to the character Trư Bát Giới in the fiction of “Journey to the West”. To the people of Southeast Asian islands, besides serving as food, the pig is a symbol of wealth.
According to Vietnamese and Asian cultures, the pig symbolizes wealth, prosperity, comfort, and good luck; hence, the artists are casting the golden pig statues, making calendars with images of the pigs, piggy bank to save money, folk paintings of the pigs celebratingthe new year with wishes with good luck, a crowded and harmonious family, a sense of growing and enriching happiness and wealth. The pig is also a symbol of sacrificial rituals used inbetrothal gifts in weddings, memorial services, service of expressing one’s gratitude when being successful in business, giving birth to a baby, offering to the gods, or at a grand opening service of the new business, etc.
In the Pacific Peninsular, the Kapia Pig is used for sacrificial rituals because it is believed of having a soul. In the ancient Europe, a pig is a favorite animal of Demeter (Goddess of Productivity in Egyptian legends); therefore, women often purchased the golden-copper platedpigs and kept them in their house or room hoping tohave“a sacred child”. The Indian-American considersa pig is a representationfor prosperity and good luck. In Germany, having pig meat on Christmas serves to preventghosts, bringsprosperity and wealth for a new year.
In the United States, the image of the pig is also used for a sport team. The sport team of Ankarsas University was named as Sus Scrofa (Con Lợi Lòi) (https://en.wikipedia.org/wiki/Domestic_pig) or the Wild Pig Team, the soccer team of 12 boys was stuck 18 days in Tham Luang, Chiang Rai province of Northern Thailand, which has got the attention of the world recently due to their dramatic rescue.
To Vietnamese children, the piggy bank is as a close friend. Since they wereyoung, they weretaught to save coins into their piggy banks--brightly decorated in golden, silver or orange-brown colors--by their parents and grandparents. Many managed to save a substantial amount of money! This practice in being frugal and patience is a simple lesson for children, helping them to learn the lesson of charity byoffering their savings to temple, as well as nurturetheir good heart.
Pig is one of the animals of the twelve Chinese zodiac signs, which is friendly and close to human beings. It enjoys a good life which only cares for eating and sleeping and being generallyfree from all sorts of worries. The pig is carefree, happy-go-lucky, chubby for prosperity, plump for flourishing, good luck and fortune; hence, the year of pig will bring happiness, fortune, ideal for gathering wealth, and everyone will enjoy a comfortable year both materially and spiritually. The twelve animals of the Asian zodiac is continually cycling. This year is about to end and a new year is coming. The pig is lingering in front of our doors.
Wishing everyone to continue livingin happiness and freedom, in happy-go-lucky fashion, and in comfort everyday like the pigs.
Wishing your families a blessed New Year full of health, prosperity, love, and generosity!
Happy New Year 2019, The Pig Year to all of you, and your families!
Quỳnh Nga sưu tầm và tổng hợp