MỘT CHUYẾN LÃNG DU - Tôn Nữ Thu Nga

MỘT CHUYẾN LÃNG DU 

Tôn Nữ Thu Nga

Sau hai tuần du ngoạn bằng thuyền qua Bắc Hải, chúng tôi bắt đầu chuyến đi riêng của mình: xuyên Âu Châu bằng xe lửa để đến địa điểm cuối là Paris trước khi về Mỹ.

Từ thuở nhỏ, mộng tang bồng bị gieo vào trí óc do cha tôi và những cuốn sách du ký, các cuốn báo “Thế giới tự do” ông mang về nhà cho con cái đọc. Vì thế, bây giờ có ai trách rằng tại sao tôi đi chu du thế giới mãi thì tôi đổ lỗi cho ông già. Lúc còn trẻ tuổi, tôi mơ ước một ngày nào đó, mình được đeo ba lô, nhảy xe lửa nhẩn nha trôi qua những con đường làng, những thành phố nhỏ của Châu Âu, tự do như một đám mây. Lần này, tuy không còn trẻ nữa, thế nhưng tôi cũng như một đám mây, lại phiêu bồng trong mùa xuân mới của Châu Âu.

Tallinn old town Estonia

Từ Copenhagen, tôi và Tuấn đáp xe lửa Deutsche Bahn Intercity Express về Hamburg. Xe lửa Âu Châu thoạt đầu thì có vẻ phức tạp vì trạm xe lửa tại các thành phố chính rất rộng lớn, chia ra nhiều tầng nhiều nhánh, có tầng toàn là tiệm ăn, tầng khác là các tiệm bán áo quần, mỹ phẩm, giày dép, đủ mọi thứ cho các bà ưa thích mua sắm. Ngoài những tầng khác còn dùng để đậu xe; đường rầy cũng nằm nhiều tầng khác nhau. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào những chi tiết trên vé hoặc ghé lại các quầy chỉ dẫn là bạn sẽ tìm được chuyến xe của mình, toa nào mình sẽ lên và cả số ghế nếu có đặt chỗ trước. Trong trạm xe có nhiều bảng điện tử liệt kê giờ giấc khởi hành, xe chạy đúng giờ nên hành khách không phải chờ lâu. Chỉ có những du khách như chúng tôi, khi nào cũng ráng đến sớm cho chắc ăn vì dù sao mình cũng đang đi thám hiểm xứ lạ quê người. Hành khách tại vùng Bắc Âu rất lịch sự, không dành nhau hoặc chen lấn, đàn ông tôn trọng phụ nữ nên hay nhường bước cho các nàng. Trái lại, thấy ông xã tôi hai tay kéo hai cái hành lý lớn, anh lúng túng khi phải bước xuống thang cuốn; một cô gái trẻ, da nâu, tóc vàng thật xinh đã khiêng hộ anh một valise. Dễ thương quá chừng!

Trên đường qua Hamburg, cảnh đồng quê thật xanh tươi vì đang mùa xuân, những cánh đồng vàng hoa Colza (hạt dùng ép ra dầu Canola) nở rộ xen lẫn giữa màu xanh của lúa mì hoặc các loại cây xanh đang đơm chồi nẩy lộc. Những cánh đồng Canola là phong cảnh của Bắc Âu và Đức xưa nay, ai cũng thích màu vàng tươi thắm này và nhiều du khách hay chọn mùa xuân để đi thăm cảnh đồng quê Châu Âu khi hoa rộ nở, cùng lần với các loại hoa xuân khác như hoa Uất Kim Hương, hoa Anh Túc, hoa Đỗ Quyên, Hoa Sơn lựu (Rhododendron), …

Cánh đồng xuân

Vì phải xuyên qua biển, tàu lửa chui vào một chiếc phà khổng lồ, trên phà có đường rầy, ngay bên cạnh những xe hàng lớn đã đậu sẵn. Vì sự an toàn, hành khách buộc phải lên tầng trên của phà 45 phút để hóng gió, ăn uống hoặc mua sắm nếu muốn. Tới giờ, họ sẽ báo hiệu cho khách trở xuống xe lửa để chạy tiếp. Tôi vác một cái ghế xếp, ngồi ôm máy ảnh, gác chân lên lan can phà, tha hồ chụp ảnh bến tầu lúc phà khởi hành rồi ung dung nhàn hạ chụp ảnh mấy con chim biển sà thật thấp trên đầu mong kiếm thức ăn. Chả mấy chốc, tàu lửa lại chạy ngang qua các cánh đồng rực rỡ, các thành phố nhỏ có từng khu nhà xinh xắn vây quanh một tháp nhà thờ cao vun vút. Chúng tôi ghé và ở lại Hamburg 3 ngày, sau đó lại ghé Cologne chơi 2 ngày. Đó cũng là những ngày rất thích thú mà tôi phải để dành cho một bài viết khác.

Từ Cologne, chúng tôi lên tàu Thalys để về Paris, xe chạy rất nhanh 300km giờ nên chỉ ba giờ mười lăm phút là tới Gare du Nord. Ngồi trên xe tôi cố gắng chụp ảnh những làng quê, các ga nhỏ và nhất là những graffiti đầy màu sắc trên các vách đá ven theo đường rầy, chỉ khi nào xe chạy thật chậm vào ga hoặc ngừng lại vài phút đón khách tôi mới có vài tấm hình rõ ràng, ngoài ra vì xe chạy quá nhanh, dù có để tốc độ máy thật cao tôi cũng bấm máy không kịp, mà có kịp chăng nữa thì hình ảnh cũng mờ nhạt, run rẩy!!!

Sau hơn ba tuần không được đi xe hơi riêng, chỉ thong dong như chim cánh cụt, hôm nay chúng tôi được chị Bích và anh Hóa ra tận ga đón về nhà. Ngồi trên xe cảm thấy thoải mái thật sự khi anh chạy ra khỏi trung tâm thành phố Paris. Khu vực quanh ga thật là hỗn tạp; người và xe cộ lúc nhúc ồn ào. Nghĩ tới chuyện bị phá hoại, tấn công, gài mìn lại càng bi quan nhiều về tình hình chính trị và người tỵ nạn tại xứ này. Trước ngày chúng tôi đi, con gái tôi lo lắng bắt viết xuống cả lịch trình của cha mẹ cho cháu cất giữ, có rủi ro gì còn biết ngã đi tìm. Chưa khi nào lũ con lại lo lắng như vậy khi chúng tôi lặn lội bốn phương trước những năm thế giới bị khủng bố, nhất là những biến động gần đây tại Âu Châu. Tôi và Tuấn thường hay biện luận rằng: nếu mình tới số thì ở nơi nào cũng chết cả, chi bằng được chết trong lúc mình đang sung sướng vui chơi.

Anh Hóa chở chúng tôi về nhà anh chị tại Torcy,nhà anh là chốn nương thân của chúng tôi trong 5 ngày tới. Torcy là một làng nhỏ về phía đông của Paris, cách trung tâm Paris 22km. Làng này có ngôi nhà thờ nhỏ rất xinh ngay giữa phố, bên kia đường là các tiệm cà phê, bánh mì, tiệm hoa… Trong làng có ba chợ Á Đông và tiệm ăn Việt. Tuy vậy, thức ăn ngoài tiệm không ngon bằng thức ăn Việt của chị Bích nấu ở nhà.

Nhà anh chị trồng rất nhiều hoa hồng, hoa tường vi và nhiều loại hoa đẹp. Hoa xuân nở rộ khắp vườn, có những cây hoa hồng đầy cả hoa, cao hơn hiên nhà, thơm ngát hương gió. Tôi cầm máy ảnh, len lỏi ngoài vườn tìm hoa để chụp; nào là mẫu đơn, uất kim hương, hoa chuông, tử la lan, hoa lồng đèn, hoa ti gôn, hoa quỳnh, hoa giấy, hoa cẩm tú cầu và hoa diên vĩ, hoa đổ quyên, hoa lưu ly tím và còn nhiều loại hoa đẹp không kể xiết, mọc len lỏi trong vách, khe đá, bậc thềm. Phía trước nhà có cây hạt dẽ và cây anh đào, trái anh đào còn nhỏ xíu, xanh bóng như viên ngọc bích.

Căn nhà tại thành phố Torcy

Vì chúng tôi đã thăm nhiều danh lam thắng cảnh của nước Pháp và thành phố Paris trong những chuyến đi trước, chuyến này anh Tuấn muốn dành thời giờ để thăm viếng các anh chị họ và tiệc tùng yến ẩm với nhau để ôn chuyện ngày xưa. Tôi thì muốn đi thăm các làng của mấy ông họa sĩ lừng danh nên chúng tôi lập một thời khóa biểu cho cả hai mục đích.

Buổi chiều thứ nhất, anh chị dẫn chúng tôi đi bộ ra phố uống cà phê. Tôi xách theo vài máy ảnh, trong túi có thêm cái điện thoại di động để chụp hình gửi liền cho lũ con. Ai cũng phải chờ tôi vì tôi vừa đi vừa mê mải chụp ảnh các con đường cây xanh chạy song song thật xinh, công viên mát mẻ có các vòm hoa tuyết cầu dễ thương và ngôi nhà thờ cổ kính. Chị Bích thích chụp ảnh nên không nề hà, chỉ có anh Tuấn là hay nhăn nhó vì sợ mụ vợ mình làm phiền mọi người… như thường lệ vì tánh đam mê chụp ảnh. Dùng giải khát xong, chúng tôi đi bộ về, vì thấy tôi mệt, anh Hóa và Tuấn thương tình đi nhanh về trước, lấy xe ra đón hai bà vợ.

Mấy hôm nay thời tiết ở đây trở nên nóng ấm, buổi tối chúng tôi phải mở cửa sổ vì cần hơi gió, may mà không có muỗi nên không bị cắn. Sáng dậy vừa mở mắt tôi nghe tiếng ong bay vù vù, thì ra có một chú ong vừa mập vừa đen xâm nhập vào từ cửa sổ, sợ quá tôi vớ tấm khăn trãi giường trùm kín lên đầu. Sau khi bay mấy vòng do thám, chú ong thấy không có gì hấp dẫn nên bay trở ra ngoài. Mừng quá, tôi vội nhỏm dậy đi đóng cửa sổ, nhanh nhẩu quá nên lăn tòm xuống nền nhà, may mà cái giường chỉ cách mặt đất nửa thước nên tôi hạ cánh an toàn và nguyên vẹn. Đóng được cửa sổ rồi mới ngồi xuống ôm bụng cười khì.

Dùng điểm tâm bằng cà phê, bánh mì baguette, fromage, pâté và bánh ngọt chị Bích mới mua từ tiệm bánh đầu đường. Thật ra thì bên nhà tại California chúng tôi cũng thường ăn như vậy nhưng có một điểm khác là phải lái xe đi xa mới có bánh mì nóng mới ra lò, còn không thì nướng lại bánh mì đông lạnh. Cái thú khác biệt là ở Pháp hoặc Đức, mình chỉ cần tản bộ chút xíu ra phố là được ăn sướng như …Tây!

Van Gogh ngày tháng cuối

Hôm nay chúng tôi đi Auvers sur Oise (làng Auvers trên sông Oise), cách Torcy 65 cây số. Làng Auvers hướng Tây Bắc, ngoại ô Paris, cách Paris chỉ 35 cây số. Địa danh này liên hệ với một số họa sĩ nổi tiếng. Người được nổi danh và nhắc đến nhiều nhất là Vincent Van Gogh. Một họa sĩ tôi rất ngưỡng mộ , tranh ông vẽ chưng bày tại nhiều Bảo Tàng Viện khắp thế giới và có nhiều tấm giá có thể từ 80 đến 150 triệu US dollars.

Thời gian ông sống tại Auvers Sur Oise chỉ 3 tháng cuối đời, trước khi ông tự sát vì bệnh tâm thần ở tuổi 37. Trong thời gian này, ông đã vẽ 77 bức tranh.Tôi muốn tới đây để nhìn ngắm tận mắt những quang cảnh Van Gogh đã nhìn thấy quanh làng trong tháng 5 cho tới tháng 8 năm 1890. Khoảng thời gian ông đã vẽ những bức tranh linh động và màu sắc rực rỡ nhất, khi ông đang ở trong trạng thái xuất thần tột độ trước khi kết liễu cuộc đời mình bằng các viên đạn bắn vào ngực, trên cánh đồng lúa mì. Hai ngày sau ông lìa đời tại phòng trọ của mình tại Auberge Ravoux , căn nhà số 8 Rue de la Sansonne. Trước nhà trọ là tòa thị chính của Auvers, cơ sở này đã được Van Gogh vẽ lại trong một bức tranh, đến bây giờ là 127 năm vẫn không thay đổi.

Bờ Tường Vi

Từ đường Sansonne, chúng tôi rẽ vào con lộ nhỏ thoai thoải dẫn lên đồi. Tôi sung sướng ngất ngây vì cảnh đẹp, mê mải chụp hình các vách tường rêu mốc cũ xưa, dọc theo chân tường. Hoa diên vĩ tím nở hoa màu tím đậm, tím nhạt hay ngả sắc hồng; gợi nhớ bức tranh Irises (Paul Getty Museum). Tôi hình dung người họa sĩ với mái tóc đỏ hoe, ngồi sau giá vẽ, vạch lên khung vải những lằn sơn mạnh mẽ thắm tươi để lưu lại cho đời một mùa xuân miên viễn. Tôi cũng đi trên con đường theo bước chân ông, nhìn ngàn hoa đua nở trong tháng năm, nhìn những bức tường loang lỗ phủ đầy hoa hồng để nhớ luôn cả câu “bờ tường vi…” trong bài ca “Hà Nội ngày tháng cũ” của Song Ngọc. Quá khứ bao giờ cũng tuyệt diệu, thế nhưng Van Gogh càng tuyệt diệu hơn khi ghi lại được những hình ảnh của quá khứ bằng màu sắc hiện thực với tâm tư sôi động của mình. Ngợi khen nước Pháp đã bảo tồn Auvers như trăm năm trước để ngày hôm nay tôi được chiêm ngưỡng những cảnh thật trong tranh.

Nhà thờ Notre Dame tại Auvers

Nhà thờ Notre Dame của làng Auvers ngự trị trên ngọn đồi thấp, tuy vậy đứng trong sân nhà thờ có thể nhìn ra xa quang cảnh phố, mái ngói cổ kính và dòng sông Oise nước trong xanh phản chiếu màu lá cây hai bên bờ. Căn nhà thờ này cũng hiện diện trong một bức tranh, màu sắc cũng tương tự như cảnh thật. Phía bên phải của nhà thờ, tôi thấy một vạt hoa Oải Hương màu tím nhạt, thơm nhẹ trong gió, mấy con ong bay nhảy trong đám hoa, tuy sợ ong chích, tôi cũng cố gắng chụp cận cảnh ong hút mật hoa. Sau khi bước lui ra xa, tôi chợt thấy có một khung cửa gỗ bạc màu sương gió, giữa bức tường loang lổ, vôi tróc khá hoang tàn, cạnh đó là một gốc hoa hồng xum xuê những đóa hồng nhạt và một vạt oải hương tím. Tôi vội vàng chụp vài tấm, vừa dùng máy chuyên nghiệp vừa dùng máy điện thoại di động. Tấm hình trong điện thoại là tấm tôi ngắm nhìn hoài, dù vui dù buồn, đớn đau hay giận dữ, khi nhìn vào tấm ảnh ấy, lòng tôi thường dịu lại ngay tức khắc, có lẽ nhờ màu sắc nhu hòa hay sự cô quạnh và đơn giản của tấm ảnh có khả năng xoa dịu tâm hồn mình. Họa sĩ Van Gogh ngày xưa dùng sơn và cọ, bây giờ tôi dùng máy ảnh, cùng ghi lại những bức tranh hoài cảm. Nếu Van Gogh sống trong hiện tại, có thể ông cũng vác máy hình đi lang thang khắp bốn phương trời như chúng tôi.

Ra khỏi khuôn viên nhà thờ, tôi rẽ qua phía trái. Trời bắt đầu mưa lâm râm, tôi ôm máy hình che trước ngực, rảo bước trên con đường nhỏ, hai bên là rặng cây xanh. Góc đường có tấm bảng chỉ dẫn hướng đi về phía mộ của Vincent và Theo Van Gogh (Theo là em trai của Vincent, người đã cận kề săn sóc anh mình nhiều năm cho đến ngày Vincent tạ thế – Theo cũng chết trẻ vì bệnh, mới 33 tuổi, sáu tháng sau Vincent Van Gogh). Theo con đường trước mặt, chúng tôi đi bộ trong mưa, lúc mưa nặng hạt, chúng tôi kiếm được một băng đá dưới tàng cây rậm ngồi lại trú mưa, lúc bớt mưa lại chụp ảnh cho nhau trên con đường mòn, hai bên là cánh đồng lúa mì còn xanh nhưng trĩu hạt. Vào thời điểm tháng 5 , 1889, Vincent Van Gogh đã vẽ bức tranh “Green wheat Field” và “ Wheat Field with Rising Sun”  tại St. Remy. Tháng bảy, khi lúa chín vàng, lũ quạ đen kéo về kiếm ăn tại cánh đồng lúa mì của Auvers là lúc Vincent Van Gogh vẽ bức tranh “Wheatfield with crows”. Trong tranh, đường mòn uốn cong giữa hai cánh đồng, trên đường cỏ còn xanh nhưng lúa mì đã chín vàng trong bầu trời mùa hạ xanh đậm, vần vũ vài đám mây trắng, bầy quạ đen từ chân trời bay đến như hồ hởi, vồ vập trên mâm cổ, chúng dang đôi cánh, lượn lờ như đám mây đen trên cánh đồng vàng thắm. Tôi đã ngừng tại con đường mòn phía trái của bức tranh, để chụp tấm ảnh hoang tàn đầy cỏ dại trên con đường đất ấy, một con đường ngày xưa tôi thoáng thấy trong tranh.

Bức tranh Wheatfield with Crows được cho rằng đó là bức tranh cuối cùng Van Gogh vẽ, trước khi tự kết liễu đời mình.

Đi được nửa cánh đồng, gió bỗng thổi mạnh , mưa ào ạt đổ xuống, ướt nhưng không lạnh. Chúng tôi chạy như ma đuổi về phía cổng nghĩa địa vì thấy có chỗ trú mưa, không phải lo cho mình mà sợ mấy cái máy ảnh bị ướt. Ha ha, ông Vincent ơi, nếu mưa làm loãng sơn thì làm sao ông vẽ được những tấm tranh với sắc màu tuyệt diệu? Ông cũng phải chạy đi tìm chỗ trú mà thôi!

Mưa dứt, tôi rảo quanh tìm ngôi mộ Van Gogh. Thấy hai ngôi mộ của hai anh em nằm bên nhau; mộ được phủ kín bằng dây Ivy, hai tấm bia đá giản dị có khắc tên năm sinh và năm mất. Tuy mộ không bề thế xa hoa như các ngôi mộ trong khu nghĩa địa nhỏ này, nhưng đó là địa điểm được viếng thăm nhiều nhất.Tôi đi quanh quẩn chụp hình những ngôi mộ khác, nhiều ngôi mộ phủ đầy hoa, cả giả lẫn thật, có nhiều cành hoa bằng sứ thật xinh. Có ngôi mộ thật xưa, rêu mốc đen sì nhưng lại có cây hoa hồng rũ bóng thật đẹp, những đóa hoa hồng tươi đậm làm tấm hình tôi chụp có một sự tương phản đặc biệt giữa đời sống và sự chết, giữa quá khứ và hiện tại.

Đi bộ về phố, ba người đồng hành bương bả đi kiếm tiệm ăn, tôi thủng thẳng đi sau, ngó trời ngó đất, bỗng dưng khi nhìn xuống chân, tôi thấy một cái nắp kim loại tròn, màu bạc, đường kính khoảng 1 tấc. trên có khắc chữ Vincent. Tôi bèn rút điện thoại di động, chụp cái hình để sau này tìm hiểu tại sao lại có dấu hiệu này trên đường mình đi. Khi tôi nhìn lại tấm hình thì thấy nửa bàn chân mình đang bước tới, tính xóa đi để chụp tấm khác, không hiểu sao tôi lại ngần ngừ, tấm hình cũng lạ, có cái bàn chân đi tìm dấu tích của Vincent Van Gogh. Tôi bèn chụp thêm vài tấm nữa; vì ống kính của điện thoại rất rộng nên tôi phải né ra xa mới không thấy bàn chân mình trong ấy. Sau này nhìn lại, tấm ảnh với nửa bàn chân có nhiều ý nghĩa hơn là tấm hình kỷ niệm tên ông Vincent. Chỉ có nửa bàn chân thôi, tấm ảnh kỷ niệm đơn giản ấy đã biến thành một tấm ảnh nghệ thuật.

Thăm thêm vài di tích và chụp thêm mấy tấm ảnh căn nhà trọ Ravoux Inn, tòa thị sảnh và các quán cà phê lộ thiên chúng tôi giã từ Auvers. Nài nỉ tài xế cho xuống bờ sông Oise, tôi hí hửng chạy một mạch ra tận bờ, chụp ảnh dòng sông xanh như ngọc thạch. Hai bên bờ sông, rặng cây mùa xuân mượt mà rũ tóc xanh non, trên chiếc bè gỗ, bọn trẻ con chơi đùa, nhảy bơi trong dòng nước mát. Ôi tuổi xuân trong mùa xuân, sao mà sung sướng quá! Aurevoir Mr. Van Gogh!

Dòng sông Oise

Vườn hoa mùa xuân của Monet

Hôm nay trời có mây mù, ánh sáng thiên nhiên cũng trung dung giữa hai thái cực trong thế giới ánh sáng của bình minh và hoàng hôn mà họa sĩ Monet đã tận dụng trong kỹ thuật vẽ. Vì đường đang bị sửa chữa nên chúng tôi phải đi vòng vo tam quốc một chút khi du hành tới Giverny, nơi họa sĩ Monet sống, xây dựng vườn hoa, hồ sen để vẽ tranh trong nhiều năm. Đi vòng vo thì khổ cho tài xế nhưng tôi thích lắm. Trước hết là phải đi qua một cái làng xưa cổ, có nhà thờ (dĩ nhiên) rất xinh xắn ngay giữa làng, sau đó là con đường ngoằn ngoèo xuyên qua làng, nhà trong làng phần lớn bằng đá, vách tường cũng bằng đá; hoa leo trèo khắp nơi rất duyên dáng và tôi may mắn được xuống xe 5 phút để chụp hình; lực sĩ chạy bộ trong thế vận hội chắc cũng chào thua khi thấy vận tốc vừa chạy vừa chụp của tôi. Trong lúc tôi đang chờ phút tái sinh thì xe lại chạy qua những làng xóm khác, cũng yên lặng, cây cối cũng xanh tươi nhưng không có đặc tính, tôi không còn hứng thú chụp hình nữa nên lăn quay ra ngủ.

Đến Giverny, xe đậu ngay dưới một cây hoa hồng trắng khổng lồ, tôi hớn hở nhảy ra khỏi xe ngắm nghía loại hoa đặc biệt này, hoa trồng thật nhiều và cao nên chỗ đậu xe khá im mát. Ra khỏi khu xe đậu, sau hàng rào hoa là bảo tàng viện, những sườn đồi thoai thoải quanh viện phủ đầy hoa Anh Túc màu đỏ. Trong một tấm tranh của Monet, ông vẽ đồi hoa Anh Túc có cô gái cầm dù, đi bộ với một cô bé gái chỉ cao hơn thân hoa chút xíu, đội mũ lát có dây ruban cùng màu với hoa. Ẩn hiện sau rặng cây xanh là tòa biệt thự, có lẽ hai tiểu thơ này là người trú ngụ tại căn biệt thự nọ và đang đi dạo trong cánh đồng hoa dưới bầu trời xuân xanh biếc có những cụm mây trắng lững lờ bay. Xa xa trên đồi, có hai người khác cũng đang đi ngắm hoa, quang cảnh trong tranh thật an bình (Coquelicots, La promenade). Bây giờ, tại Giverny, khu vực bảo tàng viện cũng có cánh đồng hoa poppy gần giống đồng hoa tại Argenteuil, du khách lũ lượt thay nhau chụp ảnh, kêu réo chí chóe tiếng Tiều, tiếng Quảng. Thấy vậy chúng tôi chỉ nhìn xem chút xíu qua hàng rào rồi theo bảng chỉ dẫn đi kiếm nhà cụ Monet (Monet thọ đến 86 tuổi).

Vườn hoa của họa sĩ Monet

Monet sống tại Giverny từ năm 1883, ông mua nhà và bắt đầu xây dựng một vườn hoa cùng với hồ hoa súng (Nympheas). Năm 1899 ông bắt đầu vẽ loạt tranh hoa súng và chiếc cầu Nhật Bản ông xây trên ao. Trong vòng 20 năm, ông đã vẽ rất nhiều bức tranh hoa súng trên hồ, và trở thành lừng danh vì ngày nay ai cũng nhớ tới tên ông qua những bức tranh này. Tranh ông vẽ treo khắp thế giới trong các viện bảo tàng hoặc các bộ sưu tập tư nhân, giá cả thì cũng mấy mươi triệu đô la một tấm. Ngày nay, toàn khu vực được  Foundation Monet quản trị vì cả khuôn viên được hiến cho Academie Des Beaux-Art từ năm 1966 do con trai của Monet là Michael Monet.

Nhà của họa sĩ Monet

Căn nhà được trùng tu lại rất đẹp, tường màu hồng và cửa màu xanh lá cây, trên lối đi bộ quanh nhà, có các thân dây leo, lá xanh rậm quấn quít duyên dáng trên hàng cột bên hiên. Trong nhà bạn có thể thấy phòng ông dùng để vẽ tranh, phòng ngủ của ông và thân nhân, phòng ăn, phòng bếp v.v. phòng nào cũng trang hoàng thanh nhã, màu sắc hài hòa. Trong bếp có dụng cụ nấu ăn sáng loáng treo trên tường đủ làm các nội trợ mê hồn.

Bếp nhà Monet

Toàn thể khuôn viên chia làm hai phần: vườn hoa trước nhà gọi là Clos Norman và khu vườn Nhật phía bên kia đường, xuyên qua một địa đạo để tránh con đường bên trên.

Chúng tôi tha thẩn trong khu Clos Norman chụp hình hoa đã đời, vị trí nào cũng xinh tươi đáng chụp cả nên không rời bước được. Thế nhưng khi qua bên khu vườn Nhật thì quang cảnh lại càng thích thú muôn phần. Bên này là vị trí họa sĩ Monet vẽ cảnh chiếc cầu Nhật Bản, hồ hoa súng và các bức tranh khổ lớn đang được luân phiên triển lãm tại những viện bảo tàng danh tiếng khắp thế giới. Tôi đã được ngắm ba bức tranh hoa súng khổ lớn tại MOMA (Museum of Modern Art in New York) năm 2008 và tấm ảnh chiếc cầu Nhật Bản trên hồ hoa súng tại Metropolitan Musewm of Art trong cùng thời điểm.

cầu Nhật Bản

Trong khu vực này, bạn có thể dạo quanh  hồ, lạch nước và những chiếc cầu nho nhỏ rất xinh xắn bắt qua dòng nước quanh co, bóng phản chiếu trên mặt nước, khi phẳng lặng, khi lăn tăn nhăn nhúm theo cơn gió nhẹ . Trên đường đi, có rặng tre xanh mướt, đủ loài hoa khoe sắc thắm trang điểm lối đi, có hoa Tử Đằng rủ bóng trên cầu, tha hồ mà chụp ảnh. Trên hồ, hoa súng đang nở rộ, có màu hồng đậm, nhạt, vàng hay trắng trên chùm lá tròn xanh tía trải mong manh trên nước, vài người làm vườn đứng trên thuyền nan nhỏ, dùng lưới vớt rong quanh quẩn trong hồ.

 

Dạo chơi mãi lâu, thấy gần giờ đóng cửa, chúng tôi ra về, trên đường ra khu đậu xe, chị Bích ngồi chờ chúng tôi trong quán cà phê xinh xắn, chúng tôi sà xuống bàn, thở dốc, gọi thức uống và ăn mấy cái bánh beignet nhỏ xíu nhưng ngon tuyệt. Trên đường về, ba hành khách ngủ gà gật để một mình tài xế là anh Hóa lái xe chạy bon bon trên xa lộ; đôi khi tôi chợt tỉnh, nhìn ra cảnh đồng quê, nóc nhà xưa của các làng mạc nho nhỏ thật thơ mộng lướt qua nhanh như thời gian tôi lang bạt tại Âu Châu. Chuyến đi nào tôi cũng luyến tiếc, không muốn về nhà.

Có người nói chuyến đi này của tôi là một chuyến hành hương để tìm thăm các họa sĩ nổi tiếng, nhưng tôi thì cho rằng đây là một chuyến đi cho thỏa mộng giang hồ lãng tử của mình và dù có ráng đi tìm lại hồn mình thì tôi cũng chỉ tìm ra được cái hồn lãng tử mà thôi. Vì thế, tôi còn phải ra đi nhiều lần nữa!


Tôn Nữ Thu Nga    
California- San Dimas, July 21, 2017.
Chú Thích: Tài liệu từ Wikipedia and museum brochures. Ảnh tư liệu Nhiếp Ảnh Gia Tôn Nữ Thu Nga

 

Ánh Tuyết st

Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %14 %561 %2019 %08:%03
back to top