THÀNH PHỐ STRASBOURG: BIỂU TƯỢNG HÒA GIẢI PHÁP – ĐỨC

THÀNH PHỐ STRASBOURG :

BIỂU TƯỢNG HÒA GIẢI  PHÁP – ĐỨC

~~<><><><>~~

Khi nói tới các thành phố nổi tiếng về lịch sử và văn hóa của Pháp, không thể không nhắc tới Strasbourg – thủ phủ của vùng Alsace – nằm cách Paris gần 500 km về phía Đông, giáp biên giới với Đức. Bản thân tên gọi Strasbourg có xuất xứ từ từ Straßburg trong tiếng Đức (tạm dịch là « pháo đài bên đường »). Từ biểu tượng cho sự tranh giành và chuyển giao quyền lực giữa hai nước Đức – Pháp, ngày nay, Strasbourg đã trở thành biểu tượng cho sự hợp tác giữa hai nước nói riêng và hòa bình ở châu Âu nói chung

Xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển trong hơn 2000 năm, Strasbourg đã sớm trở thành một thành phố thịnh vượng nhưng cũng đã trải qua nhiều thăng trầm và các cuộc tranh giành dai dẳng giữa hai nước Pháp và Đức.

Ngược dòng thời gian, Strabourg khi thì thuộc lãnh thổ nước Pháp, khi thì về tay nước Đức. Chính vị trí địa lý đặc biệt và những yếu tố lịch sử đã làm nên một Strasbourg với những nét giao thoa văn hóa Pháp – Đức. Có thể nói Strasbourg như một dấu ấn Đức trong lòng nước Pháp.

Những ngôi nhà đặc trưng cho kiến trúc của Đức tại Petite France, Strasbourg, Pháp

Strasbourg, sự tranh giành không mệt mỏi giữa Đức và Pháp

Strasbourg trước đây là khu thành Argentoratum do đế chế La Mã xây dựng vào năm 12 trước Công Nguyên. Argentoratum có nghĩa là « thành phố bên dòng sông ». Khi đế chế La Mã sụp đổ, thành Argentoratum mất vị thế quan trọng. Năm 496, trên mảnh đất này, người Đức xây dựng một thành phố mới với tên gọi Strateburgum (tạm dịch là « thành phố pháo đài »).

Vào thời Trung Cổ, thành phố phát triển thịnh vượng cả về kinh tế và văn hóa. Năm 1681, dưới thời vua Louis XIV trị vì, Pháp chiếm được thành phố và phiên âm tên thành phố sang tiếng Pháp là Strasbourg.

Mặc dù Strasbourg thuộc về tay Pháp nhưng tiếng Đức vẫn là ngôn ngữ phổ thông và thành phố vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Đức. Sau này, Napoléon đã biến Strasbourg thành thành phố chiến lược trong công cuộc chinh phục châu Âu.

Chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra năm 1870. Quân Đức đã bao vây và bắn phá dữ dội Strasbourg. Năm 1871 đánh dấu thất bại của Pháp trong chiến tranh Pháp – Phổ. Pháp buộc phải ký Hiệp ước Frankfurt nhượng Strasbourg và vùng Alsace, Loraine cho Đức. Người Pháp coi đây là một thất bại cay đắng. Tuy nhiên, dưới sự cai quản của nước Đức, kinh tế Strasbourg đã phát triển rất mạnh mẽ.

Năm 1918, Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất kết thúc. Nước Đức đại bại. Theo Hòa ước Versailles 1919, nước Pháp giành lại được Strasbourg.

Thế nhưng, năm 1939, Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai nổ ra, lại một lần nữa thành phố Strasbourg bị quân đội Đức chiếm đóng. Toàn bộ dân chúng phải di tản. Tiếng Pháp bị cấm sử dụng. Tên các đường phố cũng bị đổi sang tiếng Đức.

Vào thời kỳ này, quân Đồng Minh đã dội bom Strasbourg nhiều lần nhưng Strasbourg có một may mắn hiếm có, đó là các công trình kiến trúc có giá trị đã không hề hấn gì : nhà thờ Đức Bà, khu phố cổ Ile de la Cité với hàng trăm ngôi nhà cổ tuyệt đẹp đã may mắn thoát khỏi bom đạn. Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, Strasbourg lại thuộc về Pháp.

Strasbourg Cathedral

Strasbourg, dấu ấn Đức trong lòng nước Pháp

Khi đến Strasbourg, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy dấu ấn của nền văn hóa Đức vẫn còn được lưu lại nơi đây. Strasbourg được chia thành 10 quận. Phần lớn được đặt tên theo tiếng Đức : Meinau, Robertsau-Wacken, Neuhof-Stockfelf-Ganzau… Nếu nhìn trên bản đồ, du khách cũng sẽ thấy có nhiều tên phố, tên đường bằng tiếng Đức : Fritz, Spitz, Kelh, Krutenau, Munch, Prechter, Spielmann, Finkwiller…

Với những đặc thù về lịch sử như vậy, hiện tại, Strasbourg vẫn còn một số công trình theo phong cách kiến trúc của Đức, tiêu biểu là trong khu vực Neustadt có nghĩa là « thành phố mới ». Neustadt được xây dựng trong thời kỳ Đức chiếm được Strasbourg sau Chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870-1871. Vào thời kỳ đó, Neustadt là biểu tượng cho sự thay đổi chế độ và quyền lực đế chế Phổ. Vì thế, người Pháp còn gọi đó là khu phố Đức hay khu phố của Hoàng đế (Hoàng đế Phổ).

Neustadt nổi tiếng với quảng trường Hoàng Gia, nay là Quảng trường Cộng Hòa và Cung điện Hoàng Gia, nay gọi là Cung điện sông Rhin. Cung điện Hoàng Gia là nơi trước đây Hoàng đế Phổ thường lưu lại mỗi khi tới Strasbourg.

Việc xây dựng Neustadt cũng nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho những cư dân mới của thành phố Strasbourg thời đó. Việc sát nhập Strasbourg vào Đức đã tạo nên một làn sóng người dân Đức tới định cư tại thành phố này. Trong vòng hơn 40 năm, từ năm 1871 tới năm 1915, dân số Strasbourg đã tăng hơn hai lần từ 80.000 người lên 180.000 người. So với các tòa nhà khác cùng thời kỳ, các tòa nhà ở khu Neustadt được trang bị rất hiện đại, tầng nào cũng có nước và khí ga.

Neustadt

Điều này được ghi rõ trên các biển hiệu tráng men gắn ở mặt trước của các tòa nhà.
Neustadt là một trong những khu đô thị mở rộng đáng chú ý nhất giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn nhất ở châu Âu. Năm 2015, bộ Văn hóa Pháp đã đệ trình hồ sơ để UNESCO xem xét xếp hạng Neustadt là Di Sản Thế Giới.

Dấu ấn Đức ở Strasbourg còn thể hiện rất rõ nét qua kiến trúc các ngôi nhà trong khu phố cổ Ile de la Cité. Đây là các ngôi nhà cổ kính khung bằng gỗ theo phong cách kiến trúc Fachwerk đặc trưng của miền Nam nước Đức. Hệ thống kèo, cột đỡ bằng gỗ nguyên khối lộ ra sườn bên ngoài của ngôi nhà tạo cảm giác rất vững chãi nhưng cũng là điểm nhấn trang trí cho ngôi nhà. Khi đến Strasbourg, chắc hẳn ai cũng phải trầm trồ khi ngắm nhìn những ngôi nhà cổ có khung gỗ sẫm màu nổi bật trên nền tường sơn trắng với nhiều ô cửa sổ nhỏ xinh, mái nhà cao và rất dốc.

Chúng ta có thể bắt gặp những ngôi nhà xây theo phong cách Fachwerk của Đức rải rác đâu đó tại nhiều nước châu Âu khác như Thụy Sỹ, Anh, Áo… Nhưng ở Strasbourg, các ngôi nhà khung gỗ nằm liền kề nhau, nghiêng mình soi bóng bên dòng nước uốn lượn mềm mại đã làm nên một vẻ đẹp rất riêng cho thành phố.

Vào mùa hè, vẻ đẹp những ngôi nhà lại được tô điểm thêm bởi những chậu hoa nhỏ, xinh xắn, đủ màu sắc đặt bên các bệ cửa sổ. Tới mùa đông, những ngọn đèn trang trí Giáng Sinh lấp lánh càng làm các ngôi nhà cổ trở nên lung linh, huyền ảo hơn. Tới Strasbourg, đi trên những con phố nhỏ, ngắm nhìn những ngôi nhà khung gỗ cổ kính, du khách sẽ có cảm giác như đang đi lạc vào thế giới cổ tích.

Strasbourg, biểu tượng cho sự hòa giải Pháp – Đức và thống nhất châu Âu

Sau Chiến Tranh Thế Giới lần thứ hai, với những nỗ lực của ông Pierre Pflimlin, thị trưởng thành phố, Strasbourg đã trở thành biểu tượng cho sự hòa giải Pháp – Đức và thống nhất châu Âu.

Năm 1991, hai nước đã hợp tác thành lập kênh truyền hình văn hóa Pháp-Đức ARTE, có trụ sở đặt tại Strasbourg, với mục tiêu kết nối người dân châu Âu. Các chương trình đều được phát bằng hai thứ tiếng Pháp, Đức và phủ song toàn châu Âu.

Cùng với Geneve, Lyon, Montréal, New York, Strasbourg là một trong số ít các thành phố không phải là thủ đô của một nước nhưng lại là thành phố đặt trụ sở của các tổ chức Quốc tế. Strasbourg được coi là « thủ đô » hay « thủ đô Quốc hội » của Châu Âu, là nơi đặt trụ sở rất nhiều cơ quan đầu não của Liên Hiệp Châu Âu như Hội Đồng Châu Âu, Quốc Hội Châu Âu, Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu…

Tại Strasbourg, có ba công trình tiêu biểu cho tình hữu nghị Pháp – Đức và thống nhất châu Âu, đó là cây cầu Pont de l’Europe (cầu châu Âu), cây cầu Mimram và công viên Le Jardin des Deux Rives (Công Viên Đôi Bờ Sông).

Ngược dòng thời gian, từ năm 1388 đã có cây cầu Lange Bruck nối hai bờ sông Rhin. Trải qua bao thăng trầm trong lịch sử, cầu Lange Bruck đã nhiều lần bị phá hủy rồi lại được xây mới. Trong Thế Chiến Thứ Hai, cây cầu nối hai bên chiến tuyến đã bị phá hủy hoàn toàn.

Sau chiến tranh, những cây cầu nổi, cầu gỗ, cầu tạm đã được xây dựng nhưng không trụ được lâu dài. Năm 1951, hai nước Pháp và Đức chính thức thỏa thuận xây dựng một cây cầu đường bộ vững chắc. Cây cầu được đặt tên là Cầu Châu Âu, được khánh thành năm 1960, dài 245m, nối thành phố Strasbourg và thành phố Kehl của Đức, đánh dấu hòa bình trở lại trên lãnh thổ châu Âu và sự hòa giải Pháp – Đức.

Strasbourg – Kehl Mimram Bridge

Cây cầu Mimram nằm trong công viên Đôi Bờ Sông. Cầu Mimram là một cây cầu nhỏ được thiết kế theo phong cách nghệ thuật đương đại và chỉ dành cho khách bộ hành và người đi xe đạp. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ 21, diễn ra tại hai thành phố Strasbourg của Pháp và Kehl của Đức vào năm 2009, lãnh đạo các nước thành viên NATO do thủ tướng Đức Angela Merkel dẫn đầu đã đi từ phía thành phố Kehl đến giữa cầu Mimram.

Tại đó, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, đến từ Strasbourg, đã đợi sẵn và nồng nhiệt đón chào phái đoàn. Bức ảnh chụp trên cầu Mimram đã trở thành bức ảnh đại diện chính thức của Hội nghị thượng tỉnh NATO năm đó.

Còn công viên Đôi Bờ Sông có diện tích 150 ha là không gian lý tưởng cho các cuộc dạo chơi của người dân Pháp và Đức. Công viên gồm hai nửa được nối với nhau bằng cây cầu Mimram: nửa bên bờ sông thuộc lãnh thổ Pháp thiên về phong cách nghệ thuật với 19 vườn sinh vật theo chủ đề, nửa bên bờ sông thuộc lãnh thổ Đức dành cho các triển lãm hoa và trưng bày các công nghệ trong lĩnh vực môi trường.

STRASBOURG, NƠI HÒA QUYỆN CỦA NHIỀU NÉT ĐẸP CHÂU ÂU

Nghị viện Châu Âu

Nhà thờ Eglise Saint Paul 

Thành phố Tận hưởng bốn mùa

Một điều thú vị ở Strasbourg là bốn mùa xuân, hạ, thu, đông được phân biệt rõ rệt. Vào mùa xuân, những cây cối vươn mình đâm chồi nảy lộc sau một thời gian bị chìm mình trong băng tuyết. Các nụ hoa cũng thi nhau khoe sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Hầu hết nhà nào cũng trang trí những giỏ hoa trước cửa sổ trông thật đẹp và nên thơ. Những vườn hoa anh đào trong khu Nghị viện châu Âu cũng nở rộ, du khách đã đến đây rồi thì khó lòng mà quay về.

Mùa hè đến, nhiệt độ có khi tăng đến 37-38 độ C làm cho mọi người có cảm giác giống như đang ở một xứ xở nhiệt đới. Lúc này, du khách có thể đạp xe dạo vòng quanh thành phố, hoặc là đi về ngoại ô để khám phá những làng trồng nho, trồng dâu.

Thu sang, những lá cây lại chuyển sang màu vàng, màu đỏ. Tiết trời mát mẻ, đi dạo trên đường và đón những chiếc lá vàng bay xào xạc mang lại cảm giác vô cùng thích thú và lãng mạn.

Đến mùa đông, không khí lạnh bắt đầu ùa về. Đây là một trong những nơi lạnh nhất của nước Pháp. Có thể du khách sẽ được đón những mùa mưa tuyết làm trắng xóa những con đường và lối đi, hay những cành cây trơ trụi lá. Đây là dịp để các nhiếp ảnh gia ghi lại những tấm hình tuyệt đẹp.

Khu phố cổ La Petite France

Strasbourg là thành phố giáp biên giới với Đức và cũng là một biểu tượng của tình hữu nghị Pháp Đức. Với bề dạy lịch sử ngàn năm, Strasbourg lưu giữ nhiều công trình kiến trúc nổi bật và lâu đời. Đây còn được xem là một trong những thành phố đẹp nhất của châu Âu.

Trung tâm thành phố đặt tại Grande Île, được Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 1988. Nơi đây gồm có Nhà thờ Đức Bà Strasbourg và khu phố cổ La Petite France.

Nhà thờ Đức Bà Strasbourg là một trong những ví dụ đẹp nhất của kiến trúc Gothic được xây dựng trong thời gian từ 1176-1439. Với chiều cao 142 mét, tòa nhà thờ này đã là tòa nhà cao nhất thế giới từ năm 1647 đến 1874 (227 năm), khi độ cao của nó bị vượt qua bởi nhà thờ St. Nikolai, Hamburg.

Ngày nay nó là nhà thờ Công giáo cao thứ 6 trên thế giới. Đối diện cổng Nam của nhà thờ là dinh thự Rohan, đã từng là nơi ngự trị của các tổng giám mục Strasbourg. Hiện dinh thự là viện bảo tàng, du khách có thể viếng thăm các phòng cổ ngày xưa.

« Khu phố thợ thuộc da » hay còn gọi là La Petite France nằm cạnh bờ sông l’Ill và nhiều kênh đào với nhiều ngôi nhà cổ được xây dựng theo phong cách của miền Nam nước Đức, thường có bốn đến năm tầng với mái rất dốc.  Đi xuyên qua những con ngỏ hẻm, du khách tận mắt chiêm ngưỡng nét đẹp kiến trúc cổ kính và đầy ấn tượng.

Ngày xưa, trên hòn đảo Grande Île là một bệnh viện quân đội dành cho những người lính mắc bệnh giang mai mà ngày đấy còn được gọi một cách khinh miệt là « bệnh người Pháp », khi mà Strasbourg chưa thuộc về Pháp. Tên khu phố xuất phát từ khái niệm này.

Một Venise bên dòng sông Rhin

Đi dạo bộ trong khu phố La Petite France, từ trên cầu Saint Guillaume, du khách có thể quan sát được nhà thờ Saint-Paul, được xây dựng vào năm 1890 bởi người Đức, được coi là Nhà thờ Tin Lành lớn nhất của thành phố.

Rảo bước trên những cây cầu được trang trí đầy hoa hai bên và nhìn xuống dòng nước sông l’Ill, nhánh của con sông Rhin, đang tĩnh lặng như bức tranh vẽ. Dừng chân tại những quán ăn ngoài trời hoặc những nhà hàng bên cạnh bờ sông để thưởng thức những đặc sản cùng Alsace, hay là nhâm nhi một cốc cà phê hoặc uống một ly bia ướp lạnh.

Đến quảng trường Marché aux Poissons, dưới chân Dinh thự Rohan, chúng ta sẽ thấy nhiều chiếc thuyền máy đang đợi để được phục vụ du khách. Mỗi khách được cung cấp một tai nghe riêng để nghe giới thiệu về những di sản và thắng cảnh mà con thuyền đi qua.

Hành trình 70 phút cho phép du khách hiểu hơn về lịch sử và những công tình kiến trúc nổi bật của thành phố. Người ta còn bảo : Strasbourg được xem như Venise thu nhỏ bên dòng sông Rhin.

Chợ Noel châu Âu

Từ cuối tháng 11 đến 24/12 hằng năm, chợ Noel Strasbourg thu hút khoảng 2 triệu du khách trong và ngoài nước. Ra đời từ năm 1570, đây được xem là một trong những chợ Noel lâu đời nhất và lớn nhất châu Âu. Khoảng 300 quầy bán hàng được bố trí dọc theo đại lộ Gutemberg, quảng trường Broglie, quảng trường Nhà thờ Đức Bà, Kléber, Meuniers, vv….

Các gian hàng bày bán nhiều loại mặt hàng trang trí Noel, đặc sản vùng Alsace, quà lưu niệm,… . Đặc biệt, trong cái giá lạnh đầu mùa đông, du khách có thể nhâm nhi một cốc rượu vang nóng « vin chaud », nước ép táo nóng để sưởi ấm cơ thể. Hoặc là thưởng thức những món bánh crêpe, bánh quy mùi hương quế đặc trưng vùng Alsace, bánh vòng kouglof.

Vào dịp này, du khách sẽ có dịp ngắm nhìn thành phố lung linh sắc màu trong đêm. Hầu hết nhà nào cũng trang trí hình cây thông Noel và điện nhấp nháy. Các con đường cũng được trang hoàng rực rỡ. Đặc biệt, du khách đừng quên đi vào con đường nhỏ Rue des Orfèvres, là một trong những con đường trang trí Noel đẹp nhất của thành phố.

Tại đây hầu hết là các cửa tiệm lâu năm, họ làm đẹp mặt tiền của mình với nhiều đèn ngôi sao và những món quà được gói sẵn. Đáng kể đến là cây thông Noel luôn đặt tại quảng trường Kléber, cao khoảng 30m, là biểu tượng của chợ Noel truyền thống Strasbourg

Chợ Noel truyền thống tại Strasbourg

Kim Kỳ sưu tầm

Hình Internet

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %27 %965 %2019 %18:%05
back to top