Tình bạn, Tình già tuổi xế chiều

  Tình bạn tuổi xế chiều - Khi tuổi tác chỉ là một con số. 

Ở cái tuổi “gần đất xa trời” những điều hào nhoáng phù phiếm đã trở thành hư vô, hạnh phúc chỉ đơn giản là sự ấm áp của gia đình và cái nắm tay thật chặt của người “bạn già” bao năm thân thiết đã là quá đủ.

Bạn hãy nghĩ xem, khi già rồi cũng chỉ cần cuộc sống bình yên, một bữa trà, 1 bữa cơm, bữa cháo, một món ăn, và một người bên cạnh đi đến cuối đường.

Khi dần bước vào độ tuổi xế chiều, người cao tuổi cũng dần mất đi những tham vọng về vật chất và hướng đến những nhu cầu về tình cảm nhiều hơn. Bên cạnh tình cảm gia đình, mối tâm giao tình bạn là yếu tố hỗ trợ tinh thần rất quý giá với người cao tuổi, giúp cuộc sống tuổi lưu trở nên bớt cô đơn,  ấm áp và có ý nghĩa hơn.
 
 1. Tình bạn đồng lứa/đồng niên:
 Khi họ hàng người thân ở xa hoặc quá bận rộn, những mối quan hệ gần gũi xung quanh hơn như những người bạn hàng xóm hay như ở các viện dưỡng lão, những người bạn cùng tuổi xế chiều thường có điều kiện gần gũi và dễ chia sẻ với nhau hơn.
Có những điều mà chính những người trong gia đình cũng không cung ứng được bằng những mối bằng hữu như thế nay. Khi mà họ hằng ngày đã dần cùng vui buồn có nhau, nương tựa bầu bạn với nhau, hiểu và giúp đỡ lẫn nhau. Họ lắng nghe nhau tâm sự, kể cho nhau nghe những kỉ niệm, những việc cùng làm.
Họ chia sẻ những câu chuyện, những kinh nghiệm mà chưa có cơ hội chia sẻ cùng con cháu vì chúng quá bận rộn với cuộc sống bên ngoài.
Tuy vậy, phần lớn người già ở tuổi vàng này họ rất ngại giao tiếp và giới hạn việc tìm thêm bạn mới để tiết kiệm sinh lực và tránh gặp những trái ý không cần thiết.
Việc sức khỏe ngày một yếu cũng khiến người già ngại tham gia các hoạt động sinh hoạt, gắn kết. Việc sức khỏe và nhận thức suy giảm và thính giác và thị giác yếu dần cũng làm giảm khả năng đối thoại suy giảm. Nên chỉ muốn dành thời gian nghỉ ngơi tĩnh tại. Tuy nhiên thì nhu cầu được chia sẻ và nương tựa về tinh thần vẫn luôn nhen nhóm và sẽ bùng phát lên khi gặp được người tâm giao đúng ý.

Tuổi xế chiều, là khi bạn và tôi đã sang bên kia dốc của cuộc đời! Là khi con cái đã yên bề gia thất! Là khi sức khỏe đã bắt đầu chênh vênh, lắt lay như ngọn đèn trước gió.

Related image

Tuổi xế chiều, chúng ta cô đơn biết mấy. Cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Sự khác biệt về thế hệ, sự phát triển của thời đại, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cũng ngày một xa dần.

Mỗi khi thấy lòng nặng trĩu, biết bấu víu vào đâu ngoài những người bạn tri kỷ cùng thời. Tuổi già nên tình bạn cũng có nhiều điều khác biệt. Bên ấm trà, cùng nhau hàn huyên về một thời tuổi trẻ, ở đó, chúng ta đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc của cuộc đời.

Những người bạn cùng chăn trâu cắt cỏ năm nào, bây giờ đều đã thành ông nội, bà ngoại. Những người bạn cùng nhau vào sinh ra tử nơi chiến trận, đã từng là đồng chí, vẫn im lìm nơi rừng núi thâm sâu. Cả những người bạn vừa mới hôm qua còn gặp gỡ, tay bắt mặt mừng, chưa qua một đêm đã trở về với cỏ… Tình bạn của tuổi xế chiều bền bỉ mà cũng mong manh quá! Thế mới biết chúng ta cần trân quý hơn sức khỏe, trân quý hơn từng khoảnh khắc còn lại của đời người.

Đi xa về gần, con cái thường mua cho người già chút quà tấm bánh. Còn tuổi xế chiều nương tựa nhau, đi đâu cũng để dành ấm nước, miếng trầu. Mỗi khi trái nắng trở trời, người đau, đầu nhức, lưng mỏi, được lời thăm hỏi của bạn già quý hơn ngàn vạn vật chất. Tình bạn tuổi xế chiều, sẽ là thứ dìu dắt ta đi qua những năm tháng cuối mùa.

  1. Tình bạn giữa các thế hệ
Thường thường người già muốn có những người bạn cùng lứa tuổi, hoàn cảnh, sở thích kinh nghiệm như nhau sống gần nhau để thuận tiện qua lại và dễ tìm thấy sự đồng cảm hơn.
Nhưng họ cũng có khuynh hướng tạo thêm bạn mới ở lứa tuổi trẻ hơn để thay thế vào chỗ của những người bạn ở tuổi xế chiều đã và sẽ lần lượt ra đi. Tuổi tác không phải là yếu tố quyết định để tạo nên một tình bạn lâu dài. Điều quan trọng đó chính là tìm thấy được sự kết nối những tâm tư, những nguồn giao cảm tương đồng, để có thể chia sẻ buồn vui và làm chỗ dựa tinh thần cho nhau.
 
Mặc dù có thể có những căng thẳng, thay đổi ngoài tầm kiểm soát, tình bạn vẫn giúp người già cảm thấy vui lên rất nhiều. Người già hiểu rằng quĩ thời gian của mình không còn nhều nữa và những nhu cầu vật chất dần trở nên không còn quan trọng bằng những yếu tố tình cảm
Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra vai trò quan trọng của tình bạn bên cạnh các tình cảm gia đình, hôn nhân đối với sức khỏe. Thậm chí tình bạn còn có tác dụng tới sức khỏe tinh thần nhiều hơn các mối quan hệ gia đình.
Các nhà nghiên cứu Úc đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu để chỉ ra rằng những người già có nhiều bạn bè xung quanh sẽ giảm được 22% nguy cơ tử vong so với người ít bạn. Nghiên cứu của đại học Havard cũng chỉ ra rằng quan hệ xã hội tích cực sẽ tăng cường sức khỏe trí não khi chúng ta đương đầu với tuổi xế chiều. Những người phụ nữ không có bạn bè thân thiết có nguy cơ tử vong cao gấp 4 lần so với những người phụ nữ có từ 10 người bạn trở lên.
 
   Tình bạn thực sự giúp ta sống lâu hơn.   
 

  Em muốn có một cuộc tình già với anh  

Anh sẽ kể em nghe những chuyện tình xanh ngát xanh

Tình già thật đẹp, nhưng đó là trong phim ảnh, văn thơ, hình ảnh những ông già, bà già, tay trong tay, ân cần, thiết tha luôn khiến người ta xúc động. Đời thực thì không như thơ.
Tình yêu không tuổi chỉ là cách nói của văn học diễm tình. Thảng hoặc chúng ta mới gặp được một đôi tình già. Ngay cả khi đó thì cũng chỉ là một khoảnh khắc. Chứ khi già, người ta cố nhớ được tên mình, cố bước đi vững chắc, đã là một kỳ tích. Chẳng ai thích già. Vậy mà sao bao cặp đôi, trong đó có tôi, đều mơ đến một cuộc tình già?
Bởi tình yêu vốn mong manh như thể tơ trời. Càng hạnh phúc càng lắm nỗi bất an. Càng yêu thương càng lo sợ bất trắc. Tình yêu mong manh một thì hôn nhân mỏng manh mười.
Ta có một cuộc tình già với nhau
“Khi chúng ta già đi như thế này
em có còn yêu anh không?
Anh mong em nói dối!
Bởi khi đó làm sao mà yêu nổi
Gã khùng điên tính khí thất thường
Nhưng khùng điên anh vẫn nói yêu thương
Như thể nhiều chục năm lời yêu thương đã ăn vào miệng
Như thể em là không khí là ô xy
Cứ thấy em là bật lên thành tiếng
“Em yêu
 
Bài viết kể về các bạn già vui vẻ tại San Diego. Tác giả là một vị cao niên ngoài 80 tuổi. Ông cho biết tên thật là Phạm Thanh Bình,  cư ngụ ở thành phố tên là Carlsbad, tên có vẻ tiếng Đức, có đa số sắc dân Âu châu cũ, như Ý, Đức, Hòa Lan... Thị trấn kề biển có 75% dân về hưu. Tác giả ghi thêm “Chuyện dành cho quý ông cao niên. Lỡ quý cụ Bà đọc, xin đừng quở trách, già mà còn ham vui.”
*
Một buổi sáng chớm thu, trời se lạnh, đã quá 7.00 giờ rồi mà trời còn tối, ông Bình tỉnh giấc dậy, với chiếc đèn pin đầu giường ngủ dọi lên đồng hồ trên tường. Quả thật đã 7.15 giờ, con gái ông đã chỉnh tề sửa soạn đi làm và đưa con đi nhà trẻ, thằng bé chỉ kịp " Bye Ông", ông Bình cũng kịp trả lời "Bye Cu". Bye Cu là thứ thêm vào ngôn ngữ Việt  Nam, cũng như rất nhiều câu pha trộn khác trong câu nói của người hải ngoại.
Chừng quá 8.00 giờ, thì con rể cũng ra đi , thế là trong căn nhà rộng, đủ tiện nghi, ông Bình phải tự sống một mình cho đến 6.00 giờ chiều, mới có đoàn tụ, tạm chia tay ngắn trong ngày, điều này cũng làm cho ông hơi e ngại lúc đầu. Thế rồi vẫn cứ sống vui và quen đi. Ông luôn luôn yêu đời và khoẻ mạnh, dù tuổi hạc đã quá bát tuần thương thọ, ông Bình nghĩ thế, điều chính không phải là nhu cầu ăn mặc đi lại, nhưng là chỗ dựa tinh thần trong lúc trống vắng như thế này.
Ông đi qua bếp, uống ly trà nóng, xong ra đứng tập hít thở, vừa đếm mấy trăm cái, rồi nhón gót chân, ngứng lên ngồi xuống, tay vịn bàn bếp hay vịn vào bàn nướng thịt ngoài sân. Ông có nghe một ngưòi bạn trẻ hơn ông, lúc gặp ngoài chợ, nói là phải làm it nhất 300 hít thở, thật nhanh và thật mạnh, dó là bí quyết sống lâu. Ông đã làm hơi 5, hay 600 cái thở hít rồi còn nhón gót ngồi đứng cũng 100 cái. Thấy ấm người lên, sắp đổ mồ hôi, và cũng khoảng quá nửa giờ rồi,  ông Bình tự nói: "cũng còn nhiều thì giờ lắm trong ngày, sẽ tìm bạn và gặp bạn, nếu ông không đọc báo hay coi TV".
Trước hết ông nghĩ phải làm cái chuyện đi bộ trước, nhưng nhìn ra đường phố trước nhà, thì dốc hơi nhiều, không được thoải, nếu đi thì khom lưng, khó coi, hàng xóm toàn Mỹ trắng. Ông mặc quần áo chỉnh tề, khóa cửa nhà, lên xe lái ra cái trung tâm mall gần nhà, chừng 3 hay 4 miles thôi, đậu xe chỗ người già, đi vào trong coi hàng hóa bầy bán. Sàn nhà phẳng lì, bóng trơn, chẳng cần xe đẩy bằng điện làm gì, đã nói đi bộ thì cứ từ từ đi, hết tiệm này sang hàng khác, có chỗ dừng lại trước quầy magazines đọc rất lâu, vẫn đứng, cho đến khi đồng hồ tay gần 11.00 giờ, thì sửa soạn ra xe đi về. Thế là cũng gần hết được buổi sáng.
 
Sau khi ăn trưa ở nhà xong  thì cũng vưà 12.00 giờ. Ông cho mình ngả lưng, coi TV hay đọc báo, hay gọi điện thoại vài người bạn hỏi thăm. Có những trao đổi vui vui, những hẹn gặp sắp tới cuối tuần., có thể hội hè nữa. Rồi cũng vào net tìm e-mail các bạn, thật thú, có nhiều ông cứ gửi  nối tiếp các tài liệu sưu tầm được ở đâu, và lúc forward như thế là một chùm bạn, dài lê thê, thật dài, nếu ông muốn móc bât kỳ người nào trong dẫy bạn như thế, có thể ai cũng vẫn mở hộp thơ cho ông phóng vào.Tình bạn già thời @, ông Bình thường nói: "vui lắm các cụ ạ, mail cứ nằm đó, đọc cũng được, không cũng được, xoá cũng được, nhưng xoá làm gì, có phải trả tiền đâu, lỡ có lúc nghĩ đến thì lại có thể mở ra tìm địa chỉ."
Ông Bình đi họp cao niên, họp tiếp cộng đồng, bạn sao mà vui thế, cứ tíu tít như thuở học trò, trẻ lại yêu đời, sống thật cho mình, gánh nặng đã có nhiều người gánh dùm. Vui đủ thứ chuyện cũ mới, thời sự, gia đình, không hạn chế đề tài, nói gì cũng có người nghevà có người đáp, không ông này thì bà kia. Chả bù trong gia đình, con cái ít có thì giờ để cho cha mẹ thổ lộ sự tình. Chúng nó chỉ được cái liệng đồ là giỏi. Ông Bình nói chúng nó liệng bất cứ thứ quần áo nào, chúng đã biết size của cha mẹ rồi, bất cứ dịp nào thuận tiện, là máy móc, CD, máy computer, và xe nữa. Bỗng dưng xe mình đang ngon lành, chạy ro ro, nó đem cái xe mới về, nó nói cần an toàn hơn cho người lớn tuổi, dọc đường khỏi gọi  road assistances. "Cũng có lý, thì nhận vậy". Thế là con cái yêu thưong đấy. Tụi nó không bao giờ đứng trước mặt mình khoanh tay nói "Con thương Cha, thương Mẹ", hay nói tiếng Mỹ cũng được "I love you". Dễ quá mà sao chúng không nói ra miệng..
 
Vậy là chỉ còn các bạn già  là nơi ông dễ dàng bầy tỏ nỗi niềm tâm sự, hòng vơi đi mọi nỗi trầm uất trong lòng.
Ông Bình nhớ lại vào khoảng từ 2002 dến 2004, ông đã qua các BV Sharp và Mercy nằm cả tuần, thử nghiệm chán, cũng cho về với toa thuốc trị suy nhược tinh thần (depression). Ông nói các bác sỹ gà mờ, ông đang có tinh thần mạnh khoẻ, chứ có suy nhược đâu, ông vừa mắng vưà vất thuốc đi không uống, chỉ Tylenol bình thường hay giảm đau thôi..
Lần cuối nhất vào tháng 2/2005 ông Bình vào Mercy, do anh bạn già NvGiầu, 85 tuổi và 1 người trung niên chở đến, và họ đã chờ đến 4.00 giờ chiều. "Sao các anh không về đi, khi nào thử nghiệm xong tôi gọi cell các anh," Họ vẫ ngồi chờ. Ông Bình nói: "các anh làm tôi cảm đông ưá nước mắt, thôi tôi chẳng bệnh tật gì, muốn mời các anh đi ăn", nhưng các anh từ chối, cứ chở về thẳng nhà... Tình bạn già thật thắm thiết.
Ông Bi`nh nói anh bạn tên Giầu này, thật giầu lòng nhân ái, thế mà làm  cảnh sát từ thời còn Pháp, sau là Đại Úy Cảnh Sát quốc gia. Ngày nào anh cũng ra chợ Lucky Sea Food gặp tôi ôm vai. Ngày sinh nhật anh, anh đưa cho một bài thơ đề là của người tù cải tạo 85 tuổi. Anh nói dịch ra tiếng Pháp để đưa cho các con của anh ở bên Pháp. Ông Bình giữ tờ thư đó lâu rồi, mà không dịch được. Một hôm, ông Bình gọi cho ông Giầu thì  đầu dây có người trẻ là nữ, cầm máy, ông nghĩ ngay đó là con gái anh Giầu đã từ Pháp qua chơi. Cảm thấy hơi ngưọng vì đã nhận, mà chưa làm được việc dịch, ông Bình nói với cô ga’i con bạn: "Cháu nói vài câu tiếng  Pháp chú nghe coi". Con bé bắn một tràng, ông chẳng nghe được gì, đến khi nó nói: Aurevoir Mr, để con đưa cho ba con nói chuyện với  chú".
Bà vợ anh Giầu cả ngày chỉ trồng hoa lan, hai ông bà cùng ngắm, như ngắm hạnh phúc không rườm rà của hai người. Tình già như hoa lan tươi mãi!
*
Khu chợ VN của Mira Mesa này quả thật là tụ  điểm của bọn các ông già, bà già, đi chợ được gặp nhau và bắt chuyện với nhau dễ dàng.
Hãy thử nhìn xem anh Trần Th. này lúc nào cũng trang nghiêm, cũng 78 rồi, vẫn nói chuyện chính trị cấp cao, anh Th. mời đến nhà chơi, gần tới trưa, mải nói với nhau hấp dẫn quá quên thời giờ qua mau. Bà vợ anh, người gốc áo lụa Hà Đông, vốn ý nhị, làm cơm ăn ngon tuyêt trần, bữa ăn trưa thú vị, vẫn nói không dứt lời. Hai ông bà này quấn quýt bên nhau, như đôi uyên, chẳng ở nhà con nào, vẫn dành tất cả thì giờ cho nhau, rất ít khi thấy ông đi một mình, thường có bà theo. Tình  già hạnh phúc, cũng nhiều gia đình bạn như vậy.
 Còn anh Phan B. này, chưa gặp đã thấy nụ cười, lúc nào cũng nghe tiếng anh hề hề, không vui sao được.
 Cũng ông NgTh., thì lúc nào cũng như rau muống trên cồn khô nước, vốn gốc Bùi Chu, Phát diệm, mà H.O đến nay còn thi rớt quốc tịch hoài, mời đi ăn phở thì giẫy nẩy như đỉa bôi vôi, nệ cổ, sợ trả nợ, ở Mỹ này bao lâu mà còn như thế.
Nhìn kỹ, thì Ông Bình thấy tất cả các bạn, mỗi ông một vẻ hấp dẫn khác nhau, ông gặp mỗi người trên mọi khía cạnh mà hòa đồng.
 
Có lần như hai thanh niên Hà Nội xưa, thời thanh niên nam nữ, gặp nhau nơi Hà Nội thế gia, đẹp và mơ, khoảng thập niên 40. Hôm nay, ở  nơi đây, cô nàng cũng 75, 76 rồi, cùng chàng nói theo "Bonjour Viet Nam", cho nhau địa chỉ e-mail,. gửi hoài vẫn chẳng trả lời, mấy năm nay rồi, vẫn "Bonjour Kim". Có lẽ cô nàng vẫn nhận những e-mail của mình như những bài ca gợi nhớ, hay là vẫn muốn nghe những lời khen tặng. Đi tìm hỏi tung tích nàng, thì biết hình như nàng ở Carmel Mountain, sống với con thôi.   Thế thôi rồi biệt vô tăm tích!
Còn anh này tên Kh.H, lúc nào cũng cười hay có nhiều câu châm biếm, chọc cười, thế mà lại là vừa nhạc sỹ, thi sỹ, văn sỹ, nhưng vốn nghề sinh sống xứ này lai chuyên về cơ khí, thường đến nhà bạn bè sửa chữa dùm. Khi anh ra chợ thường hay hùn tiền mua số cạo hay Mega. Đến chơi nhà anh, thấy bà vợ anh thật dịu dàng, chẳng hèn lúc nào anh cũng luôn viết những bài ca tặng vợ. Thât đúng Tình Ca. Ôi mê  ly tình ta!
Còn nhiều anh nưã không kể hết, trong thời gian gần 3 năm tới ở S.D. này. Vui ghê! Đất này cũng tập hợp nhiều thượng lưu trí thức và nhân tài. Có người mới gặp, đã e-mail mời dến nhà ăn cơm như anh Tr TTh. Đúng nghĩa tình thắm thiết lúc về  hưu.
Có rất nhiều bà cụ, bắt con chở ra ngồi xuống cái ghế dài màu cam trước chợ, để ngắm cảnh nhộn nhịp, đông đúc của người mình, để như tạo cho mình cảm giác vẫn sống động trong giòng đời, mắt các bà nhìn mọi người như muốn hỏi han điều gì. Ông Bình sẵn sàng, và có đủ thì giờ để tiếp chuyện các bà.
 
Có một bà đã nói chuyện với ông Bình một lúc lâu, về ngày xưa buôn bán làm ăn phát đạt, sang đây cững thế, nhưng Bà bây giờ trong cái cảnh là không sống với con nào lâu, kể từ khi ông chồng mất đã 7,8 năm nay. Nói chuyện được hồi lâu thì bà ngỏ ý với ông Bình chở dùm về nhà gần đó. Ông hỏi "Thế ai chở bà đến đây"". Nhìn ra thì bà cũng gần 80, ông Bình trả lời:  “Tôi chở bà về, nhưng để tôi dọn ghế trước, quá bề bộn trong xe". Đến nhà, bà mời ông Bình vào nhà chơi uống nước, ông cáo từ đi ngay về chợ, còn nhiều bạn ngồi đây chưa về hết, vẫn chưa xong câu chuyện mà!.
Thứ bẩy tuần sau ông Bình lại gặp bà đó cũng ngồi chỗ  cũ. Hai người như bạn cũ, cũng chở về và lần này có nhận lời vào nhà uống nước. Bà tự mang bình nước rót ra tách mời ông Bình rất ngọt ngào, nói vài câu về gia đình và sự thiếu cảm thông của các con trong nỗi trống vắng của người mẹ. Ông Bình nhìn thấy cặp mắt của bà có lúc trìu mến như bà muốn đến gần nắm tay ông, như thể đây là hiện thân của ông cụ đã khuất, nay trở về. Nhưng sau đó không bao giờ ông Bình gặp lại bà nữa. Có thể bà lại đi đến một địa phương khác, sống với một người con trai hay con gái nào khác, và có lẽ con đường của bà vẫn cứ tiếp diễn như thế cho đến khi bà đi theo ông. Cũng là tình cảm cuả người già. Và sót xa thế thôi! 
Có ông Cụ, mỗi tuần bắt con chở thăm mộ bà, hai lần, ngồi xuống nói chuyện hồi lâu, rồi đi quanh bà cả tiếng, các con ông có đứa không hiểu nói là: "Ông cụ bắt đầu lẩn thẩn". Sai. Vẫn xưa cũ là Nghĩa, thủy chung.
*
Nếu có người con nào mà chẳng may đọc được bài ông viết, thì hãy nên nghĩ lại cách phân phát của cải cho Cha Mẹ, mà nên phân phát tình yêu thương nhiều hơn.
Nói thế,  Ông Bình cũng tội nghiệp cho mấy đứa trẻ, thiếu gì con hiếu thảo. Nhiều đứa cũng vẫn hỏi: Ba ăn có được không, má ăn có vừa miệng không"" cũng luôn hỏi han đến tận giường nằm, cơm bưng nước rót, lo lắng đủ điều, cũng cảm động lòng Cha Mẹ lắm chứ! Thương bằng hành động mà. Tình thương con và cháu ngụt trời, chẳng kể xiết.
Ông Bình cũng nhớ thêm một trường hợp tương tự của một bà khác, mà ông đươc gặp trong cuộc họp Văn và Thơ nào đó. Ông thường có thói quen là khi ngồi xuông ghế xong thì hay chào hỏi hai bên, trái cũng như phải. Đến một lúc ngưng nhạc, Ông Bình nói với ông bạn cùng bên lời phê bình bài ca hay dở, ông kia trả lời: "hình như có nghe bài hát này trong CD Asia hay Thúy Nga gì đó", Ông Bình hỏi bạn: "Thế anh có đĩa mới nhất chưa, tôi có thể đưa anh một bản chép chuyền tay nhau, cũng chẳng phạm bản quyền ai.". Ông Bình đi ra xe lấy một CD vào đưa cho bạn..
Bất ngờ là có bà ngồi ngay trưóc mặt quay lại nói: "Nếu ông có thể cho tôi một bản,"  Ông Bình không ngờ bà đã lắng nghe câu chuyện của hai người. Nhìn kỹ thì như bà ngồi cạnh bà bạn, và hình như không có ông, lờ mờ như thế, ông Bình không quan tâm gì, nhưng khó khăn làm sao biếu bà một bản. Ông nói hay là bà cho tôi địa chỉ tôi sẽ về, chép và gửi đến.
 
Ông Bình làm đúng lời hẹn, khi nhìn mảnh giấy địa chỉ của bà có cả số phone. Gửi xong rồi quên đi, cũng như thường sao chép nhạc cho bạn. Có người cầm rồi về ném sọt rác.
Quên đi thật lâu, bỗng một hôm ông có ý định muốn biết mình gửi có bị thất lạc không. Vào một buổi khuya buồn, ông Bình bấm số thì đươc nghe giọng khá quen của bà gặp trong chiều văn nghệ đó. Sao tiếng nói rất trẻ, mà nhìn ngoài như gần 70, bà vui vẻ cám ơn, đã nhận được CD, và còn cho biết bà chỉ sống với con. Ông Bình cũng hơi khựng, nhưng hai ngưòi nói với nhau thân tình và chân thành. "Tình bạn hay tình mộng mà già", ông Bình tự hỏi.
Bẩy tám tháng qua đi,  ngày vẫn như mọi ngày, vẫn ăn ngủ, đi bộ. Nhưng có ngày ông Bình vui hơn, vì nhận được diện thoại Bà hẹn gặp ngày Dạ tiệc Văn nghệ Cao Niên cuối tháng mười.
Bỗng một hôm  bà gọi cho ông Bình cho thêm số cell phone, thế càng tốt, khỏi gọi nhau qua lời nhắn, nhận vơ, hội v ăn hóa hay nhóm Phật tử nào đó, để cùng không ngượng với con cháu. Nhưng mừng hụt, gọi cell thì nàng chẳng bao giờ trả lời, cứ b ấm message th ôi, ng ày nào cũng gọi và cứ message. Rồi một hôm nàng gọi chàng và trách: “Sao anh nói nhiều thế!” Ô! Mình đâu có nói nhều bao giờ. Chỉ là vì nhiều message quá. Thế đưa cho nhau so cell mới làm gì"
 
Ôi cuộc đời lắt léo, bấy nhiêu tuổi đầu mà vẩn ngây thơ vô số tội, dại khờ...  Xin các bà nới tay!

    Tình Già    

Screen Shot 2019-03-13 at 2.54.07 PM.png
Bài CHU TẤT TIẾN

Vừa nghe đến hai chữ “Tình Già,” chắc thế nào cũng có vị liên tưởng ngay đến bài “Tình Già” của cụ Phan Khôi đăng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn số 122 ra ngày 10-3-1932, là bài đánh dấu sự lên ngôi của thể Thơ Mới. Thể loại thơ này đã phụ họa với phong trào cải cách chữ quốc ngữ và làm viên gạch lót đường cho các nhà thơ nổi tiếng thời Tiền Chiến như Lưu Trọng  Lư, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Đông Hồ, Tế Hanh, Nguyễn Vỹ… Bài “Tình Già” của cụ Phan Khôi rất đơn giản, tự nhiên như nói chuyện, không cầu kỳ, sáo ngữ, nhưng làm rung động hàng triệu con tim từ những thế kỷ trước và cho đến bây giờ, đọc lại, độc giả vẫn không ngừng rung động:

Hai mươi bốn năm xưa,
Một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
“Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn đà không đặng:
Để đến nỗi tình trước phụ sau,
Chi bằng sớm liệu mà buông nhau!”

“Hay! Nói mới bạc làm sao chớ!
Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng ấy,
Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng,
Mà tính chuyên thuỷ chung!”

Hai mươi bốn năm sau,
Tình cờ đất khách gặp nhau:
Đôi cái đầu đều bạc. 
Nếu chẳng quen lung,
Đố có nhìn ra được?
Ôn chuyện cũ mà thôi. 
Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi.

Điều lạ lùng mà Sáu tui muốn nói ở đây là bài thơ này được làm từ hồi nẫm, nghĩa là cách đây 87 năm, gần một thế kỷ, mà lại trùng hợp với nhiều chuyện hai người tình cũ mới gặp lại nhau trên đất Mỹ, sau hơn hai, ba thập niên xa cách nhau, người vượt biên, người ở lại. Rồi người ở lại, vì duyên cớ gì đó, mà cũng sang được đất Mỹ, gặp lại người tình cũ tại các cuộc hội họp ái hữu, cộng đồng. 
Nhưng điều đáng tiếc là cả hai người đều đã có gia đình, con cháu đùm đề. Gặp nhau mà nghẹn ngào, không biết mở đầu câu chuyện như thế nào, gọi nhau ra sao? Gọi nhau bằng “anh, em” thì không được, bởi người phối ngẫu mới đang nhìn chằm chằm, gọi nhau bằng “ông, bà” thì xa cách quá. Gọi bằng “bạn” cũng có chút nực cười. Chỉ còn biết thở dài, gán cho số phận. 
Thú thiệt, Sáu tui đã từng cảm động chứng kiến cũng như nghe kể vài cuộc gặp gỡ như thế và bùi ngùi cho tình cảm của con người. Theo Sáu tui, thì con người được tạo ra, ở trên mọi sinh vật khác là vì hai chữ “Tình Cảm.” Con người Yêu, Thương nhau theo những tần số khác nhau, có người yêu dữ dằn, chỉ muốn chiếm đoạt người mà mình yêu, có người yêu trong im lặng, nghẹn ngào, chấp nhận tình yêu một chiều, còn đa số thì yêu nhau theo kiểu “có qua, có lại mới toại lòng nhau.”

Nhưng điều đáng tiếc là trong hoàn cảnh sống xa quê hương như hiện tại, người Việt đã nhanh chóng tiếp thu nếp sống tình cảm vị kỷ của người Âu, Mỹ, mà quên đi những nét đẹp của tình yêu truyền thống người Việt xưa. Thiên hạ bỏ nhau rầm rầm, ly dị nhanh như chớp, cưới nhau trong vài tiếng đồng hồ (có khi không tới nửa tiếng ở Las Vegas), rồi quên nhau mau chóng. Sáu tui có đi dự vài đám cưới của con cháu các người bạn, thấy vui quá. Phù dâu phù rể dắt tay nhau nhảy nhót loạn xà ngầu, còn cô dâu, chú rể thì ôm nhau, hôn hít tưởng như cháy cả môi, mà rồi, vài tháng sau, hỏi lại, thì biết rằng đã bỏ nhau rồi. 
Buồn năm phút.

Chừng hai thập niên trở lại đây, lại nẩy sinh ra nhiều kiểu cưới mới: “Cưới rút cầu,” nghĩa là cưới vì cái thẻ xanh, cô dâu sau khi được thẻ xanh rồi, thì “đóng cửa, rút cầu,” cắt đứt duyên tình với người đưa mình qua Mỹ. 
Sáu tui đã biết một trường hợp người bạn bị cô vợ phụ bạc, lấy ngay thằng bạn mình, đã trở thành điên dở, lảm nhảm chửi đời suốt ngày, phải nằm nhà thương tâm thần một thời gian.

Kiểu cưới thứ hai là “cưới đô la,” hai bên thỏa thuận với nhau một số đô la, người còn ở Việt Nam thì chung tiền cho người ở Mỹ để làm hôn thú, cho qua Mỹ rồi thì anh đi đường anh, tôi đường tôi. Kiểu này bị chính phủ Mỹ phát giác, giờ đây, đang làm hồ sơ trục xuất nhiều người về nước vì “hôn thú giả,” có kẻ đi tù. Cưới kiểu này không chỉ dành riêng cho các người đẹp ở Việt Nam, mà có cả những anh chàng muốn sang Mỹ, thì rao kiếm vợ có thông hành Mỹ. Dĩ nhiên, các chàng chịu chi đẹp cho các nàng ở Mỹ đang cần tiền tiêu. 
Cũng có những cuộc hôn nhân bền bỉ được gần hai chục năm, con cái cũng bắt đầu vào đại học, thì nàng đòi chia gia tài để ra ở riêng. Ly dị kiểu này cũng không có nước mắt, vì các ông chồng cũng không đau khổ gì, vì cho rằng mình đã hưởng cái xuân xanh của người đẹp đủ rồi. Thôi thì chia tay để đi về Việt Nam kiếm cô khác, tươi mới hơn. 
Theo Sáu tui, đám cưới chán nhách là mấy cụ đã hưởng tiền già rồi, về Việt Nam cưới... cháu ngoại! Không phải cháu ngoại thiệt đâu, vì ai mà làm chuyện tồi bại vậy, chỉ là cô vợ mới chỉ ngang tuổi cháu ngoại mình. Chồng trên dưới bảy bó, vợ mới qua tuổi thành niên. Thiệt là cập kênh như đưa vợ đi trên cầu dừa miền Tây, lạng quạng là chàng rể té cái ùm xuống sông. Nếu may mắn, thì sống được mươi mười năm, không may thì chỉ vài năm là vô nhà hưu dưỡng, hút ống ny lông. Sức khỏe con người là giới hạn, nếu mấy chàng chồng già mà cứ ỷ y mình còn khỏe văm, mà xài viên thuốc họ “Vai”  kia liên tục, thì việc đứt gân máu là chuyện có thể xảy ra rất nhanh. Phước đức ông bà cũng không cứu nổi các cụ trâu già ham gặm cỏ non. 

Nói vậy cũng không phải vậy, cũng có trường hợp sống dai, sống khỏe, nhưng nhất định không hạnh phúc trọn vẹn, vì không thể cặp kè ra đường, mà không bị thiên hạ đàm tiếu. Mới đây, trong một bữa tiệc hội ngộ chiến hữu, có một cụ tóc bạc trắng xóa như tiên ông, mang theo cô vợ trẻ bốc lửa. Người đẹp đã cao lớn, khỏe mạnh mà còn mang nặng mấy ký silicon trên người, lên bục vừa hát vừa lắc như trẻ thơ, làm người ở dưới, ai cũng cười, nói nhỏ, “Cha này không biết còn đủ răng để gặm cỏ không?” và “con nhỏ kia sắp hưởng gia tài rồi! Mỗi ngày nó chỉ cần lúc lắc cái của nợ kia vài lần là cha này đi tầu suốt...” 

Thôi, chuyện đời gay cấn lắm, kệ thiên hạ đi. “Đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào.” Chỉ có điều là cho dù ở xa quê nhà, quên phong tục, văn hóa người Việt, nhưng cũng không nên để cho người ngoài cười chê dân Việt mình vì những cái học đòi thiên hạ. Học cái tốt thì ít, học cái xấu thì nhiều để mai mốt, thế hệ sau sẽ coi thường các bậc trưởng thượng, rồi họ sẽ biến thành người Mỹ thật, thế là tiêu tùng văn hóa Việt tộc.

    Tình Già    

Tình già
 
Nghe bà vừa sụt sùi chấm nước mắt vừa nói, bọn trẻ đứa nào đứa nấy đều quay đi giấu tiếng cười khùng khục trong cổ. Trời ơi, ông bà già ngót nghét 70 rồi mà còn sến súa tình cảm quá. “Chuyện, bà ngoài 60 mới được làm vợ mà” - có đứa ra vẻ thạo tin phán vậy.
Lạ quá. Bà đẹp như vậy, gương mặt đằm thắm, già rồi mà khối đứa con gái còn chạy mướt không kịp, sao muộn chồng? Hay tại bà đành hanh kẻ cả quá? Cứ nhìn cách bà “hành” ông thì biết. “Lấy cho em cái màu tím kia mà. Cái váy màu kem của em anh giặt riêng ra nhé, đừng vò với áo đỏ mà bị lem màu...”.
Tiếng bà vóng vót vọng xuống, bọn trẻ hình dung ra ngay bà đang giãy nảy lên với ông. Còn ông chắc hẳn vừa mỉm cười vừa ôm chậu quần áo đi giặt.
“Ôi trời, đã bảo mỗi ngày chỉ được một chén rượu thôi mà. Uống nhiều thế để thành sâu rượu chắc” - tiếng bà vừa cất lên đã thấy ông tiu nghỉu, lủi thủi cầm chiếc quạt lảng ra ngoài vườn.
Cả ngày chỉ nghe tiếng bà nói, rặt không thấy ông nói câu nào. Bà lại rất nghiêm khắc. Lũ trẻ đang tuổi lớn tuổi ăn tuổi yêu, bà thì cấm tiệt không có chuyện hẹn hò trong nhà bà.
Trai ở dãy nhà của trai, gái ở dãy nhà của gái. Không có chuyện gái một mình tiếp bạn trai trong phòng. Cũng không có chuyện trai tự dưng đưa bạn gái ở đâu về ngồi lâu lâu một chút.
 
Nhưng ông bà thì tình cảm quá đỗi. Sáng sớm ra đã thấy bà thánh thót: “Anh dậy đánh răng rửa mặt rồi xơi cháo em đã nấu”. Rồi hai ông bà dắt nhau đi chợ. Về nhà là bà phân chia việc cho ông nhặt rau hoặc đãi gạo.
Nửa buổi thấy bà nũng nịu: “Em đau tay quá, anh bóp tay giùm em nhé”. Chiều đến: “Anh cất giúp em quần áo vào nhà đi kẻo sương”. Còn đến tối nhất định dù ông đang xem tivi hay đọc báo hay ngắm trăng, thể nào cũng phải “vào kỳ lưng cho em”. Ông bà già rồi còn tắm chung. Bọn trẻ hé mắt dòm vào nhà, bấm nhau cười hí hí. 
Bà lại ghét ồn ào, cấm bọn trẻ mở nhạc to, nhất là thứ nhạc tây tàu xập xình và thứ nhạc thời thượng nghe phát ớn lỗ tai. Nhưng bà chúa nghiện món phim Hàn Quốc. Lúc nào cũng phải có ông xem cùng. Vừa xem vừa sụt sùi chấm nước mắt nước mũi.
Đến đoạn cao trào, bà còn khóc ngất. Ông bối rối chỉ biết nắm tay bà bóp nhè nhẹ. Rồi bọn con gái xem ké thấy ông cũng mũi đỏ phập phồng, vai khẽ rung rung lén quay đi nhấc kính, lau mắt. Bọn con trai nghe kể phì cười, kêu ông sến sẩm. Bọn con gái nguýt dài, tình già còn gấp ba tình trẻ làm bọn con trai xịu cả mặt lại.
 
Nhiều đứa thương ông, đâm ghét lây cả bà. Nhất là những đứa mới đến, cứ nghe tiếng bà lanh lảnh dọc hai dãy nhà “Đầu tháng rồi, các con cho bà xin tiền nhà nào” là giả vờ ngủ, gọi thế nào cũng không dậy. Nhưng chây ì đến đâu cũng chẳng thoát. Có đứa ngồi lì trong nhà vệ sinh, bà cũng cứ đứng chờ, tê chân, nóng quá đành phải nhao ra. Đêm ấy nó nằm ngửa mặt lên trời ước gì một ngày không nghe thấy tiếng bà.
Thế mà điều ước linh ứng. Một ngày, hai ngày, một tuần liền không thấy bà nũng nịu, giận hờn, trách cứ, sai bảo gì ông nữa. Lại có rất nhiều người lạ vào ra. Bà ốm nặng rồi. Ông cũng suy sụp hẳn. Đôi vai cao lớn, hiên ngang, vầng tóc bạc hào hoa kiêu hãnh ngày nào chùng cả xuống. Bà đi nhanh quá.
 
“Thế là em không giữ được lời hứa sẽ chăm sóc anh cho đến khi anh nhắm mắt xuôi tay rồi. Thôi em đi trước, hẹn kiếp sau chúng mình sẽ làm vợ chồng ngay từ lúc còn son trẻ”. Bà nói xong rồi đi. Ông òa khóc.
Đám tang bà, toàn họ hàng của ông. Ông nhờ mấy đứa trẻ mặc áo xô, chít khăn trắng đi sau quan tài cho bà khỏi tủi. Đám xong rồi nhà cửa trống tênh toang. Ông cặm cụi đi quét những vòng vôi trắng lên từng gốc cây.
Ông dặn bọn trẻ chờ vài ngày nữa cho cây bớt buồn đau rồi tha hồ ra hái quả. Ngày thường còn bà, cấm đứa nào được lai vãng. Thế mà giờ nhìn quả chín lúc lỉu trên cây, chả đứa nào buồn hái.
Quá ngày đóng tiền nhà từ lâu, không còn tiếng nhắc nhở, giục giã. Nhà trên đóng cửa im ỉm, vắng lặng đến tái tê. Ngày hai buổi ông lủi thủi cầm chiếc xô con ra mộ bà, tỉ mẩn chăm sóc đám hoa mới trồng. Ông vật vờ như cái bóng, có lúc còn tưởng ông không tồn tại nữa.
Mấy đứa trẻ rón rén lên nộp tiền nhà, gặp ông ngồi như hóa đá trước bàn thờ bà. Tấm ảnh thờ chụp bà hồi còn trẻ, đẹp mặn mà, cười rạng rỡ. “Bà xưa là con chánh tổng, xinh đẹp, giỏi giang nhất vùng, lại thông thạo chữ nghĩa, nói năng khéo léo. Tưởng được bà yêu là phúc tổ mấy chục đời cho ông. Vậy mà thời thế thay đổi, ông không được phép lấy bà. Bà qua thời xuân sắc trong đơn lẻ.
 
Mãi mấy chục năm mới gặp lại nhau. Bà vẫn mong chết sau ông để ông khỏi chôn hai đời vợ. Vậy mà...”. Những đứa con trai cứng rắn nhất cũng bất giác quay đi giấu dòng nước mắt đang lăn dài trên má.
Năm mươi ngày bà, các con ông, đều định cư ở nước ngoài, giờ về đón ông theo. Bọn trẻ nghe thì mừng cho ông. Chứ ông sống đơn chiếc lủi thủi trong căn nhà đã quá nhiều dấu ấn của bà, chịu sao nổi. Rồi chúng chợt thảng thốt, vậy mình sẽ ở đâu?
Mấy đứa rụt rè ra nhìn ông ứa nước mắt trước tấm biển ghi chữ “bán nhà”, thầm ước gì mình có nhiều tiền để mua đặng lấy chỗ cho ông có khi nào trở lại viếng mộ bà, được đứng ở sân tưởng còn được nghe bà trách cứ: “Cơm anh cắm nhiều nước vậy thành cháo rồi. Nấu cơm bao lâu vẫn chưa thạo”...
 

   Sưu tầm và tổng hợp by Nguyễn Ngọc Quang   
 
(ảnh minh họa)
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %23 %973 %2019 %18:%07
back to top