Cứ mỗi lần nghe “Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm ngon, 2 ngàn 1 ổ” là mùi bơ sữa lan toả cả khu phố, khiến cho cái bụng đói cồn cào. Không chỉ là món ăn cho tụi trẻ con, bánh mì còn là đặc trưng cho ẩm thực của thành phố năng động, hiện đại này. Không chỉ có bánh mì 2 ngàn 1 ổ, bánh mì thịt, bánh mì chả hay bánh mì xíu mại cũng khiến cho người dân thành phố cũng như khách du lịch nức lòng.
Những tiếng rao đêm vang vọng, khắc khoải trong đêm tối khiến chúng ta dâng lên một niềm thương cảm sâu sắc. Đó là những con người ngược xuôi, lao động vất vả để mưu sinh, kiếm sống. Những chiếc xe bắp xào, hột vịt lộn luôn có một sức hút “khó cưỡng” đối với cái bụng đang kêu lên vì đói.
Tuổi thơ của người Sài Gòn sẽ thật thiếu sót nếu thiếu đi gánh chè đậu thân thương. Lũ trẻ cứ trực chờ tiếng rao của cô gánh chè đậu để được thưởng thức món chè ngon không lẫn vị với loại chè nào khác được.
Chắc chỉ có ở Sài Gòn mới có được những tiếng rao độc lạ, có 1 không 2 như thế này thôi đúng không nhỉ? Mỗi lần xe bán kem đi qua, những đứa nhóc trong xóm lại bắt đầu xin tiền bố mẹ để mua kem và rêu rao bài hát “Không có tiền thì không có kem”. Ngày xưa, không có gì hấp dẫn trẻ con hơn là một que kem.
Tiếng rao còn nhắc nhớ về một thời nghèo khó, lam lũ của người Sài Gòn...
Những chiếc bánh được xếp chồng lên nhau khá đẹp mắt, vị bánh ngọt ngọt, béo béo, ăn một lần sẽ không thể nào quên được. Người Sài Gòn có thói quen ăn ở lề đường, hè phố bởi nơi đây mới tập trung đông đúc nhất những món ăn đặc trưng của ẩm thực.
Nghe thấy tiếng rao “bánh chưng bánh giò”, nhiều người lại nghĩ thương cho người bán. Đã khuya rồi mà vẫn có người đạp chiếc xe đạp quanh các hẻm nhỏ Sài Gòn để kiếm miếng ăn.
Ai mua chổi hôn, chổi chà, chổi lông gà, chối quét nhà, ai mua hôn? Lâu lâu, chúng ta sẽ được nghe tiếng rao thân thương này. Nếu thích, bạn có thể gọi lại để xem chổi, không ưng thì có thể trả lại, người Sài Gòn rất thân thiện, sẽ không bị ép mua hay cáu gắt gì cả.
Tàu hũ đây... Tàu hũ nóng đây... Đây là món ăn vặt đặc trưng mà người Sài Gòn nào cũng thích, bạn có thể ăn nóng, ăn đá tùy ý. Với thời tiết nắng nóng, có một bát tàu phớ (tàu hũ) để giải nhiệt thì còn gì bằng! Mọi người tụ họp nhau quanh chiếc gánh bán đậu hũ và trò chuyện cùng nhau, vui biết bao nhiêu.
Bánh tráng trộn hiện đang là món ăn vặt khá phổ biến và được lòng giới trẻ Sài Gòn. Đứng nhìn cô bán hàng tay thoăn thoắt cho những nguyên liệu vào sau đó trộn đều tay, chắc hẳn ai cũng sẽ thèm rỏ dãi. Bánh tráng trộn và trà sữa là những món ăn, thức uống không thể thiếu khi tụ tập bạn bè vào ngày cuối tuần.
Người bán dạo bây giờ bớt rao lại, mà họ sắm cho mình cái loa có cái bình điện đi kèm để rong ruổi đi bán suốt cả ngày. Tiếng rao phát ra từ cái loa nghe cũng hay hay nhưng có lúc vẫn thèm lắm một tiếng rao mộc mạc ngày xưa – dẫu giọng người bán bưng có lạc một chút, có khàn khàn hay đứt hơi một chút nhưng nó đầy cảm xúc, xoáy vào trong tim và gợi thật nhiều kỉ niệm về một thời đã qua. Dẫu thế nào đi chăng nữa, tiếng rao vẫn sẽ in sâu vào kí ức của người Sài Gòn nói chung, khách du lịch nói riêng những cảm xúc không nói thành lời. Hy vọng rằng, các bạn vẫn yêu quý Sài Gòn, yêu con người nơi đây và cả những tiếng rao... như bạn đã từng nhé!
*********
Nghề mua bán dạo thường liên quan tới “gánh hàng rong”, mà “gánh hàng rong” thì hầu như đã đi vào văn học như là một biểu tượng của lòng mẹ, của sự hy sinh cao cả. Nó cũng từng là “bệ đỡ” cho biết bao tương lai thành đạt của con cái…Mà hàng rong thì thường phải rao, rao bằng lời, bằng tiếng. Hành trình ra đời, lớn lên rồi lập nghiệp, lập thân của tôi bắt đầu từ làng quê mình – Kế Môn – rồi vô Huế, dzô Đà Nẵng, Hội An, rồi cuối cùng là Sài Gòn, nên tôi sẽ kể cho các bạn để cùng nghe lại những âm thanh rao vui từ trong ký ức cũng như cả hiện tại nữa.
Rao làng
“Cá khôn?” là tiếng rao quen nhất ở làng xưa mà tôi từng nghe được. Cá đây thường là cá biển – từ Tân Hội, Mỹ Hòa vô bán. Chứ cá sông, cá đồng dạo đó thì ai cũng có thể tự đi bắt mà ăn, chẳng ai rao bán cả (có dư thì cũng tự “chia” nhau thôi). Cá biển có khi vô làng buổi sáng nhưng cũng có lúc vô nửa đêm lúc trăng còn vằng vặc. Dưới ánh trăng, mớ cá bạc má, tròn ngân còn tươi rói lấp lánh ánh bạc “chộ mà thèm”! Dĩ nhiên là rẻ, rất rẻ so với ngoài chợ…
–“Ló khôn?” lại là một tiếng rao quen thuộc nữa, nhưng không phải rao bán, mà là rao mua. Thường là của mấy mụ hàng xáo ở các làng khác tới mua ló trong làng. Có dư chút thì phải bán thôi, không bán thì lấy tiền mô mà chi dùng vô những chuyện “quan hôn tang tế”. Người ta nói nhà nông: “cái chi cũng từ trong hột ló mà ra” là vậy.
–“Hoạn heo khôn?” lời rao này cũng quen lắm, là của mấy chú “có nghề” hẵn hoi. Vì xưa làng mình nhà nào cũng có nuôi heo, ít thì một hai con, nhiều thì năm bảy con. Ngoài mục đích lấy thịt, cái chính là để lấy phân bón ruộng. Và để cho heo đực bớt “quậy”, mập lên, thì phải “lặt”. Nhưng thay vì nói “lặt …đái khôn?” nghe ghê quá, thì người ta dùng từ “hoạn”…như kiểu “hoạn quan” vậy.
Những tiếng rao quen vừa kể thường ngắn, gọn, đơn giản, không lên xuống, trầm bổng hay ngân vang. Có lẽ bởi ngoài bản chất của “tiếng quê mộc mạc” thì không gian làng quê, nơi thôn xóm yên ả, vắng lặng khiến người rao chẳng cần phải mất sức lên giọng, họ chỉ rao như hỏi, hỏi như rao cũng đủ nghe: cá khôn? ló khôn? hay hoạn heo khôn?…
Cá biệt cũng có lời rao cần phải lên giọng, càng to càng tốt, chẳng hạn như của ông Mõ làng. Chiều chiều, vào giờ cơm tối, ổng lần lượt đi qua các xóm, mỗi xóm chia ra hai “khúc”, mỗi khúc rao một lần. Ông lên giọng: “T…ấ…t cả toàn dân…”. Trẻ con như tụi tôi hồi đó thì chỉ thích cái câu tiếp theo sau: “ Túi ni, trên xã có chiếu xi-nê…”. Suy cho cùng thì đây cũng là rao, chỉ khác là rao của nhà nước chứ không phải của tư nhân.
Rao Huế
Rời làng vô Huế – mà ngày ấy thường gọi là Dinh – để “nghe giọng Dinh dẽo dẹo” của mấy o con gái Huế. Ca-nô Bảo Toàn mới cập Bến Đông Ba, chộn rộn kẻ chưa xuống, người đã lên, ồn ào náo nhiệt…
–“Ai …nước?” là của mấy chú bé, cô bé bán nước chè xanh dạo. Tiếng rao “Ai nước” lúc này đã có độ ngân vang và dẽo như một đường cong, nhấn ở tiếng “ai” và kéo dài ở tiếng “nước”. Một ấm chè bằng nhôm và một cái ly cũ kỹ sẽ liên tục rót cho “khách hàng” những ly nước chè xanh thơm phức mùi chè gừng của Huế.
–“Kem nề – Kem nề”!: lời rao có vẻ như “này”, như mời gọi đám con nít nhà quê mới lên tỉnh, thích “của lạ” – vì ở làng làm gì có cà –rem! Mà đâu phải kem “vừa bùi vừa mịn” như bây giờ, thuở ấy chỉ là một “ cục nước đá có pha đường” không hơn không kém. Vậy mà con nít cứ khoái tít dù ngậm thấy “ê cả răng, chá cả mẹn”! Và càng ngậm nó càng tan chảy mau hơn!
-“Ai… chè đậu xanh chè bắp?” là của mấy o gái Huế bán chè dạo trên đường phố. Chè đậu xanh thì ở làng không lạ gì, nhưng chè bắp – mà là bắp Cồn Hến – thì phải vô Huế mới có. Và mấy o bán chè o nào cũng duyên cũng dáng như nhau, cũng áo dài, nón lá bài thơ, dù là vất vả nhưng vẫn có nét thanh lịch.
-“Ai…trứng… lôôn … …” đây là tiếng rao tôi từng nghe trên đường dẫn về Đông Ba từ cầu Dã Viên, Kim Long trong một buổi tối trời mưa lất phất, se lạnh của mùa Đông xứ Huế. Nhìn quang gánh và ánh đèn dầu leo lét đung đưa theo bước chân của người phụ nữ, ai cũng biết đây là gánh bán trứng vịt lộn về đêm. Trời lạnh xứ Huế mà ăn hột vịt lộn với rau răm -muối- tiêu -ớt thì còn gì ngon và ấm bằng?
Điều đáng nói ở đây là tiếng rao trong đêm khuya giữa khung cảnh vắng lặng ấy.
Nếu rao ngắn gọn bằng tiếng phụ nữ yếu ớt: “Ai ăn trứng vịt lộn không?” hẵn là người ở hai bên con đường lớn ấy, không ai nghe. Chỉ còn cách là kéo dài và ngân vang âm cuối, càng vang, càng dài càng tốt. Vì vậy mà chữ “lộn” thay vì dấu “nặng” khi không lại…bất đắc dĩ thành dấu …“huyền”! Người rao thì chẳng hề để ý, nhưng người nghe lại nghĩ tục!
Rao Quảng
Vậy mà khi tôi vượt đèo Hải Vân vô tới Đà Nẵng – xứ Quảng, thì cũng cái trứng vịt đó, tôi lại nghe người Quảng rao:
–“Hộc dịch lọong!” “Hộc dịch lọong”! : ba tiếng ngắn gọn, nặng chịch như…uất nghẹn một điều gì?! Có lẽ bản chất người Quảng cũng thực tế, đơn giản, không màu mè, và người Quảng không còn gọi là trứng vịt như người Huế mà gọi là “hột dzịch” theo cách gọi ở Nam bộ.
–Bánh mì nóng dòn! Bánh mì nóng dòn đơi! Đây có lẽ là tiếng rao nghe hấp dẫn nhất trong đêm mùa lạnh xứ Quảng khi các lò bánh mì bắt đầu cho ra lò mẻ đầu tiên còn nóng hỗi. Dạo những năm 1960’s Đà Nẵng không có nhiều bánh trái như bây giờ, chỉ cần một ổ bánh mì nóng ăn-không cũng đủ khoái khẩu.
-“Ươi eng chè đậu xanh đậu doán nước đóa?” thì cũng chè đậu xanh, đậu ván như Huế vậy thôi, chỉ có thêm nước đá. Đây cũng là cái mới vì ở Huế xưa người ta không ai ăn chè với nước đá cả. Cà-rem là cà –rem, chè là chè, không lẫn lộn!
–“Phở!” “Phở”!: vào đây mới biết phở là gì. Hình như tôi nhớ không lầm dạo đó Huế chưa hề có món phở, mà chỉ nhiều bún bò. Đà Nẵng mới có phở, mà là phở bán dạo trên đường phố, bán cả về đêm. Thuở ban sơ thì dùng quang gánh, về sau, người đàn ông thường đẩy một cái xe (giống như xe hủ tiếu bây giờ), trên là nồi xúp lớn, bên dưới đốt than củi để hâm nóng nước xúp. Chả thế mà sinh ra chuyện nửa hư nửa thực khi có người Pháp xưa tưởng rằng xe này là xe bán “lửa” bởi nghe ông này cứ rao “phở, phơ” mà tiếng Pháp phơ (feu) nghĩa là “lửa”!
Rao Sài Gòn
Cũng như các thành phố khác, Sài Gòn hẵn là có nơi mua chỗ bán hẵn hoi, không quận huyện nào không có chợ, có tiệm, có cửa hàng. Nhưng xã hội thì lúc nào bên cạnh lớp người giàu có sung túc, vẫn tồn tại một lớp người nghèo khó vất vả. Chuyện bán buôn cũng thế, có người đứng làm ông chủ tiệm, bà chủ cửa hàng, nhưng vẫn luôn có người phải buôn gánh bán bưng, dùng hai bàn chân thay cho bánh xe để di chuyển và dạo quanh hang cùng ngõ hẽm của thành phố để mưu sinh.
Đặc biệt những năm đầu sau ngày đất nước thống nhấn 1975, lúc đó người ta coi việc buôn bán như một tội lỗi, là tầng nấc trung gian cần phải loại bỏ. Chỉ có một bên là sản xuất, một bên là tiêu dùng. Khâu phân phối do nhà nước độc quyền quản lý. Cửa hàng buôn bán tư nhân không được phép tồn tại. Từ đó, tại Sài Gòn mới nẩy sinh phong trào bán dạo khá phổ biến một thời. Không những bán hàng hóa mà còn bán cả dịch vụ. Dân Sài Gòn đã bao đời nay được mệnh danh là dân “tứ chiến” cho nên nghề bán dạo cũng gom đủ các sắc dân từ cả ba miền Nam Trung Bắc, không thiếu một thứ tiếng nào.
Tôi làm công nhân cho một xưởng sản xuất đồ mộc ở quận 3, buổi sáng tới nơi làm việc đã nghe:
–“Xôi cút nời! Xôi cúc”! tiếng rao lơ lớ của một một anh Tàu-lai trung niên ốm nhách đèo theo một cái “xửng” trên chiếc xe đạp cà tàng. Rứa là chỉ cần “một cặp” (hai cục) là no cho cả buổi sáng để lấy sức làm việc nặng nhọc rồi. Buổi trưa sau giờ cơm, nằm nghỉ tạm ở một góc phòng, tôi có thể nghe hàng loạt những tiếng rao hàng từ bên ngoài. Nghe riết thành quen, thành thuộc lòng từng lời rao…
-“Dzé số nời – dzé số chiều xổ nời!” lời rao này thì có khá nhiều giọng tham gia: nam có, nữ có, con nít có, người lớn có. Nghề này có lẽ nhàn hơn, chẳng cần vốn, chỉ ghé qua đại lý lấy bán, chiều còn dư nộp lại. Vì vậy mà ai cũng dễ làm. Đố ai mà “thống kê” được là tại Sài Gòn có bao nhiêu người đi bán vé số dạo hằng ngày. Có lẽ cũng lên tới con số triệu không chừng. Vé số thì nhiều vô kể, mỗi tỉnh mỗi thành đều tranh thủ xổ để lấy lời. Xưa “vé số kiến thiết” cả nước chỉ xổ mỗi tuần một lần, nay tính ra con số lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm. Vậy mà vẫn bán sạch. Có lẽ trong thời buổi kiếm tiền khó khăn, con người ta chỉ trông chờ vào hên xui may rủi chăng?
–“Ai đậu hủ nước dừa?, là tiếng rao của một bà xồn xồn mập ú với gánh đậu hủ lúc nào cũng còn nóng hổi. Chén đậu có chan một loại nước nâu vàng, bỏ tí gừng cho thơm, bên trên là lớp nước dừa đặc quánh béo ngậy. Rõ là khác với đậu hủ Huế, mình chỉ bỏ đường cát trắng, hay vàng và không hề có nước dừa, vậy mới không mất đi mùi thơm đặc trưng của đậu hủ.
Có lần anh bạn đồng nghiệp nằm bên cạnh tôi cắc cớ hỏi:
-“Ông có biết bà đó rao bán gì không?” Tôi nhìn anh ta ngạc nhiên:
-“Thì bán đậu hủ chứ còn bán gì?” Anh ta khoát tay:
-“Cứ nghe đi, nghe thiệt kỹ rồi hãy trả lời”…
Báo hại tôi cứ chăm chú nghe đi nghe lại mà chẳng hiểu gì ngoài mấy tiếng “ai… hủ…dừa …”. Anh bạn cười phá lên, khiến mấy đồng nghiệp khác ở góc xa cũng cười theo. Thì ra, tai anh ta nghe mà đầu óc thì cứ nghĩ vẩn vơ tới chuyện tào lao. Rõ ràng người ta rao: “Ai hủ nước dừa” mà anh ta nỡ nhẫn tâm sửa lại là: “Ai ngủ cũng dừa” !
Rồi thời đại ngày một tiến bộ, có ai đó đã nghĩ ra cách rao không phải bằng lời mà bằng những âm thanh đặc biệt, để cho đỡ “khô cổ” mà vẫn có người nghe và hiểu. Có lẽ cái ông “hủ tiếu mì gõ” đã đi tiên phong trong phong trào này cùng với cái “leng keng” quen thuộc xưa của chú cà-rem chăng? Rồi đến lượt: “tèn ten tẹn, tèng téng tèn…” của chú kem wall từ thập niên 90’s, rồi sau đó là cái cân dạo, còn gọi là cân sức khỏe, vì sau khi cân đo, lấy chiều cao, trọng lượng rồi, cân còn ưu ái khuyến mãi phát ra lời khuyên để tăng giảm cân, bảo vệ sức khỏe!
Rồi còn nữa, nhiều thứ khác, như cái anh chàng, cô nàng bán đĩa nhạc sao chép “bình dân”, thì với dàn âm thanh cỡ không chỉ “hi-fi” mà tới cả …“ba phai” trên xe 3 bánh, cứ việc mở hết công suất thì từ xa đã nghe thấy, đâu cần phải dùng lời? Hay như anh chàng chuyên đi tẩm quất dạo về đêm, cứ dùng …một xấp kim loại gắn vào nhau, lâu lâu lại lắc nghe “xẻng xẻng” thì dần dà cũng trở thành…ám hiệu cho cái nghề “xoa và bóp” này.
Vậy nhưng, nhiều người lại không thích kiểu “chơi dụng cụ” này mà vẫn thích dùng lời rao, chỉ có khác là họ thâu âm lời rao vào máy và phát ra liên tục.
-“Mài dao, mài kéo – mài kéo, mài dao – thay cáng dao”, hay:
-“Bánh chưng bánh giò – Bánh giò bánh chưng”, đôi khi vắn tắt, chỉ còn là “Chưng giò”!
–“Keo dính chuột! Keo dính chuột! Trung tâm công nghệ hóa màu vừa cho ra đời một sản phẩm – đó là keo dính chuột – keo dính chuột không độc hại – không gây ô nhiễm môi trường...” Báo hại, đi tìm cái “trung tâm công nghệ hóa màu” này để kiểm chứng thì chỉ nổ con mắt, chẳng tìm thấy đâu!
…
Cuối cùng, chỉ có họ hàng nhà ve chai (mà phía Bắc hay gọi là nghề “đồng nát”) là còn trung thành với nghề rao cổ điển – cho đến bây giờ vẫn không dùng tới máy móc, không dụng cụ…hỗ trợ. Sài Gòn có cả một mạng lưới khổng lồ, rộng khắp của nghề thu gom ve chai, phế liệu. Từ các đại lý lớn đến các đại lý nhỏ rồi đến các con người lam lũ rải ra khắp các hang cùng ngõ hẽm, thu gom từ cái lông vịt, cái thau nhựa bể, cho đến chiếc ti-vi, …không bỏ sót một thứ gì.
Đây cũng chính là cái nghề khởi nghiệp đã đưa một con người từ hai bàn tay trắng trở thành giàu có tiếng tăm nhất vùng đất Sài Gòn gần một thế kỷ trước. Đó là Chú Hỏa – một người Hoa Minh Hương – Chợ Lớn. Hơn ai hết, ông ta hiểu rằng “tấc đất là chính tấc vàng”, cho nên tiền lời từ ve chai ông ta đầu tư tất cả và đất đai. Và đó là tiềm năng khiến ông trở nên ngày càng giàu có.
Thuở ban sơ, “nguồn hàng” thường không nhiều. Chỉ vài món, thường là lông vịt cùng …chai với lọ, nên mới hình thành cái từ “ve chai” lúc khởi thủy.
-“Ve chai – lông vịt – thau nhôm, mủ bể, dép đứt bán hông?”…
Bây giờ “ nguồn hàng, theo với đà phát triển của khoa học, của vật liệu, cộng với quan niệm tiêu dùng mới – không thiên về dùng làm của để đời sau – trở thành phong phú vượt trội. Hầu như trong nhà có cái gì hư hỏng cần bán thì ve chai đều mua được tất. Vậy nên lời rao ve chai ngày càng dài ra, càng kể lể lê thê như sớ táo quân 23 tháng Chạp vậy.
-“Bàn hư, ghế hư, dzán, đi văng, bàn máy may, xe đạp hư cũ bán hôông?”
Và rồi có lúc, có chú nhóc bỗng thay âm “bán hôông” cuối bằng cái từ mới nghe ra vẻ “khẳng định” hơn:
–Quạt bàn, quạt trần, bàn ủi than, bàn ủi điện hư cũ bán là mua; bình ắc-quy, bình tăng giảm điện, tăng phô hư cũ bán là mua!…
–Loa, ăm-li, ra dô, ti vi, tủ lạnh, cat-xét, máy vi tính, điện thoại hư cũ bán là mua!…Đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường, hột quẹt dip-bô hư cũ bán là mua!…
Rồi thì những món hàng hư hỏng đủ cấp đủ loại này mang về, người ta sẽ làm
gì với chúng, chế biến lại ra sao, thì không ai có thể biết hết. Chỉ biết đó là một hình thức tận dụng phế liệu rất cần thiết và mang lại lợi nhuận không nhỏ cho các chủ vựa ve chai. Chỉ có bản thân người trực tiếp đi thu lượm ve chai, hao hơi rát cổ bằng những tiếng rao miệt mài, thì ngày ngày vẫn còng lưng đẩy mà thu nhập thì lúc nào cũng khiêm tốn.
Công tâm mà xét, cũng nhờ nghề ve chai mà hàng ngàn người thất nghiệp, từ quê lên tỉnh, có công ăn việc làm, có đồng vô đồng ra, dù chỉ là tạm bợ. Cá biệt chỉ có chị Ánh Hồng mới đây ở Sài Gòn, với 5 triệu zen nhặt được trong thùng các-tông ve chai, thì có thể xem như đó là điều may mắn hy hữu,hiếm hoi, là chuyện cổ tích, không hơn không kém.
NGUYÊN THANH –
Kim Phượng st & tổng hợp