Giáo Sư: NGUYỄN HẢI BÌNH

Kết quả hình ảnh cho Đại học luật khoa trong hệ thống giáo dục Miền Nam trước 1975 photos
 
Giáo Sư: NGUYỄN HẢI BÌNH
Nhóm GNST xin hân hạnh giới thiệu đến Diễn Đàn Giáo Sư Nguyễn Hải Bình vào sinh hoạt với chúng ta. Ông tốt nghiệp trường Luật Khoa Sài Gòn và được học bổng Fullbright do phòng Thông Tin Mỹ USIS chu cấp. Ông là Giáo Sư Khoa Trưởng Đại Học Kinh Thương và sang nước ngoài là Giáo Sư của Đại Học Champlain( Canada).
●▬▬▬▬๑۩۩๑▬▬▬▬▬●
Sau đây là bài viết của Giáo Sư Nguyễn Hải Bình.
https://lh3.googleusercontent.com/-oFUp4c3c3gU/VKRcu7316HI/AAAAAAAABt8/Aw5A-4TTkBU/w613-h773-no/Thay%2B1.jpg
TÔI LÀM THẦY GIÁO
Viết cho: Long Xuyên, Anh Ngữ Quân Đội, Khánh Sơn, vợ chồng Châu-Lý, K. Dung, Hải-Phong,
Con đường Duy Tân, Kinh Thương Minh Đức, AMT Champlain Sherbrooke
Đời thường, nói đến thầy giáo là người ta nghĩ đến một nhà mô phạm theo văn hoá Khổng Mạnh mà chúng ta, anh em Hội Cựu giáo chức Việt Nam vùng Quebec, ôm cứng tự ngàn năm. Nhưng cuộc đời làm thầy giáo của tôi sắp kể thì e rằng nó lại đầy rẫy những vui buồn, sướng khổ, trần tục, nghiêm túc và có khi trật đường rầy từ lúc tôi vào đời “godautre”. Xin quí vị phát âm “godautre” theo accent phờ răng xe mà tôi thích dù rằng nó chính là gõ đầu trẻ chỉ vì tôi không quên được cái ngày tôi bắt đầu học tiếng “Tây” lúc ở lớp sơ đẳng “élémentaire” trường École des garçons tỉnh lỵ Hà Đông mà cứ mỗi chiều thứ Tư còn phải ra sân tập hát bài Marseillaise “Allons! Enfants de la patrie …” quốc ca “mẫu quốc”, nói theo ngôn ngữ hồi còn mồ ma Pháp thuộc. 
 Ở cái tuổi thơ lên chín này, đây cũng là lần đâu tìên tôi thấm thía cái quyền uy của thầy giáo thưở xưa khi tôi nhận trận đòn nên thân của thầy giáo Tư. Thằng Phương miệng cá ngão nó gọi tôi đầu quả dưa tôi bèn thụi nó. Thầy Tư trông thấy, ông đi xuống tay cầm cái thước vuông vức, dài gấp đôi cái thước kẻ thường và cứ thế ông đánh túi bụi trên hai cánh tay tôi bầm tím. 
https://lh5.googleusercontent.com/-_OLdYO4nndY/VKRcyrRBW9I/AAAAAAAABvE/WDvQHr9eoBQ/w655-h480-no/thay%2B2.jpg
Lớn lên, tôi thật là trên trời rớt xuống vào đời gõ đầu ‘trẻ” theo đúng nghĩa đen. Mười bốn tuổi đầu mới học hết lớp Đệ Lục trung học, tôi từ hậu phưong kháng chiến “dinh tê” về “tề” ở cái làng Vạn Phúc lụa Hà Đông. Ông lý trường thấy tôi có chút chữ nghĩa bèn xách ra giao cho tôi dậy vỡ lòng xấp nhỏ trong làng ngay tại căn nhà ba gian gia đình tôi được cho ở nhờ. Thế là tôi trở thành “hương sư” bất đác dĩ, dậy các nhi đồng trong làng 24 chữ cái rồi ghép vần “am, nờ am nam ...” và cao nhất là tới mức “Công cha như núi Thái Sơn...”.
 Vậy mà cũng có những vui buồn của hơn một năm trời hương sư. Số là cô em gái tôi cũng ngồi trong lớp này mà lại nói ngọng. Cứ dậy tập đọc “quả na” thì nó lại “quả la” sửa hoài không được. Ông bố tôi ở gian bên cạnh tức điên ruột bèn xách nó ra vừa quất vừa hét “quả na” thì em tôi lại thì thào “quả la”. Rồi chuyện cười ra nước mắt xẩy đến cho màn “quả la” này khi một trò gọi tôi “Cậu giáo, thằng Tèo nó sợ quá đái ra quần rồi”. Thét rồi em tôi cũng sửa được “quả na” sau mươi trận đòn. Một tình cờ mấy năm rồi về thăm Hà Nội tôi lại thấy cái ngôn ngữ “quả la” này “ló lại “ trở thành phổ thông đến nỗi một vị quan toà đã tuyên “bị can phạm tội nường gạt”. 
https://lh4.googleusercontent.com/-xSgGhrrTiWE/VKRcwYntJzI/AAAAAAAABuM/LUSd6VWN5JY/w1163-h773-no/Thay%2B3.jpg
Ấy, vậy mà cũng có chuyện vui thời hương sư của tôi. Tết đến tôi được ông lý trưởng tặng một cái nón béret, các phụ huynh xấp nhỏ biếu cặp bánh chưng và gói mứt sen để gia đình tôi có cái tết đầu tiên ở làng tề.
 Bẵng đi sáu năm về thành kiếm đường học lại tôi mới thấy được cái uy nghiêm và mô phạm của ông thầy mà mọi người trang trọng gọi là giáo sư. Tôi bắt đầu hiểu được thế nào là Tiên học Lễ hậu học Văn. Những năm trung học Nguyễn Trãi tôi đã thấy sự khả kính và nghiêm túc của người thầy. Những tận tụy của giáo sư Bùi Phuợng Chì dậy Lý Hoá, thầy Vượng kiên nhẫn với lũ tôi học trò lần đầu tiên đi vào triết học để người cứ phải lắc đầu nhắc lại cái ý nghĩa của Tam đoạn luận “Là người phải chết – Socrate là người – Socrate phải chết”. 
https://lh4.googleusercontent.com/-NYncza6QaYY/VKRcztlh3KI/AAAAAAAABvQ/fvkQOVXCJig/w590-h535-no/Thay4.jpg
Rồi cái oai quyền của ông thầy thể hiện ngay trên tôi những ngày trung học. Số là tôi học toán với thầy Bạch văn Ngà. Một hôm làm sao tôi lại ngủ trong lớp mà há hốc miệng để thầy ném luôn cục phấn trên tay lọt thỏm vào miệng tôi. Thằng bạn tôi còn điêu đứng hơn với thầy Bốn to như tây, dậy vẽ. Số là trường có một nữ giáo sư tên Lan khuôn trăng cũng khá là đầy đặn như thầy. Thầy cho vẽ tự do, nó bèn vẽ luôn bốn cái hoa lan đem nộp. Ông đứng dậy đi xuống tay cầm bức vẽ tới chỗ nó ngồi bảo đứng dậy, cả lớp nhìn theo. Tôi nghe một tiếng bốp, ông tát nó một cái bằng trời giáng rồi xé bức vẽ Bốn cái hoa Lan.
Với cái bằng trung học này chỉ hơn một năm sau nó đưa tôi vào lại nghề “lên cours”. Vừa có bằng xong thì chế độ quốc trưởng Bảo Đại ban cho tôi cái giấy gọi nhập ngũ để đầu năm 1955 trở thành một tân sỹ quan khoá Vì Dân của thủ tướng rồi tổng thống Ngô Đình Diệm. Vừa xuống miền Tây uýnh lộn với lính ông Ba Cụt chưa được nửa năm thì bộ Tổng Tham Mưu gọi tôi về đi học Anh văn khoá đầu tiên hội Việt Mỹ. Nhờ cái vốn tiếng Anh học nơi bà Hà văn Vượng ở đường Halais Hà Nội trước đây, ba tháng sau tôi được gởi đi trường Bộ binh bên Mỹ làm thông dịch viên cho ông giảng viên đại úy Mỹ Scott dậy môn truyền tin cho lớp sỹ quan Việt Nam đầu tiên sang thụ huấn tại đây. Thế nghĩa là ngày ngày tôi cũng phải lên cours, ông Mỹ giảng thì tôi dịch, làm phụ giáo luôn vì nhiều khi cũng phải giải thích thêm, bao nhiêu cái máy truyền tin AN-PRC lớn nhỏ tôi đều thuộc làm lòng.
Cũng lại quân đội nữa. Về Sàigòn tôi không còn là phụ giáo mà được phong làm “giảng viên”, cái tít thầy giáo thứ ba của tôi, để dậy Anh văn tại đơn vị mới là trướng Anh Ngữ Quân Đội. Giảng viên nhà binh thì làm sao có cái tác phong và mô phạm như những thầy Ngà thầy Vượng của tôi hồi nào.
https://lh6.googleusercontent.com/-68fWH6WbaIo/VKRcwroAhyI/AAAAAAAABuU/SVdn7XwmPCs/w760-h562-no/Thay%2B5.jpg
Các vị học viên của trường ANQĐ thì đủ cả, từ hạ sỹ quan tới các tướng Đôn, Kim, Xuân, Đính, và cả tướng Khiêm dưới trào cụ Diệm. Vào lớp giảng bài thì một là phải hoà mình để được yên thân với “khoá sinh”  khi gặp những vị tếu như ông tu bíp Từ Uyên hay Dê Húc càn Dương Hùng Cường một thời trung sĩ Không quân kê giảng viên với câu “Nhất tự tiên sư, Bán tự tiên sư” chứ không phải “vi sư”. Lúc khác làm thầy thì lại phải chào kính khoá sinh là mấy ông tướng lãnh. Tôi nhớ lại sáng sáng trước khi vào lớp phải nhờ đồng nghiệp nhìn hộ quần áo đã thẳng nếp chưa, giày đen đã bóng đủ soi gương chưa. Đi vào lớp rập chân cái cốp, giơ tay chào kính mấy vị khóa sinh đeo sao tướng lãnh trên ve áo và hô “Good morning Sir” trước khi bắt đầu “Please, repeat after me”.
Cái vai thầy giáo thứ ba này của tôi còn làm tôi mai một danh tiếng mô phạm hơn nữa cũng chỉ vì ông chỉ huy trưởng lại là típ chịu chơi. Ông đàn anh này của tôi hiện giờ cũng đang ở Montréal đấy. Cuối tuần ông dắt cả bọn đi Vũng Tầu vi vút. Làm sao tôi còn mô phạm được nữa khi dám mon men khen cô chủ quán đẹp để nàng bẽn lẽn nói yêu “Mais, il n’y a pas de rose sans épine”.
Hồi đó có chút tiếng Anh là có giá lắm vì phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ MACV mới đổ vào, người ta đi học tiếng Anh tùm lum. Nhờ vậy, tôi được 
https://lh6.googleusercontent.com/-GT-zG4-Balc/VKRcxGW_ZaI/AAAAAAAABuc/ZAl-Mxb5Cvk/w1074-h773-no/Thay%2B6.jpg
các trường Anh văn Khải Minh rồi Dziên Hồng mời dậy. Tôi bước vào cái nghiệp thầy giáo lần thứ tư và có thấy chút hãnh diện hơn, cảm thấy mình có chút được ngưỡng mộ hơn vì lần đầu tiên được các học sinh gọi là “thầy”.
Tôi bèn thấy yêu nghề dậy học vì tự nhiên tối tối tan trường ra leo lên cái xế Lambretta hai bánh thì đã thấy lủng lẳng trên tay lái một chùm bông sứ và một đống cô gái choai choai nhìn cười. Riết rồi mấy cô gái miền Nam bạo miệng túm tôi trong giờ nghỉ mà hỏi thầy bao nhiêu tuổi. Tôi nói hai mươi ba thì có tiếng nói góp”Con Tư miệt vườn nó treo chùm bông sứ ghẹo thầy đấy. Nó mới 17 tuổi hà...” Cái sự kiện cho tôi vui ngầm lẩn thẩn này cũng đem cho tôi một tai hoạ khi có tên học trò tức khí. Hắn về móc ra một chữ tiếng Anh vào lớp cắc cớ hỏi thầy “henpecked” nghĩa là gì. Biết là mình bị chiếu tướng nhưng cũng đành đỏ mặt trả lời “Tôi không biết” vì tôi không biết thật. Nhưng cũng tại đây tôi cảm nhận được cái cao quí bền vững của tình sư đệ. Một đôi trai gái nên vợ nên chồng trong lớp tôi và cho đến nay 53 năm xa cách nhưng mỗi năm tôi đều nhận được một cánh thiệp chúc tân niên.
Cái đời lính hai lần bị gọi lại là con đường cho tôi lún sâu vào nghề thầy giáo để thấy cái đẹp cao quí từ lúc chính mình ngưỡng mộ nhin những bậc thầy đến khi những ánh mắt học trò nhìn mình như thần tượng đứng trên bục giảng con đường Duy Tân.
Đi lính kiểng ở Sàigòn nên tôi mới được dù đi cours của những giáo sư trường Luật NC Hách, VV Hiền, VQ Thúc v.v. Chỉ nghe thầy Hách ngồi trên bục giảng nhắc một tiếng “Kinh toán học” là đã thấy thầy là thần tượng của tôi rồi. Vào vấn đáp thầy Hiền dân luật hỏi điều 1382 trách nhiệm dân sự tôi ngắc ngứ. Thấy mình đeo lon trung úy, thầy nói “Anh đi lính hả? Sang năm Cử nhân Ba nhớ đi cours cho đều”. Vâng, tôi tái ngũ hát bài “Trả lại em yêu, Con đường Duy tân, Cây dài bóng xế...” nay về đi thi!
Nhờ cái bằng trường Luật và cái quá trình quân ngũ tôi được ưu tiên đi Mỹ học với cái học bổng Fullbright do phòng Thông Tin Mỹ USIS cho. Về nước với cái bằng Kinh tế, ông khoa trưởng Nguyễn Độ dí cho tôi cái cours Mậu dịch Quốc tế với tư cách “giảng sư”, cái danh xưng thứ năm trong nghề thầy giáo của tôi kể từ khi làm thầy giáo làng tên gọi hương sư. 
https://lh4.googleusercontent.com/-pmCtkhgJDeo/VKRcxcmzKCI/AAAAAAAABuo/RrvdF0AuYG0/w500-h438-no/Thay%2B7.jpg
Lần đầu tiên trong đời lên đồ bộ còm lê vào lớp, thấy cũng hơi run trước cả hai trăm sinh viên ngồi chật giảng đường. Ông khoa trưởng giới thiệu “Đây là giáo sư Bình mới về nước. Trước đây 10 năm giáo sư đã tốt nghiệp ở trường ta và hôm nay về giảng dậy môn học mới Mậu dịch quốc tế cho các anh chị”. Giảng đường vỗ tay rần rần. Và tôi bắt đầu cái cours này bốn năm liên tiếp cho Cử nhân 4 với những thương mến, yêu kính của lớp sinh viên đàn em vì nhiệt tình đóng góp của tôi. Và rồi những truân chuyên vướng mắc của tôi, một người thầy tận tụy nhưng cũng là con người mà chuyện đời đưa đẩy. Ôi, bốn năm trường Luật tôi còn có nghề tay trái nữa nên lên cours xong là chạy như ma đuổi. Tất niên họp mặt lớp, mấy nàng sinh viên nhào đến đòi chụp hình chung và chất vấn “Tại sao cứ tan cours là thầy chạy như mà đuổi? Thầy sợ tụi em “bắt” hả?”
Và rồi tôi bị bắt thật. Những giờ dậy Sinh ngữ doanh thương Cử nhân 3 một ngày nào đó đã đưa tôi đến chỗ chết chìm. Mười lăm phút giải lao ngồi trên bục giảng tình cờ một hôm thấy có ai ngồi đó một mình không ra sân chơi. Rồi ánh mắt chớp chớp cho tôi cái linh cảm bất thường. Mọi chuyện cũng qua đi nhưng, thú thật, tôi bắt đầu để ý. Trong lớp cả năm học vẫn ánh mắt đó mỗi khi tình cờ mắt giao nhau. Cứ vậy, cinéma không tiếng nói cho đến hết năm thứ Tư ngày tốt nghiệp. Giờ chia tay, nàng chờ dịp lại gần nói “Em chào thầy tạm biệt”. Thầy nói mong có dịp gặp lại và nàng “Vâng”. 
https://lh6.googleusercontent.com/-bC1lca0Ntks/VKRcxzekKxI/AAAAAAAABuw/1gNmHw2oT9A/w1000-h750-no/Thay%2B8.jpg
Thế là mọi chuyện an bài. Ngày ra đi tôi không còn là thầy nữa mà trở thành “Anh” sau khi ra nhà làng Sherbrooke ký giấy mang cái hàm phu quân. Là phu quân tôi được nàng cơm bưng nước rót như đã nói đến trong bài “Gã phu” tôi viết trước đây.Thời gian qua, nàng “take off” nói theo ngôn ngữ phát triển kinh tế. Tôi tự nhiên thấy đâu mất chữ “quân” mà chỉ còn chữ “phu”. Vâng, tôi chở thành phu xe lái xế cho nàng đi, kiêm phu khuân vác cả chục năm lễ mễ xách cái keyboard đi Hội Giáo chức cho thằng con đệm đàn để nàng lên trình diễn Lòng Mẹ, Tình Cầm. Và bây gìờ đây từ ngày tôi về hưu mà nàng vẫn lặn lội thân cò thì tôi trở thành phu đổ rác, mỗi ngày thứ Ba hì hục lo khuân mấy cái “bac” tổ chảng rác đen, rác composte, rác recyclage ra lề đường. Không còn cái uy phong của người thầy giáo nữa, sáng sáng mùa đông xứ lạnh muốn sóng yên biển lặng tôi còn trở thành phu hốt tuyết ra cào xe, dọn lối đi để nàng lên đường đi làm.
Cũng có những chuyện toát mồ hôi tại cái trường con đường Duy Tân này. Một hôm có một phu nhân tới gặp tôi đưa cái danh thiếp của một ông thầy tôi, kèm theo một cái tên có chữ đệm “thị” trong đó. Bà nói nhờ giáo sư giúp cho. Tôi nhỏ nhẹ thưa bài rọc phách đã chấm và nộp trường rồi nên không làm chi được. Bữa sau ra trường ráp phách tôi thỏ thẻ chuyện này với tên đồng nghiệp thân. Nó hỏi tôi tên gì và há hốc miệng. Nó lục ra bài đã ráp phách rồi hét lên “Mày đánh rớt bà thầy mày rồi”. Tôi nhìn vào thì thầy cái điểm tôi đã phê “Lạc đề: 4/20”!
Một chuyện nữa, đời lính đi thi. Tôi coi thi trong giảng đường có một sỹ quan đeo lon trung úy. Tôi ngồi trên bục cao nhìn xuống thấy có xấp giấy kẹp ở đùi. Thấy tôi rời bục đi xuống, người thản nhiên rút cây súng Colt 45 để trên bàn. Phòng thi đã yên lặng sẵn mà bây giờ nó là cái yên lặng lạnh người, nhóm thí sinh xanh mặt. Máu lính cũ hoà với máu du côn nổi lên, tôi quay lên bục mở cặp lấy khẩu rouleau 6 viên dắt vô bụng quay xuống. Tôi chìa tay xin bài.
-  Xin giáo sư tha cho, tôi ở đơn vị về.
Tôi thu bài và mời thí sinh Trung úy đi ra, chấm dứt câu chuyện tại đây vì nhớ tới cái khoan dung của thầy Vũ văn Hiền với điều 1382 Dân luật khi tôi vào vấn đáp năm xưa.
https://lh4.googleusercontent.com/-C716gSolZ30/VKRcyP1DDmI/AAAAAAAABu0/qViSg4Z2dL0/w1000-h750-no/Thay%2B9.jpg
Nhưng kỷ niệm đẹp nhất của tôi trong cuộc đời dậy học là những năm với Kinh Thương Minh Đức. Cha Bửu Dưỡng muốn dựng một đại học tại Sàigòn và giao tôi soạn thảo cái chương trình cho một phân khoa mang tên Kinh Tế Thương Mại. Đó là một phân khoa với hai ban Kinh Tế và Doanh Thương. Trường ra đời năm 1970 và phân khoa có độc nhất lớp Cử nhân 1 với 150 sinh viên mà tôi giảng dậy cái môn Kinh tế vi tiểu . Chưa hết niên học thì thay đổi viện trưởng. Cha tân viện trưởng Bạch văn Lộc giao tôi trọng trách dựng lại cái phân khoa và ban cho tôi cái chức vụ làm thầy thứ sáu của đời tôi: Giáo sư thêm cái tít Khoa Trưởng đi sau.
 Trong bốn năm làm việc tôi vừa dậy ba môn kinh tế và một môn Anh ngữ doanh thương, vừa cải tiến phát triển trường. Với tinh thần khai phóng, kiến thức mới, sự hợp tác bình đẳng keo sơn giữa đồng nghiệp, những jeunes Turcs chúng tôi và văn phòng Kinh Thương đã đưa phân khoa tứ một lớp Cử nhân 150 sinh viên năm 1970 lên con số hơn 2000 tháng Tư 1975 rồi xẩy đàn tan nghé khi Sàigòn nằm xuống.
Một chuyện cười ra nước măt lúc trường tan hàng. Hồi đó Kinh Thương Minh Đức có nhiều phân ban từ Cử nhân, Cao học và thêm một ban Cao Đẳng ba năm. Ban này đào tạo nhân viên Quản trị Văn phòng mà giai tầng hành chánh thời VN Công Hoà chúng ta người ta gọi là bí thư, bây giờ tiếng gọi bên nhà là “trợ lý” đấy. Với chế độ mới vào Sàigòn thì bí thư là ghê lắm, nhất đẳng triều đình như tổng bí thư trung ương đảng tới các vị lãnh đạo mang danh xưng bí thư thành ủy, quận ủy, xã ủy, chi ủy tùm lum với quyền hành sinh sát. Thế mà cái trường Kinh thương mắc dịch nó dám mở ban đào tạo bí thư cho Ngụy. Vậy đám bí thư này cho đi cải tạo hết, không thì cũng phải hành hạ cho tới bến. Tôi nghiệp cho các nữ sinh bi thư của tôi đâu có biết gì chính trị mà chỉ theo học cô Nga dậy trang điểm, cô Thu dậy Anh văn, cô Liên dậy gõ máy. Vậy mà mấy kiều nữ lớp quản trị văn phòng tức ”bí thư” của tôi đã bị chế độ mới một thời hành hạ mút mùa.
 Vắn số rồi nhưng vang bóng của một Kinh Thương Minh Đức vẫn còn đó cho tới hôm nay với những họp mặt kể lể chuyện xưa, tình đồng môn, tình sư đệ hai năm một lần gặp nhau từ Cali, Houston, New York, Toronto, Saigon, Úc châu và sang năm 2014 về lại Bắc Cali. Thầy trò hội ngô ngậm ngùi tiếc nối trường xưa vắn số nhưng thật cảm động với thân thương khi một anh em K1 nói “Thầy dậy tụi em chỉ một vài môn nhưng chúng em quí trọng thầy hơn vì cái viễn kiến khai phóng, cái đường lối học tập mới và nghệ thuật quản trị mà thầy và các giáo sư đã đem đến cho chúng em để bây giờ chúng em có thể tung hoành”. Tôi không còn xa cách khi hơn một lần nghe lời tâm sự “Ngày xưa lúc thấy bóng thầy ở đâu trong trường là tụi em lảng mất. Vậy mà sao bây giờ ba mươi năm sau thấy thầy trò thật gần”. Một thời dĩ vãng, tôi đã gắn bó với trường, mang một đam mê mỗi khi bước lên bục giảng và hãnh diện khi thầy lớp đàn em tròn mắt ngưỡng mộ thầy đang ba hoa những tiêu thụ biên tế, tiêu thụ trung bình, cái mô thức tăng trưởng Keynes multiplier. Ôi, nay tất cả chỉ còn là Vang bóng một thời, nói theo kiểu tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Tuân. Nên chi, trong lần hội ngộ Nam Cali 2012 tôi đã tâm sự với anh em: “Tôi nghe nói bên Pháp người ta bảo dậy học là một nghề bạc bẽo –un métier ingrat – Nhưng những lần gặp lại anh em từ ngày trường ta nằm xuống, sự thân thương ưu ái mà anh chị em cho tôi đã là nguồn hạnh phúc mà tôi có được vào lúc cuối đời...” Cái tình yêu trường cũ đó cũng đã cho tôi cảm hứng làm tới ba bài thơ con cóc cho tình sư đệ và trường xưa bến cũ.
https://lh5.googleusercontent.com/-el7G3MKTZ9g/VKRcu2cj6MI/AAAAAAAABtw/yo83wWVe7sY/w598-h337-no/Thay%2B10.jpg
Trường tan, thầy trò người kẹt lại người ra đi trong đó có tôi. Sang tới Canada Quebec năm 1975 tôi nào đâu có nghĩ đến chuyện xin làm thầy trở lại. Cho rằng mình là chuyên viên tài chánh tôi nghĩ làm ngoài lương lậu khá hơn. Nhưng đời không toàn mầu hồng như vậy. Tuần lễ thứ hai sau khi tới Montréal tôi lên Sở Di trú lãnh cái séc phụ trợ tài chánh thì ông tham vấn conseiller của tôi đưa séc kèm theo lời bàn: “Anh bằng cấp thế này mà lên xin tiền phụ trợ”. Tôi điên người quạt lại: “Anh là tham vấn của tôi, vậy trong tuần qua anh đã tìm được chỗ nào giới thiệu việc làm cho tôi chưa?”. 
https://lh5.googleusercontent.com/-3aLUuti8Wwc/VKRcu8SU-1I/AAAAAAAABu8/8CYFxO49UOk/w398-h532-no/Thay%2B11.jpg
Nhưng mà đau quá, tôi mò đi coi cái bảng giới thiệu việc làm để bắt đầu làm lại cuộc đời ở một steak house đường Décarie góc Van Horne với nghề mới toanh trong đời tôi là rửa chén, tiếng Tây kêu là plongeur. Tuần thứ ba sau khi tới Montréal tôi nhận được cái séc lương đầu tiên 145 đô la cho 36 giờ rửa chén, nhớ hồi đó lương tối thiểu độ 4 đô một giờ.
Ở đời, ai đâu biết được chữ “ngờ” nên tôi cũng không ngờ mình trở lại nghề thầy giáo lần thứ bẩy trong suốt 35 năm kế tiếp. Sau hai tháng miệt mài rửa chén, xắt rau bắp cải làm cole slaw và chùi toa lét nhà hàng, tự nhiên tôi nhận được cú phôn lạ hoắc hỏi có muốn đi dậy học ở Sherbrooke không. Ơ hay, tôi có xin việc hồi nào đâu, mà Sherbrooke ở đâu? Tôi phone lại thì được biết đó là một cégep mang tên Champlain College cách Montréal 150 km đang cần một giáo sư điền khuyết. Ông tham vấn di trú chuyến này niềm nở kiếm xe, chỉ đường cho tôi đi Sherbrooke. Sau màn phỏng vấn, ông giám đốc trường mời tôi nhận việc để bắt đầu ngay tuần tới khai giảng với lương năm là 30,000 đô. Đúng là trên trời rớt xuống, Quebec đãi kẻ tị nạn là tôi. Tôi làm toán nhân 145 đô rửa chén với 52 tuần và quyết định nhận nghề thầy giáo lần thứ bẩy của tôi cái rụp. Về sau này hỏi ra mới biết tôi không xin mà tự nhiên có việc là nhờ cái ưu ái của Di trú Quebec đã gởi CV tiểu sử của tôi đi các trường đại học nên Champlain biết tôi. Chỉ tội ông chủ Steak house vì tôi xin nghỉ ngang xương. Ông chửi thế tôi kỹ quá và hỏi bỏ việc đi đâu. Tới khi tôi nói “Đi dậy”. Ông quạt lại “Dậy rửa chén hả?”!
Những năm tháng Champlain bắt đầu đầy những xa lạ từ khung cảnh, ngôn ngữ giảng dậy, văn hoá giao lưu, tương quan thầy trò, nhu cầu tái huấn luyện, trang bị kiến thức mới. Vậy mà tất cả đã qua đi ồn ào, năng động, khó khăn trở ngại, hài hoà để tôi ở với trường đủ 35 năm cho tới ngày về hưu mới đây.
https://lh5.googleusercontent.com/-u4NFEcHhKqI/VKRcvv79QOI/AAAAAAAABvM/DgqEKbfMOcU/w1160-h477-no/Thay%2B12.jpg
Vẫn những đam mê giảng dậy, lòng kiên nhẫn, bản tính thích nghi và tinh thần cầu tiến tôi gắn bó với Champlain.
Nhớ buổi lên cours đầu tiên tôi vào lớp tự tin để đối diện với khoảng 20 cô cậu tuổi đôi mươi. Ở cái tỉnh nhỏ này khuôn mặt da vàng mũi tét hiếm lắm mà lại đi làm thầy. Ra đường câu hỏi xã giao thường bà con tỉnh lẻ giành cho tôi là  “Anh làm ở tiệm ăn Tầu nào?” vì họ đâu có biết tôi mới đây rửa chén ở Steak house. Vậy nay vào lớp lên cours xấp nhỏ có nhìn tôi cũng vậy mà thôi. Hai ông nhóc ngồi hai bàn đầu bèn gác cái chân mang giầy lên bàn thử gân ông thầy nhỏ con. Mấy em khác nhìn chăm chăm đợi coi thầy phản ứng. Đi lính rồi một là sấm sét, hai là mặt lạnh như tiền xu. Tôi chọn chiêu mặt lạnh tỉnh bơ vì tự tin ở cái kinh nghiệm dậy Kinh tế vi tiểu micro-economics của tôi cả mấy chục lần nhớ làm lòng rồi. Tôi bình tĩnh bắt đầu. Đến khi nói tới đồ thị biểu diễn số tổng thu, số thu trung bình, số thu biên tế tôi lả lướt vẽ trên bảng phấn rồi quay lại hỏi: “Các em có để ý cái hàm số biểu diễn parabole tổng thu là bậc mấy không? Và công thức đạo hàm của trực tuyến biểu diễn số thu biên tế viết ra sao? Cái đại số học này các em mới học Calculus II ở lớp 5 trung học mà. Học kinh tế hay thương mại cũng phải có tí toán đó.” Tôi đảo mắt nhìn lớp học yên lặng và ngừng lại vài giây chiếu tướng hai nhóc tì có chân để trên bàn. Từ sau đó, tôi không thấy đôi chân ấy triển lãm trên bàn nữa.
Nhập gia tùy tục, tôi và các em hai nền văn hoá khác nhau. Tôi cần nương nhẹ , thích nghi hoá để làm tròn trách nhiệm với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Chế ngự được lớp học với khả năng, với đam mê và nhận diện tài năng để khuyến khích thăng tiến tôi mới tâm sự với học trò để giữ cho lớp học sinh động mà nghiêm túc và đạt kết quả. Tôi kể chuyện mình thời đi học nhận cục phấn thầy Ngà ném vào miệng, thằng bạn nhận cái tát với bức vẽ Bốn cái hoa Lan và nói : “Bên này là xứ tự do. Tôi mà làm vậy thì một là các em đập lại tôi, hai là các em đưa tôi ra toà”. Đấy là cách tôi chinh phục xấp nhỏ để làm cái nghề mà ông Tây bảo là “ingrat/unrewarding”. Nhưng bản thân tôi vẫn còn mang nặng cái văn hoá Á đông nên thật buồn khi một sinh viên bất hoà với bạn trong lớp chỉ nói một câu “Liệu hồn, ở nhà tao có súng”. Cô học trò đối tượng liền bốc phone và cảnh sát vào lớp tôi còng tay chú nhỏ đem đi.
Ở cái xứ Bắc Mỹ này cái gì gọi là riêng tư/privacy thật là thiêng liêng. Nhưng cũng có những phụ huynh theo sát, kèm cặp con cái như tôi kèm cháu Hải-Phong trước đây lười ơi là lười. Một hôm có ông gọi phone hỏi tôi điểm thi của cô con gái vì tôi là trưởng ban. Tôi nhỏ nhẹ trả lời không được. Ông năn nỉ nhưng tôi nói “không” vì cháu đã thành niên rồi, chỉ cháu mới có quyền được biết. Ông nổi xung hét trong máy dọa tôi “Nếu vậy ông sẽ biết tôi”. Tôi bình tĩnh bảo ông nghe cho kỹ là ông sinh trưởng ở đây phải biết luật rành hơn tôi. Tôi có thể báo cảnh sát là ông hăm doạ tôi ngay bây giờ nhưng tôi không làm.Tôi không làm chỉ vì thấy ông là một người cha còn lo lắng cho con. Ông cúp máy, nhưng nhẹ nhàng.
Cần lập chương trình mới Kế toán Quản Trị nên trường lại dí tôi làm Trưởng ban, chef de department vỏn vẹn trên dưới 100 sĩ số và dăm bẩy giáo chức đông nghiệp so với Kinh Thương Minh Đức một thời của tôi hơn 2000 sinh viên. Được cái, lớp học trò Tây này cũng thương tôi lắm. Ngày tôi về hưu các em cũng tiễn đưa lưu luyến lỉnh kỉnh. Biết tôi lấy vợ học trò qua những lần thầy trò tâm sự đấu láo, một cô bé xấn lên hôn má tôi và nói “Ngày xưa có cô học trò hôn ông rồi kêu ông là chéri. Hôm nay tôi hôn ông như là daddy của tôi, OK?”. Tôi giã từ Champlain College với một cái “épingle” trên ve áo gắn tới 3 cục hột xoàn và một cục đá xanh émeraude tất cả lớn bằng cái đầu tăm cho 35 năm thầy giáo Champlain.
 https://lh3.googleusercontent.com/-VIdA0ToLqBE/VKRcvg5of0I/AAAAAAAABus/hQMyQeX_qU4/w1000-h750-no/Thay%2B13.jpg
Tôi chấm hết cuộc đời thầy giáo 50 năm on-off nhưng vẫn còn những mến thương chứ không như cái nghề tay trái của tôi một thời giông bão. Nên chi tôi vẫn lẽo đẽo với cái hội Giáo Chức VN vùng Quebec chúng ta, vẫn điện thư giao hữu với các cựu đồng nghiệp Làng Anh Ngữ Quân Đội/Sinh Ngữ Quân Đội một thời binh lửa. Tôi vẫn chợt vui nhẹ nhàng với những điệp văn Happy Birthday trên Facebook của các em cựu sinh viên Champlain. Tôi cũng sung sướng hả hê nhìn ông con một thời lười ơi là lười nay cũng nối nghiệp bố làm nghề thầy giáo tỉnh lẻ cách Montréal 50 cây số. Chàng cũng yêu nghề, ngoài giờ dậy vẫn tạo những sinh hoạt ngoại vi cho xấp nhỏ học trò đi trại, chụp hình. Chả thế mà một bé đã bảo Hải-Phong “Em muốn thầy làm bố dượng của em, thầy chịu không thì em giới thiệu mẹ em!”
Và hạnh phúc nhất của tôi vẫn là hai năm mt lần hội ngộ với những đại hội của các anh chị em cựu sinh viên Kinh Thương Minh Đức. Như khi các thân hữu giáo chức của tôi đọc những giòng này trong Kỷ yếu nhân ngày kỷ niệm 20 năm Hội chúng ta thì tôi đang trong vòng tay thân quí của Kinh Thương Nam Cali để cùng nhau nhớ lại một thời vang bóng và kỷ niệm ngày vui tôi thượng thọ tuổi Giáp Tuất 80...
 https://lh6.googleusercontent.com/-2xI608NhkPM/VKRcv6UcEJI/AAAAAAAABuE/FeEJ6gT5qHw/w970-h773-no/Thay%2B14.jpg
 NGUYỄN HẢI-BÌNH
    Sherbrooke, Tháng 2-2013


Tin Tức Đại Hội KT 2019

Thư mời tham dự Đại Hội Kinh Thương 2019 tại Houston, Texas vào ngày 18, 19 và 20 tháng 10, 2019

Thông báo của ban tổ chức Đại Hội Kinh Thương

Tin từ HOÀNG TRÍ DŨNG (K3 - Houston, Texas)

Các bạn thân mến,

Ban Tổ Chức ĐHKT2019 Houston  xin gửi đến các bạn chương trình 3 ngày dại hội. Có một thay đổi về địa điểm tổ chức họp mặt Tiền Đại Hội ngày Thứ Sáu 18 tháng 10, 2019. Địa điểm mới là

Cao Trí Studio, 6200 Wilcrest, Houston, TX 77072
 
Chương trình Đại Hội Kinh Thương 2019 tại Houston

For more details, please follow the link below:

●▬▬▬▬๑۩۩๑▬▬▬▬▬●

 Đại học luật khoa trong hệ thống giáo dục Miền Nam trước 1975 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ảnh mang tính minh họa
(Trích có bổ sung trong tập san Hội Ngộ Mùa Thu Luật Khoa Kỳ X 28-9-2019 tại San Jose Hoa Kỳ)

Đỗ tú tài toàn phần năm 1964, cử nhân luật năm 1974, trở lại trường đại học tại Hoa Kỳ năm 1993, có lẽ đó là điển hình cuộc đời một số không ít sinh viên miền Nam Việt Nam Cộng Hòa của thế hệ tôi, chìm ngập trong chiến tranh.
Mặc dù là thời chiến, nhưng nền giáo dục tiểu, trung và đại học của miền Nam cũng vẫn rất nghiêm chỉnh, đâu ra đó. Và còn một điểm nữa quan trọng nhất là hoàn toàn miễn phí ở cấp tiểu và trung học và học phí hầu như không đáng kể ở bậc đại học. Bởi thế tôi là một sinh viên đôi lúc vô gia cư theo đúng nghĩa đen, và thất nghiệp, nhưng vẫn theo đuổi việc học đại học một cách liên tục và thoải mái. Thực sự ra sinh viên thất nghiệp chỉ vì muốn thất nghiệp thôi chứ đã là sinh viên thì thiếu gì việc làm; việc dễ nhất là nạp đơn vào Bộ Giáo Dục xin đi dậy cấp 2, như thế cũng được xã hội trọng vọng gọi là “thầy”. Việc ghi tên học đại học rất dễ dàng đối với ba phân khoa khoa học, văn khoa và luật khoa. Các phân khoa khác như Y, Nha, Dược, Kỹ sư Phú Thọ, Kỹ sư Nông Lâm, Đại học sư phạm và Quốc gia hành chánh thì phải thi tuyển, vì khi ra trường chắc chắn có việc làm nên tuyển sinh ít. Nhưng thi rất công bằng và không có diện nào được điểm ưu tiên hay điểm khuyến khích.
 
Vào năm 1964 của tôi, thi tú tài 2 (tương đương tốt nghiệp trung học phổ thông bây giờ) chỉ đỗ có 12% mà đã bị coi là quá dễ so với mấy niên học trước đó. Vì vậy sau khi đỗ tú tài lên sinh viên là được xã hội quí trọng. Mỗi khi đi đường, khi bị cảnh sát hỏi giấy tờ, đưa thẻ sinh viên ra là có thể được đi ngay, trừ khi họ cần xét hỏi thêm vấn đề gì khác, thí dụ vấn đề quân dịch chẳng hạn. Các học sinh đều bình đẳng như nhau, không ai được điểm ưu tiên như bây giờ. Không phân biệt con ông lớn hay con ông bé, con quân nhân, công chức hay con của những người đã tập kết ra bắc hoặc ra bưng theo Việt cộng. Chính vì vậy mới có những người tập kết hoặc từ bưng biền trở về thành phố sau 30-4-1975 thấy các người con của mình được nhà nước VNCH mà họ gọi là ngụy cho ăn học đầy đủ, thậm chí còn được cho đi du học nếu học giỏi.
 
Ngay cả khi tới tuổi nhập ngũ cũng vẫn được hưởng qui chế bình đẳng với các người khác nghĩa là có tú tài 1 trở lên (lớp 12) khi nhập ngũ sẽ được mang quân hàm sĩ quan và được thăng cấp theo qui chế giống như mọi người khác. Ví dụ rõ nhất là hai sĩ quan nổi tiếng của miền Nam là nhà văn, Đại úy Nhảy dù Phan Nhật Nam, có cha tập kết và Lý Tống, người phi công và cũng là người tù CS huyền thoại của miền Nam có anh tập kết nhưng đều được đi học văn hóa và nhập ngũ, thăng cấp bình đẳng như mọi thanh niên khác. Nếu ở trường hợp ngược lại, thì hai người này ở miền Bắc chỉ có đi cầy trên núi rừng biên giới như bao gia đình cùng hoàn cảnh sau 1954 trên đất Bắc. Các cô thầy giáo dậy trong lớp có con em mình cũng giống như dậy những học trò khác.
 
Tất cả các điểm học đều được chấm theo khả năng, không hề có chuyện thiên vị con cô, con thầy hay con đồng nghiệp so với các học sinh khác trong lớp. Tất cả các kỳ thi tú tài 1 hay tú tài 2 đều được tổ chức qui củ, công bằng, minh bạch, chẳng bao giờ có đề sai, hay chạy điểm. Thời buổi đó trên lãnh vực giáo dục hầu như ai cũng có nhân cách. Bằng cấp là giấy chứng nhận mức độ kiến thức thực sự, không như bây giờ có cả bằng tiến sĩ chạy điểm. Bởi thế sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, người sinh viên có thể nạp đơn xin làm giáo viên chính thức cấp 2 (trung học đệ nhất cấp) trường công và có đủ khả năng và tư cách để làm thầy mà chẳng cần phải qua một lớp sư phạm hay lớp huấn luyện đặc biệt nào. Thật là quái lạ tại sao ngày nay việc dậy học của các cô thầy mặc dù đã tốt nghiệp đại học sư phạm mà vẫn thường xuyên va vấp về kiến thức cũng như phương pháp giảng dậy.
 
Sau khi đỗ tú tài 2, tôi lên đại học Đà Lạt học lớp toán lý đại cương (MGP: mathematic general and physics). Đây là lớp dự bị cử nhân toán và cũng là chứng chỉ khó nhất trong các chứng chỉ thuộc phân khoa đại học khoa học, ít người dám theo học. Trong lớp tôi chỉ có 7 sinh viên, trong khi phân khoa chính trị kinh doanh có 2000 sinh viên. Mặc dù chỉ có 7 sinh viên trong đó có mấy sinh viên đã học mấy năm mà chưa đỗ nhưng cuối năm cũng chỉ đỗ có 1 sinh viên và người này cũng đã bị bầm dập 2, 3 năm ở cái lớp dự bị này. Nhưng nếu đã đỗ được chứng chỉ dự bị này thì kể như sẽ đủ khả năng để đỗ mấy chứng chỉ kế tiếp để hoàn thành văn bằng cử nhân giáo khoa toán. Học cử nhân toán là phải có một đam mê toán, suốt ngày chú tâm vào toán, suốt ngày làm bài tập và không còn sinh hoạt gì khác, do đó sau khi thi trượt cuối năm, mặc dù Linh Mục viện trưởng khuyên tôi tiếp tục ở lại học phân khoa khác và vẫn tiếp tục cho tôi học bổng, nhưng tôi cám ơn Linh mục và bỏ học bổng của Đại học Đà Lạt để về Saigon học môn khác.
 
Khi đã bỏ phân khoa khoa học thì chỉ còn 2 phân khoa là văn khoa và luật khoa. Tốt nghiệp cử nhân Văn khoa thì chỉ có đi dậy học các môn văn, sử, địa, hay triết. Nếu là cựu học sinh trường Tây để có khả năng nói tiếng Pháp như gió thì có cơ hội thi vào ngạch tham vụ ngoại giao để đi làm ở các tòa đại sứ ở ngoại quốc. Tôi là dân học sinh trường Việt (Chu Văn An) nên tiếng Anh và Pháp không đủ khả năng để mơ vào ngành đó. Trong khi đó học luật có nhiều cơ hội làm việc và thăng tiến hơn. Với bằng cử nhân luật có thể làm luật sư, chánh án, biện lý (Viện Kiểm Sát bây giờ), công chức hạng A, là ngạch cao nhất trong hệ thống công chức ở các bộ kinh tế, tài chánh, hay ngân hàng, chưa kể có khi “gặp thời” lại có thể làm chính khách (!).
 
Do đó tôi chọn ghi danh học luật. Bỏ học bổng, về Saigon chưa có việc làm, nhà cửa cũng không, tôi tới trụ sở Tổng hội Sinh viên số 4 đường Duy Tân (bây giờ là nhà Văn Hóa Thanh Niên TP số 4 Phạm Ngọc Thạch), trú ngụ trong một phòng tập trung khá đông sinh viên tạm dùng chữ “lang bạt” thuộc nhiều phân khoa. Dĩ nhiên mọi phòng ốc của trụ sở đều dành cho tất cả mọi sinh viên, nhưng căn phòng tôi ở tập trung đa số sinh viên trong nhóm chúng tôi hơn. Trụ sở sinh viên này trước kia là trụ sở chơi Bun của người Pháp. Sau khi quân đội đảo chánh lật đổ tổng thống Diệm, các tướng lãnh hỏi sinh viên muốn gì thì ban đại diện tổng hội sinh viên thời đó mà anh Lê Hữu Bôi làm chủ tịch cho biết muốn có trụ sở sinh viên tại đó.
 
Thế là sinh viên Saigon có trụ sở để hoàn toàn tự do muốn làm gì thì làm, muốn học hành, tổ chức văn nghệ, hội họp v…v chẳng bị ai kiểm soát, chỉ đạo. Điện nước được cung cấp miễn phí suốt ngày. Trụ sở lại có một ông lao công phụ trách dọn dẹp. Gia đình ông này được ở trong một căn nhà trong khuôn viên nên được lợi nữa là mở quán bán hàng ăn uống, cà phê cho sinh viên. Mỗi sáng sinh viên hay tụ tập tại đây ăn sáng. Trong số sinh viên thời đó có nhiều sinh viên nổi tiếng như Trần Lam Giang (văn khoa, hiện ở Sacramento, Hoa Kỳ), Dương Cự (luật khoa, qua đời tại VN) v…v Tất cả các sinh viên tại đó đều trước sau tốt nghiệp đại học, đảm nhiệm nhiều chức vụ trong quân đội hay hành chánh miền Nam và hiện nay nhiều người đã tiếp tục thành công tại Hoa Kỳ, đặc biệt là giới bác sĩ.
Kết quả hình ảnh cho Đại học luật khoa trong hệ thống giáo dục Miền Nam trước 1975 photos
 
Chính tại trụ sở của Tổng hội Sinh Viên này mà Trịnh Công Sơn lần đầu tiên được Tổng hội giới thiệu trước công chúng sinh viên với tập Ca Khúc Da Vàng. Mọi người đứng chật gian phòng trong ánh đèn mờ mờ bị cuốn hút một cách ngạc nhiên lời ca và lối trình diễn đơn giản, du ca của nhạc sĩ họ Trịnh. Tôi đỗ năm thứ nhất đại học luật khoa Saigon niên khóa 1965-66. Mặc dù từ trụ sở Tổng hội sinh viên số 4 Duy Tân rất gần trường, đi bộ qua một block đường là tới, nhưng tôi chỉ tới trường dường như vài lần vì sinh viên trong lớp quá đông, muốn có ghế phải nhờ bạn tới sớm giữ chỗ trước. Vì được ghi tên tự do nên năm thứ nhất thường đông nhất. Năm đó dường như trên dưới 10 ngàn sinh viên (?).
 
Nhưng cuối năm số ghi tên đi thi chắc chắn ít hơn nhiều. Dĩ nhiên đa số sinh viên đã đi làm hoặc ở xa không thể tới trường. May mắn là trong lớp có một số sinh viên chịu khó ghi chép chăm chỉ lời giảng của thầy, trình thầy duyệt và điều chỉnh rồi quay roneo bán lại cho sinh viên, giá rất rẻ, cho nên các sinh viên không tới trường vẫn có đủ bài học. Cũng nên nói thêm, trong đại học VN XHCN ngày nay, người sinh viên bị đối xử như trẻ vị thành niên, bị điểm danh, theo dõi mọi sinh hoạt từ học tập tới đời sống riêng tư ngoài đại học và bị đánh giá hạnh kiểm để cho kết quả học tập.
 
Trái lại, Đại học miền Nam là Đại học Tự Trị, và chỉ là nơi giao giảng kiến thức chứ không có một nhiệm vụ gì khác đối với sinh viên, cho nên người sinh viên được đối xử như những con người trưởng thành, bình đẳng, tự do, và ham học hỏi. Họ tới trường nghe các giáo sư giao giảng kiến thức mà thôi, ngoài ra họ không lệ thuộc các giáo sư và viện trưởng hay hội đồng trường trên bất cứ lãnh vực nào. Các giáo sư cũng chỉ lo một việc duy nhất là giao giảng kiến thức và đánh giá kiến thức của sinh viên một cách tự do, độc lập, và công bằng, không bị một áp lực bởi bất cứ từ đâu. Với nguyên tắc Đại học tự trị như vậy nên mặc dù là sinh viên học từ xa nhưng trong vấn đề học tập và thi cử hoàn toàn giống với tất cả mọi sinh viên khác. Điều này khác xa với các hệ học tại chức, chuyên tu của Xã hội chủ nghĩa là hai hệ học tập được ưu đãi nâng điểm và nhiều ưu đãi khác giúp giảm nhẹ kiến thức rất nhiều so với hệ chính qui. Bắt đầu từ năm nay, 2019, luật giáo dục mới lại qui định trong văn bằng cử nhân không ghi rõ hệ đào tạo, có nghĩa là anh dốt (chuyên tư hay tại chức) với anh được đào tạo chính qui cũng lẫn lộn như nhau. Đúng là nền giáo dục “vàng thau lẫn lộn”.
 
Tôi ghi danh trường luật Saigon năm 1965 với chương trình cử nhân 3 năm. Năm 1966 sau khi đỗ năm thứ nhất tôi phải đi dậy học xa, không tiếp tục học được. Mỗi năm có hai kỳ thi, đầu hè và cuối hè. Mặc dù số sinh viên năm thứ nhất rất đông nhưng trong kỳ thi đầu hè chỉ có 200 sinh viên đỗ thi viết. Sau khi vào vấn đáp chỉ đỗ được 100. Như vậy cứ cho là kỳ cuối hè sẽ có thêm 100 sinh viên nữa thì tổng cộng lên năm thứ 2 chỉ có khoảng 200 sinh viên là tối đa. Sau hai năm nữa mài đũng quần trên ghế nhà trường, số tốt nghiệp cử nhân luật sẽ chỉ hơn 100 người. Nếu tính thêm đại học luật Huế thì mỗi năm miền Nam cho ra lò không quá 200 cử nhân. Khoảng năm 1986, thời kỳ đổi mới, tái lập đại học luật và ngành luật sư, nhà nước mở lớp triết Mác Lê ở miền Tây cho những ai có bằng cử nhân luật của miền Nam theo học để ra làm luật sư, tôi hỏi công an văn hóa quản chế tôi là tôi muốn theo học thì anh ta trả lời ngay, lý lịch của anh không được theo học đâu. Báo chí tổng kết khóa học đó chỉ còn có 500 cử nhân và 7 cựu giáo sư tiến sĩ. Tất cả 7 vị cựu giáo sư đại học luật miền Nam đó, trong đó có GS Nguyễn Mạnh Bách, đều đang sinh sống bằng nghề tay chân (mà tôi quên mất là nghề gì) trong đó nghề nhàn hạ nhất là thợ may!
 
Năm 1967 tôi bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức. Tiếp tục 3 năm nữa gián đoạn việc học, tôi trở lại trường đại học luật Huế niên khóa 1970-71 và đỗ năm thứ 2 để lên năm thứ 3. Nhưng nay bằng cử nhân đã đòi hỏi 4 năm, cho nên tôi còn phải học thêm 2 năm nữa. Thời gian đó tôi làm việc ở Bộ Tư Lệnh Quân đoàn I đóng ở Đà Nẵng, nên ra học ở Huế tôi vẫn không thể tới lớp mà chỉ lấy bài về nhà học, cho nên mãi năm 1974 tôi mới tốt nghiệp cử nhân luật 4 năm. Như vậy tôi vừa là quân nhân, vừa là sinh viên học từ xa nhưng khác với kiểu đào tạo đại học của VNXHCN ngày nay, những sinh viên diện như tôi vẫn không có bất cứ một đặc ân nào mà hoàn toàn phải thi cử bình đẳng như tất cả các sinh viên toàn thời gian khác. Ở năm thứ nhất và thứ hai thì còn nhiều quân nhân ghi tên học. Nhưng tới năm thứ ba và thứ tư thì số sinh viên giảm bớt nên kèm theo số sinh viên quân nhân cũng ít đi nhiều, vì thời gian của họ eo hẹp.
 
Vào năm thứ tư, lớp tôi có hai vị sĩ quan cao cấp, một vị là trung tá Báu (?) trưởng một phòng quan trọng của Sư Đoàn 1 không quân và vị kia là trung tá Hoàng Mão, một sĩ quan nổi tiếng khóa 20 Đà Lạt, trung đoàn trưởng trung đoàn 54/ SĐ 1. Trung tá Báu thỉnh thoảng trao đổi tài liệu học với tôi vì ông cũng ở xa và gặp khó khăn về việc tìm bài vở như tôi. Trung tá Mão tôi biết rất bận với trách nhiệm của một trung đoàn trưởng tác chiến nên tôi rất hâm mộ ý chí học tập của ông. Hai vị sĩ quan cao cấp này đi học chỉ hoàn toàn nhằm mục đích hiểu biết cá nhân, vì cho dù có thêm bằng cử nhân luật thì hai vị cũng vẫn không thể dùng để thăng cấp hay thăng chức.
 
Riêng Tr/Tá Hoàng Mão có cho tôi biết đi học để sau này nếu có cơ hội đi làm tỉnh trưởng thì kiến thức cử nhân luật sẽ hữu ích cho ông. Trung Tá Mão là đơn vị trưởng, có nhiều phương tiện nhà binh nên thỉnh thoảng giúp trường một số việc liên quan tới xây dựng, dọn dẹp hay chở sinh viên đi cắm trại (đấy là tôi nghe kể vậy.) Nếu nhìn sơ qua có thể nghĩ rằng Tr/Tá Mão làm vậy sẽ được trường giúp đỡ. Nhưng thực sự không phải vậy. Ông vẫn bị trượt vào khóa 1 năm 1974 và chỉ đậu vào khóa 2.
 
Sau này hỏi ông việc học tập, ông cho biết, vì là sĩ quan cho nên vì uy tín, ông còn phải học nhiều hơn bất cứ sinh viên bình thường nào. Trường hợp tôi cũng vậy, chẳng ai hứa hẹn và cũng chẳng có tiêu chuẩn nào ưu đãi điểm cho một sĩ quan đi học. Ở Đại học miền Nam, việc đi học là việc hoàn toàn cá nhân, không một cơ quan nào gửi nhân viên đi học đại học. Từ câu chuyện của Tr/Tá Mão và kinh nghiệm bản thân tôi nhớ lại rằng như vậy Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH khi đi học đại học Văn khoa Saigon chắc chắn vì uy tín của một cấp tướng như vậy ông cũng phải học cật lực để không bị coi thường. Vả chăng, giáo sư đại học ở Miền Nam là giới chức có nhiều uy tín và độc lập với chính quyền.
 
Chính quyền không thể chỉ thị hay áp lực một Viện trưởng, khoa trưởng hay giáo sư đại học nào nâng đỡ một cá nhân nào một cách bất công. Với cá nhân tôi, có trường hợp GS Nguyễn Mạnh Bách, người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho tôi. Nguyên GS Bách là bạn học của anh họ tôi là LS Nguyễn tường Bá. Tôi thỉnh thoảng thấy ông thời sinh viên tới học với anh họ tôi, nhưng ông không biết tôi. Vào kỳ thi vấn đáp năm thứ tư môn Dân luật, sau khi tôi ngồi trước mặt ông, ông hỏi tôi có liên hệ gì với LS Nguyễn tường Bá không (vì ông thấy tôi trùng họ Nguyễn tường). Tôi trả lời LS Bá là anh họ tôi. Sau đó ông im lặng cho tôi bốc thăm câu hỏi. Sau khi bốc thăm, tôi trả lời mạch lạc, liên tục khoảng hơn 5 phút thì xong. Phải nói khách quan, không ai có thể trả lời hơn. Lúc xuống lại ghế ngồi, mấy bạn cùng lớp thấy tôi trả lời suông sẻ quá nên hào hứng hỏi tôi được mấy điểm. Tôi trả lời: Ông ấy nói “Anh trả lời giỏi lắm, tôi cho anh 10 điểm”! Mấy người bạn tôi lè lưỡi. Dưới 10 điểm là trượt rồi. Tôi đã thuộc bài như cháo và trả lời suông sẻ mà chỉ đủ điểm đỗ, thì trả lời thế nào mới được hơn 10 điểm? Chính vì lối giáo dục nghiêm khắc của đại học miền Nam như vậy mà hiện nay tôi vẫn còn đủ kiến thức pháp lý để viết những bài nghiên cứu pháp lý đăng trên báo mạng mà tôi dám tự hào (là luật gia VNCH) nhập đề “Viết để giảng dạy cho giới lãnh đạo tư pháp, giới luật sư, các giáo sư và viện trưởng đại học Luật Việt Nam XHCN”; bởi vì nếu quí bạn đồng môn theo dõi hoạt động tư pháp tại Việt Nam sẽ nhận thấy họ quá dốt so với chúng ta.
 
Nhưng để có được tài liệu học tập như vậy, ở đại học Luật Huế không có cours roneo. Mỗi tháng khoảng 3 cuối tuần tôi phải xin tháp tùng trực thăng hành quân ra Huế. Trực thăng sẽ đáp trên khoảng đất trống bên sông Hương, đối diện trường Quốc học để những người đi nhờ như tôi xuống, trước khi trực thăng bay vào phi trường Thành Nội trực chiến. Như vậy mỗi lần tôi có hai ngày tới thăm mấy cô sinh viên để mượn vở của họ. Dĩ nhiên tôi phải làm quen mấy cô sinh viên có ghi chép đầy đủ và chữ đẹp. Chiều hôm sau Chủ Nhật, tôi lại đón trực thăng hành quân bay về Đà Nẵng. Chắc quí bạn cũng biết phải tin tưởng lắm mấy cô mới cho mượn vở mang về nhà ở tận Đà Nẵng. Ban ngày tôi đi làm, vợ tôi ở nhà chép lại mấy cuốn vở đó cho tôi. Cũng may là vợ tôi chữ cũng đẹp. Suốt mấy năm trời, đột nhiên một hôm vợ tôi thấy sao toàn vở của mấy cô. Tôi cười giải thích, chỉ mượn vở mấy cô mới dễ, khi đó tôi phải cất đi chiếc nhẫn hôn nhân. Bây giờ không biết các người đẹp đó nơi đâu? Cho tôi xin một lần nữa đa tạ!
 
Nguyễn Tường Tâm
 
 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %20 %734 %2019 %12:%10
back to top