Tình đầu tình cuối

Tình đầu tình cuối

❤️❤️❤️

Lúc Hạnh về đến nhà thì trời đã nhá nhem tối. Thủy đang ở trong bếp sửa soạn bữa cơm chiều, nói vọng ra :

-Mẹ về rồi hả? Cơm đã sẵn sàng, mẹ rửa mặt cho mát rồi ăn nghe.

Hạnh đáp :

-Thôi con ăn đi, hôm nay mẹ mệt, không muốn ăn đâu.

Thủy đáp “vâng” một tiếng rồi thôi. Cứ mỗi lần đi thăm mộ ba Thủy về là mẹ không muốn dùng cơm. Riết trở thành một điều quen thuộc, nên Thủy cũng không để tâm.

Hạnh bước vào phòng. Tuy mệt mỏi, nhưng nàng cũng không nằm xuống giường. Hạnh ngồi lên chiếc ghế bàn phấn, nhìn sững vào bức ảnh Phan chụp với nàng trên bàn. Ba năm qua rồi kể từ ngày một tai nạn giao thông đã nhẫn tâm cướp đi người chồng của nàng.

Hạnh còn nhớ hôm đó cũng là một ngày chủ nhật, thay vì ở nhà thì Phan có công việc phải đi tỉnh từ tảng sáng và dự định trở về trong ngày. Trên đường về thì tai nạn xẩy ra. Đau đớn nhất là khi hai mẹ con Hạnh đến bệnh viện thì Phan cũng vừa trút hơi thở cuối cùng. Không kịp nói với chồng được một câu nào. Hạnh sững sờ không bật lên được cả tiếng khóc. Xác chết của Phan chưa kịp lạnh thì Hạnh đã như một tảng băng lạnh giá.

Ba năm trôi qua. Không có một ngày chủ nhật nào là Hạnh không lên thăm nghĩa trang thăm Phan. Đi từ sáng sớm và về nhà lúc trời sắp tối. Mộ Phan nằm trong khuôn viên một ngôi chùa cách xa thành phố chừng vài cây số. Trước đây Phan quy y với hòa thượng trụ trì nên mới được phép chôn cất ở đây. Gọi là nghĩa trang, nhưng chỉ có vài chục ngôi mộ nằm rải rác dưới những tàng cây lúc nào cũng cho bóng mát.

Ban đầu Thủy cũng đưa mẹ đi, nhưng dần dần vì bận công việc, nên thỉnh thoảng Thủy mới đi cùng mẹ. Thực ra, dù Thủy là đứa con duy nhất, nhưng vào những ngày chủ nhật lên với Phan, Hạnh cũng thích được một mình yên tĩnh. Thắp một nén nhang và ngồi yên lặng trước bức ảnh của chồng đã được gắn vào bia đá trên mộ.

Suốt thời gian trước khi Phan qua đời, Hạnh với Phan là một cặp vợ chồng điển hình hạnh phúc bạn bè không ai so sánh được. Hai người như một cặp bồ câu lúc nào cũng rù rì bên nhau như hình với bóng dù con gái đã lớn. Thủy là đứa con gái duy nhất. Hàng ngày Phan đi làm về là bữa cơm đã có sẵn. Thủy lớn lên trong cái khung cảnh đầm ấm đó cho đến ngày Phan qua đời.

Trong phòng Hạnh cũng có thiết kế một bàn thờ Phan với bức ảnh và một vài vật kỷ niệm của Phan bên cạnh như xâu chuổi hạt bồ đề của thầy bổn sư tặng, và cái điện thoại di động Phan thường dùng. Mỗi lần nhìn chiếc điện thoại, Hạnh có cảm giác như vừa nghe tiếng chuông đổ và giọng Phan báo tin chàng sắp rời sở về nhà. Đi đâu Phan cũng gọi về cho vợ biết đang ở đâu và trước khi về cũng gọi báo cho vợ.

Phan chơi dương cầm rất khá và rất mê nhạc cổ điển, nhất là Beethoven. Đám cưới xong, vừa dọn về nhà mới, việc đầu tiên của hai vợ chồng là mua ngay một cây đàn, đặt trong phòng khách. Hạnh không biết đàn, nhưng mỗi lần nhìn Phan ngồi lướt tay trên phím đàn, Hạnh tưởng như đang sống lại những ngày mới yêu nhau, và niềm hạnh phúc tỏa sáng khuôn mặt nàng.

Từ ngày Phan mất, trừ cây đàn quá lớn, Hạnh chuyển hệ thống âm thanh ngoài phòng khách vào phòng ngủ, và lúc nào cũng để những khúc nhạc mà Phan thường nghe. Hàng ngày, sau giờ làm việc, Hạnh thường thu mình trong chiếc ghế bành trong phòng, bật nhạc nhè nhẹ và ngồi yên lặng hồi tưởng những kỷ niệm cùng chồng.

Ba năm nay Hạnh gần như không hề giao tiếp với bạn bè, ngoại trừ một người ban cũ rất thân thiết với cả hai vợ chồng nàng là Nguyệt, và Dung là chị ruột của nàng, cách nhà Hạnh có mấy căn, nhưng cũng thỉnh thoảng, nàng mới gập mặt. Điện thoại bên ngoài gọi đến đều qua con gái trả lời. Dần dần bạn bè đều biết và chẳng có cách gì khuyên can, nên cũng tôn trọng nỗi đau khổ của Hạnh và chẳng ai làm phiền nữa.

Ba năm trôi qua. Hạnh có cảm giác như chưa một ngày nào Hạnh thấy vơi đi nỗi khổ đau thương nhớ chồng. Lúc mất Phan, nếu không có Thủy, lúc đó cũng đã gần mười lăm tuổi, Hạnh nghĩ có thể chết theo Phan cho trọn mối tình đầu của nàng.

…Có tiếng mở cửa nhè nhẹ và Thủy đến bên cạnh Hạnh,vòng tay ôm lấy mẹ :

- Mẹ đi tắm và đi nằm nghỉ đi. Ba năm trời rồi, nếu mẹ cứ mãi thế nầy làm sao con yên tâm đi học xa được?

- Ngày mai mẹ sẽ lên tòa lãnh sự để hỏi xem thủ tục như thế nào. Mẹ cũng muốn sang năm con được sang Úc, sau đó, thỉnh thoảng mẹ sẽ có cơ hội qua thăm con. Mẹ biết thế nầy cũng không phải, nhưng lúc nào mẹ cũng tội nghiệp ba con. Nếu có thể đi ra nước ngoài một thời gian, mẹ sẽ khuây khỏa dần hơn là ở đây.

- Con nghĩ đó cũng là một giải pháp tốt.

Lúc Hạnh rời khỏi tòa lãnh sự Úc thì đã hơn mười một giờ trưa. Chờ đợi nhân viên phụ trách để giải quyết vấn đề gần cả hai tiếng đồng hồ, cuối cùng chẳng có kết quả gì. Nàng cảm thấy cơ thể rã rời vì suốt ngày hôm qua không ăn một miếng cơm nào.

Gần như ba năm nay, mỗi chủ nhật lên chùa thăm Phan, Hạnh cũng chẳng bao giờ ăn uống gì. Hòa thượng trụ trì lúc nào cũng ân cần mời Hạnh dùng cơm chay, nhưng lúc nào Hạnh cũng từ chối. Sáng hôm nay vì dậy sớm, lại phải ngồi chờ quá lâu, lại càng thấy mỏi mệt.

Hạnh vừa ra đầu đường, thấy taxi chạy đến, chưa kịp đưa tay vẫy thì bỗng dưng choáng váng rồi không biết trời đất gì nữa. Lúc tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm vào ghế sau của chiếc taxi. Xe vẫn còn đang đậu tại chỗ lúc Hạnh sắp vẫy tay gọi. Đàng ghế trước là một người đàn ông đang ngồi quay người nhìn Hạnh chăm chú. Thấy Hạnh vừa tỉnh dậy,người đó đã nói ngay:

- Ơn trời, bà đã tỉnh. Chỉ mới vài phút trước, bà bỗng nhiên ngất xỉu. Tôi biết bà muốn gọi taxi, nên đã xin mạng phép dìu bà vào xe và chờ bà tỉnh dậy để biết bà muốn đi đâu.

Hạnh ngơ ngác một lúc rồi nhìn người đàn ông, bối rối. Nàng ấp úng và hỏi một câu ngớ ngẩn:

- Xin lỗi ông là ai?

Người khách lạ mỉm cười :

- Tôi cũng vừa trong tòa tổng lãnh sự ra, đi sau lưng bà và cũng đang đinh đón xe thì thấy bà ngã xuống, may là bà không sao. Tôi tên là Khải, Việt kiều Úc. Bà đã khỏe hẳn chưa, xin bà cho tài xế biết địa chỉ để đưa bà về. Xin chào bà.

Nói xong, Khải mở cửa xe, bước xuống. Hạnh lại càng bối rối:

- Xin cám ơn ông, xin lỗi đã làm phiền ông…

Giọng nói ngắt quãng, Hạnh không biết nói gì, nhìn người đàn ông lúng túng. Khải lịch sự cúi đầu chào và tránh ra khỏi để xe chạy. Mãi đến khi xe lăn bánh, Hạnh mới thấy là mình đã bối rối đến không biết nói thêm một câu nào khách sáo ngoài hai chữ cám ơn.

Hạnh mường tượng lại khuôn mặt của người đàn ông nầy. Khoảng năm mươi trở lại, khuôn mặt thanh tú, không mập không gầy. Hạnh nhớ lại lúc ngồi chờ trong tòa lãnh sự, người đàn ông nầy ngồi cách nàng vài dẫy ghế, thỉnh thoảng nhìn qua phía nàng.

Có lần bắt gập ánh mắt nàng, người đó vội quay đi chỗ khác. Hóa ra lúc Hạnh ra khỏi tòa nhà, người đó cũng theo sau nàng, nhưng Hạnh không để ý. Hạnh tưởng tượng lúc nàng ngất xỉu, người đó phải đứng gần nàng lắm mới có thể đỡ nàng kịp thời. Làm thế nào để anh ta đưa nàng vào trong xe được nhỉ? Hạnh thoáng một chút ngượng ngập và có cảm giác đỏ mặt.

Người tài xế quay đầu lui hỏi địa chỉ làm Hạnh giật mình. Taxi đỗ trước nhà, Hạnh trả tiền và vội vã bước xuống xe. Thoáng một ý nghĩ vẩn vơ là không biết làm thế nào gập lại người đàn ông kia để nói một lời cám ơn cho đàng hoàng lịch sự.

Thủy vẫn chưa về. Căn nhà trở nên trống vắng. Hạnh cầm một lát bánh mì của Thủy làm sẵn trên bàn ăn từ sáng và bước vào phòng. Bức hình Phan như đang nhìn Hạnh làm Hạnh thấy yên lòng. Mọi chuyện bên ngoài lắng xuống mỗi lần Hạnh ngồi trước bàn thờ đối diện với Phan.

Hạnh vừa gặm bánh mì vừa suy nghĩ miên man. Ba năm trôi qua rồi, Hạnh không hề tiếp xúc với một người đàn ông nào. Nàng sống khép kín trong những kỷ niệm với Phan. Người bạn thân nhất là Nguyệt, cũng như chị Dung thường khuyên nàng nên bình thường cuộc sống, vì đàng nào Phan cũng đã không còn.

Thực ra Hạnh cũng muốn thế, nhưng mỗi lần nhìn bức hình Phan trên bàn thờ, Hạnh lại thấydâng lên những nhớ thương chồng, đồng thời với những chán nản trong lòng. Rồi lại chẳng muốn gập ai cả. Năm nay vừa bốn mươi, Hạnh vẫn còn đẹp. Nét âu sầu càng làm cho khuôn mặt nàng có cái vẻ quyến rũ lạ thường.

Hạnh ngồi yên tĩnh một mình cho đến lúc có tiếng mở cửa phía ngoài. Biết Thủy đi học về, nhưng Hạnh vẫn ngồi yên. Một lúc lâu sau, Thủy bước vào phòng:

- Mẹ, đã 6 giờ chiều rồi, con đã làm cơm rồi, mẹ rửa mặt rồi ăn cơm nghe mẹ.

Hạnh giật mình. Đã sáu giờ chiều rồi. Hạnh tưởng như mình vừa về nhà được một lúc, hóa ra nàng đã ngồi trong phòng cả nửa ngày trời. Ngay cả Thủy về nhà, sửa soạn cơm nước trong bếp mà Hạnh vẫn không hay. Nàng ừ một tiếng nhẹ và uể oải đứng dậy ra khỏi phòng. Ngồi vào bàn với bữa cơm đã sẵn sàng, tuy đạm bạc, nhưng rất tươm tất, bỗng nhiên Hạnh chợt thấy mình có lỗi với Thủy.

Từ bao lâu nay, công việc nhà cửa gần như một mình Thủy phụ trách. Từ bao lâu không biết, bây giờ mới chợt nhận ra là chỉ vì thương nhớ Phan, cứ đày ải mình trong quá khứ mà Hạnh đã bỏ bê con một cách vô trách nhiệm. May mà Thủy hiểu rõ mẹ và không bao giờ trách Hạnh. Những suy nghĩ về chuyện mấy năm qua và chỉ trong chốc lát Hạnh bỗng nhiên như bừng tỉnh.

Thấy mẹ ngồi thừ người, Thủy nhắc:

- Mẹ.

Chỉ một tiếng gọi Mẹ làm Hạnh giật mình như vừa tỉnh mộng. Nàng nói lí nhí :

- Mẹ xin lỗi con.

Hai chữ xin lỗi Hạnh vừa thốt ra, không phải cho bây giờ, mà muốn nói với con lời xin lỗi đã bao năm nay chẳng lo gì cho Thủy.

Thủy hỏi :

- Mẹ lên tòa Lãnh sự thế nào?

- Cũng hơi khó khăn. Người ta bảo là nếu có ai bảo lãnh qua Úc thì dễ dàng hơn. Để ngày mai mẹ liên lạc với dì Nguyệt xem sao. Hình như dì ấy bà con bên đó nhiều lắm.
Ngay tối hôm đó, Hạnh gọi máy cho Nguyệt. Tiếng Nguyệt đầu dây:

- Trời ơi, sắp có bão lụt gì đây mà Hạnh lại gọi cho minh. Đùa đấy chứ mừng lắm, nhất là nghe giọng Hạnh rất vui. Có chuyện gì không?

- Mình muốn gập Nguyệt để hỏi một vài chuyện liên quan đến chuyện đi du học của cháu Thủy mà thôi.

- Bộ để cho nó đi, ở nhà một mình lại rầu rĩ nhớ nó mà chết sao?

Thủy thở dài:

- Mấy hôm nay mình nghĩ khá nhiều về vấn đề này. Thực ra mình cũng có lỗi với nó nhiều lắm. Từ ngày mất Phan, mình bỏ bê nó, không ngó ngàng gì đến nó cả. Ba năm nay nó không hề trách mình một tiếng vì biết mình nhớ ba nó. Nhưng nghĩ lại, càng thấy ân hận trong lòng.

Một lúc yên lặng ở đầu dây bên kia, mới nghe Nguyệt nói :

- Để mình suy nghĩ, và sẽ giới thiệu với Thủy một người bà con ở bên Úc mới về, sẽ cho biết tin tức về chuyện bảo lãnh cho con bé qua học bên đó.

Sáng hôm sau, Nguyệt hẹn Hạnh ở một quán cà phê ngoài phố. Quán cà phê nầy trước đây Hạnh vẫn thường cùng Phan ra đây mỗi chủ nhật. Bước vào đã thấy Nguyệt ngồi ở một chiếc bàn gần cửa sổ. Hạnh hỏi :

- Nguyệt hẹn với ai thế?

- Người nầy tên Khải, là chồng của một người bà con của mình, sống ở bên Úc. Cô ấy bị bệnh qua đời đã hai năm nay. Công ty của anh Khải làm việc có một bộ phận ở Việt Nam, nên thỉnh thoảng anh ấy vẫn về Việt nam làm việc.

Cái tên nghe quen quen,nhưng Hạnh không để ý.

Ngồi một lúc thì Nguyệt nhìn ra cửa, vẫy tay. Hạnh chưa kịp quay lại nhìn thì người đó đã bước lại gần. Hạnh quay đầu lại, ngỡ ngàng nhìn người đàn ông vừa đến, cũng bắt gập ánh mắt ngạc nhiên của đối phương. Nguyệt nhìn cả hai, ngạc nhiên:

- Bộ hai người đã biết nhau?

Hạnh lúng túng chưa kịp phản ứng thì người đàn ông kia đã nhanh nhẩu :

- Chỉ gần như thế thôi. Nghĩa là chúng tôi đã biết nhau nhưng chưa hề quen nhau.

Nguyệt ngẩn ngơ không hiểu như thế nào, trong khi Hạnh ngượng ngùng không biết làm thế nào để giải thích. Khải thấy thế, liền nói :

- Hôm qua tình cờ chúng tôi…

Nguyệt ngắt lời :

- Đây là anh Khải, và đây là chị Hạnh. Hai người làm ơn giải thích sự việc cho tôi biết đi để tôi khỏi phải mất công giới thiệu.

Hạnh chưa kịp phản ứng thì Khải đã nhanh chóng kể lại câu chuyện gập nhau ở tòa Tổng lãnh sự Úc. Nguyệt nghe xong, chép miệng :

- Âu cũng là cái duyên của cả hai bên.

Câu nói có thể có một nghĩa khác, nhưng trái lại làm cho Hạnh thấy ngượng ngùng không dám nhìn Khải. Khải thì trái lại, cười một cách hồn nhiên:

- Có lẽ thế. Đúng ra hôm qua tôi phải đưa cô Hạnh về nhà mới phải. Xe của cô đi rồi tôi mới thấy mình không được lịch sự. Bây giờ đúng là có duyên gập lại để có thể xin lỗi cô vậy.

Hạnh chỉ mỉm cười không trả lời, nhưng trong lòng thì lại tự nhủ, đúng ra câu nói đó phải là của nàng để xin lỗi Khải mới phải, và tự nhiên nàng nẩy sinh một mối cảm tình với người đàn ông vừa mới quen biết nầy. Bây giờ, Hạnh mới để ý đến Khải kỷ càng hơn: Đúng là chưa đến năm mươi, khuôn mặt thanh tú, giọng nói trầm ấm rất dễ có cảm tình. Ăn mặc không chải chuốc, nhưng rất lịch sự.

Chuyện trò một lúc, sau khi nghe Nguyệt trình bày hộ Hạnh về việc Thủy muốn đi du học ở Úc, Khải trầm ngâm một lúc rồi mới hỏi:

- Chỉ có hai mẹ con, nếu cháu Thủy phải đi học xa, cô Hạnh có chịu được không?

Hạnh cười nhẹ :

- Nếu không chịu được thì biết làm sao bây giờ?

Khải cũng cười :

- Nếu không chịu được thì cô Hạnh có thể tìm cách qua ở với cháu chứ sao.

Nói xong thì như nghĩ đến một điều gì đó, Khải ngừng lại và lặng yên. Hạnh cũng im lặng nhìn ra đường. Một lúc sau, Nguyệt lên tiếng :

- Anh Khải thử nghĩ xem có giải pháp nào trong trường hợp không xin học bổng cho cháu được, rồi cho tụi em biết nghe.

Lúc Khải chào từ giã, Hạnh nói :

- Anh Khải ở có gần đây không? Chừng nào rảnh ghé qua nhà chơi, anh hỏi chị Nguyệt thì biết nhà tôi, không xa nhà chị ấy lắm.

Khải đáp :

- Cám ơn cô Hạnh. Nếu cho phép, tôi sẽ ghé qua thăm cho biết nhà. Tôi quen biết Nguyệt khá lâu, nhưng không hề biết Nguyệt có một người bạn thân xinh đẹp như thế nầy.

Nguyệt nói đùa :

- Anh không biết là phải, nhưng anh may mắn lắm anh mới được quen biết với chị Hanh đấy, chứ không phải dễ đâu.

Lúc chỉ còn hai người, Nguyệt hỏi Hạnh :

- Chị thấy anh Khải thế nào? Từ ngày vợ qua đời, đã hơn hai năm nay, anh ấy một mình lo cho hai đứa con bên Úc và thỉnh thoảng về đây làm việc. Con cái anh ấy đều vào đại học cả, nên anh Khải cũng khỏe. Lúc nào về, anh cũng ghé thăm mình và lúc nào cũng rất lịch sự dễ thương.

Hạnh cười :

- Bộ Nguyệt muốn giới thiệu anh ấy với mình hay sao mà quảng cáo dữ vậy?

Nguyệt cũng cười :
- Biết đâu chừng, duyên số, ai mà biết được.

Hạnh bỗng im lặng. Nàng bỗng nghĩ đến Phan. Ba năm trôi qua rồi. Tang chồng đã mãn, nhưng nghe Nguyệt nói thế, Hạnh vẫn cảm giác như có lỗi với Phan.

Lúc Hạnh về nhà thì Thủy cũng đã về và cơm nước đã sẵn. Nàng ngồi vào bàn, hỏi han Thủy nhiều điều làm Thủy ngạc nhiên thấy mẹ vui vẻ khác thường. Một lúc sau, Hạnh nói:

- Sáng hôm nay dì Nguyệt giới thiệu với mẹ một người quen của dì ấy, ở bên Úc mới về để nhờ cậu ấy hỏi về việc du học của con. Cậu ấy cũng có con gái khoảng tuổi con và sắp sửa vào đại học.

Thủy đi từ ngạc nhiên nầy qua nhạc nhiên khác: Mẹ đã chịu ra ngoài, lại còn chịu làm quen với một người đàn ông nào đó, kể cũng lạ. Nhưng Thủy cũng chẳng hỏi thêm. Dù sao, mẹ cũng được vui vẻ, hơn là suốt bao nhiêu năm nay, ngày nào mặt mày cũng ủ dột buồn bã.

Thấy Thủy yên lặng, Hạnh nói thêm :

- Việc đi học tự túc khi con chưa đủ tuổi thành niên có lẽ cần phải có người bảo lãnh thì dễ dàng hơn. Để mẹ nhờ dì Nguyệt hỏi cậu Khải xem có thể bảo lãnh con không?

- Người ta chẳng bà con quen biết gì làm sao lại bảo lãnh cho con được?

Mấy hôm sau, Nguyệt đề nghị Hạnh mời Khải đến nhà dùng cơm. Hạnh suy nghĩ một lúc rồi nhận lời. Buổi tối hôm đó, Hạnh cứ nghĩ là Khải sẽ cùng đến với Nguyệt, nên trong khi hai mẹ con đang chuẩn bị đồ ăn, nghe tiếng chuông, nàng bảo Thủy: ”Con ra mở cửa cho dì Nguyệt.” Thủy đon đả ra mở cửa, thấy Khải, tay cầm một bó hoa, Thủy giật mình đứng sững lại, ngạc nhiên, cúi đầu chào. Không để cho Thủy phải thắc mắc, Khải lên tiếng :

- Chào cháu, chắc chắn cháu là Thủy phải không? Chú là chú Khải,chú có nghe dì Nguyệt và mẹ cháu nói cháu đang xin qua Úc du học.

Thủy đáp :

- Dạ phải ạ,mời chú vào nhà.

Thấy Hạnh đang bận tay trong bếp, Khải đưa bó hoa cho Thủy và nói lớn :

- Chào cô Hạnh. Tôi xin lỗi đến hơi sớm. Cô cứ tự nhiên.

Hạnh gật đầu chào khách:

- Tôi đang bận tay, mời anh ngồi chơi.

Phòng khách không rộng, nhưng được sắp xếp rất gọn ghẻ. Bên cạnh kệ sách gấn cửa sổ là chiếc dương cầm, phía trên có một pho tượng Beethoven bằng đồng nhỏ. Phía tường đối diện treo một bức tranh thiếu nữ của họa sĩ Nguyễn Trung.

Một bộ salon gồm một chiếc ghế nệm dài và một chiếc ghế bành cách nhau bằng một cái bàn kính thấp. Đơn giản và mỹ thuật. Giữa phòng khách và bếp là một khoảng không gian nhỏ,chỉ đặt một chiếc bàn ăn có sáu cái ghế và một chiếc tủ chưng chén bát kê sát tường.

Một lúc sau thì có tiếng chuông và lần này, chính Khải mở cửa. Nguyệt bước vào, theo sau là một người đàn bà xấp xỉ tuổi Khải. Chàng gật đầu chào trong khi Nguyệt nhanh nhẩu giới thiệu :

- Giới thiệu với anh Khải, đây là chị Dung, chị ruột của Hạnh, và đây là anh Khải ở bên Úc mà em thỉnh thoảng có nhắc đến với chị. Anh Khải ngồi chờ tụi em một chút nghe, em và chị Dung phải vào giúp Hạnh một tay.

Nói xong hai người đi vào trong bếp. Khải một mình thơ thẩn trong phòng khách, rồi ngồi xuống trước cây đàn dương cầm, gõ nhẹ một tiếng. Nguyệt nói vọng ra : 

- Em chưa giới thiệu với mọi người, anh Khải là một pianist đấy. Trong khi chờ đơi, anh có thể cho tụi em nghe một bài cho vui đi.

Khải không trả lời và chàng đánh một khúc nhạc của Beethoven. Tình cờ đó là khúc nhạc ngày xưa Phan thường chơi và rất thích. Hạnh cũng quá quen thuộc khúc nhạc nầy. Nguyệt nhìn qua thoáng thấy Hạnh đứng lặng yên một lúc rồi nói nhỏ:

- Không ngờ anh Khải chơi đàn quá hay mà lại cũng thích nhạc cổ điển nữa.

Thủy cũng có vẻ ngạc nhiên nhìn mẹ buộc miệng :

- Chú Khải chơi hay quá, làm con nhớ Ba. Mấy năm nay không được nghe Ba đàn.

Nói xong, Thủy thấy như mình lỡ lời, bèn lẳng lặng bê thức ăn dọn lên bàn. Mọi người lần lượt ngồi vào bàn. Hạnh ngồi giữa Thủy và chị Dung. Nguyệt và Khải ngồi đối diện. Nguyệt nói :

- Không ngờ anh Khải đàn hay quá, em cũng biết anh là một cây dương cầm, nhưng cũng chưa bao giờ được nghe đấy.

Khải cười :

- Lâu quá, tôi cũng ít chơi đàn, vì bận công việc, lại hay đi đây đi đó. Tối hôm nay, thấy cây đàn lại ngứa tay một chút thôi, mong quý vị không phiền. Cây đàn để lâu quá không điều chỉnh, có nhiều nốt bị lạc đi một chút, nếu cô Hạnh cần, tôi sẽ gọi người lên dây lại.

Hạnh nói:

- Từ ngày anh Phan mất, chẳng ai sờ dến cây đàn, anh Khải khỏi bận tâm, để chừng nào thuận tiện hẳn hay vậy. Xin mời anh, mời chị Dung và Nguyệt dùng cơm kẻo nguội.



 

Lúc căn nhà chỉ còn hai mẹ con, dọn dẹp xong, Hạnh trở về phòng. Nàng không bật đèn, cũng không vặn nhạc như thường lệ, để nguyên áo quần nằm lên giường. Tiếng đàn của Khải như còn văng vẳng bên tai, và bỗng nhiên Hạnh mường tượng hình dáng của Khải ngồi trước cây dương cầm. Khải đẹp trai, ăn nói lịch sự, đàng hoàng, lại chơi đàn hay có phần trội hơn cả Phan. Khải lại đang tự do.

Hạnh rùng mình,  không biết tại sao lại cứ vẩn vơ với những suy nghĩ về người đàn ông chỉ mới gập có ba lần. Hóa ra cái chết của Phan làm cho Hạnh đóng cửa tâm hồn nàng lại, cách biệt với bên ngoài. Mọi chuyện diễn ra trong cuộc sống khép kín của nàng như một thói quen, ngay cả dần dần hình bóng Phan nhạt nhòa trong lòng nàng vẫn không hay. Gập Khải, như một luồng ánh sáng rọi vào trong căn phòng luôn luôn đóng chặt cửa của nàng, mang theo một luồng hơi ấm dịu dàng, mới mẻ.

Hạnh nhớ lại trong bữa ăn, mọi người xem ra đều có cảm tình với Khải, kể cả Thủy. Ngoài ra, Nguyệt thì lại còn ý cặp nàng với Khải một cách kin đáo, có lẽ vì không muốn thấy người bạn thân của mình sống âm thầm lặng lẽ như thế.

Mấy ngày hôm sau, Khải điện thoại đến và muốn mời Hạnh đi dùng cơm tối cùng với Nguyệt. Khải hỏi ý chị Dung và Thủy, thì cả hai cũng đều nói một cách kin đáo khuyến khích Hạnh. Tối hôm đó, Hạnh mặc một bộ đen rất trang nhã. Ba năm nay, ít khi thấy nàng trang điểm, vả lại không mấy khi ra khỏi nhà, nên Thủy cứ đứng nhìn sững mẹ:

- Trời ơi, mẹ đẹp quá, coi chừng chú Khải bị hớp hồn đấy.

Hạnh đưa mắt lườm con, nhưng trong lòng thì lại thấy sung sướng, và khi Khải đưa xe đến đón thì nàng bước ra ngay. Không thấy Nguyệt, Hạnh hỏi:

- Chị Nguyệt không đi cùng với anh sao?

- Chị ấy gọi điện xin lỗi có việc đột xuất không đến được. Chúng ta đi vậy.

Hai người đến một nhà hàng tây lich sự và sang trong. Khải tỏ ra là một người lịch lãm sành điệu trong việc ăn uống làm cho Hạnh rất thoải mái.

Gần cuối bữa ăn, Khải nói:

- Trong trường hợp Hạnh thực muốn cho cháu Thủy đi học, tôi có thể làm giấy bảo lãnh cả hai mẹ con qua, nhưng đây cũng là một vấn đề hết sức tế nhị, mong là Hạnh không hiểu lầm.

Hạnh hỏi:

- Nghĩa là sao, Hạnh chưa hiểu?

Khải ngập ngừng một lúc, không ngờ là Hạnh không hiểu:

- Thế nghĩa là chúng ta phải làm một hôn ước giả để làm hồ sơ bảo lãnh.

Đúng là Hạnh không hiểu. Nàng cúi đầu ngượng ngùng một lúc sau mới nói:

- Anh cho Hạnh suy nghĩ và bàn với cháu Thủy cùng chị Dung, rồi sẽ trả lời với anh. Dù sao, Hạnh cũng rất cám ơn ý tốt của anh, nhưng vấn đề nầy quả thật cũng hơi bất ngờ với Hạnh thật.

Trên đường về, cả hai ít nói chuyện với nhau. Riêng Hạnh thì vẫn miên man suy nghĩ về lời đề nghị của Khải. Lúc từ giã,Khải nói:

- Hạnh đừng bận tâm về lời đề nghị của anh nghe, đấy chỉ là một giải pháp, biết đâu chúng ta có thể tìm được những cách khác đơn giản hơn.

Hạnh vừa bước vào nhà thì Thủy đang ngồi xem truyền hình trong phòng khách đã hỏi ngay:

- Mẹ ăn ở đâu vậy? Có vui không? Chú Khải thế nào? Có “gentleman” không?

Nghe Thủy hỏi một tràng, Hạnh biết ngay là Thủy cũng có cảm tình với Khải, nên nàng cười vui vẻ :

- Chú Khải là một người rất lịch sự, có thể nói là rất gentleman, con nghĩ là nếu chú ấy lui tới với gia đình mình có sao không?

Thủy đáp không suy nghĩ :

- Mẹ à,ba mất đã ba năm nay rồi. Ba năm nay mẹ sống như một cái bóng trong nhà, bây giờ nếu có một người bạn thì con thấy rất tốt. Thời đại bây giờ khác xưa rồi mẹ ạ.

Ngày hôm sau, Hạnh gọi Nguyệt và chị Dung, hỏi ý kiến về lời đề nghị của Khải. Cả hai đều cho rằng đó cũng là một giải pháp rất tốt, nếu Hạnh không thấy đó là vấn đề, nên hạnh cũng thấy nhẹ lòng. Thực ra thì cả chị Dung lẫn Nguyệt đều muốn Hạnh có một thay đổi. Sau đó, Hạnh nói chuyện với Thủy thì Thủy cũng đồng ý ngay, nhưng Thủy nói :

- Không chỉ là chuyện con được đi học, mà con cũng muốn mẹ có cơ hội thay đổi một chút. Tuy nhiên, dù trên nguyên tắc, chỉ là giấy tờ thôi, nhưng con nghĩ là mẹ cũng cần một thời gian để biết thêm về chú Khải thì tốt hơn.

Hạnh không ngờ mới hơn mười bảy tuổi mà Thủy đã chín chắn như thế, nên nàng rất mừng.

Ba bốn hôm không thấy tin tức Khải, Hạnh chủ động gọi điện cho chàng và mời đến nhà dùng cơm. Khải vui vẻ nhận lời. Bữa cơm chỉ có Khải và hai mẹ con Hạnh. Ăn xong, Thủy xin phép về phòng, chỉ còn Hạnh và Khải trong phòng khách. Khải không hề nhắc đến lời đề nghị hôm nọ, nên Hạnh phải gợi ý trước:

- Hạnh rất cám ơn anh về chuyện hôm nọ, và Hạnh thấy đó là một giải pháp duy nhất để anh giúp mẹ con em. Nhưng mình biết nhau chưa được bao lâu, vả lại em cũng mới mãn tang anh Phan, nên em cũng muốn có một khoảng thời gian để người ta khỏi dị nghị, có được không anh?

Khải đáp :

- Vậy thì anh có một đề nghị thế nầy: Còn khoảng mấy tháng nữa thì cháu Thủy đã qua tuổi thành niên, lúc đó, có thể gập khó khăn. Vì vậy, anh muốn làm giấy tờ trước, cho đến lúc nào Hạnh đồng ý thì giấy tờ đã xong. Đến lúc đó, nếu không muốn thì có thể hủy bỏ cũng không sao. Về việc bảo lãnh, anh quen với tòa Lãnh sự rất thân, nên có thể trong vòng ba bốn tháng giải quyết xong.

- Dạ, vậy quyết đinh như thế cũng được.

Tối hôm đó, Hạnh không ngớt suy nghĩ về Khải. Hình như tình cảm của Hạnh đến với Khải quá nhanh làm chính Hạnh cũng bất ngờ. Có thể vì chị Dung, Nguyệt và quan trọng nhất là Thủy đều có cảm tình với Khải, nên Hạnh chẳng có chút do dự, ngại ngùng nào đối với Khải.

Trong lúc nghĩ về Khải, Hạnh lại tự chống chế với mình lúc nghĩ về Phan: Dù sao, chồng mất cũng đã ba năm rồi, lòng thương nhớ cũng đã nguôi ngoai. Đối với dư luận bên ngoài, chắc cũng chẳng ai đánh giá mình….

Những cuộc hẹn hò với Khải tăng dần. Hai người gần như công khai đối với bạn bè phần đông đều tán thành cuộc tình của họ. Hơn một tháng sau, Khải phải trở về Úc. Chỉ hai tuần xa cách, mà Hạnh bỗng thấy thiếu vắng một cái gì đó. Những cuộc hẹn hò. Giọng nói trầm ấm dịu dàng. Một dáng ngồi trước cây dương cầm với tiếng đàn lãng mạn.

Đôi khi chính Hạnh cũng tự thấy ngạc nhiên là hình bóng của Phan đã mờ dần trong tâm trí nàng lúc nào không hay. Tất cả đều được thay bằng Khải, và một điều nữa là Hạnh không còn thấy một chút mặc cảm nào lúc nghĩ về Phan nữa.

Hai tuần lễ trôi qua với những nhớ nhung thiếu vắng như mới yêu lần đầu. Hạnh mong Khải từng ngày. Những lúc Thủy đi học, Hạnh thường đến nhà Nguyệt, đi bát phố cùng vài người bạn thân. Cái thói quen ngồi mãi trong nhà gần như không còn nữa, và Hạnh thấy cần có một người bạn bên cạnh để trò chuyện. Dĩ nhiên là những chuyện về người đàn ông mới quen biết không lâu. Cái gì nơi Khải cũng mới mẻ, khác hẳn chuyện ngày xưa với Phan.

Cũng có đôi khi ngồi một mình trong phòng, nhìn lên bàn thờ Phan, Hạnh thấy có một điều gì đó bất ổn trong lòng. Nàng tự hỏi thầm: ”Có phải mình vội vã quá không? Có phải mình có chút không phải với Phan chăng?” Nhưng rồi lại tự bảo: ”Ba năm rồi.

Tang Phan đã mãn rồi. Không lý mình cứ mãi sống trong sự thương nhớ vô ích như cũ? Rồi Thủy thế nào? Rồi mình sẽ già đi mất!” Và hình bóng Khải hiện đến làm nhạt nhòa mọi suy nghĩ về người chồng cũ, đưa Hạnh vào giấc ngủ êm đềm.

Khải trở về, báo tin cho Hạnh biết là mọi thủ tục bảo lãnh xem như hoàn tất và chỉ trong vòng ba tháng nữa là cả ba có thể lên đường sang định cư ở Úc. Buổi tối hôm đó, sau bữa cơm tối, cả hai ngồi trên chiếc ghế ngoài hiên nhà.

Hạnh dựa vào vai Khải, mơ màng nghĩ đến một nơi xa lạ mới mẻ chưa bao giờ bước chân tới. Mối tình đầu như đã đi vào quá khứ. Hạnh thấy như mình sắp bước vào một cõi tình yêu chưa từng đặt chân đến.


 Hoàng Tá Thích

------------

-Hình Internet

Hồng Anh st


 

Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %30 %362 %2019 %02:%12
back to top