NGÀY XUÂN, NGHE LẠI “LY RƯỢU MỪNG” nhớ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG
NGÀY XUÂN, NGHE LẠI “LY RƯỢU MỪNG”
nhớ Phạm Đình Chương
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương
“Ly Rượu Mừng” không chỉ cất lời chúc đầu năm, mà còn thổ lộ những nguyện cầu thiêng liêng và sâu thẳm, cho một nước Việt không còn cảnh tang thương, để người mẹ già “từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa” sớm thấy lại được “bước con về hòa nỗi yêu thương”.
Đó là câu hát mở đầu trong bản "Xuân khúc" được coi là kinh điển nhất trong lịch sử Tân nhạc Việt Nam: “Ly rượu mừng”. Ngay đã có người cho rằng, trong danh sách mấy trăm bài hát tự cổ chí kim của Việt Nam về ngày Tết, cần phải nhớ “Ly rượu mừng” “trước hết và hơn cả”, vì vắng nó, sẽ không có Tết, và nó phải là giai điệu mở đầu mọi chương trình Xuân.
Tác giả của bài hát, ca nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương, là một trong những tên tuổi hàng đầu của Tân nhạc Việt Nam. Ông sinh năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội trong một gia đình nghệ thuật mà song thân đều là những nghệ sĩ chơi nhạc cổ truyền. Chị của ông là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy, và em gái của ông là Phạm Thị Băng Thanh, tức danh ca Thái Thanh.
Ngoài ra, ông còn có một người anh cùng cha khác mẹ là Phạm Đình Viêm, về sau là ca sĩ Hoài Trung của Ban Hợp Ca Thăng Long nổi danh từ giữa thập niên 50 thế kỷ trước tại đất Sài Gòn hoa lệ, gồm Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Hoài Trung, Thái Hằng, Thái Thanh và sau đó, thêm Khánh Ngọc, vợ ông. Nhận định về giọng ca Phạm Đình Chương, nhà văn Mai Thảo từng viết:
“Bao nhiêu năm vẫn chỉ một con người, vẫn chỉ một phong cách. Ở giữa Hợp Ca Thăng Long lẫy lừng như vì sao ở giữa, hoặc cây Tây-ban-cầm ôm trước ngực ngoài tiền trường mênh mông lỗi lạc một mình, Phạm Đình Chương với những ca khúc ở mãi cùng lòng người, và Hoài Bắc với tiếng hát nam tôi cho là hay nhất, vẫn là Hoài Bắc Phạm Đình Chương của một con đường, một cõi nhạc riêng”.
Phạm Đình Chương đa phần tự học nhạc từ năm 13 tuổi và trên cương vị một nhạc sĩ, ông bắt đầu sáng tác năm 18 tuổi với ca khúc đầu tay “Ra đi khi trời vừa sáng” (năm 1947) khi đó ông cùng các anh em đang tham gia kháng chiến và gia nhập Ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV. Năm 1951, đại gia đình ông di cư vào Sài Gòn và bắt đầu tham gia đời sống văn nghệ cùng Ban Hợp Ca Thăng Long nổi tiếng.
Trong cả sự nghiệp âm nhạc, Phạm Đình Chương chỉ sáng tác trên dưới sáu mươi ca khúc, nhưng theo nhận xét của nhà thơ Du Tử Lê, “nếu tính phần trăm số lượng ca khúc trở thành bất tử của ông, từ sáng tác đầu tay, tới sáng tác sau cùng, tỷ lệ đó, không dưới tám mươi phần trăm tổng số sáng tác”. Và đó là “những viên kim cương âm nhạc, bất hoại; hầu hết đã được thời gian thực chứng”.
Sáng tác của Phạm Đình Chương, ngay từ giai đoạn đầu, đã bao gồm nhiều ca khúc để đời như “Ly Rượu Mừng”, “Xuân Tha Hương”, “Thuở Ban Đầu”, “Tiếng Dân Chài” và đặc biệt, “Trường ca Hội Trùng Dương” với bộ ba “Tiếng Sông Hồng”, “Tiếng Sông Hương” và “Tiếng Sông Cửu Long” cuồn cuộn và đầy chất hào sảng, hứng khởi về ba con sông lớn tượng trưng cho ba miền của quê hương.
Cùng “Con Đường Cái Quan” và “Mẹ Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Duy, “Hội Trùng Dương” là biểu hiện đẹp nhất của dòng nhạc “tình ca quê hương, tình tự dân tộc” nửa đầu thập niên 50 thế kỷ trước, theo cách phân loại của Phạm Duy. Thời gian sau đó, Phạm Đình Chương tiếp tục tỏa sáng với những bản tình ca vẫn được hát thường xuyên tới ngày nay, mà như lời nhạc sĩ Cung Tiến, là “những khúc hát làm thăng hoa ái tình”.
Đặc biệt, Phạm Đình Chương còn được coi là một “phù thủy” trong việc phổ nhạc cho những vần thơ, biến chúng thành bất tử, như “Mộng Dưới Hoa” (thơ Đinh Hùng), “Nửa Hồn Thương Đau”, “Ngợi Ca Tình Yêu”, “Dạ Tâm Khúc” và “Đêm Màu Hồng” (thơ Thanh Tâm Tuyền), “Mắt Buồn” (thơ Lưu Trọng Lư), “Màu Kỷ Niệm” (thơ Nguyên Sa), “Người Đi Qua Đời Tôi” (thơ Trần Dạ Từ) hay “Đôi Mắt Người Sơn Tây” (phổ thơ Quang Dũng).
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi được hỏi, đã cho rằng Phạm Đình Chương bên cạnh Phạm Duy và Cung Tiến là những người phổ thơ xuất sắc nhất của Tân nhạc Việt Nam. Sau này, khi định cư tại Cali vào năm 1979, trong những sáng tác cuối cùng, ông vẫn tiếp tục phổ thơ:
Không chỉ sáng tác, Phạm Đình Chương còn “đích thực là linh hồn của Ban Hợp Ca Thăng Long, từ buổi đầu tới phút cuối”, như lời nhạc sĩ Phạm Duy khẳng định lúc ông ra đi. Đặt hết tâm huyết và tài tổ chức, điều hợp vào Hợp ca này, Phạm Đình Chương đã “có công đầu trong nỗ lực dẫn dắt nghệ thuật ca diễn của nền tân nhạc Việt, từ sông lạch đơn ca, chảy ra đại dương hợp ca nhiều giọng”, vẫn theo đánh giá của Du Tử Lê.
Phạm Đình Chương qua đời vào mùa hè 1991 tại Hoa Kỳ, hưởng dương 62 tuổi. Năm 1998, tro cốt của ông, cùng của người anh Hoài Trung Phạm Đình Viêm đã được gia đình rải ngoài biển, có lẽ theo ý nguyện của ông khi phổ nhạc thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Du Tử Lê:
Không phải ngẫu nhiên, khi ca khúc được cấp phép trở lại cách đây ít ngày, nhiều người đã thốt lên, đây là ly rượu mừng xuân mà sau hơn bốn thập niên mới được rót và chúc tụng nhau.
Khác với hai ca khúc nổi tiếng cùng chủ đề mùa xuân của tác giả - “Đón Xuân” với tiết tấu nhanh, vui tươi, ước vọng một mùa xuân thái hòa không còn buồn khổ, và “Xuân Tha Hương” bâng khuâng, day dứt và luyến nhớ quê mẹ .
Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
Muôn lòng xao xuyến duyên đời...
Chỉ trong một vài câu ngắn gọn, lời chúc lành đầu xuân đã được vang lên với nhiều giai tầng trong xã hội, và ở những đoạn tiếp tới, tác giả đã không quên một ai. Ca khúc chỉ hàm chứa một chữ “Xuân” ở câu mở đầu, và tất cả phần sau chỉ toàn những lời chúc và mong mỏi, cho con người và cho quê hương. Đặc biệt, cả bài hát không hề có những biểu tượng hay hình ảnh ngày tết thường gặp trong mọi ca khúc về ngày tết.
Ca khúcLy rượu mừng - Phạm Đình Chương- Ban hợp ca Thăng Long
Điểm đặc biệt và cũng là đặc sắc này, có lẽ trong toàn bộ lịch sử Tân nhạc Việt Nam, chúng ta chỉ có thể tìm trong một ca khúc khác về mùa xuân, đó là "Mừng Xuân của Phạm Duy", sáng tác sau Phạm Đình Chương 22 năm.
Mừng Xuân tới bằng tiếng sáo vui
Với tiếng cười yêu mến đời.
Mừng Xuân tới bằng tiếng vỗ tay
Vang khắp trời mây.
Xin mừng anh chiến sĩ nơi tiền phương
Giữ đất cho Việt Nam hùng mạnh.
Nơi đồng xanh chúc bác dân cầy luôn
Lúa tốt, hoa mầu tươi suốt năm
Xin cho phố xá nơi thành đô
Giới bán buôn làm to lời nhiều
Chúc cho một nước dân đủ no
Chúc cho một nước luôn tự do.
Mừng Xuân tới bằng tiếng hát vang
Dưới mái trường hay giữa đàng
Lời ca hát từ núi xa xăm
Ra tận đại dương...
Ra đời trong bối cảnh chiến tranh và được hát lên liên tục trong hơn hai thập niên sau đó, khi cuộc chiến Việt Nam ngày một leo thang, lòng người ly tán, “Ly Rượu Mừng” không chỉ cất lời chúc đầu năm, mà còn thổ lộ những nguyện cầu thiêng liêng và sâu thẳm, cho một nước Việt không còn cảnh tang thương, để người mẹ già “từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa” sớm thấy lại được “bước con về hòa nỗi yêu thương”:
Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hòa bình, hòa bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi.
Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà
ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình đang phơi phới.
Mùa xuân 1975, “Ly Rượu Mừng” đã có mặt chính thức lần cuối cùng tại quê hương Việt Nam trong cuộn băng tuyển chọn các ca khúc đặc sắc về xuân phát hành thường niên do cơ sở băng đĩa nhạc của ca sĩ Ngọc Chánh tuyển chọn.
Những ai còn sở hữu hoặc có dịp nghe “Ly Rượu Mừng” trong bản thu âm dạo ấy, còn nhớ nó chính là nhạc phẩm mở đầu cuốn băng với phần trình diễn của Ban Hợp Ca Thăng Long, sau những âm giai còn đọng lại trong ký ức nhiều người:
Bên thềm năm mới, hãy cùng nhau nghe lại những giai điệu của ký ức ấy, nhớ về những mùa xuân năm ấy, và cùng nhau “nhấc cao ly này” để cùng mỏi mong cho một nước Việt “ngày mai sáng trời tự do”, khi “muôn người hạnh phúc chan hòa”, và “hương thanh bình đang phơi phới”, như tâm nguyện của Phạm Đình Chương, người nhạc sĩ lớn, đã từ giã chúng ta vào một ngày cách đây tròn một phần tư thế kỷ...(Nguyễn Hoàng Linh)
Phạm Đình Chương, Quê Hương Một Niềm
~~<><><><>~~
Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cả hai thân sinh ra ông đều chơi nhạc cổ truyền.
Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, với tác phẩm đầu tay là ca khúc “Ra đi khi trời vừa sáng”. Năm 1951 ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng ông thành lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng.
Trong thập niên 50, ông đã viết những tác phẩm thành công và để đời như Ly Rượu Mừng, Xuân tha Hương, Thủa Ban Đầu, Tiếng Dân Chài v.v.. Đáng kể nhất là trường ca bất hủ Hội Trùng Dương mà ông viết về đất nước Việt Nam hoa gấm, qua ba bài ca nói về con sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.
Vào mùa hè năm 1991, ông lâm bệnh và mất đi vào ngày 22 tháng 8 năm 1991 tại quận Cam, California, hưởng thọ 62 tuổi. Theo như gia đình ông kể lại, sau khi người anh của ông là nghệ sĩ lão thành Hoài Trung qua đời tám năm sau đó.
Năm 1998, vào một buổi sáng nắng ấm tại miền nam Cali, gia đình ông đã đem cốt của hai ông và rải ngoài biển, như trong một ca khúc ông viết trong thời gian cuối cùng, nhan đề “Khi Tôi Chết, Hãy Đem Tôi Ra Biển”, phổ từ thơ thi sĩ Du Tử Lê.
Nếu còn ở với chúng ta, Tháng Mười Một vừa qua, Phạm Đình Chương đã 85 tuổi.
Ông mất vào một ngày Tháng Tám, năm 1991. Gia đình và bè bạn ghi nhớ rằng ông thọ có 62 tuổi, nhưng văn học nghệ thuật có lẽ phải nhìn ra một tuổi thọ khác của Phạm Đình Chương, qua mấy trăm ca khúc về tuổi thanh xuân, tình yêu và quê hương.
Hãy nói về tiếng hát, vì ngày nay nhiều người đã có thể quên hoặc không biết.
Hoài Bắc là một trong những giọng nam điêu luyện và xuất sắc của nhạc Việt trong hạ bán thế kỷ XX, từ những năm 1950 đến 1975 và sau đó nữa. Tiếng hát Hoài Bắc đậm đặc chất giang hồ, của men rượu hòa trong khói thuốc. Nhưng có lẽ Phạm Đình Chương đã hy sinh tiếng hát ấy cho sự lẫy lừng của ban Thăng Long, mà ông là linh hồn, là con chim đầu đàn và tay hòa âm tuyệt vời.
Phòng trà Sài Gòn trước 1975 đã chẳng có nét văn nghệ rất phong lưu nếu không có tiếng hát và cây đàn Hoài Bắc cùng ly rượu và tiếng nhạc Phạm Đình Chương. Sài Gòn ngày nay thì chưa biết đã vội quên, thật đáng tiếc cho thính giả.
Quê ngoại Phạm Đình Chương là Sơn Tây, và hai bài thơ bi hùng của Quang Dũng là “Đôi Bờ” và “Đôi Mắt Người Sơn Tây” được ông đưa lên đỉnh cao của thi ca, khi phổ vào nhạc thành ca khúc “Đôi Mắt Người Sơn Tây”, có lẽ là ca khúc quen thuộc nhất của ông ở miền Nam trước đây.
Người trình bày tác phẩm này với nét trượng phu bi hùng nhất lại chính là Hoài Bắc, những khi ấy, đôi mắt ông còn long lanh hơn ly rượu trong tay!
Nhớ lại Phạm Đình Chương và những chuyến lưu diễn cùng ông ở nhiều nơi sau 1975, Quỳnh Giao nghĩ rằng từ đầu và mãi mãi về sau, Phạm Đình Chương không đi theo đám đông mà tự tạo một thế giới âm thanh riêng, ông không viết cho thị hiếu quần chúng hay trào lưu của xã hội. Ông mở ra trào lưu riêng. Phạm Đình Chương chỉ biết buồn và viết nhạc buồn khi viết về tình yêu.
Ngoài Quang Dũng với các thính giả miền Nam, nhiều thi sĩ thực ra có món nợ với Phạm Đình Chương khi ông phả thơ của họ vào cõi nhạc để đọng mãi trong hồn người. Nhiều người yêu nhạc đã tìm đến thơ cũng nhờ thanh âm Phạm Đình Chương.
Ông nắm lấy cái hồn của bài thơ và vẽ ra một không gian khác, một tâm tư khác, bằng nhạc. Phải chăng vì những bằng hữu chí thiết nhất của ông là những nhà thơ, nhà văn, những người cầm bút?
Hoài Trung, Thái Thanh, Hoài Bắc Phạm Đình Chương
Nhưng, bản tình ca tuyệt diệu nhất của Phạm Đình Chương “Nửa Hồn Thương Đau” ông đã viết nhạc và phần lớn lời ca với một chút ý từ bài thơ Lệ Đá Xanh của Thanh Tâm Tuyền, trong một phút xuất thần.
Ông nhận lời Quốc Phong – chủ tịch Liên Ảnh Công Ty & nhà văn Văn Quang sẽ soạn một ca khúc riêng cho phim “Chân Trời Tím” nhưng bạn bè làm ông quên bẵng, cho tới khi men rượu lay ông tỉnh vào đêm cuối cùng trước kỳ hạn với bạn!
Đấy là phút giây kỳ diệu của sáng tác.
Sau khi ra khỏi Việt Nam, Phạm Đình Chương tiếp tục ôm đàn và viết nhạc. U uẩn hơn, ray rứt hơn. Nếu bài “Xuân Tha Hương” được viết tại Sài Gòn mà làm ta nhớ Hà Nội thì gần 40 năm sau, tại hải ngoại, Phạm Đình Chương lại viết một khúc bi ca nữa về quê hương.
Lần này, bài ca làm ta nhớ Sài Gòn. Phổ thơ Du Tử Lê, bài “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn” có thể là một nhắc nhở nồng nàn nhất về Phạm Đình Chương, trong những năm cuối đời.(NV)
•♬•♫•❤️•♬•♫•❤️•♬•♫•.
Từ “Ly rượu mừng” đến “Nửa hồn thương đau”
Có thể nói, cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đượm nhiều uẩn khúc và nhiều bi kịch. Năm 1953 ông lập gia đình với ca sĩ và sau này là diễn viên nổi tiếng, Khánh Ngọc. Những người thuộc lứa đầu bạc chắc không thể nào quên ca sĩ Khánh Ngọc của thập niên 50 trong bản nhạc Pháp “Cerisier Roses et Pommiers Blances” với lời Việt “Vườn xuân ong bướm, ngất ngây ngất ngây lòng ta…” .
Vào năm 1955, một đoàn làm phim Mỹ-Phi đến Sài Gòn để tìm diễn viên cho bộ phim “Ánh sáng miền Nam” và Khánh Ngọc đã được chọn đóng vai chính. Cuộc đời tình ái của đôi trai tài-gái sắc Phạm Đình Chương-Khánh Ngọc tràn trề hạnh phúc… cho đến khi xảy ra chuyện “loạn luân” trong đại gia đình nhạc sĩ.
Bi kịch có liên quan đến nhiều thành viên: Nhạc sĩ Phạm Duy là chồng của Thái Hằng, Thái Hằng là chị của Phạm đình Chương và cũng là chị của Thái Thanh. Khánh Ngọc là vợ của Phạm đình Chương, Phạm Duy trong vai trò anh rể lại “tằng tịu” với Khánh Ngọc, em dâu của mình.
Ca sĩ Khánh Ngọc
Phạm Đình Chương đã nghe phong phanh dư luận. Với tình yêu nồng thắm buổi ban đầu, ông không thể nào tin vào sự ngoại tình đã được đồn thổi. Điều thương tâm nhất là ông vẫn yêu thương, tin tưởng vợ và bỏ ra ngoài tai những điều không tốt lành của giới văn nghệ sĩ tại Sài Gòn.
Cho đến một buổi tối “định mệnh”, Phạm Đình Chương cùng với những người bạn thân "bắt tại trận" cuộc tình vụng trộm của đôi tình nhân tại quán chè ở Nhà Bè - Gia Định. Sáng hôm sau, một loạt bài phóng sự đều tra nóng bỏng được tung ra trên tờ nhật báo “Sài Gòn Mới" của bà Bút Trà. Vụ "ăn chè Nhà Bè" khiến cả Sài Gòn đều biết.
Cho dù Phạm Duy cầu cứu đến Bộ Thông Tin xin các báo cho ngưng các bài điều tra, phóng sự nhưng "hoạ vô đơn chí", trong cuộc đời này, cái gì càng dấu diếm bao nhiêu, càng được "bùng nổ" và thêu dệt bấy nhiêu. Suy cho cùng, các cụ ta thường nói, và nói rất đúng: “Xướng ca vô loại”!
Nỗi đau dày xe tâm can và sự tan nát của một đại gia đình nghệ sĩ đã "đánh gục' nhạc sĩ Phạm Đình Chương khi ông phát hiện chuyện vượt ra ngoài luân lý. Đã có lúc Phạm Đình Chương nghĩ đến chuyện tự tử nhưng tiếng khóc của đứa con trai đưa ông về hiện tại. Ông gạt nước mắt đau thương, nộp đơn ly dị lên toà án. Vụ việc kết thúc và Phạm Đình Chương được quyền nuôi đứa con trai lúc bấy giờ khoảng 5 tuổi.
Biến cố đó là một động lực cho sáng tác “Nửa hồn thương đau” với những ca từ như nức nở:
“Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa.
Cho tôi về đường cũ nên thơ.
Cho tôi gặp người xưa ước mơ.
Hay chỉ là giấc mơ thôi.
Nghe tình đang chết trong tôi.
Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời…”
“Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào?
Anh ở đâu ?
Em ở đâu ?”
............
“Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt.
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất.
Và tiếng hát và nước mắt.
Đôi khi anh muốn tin.
Đôi khi anh muốn tin.
Ôi những người, ôi những người.
Khóc lẻ loi một mình...”
“Nửa hồn thương đau” chính thức ra đời năm 1970 để chấm dứt một thời kỳ sáng tác u uẩn và quạnh quẽ của một người chồng vẫn một lòng thương yêu người vợ đã phản bội mình. Bản nhạc như rút ruột lòng người và bản nhạc cũng đánh dấu một giai đoạn sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa nhưng bạc phận.
Khi ra nước ngoài, Phạm Đình Chương vẫn sáng tác một số ca khúc mang tính cách hoài niệm: “Bên trời phiêu lãng”, “Cho một thành phố mất tên”, “Đêm, nhớ trăng Sài Gòn”… Và trong khi “Ta ở trời tây” Phạm Đình Chương có lời nhắn nhủ: “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”.
✧✧✧✧
Hình Internet
Kim Quy sưu tập