Nhạc Đà Nẵng - Thành phố tuổi thơ tôi
Bố mẹ chồng tôi quê quán Hà Đông nhưng gia đình lập nghiệp ở Hà Nội, buôn bán gỗ. Cửa hàng có tên là Đông Khê. Vụ kinh tế suy thoái năm 1930, ông bà gặp thời cơ, mua được ngôi nhà lầu bề thế ở ngay Cột Đồng Hồ của Ông Bạch Thái Bưởi, một doanh nhân giầu có, làm chủ hãng tàu biển lớn nhất Việt Nam, chuyên chở người và hàng hóa bằng thủy lộ khắp vùng sông biển trong nước và ra tới các quốc gia lân cận.
Năm 1954, đất nước bị chia đôi. Bố chồng tôi lúc ấy đang ốm nặng nên không muốn ra đi, mẹ chồng tôi phải ở lại trông nom ông cùng với ba chị gái của nhà tôi. Ba người con trai thì hai người anh nhà tôi di cư theo sở làm, riêng nhà tôi còn đi học, bố mẹ chồng tôi giao cho anh thứ hai trông nom. Khi Hà Nội bị tiếp thu, ngôi nhà ở Cột Đồng Hồ bị trưng dụng để chia cho dân từ ngoại thành hay khu chiến về. Mẹ chồng tôi và các chị cố thủ, cả nhà thu mình vào 2 gian phòng ở một góc lầu một, có balcony thoáng mát nhờ gió từ sông Hồng thoảng vào. Sở dĩ được như vậy không phải vì nhà có người ốm nặng nên chính phủ cách mạng có sự quan hoài mà vỉ ngoài bà chị cả nhà tôi an phận tu hành, hai bà chị còn lại xinh đẹp nên được hai ông cán bộ về thành mót vợ xin cưới. Mẹ chồng tôi bấm bụng phải gả cả hai chị để được yên thân, may ra giữ được ngôi nhà mà chính phủ nói là chỉ mượn tạm. Mà đúng vậy thật, sau khi bố mẹ chồng tôi người bệnh trầm kha, người xót con tiếc của, theo nhau về bên kia thế giới, nếu không có hai ông rể cán bộ thì may mắn lắm mới giữ được một phòng.
Lần đầu tôi về Hà Nội thăm hai chị năm 2001, các bậc cầu thang đi lên balcony ngày xưa lót đá hoa bây giờ sứt sẹo, không chỗ nào còn nguyên vẹn, gạch bên trong vỡ ra như xà bần, ngổn ngang chắn hết lối đi. Người qua đường những lúc tối tăm tạt vào đấy tiểu tiện nên mùi khai váng óc. Cái bao lơn bề ngang chừng một thước được cắt ra một khúc làm phòng tắm, nước từ cái vòi nước chảy ri rỉ suốt ngày vào cái xô bên dưới để có nước dùng cả ngày cho nhu cầu thổi nấu và vệ sinh.
Đại khái gia cảnh bên chồng tôi sau làn sóng di cư ồ ạt 1954 cho đến chung cuộc miền Bắc dựa thời cơ chiếm được miền Nam là như thế. Không hiểu trước đó vì duyên nghiệp nào mà một nhánh dòng họ Lê Quang trong gia phả nhà anh lại trôi dạt tới Tourane và lập nghiệp ở đấy. Đám cưới ở Huế xong, trước khi về lại Saigon, nhà tôi đưa tôi vào Đà Nẵng (Tourane ngày xưa) dặn là chúng tôi sẽ gặp chú Đốc Lê Quang Ngoạn, một người trong họ đã gần 70 nhưng vai vế phải gọi nhà tôi là anh. Theo nhà tôi, Chú là người rất có tình, tuy xa xôi cách trở song Chú vẫn giữ liên lạc thân thiết với phần gia tộc ngoài Bắc trước và sau khi đất nước bị chia cắt. Nhà tôi ngại Chú có tuổi mà phải đi xa nên không mời Chú dự đám cưới khiến Chú nghe tin thì buồn trách. Có lẽ vì vậy, nhà tôi vốn quý mến Chú nên muốn chúng tôi gặp Chú để thân chinh tạ lỗi. Ra đón chúng tôi là một ông già người tầm thước, vóc vạc gầy, mỏng nhưng rắn rỏi, đôi mắt tinh anh và giọng nói mạnh mẽ, rất tương phản với râu tóc bạc trên khuôn mặt xương của ông. Ông mặc áo dài vải trắng, quần trắng, đội khăn xếp, thưa gửi anh chị rất lễ phép, tề chỉnh. Sau câu thăm hỏi đầu tiên: “Chú khỏe chứ ạ?” đến câu thứ hai thì tôi không cách nào nghĩ được tôi thuộc hàng chị của ông già trước mặt nên tuy tôi gọi ông là Chú nhưng lại xưng mình là cháu. Chú cười, nhắc tôi: “Em là em của anh chị.”
Trong câu chuyện hàn huyên tối hôm ấy, Chú ngỏ lời mời vợ chồng tôi sáng mai vào Hội An (xưa là Faifo) trước vãn cảnh, sau thăm vợ chồng ông Bang trưởng bang người Hoa, có tiệm buôn bán ngay phố Chùa Cầu, có mấy đứa con là học trò của Chú nay đã tốt nghiệp trung học, đứa ra Huế đứa vào Saigon học đại học cả. Hóa ra Chú Ngoạn là Đốc học (tương tự như Chức Giám Đốc khu Học chánh sau này) ở Tourane nên người dân ở đây gọi chú là Cụ Đốc Ngoạn.
Ngôi nhà chúng tôi bước vào giữa buổi trưa tháng ba nắng chang chang mà mát như quạt vì cửa lớn ở mặt tiền và cửa ra cái sân nhỏ chỗ nhà ngang thẳng vào nhà trong đều mở rộng. Theo bản năng, tôi ngẩng nhìn lên cao và nội vi ngôi nhà, thấy rui, mè, kèo cột ngang dọc đều bằng gỗ có những chỗ chạm trổ rất tinh vi. Màu gỗ không đỏ, cũng không đen tuyền, có lẽ là mầu nâu đậm. Tôi đoán hẳn là gỗ quý và được săn sóc kỹ vì những nét chạm sắc sảo, mặt gỗ sáng không bám bụi. Chúng tôi được mời ngồi trên tấm phản lớn kê sát tường bên phải nhìn ra khoảng sân lát gạch tàu, hẹp mà dài, gần cái cửa nhiều cánh rời, kéo ra, xếp lại được, lúc đó thu gọn vào một góc. Sau tuần trà thơm nhấm nháp từng ngụm nhỏ trong mấy cái chén hạt mít mỏng tang, bên ngoài màu gan gà, bên trong màu sứ trắng tinh, ông Bang trưởng trịnh trọng báo tin là chúng tôi được mời ăn trưa bằng món mì Quảng, đặc sản nổi tiếng của Hội An. Tôi sinh trưởng ở Huế, ăn đủ thập cẩm bát âm món Huế nhưng chưa bao giờ nghe nói đến mì Quảng. Chú Đốc Ngoạn đoán chừng ý nghĩ của tôi nên chú rôm rả giới thiệu với những lời khen ngợi lên tận mây xanh.
Khi chị người nhà bưng ra mọi thứ trên cái khay gỗ lớn, có 5 cái tô kiểu không to lắm, miệng loe và sâu lòng, thoáng nhìn thấy rất bắt mắt với màu xanh non của rau tươi, màu ngà của những khoanh hoa chuối thái thật mỏng, màu đỏ của những con tôm lột vỏ kiểu bắc cầu, màu nâu hồng của thịt rim, màu vàng chanh của những sợi mì và trên tất cả những thứ đó là một dúm lổn nhổn những loại gia vị gì tôi không biết, làm bay lên mùi thơm lẫn với mùi bánh tráng gạo mè nướng, mùi đậu phụng rang khiến bao tử tôi lập tức cồn cào.
Gia chủ khéo léo ngỏ lời bằng thứ tiếng Việt phát âm theo cách người Hoa nhưng rất lưu loát, đại khái cho biết đây là món ăn đặc sản của Faifo, có lẽ không ngon bằng cao lương mỹ vị mà chúng tôi đã thưởng thức qua ở những tửu lầu trong Saigon/Chợ Lớn nhưng ông tin rằng chúng tôi ăn một lần sẽ nhớ mãi vì sẽ không tìm được ở đâu khác.
Mọi người cầm đũa và không ai có muỗng cả. Tôi chờ xem ông bà Bang trưởng làm thế nào nhưng họ không hành xử cùng một cung cách. Trong khi bà chủ nhà dùng đũa khều mỗi thứ một tí và ăn rất nhỏ nhẹ, ý tứ thì ông Bang trưởng mạnh tay trộn đều mọi thứ trong tô và ăn từng miếng to. Những sợi mì vàng nhạt mình dẹt, lớn ngang hơn sợi phở một chút, mềm nhưng không nhũn. Có lẽ mì được nhuộm bằng nước nghệ tươi nên có mùi thơm nhẹ. Những con tôm tươi quắn lại, đưa cái lưng còn chút vỏ ở giữa đỏ ong, chỉ nhìn cũng đoán được độ dòn và săn chắc của nó dưới tay người đầu bếp hoặc sử dụng cái chảo rang sao cho con tôm già lửa, vừa mắm muối mà không được khét; hoặc cái nồi rim sao cho miếng ba rọi thái bằng hai lóng tay, chỗ mỡ phải trong như miếng mứt bí, chỗ nạc phải vừa nước màu, đỏ thẫm mà không bị thâm. Tô mì Quảng không nấu có nước lèo, chỉ xâm xấp nước từ nồi thịt và tôm rim, chan vừa đủ để quyện vào mỗi miếng và của thực khách.
Cái mượt mà của sợi mì cắn giữa hai hàm răng, vị ngọt mát của cải tươi xé nhỏ, mùi thơm của rau húng, tía tô, diếp cá, vị chát của hoa chuối và của rau má non, trộn lẫn với chút ngậy của lạc rang vừa tới nhai cùng với miếng thịt rim se sắt, của bánh tráng nướng lẫn vào mình con tôm thoang thoảng mùi nước sông. Cái tổng thể công phu và hòa điệu kỳ lạ có tên là mì Quảng ấy ngấm vào vị giác khiến thực khách không còn nghĩ gì khác ngoài thưởng thức món ăn đang làm tâm hồn họ lâng lâng khoái cảm. Tôi cố ghi nhận và phân tích các thành tố làm thành tô mì Quảng nhưng vẫn có một cái gì trong đó vượt khỏi tầm hiểu biết của tôi cho tới khi xong bữa, gia chủ cười và giải thích: “Ông Đốc đây chỉ ăn mì Quảng do chúng tôi thết đãi cả mười năm nay nhưng tôi chưa bao giờ tiết lộ bí mật.” Chiêu một ngụm trà, ăn một miếng bánh khảo nhân thịt thực sự là thổ sản của Faifo, rồi ông Bang Trưởng thong thả nói tiếp, hướng về tôi: “Khi nào tính mời khách thì chiều hôm trước, tôi ra lò heo quay của người bạn, đặt mua tựa như phần nước sốt quay gà trong chảo quay sau khi đã lấy con gà ra. Đàng này, sau khi lấy con heo ra khỏi lò quay, người ta treo ngược nó lên, phía dưới đặt sẵn cái tượng, để nó róc hết mỡ lẫn với phần gia vị ướp trước khi quay vào đó. Mỗi tô mì Quảng chuẩn bị xong, được nhà bếp rưới lên trên chừng một muỗng canh thôi là đủ cho tô mì dậy mùi thơm cách đặc biệt.” Chẳng thế mà lúc nẫy ông Bang trưởng đã quả quyết là sẽ không ở đâu có tô mì Quảng thứ hai như hôm nay ăn ở nhà ông.
Tôi nhớ mãi những thước phim như một giấc mơ qua hơn nửa thế kỷ không chỉ vì hương vị hiếm hoi của món ăn mà vì cái Tình khá lạ của một người từ đâu lưu lạc đến đất nước tôi, vừa hết sức giữ gìn văn hóa, truyền thống, gốc gác của tổ tiên trong cách ăn ở, vừa gắn bó và hòa nhập trọn vẹn với quê người bằng cả tấm lòng. Tôi ở Mỹ hơn ba mươi năm, chưa một lần nào có ý nghĩ hay tự tay làm một món trong thực đơn của người Mỹ để mời bạn bè, cho chính tôi hay cho các con dù chỉ gọi là có và không tệ quá để bị lũ trẻ lắc đầu chê dở, nói gì đến trau chuốt từng chi tiết nhỏ như tô mì Quảng đẹp tựa tranh tĩnh vật của ông Bang trưởng ở Faifo?
Tất cả những nhân vật có mặt cùng tôi hôm đó nay đã về thiên cổ, kể cả ông bà chủ nhà ngày ấy đã trọng tuổi. Cùng với ông, thế hệ những người Hoa tử tế, cần cù, lấy chữ tín làm đầu và trọng nghĩa khinh tài như phần đông đồng bào tôi thế kỷ trước, giờ đây chỉ còn là kỷ niệm, hệt như tô mì Quảng ở nhà ông không còn tìm thấy ở đâu nữa.
Năm 2009, tôi về Huế thăm mộ phụ thân rồi đi Đà Nẵng và Hội An xem đèn nhân mùa trăng. Buổi chiều, tôi đi lại con phố xưa ở một đầu Chùa Cầu. Lưng chừng khoảng gần giữa con đường xương sống này, bên phải từ Chùa Cầu đi xuống, bước chân tôi ngập ngừng trước ngôi nhà bằng gỗ hầu như vẫn còn nguyên vẻ đẹp quý phái của nó. Một người mặc sắc phục không biết là gì, ngồi trên cái tràng kỷ ở cửa thu lệ phí của khách muốn “tham quan” nhà Truyền Thống của Hội An. Tôi trả một mỹ kim đổi lấy tấm phiếu nhỏ rồi đi vào trong. Ngôi nhà bây giờ trống rỗng, lạnh lẽo, khiến tôi ngờ ngợ. Tuy nhiên, phần gỗ chạm trổ công phu trang trí trên cao bề ngang ngôi nhà vẫn còn nguyên tuy trông cũ kỹ và ảm đạm khác xưa. Không khí phảng phất mùi những cái rương quần áo lâu ngày không có bàn tay người chạm vào. Tôi đi ngơ ngẩn trong ký ức bồng bềnh một cảm xúc không rõ rệt, đến chỗ cửa xuống nhà ngang thì quay ra. Chắc chắn bi kịch đổi đời 30/4/1975 đã diễn ra khốc liệt ở nơi này, các vai trò thay bậc đổi ngôi trong cơn lốc lịch sử thân phận ra sao và bây giờ còn hay đã mất?
Năm 2014, tôi về VN nghĩ là lần cuối nên muốn nhìn lại kỹ hơn ngôi nhà Truyền Thống. Lệ phí vào cửa bây giờ là $5 mỹ kim, không bán tại cửa mà bán ở một cái bàn giấy đầu Chùa Cầu. Người gác cửa lúc này chắc không có lợi lộc gì nên cáu bẩn như “khỉ ăn mắm tôm.” Tôi nén lòng, đi ngược phố để đền chỗ bán vé nhưng không có ai làm nhiệm vụ. Một cô du khách Nhật Bản lưng đeo balô, nói được tiếng Anh, than thở: “Sao tiền vào cửa đắt thế? Sinh viên như chúng tôi muốn được cơ hội học hỏi đành chịu.” Tôi không định chờ nên trao cho cô tờ $5 cầm sẵn ở tay và nói: “Tôi phải đi một nơi khác, cô cầm lấy cái này vào thay tôi.”
Năm đó, “tham quan” Chùa Cầu cũng phải trả lệ phí $3 cho một lượt từ bên này sang bên kia hay ngược lại, không còn tự do như vài năm trước. Chính quyền đánh thuế mọi thứ, mỗi năm mỗi lên giá, không miễn trừ tình yêu quê hương, nỗi nhớ nhung và kỷ niệm của những người dân thỉnh thoảng trở về.
Tôi quay lại khách sạn, tự nhủ lòng: “Thôi nhé, vĩnh biệt Faifo.”
Bùi Bích Hà
Mùa dịch Covid19 / 24-05-2020
Mùa dịch Covid19 / 24-05-2020