Nhật Ký Hành Trình Du Lịch Russia & Bắc Âu #3 Moscow
Nhật Ký Hành Trình Du Lịch Russia & Bắc Âu #3
Moscow - Thứ ba August 22-2006
- Nam Mai -
Sáng nay, ngày thứ # 3 và cũng là ngày cuối cùng tại Moscow, đoàn sẽ được xe bus đưa đi vòng vòng dạo thăm đường phố của thủ đô Moscow, chuyến dạo chơi này được mọi người gọi là "cởi ngựa xem hoa", rồi sau đó bus sẽ ngừng ở những địa điểm đặc biệt để chúng tôi xuống chụp hình kỷ niệm.
Đường phố Moscow vào năm 2006 không rộng lớn, không có xa lộ nhiều tầng như bên Mỹ nên cũng bị kẹt xe .... bạo! Các bác tài xế lái "xe hơi con", xe hơi lớn (bus, van) thì cũng luồn, lách, chen lấn và qua mặt không kém gì những bác tài xế ở Trung Quốc và bên Việt Nam. Có dịp đi mấy nước này thì mới thấy tài lái xe của các bác tài bên đây thiệt là thần sầu. Cái xe to đùng dài hết cở với hơn 50 chỗ ngồi, vậy mà ở cái đường nhỏ xíu các bác vẫn có thễ luồn lách, quay tới, quay lui được như thường. Có nhiều lúc các bác còn cứ xâm xâm chạy lấn luôn qua đường của lane đối diện, đến lúc nhìn thấy gần như hai xe sắp đâm đầu vào với nhau thì bác .... bẻ tay lái, lạng vèo một phát trở về bên lane củ của mình liền, để tránh cho hai xe không bị "head on" mới là ghê chứ. Cứ tưởng tượng ngộ nhỡ khi bác ta lạng trở về bên lane củ mà lúc ấy có 1 xe đang chạy lên thì .... ô là la .... cả xe cùng nắm tay nhau lên Thiên Đàng hết là cái chắc! Vì vậy khi ngồi trên xe tinh thần mọi người đều căng thẳng hết cở, mồm miệng thỉnh thoảng cứ ú a... ú ớ ... rồi tự nhiên thấy chân của mình theo phản ứng cứ đạp đạp loạn xạ như là đạp thắng xe ấy các bác, nhiều lần hồn vía bay hết cả lên mây, thấy trái tim hình như là nhảy thót lên tận cổ họng, hm ... nói thật không có ai bị "xả nước cứu thân" thì cũng là may lắm rồi đó!
Xe chạy vòng vòng trong thành phố, chúng tôi nhìn thấy có rất nhiều tòa cao ốc, anh Tour Guide luôn miệng thuyết trình: đó là những khu chung cư "cao cấp" đã được xây dựng trong thập niên 1930 và là nhà ở của giới văn nghệ sỹ nổi tiếng của Liên Xô vào thời kỳ đó.... rồi lại nhìn thấy có những khu chung cư buồn tẻ, cũ kỷ bẩn thỉu ..... trước đây là nhà ở dành cho các giới công nhân, các viên chức bình thường .... .. cũng nhìn thấy mặt tiền của một dinh thự đồ sộ nhiều tầng còn mang quốc huy Búa & Liềm của Liên Bang Xô Viết thuở nào vẫn còn đó (không tẩy bỏ để thay mới vì quốc huy củ đã chạm khắc vào đá).
Sau đó, chúng tôi được đưa đi ngang qua một quảng trường rộng lớn có cái tên là Lubyanka. Tại đây mọi người nhìn thấy có một tòa nhà kiên cố, nó được mang cùng tên với quảng trường. Tòa nhà Lubyanka này trước kia đã một thời là nơi ám ảnh kinh hoàng của người dân Xô Viết, vì đây là bản doanh của cơ quan mật vụ KGB, một "guồng máy ăn thịt người" dưới thời cai trị của nhà độc tài Stalin. Tòa nhà đồ sộ vuông vức không cao lắm, nghe nói rằng nằm sâu dưới lòng đất của tòa nhà này là một hệ thống giam giử người, là nhà tù của KGB vào thời kỳ Xô Viết. Sau khi Liên Xô tan rã, cơ quan An ninh Liên bang Nga FSB (Federal Security Service of the Russian Federation) đã tiếp tục xử dụng trụ sở cũ của cơ quan tình báo KGB ngày trước, chỉ có điều là họ vẫn phải giử y nguyên cái "biểu tượng búa liềm" thời Liên Xô nằm bên trên cánh cửa phía trước tòa nhà vì hình ảnh này đã chạm khắc vào đá không thay đổi được.
Biểu tượng búa liềm cũng còn tồn tại bên trên đồng hồ lớn ở mặt trước tòa nhà. (Ảnh: Wordpress /Internet
Trước năm 1991,tại trung tâm quảng trường Lubyanka, có đặt bức tượng của Felix Dzerzhinsky (ông tổ ngành an ninh tình báo Liên Xô thời Stalin) được dựng phía trước trụ sở của KGB. (hình: Sputnik
/Internet).
Sau khi Liên Xô sụp đổ, vào năm 1991 tượng của Felix Dzerzhinsky đã bị những người biểu tình kéo sập xuống.
Tòa nhà Lubyanka - nay là Trụ sở của cơ quan An ninh Liên bang Nga FSB. Sau khi Liên Xô sụp đổ tượng của Felix Dzerzhinsky không còn đặt trước tòa nhà nửa (hình Internet).
Rời quảng trường Lubyanka, xe chở chúng tôi đi tiếp ngang qua chỉ để ngắm nhìn mặt tiền của nhà hát lớn Bolshoi, niềm tự hào của người dân Moscow. Rồi xe chạy qua Thư Viện Quốc Gia mang tên là Lenin, nhưng mặt tiền của thư viện lại không đặt tượng của Lenin, mà thay vào đó là tượng của đại văn hào Fyodor Dostoevski. Sau cùng xe ngừng cho chúng tôi xuống chụp hình tại 2 địa điểm trong thành phố, nơi có đặt tượng kỷ niệm của hai danh nhân nước Nga. Một là tượng của nhà thơ Aleksandr Pushkin, nhà thơ cổ điển người đã tiên đoán về cái chết và sự phục sinh của nước Nga, ông là người lai da đen, cháu của một người nô lệ, nhưng vì có tài nên được ngưỡng mộ và đã được đặt tượng đài ngay giửa thủ đô (nói thêm: ông là người đã cưới được bà vợ tuyệt sắc và bị bắn chết sau một cuộc đấu súng với người tình địch của mình mà N đã kể chuyện trong bài số #1).
Trên đại lộ Tverskaia, một trong những đại lộ chính của thủ đô nước Nga, sừng sững tượng đài trầm mặc, kiêu hãnh của nhà thơ Nga Aleksandr Pushkin (hình Voyages Saigon/Internet)
Tượng đài thứ 2 là của một danh nhân khác, đó là nhạc sỹ Tchaikovski, nhà soạn nhạc thiên tài của thế kỷ thứ 19, người đã sáng tác ra những nhạc khúc nổi tiếng như Swan Lake, Nut Cracker .... Tượng của nhạc sỹ Tchaikovski được đặt gần Đại nhạc viện Moscow (xe bus cũng có đưa chúng tôi đi ngang qua nhìn xem mặt tiền của nhạc viện Moscow, nơi mà nhạc sỹ Đặng Thái Sơn của Việt Nam đã có một thời theo học dương cầm tại đây).
Tượng của nhạc sỹ Tchaikovski
Sau hai địa điểm trên thì xe bus đưa chúng tôi đến bờ sông Moscow chạy dọc ngang trong thành phố.Trên bờ sông này có đậu một chiếc thuyền buồm vĩ đại, trên đó có dựng một bức tượng điêu khắc được làm từ thép và đồng đứng sừng sững cao như người thật của Peter the Great (Hoàng đế của Đế quốc Nga), tượng ông đứng ở phía trước mũi thuyền, tay giơ cao lên một cuộn giấy vàng mặt đầy đắc thắng. Đây là chiếc thuyền buồm đã đưa Hoàng Tử Peter đi du hành Âu Châu lúc ông 15 tuổi. Trong những năm 1697 - 1698 ông đi vòng quanh Tây Âu để tìm tòi học hỏi những điều mới lạ nhằm mục đích canh tân đất nước, biến một nước Nga lạc hậu và trì trệ trở thành một quốc gia hùng mạnh trên thế giới. Pyotr I Đại đế, viết theo tiếng Anh là Peter, hay tiếng Pháp là Pierre I, sinh ngày 10 tháng 6 năm 1672 tại Moscow, mất ngày 8 tháng 2 năm 1725 tại St. Peterburg, là Pyotr I (Sa hoàng) của nước Nga cũ và từ năm 1721 là Hoàng đế của Đế quốc Nga. Ông được xem là một trong những nhà cải cách tài giỏi bậc nhất của lịch sử Nga, tư tưởng cũng như hành động của ông luôn nhằm mục tiêu biến một nước Nga vốn cô lập và lạc hậu trở thành một đế quốc hùng cường khiến cho những nước Châu Âu còn lại phải nể vì.
Thuyền buồm và Peter the Great bên bờ sông Moscow-Hoàng đế của Đế quốc Nga (1721)
Sau đó đoàn được đưa đến thăm Bảo tàng viện Tretyakow-Moi để thưởng ngoạn những tác phẩm đẹp và tiêu biểu của Mỹ thuật tạo hình Nga (1917-1991). Bảo tàng viện này được một nhà tỷ phú của Nga - người sáng lập và là sở hữu chủ đầu tiên của Bảo tàng Tretyakov. Năm 1892, Pavel Tretyakov đã trao tặng bảo tàng cho thành phố Moscow, cùng toàn thể bộ sưu tập độc đáo có gần 2000 bức tranh, bản vẽ và tác phẩm điêu khắc mà ông đã dày công sưu tầm trong suốt cuộc đời mình. Trong di chúc, Tretyakov đã viết về nguyện vọng hàng đầu của mình: “Hiến tặng tất cả một kho tàng mỹ thuật, hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích, niềm vui cho mọi người”... Ông đã được mời làm giám đốc suốt đời của bảo tàng và được tặng danh hiệu “Công dân danh dự của thành phố”.
Bức tượng Pavel Tretyakov đón du khách ngay bên lối vào bảo tàng.
Khách đến thăm bảo tàng Tretyakov sẽ tìm thấy những tranh chân dung các nhân vật xuất chúng của Nga như: Peter Đại đế, Nữ hoàng Ekaterina Đệ nhị, đại thi hào Pushkin, các nhà văn lớn như Lev Tolstoy, Dostoievski, Gogol, Lermontov, nhà soạn nhạc Tchaikovsky... và còn rất nhiều nhiều thể loại tranh khác "nghe nói" là rất có giá trị. Phải dùng từ "nghe nói" ở đây là vì N .... quê một cục, thực tình là N không có hứng thú tị tẹo nào về tranh ảnh hay hội họa .... nên khi nhìn vào tranh vẽ hay hội họa thì N mù tịt không biết tranh đẹp hay xấu ở điểm nào, không hề thấy rung động chút nào trước một bức tranh đẹp, hay là tìm ra được một cái gì đó ở tranh mà nó sẽ lôi cuốn mình .... hì hì .... vì "đàn gẩy tai trâu" như vậy cho nên N chỉ dạo thoáng qua một vòng trong bảo tàng viện nhìn cho biết rồi lĩnh luôn ra ngoài cửa đứng ngó trời ngó đất trong khi chờ đợi mọi người, vậy xin các bác đừng bắt N kể lại là đã coi những gì trong cái bảo tàng viện này nha.
Xem xong Bảo tàng viện Tretyakow-Moi thì đã đến giờ ăn trưa. Chúng tôi lại tìm đến một tiệm McDonald cho "an toàn xa lộ" cũng như để được dùng Restroom free và sạch sẽ đúng tiêu chuẩn Mỹ cho chắc ăn.
Sau buổi ăn trưa thì được biết là chương trình thăm viếng cho buổi chiều hôm nay sẽ rất đặc biệt. Đầu tiên thì chúng tôi sẽ được đưa đi thăm một công viên, anh trưởng đoàn cho biết: công viên này có một cái tên rất lạ, tên của nó là "Công Viên các Thần Tượng Sụp Đổ" (Park of the Fallen Heroes). Anh cho biết: khi chế độ Xô Viết bị sụp đổ, người dân giành lại được quyền tự do, thì tượng đài cũng là nơi cho họ trút hết những nổi căm hờn phẫn uất đã bị dồn nén chịu đựng trong suốt nhiều năm qua. Để bày tỏ thái độ dứt khoát với quá khứ, phản ứng rỏ ràng nhất của phong trào dân chủ là kéo sập và đập phá hết những tượng đài, tượng hình của các lãnh tụ Cộng Sản. Rồi không biết sẽ để vào đâu các đồ phế thải này, thành phố Moscow liền có sáng kiến là thu gom hết tất cả các tượng hình phế thải này lại, sau đó lập ra 1 công viên để đặt các tượng hình "sút tay, gảy gọng" này vào đấy, rồi đặt cho công viên này một cái tên rất gợi hình là "Công Viên các Thần Tượng Sụp Đổ".
Các di tích thời kỳ Xô Viết được lưu trong Công Viên các Thần Tượng Sụp Đổ "Park of the Fallen Heroes" (hình Internet).
Ngoài những "tượng hình Cộng Sản phế thải", trong công viên cũng còn đặt thêm những tượng, hình khác gồm có: biểu tượng cho các nạn nhân của CS như nghèo, đói, bệnh tật, áp bức .... Có 1 bức tượng rất ý nghĩa được lấy từ ý tưởng của nhà thơ Alexandre Blok (1880-1921), người đã từng tiên báo về thảm kịch CS ở nước Nga trong thế kỷ 20, mà ông gọi là "cuộc khổ nạn của chúa Kito". Tượng này được dựng lên như một cái Thập tự giá, có một hình nhân ốm đói nheo nhách bị đóng đinh lên cái thập tự giá này, và trên đầu thập tự giá có gắn 1 mũi nhọn trông giống như đầu của một Phi thuyền bay vào vũ trụ. Anh local tour guide giảng giải cái ý của tác giả muốn diễn tả: đây là biểu tượng hình ảnh người dân bị khổ nạn vì nghèo đói sắp chết, cũng giống như hình ảnh Chúa khổ nạn lúc bị đóng đinh trên cây thập tự giá, và sự nghèo đói, khổ nạn này được đặt nằm trên một bệ đài phóng hỏa tiển phi thuyền. Dân đói thì đói nhưng chính phủ vẫn dùng tiền làm phi thuyền, hỏa tiển để dương danh với thế giới chứ không cần biết đến đời sống của dân chúng đói nghèo khổ sỡ ra sao.
Hình tượng cuộc khổ nạn của chúa Kitô
Biểu tượng hình ảnh người dân bị khổ nạn vì nghèo đói sắp chết.
Ngoài ra còn có một cái đài kỷ niệm các nạn nhân của chế độ Cộng Sản cũng được thiết lập ở công viên này. Đài kỷ niệm nhìn rất đơn giản và gợi hình: chỉ gồm hàng mấy trăm viên gạch được khắc thành hình đầu lâu, và những đầu lâu này thì bị nhốt sau những hàng rào kẽm gai, một ý tưởng thật là hay và đầy ý nghĩa phải không ạ? Mọi người đi vòng vòng trong Công Viên xem thì thấy có rất nhiều tượng của các lãnh tụ CS, cái thì sứt mũi, cái thì gảy chân, gảy tay....
Thần tượng Stalin kéo xuống bị dạt phăng cả mũi và râu.
Tượng của Felix Dzerzhinsky, ông tổ ngành KGB thời Stalin bị dân chúng kéo sập xuống và đạp chân lên đầu (Photo credit: Alexander Zemlianichenko/AP)
Tượng của Felix Dzerzhinsky, một tên đồ tể khát máu tay sai của Stalin, đã giết cả triệu người vô tội trong thời kỳ cầm quyền của Stalin - tượng này trước kia được đặt trước trụ sở KGB tại quảng trường Lubyanka, nay cũng bị kéo sập và đem về đặt trong công viên này.
Tượng toàn thân thật to của Stalin bị nhốt trong một cái cũi, giống như cũi nhốt chó cũng đặt trong công viên này.
Trong công viên còn rất nhiều tượng của các lãnh tụ CS sau thời của Lenin và Stalin nay cũng bị phá hủy và kéo về đặt hết trong công viên này, vì bài dài nên N chỉ post vài cái ảnh cho các bác xem thôi. Công Viên này trước kia có tên là Park of the Fallen Heroes hay The Fallen Munoment Park hoặc là The Graveyard of Fallen Monuments, và hiện nay nó được mang cái tên mới rất giản dị là Muzeon Park of Arts.
Sau khi rời Công Viên các Thần Tượng Sụp Đổ, chúng tôi được đưa đến thăm Tu Viện cổ Novodevitchi.
Hình chụp Tu viện cổ Novodevitchi (hình Internet)
Tu viện Novodevichy hay còn gọi là tu viện Bogoroditse Smolensky được xem là tu viện lâu đời và nổi tiếng nhất Moscow cũng như của toàn nước Nga. Nằm bên bờ sông Moscow ở phía Tây Nam của thành phố Moscow, tu viện Novodevichy được thành lập vào năm 1524 bởi Đại công tước Vasily III. Không giống như các tu viện Moscow khác, nó vẫn giữ nguyên được kiến trúc từ thế kỷ 17. Năm 2004, nó đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.Tu viện Novodevichy được coi như là nơi chốn nương náu cuối đời cho những người phụ nữ đã có gia đình xuất thân từ hoàng gia, có thể kể ra như là: người vợ góa của Ivan Bạo Chúa và Công Chúa Sophia người chị cùng cha khác mẹ của Peter I Đại Đế .
Theo chương trình của tour, chúng tôi đến Tu Viện Novodevichy việc chính là để được vào xem 1 căn phòng đặc biệt trong tu viện. Căn phòng này là chỗ tu kín của Công Chúa Sophia (bà là chị cùng cha khác mẹ và lớn hơn Pyotr đại đế 15 tuổi). Trên đường đến thăm tu viện, ở trên xe anh Trưởng đoàn cũng đã tóm tắt câu chuyện lịch sử xảy ra về Tu viện cũng như về căn phòng mà tour sẽ đưa mọi người đến xem như sau: Sophia là con gái đầu lòng và là một trong 9 công chúa của Sa hoàng Aleksei đệ nhất. Vào lúc đó Pyotr 10 tuổi cùng với người anh cùng cha khác mẹ là Ivan V 17 tuổi (Ivan thì gần như bị mù và câm, lại còn rất ốm yếu và mắc phải chứng co giật) cả hai cùng cai trị bên nhau với danh nghĩa đồng Sa hoàng – Ivan là Sa hoàng có vị thế cao hơn - là Sa hoàng đệ nhất, còn Pyotr chỉ là Sa hoàng đệ nhị. Công chúa Sophia Alekseyevna được cử làm phụ chính đứng ra điều hành việc nước khi hai vua em còn nhỏ. Sau bảy năm làm phụ chính bên cạnh 2 vua em, trên thực tế Sophia là người cai trị nước Nga vì quyền lực trong triều đình đều nằm trong tay bà, với tính quyết đoán cũng như sự khôn khéo của mình, bà đã nhanh chóng củng cố thế lực cho mình và loại trừ hết các mối nguy hại. Sự tiếm quyền của Sophia bắt đầu từ việc dùng danh hiệu Chuyên Chế (vốn chỉ dành cho bậc quân vương) trước tên tuổi của mình và trong mọi văn bản giấy tờ, chẳng khác nào bà là vị Sa hoàng thứ ba (chỉ có điều không có lễ đăng quang mà thôi). Sophia toan tính sẽ có một lễ đăng quang, và một khi đã trở thành đồng Sa hoàng, ngang hàng với hai em, bà sẽ chẳng khó khăn gì để diệt trừ Pyotr và phế bỏ Ivan rồi sẽ chính thức lên làm nữ hoàng.
Vào năm 30 tuổi, bà cho người thăm dò và xúi giục cấm vệ quân thỉnh cầu hai Sa hoàng đưa Phụ chính Sophia lên ngôi, nhưng quân cấm vệ từ chối vì không chấp nhận nổi việc một phụ nữ trở thành Sa hoàng. Sophia đành tiếp tục chờ thời, nhưng không giấu giếm tham vọng khi cho vẽ chân dung mình đội vương miện, tay cầm quả cầu cắm thánh giá và vương trượng (biểu tượng của Sa hoàng). Bà cũng cho phát tán khắp Châu Âu bản sao bức chân dung kèm theo lời ca tụng, so sánh bà với các nữ hoàng nổi tiếng của nước Anh và đế quốc Byzantium (Đế quốc Đông La Mã). Nhưng giấc mộng đế vương của nàng công chúa đầy bản lĩnh này đã không thành, bởi con sư tử non Pyotr đã lớn lên, đầy sức mạnh, đã lấy lại được vị trí tối thượng của mình vào tuổi 17. Cuộc khủng hoảng bùng nổ vào ngày 17 tháng 8 năm 1689 giữa hai phe của Sophia và Pyotr Đại đế. Kết quả là Sophia ở tuổi 32 bị lật đổ, bị tước danh hiệu Phụ chính, tước bỏ hoàn toàn quyền hành, xóa tên khỏi mọi công văn, rồi sau đó bị đưa vào tu viện Novodevichy để tu kín suốt đời, không được rời đó nửa bước, ngoài dì và em gái ra, cấm không cho ai được đến thăm. Từ đó, dù trên danh nghĩa, Ivan và Pyotr tiếp tục trị vì bên nhau nhưng trên thực tế quyền hành hoàn toàn do Pyotr nắm. Ngày 8 tháng 3 năm 1696, Nga hoàng Ivan V thình lình qua đời, khi mới có 29 tuổi, từ đó Pyotr (Peter) Đại đế là vị Nga hoàng duy nhất, là nhà cầm quyền tối cao độc nhất của đất nước Nga.
Công Chúa Sophia đã sống ở Tu viện Novodevichy cho đến lúc qua đời vào tuổi 47 tại căn phòng mà chúng tôi dự định vào xem ngày hôm nay.
Cổng vào Tu Viện Novodevichy
Nghe câu chuyện thấy ly kỳ hấp dẫn quá, mọi người đều háo hức muốn được đến tận nơi, coi tận mắt cái di tích lịch sử về người thật,chuyện thật này .....nhưng khi đến nơi thì ai nấy đều bị tẻn tò .... vì .... hôm nay Tu viện đóng cửa để tu sửa gì đó nên không nhận cho khách vào thăm viếng! Thiệt là thất vọng não nề, nhưng anh Trưởng đoàn vội vàng an ủi chúng tôi là anh sẽ đưa mọi người đi xem một chỗ nửa cũng đặc biệt không kém, cũng ở ngay tại địa điểm này. Anh cho biết trong khuôn viên của tu viện, có một nghĩa trang được gọi là "Nghĩa Trang Nghệ Thuật", nên anh sẽ đưa mọi người đến đó xem cho biết. Nghe anh nói sẽ cho đi xem "nghĩa trang" nửa thì N .... thất vọng quá trời! Là vì trong mấy ngày ở Moscow vừa qua ngoài chuyện đi xem nhà thờ thì chúng tôi cũng đã được đưa đi xem rất là nhiều ..... nhà mồ rồi, hết xem nhà mồ, lại đi xem những quan tài nổi bằng đá để trên mặt đất mấy trăm năm nay trong các nhà thờ .... giờ lại còn đi tour trong nghĩa trang nữa thì thật là .... quá đặc biệt !!! Anh bảo đãm là mọi người sẽ thích vì tuy là nghĩa trang nhưng nó rất đẹp và rất nghệ thuật! Anh nói đây không phải là một nghĩa trang bình thường, vì đây là nơi an nghỉ cuối cùng của những con người mà cuộc đời và sự nghiệp của họ đã ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến đời sống xã hội của nước Nga, cũng như của nhân loại trong suốt hai thế kỷ 19 và 20 vừa qua trong các lĩnh vực điện ảnh, nhà văn, nhà thơ, chính trị gia, nhà khoa học, hay lãnh đạo quân sự ..... trong đó phải kể đến bác sĩ Pyotr Kashchenko, nhà văn Vladimir Gilyarovsky và Mikhail Bulgakov, nhà thơ Vladimir Mayakovsky, nhà khoa học Vladimir Vernadsky và còn rất nhiều người tài ba lỗi lạc khác .... bởi thế họ mới được vinh dự chôn cất tại nghĩa trang này, chứ người bình thường là không có được chôn ở đây đâu (xin nói thêm là vào năm 2007, nghĩa trang cũng là nơi an nghỉ của hai người Nga nổi tiếng nhất qua đời trong năm này, đó là nghệ sĩ cello Mstislav Rostropovich và tổng thống Liên bang Nga Boris Yeltsin). Tại nghĩa trang Novodevichy, nổi tiếng nhất có lẽ là ngôi mộ của lãnh tụ CS Nikita Khrushchev (1894-1971). Ngôi mộ nằm ngay bên tay phải lối vào với đài tưởng niệm, có dựng bức tượng điêu khắc là các khối màu đen - trắng tương phản quanh bức tượng bán thân của ông.
Tượng Nikita Khrushchev (1894-1971) được dựng ngay trên phần mộ
Nghĩa trang Novodevichy nằm sát bên bức tường phía đông của Tu viện, và cũng là một phần của tu viện Novodevichy, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nơi an nghỉ này rất đặc biệt khi được thiết kế như một công viên thu nhỏ với nhiều cây xanh và những điểm nhấn của nó là các nhà nguyện nhỏ cùng đài tưởng niệm các phần mộ với nhiều tác phẩm được điêu khắc thật công phu. Trong nghĩa trang, mộ nào cũng có dựng tượng ngay trên phần mộ của người chết, mỗi cái mộ dựng một kiểu tượng, mỗi cái tượng mang một ý nghĩa khác nhau, và không có cái nào là giống cái nào cả .... nếu ta chịu khó bỏ giờ đi quanh đi quẩn dạo xem cho kỷ thì sẽ thấy đúng như lời của anh Trưởng đoàn nói là càng nhìn càng thấy lạ lẫm và rất ư là thú vị .... Tuy nhiên, khi một mình đi lờ vờ trong nghĩa trang vào cái lúc trời hơi chạng vạng tối, lại có mưa bay lất phất, ngang tai gió thổi vi vu, cây cối um tùm bao trùm lên cả nghĩa trang .... thú thật là với một người thuộc loại nhát gan như N thì rỏ ràng là mình cũng thấy có hơi rờn rợn, đang đi bất giác thỉnh thoảng lại quay người ra sau xem ..... có ai .... theo mình không ..... rồi tự nhiên thấy gai ốc nổi lên đầy người ..... Đúng là đã nhát gan mà còn tỏ ra là mình ..... ngon! Nhớ lại lời anh Trưởng đoàn đã nói thì quả thật đây đúng là một cuộc viếng thăm rất đặc biệt trong chuyến du hành này.
Cựu Đệ nhất phu nhân Liên Xô Raisa Gorbachev (1932-1999) với bức tượng cao bằng người thật điêu khắc nhân dáng của bà ở vào lứa tuổi đôi mươi đặt trên phần mộ.
Mộ phần Đệ nhất Nữ Vũ Công Ballet của Nga
Mộ của vị bác sỹ thực hiện ca thay tim đầu tiên của nước Nga
Mộ Nadezhda Alliluyeva - bà vợ trẻ của Stalin (người cầm súng bắn vào đầu tự tử trước đây ở trong điện Kremlin) sau nhiều lần di chuyển hài cốt, cuối cùng cũng được đặt nằm tại nghĩa trang này.
Buổi tối, chúng tôi được đưa trở lại dùng cơm tại nhà hàng Bích Câu một lần nửa. Trong buổi cơm hôm nay, mọi người đã cùng ăn mừng Sinh Nhật của một số anh chị em có ngày sinh nhật cùng tháng 8 trong một bầu không khí thật vui nhộn và thân mật.
Sau cơm tối chúng tôi được đưa về khách sạn vào lúc 8:30 pm với lời dặn của anh trưởng đoàn: đêm nay là đêm cuối cùng tại Moscow, mặc dù không có xếp đặt trong chương trình, nhưng anh và người local tour guide muốn cho mọi người được xem quang cảnh về đêm của Moscow, cho nên sau nửa tiếng nghỉ ngơi, nếu ai muốn coi cảnh "Moscow by Night" thì xe bus và người local tour guide sẽ đưa mọi người đi một vòng, còn ai quá mệt mỏi không muốn đi thì có thễ ở nhà. Dĩ nhiên là ai cũng muốn đi chứ làm sao mà bỏ qua cho được.
Vào khoảng 9:00 giờ đêm, xe bus lại đưa chúng tôi dạo vòng vòng trong thành phố. Thật ra thì cũng chỉ là những con đường mà ban ngày chúng tôi đã đi qua sáng nay thôi, nhưng quả là ngạc nhiên vì cảnh vật vào ban đêm bây giờ thì thật là khác hẳn với ban ngày các bác ạ. Tất cả các cao ốc, lâu đài, nhà thờ, công viên, những cái cầu bắt dọc ngang sông Moscow và các hình tượng .... tất cả mọi nơi đâu đâu cũng đều được "lighting" theo kiểu "professional" nên nhìn thật là lộng lẫy huy hoàng khác hẳn với cảnh của ban ngày một trời một vực. Khắp nơi trong thành phố đèn thắp sáng như sao sa, nhất là ở những tòa cao ốc được mệnh danh là "những chiếc bánh kem của Stalin" thì họ lên đèn đẹp ơi là đẹp. Xe bus ngừng tạm cho chúng tôi xuống xe tại đồi Lenin, để từ đó đứng trên đồi cao nhìn xuống hết toàn cảnh thành phố Moscow về đêm với muôn ánh đèn rực sáng đủ màu, rồi quay nhìn trở lại trường Đại học Quốc gia Lomonosov đối diện với đồi Lenin thì cũng quả là lộng lẫy không kém .... nói thật ra quang cảnh những chỗ này vào lúc ban ngày thì thấy cũng thường thôi chẳng có gì gọi là đặc sắc, nhưng lạ lắm vì vào buổi tối khi đèn đóm được thắp lên thì ôi chao ơi cảnh vật thật là lung linh huyền ảo, khác hẳn với ban ngày 100% vì không thễ nào ngờ là nó lại đẹp đến như thế! Mọi người đều thấy vui vẻ và hài lòng lắm vì "Moscow by Night" tuy không có xếp sẳn trong chương trình của Tour, nhưng anh local tour guide đã hết lòng chịu khó bỏ thêm giờ để đưa mọi người đi xem cảnh đẹp về đêm của Moscow, vì vậy chúng tôi lại được có thêm một kỷ niệm khó quên tại thành phố này.
Anh tour guide cho mọi người đứng ngắm cảnh một tí, rồi hối mọi người phải chụp hình thật là nhanh chỉ trong vòng có 10 phút thôi, vì sau đó là phải lên xe đi ngay chứ không thễ đậu xe giửa đường lâu được. Với cái máy ảnh bé tí xíu, lúc đó N lại không biết cách chụp hình về thể loại "night photography", giờ xem lại album thì thất vọng quá vì thấy hình nào mình chụp cũng .... đen thui lui, thì làm sao mà mọi người có thễ hình dung ra được cảnh đẹp của "Moscow by Night" đây, nên đành phải "chôm" vài cái hình trên Internet post vào đây cho các bác xem đỡ vậy nhé.
Bolshoi Theatre at Night (hình Internet
Thương Xá Gum at Night (hình Internet)
Red Square at night (hình internet)
Sau khi cưởi ngựa xem hoa một vòng Moscow by Night xong, mọi người trở về phòng nhanh chóng lo thu dọn hành lý sẳn sàng, vì sáng mai đoàn sẽ rời Moscow để di chuyển sang một tỉnh khác của Russia. Tới giờ phút này thì những anh chị em trong đoàn bị lạc mất hành lý vào ngày mới đến, họ đều đã nhận lại hành lý hết cả rồi, riêng phần N thì không có cái may mắn đó, bây giờ là gần nửa đêm rồi và cũng là ngày cuối cùng tại Moscow mà hành lý của N thì vẫn biệt vô âm tín! Thiệt là rầu thúi ruột, N đành theo chân anh Trưởng đoàn đến quày tiếp tân của khách sạn để làm thủ tục vì cần phải photocopy các giấy tờ chứng minh là mình mất hành lý, fligh ticket, passport ....etc .. để lưu lại cho người đại diện của Voyages Saigon tại Moscow theo dỏi giùm sau khi đoàn rời khỏi đây. Anh cho biết, nếu sau ngày đoàn rời khỏi Moscow rồi hảng máy bay mới tìm ra "nó": thì anh đại diện phải tìm cách gửi hành lý rượt đuổi theo đoàn, hoặc nếu không thì chỉ còn một cách là gửi hành lý trở về bên Mỹ thôi. Vào ngày thứ ba ở Moscow N đã phải mượn quần áo của bạn và cũng đã phải mua thêm một ít để thay đổi rồi. Thường thì đi du lịch N không bao giờ mang theo đồ vật gì đáng giá cả, hành lý chỉ có quần áo, giầy dép và đồ dùng cá nhân lỉnh kỉnh của đàn bà con gái mà thôi, vì rủi ro nếu có thất lạc luôn hoặc bị gửi trả hành lý trở về Mỹ thì cũng chẳng sao, cùng lắm là mình mua thêm quần áo để thay đổi trong thời gian đang đi chơi thôi. Nhưng khổ lắm, cái valise đem theo kỳ này có chứa hai thứ không đáng giá là mấy nhưng rất là đặc biệt không thễ bị thất lạc được, thứ nhất là 1 gói quà gồm những hộp nước cốt của Phở bò, Phở gà, Hủ tiếu, Bún bò Huế .... và 1 DVD Asia mới nhất N đã mua để làm quà cho Mỹ Thiện là cô bạn gái rất thân từ hồi học Tiểu học mà chúng tôi mới tìm lại được nhau. Chuyến du lịch lần này sẽ ghé Đan Mạch (nơi cô bạn đang sống ở một thành phố nhỏ không có nhiều người Việt, thức ăn Việt và hàng quán của người Việt) nên gói quà này rất là cần thiết mà N đã đem theo để làm quà cho bạn. Còn món thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là một gói .... ớt hiểm tươi to tướng. Chính cống là người Việt .... gốc Ớt cho nên mỗi khi ra khỏi nhà đi du lịch là N đều mang theo ớt để ăn cho vừa miệng mình, nhất là khi đi qua mấy cái xứ không biết là thức ăn có hạp với khẩu vị Á Đông của mình hay không, nếu có ớt tươi thì sẽ hổ trợ dễ dàng để mà nuốt mấy thứ đồ ăn lạ miệng này. Bây giờ lại lạc mất cái valise, không biết bao giờ mới tìm lại được .... trời ơi cái gói ớt tươi này mà để lâu ngày nó sẽ thối um .... rồi chảy nước tùm lum tà la vào trong đống quần áo của mình thì cũng sẽ mệt lắm chứ chẳng chơi!
Anh Trưởng đoàn chắc cũng thấy ái ngại giùm N nên mặc dù đêm đã khuya mà anh chưa dám đi ngủ, cứ chạy tới chạy lui, lâu lâu lại chạy xuống dưới phòng thu nhận hành lý của khách sạn để nghe ngóng tin ..... và sau cùng, thật là may mắn cho N là khoảng gần 1:00 giờ đêm, anh đã vui mừng kéo cái valise bị thất lạc đến phòng giao trả lại cho khổ chủ. Thật là hú hồn hú vía!
Viết xong ngày 5/13/2020 (mùa Coronavirus)
Bài kế tiếp: Moscow - Veliky- Novgorod - St. Petersburg Thứ tư August 23-2006 - Thứ năm August 24-2020
Nam Mai ___