Cuốn Theo Chiều Gió
Cuốn Theo Chiều Gió
Phạm Văn Tuấn
A - 'Cuốn Theo Chiều Gió' và kỷ niệm 150 năm nội chiến Mỹ
Trong tuần lễ từ 12 tháng Tư, nước Mỹ đã bắt đầu những tiết mục kỷ niệm ngày nội chiến bùng nổ 150 năm trước đây. Cũng vào dịp này cuốn sách và cuốn phim "Gone with The Wind" (Cuốn Theo Chiều Gió) với bối cảnh là cuộc nội chiến đã được những người ái mộ, những "Windies" nhắc nhở đến nhiều, nhất là tại Atlanta và vùng phụ cận, nơi có viện bảo tàng Gone With the Wind.
Lan Phương - VOA | Washington, DC
B - Margaret M. Mitchell (1900-1949) Và Tác Phẩm Cuốn Theo Chiều Gió
Margaret Munnerlyn Mitchell (8 th.11/1900 – 16 th. 8/1949) là nhà văn nữ người Mỹ, đã đoạt Giải Thưởng Pulitzer năm 1937 nhờ cuốn tiểu thuyết rất thành công của bà, với tên gọi là Cuốn Theo Chiều Gió (Gone with the Wind).
Đây là một trong các tác phẩm danh tiếng nhất của mọi thời đại, được xuất bản năm 1936. Trong vòng 6 tháng, 1 triệu ấn bản đã được bán hết với sức mua là 50,000 cuốn mỗi ngày. Đây cũng là tác phẩm có số lượng cao nhất trong lịch sử xuất bản của Hoa Kỳ, đã vượt qua kỷ lục 12 triệu cuốn vào năm 1965, được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ khác nhau và phổ biến trên 40 quốc gia. Riêng bản tiếng Anh, tác phẩm này đã được bán ra với trên 200,000 cuốn mỗi năm và còn là một trong các tiểu thuyết bán chạy nhất cho tới ngày nay.
Cuốn phim phỏng tác theo tác phẩm “Cuốn Theo Chiều Gió” được trình chiếu vào năm 1939, với nữ tài tử Vivien Leigh đóng vai Scarlett O’ Hara còn thủ vai Rhett Butler là nam tài tử Clark Gable. Đây là một bộ phim xuất sắc trong lịch sử Điện Ảnh của Hollywood và đã nhận được 8 phần thưởng điện ảnh cao quý (Academy Awards).
1. Cuộc đời lúc ban đầu
Margaret M. Mitchell chào đời tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, vào ngày 8 tháng 11 năm 1900. Cô bé này được gia đình gọi bằng tên Peggy, đã lớn lên trong khung cảnh miền Nam Hoa Kỳ, đã sống với các bà con bên mẹ là những cựu chiến binh trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ (1861-65) và là những người dân của Phe Miền Nam thất trận. Vì vậy cô Peggy đã được nghe kể lại rất nhiều câu chuyện liên quan tới cuộc chiến tranh và các hậu quả.
Sau khi tốt nghiệp từ trường Washington Seminary (bây giờ là trường Westminster), cô Margaret đã theo học Đại Học Smith (Smith College) nhưng sau kỳ thi cuối cùng năm 1918, cô đã rút lui, không theo đuổi con đường học vấn. Do bà mẹ qua đời vì bệnh cúm, cô Margaret phải trở về Atlanta để lo công việc gia đình. Sau đó không lâu, cô tham gia vào ban biên tập của tờ nhật báo Atlanta (the Atlanta Journal) và thường viết bài cho ấn bản ngày Chủ Nhật.
Vào năm 1922, cô Margaret Mitchell kết hôn với ông Red Upshaw nhưng không lâu sau đó, hai người đã ly dị nhau vì cô khám phá ra ông chồng là người làm và nấu rượu lậu. Rồi cô lập gia đình với người bạn phù rể của chồng trước, là ông John Marsh vào ngày 4 tháng 7 năm 1925. Có câu chuyện kể rằng trước kia, cả hai anh Red Upshaw và John Marsh đều theo đuổi cô Margaret trong khoảng hai năm 1921 và 1922 nhưng anh Upshaw cầu hôn trước.
2. Viết Tác Phẩm Cuốn Theo Chiều Gió
Khi phải nằm nhà để điều trị vì bị gẫy mắt cá chân, cô Margaret đã được ông chồng John Marsh mượn từ thư viện rất nhiều cuốn sách lịch sử. Sau một thời gian, ông John bảo vợ: “Peggy, nếu em muốn một tác phẩm khác nữa, tại sao em không tự viết ra một cuốn”. Do vậy, Margaret đã dùng các kiến thức của mình về cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ cộng với những hoàn cảnh trắc trở trong cuộc đời của mình để viết nên một tiểu thuyết chứa đựng bên trong rất nhiều tình tiết và rồi tác giả đánh máy cuốn truyện bằng một máy chữ cũ Remington. Lúc đầu, Margaret đã gọi nhân vật nữ anh hùng của mình là “Pansy O’ Hara và đồn điền Tara được gọi là “Fontenoy Hall“, còn về tên gọi của cuốn truyện, Margaret phân vân trước hai tên sau: “Mang Gánh Nặng” (Tote your Heavy Load) và “Ngày Mai là một Ngày Khác” (Tomorrow is Another Day).
Khởi đầu, Margaret viết truyện để làm vui cho chính mình dưới sự giúp đỡ của chồng và cô không nói cho các bạn biết rằng mình đã viết văn. Cô đã dấu kín các bản thảo trong các bao thư lớn, để dưới gầm giường hay trong phòng kho nhỏ. Margaret đã viết không theo thứ tự, bắt đầu bằng chương cuối cùng và đôi khi nhẩy cách từ chương này qua chương khác. Chồng của cô thường đọc các bản thảo để giúp cô duy trì sự liên tục trong cuốn truyện.
Vào năm 1929, khi vết thương tại mắt cá chân đã lành thì phần lớn cuốn truyện đã được viết xong và cô Margaret cũng cảm thấy không còn phấn khởi để ra thư viện tìm kiếm thêm các tài liệu. Margaret Mitchell đã sinh sống như một phụ nữ viết báo bình thường và khiêm tốn, tại thành phố Atlanta cho đến khi một buổi gặp gỡ định mệnh tới với cô vào năm 1935.
Vào thời gian này, một nhân viên của nhà xuất bản MacMillan tên là Howard Latham đã tới Atlanta để tìm kiếm các nhà văn mới của miền Nam Hoa Kỳ. Một người bạn trước kia làm việc với ông Lantham đã yêu cầu cô Margaret Mitchell đưa ông ta đi vòng quanh thành phố và ông Howard Latham thấy cô Margaret rất vui vẻ, hấp dẫn trong cách nói chuyện, nên đã hỏi xem cô Margaret đã từng viết một cuốn tiểu thuyết bao giờ chưa.
Margaret Mitchell rất ngần ngại vì trước kia, một người bạn đã chế riễu cô, nhân câu chuyện thường ngày:”Hãy tưởng tượng xem, một người cù lần như Peggy mà dám viết văn” và cô chưa từng nuôi giấc mộng đưa bản thảo cho một nhà xuất bản. Ông Latham đã cầu khẩn: “Nếu cô đã viết ra một cuốn truyện rồi, làm ơn cho tôi coi cuốn đó trước các người khác”.
Cô Margaret trở về nhà, rất lo lắng khi lục tìm các bao thư lớn chứa đựng bản thảo mà cô đã xếp vào một xó. Cô tới khách sạn Georgian Terrace vào lúc ông Latham đang chuẩn bị rời Atlanta và cô đã nói với ông ta: “Xin hãy giữ lấy thứ này trước khi tôi đổi ý”. Ông Latham bèn mua một va li khác để chứa đựng khối lượng bản thảo lớn hơn con người nhỏ bé của tác giả. Khi trở về nhà, cô Margaret đã gửi một điện tín tới ông Latham: “Tôi đã đổi ý định. Xin hãy gửi lại cho tôi các bản thảo”.
Nhưng, tất cả đã muộn. Ông Latham đã đọc rất nhiều trang viết và đã nhận ra rằng mình đang có trong tay một cuốn truyện rất hấp dẫn. Vì thế đáng lẽ trả lại bản thảo, ông Latham đã cho cô Margaret biết mình nghĩ thế nào về cuốn truyện và tin rằng sau khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết này sẽ thành công. Ông Latham cũng gửi gấp tới cô Margaret một tấm ngân phiếu để yêu cầu cô viết xong cuốn tiểu thuyết và nhà văn nữ Margaret Mitchell đã hoàn thành chương một, cuối cùng, vào tháng 3 năm 1936. Tên của cuốn tiểu thuyết bắt nguồn từ bài thơ “Cynara” của Ernest Dowson, với dòng đầu của đoạn thứ ba như sau: “Non sum qualis eram bonae sub regno Cynarae” = “Anh đã quên mất nhiều rồi, Cynara! Cuốn theo chiều gió”. (I have forgot much, Cynara! Gone with the wind). Dòng chữ “cuốn theo chiều gió” cũng xuất hiện khi thành phố Atlanta bị quân đội Miền Bắc bắn phá, nàng Scarlett đã phải bỏ chạy về đồn điền Tara của gia đình và nàng tự hỏi: “Tara còn đứng vững không? Hay là Tara đã bị “cuốn theo chiều gió”, cơn gió mạnh thổi qua Georgia?”. Cuốn tiểu thuyết “Cuốn Theo Chiều Gió” được in xong vào ngày 30 tháng 6 năm 1936.
3. Nhà Văn Nữ Margaret Mitchell qua đời
Vào tháng 8 năm 1949, Margaret Mitchell cùng với chồng băng qua con đường Peachtree, gần góc đường thứ 13 (13th Street) thì một xe taxi chạy quá tốc độ đã đâm vào nhà văn này. Năm ngày sau, Margaret Mitchell qua đời tại bệnh viện Grady vì các vết thương. Người tài xế xe taxi bị kết tội lái xe khi say rượu, nên đã gây ra tai nạn chết người và đã bị phạt phải làm lao động nặng trong 40 năm. Việc kết tội này cũng gây nên cuộc tranh luận bởi vì các người chứng kiến cho rằng cô Margaret đã bước xuống đường mà không nhìn hai phía và các bạn của cô cũng xác nhận rằng đây là khuyết điểm thường xuyên của cô.
Nhà văn nữ Margaret Mitchell qua đời năm 48 tuổi, được chôn cất tại nghĩa trang Oakland thuộc thành phố Atlanta.
Trong nhiều thập niên, người ta thường tin rằng Margaret Mitchell chỉ viết một cuốn truyện. Thực ra, Margaret có một người đã từng theo đuổi cô tên là Henry Love Angel. Người con trai của ông Angel này vào năm 1990 đã khám phá thấy trong số các bức thư mà cô Margaret gửi trong thập niên 1920 cho ông Angel, có bản thảo của một cuốn tiểu thuyết ngắn (novella) có tên là Lost Laysen, kể về một chuyện tình tại miền Nam Thái Bình Dương. Bản thảo này được chuyển tới Viện Bảo Tàng “Road to Tara” tại Atlanta và nơi này đã xác nhận cuốn truyện kể trên là thực sự của tác giả Margaret Mitchell. Một ấn bản đặc biệt của cuốn Lost Laysen đã được Debra Free biên tập và xuất bản vào năm 1996 do nhà in Scribner của nhà phát hành Simon & Schuster.
Cuốn truyện Cuốn Theo Chiều Gió đã được nhà sản xuất David O. Selznick chọn để quay thành phim, lần trình chiếu đầu tiên là vào ngày 15 tháng 12 năm 1939.
Ngày nay, căn nhà mà cô Margaret Mitchell đã sinh sống và viết ra bản thảo được gọi là “The Margaret Mitchell House”, tọa lạc tại trung tâm thành phố Atlanta, đây là nơi du lịch chính. Một Viện Bảo Tàng dành cho việc lưu trữ cuốn sách và các y phục, các vật dụng liên quan tới cuốn phim, được gọi là “Scarlet On Square” hiện đặt tại Marietta, Georgia. Ngoài ra còn có Viện Bảo Tàng “The Road to Tara” ở trung tâm thành phố Jonesboro.
4. Cốt truyện của Tác Phẩm Cuốn Theo Chiều Gió
Scarlett O’ Hara là một hoa khôi của địa phương Georgia nên được nhiều chàng trai theo đuổi. Cô thường hay tham dự vào các buổi dạ tiệc, dạ vũ hay các lần họp bạn nấu ăn ngoài trời. Một hôm, Scarlett bị xúc động mạnh khi Ashley Wilkes, chàng thanh niên con ông chủ đồn điền bên cạnh, báo tin cho nàng biết rằng chàng đã hứa hôn với Melanie Hamilton, một cô em họ của Scarlett.
Khi không thể thuyết phục Ashley đổi ý, Scarlett bèn tán tỉnh Charles Hamilton và chàng trai này rất ngạc nhiên vì vẫn tưởng rằng người đẹp này sẽ không bao giờ chú ý đến mình. Trong khi các chương trình của Scarlett còn dang dở thì cuộc Nội Chiến tràn lan tới, các chàng thanh niên phải tham gia vào quân đội và Charles bị tử trận. Vì vậy Scarlett đã trải qua nhiều năm tại Atlanta, sống một cuộc đời buông thả, mặc cho các bạn gái cùng giai cấp chê trách.
Cuộc đời của Scarlett lại trở nên phức tạp khi xuất hiện Rhett Butler, một tên cướp biển trước kia và hiện nay là một kẻ cơ hội, nên không được chấp nhận tại thị xã sinh quán là Savannah. Rhett đã khiến cho Scarlett yêu thương mình nhưng tính bộc trực và những nhận xét ngay thẳng của chàng này đã làm cho Scarlett tức giận nhiều lần.
Trong khi thành phố Atlanta bị quân đội Miền Bắc bao vây, Scarlett bỏ chạy về đồn điền Tara của mình cùng với người bà con Melanie và cháu bé mới sinh tên là Beau. Tại nơi này, nàng Scarlett học cách sống còn trong các hoàn cảnh cực khổ trên cánh đồng và có khi cầm súng bắn các người lính Miền Bắc (Yankee soldiers) để bảo vệ ngôi nhà.
Khi chiến tranh chấm dứt, Scarlett lại phải đương đầu với các hoàn cảnh khó khăn khác. Chính quyền địa phương đã tăng thuế và các kẻ bất lương đang tìm cách cướp đi đồn điền Tara của nàng. Scarlett bèn trở về Atlanta, cố gắng gặp lại Rhett để lừa dối chàng này là mình sẽ kết hôn với chàng, với chủ đích mượn số tiền 300 mỹ kim để trả thuế. Khi cách thức kể trên không thành công, Scarlett đã ăn cắp tiền của Frank Kennedy, hôn phu của người em và món tiền này là để dành cho đám cưới. Vì muốn cứu lại đồn điền Tara, Scarlett đã phản bội người em, lập gia đình với Frank, trả phần thuế còn thiếu và tận tụy giúp cho cơ sở thương mại của Frank được phát đạt.
Sau khi tìm cách hối lộ để ra khỏi nhà tù vì cách làm ăn phi pháp trước kia, Rhett đã cho Scarlett một số tiền lớn để mua một nhà máy xẻ gỗ và nàng trở nên một nữ thương gia khôn khéo.
Một hôm, một tên da đen được giải phóng và một tên đồng lõa da trắng đã tấn công Scarlett trên đường về. Vì vậy bọn Ku Klux Klan đã báo thù cho nàng và trong trận đụng độ, Frank bị chết. Tới lúc này, Rhett cầu hôn với Scarlett và cô nàng nhận lời. Sau lần trăng mật dài và xa hoa tại New Orleans, Scarlett và Rhett trở lại Atlanta, họ sống trong một ngôi nhà lớn và giao tiếp với các người giàu sang. Trong cuộc hôn nhân gây chấn động này, Scarlett thường hay mơ tưởng hão huyền Rhett là Ashley. Nàng có thai lần thứ hai với Rhett và sinh ra bé gái Bonnie Blue Rhett.
Tình cảm của Scarlett với Rhett đã không thể cứu vãn được khi Bonnie, đứa con chung lên 4 tuổi, đã bị tử thương vì ngã ngựa. Hai người đã chia tay nhau. Khi Melanie qua đời, Scarlett hầu như sống cô đơn, không bạn bè, nhiều buồn phiền, nàng trở về đồn điền Tara để lấy lại sức sống bên bà già nuôi và cũng là người nô lệ khi trước, tên là Mammy. Đã quá muộn khi Scarlett khám phá ra rằng Rhett là người đàn ông duy nhất mà nàng yêu thương.
5. Ý nghĩa của Tác Phẩm Cuốn Theo Chiều Gió
Tác phẩm Cuốn Theo Chiều Gió của Margaret Mitchell kể lại câu chuyện của một phụ nữ đẹp, có tính tình nổi loạn, thuộc miền Georgia, tên là Scarlett O’ Hara. Nàng đã làm việc vất vả với các bạn bè, gia đình và các người yêu trong hoàn cảnh trước và sau cuộc chiến tranh Nam Bắc Mỹ và trong thời kỳ Tái Kiến Thiết. Đây cũng là chuyện tình nẩy nở giữa nàng Scarlett và chàng Rhett Butler.
Tác phẩm này cũng mang hàm ý bênh vực các lý tưởng của Phe Miền Nam trong cuộc Nội Chiến và cũng là cách tiểu thuyết hóa nền Văn Hóa của Miền Nam trước chiến tranh. Cuốn truyện cũng chứa đựng rất nhiều sự kiện lịch sử, đã mô tả rõ ràng các ngày sụp đổ của thành phố Atlanta vào năm 1864 và sự tàn phá của chiến tranh. Các nguồn tài liệu của Margaret Mitchell đã mang các tính cách đặc sắc của các nhà sử học và các nhà văn Miền Nam, và cũng vì các mô tả cuộc Nội Chiến, các cảnh tàn phá do chiến tranh gây nên mà tác phẩm “Cuốn Theo Chiều Gió” đã đoạt Giải Thưởng Pulitzer vào ngày 3 tháng 5 năm 1937.
Trong khi Margaret Mitchell đã từng nói rằng các nhân vật trong truyện không được viết dựa vào những người thật ở ngoài đời, nhưng các nhà khảo cứu đã tìm thấy nhiều điểm tương tự giữa một số nhân vật và các người quen của tác giả. Rhett Butler được diễn tả căn cứ vào người chồng đầu tiên Red Upshaw, người mà nàng Margaret đã kết hôn vào năm 1922 rồi sau đó ly dị vì khám phá ra chàng đã từng là kẻ nấu và buôn rượu lậu. Và cũng có người tin rằng Rhett Butler còn là hình ảnh của Sir Godfrey Barnsley của thành phố Adamsville, thuộc tiểu bang Georgia.
Nhân vật Scarlett O’ Hara có thể là hình ảnh của bà Martha Bulloch Roosevelt, bà mẹ của Tổng Thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt. Nhà sử học David McCullough, người chuyên viết tiểu sử của Tổng Thống Roosevelt, đã tìm thấy các tài liệu cho biết Margaret Mitchell khi làm phóng viên cho tờ nhật báo Atlantic (the Atlantic Journal), đã phỏng vấn bà Evelyn King Williams, ở tuổi 87, đây là một trong các người bạn thân nhất và cũng là cô phù dâu của bà Martha Roosevelt. Nhờ cuộc phỏng vấn này, Margaret Mitchell đã thấy rõ vẻ đẹp bên ngoài, sự duyên dáng và trí thông minh của bà Martha rồi dùng các chi tiết này mà áp dụng vào việc mô tả cô nàng Scarlett O’ Hara.
Cuốn Theo Chiều Gió là một chuyện tình, là nỗi suy tư về các đổi thay đã thổi qua Miền Nam Hoa Kỳ trong thập niên 1860. Cuốn truyện bắt đầu vào năm 1861 trước khi xẩy ra cuộc Nội Chiến và chấm dứt vào năm 1871 khi các người Dân Chủ (the Democrats) nắm quyền kiểm soát miền Georgia. Trong các năm chiến tranh này, Miền Nam đã thay đổi hoàn toàn và cuốn tiểu thuyết của Margaret Mitchell đã minh họa sự tranh đấu của người dân Miền Nam trong các nghịch cảnh.
Cuốn truyện mở đầu với miền Georgia, một địa phương còn các tập quán, các niềm kiêu hãnh về những tác phong mã thượng, rồi chiến tranh lan tràn tới Atlanta đã gây nên cảnh đổ vỡ trong các cấu trúc quyền lực và các tập quán truyền thống. Miền Nam đã thua trận, các người nô lệ da đen được giải phóng, lối sống của Miền Nam này khác trước, đã có các xung đột nội bộ: người da trắng sợ người da đen, dân miền Nam ghét dân miền Bắc vừa thống trị, vừa lợi dụng, giới thượng lưu cũ căm thù các kẻ mới giàu. Ashley là nhân vật tượng trưng cho Miền Nam cũ, hoài cổ nhưng bất lực trước các đổi thay, chàng yếu đi và tàn dần. Rhett là kẻ thực tế, cơ hội, đã phát triển do đứng cả hai chân: vừa theo phe Miền Nam, vừa theo phe Miền Bắc và đôi khi còn bênh vực các kẻ Miền Bắc (Yankees).
Tác phẩm còn mô tả Scarlett đã vượt qua được các nghịch cảnh bằng sức mạnh của ý muốn. Nàng là một nữ anh hùng, không cần giúp đỡ của người khác, đã trông cậy vào chính mình và sống còn sau trận Nội Chiến và thời kỳ Tái Xây Dựng. Nàng đã khôi phục được đồn điền Tara, chăm sóc các người bà con và các bạn bè và đôi khi tác giả còn cho rằng muốn vượt qua các nghịch cảnh, cần tới sự xảo quyệt. Và có lẽ nhờ đặc tính này mà Scarlett là một nữ thương gia tàn nhẫn, một người vợ áp chế chỉ vì muốn thành công.
Đất đai cũng là một chủ đề của tác giả. Scarlett O’ Hara đã thương nhớ đồn điền Tara, nàng đã yếu đi và trở nên bệnh hoạn khi phải sống xa miền đất yêu dấu, bởi vì, khi nằm trên mặt đất của đồn điền Twelve Oaks bên cạnh, nàng đã cảm thấy đất đai thì :”mềm và dễ chịu như chiếc gối”. Nàng Scarlett đã đánh giá cao miền đất quê hương hơn là tình yêu và Ashley đã phải nói rằng Scarlett yêu mến đồn điền Tara hơn là yêu chàng.
Tác phẩm Cuốn Theo Chiều Gió mô tả các phụ nữ có đầy đủ trí thông minh và lòng cam đảm dù cho ở vào thời đại đó, đã không có sự bình đẳng giữa hai giới tính. Scarlett thì khôn khéo, đã điều kiển các người đàn ông dễ dàng, đã điều hành xưởng xẻ gỗ một cách thành công và khiến cho người chồng trở thành kém khả năng. Melanie, mặc dù là một nhân vật phai mờ trong truyện, đã có đặc tính mạnh mẽ nhất, nàng khiến cho Scarlett có đủ sức mạnh để bảo vệ Ashley trước thế giới mà chàng phải đối phó và nàng cũng phục hồi được xã hội Atlanta. Hai nhân vật nữ khác có đủ trí óc sáng suốt và sức mạnh tinh thần là bà cô già Fontaine và Ellen.
Tật xấu uống rượu cũng là một đề tài trong tác phẩm, với các nhân vật như Gerald, Scarlett và Rhett… Họ đã dùng rượu để quên đi các căng thẳng tinh thần, và sau rượu là các tai họa. Gerald chết cũng vì rượu. Scarlett tiếp tục uống rượu tại đồn điền Tara khi nàng cảm thấy rắc rối, buồn phiền và Rhett đã uống thật say khi đứa con Bonnie qua đời.
Nạn mãi dâm cũng được đề cập trong cuốn truyện. Scarlett nhìn thấy cô gái điếm đầu tiên tại Atlanta: Belle Watling. Belle là một hình ảnh khác và quá đáng của Scarlett: cả hai cùng quên đi các điều lệ của xã hội, đều tìm cách quyến rũ đàn ông, đổi trác dục tính lấy tiền bạc và nếu Scarlett tượng trưng cho một loại gái mãi dâm hạng sang thì Belle thuộc loại thấp hèn của xã hội, và tác giả Margaret Mitchell đã mô tả Belle còn là con người đại lượng, có tình nhân đạo và nếu xét về phương diện đạo đức, nàng Belle này còn cao cả hơn cô Scarlett tàn nhẫn.
Ngoài ra, tác giả Margaret Mitchell còn mô tả thành phố Atlanta đã bị quân lính Miền Bắc đốt cháy ra sao, xây dựng lại ra sao và nơi này tượng trưng cho cách thích nghi nhanh chóng của Miền Nam. Sau chiến tranh, Atlanta trở nên một thành phố mới với các đặc tính giàu có lòe loẹt ở một phía và cảnh nghèo khó dơ bẩn ở phía kia.
6. Thực hiện cuốn phim Cuốn Theo Chiều Gió
Vào tháng 5 năm 1936, nhà biên tập truyện phim Kay Brown đã đọc ấn bản trước khi phổ biến của tác phẩm Cuốn Theo Chiều Gió, đã khuyên nhà đạo diễn David O. Selznick mua bản quyền để chuyển tác phẩm này thành phim ảnh. Một tháng sau khi cuốn truyện được phát hành, đạo diễn Selznick đã trả $50,000 mỹ kim cho tác giả, đây là một kỷ lục vào thời kỳ đó.
Tiếp theo là công cuộc tìm kiếm một nữ tài tử để đóng vai nàng Scarlett O’ Hara. Vivien Leigh là một trong hai tài tử vào chung kết, người kia là Paulette Goddard. Nữ tài tử trẻ đẹp người Anh là Vivien Leigh đã được chọn mặc dù còn rất nhiều tài năng xuất sắc khác như Katherine Hepburn, Norma Shearer, Bette Davis, Babara Stanwyck, Joan Crowford, Lana Turner, Susan Hayward, Carole Lombard, Paulette Goddard, Irene Dunne, Merle Oberon, Ida Lupino, Joan Fontaine, Loretta Young, Miriam Hopkins, Jean Arthur, Joan Bennet, Frances Dee và Lucille Ball.
Đối với vai Rhett Butler, Clark Gable là nam tài tử ưa thích cả đối với quần chúng lẫn đạo diễn Selznick. Các vai chính khác do Leslie Howard (Ashley Wilkes), Olivia de Havilland (Melanie Hamilton) và Hattie McDaniel (Mammy). Ngoài ra còn có 25 tài tử phụ quan trọng khác như: Thomas Mitchell, Barbara O’Neil, Evelyn Keys… Các giám đốc thực hiện gồm: Victor Fleming, George Cukor, Sam Wood, William Cameron Menzies và Sidney Franklin.
Công cuộc thu hình bắt đầu vào ngày 26/01/1939 và chấm dứt vào ngày 11/ 11/1939, phần lớn thực hiện tại phim trường của hãng Selznick International Pictures với một số cảnh thu tại Hạt Los Angeles hay Hạt Ventura, trong tiểu bang California.
Nhà đạo diễn đã dùng 7 máy quay phim để thu hình quang cảnh thành phố Atlanta bị bốc cháy. Ngọn lửa bốc cao tới 500 feet (165 mét) trong một khu vực rộng 40 mẫu (acres). Để đề phòng hỏa hoạn không thể cứu chữa nổi, người ta đã huy động 10 đội cứu hỏa của thành phố Los Angeles, 50 nhân viên chữa lửa của phim trường và 200 người phụ giúp với 5,000 thùng nước. Cảnh tàn phá được diễn tả bằng 1,600 hình nộm xác chết nằm rải rác trên mặt đất và máy thu hình được đặt trên một cần cẩu cao 60 feet (20 mét) để quay quang cảnh rất nhiều người bị thương nằm la liệt trên mắt đất trải dài hầu như tới vô tận.
Phí tổn kỷ lục để thực hiện cuốn phim vào thời kỳ đó là 3.9 triệu mỹ kim, chỉ đứng sau Phim Ben-Hur quay vào năm 1925. Trong thời gian thu hình, nữ tài tử Vivien Leigh đã làm việc 125 ngày và lãnh $25,000 mỹ kim, còn nam tài tử danh tiếng Clark Gable lãnh hơn $120,000 mỹ kim là tiền trả công cho 71 ngày làm việc.
Buổi trình chiếu đầu tiên của cuốn phim Cuốn Theo Chiều Gió là ngày 15 tháng 12 năm 1939 tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia.
Sau đây là các phần thưởng Academy do cuốn phim Cuốn Theo Chiều Gió mang lại:
- Phần Thưởng Academy Danh Dự (Honorary Academy Award) vì thực hiện xuất sắc trong công việc dùng phim màu (for Outstanding Achievement in the Use of Color, 1939): William Cameron Menzies.
- Phần Thưởng Academy vì Hình Ảnh đẹp nhất (Best Picture, 1939): Đạo Diễn David O. Selznick.
- Phần Thưởng Academy dành cho Nữ Tài Tử hạng nhất (Best Actress, 1939): Vivien Leigh.
- Phần Thưởng Academy dành cho Nữ Tài Tử phụ hạng nhất (Best Supporting Actress, 1939): Hattie McDaniel. Đây là tài tử Mỹ da đen đầu tiên lãnh giải Oscar.
- Phần Thưởng Academy dành cho Giám Đốc hạng nhất (Best Director, 1939): Victor Fleming.
- Phần Thưởng Academy dành cho viết kịch bản phim hạng nhất (Best Writing-Screenplay, 1939): Sidney Howard.
- Phần Thưởng Academy dành cho Chỉ Đạo Nghệ Thuật hạng nhất (Best Art Direction, 1939): Lyle R. Wheeler.
- Phần Thưởng Academy dành cho Kỹ Thuật Phim Màu (Best Cinematography – Color, 1939): Ernest Haller và Ray Rennahan.
- Phần Thưởng Academy dành cho Biên Tập Phim hạng nhất (Best Film Editing, 1939): Hal C. Kern và James E. Newcom.
- Phần Thưởng Thực Hiện Kỹ Thuật (Technical Achievement Award): Don Musgrave.
Ngoài ra còn có phần Xướng Danh (Nominated):
- Diễn Viên hạng nhất: Clark Gable
- Nữ Diễn Viên hạng nhất trong vai phụ: Olivia de Havilland
- Các Tác Dụng hạng nhất (Best Effects, Special Effects): Fred Albin (âm thanh), Jack Cosgrove (nhiếp ảnh) và Arthur Johns (âm thanh).
- Âm Nhạc hạng nhất (Best Music, Original Score): Max Steiner.
- Âm Thanh và Thu Âm hạng nhất (Best Sound, Recording): Thomas T. Moulton.
Vào năm 1998, Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ (the American Film Institute) đã xếp cuốn phim Cuốn Theo Chiều Gió vào hạng 4 trong danh sách 100 Bộ Phim Hay Nhất (100 Greatest Movies), được tuyển chọn để lưu trữ do Cơ Quan Quốc Gia Tồn Trữ Phim (the U.S. National Film Registry) và được hoàn toàn phục hồi theo kỹ thuật số (complete digital restoration).
7. Sơ lược về Cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ
Cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ là một xung đột quân sự, từ năm 1861 tới năm 1865, giữa phe Liên Hiệp Miền Bắc (the Union) và phe Liên Bang Miền Nam (the Confederacy). Cuộc chiến tranh này bắt đầu vào ngày 12 tháng 4 năm 1861 khi Tướng Miền Nam P.G.T. Beauregard hạ lệnh bắn phá Đồn Sumter tại Hải Cảng Charleston thuộc tiểu bang South Carolina, và kết thúc vào ngày 26 tháng 5 năm 1865 khi lực lượng quân sự cuối cùng của Liên Bang Miền Nam đầu hàng.
Tổn thất của cuộc Nội Chiến này là 620,000 sinh mạng, phe Miền Bắc thiệt hại 360,000 quân, phe Miền Nam mất 260,000 lính, hơn một nửa số người chết là do bệnh tật, vào khoảng một phần ba binh lính Miền Nam chết trong trận mạc, trong khi tỉ lệ tử thương của binh lính Miền Bắc là một phần sáu. Cuộc Nội chiến này đã tàn phá hơn 5 tỉ mỹ kim (trị giá thời bấy giờ), đã giải phóng hơn 4 triệu người nô lệ da đen và các vết thương do chiến tranh gây nên cần tới 125 năm mới hàn gắn được.
Cả hai phe Miền Nam và Miền Bắc của Hoa Kỳ đều phải chịu các thiệt hại kinh tế khổng lồ, nhưng Miền Nam lãnh các thiệt hại trực tiếp, rất nặng nề, và cảnh tàn phá đã kéo dài từ Thung Lũng Shenandoah ở phía bắc, tới tiểu bang Georgia ở phía nam, từ tiểu bang South Carolina ở phía đông tới tiểu bang Tennessee ở phía tây. Cuộc chiến này được coi thuộc loại chiến tranh tân tiến bởi vì cảnh hoang tàn rộng lớn. Đây cũng là cuộc chiến tranh toàn diện (total war) trong đó cả hai bên đều dùng tới mọi nguồn tài nguyên vào công việc chiến tranh và cuộc Nội Chiến đã kết thúc do sự thất bại hoàn toàn và sự đầu hàng không điều kiện của một bên.
Trong khắp Miền Nam, các thành phố, nông trại, kỹ nghệ, thương mại, con người nam, nữ và trẻ em đều bị thiệt hại, tất cả lối sống của miền này bị tiêu diệt. Sau đó, sự cay đắng giữa người dân hai miền còn tiếp tục qua nhiều thế hệ và Miền Nam đã không có được tiếng nói về chính trị, xã hội, văn hóa… Các lý tưởng truyền thống của Miền Nam đã không gây được ảnh hưởng quan trọng tới các chính sách của chính quyền trung ương trong khi đó, các lý tưởng thuộc về đạo Tin Lành của phe Miền Bắc (the Yankee Protestant ideals) đã trở thành các tiêu chuẩn cho xứ sở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những lý tưởng này đã nhấn mạnh vào cách làm việc chăm chỉ, tôn trọng giáo dục và tự do kinh tế… tất cả đã góp công vào việc làm phát triển Hoa Kỳ thành một thế lực kỹ nghệ mới và hùng mạnh.
Phạm Văn Tuấn
Kim Kỳ sưu tầm