Ngày ấy Đẩu là một chàng trai mười tám, lòng đang tưng bừng mới nở, trông ai cũng đẹp. Suốt ngày vui cười, sẵn sàng yêu-đương, chàng thấy tương lai toàn mầu rực-rỡ. Đang đầy tin tưởng thì một hôm chàng gặp Phượng Trinh, một nữ sinh tóc còn cặp sau gáy. Tuy không biết nàng bao nhiêu tuổi nhưng Đẩu cứ cho là mười sáu, và chàng nhủ thầm: “Chỉ mười sáu mới có thể có được cặp mắt sáng thế”.
Lúc ấy là một buổi trưa mùa đông; dưới gió qua vòm cây, Phượng-Trinh đang cười trong ánh nắng rung-rinh cùng mấy chị em bạn học. Đẩu có mộng ước gì đâu thế mà sao khi vừa gặp, chàng đã vội ngây người đứng ngắm rồi kêu khẽ: “người trong mộng của ta đây rồi”. Tay xách cặp, chân đi đôi guốc phi-mã gót cao, lúc ấy Trinh mặc chiếc áo mầu xanh gió thổi tung bay thấp thoáng ánh mặt trời. Thế là lòng chàng trai mới mẻ vội chọn nàng giữa trăm bông thắm; Đẩu đi xa xa theo Trinh về,… thì ra Trinh đi qua nhà chàng, nàng ở phố gần đấy.
Từ đấy mỗi ngày hai buổi học tan, Đẩu vội vàng đạp xe thật nhanh về để ngắm Trinh qua, và những chiều nào được nghỉ sớm thì chàng đi bộ lên gần trường Trinh học đứng đợi nàng về để lẳng lặng đi theo sau. Song vì quá yêu chàng đâm nhút nhát nên chỉ dám nhìn thôi, vả lại Đẩu e Phượng-Trinh cho lẫn mình vào con nhà phường-phố bậy bạ nên chàng chỉ theo xa xa. Theo đến gần nhà mình thì Đẩu đi sang bờ hè bên kia rảo bước về cửa nhà đứng đợi. Lần nào chàng cũng nhìn Trinh đi ngang qua với đôi mắt si-ngây… và cũng đã nhiều lần chàng theo đến tận nhà Trinh. Cứ như thế mãi, dần dần Trinh cũng hiểu, vì có nhiều bận Đẩu thấy Trinh đã vào trong sân rồi vừa đóng cổng vừa đưa lén mắt ngượng ngập trông trộm lại chàng. Phượng-Trinh cũng đã để ý tới chàng trai si mê mình. Mỗi chiều đi học về nàng thường đi thật chậm vui chuyện ríu rít cùng hai chị em bạn về cùng đường – có bận Đẩu thấy giữa truyện vui Trinh đứng lại vui thú cười rũ-rượi để rơi cả cặp sách; như một con chim non say nắng mới, Trinh luôn luôn ríu rít cười nói rả-rích làm vui cả lòng, Đẩu đứng nhìn.
***
Tuổi trẻ có một lần mới mẻ nhất: Đẩu yêu không có tận cùng bờ bến. Sách học của chàng chỉ nhằng những tên Phượng-Trinh viết đủ các kiểu.
Rồi một buổi đầu xuân Đẩu hỏi Tân, một cô bạn học của Phượng-Trinh, thì Đẩu mới biết Trinh là tên gọi ở nhà, chứ “ở trường chỉ gọi nàng là Phượng thôi”. Tân nói lại cho Đẩu biết là các bạn ở lớp đã biết chuyện Đẩu theo Phượng và trêu chế Phượng nhiều lắm… nhưng Phượng không hề cãi lại mà chỉ đỏ mặt cười chạy trước những dịp cười của các bạn…
– Phượng yêu Đẩu rồi đấy…
Tân nói thế làm Đẩu sung sướng ngây cả người rồi hỏi:
– Thật à?… Thế thì tôi chết mất!
Chàng trai mới có mười chín, mỗi khi sung sướng quá là chỉ kêu chết.
Từ đấy Đẩu là người sung sướng. Có khi chàng đứng nói chuyện một mình với bờ thang là thường.
Rồi Đẩu viết một lá thư mà chàng đã tốn bao công nắn nót gọt rũa. Hồi hộp đợi mấy hôm cũng không thấy Phượng-Trinh giả lời, Đẩu suốt ngày băn khoăn trông ngóng người đưa thư! Rồi có một buổi kia Đẩu gặp Tân, nàng nói:
– Đẩu bỏ một lá thư vào xe Phượng phải không? Phượng nhờ tôi nói với Đẩu từ rày đừng làm thế, lỡ người ngoài người ta trông thấy thì người ta coi Phượng vào hạng người gì !… có muốn nói gì cứ nói thì hơn…
Nghe xong Đẩu tươi tỉnh đưa tay lên gãi gáy bừng-bừng sung sướng rồi đáp:
– Lúc ấy còn nói thế khỉ gì được mà nói!
Không biết Phượng-Trinh có hiểu cho anh như thế ?… Chỉ biết sau đó, Đẩu luôn luôn viết thư nhờ Tân đưa thì Trinh nhận. Tuy Trinh có trả lại(*) song ít lắm, chẳng đủ lấp một chút trong không gian to tát của lòng Đẩu. Trinh đã trả lại ít hay chính Đẩu đòi mong quá nhiều !… Nhưng lấp sao được lòng anh thuở ấy, lấp sao được biển cả đương lúc sóng tình dồn dập gào thét.
Có một ngày chủ-nhật Đẩu cùng cha đi săn bắn về mệt, nên hôm sau Đẩu nằm nghỉ ở nhà rồi viết một lá thư cho Tân, trong thư chàng nói: “Thế nào, Tân đã xin hộ Trinh cho tôi một tấm hình chưa, cố vào nhá, trăm sự nhờ Tân đấy ! À, hôm qua tôi vừa đi săn về, mệt và mệt, phải nằm nhà nghỉ… nhưng nhớ Trinh lắm…”. Và hôm sau Tân nói nàng có cho Phượng xem mảnh thư ấy, và mặc dầu nó nguệch ngoạc nhỏ bé, Phượng cũng đã xin lấy mảnh thư đó. Và Đẩu sung sướng đến ngạt thở khi Tân bảo:
– Thư nào của Đẩu, Phượng cũng giữ cất đi cả…
Thôi, hồn Đẩu phơi phới như lên tới trời xanh !… và những lúc ấy, những lúc quá tin tưởng ấy, anh đã tưởng đời anh sẽ theo một con đường nhất định…
Nhưng tính Đẩu cũng rất trẻ con, trong thư luôn luôn chàng viết những câu không đâu, chẳng hạn: “Cái mũi của Trinh trông ngon như viên kẹo đraa-giê ấy” hoặc “tôi thích bắt Trinh mang thả trên đồi cỏ để xem Trinh ca hát chạy nhẩy như một con sơn ca”. Tuy thế Trinh cũng vẫn chỉ trả lời: “Thư Đẩu viết vớ-vẩn lắm”… nhưng Trinh sung-sướng.
Ảnh NTC
Đã mấy tháng trời theo đuổi mà vẫn chưa lần nào Đẩu được Trinh hẹn hò cho gặp riêng một lần. Người thiếu nữ ngoan ngoãn vẫn tin ở tình chàng trai, nhưng chỉ sẵn lòng đợi chàng đến hỏi làm vợ. Tình yêu mà nàng hiểu là thành thực chỉ có thể đưa tới cuộc hôn nhân,… mà Đẩu cũng thành thực muốn thế, song mới có mười chín tuổi chàng đã tính đến chuyện vợ con sao được ! Vả lại chưa được cùng nhau hẹn hò một câu, chàng trai chưa dám chắc gì mà giạm hỏi,… tuy đã bao lần trong mắt Phượng-Trinh chàng tưởng được thấy hạnh phúc, chàng đọc thấy, nhận thấy một vẻ gì dịu dàng xô đẩy lòng chàng.
“Hay đó chỉ là một hạnh phúc đơn sơ khó kiếm”. Đẩu vẫn băn khoăn tự hỏi thế những lúc không hiểu.
“Ừ, sao không hẹn với nhau một câu, sao không thả hết tình yêu ?” Nhưng duyên số…
Rồi một ngày chủ nhật mà gió đã nóng, Đẩu đang lang thang ở phố thì gặp một giọng nói vui vẻ bay đến tai hỏi:
– Phượng đâu ? Sao lại đi chơi một mình thế ? Không đi với Phượng à ?…
… Tiếp theo là một dịp cười. Đẩu ngơ ngác nhìn lên thì ra Tuyết, cô bạn học cùng lớp với Phượng-Trinh đang đứng trên bao lơn tươi cười nói xuống. Đẩu mỉm cười cảm ơn. Độ năm phút sau bất ngờ Đẩu gặp Phượng-Trinh thật. Nàng mặc áo mầu tím, đang đi mua hàng may áo nực cùng hai chị. Gặp Đẩu, Trinh bẽn lẽn không dám nhìn, nhưng có một lần Đẩu bắt gặp mắt Trinh ghé qua gáy chị nhìn trộm mình làm chàng sung sướng run cả người. Hôm sau Đẩu vội nhờ Tân đưa cho Trinh một lá thư, trong có đoạn:
“Hôm qua đi phố chơi, tôi đang lang thang thì nghe thấy một giọng nói từ trên trời bay xuống hỏi “Phượng đâu ? Sao lại đi chơi một mình thế, không đi với Phượng à ? Tôi nhìn lên thì ra Tuyết, Trinh ạ – Đấy, đối với tất cả thì Phượng là của tôi đấy, thế mà tôi cứ chưa dám chắc ! Trinh thử hỏi hộ cô Phượng, cô Phượng có cái mũi xinh xinh ấy mà, xem cô Phượng có phải là của tôi không ?”.
Tuy thế Trinh cũng chỉ trả lời lại Đẩu: “Thư Đẩu viết vớ vẩn lắm”.
***
Ảnh NTC
Những giấc mộng đẹp sao hay ngắn ngủi, tuổi trẻ vô tình qua mau như đàn mòng khoang vun vút bay qua cánh đồng rộng để vội vã lẩn biến vào cảnh trời đông u ám; nghỉ hè năm sau đã lại tới, rồi tới mùa thu ! Một hôm đương ở rừng quê thì Đẩu được bạn viết thơ cho biết Trinh đi lấy chồng. “Cưới chạy tang, bố chết,… trông Trinh chẳng vui gì sốt cả v.v…”.
Như những vết thương đứt quá mạnh làm ta tê đi không thấy đau, mấy ngày đầu Đẩu không thấy buồn ; nhưng sau, nhiều lúc tự nhiên chàng thấy như mất một mục-đích trong đời, chàng cảm thấy chán nản. Tuy thế chàng vẫn yêu Trinh như trước và vẫn mang máng tin là Trinh yêu mình. Đẩu vẫn nói một mình: “Cứ để mặc anh tin em nhá.”
Chàng trai muốn quên mau, song những ngày buồn nản qua không vội-vã nên có lúc ngừng ngựa mơ màng ngắm lá vàng bay giữa rừng vắng chàng lại đau thương nhắn hỏi:
– Gió ơi, sao làm tình chóng đứt ?…
Hoa tình rụng rời, bình tĩnh cũng dần dần trở lại, nhưng trong lòng Đẩu đã bớt tin-tưởng !
Khá lớn lên, chàng trai sớm vội đua theo các bạn vào cuộc đời chơi bời phóng đãng; dần dần chàng đã trở thành khôn khéo; quen ra vào nơi tửu-điếm(**) nên chàng nói dối đã không ngượng lời, mắt đầy gian trá, nhưng lúc ấy thì người đời lại tin chàng. Từ một đứa trẻ, Đẩu đã trở thành một người,… và những mối tình dễ dãi ở mọi chốn chơi bời cứ tiếp tục mà qua mãi. Giữa cái cuộc vui nhả nhớt, chàng đắm say tươi cười ; thật lòng trai quên sầu cũng dễ như yêu,… nhưng lòng anh đã kém trong sạch, bây giờ khó tìm đâu cho thấy được vẻ sợ-sệt nhút-nhát si ngây thuở mười tám: một ít vẻ đẹp đã mất.
Đẩu đã yêu khắp nơi đến nấc cùng, đâu chàng cũng yêu đến si-dại, tuy thế vị ngọt hoa tàn của chuyện qua vẫn mang-mang ủ-ấp lòng Đẩu một nỗi nhớ thương nhẹ nhàng như làn gió thoảng qua của một buổi sớm nào êm dịu xa-xôi. Đẩu vẫn chẳng thể quên được người xưa, luôn luôn lòng chàng như nhớ tiếc mối tình ngây thơ cũ, như thiếu chút nắng dịu, thiếu vẻ nồng-nàn mà mắt Trinh chiếu lại. Đã bao lần yêu, đã bao lần sóng gió trong lòng, thế mà khi lắng hết chỉ riêng hình Trinh còn lại như vẫn còn sau cơn bão táp một cây cổ-thụ. Chuyện qua đã ăn rễ sâu vào tận thớ tim Đẩu.
Sau đó ít lâu, Đẩu thôi học và về ấp ở với cha mẹ. Hồn Đẩu phức tạp, chàng yêu đồng núi quê hương nhưng chàng cũng không quên làn không khí say sưa của cuộc đời chơi bời; từ nơi ấy Đẩu luôn luôn trở về thủ đô. Một hôm gặp Tuyết nàng nói cho Đẩu biết:
– Phượng khen Đẩu bây giờ ngoan lắm, về quê làm ăn rồi, lần nào đến nhà tôi chơi, Phượng cũng nhắc đến Đẩu.
Ngây cả người, Đẩu không hiểu sao Phượng Trinh lại biết mình về quê làm ăn, “mà mình có làm ăn gì đâu !”… Nhưng Tuyết đã nhìn chàng nói nhỏ:
– Phượng vẫn yêu Đẩu lắm…
Trời, Đẩu muốn khóc lên được! Thấy Đẩu ngây đờ yên lặng, Tuyết mỉm cười nói tiếp:
– Lần nào gặp tôi Phượng cũng nhắc đến Đẩu, cũng như Đẩu gặp tôi cứ hỏi chuyện Phượng ấy mà… Sao hai người không lấy nhau nhỉ…
… Rồi Tuyết kể:
– Ngày sắp cưới Phượng ấy, Phượng có chạy đến tôi; tôi có sao không lấy Đẩu có hơn không thì Phượng nói: “Tại Đẩu không đến hỏi… mà đợi thì biết Đẩu có ý định lấy Phượng không mà đợi cơ !… Phượng bảo “Chả lẽ em lại mang trầu cau đến hỏi Đẩu à ?…”
Nghe xong, Đẩu đau đớn hỏi trách:
– “Sao Tuyết không nói cho tôi biết ngay từ ngày ấy”… thì Tuyết trả lời:
– Ngày ấy tôi cũng có ý tìm Đẩu, nhưng hình như Đẩu ít khi có mặt ở Hà-nội thì phải…
Khẽ gật đầu, Đẩu yên lặng bâng khuâng…
Từ đấy chàng chỉ biết mang câu duyên-số ra để tự an-ủi và cũng từ đấy chàng càng tin chắc rằng chẳng bao giờ nữa Phượng-Trinh quên chàng, Đẩu vẫn nhủ thầm:
– Ai quên được những ngày đẹp đẽ trong đời…
Chuyện qua Đẩu vẫn giữ quý như một kho vàng. Lắm lúc bâng khuâng nghĩ lại, Đẩu vẫn thường cau có tự hỏi: “Sao lại cứ nhớ, sao không quên đi cho tâm hồn được thư thái”… nhưng rồi chàng lại nói ngay: “Không, đừng bắt ta quên… Ở đời có những vết thương êm ái. Như ta lúc này ai dám bảo nhẹ buồn là khổ khi đó là dư âm của một thời rạo-rực trở về vang lại trong hồn”. Những khi ở Hà-nội, Đẩu vẫn hay đi nhà thờ, nhưng nay không phải vì ai nữa mà tin tưởng ở đạo giáo. Vả lại xuân đầu chỉ có một lần, chàng không muốn bỏ một cái gì của những ngày tuổi trẻ tươi thắm đã qua.
Ảnh NTC
Một hôm vô tình Đẩu đi xe ngang qua nhà vợ chồng Trinh. Nhìn vào, chàng thấy Trinh đang đứng trong căn vườn nhỏ như mơ màng. Có thế thôi mà về tới nhà chàng cũng sung sướng mãi và cả ngày nhắc nhở”: Có lẽ phút này Trinh đang nghĩ đến ta, có lẽ… có lẽ!”. Rồi trên quyển sổ tay biên trăm thức lặt vặt, chàng viết mấy dòng: “Có lẽ như ngày nào đôi mày hơi đưa lên, em nhìn vào nơi nào không định. Nghĩ gì thế em? Em, trông gì ở nơi xa ấy, có phải là anh ? Em sao chẳng đáp lại tiếng gọi của lòng anh?”
Bất ngờ một hôm Đẩu gặp lại Tuyết, hai người vui vẻ trò chuyện xa gần, nhưng rồi cũng nhắc đến Phượng-Trinh… Đẩu hỏi:
– Vừa rồi mới gặp, tôi trông Trinh như có vẻ buồn ấy… gia đình Trinh có chuyện gì không vui không?
Tuyết cười đáp:
– Sao Đẩu lại hỏi thế. Phượng-Trinh ngoan lắm, chồng Phượng chẳng trách Phượng điều gì cả… Bố mẹ chồng cũng vậy.
Đẩu nhíu đôi mày, nói:
– Không biết tại sao tôi trông Phượng như không được vui; Phượng có được sung sướng không?
Tuyết thoảng cười:
– Đẩu cũng biết tính Phượng trẻ trung vui đùa là thế, mà chồng thì tính nết như ông cụ ấy…
Tuyết ngừng lại, mắt chớp bâng khuâng rồi mỉm cười nhìn Đẩu nói tiếp:
– Lấy Đẩu thì cố nhiên là vui hơn… À, ngày xưa ấy mà, dạo Phượng chưa đi lấy chồng ấy, một lần Phượng thấy trong sách ảnh của tôi có tấm ảnh của Đẩu chụp ngồi ở đống rơm, thế rồi Phượng cứ lấy, làm tôi phải đòi mãi.
Đẩu đứng yên lặng bùi ngùi trong sung-sướng! Thấy bạn có vẻ buồn tiếc, Tuyết hạ giọng:
– Thôi chả cần Đẩu ạ, hình Đẩu ở trong tim Phượng tôi tưởng cũng đủ rồi.
Từ đấy mỗi lần gặp người yêu cũ là Đẩu thấy như mình đang sống lại thời mê say thuở mười tám. Trong mắt Phượng-Trinh chàng thấy lại một ít tuổi nhỏ, một chút nắng sưởi cho lòng chàng ấm dịu, chút nắng thừa của một thời xa xôi. Những lúc đó, Đẩu chỉ biết đứng nhìn theo cho tới nẻo đường đã khuất mà tà áo Trinh còn phấp phới bay, rồi chàng bàng hoàng ngẩn ngơ nói một mình:
– Trời ơi, đôi mắt đen quá, sáng quá, phải chăng là những tấm gương phản chiếu mầu tươi sắc thắm của những ngày rực rỡ…
Đến một hôm chẳng hẹn trước, Tuyết rủ Đẩu đến nhà Phượng-Trinh chơi. Gặp lại bao nỗi ngượng ngùng, Trinh cười sung sướng, song bẽn lẽn cũng ruộm hồng đôi má; còn Đẩu thì ngày ngất cảm động ngắm bạn lòng cũ. Trước mặt chàng trai giọng Trinh nói chuyện với Tuyết mất cả tự nhiên; Đẩu ngồi nhìn lòng lâng lâng sung sướng; có một lúc Trinh mỉm cười e lệ quay sang hỏi Đẩu:
– Hình như dạo này không hay gặp ông đi lễ.
Phượng Trinh gọi Đẩu bằng “ông”! Nhưng làm thế nào, nàng đã có chồng! Nghe Trinh gọi mình như thế, Đẩu thấy nhói vào tim, nhưng hiểu tình thế mới, chàng vội trả lời:
– Độ này tôi ở nhà quê luôn… thỉnh thoảng mới về Hà-nội, thành ra Trinh không gặp.
Ngừng một giây, Đẩu mỉm cười nói tiếp :
– Với lại ngày xưa tôi có đi lễ bao giờ đâu,… từ ngày biết Trinh tôi mới đi nhà thờ đấy chứ… Trinh đã cứu vớt một linh-hồn mà Trinh không biết.
Răng trên khẽ cắn lên môi dưới e-thẹn, Trinh mỉm cười đỏ hồng cả má rồi đưa ngón tay lên miệng cắn cắn cảm động, đoạn nàng nhìn Tuyết cười ngượng nghịu cất tiếng bảo:
– Đi lễ thế thì chả… được phúc.
Nhưng mắt nàng sáng ngời, phải chăng vì duyên cũ! Ánh sáng ấy cũng đủ khêu lại lòng Đẩu ngọn lửa đã gần tàn; và trông Trinh cười đắm say. Đẩu thấy nụ cười tươi thắm ấy như đưa chàng vào một vườn thắm nhẹ gió vừa. Đẩu ra về với ít hoa nở lại trong lòng, với ít tin tưởng rằng sẽ chẳng bao giờ hương tình cũ đến nỗi tan bay hết. Đời còn tươi đẹp và tươi lại vườn tình đang úa. Đẩu sung sướng trở lại nơi đồi núi quê hương và mang theo trong tim đôi mắt tươi cười của Trinh, đôi mắt trong sáng như tráng làn nước trong đã bao lần làm anh ngây ngất khi buổi đầu dịu dàng nhìn lại…
Vài hôm sau, một chiều vừa cưỡi ngựa đi chơi núi về thì Đẩu nhận được một phong thư, trong Tuyết viết: “Hôm qua Phượng lại nhà tôi chơi và bảo: “Bữa nọ, lúc vào tới phòng tiếp khách, thoạt trông thấy Đẩu, Phượng choáng váng ngạc nhiên đứng dừng lại…”.
Thôi thế cũng đủ làm Đẩu sung sướng đến rưng rưng nước mắt. Tay vẫn cầm lá thư, lơ đãng, chàng lững thững đưa bước ra phía đồi sau nhà. Trời mát! tóc thoảng nhẹ bay phất phơ trên trán… bâng khuâng vô tình đứng trông mấy bông vông-vang phất phơ lên bụi cỏ đương kín đáo cúp lại trong gió chiều êm đềm, Đẩu lại thấy lòng bỗng tràn đầy tin tưởng như buổi mới,… và man mác hy-vọng, chàng nhủ khẽ:
– Hoa còn có loài chiều hôm cúp vào để sớm mai nở lại em ạ, thì tình ta sao chả có lúc nối theo…
HẾT
(*): Hồi âm (lời người chép truyện trú thích)
(**): Quán rượu (lời người chép truyện trú thích)
Ra Mắt Tập Truyện ‘Hoa Vông Vang” Của Nhà Văn Đỗ Tốn
Quang cảnh trong hội trường buổi ra mắt tập truyện “Hoa Vông Vang.” Trong hình, người ngồi hang đầu bên trái là nhà văn Trúc Chi.(Photo VB)
4 người con của nhà văn Đỗ Tốn và Như Băng. Từ trái, Đỗ Hạc Tuyền, Đỗ Duyên, Đỗ Thăng, và Đỗ Huân trong buổi ra mắt tập truyện “Hoa Vông Vang”.(Photo VB)
Trưởng nữ của nhà văn Đỗ Tốn là bà Đỗ Hạc Tuyền ký sách tặng. Đứng bên phải của Hạc Tuyền là giáo sư Nguyễn Văn Sâm.(Photo VB)
WESTMINSTER (VB) – Buổi ra mắt tập truyện “Hoa Vông Vang” của nhà văn Đỗ Tốn đã diễn ra tại hội trường Nhật Báo Việt Báo, trên đường Moran, thành phố Westminster, vào trưa Chủ Nhật, ngày 25 tháng 8 năm 2019, với sự tham dự đông đảo của các văn nghệ sĩ, các cơ quan truyền thông báo chí, và giới mộ điệu văn chương.
MC chính của chương trình là ông Nguyễn Đình Cường và 2 MC cho chương trình văn nghệ là Uyển Diễm và Đại Dương.
Trưởng nữ của nhà văn Đỗ Tốn là bà Đỗ Hạc Tuyền, trong lời mở đầu buổi ra mắt sách nói rằng sự hiện diện đông đảo của quan khách đã nói lên sự quan tâm đối với tập truyện “Hoa Vông Vang” của thân phụ bà. Bà Tuyền cho biết thân phụ bà là nhà văn Đỗ Tốn sinh năm 1921 tại Hà Nội và mất năm 1973 tại Sài Gòn. Cố nhà văn Đỗ Tốn, theo bà Tuyền, đã phục vụ trong Cục Tâm Lý Chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc Thiếu Tá.
Bà Tuyền cũng cho hay rằng “Hoa Vông Vang” là tập truyện ngắn đầu tay của thân phụ bà. Bà kể rằng khi nhà văn Nhất Linh viết lời giới thiệu cho tập truyện đã viết rằng, “Xem những chuyện trong tập “Hoa Vông Vang” tôi không thể không đem Đỗ Tốn ra so sánh với một nhà viết truyện ngắn khác là Thạch Lam. Tôi thấy hai nhà văn này có nhiều chỗ giống nhau và tôi tin Đỗ Tốn sẽ là một Thạch Lam thứ hai trong văn giới nước ta.”
Theo bà Đỗ Hạc Tuyền, khi viết “Hoa Vông Vang” nhà văn Đỗ Tốn mới có 21 tuổi và tập truyện này đã được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1945 tại Hà Nội. Sau năm 1954 vào Nam, nhà văn Đỗ Tốn đã viết thêm các truyện khác và cho in chung vào tập truyện “Hoa Vông Vang.”
Trong tập truyện “Hoa Vông Vang” còn có phần Hồi Ký của phu nhân của nhà văn Đỗ Tốn là bà Nguyễn Thị Như Băng, bút hiệu Như Băng.
Bà Tuyền cho biết rằng thân mẫu của bà sinh năm 1925 tại Lạng Sơn. Năm 14 tuổi bà Như Băng đã qua Trung Quốc vì cuộc chiến tranh đã đưa đẩy. Sau đó bà Như Băng đã theo học trường quân sự về ngành vô tuyến điện do chính phủ Tưởng Giới Thạch chủ trương. Bà Tuyền kể thêm rằng thân mẫu của bà là một trong 2 sinh viên tốt nghiệp tại trường này ở TQ và sau đó về Việt Nam làm việc. Bà Như Băng thông thạo tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông, biết chữ Hán. Bà Tuyền nói rằng thân phụ và thân mẫu của bà đã kết hôn vào năm 1945.
Bà Đỗ Hạc Tuyền nói rằng sở dĩ in lại tập truyện “Hoa Vông Vang” của nhà văn Đỗ Tốn là vì để bảo tồn văn chương Việt Nam không bị mất đi. Bà nói lâu nay nhiều người đi tìm tác phẩm này mà không thấy. Bà cũng nói thêm rằng việc tái bản tập truyện còn là cách bày tỏ lòng biết ơn và yêu kính đối với bậc sinh thành.
Buổi ra mắt tập truyện “Hoa Vông Vang” còn có phần thuyết trình của nhà văn Trúc Chi, giáo sư Võ Kim Sơn, và nhà thơ Trịnh Y Thư nói về nhà văn Lỗ Tốn và tập truyện “Hoa Vông Vang.”
Trong cuộc chuyện trò bên lề buổi ra mắt tập truyện “Hoa Vông Vang” của nhà văn Đỗ Tốn, anh Đỗ Huân, người con trai thứ của nhà văn Đỗ Tốn, cho phóng viên Việt Báo biết rằng Hồi Ký của bà cụ thân mẫu của anh đã được viết sau này ở Mỹ và là lần đầu tiên ra mắt tại Quận Cam.
Anh Bạch Thái Dũng, cựu giáo viên Việt ngữ Trường Trung Học La Quinta, thành phố Westminster, nơi có đông đảo học sinh Việt Nam, cho phóng viên Việt Báo biết rằng mẹ anh là em ruột của nhà văn Đỗ Tốn. Anh Dũng nhớ lại năm anh 11 tuổi, lúc đến nhà bác Đỗ Tốn và leo lên gác thì thấy tập truyện “Hoa Vông Vang” in bằng giấy lụa cũ, với tựa màu vàng. Anh nói rằng lúc đó có đọc qua nhưng vì còn quá nhỏ để có thể nhận biết truyện hay đến mức nào. Anh nói sau mấy chục năm, bây giờ mới có cơ hội để đọc lại tập truyện này.
Buổi ra mắt sách còn có phần trình diễn văn nghệ rất đặc sắc với các tiếng hát được nhiều người mến mộ như ca sĩ Kim Tước, ca sĩ Hồng Tước, ca sĩ Thu Vàng, ca sĩ Kiều Loan, ca sĩ Nam Trân, v.v…
Được biết nhà văn Đỗ Tốn và Như Băng có 4 người con, 2 trai, 2 gái, gồm Đỗ Hạc Huyền, Đỗ Thăng, Đỗ Duyên, và Đỗ Huân, tất cả đều cư ngụ tại Hoa Kỳ.
“Hoa Vông Vang” kể chuyện tình của chàng trai mười tám tên Đẩu yêu người con gái mười sáu tên Phượng Trinh. Đó là mối tình đầu ngây thơ, trong trắng, lãng mạn và rụt rè. Chàng trai rụt rè đến đỗi yêu người ta mà không dám biểu lộ chỉ biết mỗi ngày tan học thì lẽo đẽo theo sau. Tấm chân tình của chàng rồi có lúc được cô nàng đón nhận và hai người chính thức yêu nhau. Nhưng rồi, một ngày nọ, người con gái kia đã cất bước sang ngang và chàng trai si tình này bị cú sốc vỡ tim nhoi nhói. Vậy mà, hình ảnh của người yêu Phượng Trinh vẫn không phai nhạt trong trái tim của chàng.
Nhà văn Đỗ Tốn khi miêu tả tâm trạng của Đẩu hay tin Phượng Trinh đi lấy chồng đã hạ bút như sau:
“Như những vết thương đứt quá mạnh làm ta tê đi không thấy đau, mấy ngày đầu Đầu không thấy buồn; nhưng sau, nhiều lúc tự nhiên chàng thấy như mất một mục đích trong đời, chàng cảm thấy chán nản. Tuy thế chàng vẫn yêu Trinh như trước và vẫn mang máng tin là Trinh yêu mình. Đầu vẫn cứ nói một mình: “Cứ để mặc anh tin em nhá.” (Hoa Vông Vang, Việt Tide 2019, tr. 79)
Rồi ngày nọ, khi nhận được thư của bạn Trinh là Tuyết kể khi Trinh gặp lại Đẩu nàng xúc cảm đến choáng váng, Đẩu “sung sướng đến rưng rưng nước mắt.” Đến đây, nhà văn Đỗ Tốn nhắc đến hoa vông vang.
“Trời mát! Tóc thoảng nhẹ bay phất phơ trên trán… bâng khuâng vô tình đứng trông mấy bông vông vang phất phơ bên bụi cỏ đương kín đáo cúp lại trong gió chiều êm đềm. Đẩu lại thấy lòng bỗng tràn đầy tin tưởng như buổi mới… và man mác hy vọng, chàng nhủ khẻ:
“- Hoa còn có loại chiều hôm cúp vào để sớm mai nở lại em ạ, thì tình ta sao chả có lúc nối theo…” (Hoa Vông Vang, tr. )
Người Việt
HOA VÔNG VANG
Em sắp xa thành phố
Về lại đất hương tràm
Hỏi em thích gì nhất?
Em cười: Hoa vông vang.
Ta qua bao góc phố
Ta đến bao tiệm hoa
Hỏi mua, mua chẳng có
Hỏi tìm, tìm không ra.
Tên hoa quen mà lạ
Như người lạ giờ quen
Hẳn là hoa cũng đẹp
Hiền dịu như mắt em?
Kẻ nói hoa màu đỏ
Kẻ mách hoa màu vàng
Người cho hoa là cỏ
Người bảo hoa mọc hoang!
Ta tìm, đi tìm mãi
Mang nỗi buồn lang thang
Giữa thị thành hoa lệ
Tìm đâu hoa vông vang?
Ngày tiễn em mưa trắng
Ta lặng nhìn mây trôi
Vông vang trong tay với
Hay xa tận chân trời?
1995
(Tập thơ Hoa Sứ Trắng - NXB Đà Nẵng 1997)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Hồng Vân sưu tầm