Chiếc đòn gánh... cuộc đời

Chiếc đòn gánh... cuộc đời

 Buôn gánh - Báo Người lao động

Trong cuộc sống cần lao của người Việt xưa, chiếc đòn gánh kĩu kịt trên vai luôn gắn liền với bóng dáng tảo tần, lam lũ, chịu thương chịu khó của người phụ nữ.

 

Nét đẹp dung dị, đời thường ấy từng được nhà văn Mỹ E.Shillue hứng thú ghi lại một cách vừa chân thực vừa đậm chất nghệ thuật: “Bà bán hàng rong mang trên vai một vật lãng mạn nhất ở phương Đông - cái đòn gánh. Bà nhẹ nhàng nhún nhảy bên phải bên trái đi ra khỏi ngõ”.

Chẳng rõ cái vật “lãng mạn nhất ở phương Đông” ấy có tự bao giờ. Chỉ biết được rằng, lịch sử đất nước hàng nghìn năm luôn in đậm hình ảnh các bà, các mẹ, các chị gánh gồng ngược xuôi qua biết bao gian nan, thử thách. Chiếc đòn gánh là sản phẩm được kết tinh từ nền văn hóa nông nghiệp và sức sáng tạo của trí óc cùng đôi bàn tay khéo léo của giai cấp cần lao. Thoạt trông chiếc đòn gánh có vẻ ngoài thô cứng, đơn giản vậy nhưng mấy ai biết được rằng, để làm ra được sản phẩm ưng ý, phục vụ được nhu cầu thiết yếu trong lao động sản xuất thì đòi hỏi người thợ phải rất tỉ mỉ, chau chuốt.

Image may contain: one or more people, shoes and outdoor

Ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu, người thợ cẩn thận tìm những gốc tre già và thẳng, không bị sâu bệnh rồi ngâm dưới nước khoảng hai tháng trước khi làm. Gốc tre sau khi ngâm được người thợ pha thành mảnh, vót nhẵn hai bên cạnh và các mắt tre cho bề mặt đòn gánh nhẵn nhụi, đẹp mắt. Tại mỗi đầu của thanh tre sẽ được khắc rãnh sâu, tạo thành cái mấu để làm chỗ treo quang gánh. Vị trí khắc rãnh ở hai đầu đòn gánh phải cân xứng với nhau mới có thể đảm bảo độ cân bằng. Cũng như chiếc đòn, đôi quang gánh được làm từ các vật dụng như: Cật tre, mây già hoặc bện từ dây thừng, dây thép... Để tăng thêm tính thẩm mỹ và độ bền, chắc của chiếc đòn gánh, người ta có thể mang chúng hong khô bằng cách phơi nắng hoặc hun khói trên bếp lửa. Một lưu ý rất quan trọng khi làm đòn gánh, đó là độ dẻo dai. Nếu đòn gánh quá cứng thì người gánh lâu sẽ rất đau vai, mềm quá thì sẽ không đỡ được trọng lượng hai đầu, dễ bị gãy. Bởi vậy, chiếc đòn gánh đạt yêu cầu thường phát ra tiếng “kĩu cà, kĩu kịt” rất vui tai. Quan trọng hơn, chính cái sự dẻo dai ấy đã góp phần làm nên nét duyên dáng, mềm mại, uyển chuyển của người phụ nữ Việt ngay cả khi họ đang phải lao động hăng say, cật lực, tất tưởi với gánh nặng mưu sinh.

 

Nếu người phương Tây khi lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ Việt thoăn thoắt ngược xuôi với chiếc đòn gánh trên vai sẽ ít nhiều mang đến cảm giác lạ lẫm xen chút thú vị, ngạc nhiên. Nhưng trong tiềm thức mỗi người dân trên mảnh đất hình chữ S này, hình ảnh ấy lại thân thuộc, gần gũi đến nao lòng. Chiếc đòn gánh theo bước chân người phụ nữ Việt đi vào ca dao, tục ngữ:

“Cất cây đòn gánh đi ra

Chờ cho tan chợ, về nhà tối thui

Về nhà, con đói ngủ vùi

Dầu đèn không có, cực ơi bớ chồng”.

Theo phương châm “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, những người bà, người mẹ, người chị, người em vốn chỉ quen với công việc đồng áng, chợ búa thường ngày nay hăng hái quảy gánh xông pha phục vụ chiến trường. Hậu phương em đây gánh gánh gồng gồng, tiếp lương, tải đạn cũng chỉ bằng chiếc đòn gánh thô sơ, quen thuộc nhưng thấm đẫm tinh thần, ý chí, nghị lực, sáng ngời tâm hồn, cốt cách người phụ nữ Việt Nam.

Khi chiến tranh lùi xa, nước nhà độc lập, chiếc đòn gánh ấy lại tất bật khắp các nẻo đường, vất vả sớm hôm vật lộn với cuộc sống mưu sinh: “Bóng người thấp thoáng cuối đường thanh vắng/ Bước đều mà quang gánh ư nặng vai”.

(Gánh lúa – Phạm Duy).

Có những khi, chiếc đòn gánh trên vai người phụ nữ không chỉ thấm đẫm mồ hôi mà còn mặn mòi nước mắt:

Những đôi quang gánh |

Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non

- Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.

Đặc biệt, hình ảnh chiếc đòn gánh khiến chúng ta luôn đau đáu, khắc khoải nghĩ về đức hy sinh của người mẹ. Có lẽ, trong tâm thức những đứa trẻ sinh ra từ làng không sao quên được kỷ niệm thuở nhỏ cùng mẹ rong ruổi khắp nơi trên đôi quang gánh nhọc nhằn. Từ những con đường làng, nơi triền đê lộng gió, đồng làng bát ngát cánh cò bay, góc chợ rộn ràng bán buôn... Thân cò là mẹ, biển trời ăm ắp tình thương yêu dành cho con cũng là mẹ. Ấy vậy mà, suốt những năm tháng gánh gồng đứa con thơ dại, mẹ chẳng bao giờ cất lời than vãn, kể lể với ai. Niềm vui, niềm hạnh phúc của con được đắp đổi từ tình yêu thương, đức hy sinh lớn lao của mẹ. Bằng đôi vai gầy, mẹ gánh cả tuổi thơ con: “Cho con gánh mẹ một lần/ Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con/ Cho con gánh mẹ đầu non/ Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời” (Gánh mẹ). Như chiếc đòn gánh luôn bền bỉ, kiên trì, nhẫn nại, chăm chỉ làm việc, mẹ hy sinh cả một đời để vun vén hạnh phúc cho gia đình, cho chồng, cho con: “Đòn gánh tre chín dạn hai vai” (Văn chiêu hồn - Nguyễn Du). Trước đức hy sinh cao cả ấy, ngay cả bậc vĩ nhân hay những con người tài hoa bậc nhất vẫn không khỏi cảm thấy yếu lòng, thấy mình nhỏ bé, khờ dại, vô tâm và vô ơn với mẹ. Đúng như lời tâm sự chân thành, sâu sắc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

Sài Gòn trên những đôi quang gánh - Printable Version

“Mất má rồi mới biết rằng tất cả chúng tôi đều là những đứa con bất hiếu. Chúng tôi chưa đền đáp được một mảy may gì cho má cả. Đã trễ rồi, không còn cơ hội nào nữa để chúng tôi có thể chung nhau mang đến cho má một niềm vui hiếm hoi.

Mất má rồi tôi mới biết rằng không bao giờ được phép hờ hững với những ân huệ mà cuộc đời đã cho ta. Phải biết chào trả lại kịp thời trước những lời thăm hỏi bởi vì cái vẫy tay thân ái nào cũng có thể là cái vẫy tay sau cùng. Chúng tôi đã chuẩn bị quá muộn để đáp lại một ân huệ trời cho là sự yêu thương của má tôi” (Mẹ).

Ngày nay, dẫu cuộc sống đã phần nào bớt đi những nhọc nhằn, lam lũ; nhiều phương tiện, công cụ tiên tiến, hiện đại được ứng dụng góp phần “giải phóng sức lao động của đôi vai”. Tuy nhiên, đâu đó quanh mình, hình ảnh các bà, các mẹ... quẩy gánh bán buôn trong các phiên chợ quê hay những gánh hàng rong len lỏi giữa phố tấp nập vẫn luôn là biểu tượng đẹp cho cốt cách, tinh thần của người phụ nữ Việt Nam:

Chùm ảnh: Những gánh hàng rong bình yên giữa Sài Gòn hối hả

 

“Da xương bào cật tre mòn/ Trăm năm mẹ gánh đời con qua đèo/ Gánh yêu thương, gánh khổ nghèo/ Gánh mơ ước lẫn gieo neo đi – về.../ Gánh bình minh lội bến quê/ Gánh hoàng hôn dọc chân đê bước dồn/ Gánh trăng khuya giếng đầu thôn/ Gánh than lửa chạy qua cồn cát trưa.../ Một đời gánh nắng và mưa/ Mòn vai mà mẹ vẫn chưa yên lòng/ Một đời gióng đứt đòn cong/ Vì ai vai lệch lưng còng? Mẹ ơi!” (Cây đòn gánh – Nguyễn Vân Thiên).

 

Nguyên Linh

Cây đòn gánh  –  Nguyễn Vân Thiên

Cây đòn gánh – Nguyễn Vân Thiên

Lưng cây đòn gánh mòn trơn
Lời tre khô nhắc công ơn mẹ già

Chợ chiều chợ sớm bôn ba
Hái gieo tất bật đồng xa đồng gần
Bán than mua muối tảo tần
Bao lần xuống biển bao lần lên non
Da xương bào cật tre mòn
Trăm năm mẹ gánh đời con qua đèo
Gánh yêu thương, gánh khổ nghèo
Gánh mơ ước lẫn gieo neo đi - về...
Gánh bình minh lội bến quê
Gánh hoàng hôn dọc chân đê bước dồn
Gánh trăng khuya giếng đầu thôn
Gánh than lửa chạy qua cồn cát trưa...
Một đời gánh nắng và mưa
Mòn vai mà mẹ vẫn chưa yên lòng
Một đời gióng đứt đòn cong
Vì ai vai lệch lưng còng? Mẹ ơi!

DAO NGUYEN 1948: CHIẾC ĐÒN GÁNH

 

Kim phượng st

 

 

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %02 %590 %2020 %08:%12
back to top