Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Lệ Thu

Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Lệ Thu

Một đời ca hát lẫy lừng

¸.*¨*♫♪♪♫*¨*.¸¸

 

Trong làng nhạc trữ tình miền Nam trước năm 1975 với hàng trăm ca sĩ nổi tiếng, người ta thường nhắc nhiều nhất đến 3 nữ danh ca, đó là Thái Thanh, Khánh Ly và Lệ Thu. Điều đó cho thấy đóng góp to lớn của những nữ ca sĩ này trong tân nhạc Việt Nam.

 

 Click để nghe Lệ Thu hát trước 1975

Nếu như tên tuổi Thái Thanh đi liền với nhạc Phạm Duy, Khánh Ly thường được gắn với nhạc Trịnh Công Sơn, thì tên tuổi của Lệ Thu không đi liền với bất kỳ nhạc sĩ nào, nhưng cô là người trình bày rất thành công nhạc của rất nhiều nhạc sĩ là Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trường Sa, Cung Tiến… và nhiều ca khúc tiền chiến, trữ tình khác trước năm 1975.

Ca sĩ Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943 tại Hải Phòng và trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông, tại đây cô được theo học đàn piano từ nhỏ. Lệ Thu là người con duy nhất còn lại trong số 8 anh chị em, 7 người còn lại bị mất từ sớm. Năm 1953 Lệ Thu cùng mẹ vào miền Nam sinh sống.

Tại Sài Gòn, gần nhà có một ông thầy dạy guitar và Lệ Thu theo học đàn hát được một thời gian. Cô cũng có mặt trong ban thiếu nhi của nhạc sĩ Ngọc Bích mang tên Tuổi Xuân, gồm có các tên tuổi mà sau này đều trở thành tên tuổi lớn là Mai Hương, Khánh Ly, Quỳnh Giao.

Ca sĩ Lệ Thu từng nói rằng cô đã gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp rất suôn sẻ, ít gặp phải chướng ngại lớn. Khởi đầu sự nghiệp lừng lẫy của Lệ Thu chỉ là một sự tình cờ. Đó là vào năm 1959, khi vẫn còn đang theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers ở Tân Định, Lệ Thu đi ăn sinh nhật người bạn cùng trường tại phòng trà Bồng Lai. Lúc đó bạn bè biết cô hát hay nên đề nghị lên hát góp vui, và Lệ Thu đã chọn hát bài hát đầu tiên là Tà Áo Xanh. Ông chủ của phòng trà cũng có mặt đêm đó, nhận thấy khả năng lớn của một cô gái mới 16 tuổi nên muốn mời cô hợp tác với phòng trà.

 

Lệ Thu năm 22 tuổi. Ảnh: Jimmy

Ban đầu Lệ Thu từ chối vì mẹ không thích cho đi hát chuyên nghiệp. Ông chủ đề nghị cô chỉ khoảng 2,3 bài mỗi đêm từ 9h-10h tối nên cô đồng ý và bắt đầu sự nghiệp ca hát của mình với một mức thù lao rất hậu hĩnh đối với cô gái còn đang đi học.

Mỗi ngày Lệ Thu vắng nhà 1 tiếng đồng hồ và giấu mẹ nói là tới nhà bạn để học. Tuy nhiên sau đó thì mẹ cô cũng biết và cấm cửa ở nhà, ông chủ phòng trà Bồng Lai phải tới thuyết phục và mời mẹ của cô đến phòng trà nghe con gái hát. Nhìn thấy tận mắt con gái được khán giả tận thưởng nồng nhiệt sau mỗi bài hát, cuối cùng mẹ của Lệ Thu cũng đồng ý.

Sau phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát, sau đó nữa là vũ trường Tự Do vào năm 1962.

Thời gian đầu đi hát, Lệ Thu chủ yếu hát nhạc ngoại quốc giống như các đàn chị là Bích Chiêu, Bạch Yến, và bài hát nhạc Việt đầu tiên mà cô thu trong dĩa Sóng Ngọc là Xin Mặt Trời Ngủ Yên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ đó Lệ Thu cảm thấy thích thú với nhạc Việt nên hát thêm một số ca khúc khác của Trịnh Công Sơn là Lời Buồn Thánh, Diễm Xưa… Một thời gian sau, Trịnh Công Sơn sáng tác bài Hạ Trắng và mời Lệ Thu hát thu âm đầu tiên vào dĩa nhựa.

Như vậy trước Khánh Ly thì ca sĩ Lệ Thu hát nhiều nhạc Trịnh nhất. Thời điểm nửa đầu thập niên 1960, Khánh Ly đã chuyển lên sinh sống ở Đà Lạt, và người được Trịnh Công Sơn mời đi hát du ca đầu tiên ở các trường đại học là Lệ Thu. Tuy nhiên cô chỉ tham gia được một thời gian ngắn thì được Jo Marcel mời hát độc quyền ở phòng trà Queen Bee, vì không còn thời gian nên Lệ Thu không đi hát du ca như vậy nữa, thay thế cô là ca sĩ Khánh Ly từ năm 1967, được Trịnh Công Sơn mời về từ Đà Lạt.

Từ sau đó Lệ Thu dần nổi tiếng và trở thành một ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn và được báo giới gọi danh hiệu là “nữ hoàng phòng trà”. Nhà văn Duyên Anh, sau khi nghe Lệ Thu ca “Ngậm Ngùi” ở phòng trà Queen Bee, đã viết một bài báo gọi cô là “Giọng hát vàng mười”, nghĩa là giọng hát quý như vàng không có pha trộn.

Ca sĩ Lệ Thu từng lý giải cho thành công tột bậc của mình giữa rất nhiều ca sĩ khác, đó là vì giọng hát alto của cô rất khác biệt được lấy hơi từ bụng, mới lạ so với các đàn chị thường hát giọng mũi, nên được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Trong những năm 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do và Ritz. Năm 1968, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee. Ngoài việc đi hát hàng đêm cô còn ký giao kèo thu âm băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát. Đến giữa năm 1969, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1970 Lệ Thu trở lại với vũ trường Tự Do cho đến khi vũ trường này bị nổ hơn một năm sau.

Lệ Thu cũng tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân đội và Mẹ Việt Nam và thu âm cho nhiều băng nhạc. Cô cùng với chồng lúc đó là ký giả Hồng Dương cũng thành lập hãng băng riêng và phát hành được một số băng nhạc tiếng hát Lệ Thu, nhưng băng nhạc Lệ Thu nổi tiếng nhất trước năm 1975 có lẽ là Sơn Ca 9 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện.

Những hãng băng dĩa mà Lệ Thu hợp tác thu âm trước năm 1975: hãng đĩa Việt Nam, Sóng Nhạc, Sơn Ca, Tình Ca Quê Hương, Dư Âm, Nhạc Ngày Xanh, Capitols.

Thâu băng cho các chương trình Shotguns, Thanh Thúy, Phạm Mạnh Cương, Diễm Ca, Nhã Ca, Thương Ca, Việt Nam, Cỏ May-Duy Khánh, Sơn Ca-Continental-Premier, Nhạc Trẻ, Song Ngọc, Siêu Âm, Bảo Thu, Anh Việt Thu, Trần Ngọc Đức, Jo Marcel, Mây Hồng.

Cùng với Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu là một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn trước năm 1975.

Khánh Ly – Lệ Thu – Thái Thanh

Lệ Thu cũng là một trong những nữ ca sĩ được nhiều nhạc sĩ viết nhạc cho nhiều nhất, có thể kể đến Nước Mắt Mùa Thu của Phạm Duy, Xin Còn Gọi Tên Nhau của Trường Sa, Chiếc Lá Thu Phai của Trịnh Công Sơn.

Ngày 28 tháng 4 năm 1975, Lệ Thu đến phi trường, bước chân đến máy bay chuẩn bị đi di tản, nhưng rồi cô quyết định quay về vì còn mẹ ở lại, và cô là con gái duy nhất.

Sau đó Lệ Thu nhận lời gia nhập đoàn kịch Kim Cương để đi trình diễn những ca khúc nhạc mới và có những thành công nhất định với các bài Tự Nguyện, Hà Nội Niềm Tin Và Hy Vọng. Khoảng năm 1978, Lệ Thu có mở một hàng cà phê mang tên con gái út là Thu Uyển trên đường Phan Tôn, Tân Định với sự cộng tác của Thanh Lan và nhạc sĩ Lê Văn Thiện.

Tháng 11 năm 1979, Lệ Thu cùng con gái út vượt biển đến Pulau Bidong, sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980. Hai năm sau hai người con gái lớn của Lệ Thu cũng vượt biên và đoàn tụ với Lệ Thu tại nam California.

Tại Hoa Kỳ, Lệ Thu tiếp tục đi hát và thu âm trong rất nhiều băng đĩa nhạc tại hải ngoại. Từ năm 2007, cô bắt đầu trở về nước để biểu diễn cho đến nay.

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

 

***********

 

Câu chuyện Âm Nhạc và Đời Sống của Danh Ca Lệ Thu-

do Nghệ Sĩ Trường Kỳ thực hiện vào năm 1999 ,tại Montreal . 

¸.*¨*♫♪♪♫*¨*.¸¸

Image may contain: 1 person

 LỆ THU ,tiếng hát một thời lừng lẫy trong thế giới ca nhạc Việt Nam giờ đây, một mình đơn độc trong căn nhà vắng lặng, nhìn lại mình, nhìn lại cuộc đời của một nghệ sĩ tiếng tăm, chị đã nhận ra một điều bất hạnh cho một kiếp cầm ca, nhất là đối với chị đã trên 40 năm mang tiếng hát của mình để tạo niềm vui cho đời, cho người.

?Người con cầu tự
Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, chào đời tại Hải Phòng ngày 16 tháng Bảy năm 1943. Thân mẫu chị đã sinh được tất cả tám người con, nhưng bảy người con đầu đều đã qua đời vào năm lên 3 tuổi. Lệ Thu là người con duy nhất sống được sau khi thân mẫu chị thụ thai trong một trường hợp rất đặc biệt như lời chị kể: "Trước khi sinh Thu, bà cụ đi đến chùa mới cúng vái gì đó. Cụ bảo là trong khi chờ đợi đến phiên mình cúng vì quá đông người, cụ nằm ngủ thiu thiu thì thấy một ông quan mặït đỏ tía tai, mặc áo long bào ẵm đứa bé trao cho cụ. Thế là cụ thụ thai Thu. Cụ thụ thai Thu thì nuôi được. Thế nhưng cụ cũng phải bỏ vào trường bà 'sơ' để cho 'sơ' nuôi chứ không dám nuôi ở nhà sợ lại 'đi đoong' nữa."
"Người ta qua đây người ta cầy hộc bơ ra, người ta đi làm bởi vì thấy trước cái nghiệp dĩ, cái ngành nghề, cái sinh hoạt của âm nhạc không có được liên tục như ở Việt Nam. Đáng lẽ mình phải nhìn thấy điều đó ngay để chuẩn bị cho mình một tương lai. Nhưng Thu dở quá, Thu không có chuẩn bị gì hết."
 
?Tình cờ ở Bồng Lai
Lớn lên trong một gia đình chị gọi là bất hạnh như vậy, Lệ Thu sống bằng sự đùm bọc của người mẹ là người vợ thứ của thân phụ chị. Vì gặp nhiều khó khăn do người vợ cả gây ra, hai mẹ con chị đã phải rời bỏ quê quán để vào Sài Gòn từ năm 1953. Nhờ sự tần tảo của mẹ, Lệ Thu theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers vào năm 59, và một sự tình cờ đưa đẩy đã khiến cô học trò Bùi Thị Oanh đến với âm nhạc: "Một hôm, sau khi đi học về, bạn bè rủ đi chơi. Caœ đám kéo lên phòng trà Bồng Lai ngồi ăn, buổi chiều ở trên cái sân thượng. Bạn bè gọi người coi như là MC lúc đó giới thiệu Thu, bảo là yêu cầu cô này lên hát đi, cô ấy hát hay lắm. Xong rồi bọn nó cứ đẩy Thu lên hát. Bài đầu tiên là bài 'Dang Dở.' Vừa hát xong, ông giám đốc Bồng Lai ... ký giao kèo ngay. Thế là khởi đầu sự nghiệp từ đó."
Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục đi học nhưng chỉ một thời gian sau vì quá yêu nhạc nên chị đã quyết định thôi học luôn để đi theo con đường ca hát.
Hát ở Bồng Lai được khoảng hai năm, Lệ Thu bắt đầu "cất cánh tung bay" về hát tại Trúc Lâm trà thất của nhạc sĩ Mạnh Phát, cũng là nơi cộng tác của nhiều giọng ca tên tuổi khác như Lệ Thanh và Thanh Thúy. Tiếng hát của Lệ Thu bắt đầu gây được tiếng vang qua những nhạc phẩm tình cảm với một giọng ca đặc biệt, khác hẳn những ca sĩ cùng thời.
 
?Cộng tác với vũ trường Tự Do
Đến năm 62, Lệ Thu sang cộng tác với vũ trường Tự Do. Nhờ từng theo học chương trình Pháp và có một số vốn liếng Anh văn khá vững vàng – theo học một thời gian ở trường Khải Minh – nên trong thời gian cộng tác với vũ trường này Lệ Thu đã chuyển sang trình bầy những nhạc phẩm ngoại quốc, nổi bật nhất là "La Vie En Rose," "A Certain Smile," "La Mer," "Love Is A Many Splendored Thing."
Trong thời kỳ này rất hiếm những giọng ca có thể hát được cả ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp nên Lệ Thu đã được khán thính giả dành cho rất nhiều cảm tình.
Cũng trong thời gian này, Lệ Thu thành hôn với một thanh niên tên Sơn, du học từ Pháp về. Hai người đã có với nhau hai con gái là Trang và Tú, hiện đều đã có gia đình và có cơ sở thương mại riêng và việc làm vững chắc ở Nam California.
Lệ Thu càng ngày càng nổi tiếng để trở thành cái đinh của những vũ trường lớn ở Sài Gòn, ngoài việc được biết đến qua những chương trình ca nhạc trtên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội và Mẹ Việt Nam. Những vũ trường Queen Bee, Tự Do và Ritz được khách nồng nhiệt chiếu cố trong thời gian từ 68 đến 71 một phần lớn nhờ ở tiếng hát Lệ Thu. Sân khấu và ánh đèn nơi vũ trường đã có một sức lôi cuốn lạ kỳ với chị.
Lệ Thu đã bỏ ra rất nhiều thời giờ để tập dượt một nhạc phẩm ưa thích: "Hồi ở Việt Nam, mỗi lần thích một bài nào đó là Thu tập miệt mài tới sáng đêm. Đi hát về 1, 2 giờ đêm vẫn còn tập hát cho đến sáng. Thí dụ như bài 'Serenade' chẳng hạn."
 
?Jo Marcel – Vũ trường Queen Bee
Năm 68, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee. Ngoài việc đi hát hàng đêm chị còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát.
Đến giữa năm 69, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo, để sau đó chị trở thành một nữ ca sĩ đắt giá nhất trong thời kỳ này nhờ lôi cuốn được một số khách kỷ lục. Những băng nhạc có tiếng hát Lệ Thu do Jo Marcel thực hiện, cũng có số bán vượt xa những băng nhạc khác phát hành cùng thời.
Sự nổi tiếng của Lệ Thu đã đưa đến sự tranh chấp của hai vũ trường Ritz và Tự Do trong vấn đề dành độc quyền tiếng hát của chị. Do một điều khoản trong giao kèo ký kết với Jo Marcel của Ritz, Lệ Thu đã không thể về hát tại vũ trường Tự Do với tiền lương mỗi tháng 1 triệu đồng, chưa kể đến số tiền thưởng riêng 2 triệu do sự thỏa thuận với giám đốc vũ trường này là Nguyễn Văn Cường. Do đó Lệ Thu đã cộng tác với Jo Marcel thêm một năm nữa, trước khi về hát với Tự Do cũng với số tiền thù lao kỷ lục như đã thỏa thuận từ trước. Lệ Thu trở lại với Tự Do vào năm 70 và kéo dài cho đến khi vũ trường này bị nổ hơn một năm sau. Từ đó cho đến biến cố tháng Tư năm 75, Lệ Thu vẫn giữ cho mình được một ngôi vị cao.
 
?Một thoáng phù du
Bây giờ nhớ về thời kỳ vàng son đó, Lệ Thu không hề tỏ ra tiếc nuối vì đối với chị tất cả chỉ là một thoáng phù du: "Điều tôi cho là quan trọng nhất là gì? Chính là cái tâm hồn của mình. Bởi vì tâm hồn của tôi nó nhậy cảm lắm. Tôi chỉ mong tìm được sự an bình thôi...chứ những cái hào nhoáng, những cái vinh quang cũng như những cái thăng, cái trầm, những cái tủi, cái vinh nó chỉ có một thoáng rồi thôi."
Lệ Thu thú nhận là rất thờ ơ trong việc ghi chép những gì liên quan đến những sinh hoạt của chị, đến cuộc sống tình cảm của chị "vì vậy cho nên Thu bỏ lửng mấy cái chuyện đáng lẽ là mình không nên bỏ lửng như vậy." Lý do như chị vừa nói đến từ cuộc sống đơn độc hiện nay bởi sự kém may mắn về đường tình cảm cũng như gia đình.
Sau khi đổ vỡ với người chồng đầu tiên, Lệ Thu kết hôn với ký giả Hồng Dương mà kết quả cũng không được tốt đẹp như cuộc hôn nhân trước đó, sau khi đã có với nhau một con gái tên Thu Uyển. Đường chồng con của chị đã khiến Lệ Thu thốt ra những lời chua xót: "Làm cái gì thì cũng cần có vợ có chồng với nhau. Còn Thu, Thu kém may mắn về cái đường gia đình quá à."
Nhìn lại một thời huy hoàng đã qua khi những ca khúc như "Ngậm Ngùi," "Hương Xưa," "Thu Hát Cho Người," "Hạ Trắng" hay "Serenade" đã đưa tên tuổi chị lên cao để trở thành một giọng ca rất được nhiều người hâm mộ, Lệ Thu tự an ủi để cho đó là một sự phù du của cuộc đời mặc dù không phải chị không thỉnh thoảng quay về với dĩ vãng.
Ai từng quen biết Lệ Thu đều phải công nhận chị là một người lạc quan và hay khôi hài, tuy nhiên hiện nay trong hoàn cảnh bơ vơ, đơn độc nơi xứ người Lệ Thu đã không tránh khỏi những bùi ngùi lo lắng khi nhìn tới khoảng thời gian còn lại.
Sau biến cố tháng Tư năm 75, Lệ Thu gia nhập đoàn Kim Cương đi trình diễn đó đây cho đến năm 79. Một năm trước đó chị cũng đã từng mở một quán cà phê mang tên con gái út của chị là Thu Uyển trên đường Phan Tôn, Tân Định với sự cộng tác của Thanh Lan và nhạc sĩ Lê Văn Thiện. Quán Thu Uyển đã thu hút được rất nhiều khách hàng, tìm đến để thưởng thức lén lút những âm thanh quen thuộc trước đó.
 
?Đến Pulau Bidong
Vào tháng Mười Một, 1979, Lệ Thu cùng con gái út vượt biên. Sau sáu ngày lênh đênh trên biển cùng với một vài nghệ sĩ khác như Ngọc Minh và Hoàng Thi Thao, Lệ Thu đã đến được Pulau Bidong và sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980. Hai người con gái lớn của chị cũng vượt biên đến đảo Galang và một thời gian sau cũng được đoàn tụ với chị tại Nam California.
Những ngày đầu trên miền đất lạ, Lệ Thu cảm thấy rất bơ vơ, không biết sẽ phải đương đầu với tương lai mình ra sao. Chị nhớ khán giả, nhớ những đêm vũ trường đã mang đến cho chị những niềm vui đầy ý nghĩa của một cuộc đời ca hát cho người mua vui.
 
?Tái ngộ khán thính giả ở Beverley Hills
Vào tháng Mười năm 1980, Lệ Thu đã tìm lại được một niềm vui lớn khi tái ngộ với khán giả trong một buổi trình diễn đặc biệt do Nam Lộc tổ chức tại Beverley Hills với một số người tham dự kỷ lục.
Một thời gian ngắn sau đó Lệ Thu đã được mời sang Paris trình diễn, và liên tiếp được khắp nơi mời đón. Ngoài ra, Lệ Thu còn cộng tác với nhiều vũ trường như Tự Do, Làng Văn và Maxim's.
Năm 1981, Lệ Thu đứng ra thực hiện băng nhạc đầu tiên tại hải ngoại mang tựa đề "Hát Trên Đường Tử Sinh" gồm những ca khúc về tỵ nạn, liền đó là băng nhạc "Thu Hát Cho Người" gồm một số nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi chị.
Đến khi nhạc phẩm "Mười Năm Tình Cũ" ra đời thì chính tiếng hát của Lệ Thu đã khiến cho nhạc phẩm này của Trần Quảng Nam trở thành quen thuộc. Ngoài ra nhạc phẩm "Xin Còn Gọi Tên Nhau" cũng đã khiến tên tuổi của Lệ Thu tìm lại được chỗ đứng trong sự mến mộ của khán giả tại hải ngoại.
Theo Lệ Thu thì chị không có số buôn bán. Sau khi lấy được mảnh bằng về ngành thẩm mỹ, chị đã đứng ra điều hành một trung tâm thẩm mỹ, nhưng chỉ được một thời gian cũng phải đóng cửa. Mấy năm gần đây chị lại mở một quán ăn nhưng cũng không tồn tại được bao lâu. Những sự thất bại đó đến từ sự thiếu chăm sóc vì những lần đi hát ở xa.
 
?Một mình trong căn nhà vắng
Những ngày đầu tiên chị cư ngụ ở thành phố Costa Mesa, rồi dọn về Garden Grove và mua nhà ở đây với các con. Sau khi các con chị thành tài và ra ở riêng, chị phải bán căn nhà vào năm 1999. Hiện Lệ Thu đang ở một căn nhà thuê ở thành phố Fountain Valley, và sống trong cảnh đơn độc. Chị cho biết con cái thương yêu chị rất nhiều, nhưng cũng như các bậc cha mẹ gặp cảnh "nước mắt chảy xuôi," mỗi người con của chị đều có một đời sống riêng, không giúp gì được chị trong một môi trường sống khác biệt hẳn với trước kia.
Những ngày gần đây, tình trạng sức khỏe của chị có phần sa sút nên đã phải từ chối một số lời mời trình diễn. Theo lời bác sĩ điều trị thì Lệ Thu lâm vào một tình trạng căng thẳng quá độ: "Bác sĩ nói là bị stress quá, buồn phiền lo lắng quá. Rồi nó xuống tinh thần, bạch huyết cầu của Thu bị thiếu quá, nên sức đề kháng trong cơ thể không có nữa. Thành ra cái sự bi quan đó nó làm cho bị down."
Có người cho rằng Lệ Thu đã trải qua một cuộc sống buông thả nên đã đưa đến tình trạng sức khỏe như hiện nay. Trước những lời đồn đại như vậy, chị lên tiếng: "Trong suốt cuộc đời của Thu, Thu không bao giờ biết uống chứ không phải nói là uống được một giọt rượu, không bao giờ hít một điếu thuốc lá, không biết hít một hơi thuốc lá chứ đừng nói là một điếu. Và cũng không bao giờ nhấp một ngụm cà phê. Vấn đề không phải là mình kiêng, nhưng mà là không uống được, không làm được!"
Khi nhớ đến khoảng thời gian đầu ở hải ngoại, Lệ Thu đã không dấu được sự tiếc nuối vì không có được những kinh nghiệm của những người đi trước để chuẩn bị cho tương lai mình. Có thể do bản tính lạc quan, chị đã nhìn đời với một con mắt quá dễ dãi: "Bây giờ thì nghề cũng trả thầy mà chữ cũng trả thầy. Lâu quá rồi thì nó cũng lụt đi chứ. Tuy rằng mình có giỏi giang, mình có chữ nghĩa, không bị trở ngại về ngôn ngữ, nhưng mà lớn tuổi rồi, có làm gì được đâu."
Lệ Thu nhìn lại mình, nhìn lại quãng đời đi qua như những thoáng phù du với một niềm bi quan tột cùng. Tâm trạng của chị đã được thể hiện rõ ràng trong một số nhạc phẩm của nữ nhạc sĩ Diệu Hương, trong CD mới nhất với tựa đề "Lặng Nhìn Ta Thôi," phát hành trong năm 1999.
LỆ THU , tiếng hát đầy quyến rũ đã từng là hơi thở của những người yêu nhạc sẽ là một tiếng hát đáng được vinh danh với tất cả ý nghĩa trang trọng của nó.
 
Trường Kỳ ( 1999)
 
 

Danh ca Lệ Thu qua đời, hưởng thọ 78 tuổi

Danh Ca Lệ Thu Đã Qua Đời Tại Mỹ Hưởng Thọ 78 Tuổi - YouTube

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Nữ danh ca Lệ Thu vừa qua đời vào lúc 7 giờ tối Thứ Sáu, 15 Tháng Giêng, sau một thời gian bị nhiễm COVID-19, ái nữ của bà xác nhận với nhật báo Người Việt.

Vì lý do riêng tư, ái nữ của danh ca không muốn nêu tên.

Nữ danh ca Lệ Thu là một trong những tiếng hát nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. (Hình: Nguyễn Lập Hậu)

Trước đó, hôm 29 Tháng Mười Hai, 2020, ái nữ của nữ danh ca Lệ Thu kể: “Mẹ tôi nhiễm COVID-19 và được đưa vào bệnh viện MemorialCare Orange Coast Medical Center, Fountain Valley, khoảng ba tuần nay. Hiện nay, tình trạng sức khỏe mẹ tôi khả quan hơn, đang ăn uống để hồi sức.”

Cô kể tiếp: “Có lẽ mẹ tôi ăn đồ ngọt hơi nhiều, rồi nằm một chỗ, y tá cho biết lượng đường lên đến 400, phải điều trị, hơi phức tạp. Vì mệt quá, nên y tá không tập được, khó thở, nên bắt buộc phải thở bằng máy.”

Khi được hỏi mong mỏi điều gì nhất lúc này, ái nữ của nữ danh ca nói: “Tôi mong những người hâm mộ mẹ, nếu có nghĩ đến bà, xin cầu nguyện cho bà chóng qua khỏi. Nếu phải ra đi thì đi trong nhẹ nhàng. Cầu mong có một phép lạ nào đó cho bà chóng bình phục.”

Danh Ca Lệ Thu qua đời ở tuổi 78 do nhiễm Covid -19. - YouTube

Nữ danh ca Lệ Thu là một trong những tiếng hát nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, với các ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn-Từ Linh… như “Nước Mắt Mùa Thu,” “Mùa Thu Chết,” “Hạ Trắng,” “Thu Hát Cho Người”…

Danh ca Lệ Thu qua đời.

Theo Wikepedia, nữ danh ca Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16 Tháng Bảy, 1943, tại Hải Phòng, trong gia đình có tám người con, nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông.

Năm 1953, nữ danh ca cùng mẹ vào miền Nam sinh sống.

Trong khi đang theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers, vào năm 1959, trong một lần đến phòng trà Bồng Lai nghe nhạc, do sự khuyến khích của bạn bè, Lệ Thu bước lên sân khấu trình bày nhạc phẩm “Dang Dở.”

Ngay sau đó, ông chủ phòng trà mời Lệ Thu ký giao kèo biểu diễn. Cũng từ đó bà lấy nghệ danh Lệ Thu.

Trong một lần phỏng vấn, Lệ Thu trả lời: “Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó nó không có trong tiềm thức của tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu.”

Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục đi học nhưng một thời gian sau quyết định nghỉ học để theo đuổi con đường ca hát.

Theo sau Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát và kế đó là vũ trường Tự Do vào năm 1962. Thời kỳ đó Lệ Thu thường trình bày những nhạc phẩm lời Pháp và Anh, nổi bật nhất là các bản như “La Vie En Rose,” “A Certain Smile,” “La Mer,” “Love Is A Many Splendored Thing”…

Danh ca Lệ Thu qua đời sau thời gian chống chọi với Covid-19 - Nhật Báo  Calitoday

Lệ Thu dần nổi tiếng và trở thành một ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn. Trong những năm 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do, và Ritz.

Năm 1968, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee.

Ngoài việc đi hát hàng đêm Lệ Thu còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát.

Đến giữa năm 1969, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1970 Lệ Thu trở lại với vũ trường Tự Do.

Lệ Thu cũng tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội, và Mẹ Việt Nam, và thu âm cho nhiều băng nhạc.

Danh ca Lệ Thu qua đời ở Mỹ

Lệ Thu và Khánh Ly rất thân thiết.

Cùng với Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn cho tới năm 1975.

Sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, Lệ Thu gia nhập đoàn kịch Kim Cương để đi trình diễn và hát.

Tháng Mười Một, 1979, Lệ Thu vượt biển đến Pulau Bidong, Malaysia, sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980

 Danh ca Lệ Thu nguy kịch | Giải trí | Thanh Niên

 Tại Hoa Kỳ, Lệ Thu tiếp tục đi hát, tái ngộ với khán giả trong một buổi trình diễn đặc biệt do nhạc sĩ Nam Lộc tổ chức tại Beverley Hills.

Sau đó bà cộng tác với nhiều vũ trường, và thực hiện băng nhạc đầu tiên ở hải ngoại, mang tên “Hát Trên Đường Tử Sinh,” và tiếp tục thu âm những bản nhạc từng làm bà nổi tiếng.

Sau này, bà có về Việt Nam hát một thời gian. (Đ.D.)

 

********

 

 

Thu Đã Đi Rồi

phan ni tấn

 
blank
Hôm nay là ngày 16 tháng Giêng năm 2021, một năm thật mới thật đẹp nhưng cũng thật buồn. Buồn như buổi chiều nay được tin một người chị, một người bạn vừa vĩnh viễn ra đi. Đó là danh ca Lệ Thu.

 

Sau nhiều ngày chống chọi với Thần Tử, cuối cùng danh ca Lệ Thu đã nhắm mắt lìa đời. Đây là cái chết đầu tiên cũng là cái chết đầu năm 2021 của một nữ danh ca hải ngoại nhiễm phải con siêu vi khuẩn Vũ Hán, một vũ khí sinh học của Trung cộng.
 

Nói về danh ca LỆ THU, tôi còn nhớ ngày 7 tháng 7/2006, nhân mùa hè ấm áp tôi bay qua Houston, Texas tham dự đêm dạ vũ ca nhạc chủ đề Tình Ca và Nhạc Sống do cô em Túc Trí và anh em địa phương tổ chức với sự góp mặt của Khánh Ly, Lệ Thu, Việt Dzũng và Anh Dũng. Nghệ sĩ chúng tôi lâu ngày gặp lại nhau vui vẻ kéo nhau lên sân khấu cùng cất tiếng ca vang một khúc hát ngợi ca mùa hè rực rỡ.

Lệ Thu là một danh ca, trời phú cho giọng hát đặc biệt thích hợp với những ca khúc của các nhạc sĩ Trường Sa (Mùa Thu Trong Mưa, Xin Còn Gọi Tên Nhau...), Phạm Duy (Mùa Thu Chết) và nhiều tác giả khác: Y Vân, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Văn Thương… Vậy mà đứng cạnh tôi, cùng Khánh Ly, Việt Dzũng, Anh Dũng, chị Lệ Thu hát rất chân tình một ca khúc mùa hè của tôi.
 

Từ đó chúng tôi không còn dịp gặp lại nhau cho đến bảy năm sau thì Việt Dzũng qua đời (2013), rồi hôm nay tới phiên chị Lệ Thu. Danh ca Lê Thu ra đi để lại nỗi tiếc thương cho gia đình, bạn hữu và giới mộ điệu. Chị ra đi cũng mang theo thoáng kỷ niệm của tôi với chị, một thoáng thôi cũng là kỷ niệm. Trong giờ giải lao thấy tôi đứng dựa cột "suy tư", chị Lệ Thu bước tới nhỏ nhẹ hỏi "Anh Tấn suy tư gì thế?" . Một câu hỏi xả giao bình thường nhưng thật thân thiện và ấm áp.
 

Nay thì Lệ Thu đã ra đi. Dù vậy, tôi vẫn nghĩ ở bên bờ kia chị vẫn nhìn thấy và cảm nhận được những người mến mộ mình; chị xứng đáng nhận được lòng yêu mến của giới mộ điệu trong và ngoài nước. Danh ca Lệ Thu tên thật Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16 tháng 7năm 1943 tại Hải Phòng, là một trong những giọng ca lớn của nền tân nhạc Việt Nam.

 

* * *

 
Sự mất mát một danh ca khiến tôi nhớ tới nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước cũng đã từ biệt cõi đời năm 2020 vừa qua để lại cho đời nhiều nỗi tiếc thương. Xin kể riêng những người trong lãnh vực âm nhạc mà tôi từng quen biết.

Danh ca Thái Thanh mất ngày 17 tháng 3, 2020 tại California, Hoa Kỳ.
Nhạc sĩ Lê Dinh mất ngày 9 tháng 11, 2020 tại Longueuil, Quebec, Canada.
Danh hài Chí Tài mất ngày 9 tháng 12, 2020 tại Sài Gòn, Việt Nam.

Nhạc sĩ Lam Phương mất ngày 22 tháng 12, 2020 tại California, Hoa Kỳ.

Và đầu năm nay danh ca Lệ Thu mất ngày 15 tháng 1, 2021 tại Califorinia, Hoa Kỳ.

Nhắc đến danh ca THÁI THANH, tôi còn nhớ mùa hè 1996, nhà văn Mai Thảo và họa sĩ Khánh Trường tổ chức buổi ra mắt thơ của tôi tại hội trường báo Người Việt, Cali, Hoa Kỳ. Nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi đến tham dự góp vui trong đó vui nhất là danh ca Thái Thanh lần đầu tiên gặp tôi, nói: "Anh Phan Ni Tấn đây nhỉ?" Giọng Hà Nội nhỏ nhẹ, thanh tao của chị làm tôi nhớ hoài.

Danh ca Thái Thanh tên thật Phạm Thị Băng Thanh, sinh ngày 5 tháng 6 năm 1934 tại Hà Nội, được mệnh danh "tiếng hát vượt thời gian".
Nhạc sĩ LÊ DINH thì tôi gặp vài lần ở Montreal trong những dịp anh em văn nghệ sĩ tổ chức những buổi ca nhạc hoặc ra mắt sách vào thập niên 1980. Lần cuối cùng hai anh em lại gặp nhau trong buổi vinh danh 4 nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, Lê Dinh, Trường Sa và Phan Ni Tấn, chủ đề Nét Nhạc và Cung Đàn do nhóm nghệ sĩ địa phương tổ chức ngày 7 tháng 11, 2015 tại hí viện Isabel Bader Theatre, Toronto.
 

Nhạc sĩ Lê Dinh tên thật Lê Văn Dinh, sinh ngày 8 tháng 9/1934 tại Gò Công. Hoạt động văn nghệ từ thập kỷ 1950 từ trong nước ra hải ngoại. Ông là một trong ba thành viên của nhóm Lê Minh Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng).

Danh hài CHÍ TÀI thì ai cũng gặp trên màn ảnh cũng như ở ngoài đời. Gặp mặt Chí Tài với bộ râu con kiến bất hủ quẹt ngang là gặp niềm vui. Mùa hè năm 2001, trong giờ giải lao show PBN 58 chủ đề "Những Sắc màu Trong Kỷ Niệm" tổ chức tại Canadian Broadcasting Centre Toronto, gặp tôi Chí Tài vồn vã bắt tay cười nói: "Anh Tấn cho em nhạc hát chơi". Ngón đàn guitar của Chí Tài phải công nhận tuyệt chiêu.

Danh hài Chí Tài tên thật Nguyễn Chí Tài, sinh ngày 15 tháng 8/1958 tại Sài Gòn. Nghề nghiệp: ca nhạc sĩ, diễn viên, nghệ sĩ hài.

Nhạc sĩ LAM PHƯƠNG tôi chỉ gặp duy nhất một lần tại tư gia của anh. Tháng 3/1999 được tin nhạc sĩ Lam Phương bị đứt mạch máu não, sau đó được xuất viện về nhà, ông Ngạn và  tôi có đến thăm anh. Mùa hè năm 2018, anh chị em Kiên Giang tại Quận Cam yêu thích văn nghệ có ý định tổ chức một buổi ca nhạc cho nhạc sĩ Lam Phương và tôi, nhưng vì lý do nào đó đã không thành. Nghe anh em nói lại nhạc sĩ Lam Phương cũng có ý định muốn gặp tôi. Thiệt đáng tiếc.
 

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 tháng 3/1937 tại Rạch Giá. Ông là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc trữ tình Việt Nam với khoảng 170 ca khúc phổ biến từ thập niên 1950 đến nay.
 
blank

  * * *

 

Cũng trong năm 2020 vừa qua, chúng ta đều biết một số tên tuổi trong và ngoài nước đã qua đời:

- Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín (1952 - Jan 4/2020)

- Nhà văn Hồ Trường An (1938 - Jan 27/2020)

- Nghệ sĩ Ngọc Phu (1935 - Jan 31/2020)

- Ca sĩ Kim Anh (Ban Ba Con Mèo (1947 - Feb 28/2020)

- Nhạc sĩ, thiếu tướng Lê Minh Đảo (1933 - Mar 19/2020)

- Nhạc sĩ Trần Quang Lộc (1947 – Jun 7/2020)

- Nhà văn Túy Hồng (1938 – Jul 19/2020)

- Nhà văn, dịch giả Đỗ Phương Khanh (1936 – Aug 26/2020)

- Nghệ sĩ Hoàng Long (1936 - Sept 4/2020)

- Nhà văn (Nhật Tiến (1936 – Sept 14/2020)

- Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu (1935 – Oct 8/2020)

- Nghệ sĩ cải lương Nam Hùng (1938 – Oct 21/2020)

- Nghệ sĩ Ánh Hoa (1941 – Nov 1/2020)

- Ca sĩ Ngọc Cẩm (1930 – Nov 2/2020)

- Ca sĩ Mai Hương (1941 – Nov 29/2020

 

Toronto 16.1.2021

 

phan ni tấn

 

 Kim Phượng sưu tầm & tổng hợp

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %17 %075 %2021 %19:%01
back to top