Hoài niệm pháo Tết
Hoài niệm pháo Tết
Hoàng Công Danh
✧✧✧✧
Trong những hoài niệm về thuở ấu thời của mình, hẳn ai cũng nhớ pháo tết; nhớ những quả pháo nhỏ móc nhau trên một sợi dây tim, nhớ tiếng nổ đêm ba mươi, nhớ màu đỏ nhuộm thắm khoảnh sân nhà sáng mùng một. Cứ mỗi độ tết đến, như có một âm vọng pháo ngày xưa trở về thắc thỏm bên tai.
Tháng chạp đi chợ, rau cải của mạ màu xanh, mứt gừng màu vàng, khoai tía riềng màu tím… Nổi lên giữa nhốn nháo sắc màu ấy là cái đỏ của pháo treo trong các hàng tạp hoá. Tết đến sớm hơn từ những ô chợ nhỏ, người người đi sắm hàng tết không quên mua vài phong pháo về đốt; nhà khá giả thì hai ba phong, nhà nghèo mấy cũng nhất thiết có một phong đốt vào giao thừa. Tết không có pháo là ông bà khó biết đường để về cùng, ngày trước người ta quan niệm như thế.
Đi chợ những ngày cuối năm thích nhất hai việc. Thứ nhất là đến hàng mứt, o bán hàng cho một nhúm mứt dừa ăn thử, nếm cái ngọt của dừa quyện với đường như muốn lịm đi! Thứ hai là đòi mạ mua cho mấy phong pháo con, gọi là pháo tép. Pháo tép là loại pháo đồ chơi của con nít, phong pháo dài cỡ một gang tay được nhuộm màu xanh đỏ vàng từng chặng xen kẽ. Ngày đó mỗi phong pháo tép giá hai trăm đồng, bằng tiền mua hai cái bánh ít. Hàng bán pháo tép của o Nguyệt nằm bên trái hàng bán bánh ít của mụ Khung. Mạ cho hai trăm bạc cầm tới chỗ đó rồi cứ đứng thần mặt ra không biết nên mua pháo hay mua bánh vì cái gì cũng thích. Rứa là o Nguyệt cho một phong pháo và mụ Khung cho bánh không lấy tiền. Hai trăm đồng đó đem về cho thằng Cưng, nó lại đến đứng thần mặt trước hàng pháo. Cả lũ con nít làng rồng rắn ra chợ rồi lại rồng rắn về nhà, trên tay có pháo có bánh. Đúng là vui như tết!
Năm nào cũng thế, hai nhăm ngày chạp, mệ nội mới từ trên Lao Bảo về và mang theo những phong pháo. Thằng bé tôi đi khắp xóm khoe với mấy đứa con nít là pháo nhà mình mua ở bên Lào, sẽ nổ to nhất làng. Tết lấy pháo làm tín hiệu, trẻ con lấy pháo so sánh nhà mình với nhà bạn ăn tết to hay nhỏ. Pháo mua về đặt trên bàn thờ, anh em tôi cứ chạy quanh vói đầu lên nhìn, cứ đếm đốt ngón tay mong tết đến mau cho rồi để đốt pháo.
Nhà khá giả thì chiều ba mươi cúng tất niên đã đốt pháo. Trẻ con cứ nghe có tiếng nổ là kéo nhau chạy tới coi. Khói pháo cuối năm quyện với khói từ trong bếp, buổi chiều chợt trở nên bãng lãng ngan ngát bùi ngùi xao xuyến đến lạ; mùi pháo hăng hắc xộc thẳng vào mũi chẳng thể nào quên được.
Đêm giao thừa trời tối như bưng, nhà nhà treo pháo trên những cây cao, phong pháo dài ngoẵng dõng xuống như cái lưỡi thè liếm vào đất mơn man xuân. Phút chuyển khắc, hướng đông hướng tây, xóm trên xóm dưới thi nhau pháo nổ. Việc châm lửa đốt pháo thường do người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà thực hiện. Ông nội tôi năm nào cũng chít áo đóng khăn từ sớm, đi quanh mấy vòng như để quấy lên cái không khí mùa xuân. Ông đi ra ngõ, tôi đoán chắc ông đi rước tổ tiên về ăn tết cùng cả nhà. Dạo xong ông tới chỗ cây mít trước nhà, ở đó phong pháo đã móc sẵn từ đầu hôm, ông châm lửa vào và pháo nổ lên những tiếng “tết! tết!”.
Đêm trừ tịch ai cũng thức, người lớn trẻ con, đàn ông đàn bà cho đến lợn gà mèo chó. Có đứa trẻ làng thức không nổi nên thiếp ngủ đi lúc nào không biết, nhưng tới giao thừa nghe râm ran pháo là tự dưng bật dậy. Trẻ con và mùa xuân có gì đó giống nhau, đều được đánh thức bởi tiếng pháo. Hai anh em tôi cứ níu lấy vạt áo dài của ông nội mà nhảy, còn mấy chú thì đứng canh nhau chờ pháo nổ xong để vào nhặt. Mỗi phong pháo có vài quả pháo tống to nhất đơm xen cách trên sợi tim chính, cứ cháy đến đoạn nào gặp thì tiếng nổ to đùng lên. Tội nhất là lũ chó, quanh năm giữ nhà giữ cửa canh kẻ xấu vào ban đêm, thế mà tới giao thừa lại phải bỏ chạy ra ngoài bờ ruộng đứng hói mồm vào sủa inh ỏi.
Mỗi phong pháo cháy độ năm bảy phút, thế nhưng phải mất nửa giờ sau mới hết nghe tiếng nổ bởi có nhà đợi hàng xóm đốt xong rồi mình đốt sau, hoặc chắp thêm pháo vào đốt tiếp. Cả làng lắng lại mấy phút, nhường cái im lặng cho mùa xuân dạo bước vào nhà. Lúc đó ông nội nhủ anh em tôi vào ngủ, sáng mai mới được phép nhặt pháo. Hai anh em vào nằm ngủ, đứa mô cũng thỏ thẻ thì thầm vào tai mạ, nói sáng mai mạ thức con dậy sớm hơn nghe, để con ra nhặt pháo trước.
Đêm chuyển giao giữa hai năm dường như thời gian ngắn lại, vừa mới nằm một nhoáng đã nghe gà gáy. Tiếng gà đầu năm mới cũng gióng giã mạnh mẽ hào sảng hơn. Anh Trứ dậy trước, rón rén chui ra khỏi màn nhè nhẹ để tôi không tỉnh giấc; nhưng tôi biết được, thế là hai anh em cùng vùng chạy ra gốc mít. Xác pháo đêm qua vãi ra đỏ hồng một góc nương quanh cây mít. Mấy miếng giấy nhỏ nổ ra vướng lên trên ngọn cây, bỗng nhiên mít “nở hoa đỏ”. Bên kia cây mai cũng rực chín vàng sắc cánh hoa, sau một đêm mà mai bung độ đồng loạt. Có lẽ đó là nhờ tiếng pháo thức giấc những búp mai, mùi khói pháo quyến rũ khiến cánh mai nở ra để ngửi được nhiều hơn.
Hai anh em tranh nhau nhặt những quả pháo chưa kịp nổ, chúng nằm lẫn lộn giữa mớ xác pháo và hạt cốm nổ trộn muối đêm qua ông vãi khi cúng giao thừa. Nhét chiếc áo thun vào lưng quần xà lỏn, bụng ngực trở thành cái túi tha hồ mà bỏ pháo. Cả hai anh em nhanh tay tranh nhau nhặt, lúc đầu cứ vơ đại cả pháo quả lẫn xác giấy. Có khi cả hai cùng nhìn thấy một quả ở phía xa, vậy là ùa chạy đến hớt hãi chụp.
Mấy quả pháo rụng xuống đất tim còn y nguyên thì nhặt cất đi, ra năm đem đốt. Trò chúng tôi hay chơi nhất là nắn một tượng hình người bằng đất sét, kẹp quả pháo đó vào cổ tượng và đốt. Pháo nổ, đầu tượng đứt đi văng mất hút, chỉ còn lại thân phía dưới. Trò này gọi tên là tử hình bằng pháo. Ngày ấy nghịch ngợm đến thế! Loại pháo cháy hết tim nhưng chưa nổ, hoặc do dây tim kết không chặt nên nó đứt thẳng trước khi lửa đến được gọi là pháo xì. Những viên pháo xì này thì không chơi trò tử hình được mà lại bóc vỏ giấy ra lấy cái chất thuốc bồi kẽm trắng ở trong. Chất kẽm này đem pha nước thành màu nhũ trắng bạc rất đẹp để sơn phết lung tung. Anh Trứ khéo tay, hay nắn tượng Phật bằng đất, phơi cho khô rồi phết màu nhũ ruột pháo lên là bức tượng y như làm bằng kim loại.
Nhặt pháo xong thì trời đã sáng hẳn, hai anh em nhìn nhau nói “tết rồi!”, xong lại tranh nhau chạy vào mặc áo quần đẹp. Nhà hàng xóm không có trẻ con, cứ sáng đầu năm là hai anh em tôi chạy sang nhặt pháo. Bà cụ ra nói: “Chà! Nhà tui năm ni có hai ông Thần Tài vô đạp đất sớm dữ hè!”. Người quê rất coi trọng chuyện đạp đất (xông đất), hễ có con nít vào đạp đất là coi như năm đó an nhàn đầy đủ, có lẽ họ nghĩ con trẻ thì bao giờ cũng vô tư hồn nhiên, ăn no mặc đủ. Cứ thế, y chang năm nào hai anh em tôi cũng thành những vị Thần Tài vào ban phước cho nhà hàng xóm. Nhặt pháo xong, anh em tôi còn được lì xì tiền và mấy cái bánh in bọc giấy ngũ sắc, ở quê gọi là bánh Cộ mỗi độ tết mới có. Con nít trong xóm ngày tết cứ tíu ta tíu tít đem pháo ra khoe và thi coi đứa mô nhặt được nhiều hơn. Có khi mấy đứa góp pháo nhặt được lại, rồi kết thành chùm đem móc ở một cành cây ngoài đường làng và đốt.
Trong mấy ngày tết, những nhà khá giả hay đốt pháo vào ban trưa, lúc làm lễ cúng đưa đầu năm (mùng 2 hay mùng 3 tết). Hoặc lúc có khách quý phương xa về thì đốt pháo thể hiện sự trân trọng chào mừng. Hễ cứ nghe tiếng pháo là cả lũ trẻ kéo nhau đến nhà đó, chực pháo cháy xong thì nhào vô nhặt. Có khi đang gồng tay xô nhau tranh một quả pháo thì bỗng dưng quả pháo cháy ngầm rồi nổ đùng, cả mấy đứa hết hồn.
Đã hơn chục năm rồi dân mình không được đốt pháo, trải qua chừng ấy năm mọi thứ rộn ràng hơn nhưng hồn tết thì dường như bị nhạt mất. Có ai lục lại trong két sắt nhà mình, chỗ ngày xưa từng giấu mấy quả pháo nhặt được, xem có còn sót lại mảnh giấy xác pháo nào không? Có ai đi qua góc vườn cây mít, nơi từng móc những xâu pháo đợi giao thừa châm lửa, ngửi xem có còn sợi khói thơm mùi nao nao nào không? Có ai nằm trong đêm trừ tịch lặng thinh rồi hóng tai lên đợi nghe tiếng pháo đì đùng không?
Chỉ có nỗi hoài niệm trả lời cùng tôi!
Hoàng Công Danh
--------
Ngọc Lan sưu tầm
Hình Internet