Mẹ tôi
Mẹ tôi
❤️❤️❤️
Đêm nhìn vạn ánh sao rơi.
Trong lòng xin lỗi ngàn lời mẹ yêu.
Thấm sâu nhận thấy một điều.
Hôm nay còn mẹ, thật nhiều ơn trên
**************
LÒNG MẸ
Nha sĩ /Ca sĩ Thuý Hằng
Chiều nay trên đường đi làm về, lòng tôi chợt chùng xuống khi tình cờ nghe một câu hát được phát ra từ đài Saigon Houston:
“Mỗi mùa Xuân sang, mẹ tôi già đi một tuổi
Mỗi mùa Xuân qua, ngày tôi xa mẹ càng gần...”
Tác giả bài này, nhạc sĩ Trần Long Ẩn viết về mẹ của ông khi ở xa quê, không được gặp mẹ thường xuyên trong khi tuổi đời của mẹ thì ngày càng chồng chất. Viết về mẹ thì có rất nhiều nhạc sĩ , kể cả trong nước và ngoài nước, nhưng đề tài về mẹ vẫn luôn là nguồn cảm xúc, cảm hứng vô tận của người sáng tác. Phần lớn những bản nhạc đều nói lên tình mẹ bao la không gì có thể so sánh nổi hoặc là so sánh tình mẹ thương con với những gì mà người ta cho là ngọt ngào, dịu dàng, và thật đơn sơ như chuối ba hương, nếp mật, mía lau....
Nếu như những bài hát tả về lòng mẹ làm tôi thương mẹ tôi nhiều hơn thì bài “Mừng tuổi Mẹ” này làm tôi chợt thấy buồn, và một chút hối hận vì nhiều khi vì bận rộn với công ăn, việc làm, gia đình, con cái.. mà quên cả về thăm mẹ những khi rảnh rỗi. Càng ăn năn hơn khi nhớ đến những hy sinh, lo lắng mà mẹ đã dành cho anh chị em tôi. Bà ngoại tôi mất sớm, lúc mẹ tôi mới có 5,6 tuổi. Mồ côi mẹ từ nhỏ, ông ngoại tôi lúc đó làm chánh tổng, lúc nào cũng phải lo việc quan, nên ông ít có thời giờ chăm sóc mẹ tôi. Gà trống nuôi con trong hoàn cảnh này nên theo lời mẹ tôi kể, suốt ngày mẹ chỉ lủi thủi chơi với trẻ con hàng xóm trước cổng nhà để rồi lại rúc vào góc nhà mà khóc một mình vì tủi thân mỗi khi thấy những đứa trẻ cùng trang lứa được mẹ chúng chăm sóc, được mẹ cho quà mỗi khi tan chợ về.
Nỗi mất mát thật to lớn đó có lẽ là lý do mà mẹ tôi dồn hết tất cả tình thương mà một người mẹ có thể dành được cho con của mình. Mẹ tôi đã hy sinh thật nhiều cho gia đình, đặc biệt là những tháng ngày sau biến cố 75, phải một nắng hai sương , tảo tần buôn bán để lo cho chúng tôi ăn học cho dù trước đó, mẹ tôi chẳng hề phải bận tâm về mưu sinh vì mọi vấn đề tài chánh trong gia đình đều do bố tôi cáng đáng.
Chiều nay, nghe bài hát này, tâm trí tôi lại nhớ đến cách đây vài tháng, khi mẹ tôi bị gãy xương, phải vào bệnh viện để điều trị.
Hôm đó,mẹ tôi đang ngồi trên ghế, trơn, mất thăng bằng, bị tụt xuống trên nền nhà. Thế là bà cụ kêu đau. Mấy ngày đầu, chỉ thấy kêu đau nhẹ và chỉ uống thuốc giảm đau không cần toa như Tylenol, Motrin mà vẫn có thể đi loanh quanh trong nhà với cái “walker” tôi mua ngoài tiệm thuốc. Nói đến walker, nạng chống, tôi lấy làm lạ là lần đầu tiên mẹ tôi đòi mua những dụng cụ giúp đi, đứng như thế này. Phải nói vậy vì mẹ tôi tuy đã luống tuổi, đầu “một thứ tóc”mà hãy còn... “điệu” lắm. Cách đây hơn một năm, mặc dù chân yếu nhưng nhất định không chịu dùng nạng chống, nhất là khi đi ra ngoài, đi lễ.. vì sợ người ta nghĩ mình... già dù bây giờ tuổi mới có hai que nữa là đủ ... 10 bó. Biết tính mẹ tôi như thế nên khi thấy mẹ tôi đòi mua walker, tôi chợt thấy hơi lo trong lòng vì có lẽ phải đau lắm, đi không nổi nên mẹ tôi mới đòi như vậy.
Tôi chợt nhớ đến Tăng Sâm, người nước Lỗ, một trong những học trò ruột của Khổng Tử, được đề cập đến trong nhị thập tứ hiếu vì những hành động, cử chỉ thương mẹ thật đơn giản mà ngày xưa tôi phải học thuộc lòng khi còn học lớp sáu trung học. Tôi không dám tự mình so sánh với Tăng Tử, tác giả của bộ Tứ Thư nhưng tôi muốn nhắc đến vị hiền triết này vì nhờ ông, tôi thấu suốt hơn thế nào là hiếu thảo.
Có lần bà mẹ đánh ông, ông khóc nức nở. Ngạc nhiên bà mẹ dừng roi và hỏi: Sao từ trước đến nay mẹ đánh chẳng bao giờ con khóc mà hôm nay con lại khóc?
Thưa mẹ, mấy lần trước con đau nên biết mẹ còn khỏe, nay con không thấy đau nữa nên thương mẹ đã già yếu.
Cũng vậy, tự nhiên thấy mẹ tôi đòi những gì mà trước giờ không thấy bà cụ đòi, tự nhiên tôi thấy lo lắng trong lòng, một điều mà mấy lúc sau này mỗi khi đến chị tôi để thăm, tôi thường nghĩ đến. Mẹ tôi đã già rồi, thời gian chẳng còn bao lâu nữa. Những lần nghĩ đến, lòng tôi lại chùng xuống.
Hôm đó, đang làm thì chị tôi gọi báo cho biết là tự dưng mẹ tôi than đau, đau nhiều đến nỗi ngồi dậy cũng không được chứ đừng nói gì đứng dậy để đi vào nhà vệ sinh. Chỗ đau nằm ngay vùng xương chậu khiến tôi lo lắng vì nếu xương chậu mà bị gãy thì sẽ không đi đứng gì được và thời gian bình phục sẽ rất lâu.
Cũng may, tôi có anh bạn bác sĩ làm trong bệnh viện giúp bằng cách cho nhập viện thẳng thay vì phải đi khám, thử đủ thứ trước khi được vào. Nhờ vậy, sáng đó em tôi đem mẹ tôi thẳng vào phòng trên lầu khoa giải phẫu mà một người bạn “nursing manager” đã chuẩn bị sẵn cho mẹ tôi mặc dù độ này bệnh viện rất bận vì nhiều bệnh nhân nhập viện do bị nhiễm Covid-19.
Nhờ anh bạn bác sĩ tốt bụng đã chịu khó dậy sớm order sẵn một loạt các loại tests, các bác sĩ chuyên môn cần gặp từ văn phòng... nên từ lúc mẹ tôi nhập viện, mọi việc cứ tuần tự diễn ra thật nhịp nhàng, thứ tự. Hết nhân viên lab vào lấy máu, nước tiểu để thử nghiệm đến x-ray đem mẹ tôi đi chụp MRI, CT SCAN... Bác sĩ về giải phẫu xương vừa ra thì bác sĩ “interventional radiologist”, một ngành chuyên môn trong X-Ray lại vào. Chiều đến thì bác sĩ niệu tiết, nội khoa thay phiên nhau đến... Cũng may là nhờ tôi làm tại bệnh viện này đã gần hơn 30 năm nên quen biết nhiều, từ y tá, nhân viên các phòng, bác sĩ chuyên môn... nên ai cũng tận tình giúp đỡ nên theo tôi nghĩ, mẹ tôi được chiếu cố tận tình hơn các bệnh nhân khác và mọi thứ được làm trong một thời gian kỷ lục.
Cũng nhờ quen biết nên họ mới cho tôi ở lại đêm để chăm sóc mẹ tôi hôm đó. Trước khi có dịch covina thì đây là chuyện thường, chẳng có gì đáng nói. Nhưng trong tình hình lúc đó, các bệnh viện thường chỉ cho một người vào chăm sóc bệnh nhân và thường chỉ được ở từ 10 giờ sáng đến 4,5 giờ chiều để tránh tình trạng lây lan nếu có quá nhiều người ra vào.
Mẹ tôi được nhập viện sớm cũng là một điều thật may mắn vì nhờ đó, bác sĩ mới khám phá ra là mẹ tôi bị gẫy xương cột sống. Xương ở đốt L1 và L3 bị gẫy nên chèn vào dây thần kinh làm mẹ tôi đau mỗi khi ngồi dậy mặc dù từ sáng giờ, y tá chích liên tục một mũi Morphine mỗi 4 tiếng. Cách đây hơn một tiếng, bác sĩ giải phẫu xương vừa quyết định sẽ làm tiểu phẫu ngày mai sau khi đã coi kết quả MRI làm lúc chiều.
Thế cũng hay vì hy vọng sau khi mổ, mẹ tôi sẽ bớt đau và cơ may đi đứng bình thường sẽ khả quan hơn.
Thế là y tá lại vào phòng để sửa soạn những thủ tục cần thiết để chuẩn bị cho cuộc giải phẫu ngày hôm sau như thử nghiệm Covid, tắm rửa, thử máu, nước tiểu... Vì mẹ tôi bị gẫy đốt xương sống, không đi chuyển được nên họ chỉ lau người, khử trùng.... Mỗi lần họ xoay người để lau là mỗi lần mẹ tôi lại rên rỉ vì đau, mỗi lần nghe mẹ kêu đau là mỗi lần tim tôi như thắt lại. Đau do gẫy xương sống vốn đã nhiều, mẹ tôi lại nhát đau nên sự đau đớn càng tăng lên theo cấp số nhân. Tôi lại nhớ đến bố tôi ngày xưa khi còn sống. Có lẽ vì biết tính mẹ tôi nên mỗi lần bà bị đau, bố tôi lại cuống cuồng, đứng ngồi không yên, chạy đi tìm đủ mọi loại thuốc tây, tàu .. cho mẹ tôi uống, cho dù có đắt bao nhiêu cũng ráng tìm cho bằng được. Điều này tôi biết được là nhờ được đọc những trang nhật ký viết cách đây gần nửa thế kỷ mà tôi tìm được trong tủ sách của bố tôi.
Bây giờ nhìn mẹ tôi nằm thiêm thiếp, hơi thở nhẹ và đều đặn, trí tôi lại trở lại những ngày thật xa xưa khi tôi hãy còn bé. Lúc đó tôi mới 4 tuổi, mẹ tôi vừa sanh H, em gái tôi trong bảo sanh viện Nghĩa Hiệp, nằm ngay trong hẻm, đối diện với nhà của tôi. Tôi cũng được sanh ở đây. Bảo sanh viện này chỉ là cơ sở nhỏ, gồm hai căn nhà sát nhau được nối rộng ra với độ gần chục phòng nhỏ, chỉ vừa đủ kê một cái giường sắt và một cái bàn nhỏ đầu giường với bình thủy đựng nước nóng dùng để pha sữa và lon sữa đặc nằm trong một đĩa đựng nước nhỏ để kiến khỏi bò vào vài quả cam, táo bố tôi mua để mẹ tôi “tẩm bổ”. Cơ sở này do một bà mụ người tàu từ Hồng Kông qua làm chủ. Cách nhà tôi độ vài trăm thước cũng có một bảo sanh viện khác khang trang, sạch sẽ hơn, do bác sĩ phụ khoa điều hành mà không biết tại sao mẹ tôi lại chọn để sanh tôi và em gái tôi. Tôi đoán có lẽ vì cơ sở này ở ngay trước nhà, để chị C, người giúp việc cho gia đình tôi có thể chạy qua chạy lại chăm sóc dễ dàng. Cũng có thể là vì bà mụ người tàu này mát tay, hay là vì lúc đó tôi còn bé nên mẹ tôi có thể vừa nằm săn sóc em tôi và cả tôi, lúc đó chưa đi học và chỉ ở nhà một mình. Mặc dù lúc đó chỉ mới bốn tuổi nhưng trí óc thật non nớt của tôi đã ghi lại những hình ảnh thật đẹp đó và cho mãi đến bây giờ, sau hơn nữa thế kỷ, tôi vẫn nghĩ như là chuyện mới vừa xảy ra ngày hôm qua. Tôi còn nhớ cả ngày, khi bố tôi đi làm, các anh chị tôi đi học, tôi cứ loanh quanh chơi bên mẹ để lâu lâu xà vào lòng, được sờ ... tí mẹ và nhất là đến bữa cơm, được mẹ cho ăn cơm với thịt kho tàu, thật mặn mà người ta thường cho các bà... đẻ ăn sau khi sanh để nhờ nước mắm mặn, tử cung chóng co thắt lại như tình trạng bình thường(???). Phải công nhận là bà mụ tàu kho món thịt kho ... tàu này thật là ngon. Ngon đến nỗi mà cho đến bây giờ mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc lại.
Mẹ tôi đang bị đau, giường lại nhỏ, nhất là đang ở trong bệnh viện chứ nếu không, tôi đã leo lên giường để nằm ôm mẹ như những lần qua nhà chị tôi thăm mẹ. Tôi lại nhớ đến những giòng nhật ký bố tôi viết vào năm 1961, đêm 28 tết, trước ngày di quan của bà nội tôi. Đêm đó, bố tôi thức trắng đêm, ngồi bên quan tài bà nội, viết nhật ký về những ngày bố tôi còn bé, cũng vào những ngày giáp tết, được theo bà nội đi chợ phiên để sửa soạn đồ ăn cho ba ngày tết. Bố tôi thương bà nội vì cả đời cực khổ lo lắng cho chồng, con để rồi khi chết cũng không được ra đi thanh thản vì bà nội tôi mất vào ngày 28 tết, năm đó lại là năm thiếu nên chết hôm 28 thì 29 tết đã phải đem chôn vì theo thông lệ, không ai nên có tang lễ trong nhà vào những ngày tết vì kiêng cử. Cũng vậy, tôi muốn được ôm mẹ tôi vào lòng bất cứ lúc nào có thể được vì mẹ tôi đã già, yếu nhiều, biết còn được hưởng hạnh phúc như thế này đến bao giờ.
Bây giờ đã hơn hai giờ sáng không ngủ được vì tiếng động của y tá cứ vài tiếng lại vào đo huyết áp, nhiệt độ. Phần thì lâu lâu lại nghe tiếng hú của xe cứu thương, phần thì mẹ tôi đau quá nên cứ rên rỉ suốt đêm, tôi phải thức để nhắc y tá cho thuốc giảm đau. Ngủ không được, tôi ngồi dậy nhìn, ngắm mẹ tôi ngủ, cố in những hình ảnh này vào đầu để một lúc nào đó khi mẹ không còn nữa, đó sẽ là hành trang mà tôi đem theo từ đây cho đến cuối đời mỗi khi nhớ đến mẹ.
Viết tặng cho những ai còn hay mất mẹ.
Ngày Hiền Mẫu 2021
Nguyễn Viết Hiển
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %09 %042 %2021 %20:%05