Texas là một tiểu bang có diện tích lớn thứ hai của Hoa Kỳ – và gấp đôi Việt Nam – 695,662 km2, mà dân số chỉ có 28,701 (thống kê năm 2018) – với những vùng đồng cỏ bát ngát. Khoảng 10 năm qua, không ít “bước chân Việt Nam”, từ nhiều nơi đã dừng lại ở Texas.
Với đức tính cần cù, siêng năng của người Việt, nhiều người đã đạt được mộng ước có một cuộc sống an lành trên đồng cỏ mênh mông đó. Ðặc biệt những năm gần đây, số người đến lập nghiệp ở Texas, nhất là trong hạng tuổi trung niên trở lên đã gia tăng. Họ có một số vốn sau nhiều năm làm việc và muốn sở hữu một trại gà- điều này đã làm lệch cán cân Cung Cầu cho hệ thống trang trại nầy.
Xin mời quý độc giả theo chân người viết, đến thăm một vài trại gà tại vùng Winnsboro và vùng lân cận thuộc Texas – cách Dallas 100 miles về hướng Ðông.
Ðầu tiên là anh chị Ðặng Ðức Chính đang sống tại Pickton, TX.
Trước kia anh ở đâu, có biết gì về nghề nuôi gà không và động lực nào đã đưa anh đến đây?
Đặng Đức Chính (ĐĐC): Tôi ở San Jose, có xe bán thức ăn như một “tiệm ăn di động”, làm ăn cũng khấm khá, nhưng vất vả và mất nhiều thời gian. Tháng 8 năm 2013, tôi đến thăm người bạn đang làm trại gà ở vùng nầy, thấy công việc thích quá, nên quyết định mua trại gà vào tháng 12 năm 2013, dù chưa một chút hiểu biết về nghề nầy.
Với quyết định táo bạo như vậy, công việc diễn biến thế nào mà anh được thành công như hôm nay?
ĐĐC: Qua sự giúp đỡ của người bạn, tôi mua trại nầy, là một trại cũ với vài chục mẫu đất. Tôi đã được người bạn và các anh em mới quen biết ở đây hướng dẫn tận tình. Tôi mướn một người Mễ đã từng có kinh nghiệm làm việc ở trại gà phụ giúp công việc và cũng để mình học nghề. May mắn, mọi sự suôn sẻ. Ðến năm 2016, người chủ trại bán luôn miếng đất còn lại 133 mẫu và căn nhà tôi đang ở với giá phải chăng, nên tôi mua luôn.
Công việc và cảm tưởng của anh chị về cuộc sống ở đây?
ĐĐC: Bình thường, hai vợ chồng làm công việc trại gà chỉ tốn 4, 5 tiếng là xong. Nhưng những lúc trục trặc thì rất vất vả. Tôi cũng đang gầy dựng đàn bò được vài chục con.
Nhìn bò nhởn nhơ gặm cỏ trên cánh đồng thênh thang, tôi nghĩ, đây đúng là “Vùng Trời Bình Yên”.
Từ giã anh Chính, người viết đến trang trại của anh Nguyễn Thiện gần thị trấn Winnsboro, với căn nhà xinh xắn, do chủ nhân tự thiết kế, chung quanh là cây cảnh, bông hoa thật đẹp mắt.
Anh định cư tại Hoa Kỳ năm nào? Đã sống ở đâu, làm nghề gì và cơ duyên nào đưa anh về đây?
Nguyễn Thiện (NT): Tôi được người anh bảo lãnh qua Mỹ năm 2010 và định cư tại New Jersey. Ở đó, tôi làm nghề xây dựng khá nặng nhọc. Năm 2015, sang đây thăm anh, tôi được gặp gỡ những gia đình làm trại gà. Qua tiếp xúc, tôi thấy các anh chị đối xử với nhau rất thân thiện, đầy tình người như ở Việt Nam, với cuộc sống thật êm ả.
Thích quá, tôi quyết định về đây trong lúc không có chút hiểu biết nào về nghề nầy. Tôi mua trang trại nầy vào tháng Giêng, năm 2016.
Làm sao anh có thể điều hành trại gà lúc bắt đầu?
NT: Lần đầu tiên, khi hãng đưa gà vô, tôi không hề biết gì về hệ thống máy móc, computer. Nhưng thật may mắn và cảm động, khi có cả chục người bạn mới – chủ các trại gà khác – đến giúp, mỗi người chỉ bảo một việc. Sau đó, mỗi lần có trở ngại, tôi gọi điện thoại cho các anh và được hướng dẫn tận tình. Sau 2 đợt gà, tôi tương đối biết mọi việc. Hơn một năm sau, tôi đưa nhà tôi và con trai sang đây.
Công việc chăm sóc trại gà hàng ngày của anh có nặng nề không, và anh có hài lòng với lựa chọn của mình không?
NT: Trại của tôi có 6 chuồng. Năm rồi, cơn bão đã làm hư hại 3 chuồng. Bảo hiểm bồi thường và đang xây lại 3 chuồng. Công việc hàng ngày của vợ chồng tôi là nhặt gà chết, bắt đầu từ 5 giờ sáng, chỉ vài tiếng là xong. Công việc hơi cực là sau khi ra gà xong. Có khoảng 2 tuần để dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại, dùng máy cày, xới phân cho nhuyễn đều, rồi lấy ra bớt, chỉ chừa lại 4 inch, cho nền bằng phẳng để vô gà mới. Khi ở Việt Nam, chúng tôi sống ở miền quê, làm việc cực nhọc hơn nhiều, nên với tôi, công việc này không quá nặng nề.
Tôi cảm thấy rất sung sướng, vì tôi đã chọn đúng chỗ, đúng nghề và có được một cuộc sống an bình.
Tạm biệt anh Thiện, chúng tôi đến thăm anh Trần Duy, một trong những người làm trại gà lâu năm nhất vùng nầy, để tìm hiểu thêm về phần chuyên môn.
Anh Duy là kỹ sư. Vợ anh là bác sĩ. Năm 2005, khi chị mở phòng khám bệnh tại thị trấn Winnsboro, anh đã quyết định mua trại gà và hoạt động trong nghề cho đến nay.
Xin anh cho biết có bao nhiêu hãng gà đang hoạt động tại Texas? Tên các hãng có trại gà người Việt tại vùng Winnsboro và phụ cận?
Trần duy (TD): Texas có 3 hãng lớn là Tyson, Pilgrim và Sanderson. Tại vùng nầy, người Việt nuôi gà cho hãng Pilgrim và Sanderson.
Khi ký hợp đồng, hãng có ấn định thời gian bao nhiêu năm không?
TD: Với hãng Pilgrim, nếu trại mới xây thì hợp đồng 15 năm, còn trại cũ thì ký mỗi năm.
Có trường hợp nào bị hủy hợp đồng không?
TD: Khi người nuôi không làm theo đúng những quy định và tiêu chuẩn mà người nuôi phải chấp hành. Trường hợp người nuôi vi phạm nhiều lỗi, hãng buộc người nuôi phải bán trại.
Khi mua trại gà, chủ trại phải làm cho một hãng duy nhất hay có thể hợp đồng với hãng khác?
TD: Phải làm cho hãng đó. Ít khi có trường hợp được đổi từ hãng này qua hãng khác.
Thời gian nuôi gà trong chuồng là bao lâu?
TD: Tùy theo size gà. Nuôi 32 ngày, gà nặng khoảng 3.5lbs. Nuôi 42 ngày, gà nặng khoảng 5lbs. Nuôi 49 ngày, gà nặng khoảng 7lbs, và nuôi 63 ngày, gà nặng khoảng 9lbs.
Chuồng gà có bao nhiêu size?
TD: Có nhiều size. Thập niên 80, size chuồng rộng 40ft, dài 300ft (chứa 16,500 con gà / mỗi con nặng 5lbs). Sau đó, có các size: 40×400 và 40×500 (chứa 19,500 con gà/ 9 lbs). Hiện nay, có nhiều size như: 43×600 – 46×600 – 50×600.
Trại có 8 chuồng lớn, mỗi ngày, một người phải làm bao nhiêu giờ?
TD: Chuồng mới 46×600, làm trung bình từ 6 đến 8 tiếng. Công việc là nhặt gà chết, sau đó đem thiêu. Chuồng size 40×500, một người làm 4-6 tiếng. Khi gặp trục trặc kỹ thuật, có khi phải làm từ sáng đến tối. Trại gà cũ thì trục trặc kỹ thuật nhiều hơn, đòi hỏi phải thức khuya, dậy sớm, làm nhiều giờ, rất cực. Công việc nặng nhất là khi bắt gà ra và vô gà mới. Ðến ngày hãng báo bắt gà, chủ trại phải thức cả đêm để chuẩn bị, như nâng các máng chứa thức ăn, nước uống lên cao, để xe chạy vào trong. Ra gà xong phải “clean up” và làm nền lại cho kịp ngày gà mới vô.
Gà con, thức ăn, thuốc ngừa bệnh, có phải do hãng cung cấp?
TD: Hãng cung cấp gà con, thực phẩm và thuốc (nếu cần). Có nhân viên đến kiểm tra thường xuyên. Hãng Pilgrim thì khoảng 1 hoặc hơn 1 tuần họ đến. Hãng Sanderson khó hơn, cứ cách 1 ngày lại có nhân viên đến.
Sau đợt nuôi xong, họ tính tiền ra sao?
TD: Hãng sẽ trả tiền theo cân. Nhưng số tiền căn cứ vào nhiều yếu tố khác: cân nặng của con gà, ít hao cám – tiêu thụ nguồn cung cấp của hãng tốt – thì được trả tiền nhiều hơn. Còn gà nuôi không nặng cân, tiêu hao thức ăn nhiều, chết nhiều, thì bị xếp hạng thấp, tiền ít hơn. Hãng dùng cách so sánh các trại và xếp hạng. Họ sẽ trừ tiền người nuôi dở và thưởng cho người nuôi giỏi.
Số gà bị chết trong chu kỳ nuôi có phải báo và bị trách nhiệm không? Có giới hạn tỷ lệ gà chết và nếu gà chết hết, có bị bồi thường không?
TD: Gà bị chết 2%- 5% là bình thường. Hằng ngày, phải ghi số gà chết vào báo cáo. Nếu gà chết nhiều – một cách bất thường – phải báo cáo cho hãng ngay. Nếu vì lý do nào gà chết hết, người nuôi không phải chịu trách nhiệm đền bù. Người nuôi có mua bảo hiểm và được bồi thường nếu trại có thiệt hại vì lý do nào đó.
Theo sự tìm hiểu của người viết, khá nhiều người Việt đã thành công trong nghề nuôi gà gia công. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó mà người Mỹ gốc Việt đã được các hãng gà đón nhận khá dễ dàng.
Tuy nhiên, công việc nào cũng có nhiều mặt và tùy hoàn cảnh – tạm cho là số mạng – nên cũng có người gặp thất bại trong nghề nầy, khi phải đầu tư số vốn lớn cho một công việc, mà hãng gà là chủ. Không phải ai cũng có vận may, được một cộng đoàn sát cánh trợ giúp ban đầu như anh Chính và anh Thiện.
Có thể sắp tới, người viết sẽ có cơ hội tiếp xúc với những người gặp thất bại trong nghề để chia sẻ cùng độc giả.
Trên đường về, qua những cánh đồng cỏ xanh biếc với đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, người viết cảm nhận được câu nói “Vùng Trời Bình Yên” của anh Chính, người chủ trại gà đầy nghệ sĩ tính.