Toàn bài thơ EM LÀ… tôi đắc Ý nhất là câu “… Hiện hữu an bài là hạnh phúc ! “.
Không đòi hỏi cao xa, không tiếc nuối những điều mà mình không thể với tới đươc !…CHẤP NHẬN HIỆN TẠI là HẠNH PHÚC các bạn ạ !
Thân mến !
Đỗ Chiêu Đức
TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ NHẤT TUẤN
(Đỗ Chiêu Đức)
Kính điếu
08-08-2021
TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ NHẤT TUẤN
Được tin thi sĩ Nhất Tuấn, nhà thơ của tuổi học trò, của đời lính đã qua đời vào khuya Thứ Bảy, ngày 31 tháng 7 năm 2021, tại thành phố Bothell, Washington USA. Hưởng thọ 86 tuổi. Vô cùng tiếc thương và xúc động trước cái chết của một nhà thơ đã có ảnh hưởng rất lớn tới lứa tuổi học trò trong khoảng thập niên 1960 -70 của thế kỷ trước...
...Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa...
Xướng :
NHẤT TUẤN CÒN ĐÂU
Bên trời chợt tắt một vì sao,
Khép lại mộng mơ của dạo nào...
"Chuyện Chúng Mình" đây, còn vẳng mãi...
"Thơ Người Lính" đó, để ngàn sau...
"Ái Khanh" nhí nhảnh khoe đen tóc,*
"Nhất Tuấn" chân thành lạy Chúa cao.
"Hoa Học Trò" mimosa một thuở...
"Trẫm" đi rồi, "Ái Khanh" ở phương nao ?!
Đỗ Chiêu Đức
Kính điếu
08-08-2021
* Thơ của "Ái Khanh" trong "Chuyện Chúng Mình" Tập 3 :
..."Người ấy thường hay níu tóc tui,
Nổi sùng khi thấy tóc đen thui !"
Cả ngày vào lớp làm thơ nhảm,
Học chẳng đi lên chỉ thụt lùi !!!
* Ca khúc "Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời" của nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ Nhất Tuấn :
Con quỳ lạy Chúa trên trời,
Sao cho con lấy được người con yêu
Ðời con đau khổ đã nhiều
Từ khi thơ dại đủ điều đắng cay
Số nghèo hai chục năm nay
Xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn nghèo
Chúa ơi ! Chúa ơi !...
Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời | Nhạc: Phạm Duy
- Thơ: Nhất Tuấn | NHẠC THÍNH PHÒNG
* Thơ Nhất Tuấn (Chuyện Chúng Mình tập 2) Trần Thiện Thanh phổ nhạc :
... Ngày thứ tám, em vào ngồi chép phạt
Mấy trăm câu mà viết mãi không xong
Bà giám thị cầm giấy xem chỉ thấy
Chúa nhật này "Trẫm nhớ Ái Khanh không?"
Đỗ Chiêu Đức
Buồn Trong Kỷ Niệm
Thơ: Nhất Tuấn. Giọng ngâm: Hoàng Oanh.
Nguồn: Trang vhp.Hạ Vũ
-----------------------------
Đỗ Chiêu Đức 3
https://sites.google.com/site/dochieuduc03/
Chúng em , cựu học sinh trường Tân Hưng Cái Răng thực hiện trang mạng mang tên Thầy với niềm hảnh diện của học trò trường Tân Hưng và những đồng hương chợ Cái Răng . Xin Cám Ơn Thầy !
Đỗ Chiêu Đức làm thơ tặng vợ
Đỗ Chiêu Đức thường được bạn bè tặng cho biệt danh Thầy đồ, bởi anh chuyên nghiên cứu thơ văn cổ, điển tích xưa. Nay anh còn làm thơ tặng vợ nhưng cũng với phong cách của một nhà nghiên cứu. Thơ mới nhưng lại có điển tích. Điều đáng nói là anh cũng không để cho bạn đọc khó hiểu, đã giải thích những từ cổ xưa (SOS)
Ông bà Đỗ Chiêu Đức
EM LÀ….
Em là tặng phẩm từ trời
Và là bà xã tuyệt vời của anh !
Em là cô bé hiền hòa
Mi thanh mục tú miệng hoa mỉm cười
Anh là thầy giáo đôi mươi
Văn hay chữ tốt sánh đôi vợ chồng !
Ba sinh hương lửa tự bao giờ
Nguyệt Lão an bày chuyện tóc tơ
Bảy năm trước đó cô trò nhỏ
Bỗng chốc trở thành nội tướng to
Cũng chẳng yêu thơ, chẳng thích từ
Học hành lơ láo , ghét văn thơ
Lấy phải trượng phu là thầy giáo
Học trò lớn nhỏ gọi bằng ” Cô ” !
Em là… Cô giáo không lên lớp….
Tiểu học, học trò gọi ” Thầy, cô ”
Dù không lên lớp vẫn…Cô…Cô !…
Trung học lên ngay thành ” Bà giáo ”
Công danh vùn vụt khỏi mong chờ !
Thỉnh giảng mời thầy lên Đại học
” Bà giáo ” giờ thêm một chữ ” sư ”
” Bà giáo Sư ” chưa xong Trung học
Sinh viên Đại học vẫn…” Chào Cô ” !
Em là… Tặng phẩm của Trời !…
Một nửa ai kia khéo tuyệt vời
Nửa nầy gặp phải sánh thành đôi
Nội tướng chu toàn gia thất nội
Tướng phu giáo tử bấy năm trời (1)
Cũng chẳng thanh mai, không trúc mã
Xướng tùy phu phụ bấy nhiêu niên
Bách thế tu lai đồng thuyền độ
Vạn thế tu lai cộng chẩm miên ! (2)
Bình thủy tương phùng còn vương vấn
Huống hồ hôm sớm ngụ chung nhà
Nhựt cửu sinh tình, tình sinh nghĩa
Nghĩa tình vấn vít khó rời xa !… (3)
Tặng em … Mẹ hát câu ru võng
Vẳng mãi bên tai giọng thiết tha…
Ầu ơ !…. Cây da trước miểu…
Cây da trước miểu, ai biểu cây da tàn…
Bao nhiêu lá rụng… ờ….
Bao nhiêu lá rụng, anh thương nàng… bấy nhiêu !
Em là… nội tướng tuyệt vời !
Trời sai đem xuống tặng người hữu duyên
Số anh lận đận truân chuyên
Cho nên vướng phải cái duyên tơ hồng !
Cũng chẳng mi cong, chẳng má hồng
Em là gạo lức mặn nồng ngon cơm
Cùng chồng lặn lội nuôi con
Thân cò chẳng quản lên non xuống ghềnh
Một mình cô khổ lênh đênh (4)
Nuôi chồng cải tạo buồn tênh tháng ngày
Trông đàn con trẻ hôm mai
Miếng ăn miếng mặc không ngày nghỉ ngơi
Em là…Từ mẫu tuyệt vời !….
………………………………………..
Lặng lẽ thời gian vẫn cứ trôi
Mấy mươi năm cũ thoáng qua rồi !
Hiện hữu an bày là hạnh phúc
Em là tất cả của riêng tôi !
Xưa kia…
Em là vưu vật trên đời
Và là bà xã tuyệt vời của anh !
Nay thì…
Em là nội tướng trị an
Và là Tổ Mẫu của đàn cháu thơ ! ( 5).
Đỗ Chiêu Đức.
Chú thích :
(1). Tướng phu giáo tử 相夫教子: Là giúp đỡ khuyến khích ủng hộ chồng trong sự nghiệp và nuôi dạy con cái. Chữ TƯỚNG nầy là support trong tiếng Anh, tiếng Việt không có từ chính xác để dịch. Nó là chữ Tướng trong từ Thừa Tướng đó !.
(2). Bách thế tu lai đồng thuyền độ, Vạn thế tu lai cộng chẩm miên. 百世修來同船渡,萬世修來共枕眠: Nghĩa là Cùng tu với nhau một trăm kiếp mới đi được chung thuyền với nhau ( đồng hội đồng thuyền ). Cùng tu với nhau một vạn kiếp mới ngủ chung gối với nhau được ( mới nên duyên chồng vợ ). Đây là câu nói trong TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN nhằm khuyên ta nên trân trọng tình vợ chồng vì khó khăn lắm mới đến với nhau được.
(3). Bình thủy tương phùng 萍水相逢: Là bèo nước gặp nhau, chỉ sự gặp gỡ tình cờ, hời hợt, không hẹn trước, xong rồi thì mỗi người một nơi, như bèo và nước mặc ai nấy trôi, nấy chảy.
(4). Cô khổ lênh đênh : Là nói trại của thành ngữ Cô khổ linh đinh 孤苦伶仃: Cô đơn sầu khổ lẻ loi trơ trọi có một mình.
(5). Tổ Mẫu 祖母: Là bà nội. Đúng ra chỉ có nghĩa là bà mà thôi. Nhưng bà mà ở chung nhà thì thường là Bà Nội. Còn bà ngoại thì thêm một chữ ngoại nữa là : Ngoại Tổ Mẫu.
Đỗ Chiêu Đức may mắn cưới được cô học trò nhỏ ngày xưa vể làm nội tướng, chỉ do mai mối tình cờ thôi.!. Trong tấm hình kèm theo đây, cái hình nhỏ có 2 thầy giáo trẻ và một đám học trò nữ vây quanh, trong đó có một cô là bà xã sau nầy. Quý vị thử nhìn xem có đoán ra được là cô bé nào hay không ?. Vui !
H1: bà và các cháu
H2: Hình ảnh ngày xưa (1974)
Bà Xã tôi hồi nhỏ là cô bé ” đứng thứ nhì tính từ tay phải, trên tay có cầm cái bóp màu trắng đó “. Lúc đó tôi 19 tuổi, ” bà Xã ” chỉ có 12 tuổi thôi ! Khi mai mối giới thiệu cho tôi cưới ” Bà Xã ” tôi, thì lúc đó tôi 27 tuổi, còn ” Bà Xã ” thì đã 20 tuổi rồi !Xem hình trắng đen bên dưới.
Toàn bài thơ EM LÀ… tôi đắc Ý nhất là câu “… Hiện hữu an bài là hạnh phúc ! “. Không đòi hỏi cao xa, không tiếc nuối những điều mà mình không thể với tới đươc !…CHẤP NHẬN HIỆN TẠI là HẠNH PHÚC các bạn ạ ! Thân mến !
- Đỗ Chiêu Đức
Canh Tý xuân hồng rực vạn hoa
Đoàn viên mừng Tết, nhứt nhà ta
Ông bà hoan hỉ tươi mày mặt
Con cháu vui mừng híp mắt ra
Hạnh phúc ngập tràn ba thế hệ
Niềm tin chan chứa vạn lời ca
Biết bao vất vả bao năm tháng
Bỉ cực thái lai hợp một nhà!
Đỗ Chiêu Đức
Họa vần
Ông Bà Chiêu Đức tươi như hoa
Con cháu rể dâu về với ta
Cách biệt bao xuân dìm nỗi nhớ
Đoàn viên đón Tết rộn vui ra
Gia đình bè bạn đều thăm hỏi
Thân thích đồng môn hẳn hoan ca
Kính chúc Ông Đồ vui lễ hội
Đại gia đình hạnh phúc chung nhà.
Phạm Tương Như
Kính Chúc Mừng
Chúc Xuân Đoàn Tụ
Kính hoạ "Tết Đoàn Viên"
của Quan Đồ Thi Sĩ Đỗ Chiêu Đức
Xin thay lời chúc mừng Đỗ đại gia.
Xuân vàng rực rỡ đã thăng hoa
Ông với bà ngồi giữa ảnh ta
Sáu cháu, 3 con, dâu rể nữa
Tháng Giêng mười bốn tình thêm ra
Chào năm Canh Tý quan Đồ Đức
Vui suốt "2020" chuỗi Phước Ca
Hoè quế xanh rờn tươi tốt mãi
Từ đây tài lộc Đỗ quanh nhà...
Hawthorne 26 - 1 - 2020
(Mùng Hai Tết Nguyên Đán)
Cao Mỵ Nhân
Xin chúc mừng anh Đỗ Chiêu Đức đại gia đình đoàn tụ vui đón Tết Canh Tý 2020.
Sau đây Phương Hà xin họa bài xướng Tết Đoàn Viên của anh:
Xuân Đoàn Tụ
Gia đình ai nấy thảy như hoa
Chiêu Đức bạn hiền của chúng ta
Thế hệ ba đời cùng hiện diện
Cháu con đủ tuổi rộn vào ra
Tươi cười rôm rả vang lời chúc
Hoan hỉ tưng bừng cất tiếng ca
Hạnh phúc vẹn toàn như ước nguyện
Hương xuân tràn ngập khắp trong nhà.
Phương Hà
Vội của Đỗ Chiêu Đức
Với bài thơ “Vội” của Mỹ Trinh, nhà thơ Đỗ Chiêu Đức đã chuyển thể bằng thơ lục bát vừa nhẹ nhàng, vừa giữ ý dường như muốn nhấn mạnh sự đồng cảm về quan điểm: Con người ở tuổi xế chiếu.
Vội
Ngày đã vội đêm về càng vội
Nhanh nhanh lên ngủ vội đi em
Mai không thể mai càng không thể
Tìm đâu ra một nụ cười mềm
Đời rất vội khi em đứng lại
Dừng chân thôi thì đã bước lùi
Người vùn vụt thời gian vùn vụt
Níu cách nào giữ lấy niềm vui
Thu vội tàn và Đông vội đến
Một thoáng thôi chụp bắt tan tành
Hạ mấy thuở chờ xuân từ giã
Một thoáng đời ngun ngút bay xa
Mỹ Trinh
Lục bát :
VỘI
Vội ngày càng vội hơn đêm,
Nhanh lên ngủ vội đi em đêm này.
Lại không thể đợi ngày mai,
tìm đâu ra nụ hôm nay cười mềm.
Xin đừng đứng lại bên thềm,
Dừng chân là đã lùi thêm bước lùi !
Thời gian vùn vụt nhanh trôi,
Người càng vùn vụt niềm vui chóng tàn.
Làm sao níu được thời gian,
Thu tàn đông đến xuân sang hạ về.
Giã từ muôn vạn đam mê,
Thời gian một thoáng đi về hư không !
Đỗ Chiêu Đức
--
*
Hạt MƯA sá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân!
Trong văn học cổ và trong dân gian ta ngày xưa, HẠT MƯA được ví như thân phận của người con gái mười hai bến nước trong nhờ đục chịu, với các câu ca dao được truyền tụng rộng rãi trong dân gian như:
Thân em như Hạt Mưa sa,
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng đồng.
hoặc như:
Thân em như Hạt Mưa rào,
Hạt sa xuống giếng, hạt vào vườn hoa.
Cả hai câu ca dao trên đều nói lên thân phận của người con gái sướng hay khổ gì đều trông chờ vào sự rủi may, mà bản thân mình không thể chọn lựa được. “Hạt Mưa sá nghĩ phận hèn,” đã là thân con gái như Hạt Mưa rồi, thì còn quản gì được đến sang hay hèn nữa, nên chi Thúy Kiều không thể tiếc nuối cuộc tình duyên của mình với Kim Trọng, khi gia đạo gặp cơn nguy biến, mà đành lòng với số phận may rủi của mình, nên mới hạ quyết tâm “Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân” để bán mình chuộc tội cho cha.
Còn nàng cung nữ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều thì may mắn hơn với thân phận HẠT MƯA của mình:
HẠT MƯA đã lọt miền đài các,
Những mừng thầm cá nước duyên may.
Trong Văn học cổ, ta còn thấy từ MƯA HOA, tức VŨ HOA (雨花) chỉ mưa xuống toàn là hoa, theo tích sau đây:
Theo truyền thuyết, vào thời Nam Bắc Triều có Lương Võ Đế là chúa của Nam triều rất hâm mộ đạo phât. Có cao tăng hiệu là Vân Quang Pháp Sư thường xuyên thuyết giảng Phật pháp trên Thạch Tử Cương ở Nam Kinh, chúng tăng lữ trên 500 người ngồi tọa thiền nghe giảng 3 bửa không tan. Phật Tổ chứng cho lòng thành đã cho một rừng hoa Mạn-đà-la rơi xuống như mưa. Những mưa hoa rơi xuống đều biến thành đá ngũ sắc lóng lánh rất đẹp, gọi là Ngũ Thái Thạch 五彩石, người đời sau gọi là Vũ Hoa Thạch 雨花石, nơi giảng kinh tức là Vũ Hoa Đài 雨花臺, một thắng cảnh nổi tiếng của TP Nam Kinh 南京 thuộc tỉnh Giang Tô hiện nay.
Trong truyện thơ Nôm khuyết danh “Quan Âm Thị Kính” của ta có câu:
MƯA HOA rẩy khắp bên mình,
Nhấp nhô đá cũng xếp quanh gật đầu.
Ngoài MƯA HOA ta còn có MƯA MÓC, tức VŨ LỘ (雨露) chỉ hạt Mưa và hạt Móc (nhỏ hơn hạt mưa, rơi đọng lại trên hoa lá thành hạt Sương). Có xuất xứ từ sách Lễ Ký Tế Nghĩa (祭義) như sau:
Hạt mưa và hạt móc đều rất cần thiết cho cây cỏ lá hoa sinh tồn và phát triển, nên thường dùng để ví với ân tình của kẻ bề trên ban cho người bên dưới; gọi là Ơn Vũ Lộ hay là Ơn Mưa Móc, như trong bài thơ “Tống Lý Thiếu Phủ biếm Hiệp trung Vương Thiếu Phủ biếm Trường sa” của Cao Thích đời Đường là:
聖代即今多雨露, Thánh đại tức kim đa VŨ LỘ,
暫時分手莫躊躇。 Tạm thời phân thủ mạc trù trừ.
Có nghĩa:
Thánh chúa đường thời nhiều MƯA MÓC,
Chia tay tạm biệt chớ chần chừ !
Trong bài thơ “Tự Thuật bài 2 – Hội Gió Mây” của cụ Nguyễn Công Trứ có hai câu Thực như sau:
Ðã từng tắm gội ơn MƯA MÓC,
Cũng đã xênh xang hội gió mây.
Trong “Tụng Tây Hồ Phú” của Nguyễn Huy Lượng dưới thời Tây Sơn – Hậu Lê cũng có câu:
Trên dưới đều rồng mây cá nước phải duyên,
giọt VŨ LỘ tưới đôi hàng uyên lộ.
Sau MƯA MÓC ta còn có MƯA MÂY, hay còn gọi là MÂY MƯA, chữ nho là VÂN VŨ (雲雨). Có mưa là có mây, không có mây thì không thể nào có mưa được. Có xuất xứ như sau:
Theo thần thoại Trung Hoa, con gái của Xích Đế 赤帝 là Dao Cơ 瑶姬, chết trẻ, chôn ở Vu Sơn, hồn phách không tan, biến thành Thần Nữ. Trong bài Cao Đường Phú của Tống Ngọc nước Sở thời Chiến quốc có ghi lại: Sở Vương đi chơi ở Cao Đường, mơ thấy Thần Nữ đến cùng ân ái, khi chia tay còn nói là “Đản vi triêu vân, mộ vi hành vũ 旦为朝雲,暮为行雨” (Thiếp kéo mây ở buổi sáng, làm mưa ở buổi chiều). Theo quan niệm cổ xưa thì nữ thần và vua giao hợp có thể làm cho phong điều vũ thuận, ngũ cốc phong đăng. Có nghĩa: Mưa thuận gió hòa, lúa thóc được mùa. Nhưng dân gian lại không chịu hiểu theo nghĩa đó, hễ nhắc đến Sở Vương và Thần Nữ thì sẽ nghĩ ngay đến “Mây mưa ân ái giữa trai gái với nhau” mà thôi ! Vì thế, sau nầy hễ nhắc đến Thần Nữ Vu Sơn, Cao Đường Thần Nữ 高唐神女 là người ta nghĩ ngay đến một giai nhân tuyệt sắc gợi tình, và nói đến kéo MÂY làm MƯA, hay nói gọn thành MÂY MƯA, là người ta lại nghĩ ngay đến việc ái ân trai gái. Như cô Kiều đã ngăn Kim Trọng lại trong đêm gặp gỡ khi “Sóng tình dường đã xiêu xiêu,” mà kể lể rằng:
Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương.
MÂY MƯA đánh đổ đá vàng,
Quá chìu nên đã chán chường yến anh…
Còn trong Truyện Nôm “Hoa Tiên Ký” của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện thì có câu:
Dương Đài rày sẵn MƯA MÂY,
Mà xem chúa Sở vui vầy giấc tiên.
Không nói MƯA MÂY thì đôi khi nói thành MƯA GIÓ, như khi tả Thúy Kiều thất thân cùng Mã Giám Sinh, cụ Nguyễn Du đã viết rằng:
Một cơn MƯA GIÓ nặng nề,
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương !
Hoặc để nói cho đối xứng theo các biện pháp tu từ học của Trung Hoa là MƯA SỞ MÂY TẦN, như khi tả cuộc sống của Thúy Kiều ở lầu xanh:
Mặc người MƯA SỞ MÂY TẦN,
Nhưng mình nào biết có xuân là gì !…
Về nàng cung nữ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều thì với sắc đẹp hấp dẫn, quyến rủ, gợi tình đến nỗi:
Bóng gương lấp ló trong mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình MÂY MƯA !
và khi đã được vua yêu rồi thì lại cảm thấy rất hạnh phúc và an phận:
MÂY MƯA mấy giọt chung tình,
Đình trầm hương khoá một cành mẫu đơn.
Nhưng ngày vui qua mau và chóng tàn, nàng cung nữ chỉ sống bằng hoài niệm và rầu rĩ khát khao mơ màng đến những phút giây ân ái khi xưa:
Tình rầu rĩ khôn khuây nhĩ mục,
Chốn phòng không như giục MÂY MƯA.
Giấc chiêm bao những đêm xưa,
GIỌT MƯA cửu hạn còn mơ đến rày…
Đỗ Chiêu Đức
(杜紹德)
Trần Văn Giang (ghi lại)
▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬
Câu đối cho năm TÂN SỬU - Đỗ Chiêu Đức
Câu đối cho năm TÂN SỬU :
TÂN là Cay, Cay đắng đã qua mừng năm mới;
SỬU là Trâu, Trâu cày tiếp nối đón xuân sang.
* TÂN 辛 là là ngôi thứ 8 của Thiên can; Về mặt ngữ nghĩa thì TÂN là Cay, như TÂN KHỔ 辛苦 là Cay đắng, TÂN TOAN 辛酸 là Chua Cay...
Cay đắng đã qua, mừng năm mới rồi, thì con Trâu năm nay sẽ phải bỏ sức lao động ra cày gấp đôi để vực dậy nền kinh tế đang bị suy trầm vì những hỗn độn đã qua và nhất là vì Covid-19.
3. THƯ PHÁP của Đỗ Chiêu Đức cho năm TÂN SỬU :
Nguồn: Hoài niệm Tây Ninh
▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬
Hồng
– Đỗ Chiêu Đức
Hồng hồng
Tuyết tuyết,
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi !