Nhạc sĩ Vũ Thành An và những bài không tên

Nhạc sĩ Vũ Thành An và những bài không tên

•°҈°•°҈°•°҈°•°҈°•°҈°•

 

Nhạc sĩ Vũ Thành An nổi tiếng về những bài ca không tên trong thập niên 1960 cùng với những nhạc sĩ trẻ thời đó như Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên…Ông sáng tác rất sớm khi còn đang học trung học. Tuy nhiên một số bài lúc đó chỉ có nhạc điệu chứ không có lời, như chia sẻ của ông với VOA Việt ngữ:

“Nói về nét nhạc của những bài không tên thì đến rất là sớm, ví dụ như bài không tên số 2 hay là bài không tên số 8 thì cái melody đó tới từ khi mình còn đi học ở trường Hưng Đạo lớp đệ nhị tức là khoảng năm 1961. Lúc đó mình chưa có làm lời được hay. Đến năm 1968 mới có lời của bài không tên số 2, tức là sau nhiều năm mới kết thúc thành một ca khúc.”

Trong số những bài ca không tên của ông có những bài lấy cảm hứng từ những mối tình của chính tác giả.

“Bài không tên số 2 liên quan đến một cô, bài không tên số 8 liên quan đến một mối tình khác,” nhạc sĩ Vũ Thành An cho biết.

“Không phải mỗi bài không tên có một mối tình. Cũng không phải có một mối tình đó mình trải ra một số bài khác nhau. Ví dụ như bài tình khúc thứ nhất, bài không tên cuối cùng là cùng một mối tình,” ông giải thích thêm.

Một điểm đặc biệt đậm chất ‘Vũ Thành An’ là nhiều tác phẩm của ông không được đặt tên, mà cứ lần lượt được gọi là bài không tên, từ số 1 lên tới số hàng trăm.

“Có hai lý do,” ông cho biết. “Mình muốn làm gì khác lạ cho người ta chú ý. Người ta đặt tên mình đặt không tên. Đó là kiểu của mình. Lý do thứ hai nữa là ông Trịnh Công Sơn có người yêu của ông tên là Diễm, ổng viết ra bài Diễm Xưa. Người yêu của mình mình không muốn cho ai biết người yêu mình là ai cả. Nếu người nào tìm hiểu sâu hay người thân của mình thì biết thôi còn đại đa số mình không cho biết vì mình muốn giữ mối tình nó đẹp. Những người yêu của mình bây giờ chụp hình là những bà cụ rồi. Thôi bây giờ để cho người ta tưởng tượng tới một người yêu, một thiếu nữ nào mơ mộng duyên dáng, tà áo dài lã lướt để thế hệ nào cũng nghĩ như vậy thì hay hơn.”

Tác giả cho hay những bài không tên, tuy đánh số như vậy, nhưng không theo thứ tự thời gian.

“Những năm 70, 71 có nhu cầu là các nhạc sĩ in ra tập nhạc 10 bài nên mình mới gom góp lại những bài đã có và đặt số cho nó từ bài số 1, (nhưng bài Tình khúc thứ nhất không phải là bài số 1), đến bài số 10 mình không đặt là bài số 10 nhưng đặt là bài không tên cuối cùng,” ông chia sẻ.

Nhạc sĩ Vũ Thành An vẫn tiếp tục sáng tác ‘những bài không tên’, và cho đến lúc ông trả lời VOA vào đầu tháng 8 năm 2019 thì đã có bài không tên 107. Tuy nhiên, theo ông, những bài không tên sau này không nổi tiếng bằng mười bài không tên đầu tiên.

“Theo mình nghĩ những bài sau này không phải không hay bằng số 1. Bây giờ người ta nghe người ta thấy không bằng những bài đầu tiên. Thực ra những bài đầu tiên được tô vẽ bằng bao nhiêu kỷ niệm và sự rộng rãi của nó nên nó nổi hơn những bài không tên sau này. Những bài không tên sau này là những đứa em ra sau, không ai để ý tới nó thì nó không nổi thôi, nhưng nếu một người nào để ý thì người ta cũng thích.”

Ngoài những bài không tên để ghi dấu những mối tình, nhạc sĩ Vũ Thành An còn có những bài không tên được tạo cảm hứng từ một số vần thơ, chẳng hạn như bài không tên 50.

“Tôi nhớ là hồi đi tù về, tôi nghe ở đâu đó có một câu thơ rất hay ‘Em bảo anh đi đi sao anh không đứng lại. Em bảo anh đứng đợi sao anh lại về ngay. Lời nói thoảng gió bay, đôi mắt hiền đẫm lệ, mà sao anh dại thế, không nhìn vào mắt em.’ Bài thơ ngắn, nên tôi phải thêm lời vào. Tôi không biết tác giả là ai, nên ghi là vô danh,” ông vừa kể vừa ngân nga vài câu trong bài hát.

Nhạc sĩ Vũ Thành Anh từng là một tù nhân chính trị. Sau ngày 30/4/1975, ông phải đi ‘học tập cải tạo’ mười năm tại miền Bắc, từ 1975 đến 1985. Thời gian này cũng là lúc ông bắt đầu sáng tác một số nhạc phẩm đạo lẫn đời, và tập trung thành một tập nhạc có tên là Những bài ca Nhân bản cũng được đánh số thứ tự, cùng nhiều bài có tên khác.

“Mình muốn giữ cái ‘không tên’ để mọi người biết tác giả là Vũ Thành An,” ông nói.

Những đứa con tinh thần của ông chuyển từ thể loại trữ tình sang thể loại Thánh ca và ông đã phổ nhạc toàn bộ Thi-thiên (hay còn gọi là Thánh vịnh-Psalms-theo từ của Công giáo) gồm 150 bài.

Sau 20 năm ngưng sáng tác nhạc đời (từ 1995 cho đến 2015), người nhạc sĩ tài hoa đã quay trở lại với nhạc trữ tình.

“Mình đổi suy nghĩ là Chúa đã cho mình có khả năng làm đẹp cuộc đời, tại sao mình không sử dụng khả năng đó để sáng tác thêm? Cho nên từ năm 2015 đến giờ, Vũ Thành An tiếp tục sáng tác. Chính vì thế, bài không tên số 50 là bài không tên cuối cùng trước khi Vũ Thành An nghỉ sáng tác năm 1995. Khi tiếp tục sáng tác lại thì có những bài không tên. Từ bài không tên số 51 cho đến nay, sau 4 năm, đã được đến bài không tên 107. Vũ Thành An cố gắng sử dụng [khả năng] Ơn trên đã cho để phục vụ Chúa trong thời gian còn lại. Thành ra Vũ Thành An sẽ tiếp tục sáng tác. Vũ Thành An tin sẽ đóng góp thêm khả năng để làm đẹp cho đời,” ông thổ lộ.

Nhạc sĩ Vũ Thành An cho biết sau này, vì lớn tuổi nên không còn yêu đương thống thiết, viết nên những lời yêu đương thống thiết nữa, nên ông dựa vào những bài thơ tìm được trên Internet để sáng tác.

“Vừa rồi mình đọc trên Internet có một bài thơ rất hay, mình phổ nhạc bài đó ‘Một thời theo gió đuổi mây.’ Mình theo đuổi tình yêu giống như cơn gió đuổi theo áng mây, rất là hay,” ông nói.

Những ca khúc sau này của Vũ Thành An chưa được xuất bản, nhưng được đăng trên Facebook của chính tác giả.

Nhạc sĩ Vũ Thành An sang Mỹ định cư vào năm 1991 và kể từ năm 1992 ông định cư tại thành phố Portland, tiểu bang Oregon, cho đến nay. Ông hiện đang giữ chức Phó Tế tại một nhà thờ Công giáo ở Oregon và là người sáng lập cùng điều hành Quỹ Từ Thiện Teresa để cấp lương thực cho người già ở Việt Nam và một số nước khác ở Đông Nam Á, Châu Phi cũng như ở Châu Mỹ Latin.

**********

 

Tân Nhạc VN – Ca Khúc Vượt Thời Gian

– “Tình Khúc Thứ Nhất”, “Em Đến Thăm Anh Đêm 30”, “Đời Đá Vàng”,

“10 Bài Không Tên”

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Vũ Thành An – Tác giả những Bài Không Tên bất hủ

 Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn các ca khúc “Tình Khúc Thứ Nhất” (Lời: Nguyễn Đình Toàn), “Em Đến Thăm Anh Đêm 30”, “Đời Đá Vàng”,“10 Bài Không Tên” nổi tiếng qua nhiều thập kỷ của Nhạc sĩ Vũ Thành An.

Nhạc sĩ Vũ Thành An là một trong những nhạc sĩ lừng danh của miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 – 1975. Các “Bài Không Tên” là những dấu ấn gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp sáng tác của ông. Hiện nay, ông là một Phó tế của Giáo Hội Công Giáo Rôma (Rome), đã ngừng sáng tác nhạc Tình Ca mà chỉ sáng tác nhạc Thánh Ca.

Nhạc sĩ Vũ Thành An sinh tại Hải Hậu, Nam Định năm 1943. Năm 1954 ông theo gia đình di cư vào miền Nam. Năm 1960, ông vào học trường trung học Nguyễn Trãi, đồng thời theo học nhạc với Nhạc sĩ Chung Quân cùng lúc với NS Ngô Thụy Miên, NS Đức Huy. Năm 1961 ông thi hỏng Tú Tài và về trường Hưng Đạo học tiếp Đệ Nhị. Năm 1963, ông thi đậu Tú Tài toàn phần.

vuthanhan1

vuthanhan_Em Đến Thăm Anh Đêm 30

vuthanhan_Bài Không Tên Số 1

vuthanhan_Bài Không Tên Số 2

vuthanhan_Bài Không Tên Số 3Sau đó ông được linh mục Trần Đức Huynh, giám đốc trường Hưng Đạo cho dạy lớp Đệ Thất để có tiền học Đại Học. Cuối năm 1963, ông vào làm phóng viên ở Đài Phát Thanh Sài Gòn, nơi đây ông gặp nhà thơ Nguyễn Đình Toàn.

Năm 1965 NS Vũ Thành An sáng tác nhạc phẩm “Tình Khúc Khứ Nhất” (Lời: Nguyễn Đình Toàn) để kỷ niệm một mối tình, và ông nổi tiếng ngay từ ca khúc đầu tay này. Sau đó ông sáng tác tiếp các “Bài Không Tên Số 1, 2, 3, 4”. Cuộc tình của ông kéo dài được một năm thì chấm dứt, tác phẩm “Bài Không Tên Cuối Cùng” đánh dấu thời điểm đó. Sau “Bài Không Tên Cuối Cùng”, NS Vũ Thành An quay lại sáng tác tiếp các “Bài Không Tên Số 5, 6, 7″… không theo một thứ tự nào.

Năm 1967, ông nhập ngũ khóa 25 Sĩ Quan Dự Bị Thủ Đức và 1969 ông lập gia đình.

Năm 1969, ông phát hành tập nhạc “Những Bài Không Tên”. Các tác phẩm của NS Vũ Thành An được mọi người yêu thích ở khắp miền Nam khi đó. Người ta có thể nghe tại gần như hầu hết các quán cà phê có nhạc của Sài Gòn và những thành phố lớn khác, nhất là trên các làn sóng phát thanh thường xuyên. Tên tuổi của NS Vũ Thành An cùng với các nhạc phẩm: “Tình Khúc Thứ Nhất”, “Em Đến Thăm Anh Đêm 30”, và các “Bài Không Tên” gắn liền với giới trẻ thời bấy giờ. NS Vũ Thành An cùng với NS Trịnh Công Sơn, NS Ngô Thụy Miên, NS Từ Công Phụng, NS Lê Uyên Phương tạo thành một thế hệ nhạc sĩ mới tài năng trong thời gian này.

Tân Nhạc VN – Ca Khúc Vượt Thời Gian – “Tình Khúc Thứ Nhất”, “Em Đến Thăm  Anh Đêm 30”, “Đời Đá Vàng”, “10 Bài Không Tên” | Đọt Chuối Non

Nhạc sĩ Vũ Thành An.

vuthanhan_Bài Không Tên Số 4

vuthanhan_Bài Không Tên Số 5

vuthanhan_Bài Không Tên Số 6Năm 1971, NS Vũ Thành An tốt nghiệp đại học Luật Khoa Sài Gòn. Ông tiếp tục làm việc tại Đài Phát Thanh Sài Gòn với cấp bậc sĩ quan, và trải qua nhiều chức vụ: Trưởng cơ sở dân vận Gia Định 1973, Trưởng phân khối văn hóa, Phụ tá trưởng khối chương trình, Trưởng khối chương trình và Trưởng phân khối kế hoạch hệ thống truyền thanh 1974.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, NS Vũ Thành An là người cuối cùng rời Đài Phát Thanh Sài Gòn, lúc 10 giờ 30 giờ sáng. Sau đó ông phải học tập cải tạo suốt mười năm dài từ 1975 đến 1985 tại miền Bắc. Theo lời NS Vũ Thành An, ông bắt đầu sáng tác Thánh Ca, Những Bài Nhân Bản, trong thời gian cải tạo từ năm 1981.

Năm 1991, NS Vũ Thành An rời Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1996, ông ghi danh học chương trình Cao Học Thần Học của Tổng Giáo Phận Portland, Oregon.

Năm 2000, NS Vũ Thành An được đào tạo làm Phó Tế và phụ trách Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại ở Portland, Oregon. NS Vũ Thành An ngừng sáng tác tình khúc và chỉ tiếp tục soạn các bản thánh ca, và tham gia các công việc từ thiện.

vuthanhan_Bài Không Tên Số 7

vuthanhan_Bài Không Tên Số 8

vuthanhan_Bài Không Tên Số 9

vuthanhan_Bài Không Tên Cuối Cùng

vuthanhan_Đời Đá VàngNS Vũ Thành An sáng tác tổng cộng khoảng 50 “Bài Không Tên”, trong số đó một vài bài vẫn mang một tên khác như “Bài Không Tên Số 11” là “Cuối Dòng Sông Khô”, “Bài Không Tên Số 13” là “Tình Xưa Gái Huế”, “Bài Không Tên Số 37” là “Rưng Rưng Lệ”, “Bài Không Tên Số 40” là “Đời Đá Vàng”, “Bài Không Tên Số 41” là “Một Thời Phóng Đãng”… Về sau NS Vũ Thành An còn sáng tác tiếp một số “Bài Không Tên” khác như “Bài Không Tên Cuối Cùng Tiếp Nối”, “Không Tên Trở Lại Cuối Cùng”, “Không Tên Trở Lại Số 7”, “Không Tên Tiếp Nối Số 28”…

Theo một bài phỏng vấn NS Vũ Thành An, ông cho biết việc không đặt tên các bài hát là một dụng ý để thu hút sự chú ý của người nghe nhạc.

Trần Lê Túy-Phượng

**********

Nhạc sĩ Vũ Thành An: Cuộc đời như đại lộ không đèn

Nhạc sĩ Vũ Thành An.

(Hương Giang)

“Khóc cho vơi đi những nhục hình,
nói cho quên đi những tội tình.
Đời con gái cũng cần dĩ vãng,
mà em tôi chỉ còn tương lai…”.

Đó giai điệu của một trong số nhiều bản tình ca không tên đã làm hàng triệu trái tim khán giả Sài Gòn trước 1975 thổn thức.

Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn và Vũ Thành An tạo thành một nhóm “ngũ nhạc” làm rạng danh bầu trời âm nhạc Việt Nam suốt những thập niên 50, 60 và 70 của thế kỷ trước. Họ chính là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ cầm bút viết tình ca bằng những đứt đoạn con tim, trái ngang và day dứt khôn nguôi của tình chia lìa. Sau những triết lý về kiếp đời trần ai của Trịnh Công Sơn, những cuộc tình sầu bi của Từ Công Phụng và sự lãng mạn, mơ hồ với những vết thương ngọt lịm cứa sâu vào tim của Ngô Thụy Miên… khán giả Sài Gòn nói riêng và khán giả trên ba miền dọc chiều dài đất nước nói chung không khỏi ngỡ ngàng với một loạt những sáng tác không tên của nhạc sĩ tài năng Vũ Thành An.

Cuộc đời như đại lộ không đèn

Nhạc sĩ Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 1954, ông bắt đầu theo gia đình di cư vào Sài Gòn. Trong thời kỳ học sinh, Vũ Thành An theo học âm nhạc trong lớp học của nhạc sĩ Chung Quân cùng Ngô Thụy Miên và Đức Huy. Ông tham gia hoạt động âm nhạc, nghệ thuật rất tích cực và thể hiện rõ những ưu điểm, khả năng sáng tác ca khúc.

Năm 1959, Vũ Thành An sáng tác ca khúc đầu tay và bị nhạc sĩ Chung Quân hết lời chê bai. Nhớ về kỷ niệm này, ông vẫn còn nói vui: “Tôi chỉ muốn nói với các bạn trẻ rằng, bước vào con đường âm nhạc sẽ luôn gặp khó khăn, gập ghềnh. Và đừng vội vàng vì những lời khen, chê mà tỏ ra nản chí”. Sau đó, ông chuyển sang sáng tác những ca khúc não tình, già dặn và từng trải hơn so với tuổi đời của mình rất nhiều. Những nhạc khúc: Bài không tên số 2, Bài không tên số 6, Bài không tên số 8…lần lượt ra đời, tạo thành một chùm các ca khúc không tên với thanh âm đau đớn, khắc khoải, bộc lộ tâm trạng chán chường, ủ rũ của tác giả. Bắt đầu từ đây, cái tên Vũ Thành An gắn với một loạt những tình khúc không tên.

Mặc dù vô cùng say mê với nghệ thuật sáng tác ca khúc nhưng đến năm 1965, Vũ Thành An cũng tạm thời…bỏ quên con đường sáng tác của mình khi vào làm phóng viên tại đài phát thanh Sài Gòn. Chính nơi đây đã chắp nối cho mối lương duyên giữa ông và nhà thơ Nguyễn Đình Toàn, người sau này đã giúp Vũ Thành An “mượn hồn thi ca để sáng tạo âm nhạc”. Tình khúc thứ nhất ra đời từ cuộc chuyển giao trên mảnh đất văn chương và trở nên nổi tiếng ngay lập tức.

Những năm tháng sau đó, Vũ Thành An tiếp tục chắp bút viết một loạt những bài không tên khác. Cũng chính năm 1965, cuộc tình đẹp như cổ tích của ông với người bạn gái đầu tiên đã chấm dứt sau những tháng ngày đau thương, rạn vỡ. Chính nỗi đau chia lìa thời tuổi trẻ sôi nổi đã khiến Vũ Thành An thăng hoa với bản nhạc tình đến giờ vẫn còn làm lay động hàng ngàn đôi tai khán giả: Bài không tên cuối cùng. Ca khúc này trở nên phổ biến với rất nhiều khán giả, đặc biệt là giới trí thức Sài Gòn ngày đó. Họ nghe nó ở bất cứ đâu và trong các buổi văn nghệ.

Bài không tên cuối cùng luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình nhất. Sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi của tình khúc này đã khiến tên tuổi Vũ Thành An trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết. Chữ “cuối cùng” mà sau này Vũ Thành An giải thích “ở đây mang ý nghĩa đó là kỷ niệm cuối cùng với người con gái mà tôi đã thầm yêu” và nó cũng là mở đầu cho một loạt những bài ca không quên khác ra đời lần lượt sau đó.

Lời ca “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa” của “người viết tình ca” Trịnh Công Sơn tự khi nào lại nên thân quen, gần gũi và phù hợp với tâm trạng, hoàn cảnh của Vũ Thành An đến thế. Sau một cuộc tình buồn, ông tiếp tục nếm trải hương vị chia ly của mối tình thứ hai và lúc này Bài không tên số 2 lại ra đời đánh dấu “chữ ký âm nhạc” Vũ Thành An, người chuyên viết bi ca trên địa hạt âm nhạc Sài Gòn thời đó.

Đến năm 1969, Vũ Thành An quyết định chấm dứt đời độc thân, kết thúc những đoạn tình buồn của mình bằng cách lập gia đình và cho phát hành tuyển tập những bài không tên. Các nhạc phẩm được thể hiện qua giọng ca ngọt ngào của nữ ca sĩ Thanh Lan trên sóng phát thanh và đặc biệt là phong trào du ca Sài Gòn tại hội quán Văn cùng thời điểm với cặp song ca đình đám Trịnh Công Sơn – Khánh Ly. Cuộc hội ngộ âm nhạc đó trở thành dấu son sáng ngời trên con đường sự nghiệp, cống hiến cho vòm trời Tân nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Vũ Thành An.

Vì những lý do chính trị, sau năm 1975, Vũ Thành An đã có 10 năm sống trong trại cảo tạo (1975-1985). Thời gian này, Vũ Thành An trở nên nhạy cảm và bắt đầu chuyển hướng âm nhạc. Từ một người chuyên sáng tác nhạc não tình, bi thương Vũ Thành An viết nhạc Thánh ca và tuyên bố không bao giờ viết nhạc tình nữa. Theo lời Vũ Thành An, ông bắt đầu sáng tác Thánh ca, những bài Nhân bản trong thời gian cải tạo từ năm 1981. Đối với nhiều người yêu mến âm nhạc của ông, đây là một sự đổi thay mang nhiều tiếc nuối. Biến cố quan trọng giai đoạn này của Vũ Thành An là được rửa tội và bước vào Thiên chúa giáo. Ông lập lại gia đình lần hai và chính thức di cư sang Mỹ sinh sống như nhiều văn nghệ sĩ Sài Gòn thời bấy giờ vào năm 1991.

Nhạc sĩ Vũ Thành An hạnh phúc với công việc từ thiện hiện nay.

Nhạc sĩ Vũ Thành An hạnh phúc với công việc từ thiện hiện nay.

Đạo trong âm nhạc

Giữa khói lửa chiến tranh lúc đó, nhạc tình của Vũ Thành An là nơi ẩn trú cho những tâm hồn mệt mỏi, cô đơn. Cuộc đời thật bất an, ngắn ngủi giữa chốn đạn lạc tên bay; và khi người lính ngả lưng nằm nghỉ bên đồi, bật lên một làn sóng radio tình cờ, thì nhạc của ông lúc đó đã như thoáng mây bay giữa trời, gợi lên hình ảnh người bạn gái năm xưa, thật nhạt, thật mờ nhưng có thể làm cay khóe mắt.

Chính thập niên 1960 cũng là thập niên kỳ dị nhất của âm nhạc Việt Nam. Phạm Duy và một số nhạc sĩ đồng vai vẫn sáng tác mạnh mẽ. Nhưng bên cạnh đó, giới âm nhạc cũng xuất hiện thêm nhiều tài năng lớn, và mỗi người với một sự độc đáo riêng. Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng và dĩ nhiên Vũ Thành An. Thời này, những thử nghiệm âm nhạc cũng được đẩy xa hơn, như với phong trào nhạc trẻ. Không phải vì chiến tranh dữ dội mà các nhạc sĩ phải đi tìm một thế giới tư riêng của thơ mộng. Nhạc tình Vũ Thành là một kết hợp của âm điệu nhẹ nhàng, lả lướt với lời hát như quyện vào tâm hồn người nghe. Những đau thương, trách cứ, giận hờn theo từng cung bậc dồn vào tâm khảm đến rã rời, nó trở thành dấu ấn lãng mạn của thời nhạc Vàng.

Khi định cư tại Mỹ, Vũ Thành An sáng tác nhiều nhạc phẩm mang phong cách và ca khúc đổi thay hơn xưa. Nhưng rồi thất bại, ông viết tiếp Bài không tên cuối cùng tiếp nối như một chấp nhận hiện thực của sự trở về.

 Tên tuổi của nhạc sĩ Vũ Thành An đã gắn liền với những khoảng đời của tuổi trẻ Việt. Những dòng thơ của Nguyễn Đình Toàn, trong Tình khúc thứ nhất và Em đến thăm anh đêm ba mươi vẫn lơ lửng, phảng phất trong đầu của những người một thời ngồi các quán cà phê bên đường Sài Gòn và tập hút những điếu thuốc đầu tiên trong đời của các năm 60.

Một sinh hoạt của Văn Bút trước 1975: bán tác phẩm để cứu trợ nạn nhân bão lụt miền tây. Từ trái qua: Phạm Việt Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Nhật Tiến, Minh Đức Hoài Trinh, Vũ Hoàng Chương.

Một sinh hoạt của Văn Bút trước 1975: bán tác phẩm để cứu trợ nạn nhân bão lụt miền tây. Từ trái qua: Phạm Việt Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Nhật Tiến, Minh Đức Hoài Trinh, Vũ Hoàng Chương.

Ngô Thế Vinh –

Kim Phượng sưu tầm & tổng hợp

MINH NGỌC ANTIQUE

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %22 %040 %2021 %19:%08
back to top