Nguồn gốc của “ Mộng Dưới Hoa “ - Phạm Anh Dũng
Nguồn gốc của " Mộng Dưới Hoa "
Phạm Anh Dũng
⊱•═•⊰
Mộng Dưới Hoa - Duy Trác
Mộng Dưới Hoa- Elvis Phương
Mộng Dưới Hoa - Jo Marcel
Mộng Dưới Hoa- Nguyên Khang
"Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng..."
Bài hát nổi tiếng "Mộng Dưới Hoa" được biết, theo các bài nhạc và tập nhạc in trong quá khứ, là nhạc Phạm Đình Chương phổ thơ Đinh Hùng.
Sự thật không đúng hoàn toàn như vậy.
Có vài tên riêng như "Mộng Dưới Hoa", "Dưới Hoa Thiên Lý", "Tự Tình Dưới Hoa" và "Suôi Dòng Mộng Ảo" có liên lạc đến bài nhạc .
1.Mộng Dưới Hoa
"Mộng Dưới Hoa" là nhạc Phạm Đình Chương phổ vào bài thơ Mộng Dưới Hoa của Đinh Hùng hay không ?
Không đúng vậy vì không có bài thơ nào của Đinh Hùng tên là "Mộng Dưới Hoa" cả.
2.Dưới Hoa Thiên Lý
Trong tuyển tập nhạc "Mộng Dưới Hoa", 20 Bài Thơ Phổ Nhạc của Phạm Đình Chương, ngay dưới nhạc phẩm "Mộng Dưới Hoa", tác giả Phạm Đình Chương có viết: "...Viết Mộng Dưới Hoa năm 1957, nguyên bài thơ mang tựa đề "Dưới Hoa Thiên Lý...".
Thật ra, không thấy bài thơ nào của Đinh Hùng có tên là "Dưới Hoa Thiên Lý".
Không biết vì sao nhạc sĩ Phạm Đình Chương lại quên và viết như vậy?
3.Tình Tự Dưới Hoa
Có phải "Mộng Dưới Hoa" là bài nhạc phổ vào bài thơ "Tình Tự Dưới Hoa" của Đinh Hùng ?
Không đúng hòa toàn
"Tình Tự Dưới Hoa" một bài thơ 7 chữ có trong tập thơ "Đường Vào Tình Sử" của Đinh Hùng và chính từ bài này có bản nhạc "Mộng Dưới Hoa". Tuy là ý bài hát dựa nhiều vài bài thơ nhưng thật ra chỉ có hai trong sáu đoạn của bài thơ đã phổ thành nhạc.
Đó là đoạn thứ nhất của bài thơ:
" Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng"
và đoạn thứ ba của bài thơ:
"Em đến như mây, chẳng đợi kỳ
Hương ngàn gió núi động hàng mi
Tâm tư khép mở đôi tà áo
Hò hẹn lâu rồi - Em nói đi"
Một đoạn trong bài thơ 6 chữ này của Đinh Hùng được phổ nhạc và cho vào bài "Mộng Dưới Hoa" .
"Suôi Dòng Mộng Ảo" là một bài thơ, cũng ở trong thi tập "Đường Vào Tình Sử " của Đinh Hùng. "Suôi Dòng Mộng Ảo" có tám đoạn và chỉ có đoạn thứ năm có trong bài hát "Mộng Dưới Hoa" làm thành điệp khúc của bài hát:
"Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em dựa xát lòng anh (2)
Ta đi vào tận rừng xanh
Vớt cánh rong vàng bên suối"
Nếu xem kỹ bài hát "Mộng Dưới Hoa" ở cuối bài viết này, sẽ thấy đa số lời của bài "Mộng Dưới Hoa", nghĩa là đoạn kết (đoạn thứ tư) và toàn bộ Lời 2, không có trong bài thơ nào cả của thi sĩ Đinh Hùng.
Thi sĩ Đinh Hùng
Tóm lại, "Mộng Dưới Hoa" là bài nhạc có lời với một phần gồm hai đoạn thơ từ bài thơ 7 chữ "Tự Tình Dưới Hoa", một phần gồm một đoạn thơ từ bài thơ 6 chữ "Suôi Dòng Mộng Ảo" và phần lớn không có xuất xứ rõ ràng.
Hầu như chắc chắn Đinh Hùng đã viết cái "phần lớn" đó sau khi Phạm Đình Chương đã viết nhạc vào thơ cho ba đoạn đầu của bài hát.
Ở cuối quyển "Mộng Dưới Hoa", 20 Bài Thơ Phổ Nhạc của Phạm Đình Chương, có trích lời nhạc sĩ Vũ Thành: "Mộng Dưới Hoa" còn đáng được coi là một kỳ công vì phổ nhạc vào thơ Việt Nam là một việc cực khó... Làm theo thể mẫu hết sức cân đối mà vẫn giữ bằng trắc của từng chữ, ta phải ngả nón trước Phạm Đình Chương."
Hãy xem thử một câu "Tâm tư khép mở đôi tà áo" đổi thành "Áo bay mở khép nghìn tâm sự", thì sẽ thấy ngay là bài hát đâu có còn "vẫn giữ bằng trắc của từng chữ" nữa.
Công bằng mà nói những chữ của thơ dùng vào bài nhạc đại đa số cũng vẫn giữ đúng vần bằng trắc của thơ thật nhưng không thể nói là "...từng chữ..."
Và có thể cố nhạc sĩ Vũ Thành, vì một lý do nào đó, tưởng lầm bài nhạc phẩm Mộng Dưới Hoa chỉ là nhạc phổ vào nguyên thủy của một bài thơ?
Tuy nhiên, phải công nhận là Phạm Đình Chương viết nhạc rất khéo léo và lời viết của Đinh Hùng dù là thơ hay không thơ cũng rất... thơ.
Với tên tuổi lẫy lừng của hai thi và nhạc sĩ Đinh Hùng và Phạm Đình Chương, bài nhạc hay mà lại dễ hát đã thành trở thành một trong những bài nhạc có thể nói phổ thông nhất của Tình Ca Việt Nam.
* Tài liệu tham khảo :
1. Đường Vào Tình Sử, Thơ Đinh Hùng, do Cơ Sở Xuất Bản Đại Nam phát hành, không thấy đề ngày tháng, có lẽ in hay chụp lại từ bản in tại Việt Nam ngày xưa in khoảng năm 1961. Địa chỉ: Dai Nam Cọ P.O. Box 4279; Glendale CA 91202.
2. Mộng Dưới Hoa, 20 Bài Thơ Phổ Nhạc của Phạm Đình Chương, Phạm Thành xuất bản năm 1991. Địa chỉ: Vincent & Company 17150 Newhope St., St. 107; Fountain Valley, CA 92708. ĐT: (714)540-9759 hay (213)864-5159.
3. www.dactrung.net mục thơ Đinh Hùng và mục nhạc Phạm Đình Chương
Tự tình dưới hoa
Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng:
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng,
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại,
Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng
***
Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay,
Ôi mộng nào hơn giấc mộng này
Mùi phấn em thơm mùi hạ cũ,
Nửa như hoài vọng, nửa như say
***
Em đến như mây, chẳng đợi kỳ
Thương hàng gió núi động hàng mi
Tâm tư khép mở đôi tà áo,
Hò hẹn lâu rồi -- Em nói đi
***
Em muốn đôi ta mộng chốn nào
Ước nguyền đã có gác trăng sao
Chuyện tâm tình: dưới hoa thiên lý,
Còn lối bâng khuâng: ngõ trúc đào
***
Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ,
Nắng trong hoa, với gió ven hồ
Dành riêng em đấỵ Khi tình tự,
Ta sẽ đi về những cảnh xưa
***
Rồi buổi u sầu, em với tôi
Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời
Vai kề một mái thơ phong nguyệt,
Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười
Đinh Hùng
Suôi dòng mộng ảo
Chim hồng về khu rừng cũ,
Xuân ấy hai lòng mới yêu .
Cùng hoa, bướm trắng sang nhiều,
Nắng thơm những chiều tình tự .
***
Xin em ngồi trên nhung cỏ,
Nghe suối ca vui nhịp nhàng.
Anh ru cho hồn em ngủ,
Bằng điệu ca sang dịu dàng.
***
Chim xanh về khu rừng cũ,
Hè tới, hai lòng còn yêu .
Cỏ thơm mọc đã cao nhiều,
Cành mộng bao nhiêu hoa đỏ!
***
Nếu bước chân ngà có mỏi,
Xin em dựa sát lòng anh.
Ta đi vào tận rừng xanh,
Vớt cánh rong vàng bên suối.
***
Lá đỏ rơi trong rừng cũ,
Thu về, hai lòng còn yêu.
Đường tình trải một làn rêu,
Ngơ ngẩn hồn chiều tư lự.
***
Em có lên sườn núi biếc,
Nhặt cánh hoa mơ gài đầu.
Này đôi nai vàng xa nhau,
Có tiếng gọi sầu thảm thiết.
***
Chim buồn xa khu rừng cũ,
Đồi núi trập trùng cỏ rêu.
Hai lòng nay đã thôi yêu,
Có tiếng suối chiều nức nở.
***
Em không nghe mùa thu hết?
Em không xem nắng thu tàn?
Trời ơi! Giọt lệ này tan,
Là lúc linh hồn anh chết !
Đinh Hùng
Phạm Anh Dũng