PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM
TRONG THỜI ĐẠI MỚI
✧✧ꕥ✧✧
Người phụ nữ hiện đại dường như được gán cho rất nhiều trọng trách nặng nề, vừa phải phát triển sự nghiệp vừa chăm lo cho tổ ấm. Thế nhưng nhiều khi họ vẫn gặp phải nhiều rào cản và tranh cãi của dư luận. Đâu là tiêu chí chính xác để người phụ nữ Việt hiện đại nương theo? Những nét văn hóa cổ truyền nào người phụ nữ hiện đại cần duy trì và gìn giữ?
Trong suốt chiều dài 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, người phụ nữ đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc dựng xây, bảo tồn, trau dồi, kế thừa, phát huy những phẩm chất đạo đức tốt đẹp từ đời này sang đời khác. Sự đóng góp không tên và thầm lặng của họ đã đúc kết nên những giá trị đạo đức truyền thống: anh hùng, đảm đang, yêu nước, nhân ái, thủy chung, nghĩa tình, giàu đức hy sinh.
Người phụ nữ Việt không chỉ đơn giản người mang sinh linh nhỏ bé đến thế giới này. Họ còn đóng góp to lớn trong việc hình thành nhân cách của thế hệ sau, rộng hơn nữa là tinh thần, nếp sống của cả một dân tộc. Đúng như nhiều triết gia từng nói: “Giáo dục một người đàn ông thì được một gia đình tốt nhưng giáo dục người phụ nữ thì được cả một thế hệ tốt”. Câu nói đó có thể xem như một lời ngợi khen đối với phụ nữ nhưng cũng cho thấy trọng trách nặng nề mà mỗi người phụ nữ Việt đang gánh vác trên vai.
Với những thuận lợi về nền tảng kinh tế, xã hội từ những ngày đất nước đổi mới, người phụ nữ ngày càng có điều kiện để phát huy toàn bộ những khả năng tiềm ẩn và những phẩm chất tốt đẹp đã được bồi dưỡng từ khi còn nhỏ và được truyền thụ qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, song song với những thuận lợi, vẫn còn tồn tại rất nhiều mặt trái, khiến cho những chuẩn mực thay đổi mạnh mẽ.
Người Việt Nam từ xưa đến nay đều quá quen thuộc với câu nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Người phụ nữ được xem là có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một nền tảng gia đình bền vững.Tuy nhiên, người phụ nữ hiện đại, bên cạnh việc xây tổ ấm còn phải gánh vác rất nhiều trọng trách trong công việc. Đôi khi, vì có quá nhiều nghĩa vụ người phụ nữ phải thực hiện, họ cảm thấy bị quá tải và không biết cần phải tuân theo những chuẩn mực nào.
Ngày nay, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam hiện đại được gói gọn trong 4 chữ: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Trong 4 chữ vàng ấy, có hai tiêu chí điển hình cho thế hệ phụ nữ trẻ, đó là “tự tin”, “tự trọng”, hai tiêu chí còn lại là “trung hậu”, “đảm đang” vốn là truyền thống quý báu của dân tộc được duy trì và gìn giữ cho đến tận ngày nay. Đây đều là những tiêu chí đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ mọi thời đại, có mối quan hệ hữu cơ, bổ sung cho nhau, phẩm chất này nhiều khi là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để dẫn đến phẩm chất khác.
“Tự tin” là phẩm chất tiên quyết được đề cao trong xã hội hiện đại. Đây là một điểm mới đối lập với người phụ nữ truyền thống. Trải qua 4000 năm dựng nước và giữ nước, hơn 1000 năm bị giặc phương Bắc đô hộ, sống trong thời kỳ phong kiến không chối bỏ chế độ đa thê, người phụ nữ trở nên nhỏ bé, tự tin, nhiều khi bị coi như con tôm, con tép, thấp cổ bé họng, không được quyền lên tiếng, không được quyền phản kháng. Người phụ nữ xưa còn trẻ thì sống phụ thuộc vào gia đình, đặt đâu ngồi đó, lấy chồng thì phải phụ thuộc vào quyết định của chồng, về già thì phải nương nhờ con trai. Đến nay vẫn còn lưu truyền câu nói nổi tiếng về thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Tam tòng tứ đức đã trở thành một trong trong những xiềng xích trói buộc người phụ nữ.
Trái ngược với những rào cản trong thế hệ xưa, ngày nay, người phụ nữ, mặc dù chưa xóa bỏ hết được những rào cản, nhưng đã phần nào có chỗ đứng, tiếng nói và có quyền bình đẳng hơn với nam giới trong công việc, cuộc sống. Phụ nữ ngày nay có quyền tham gia chính trị, quản lý đoàn thể, lãnh đạo,... Họ dám nghĩ, dám làm, tin tưởng vào khả năng của chính bản thân mình. Họ thấu hiểu những khiếm khuyết, tìm cách khắc phục và phát huy hoàn hảo những mặt mạnh, đóng góp không nhỏ trong công cuộc xây dựng và phát triển nên kinh tế quốc gia. Ngày nay, rất nhiều nữ doanh nghiệp đã được tôn vinh, trở thành điểm sáng về người phụ nữ tự tin trong thời hiện đại.
Tuy nhiên, tự tin không phải là tự cao. Người phụ nữ tự tin đủ để không tự ti, nhưng vẫn giữ được sự khiêm tốn, trân trọng giá trị và thành quả của người khác, luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi, rèn luyện các kỹ năng sống, sức khỏe, duy trì và gìn giữ vẻ đẹp từ trong ra ngoài.
Bên cạnh phẩm chất “tự tin”, “tự trọng” là phẩm chất không thể thiếu của người phụ nữ Việt. Lòng tự trọng khiến con người ta biết dừng lại trước những điều xấu, biết chấp hành pháp luật, tạo dựng cho chính mình một thói quen ứng xử có văn hóa, giữ mình trước những cám dỗ thường ngày. Người phụ nữ tự trọng sẽ trân trọng các chuẩn mực đạo đức của xã hội, để không làm những việc trái với thuần phong mỹ tục, không chạy theo những hào nhoáng bề ngoài mà đánh mất giá trị ẩn sâu bên trong. Người phụ nữ tự trọng biết đặt đạo đức nghề nghiệp lên trước lợi ích của bản thân.Đối lập với những phẩm chất tự tin tự trọng được sinh ra trong thời đại mới, “trung hậu” là một trong những phẩm chất quan trọng của người phụ nữ Việt hiện đại được hình thành từ xa xưa, lưu truyền cho đến ngày nay bởi những giá trị mà chúng đem lại. Ở Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung, sự thủy chung, tình nghĩa, nhân ái, son sắt, vị tha, bao dung được đề cao trong mọi thời kỳ. Tất cả những đức tính tốt đẹp đó được gói trọn trong phạm vi của hai từ: “trung hậu”. Thủy chung không đơn thuần là ám chỉ tình cảm nam nữ, chúng còn mở rộng ra ở phạm vi dân tộc, quốc gia để nói về tình yêu con người, bạn bè, đồng nghiệp, đất nước, nhân dân, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Người phụ nữ trung hậu là người giàu tình cảm, dám đứng lên đấu tranh cho những điều thiện, cho những người bị ức hiếp. Trung hậu để không vô cảm, để dám lên tiếng vì một thế giới tốt đẹp hơn, sẵn sàng thứ tha, bao dung để khiến lòng mình thanh thản.
Dù ở thời đại nào thì phẩm chất “đảm đang” của người phụ nữ đều được coi trọng, và là một trong những đức tính quý báu được nhân loại đề cao. Nhưng nếu trong xã hội phong kiến, đảm đang mang ý nghĩa gánh vác, lo toan mọi vấn đề liên quan đến công việc nội trợ, một lòng chăm lo, hy sinh vì chồng vì con mà quên đi quyền lợi chính đáng của bản thân mình thì ngày nay, đảm đang đã được khoác một lớp áo mới, mang một định nghĩa mới. Người phụ nữ đảm đang là người biết hài hòa, cân bằng các yếu tố trong cuộc sống như công việc, tình cảm, sức khỏe, gia đình, biết nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng chứ không lao đầu vào công việc ngày đêm. Người phụ nữ Việt đảm đang khi biết khéo léo chia sẻ những khó khăn cùng chồng con, động viên họ cùng tham gia công việc gia đình, biết khi nào cần dừng lại mỗi khi cãi vã, biết dùng lý trí và tình cảm hài hòa trong mọi vấn đề của cuộc sống. Người phụ nữ đảm đang có thể là một người không biết nấu quá nhiều món ngon, nhưng luôn biết cách di dưỡng tinh thần, sức khỏe cho những thành viên trong gia đình, kể cả chính bản thân mình qua những món ăn giàu dinh dưỡng.
“Đảm đang” là một trong những đức tính quý báu được nhân loại đề cao.
Đảm đang còn thể hiện ở một mặt khác rất quan trọng, đó chính là nuôi dạy con cái. “Cha sinh không bằng mẹ dưỡng”, “Đức hiền tại mẹ”, “Phúc đức tại mẫu” chính là sự ngợi ca về sự đảm đang, tình mẫu tử thiêng liêng của người phụ nữ. Thông qua những làn điệu hát ru nhẹ nhàng, tình cảm, khéo léo lồng ghép trong đó những lời giáo huấn, căn dạy độc đáo, người phụ nữ Việt đã mang cả thế giới rộng lớn đến với chiếc nôi nhỏ bé giúp đứa trẻ có được nhân sinh quan hoàn thiện. Muốn xây dựng một thế hệ trẻ có văn hóa chắc chắn không thể thiếu đi nền tảng giáo dục gia đình, đặc biệt là từ người phụ nữ, người mẹ. “Dạy con từ lúc còn thơ”, người mẹ với những hành trang kiến thức được tích lũy qua nhiều năm tháng sẽ là tấm gương tiêu biểu, giáo dưỡng con về cách ứng xử, ăn mặc, đối nhân xử thế để biết yêu thương và quan tâm gia đình, biết báo đáp xã hội, biết sẻ chia và gánh vác trọng trách trong công việc và cuộc sống. Để đứa trẻ lớn lên, trở thành một công dân có ích, một nhân tố góp phần hoàn thiện hơn xã hội và đất nước.
Có thể nói 4 phẩm chất trên chính là sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa của dân tộc cùng văn minh của nhân loại. Người phụ nữ cần luôn phấn đấu, rèn luyện để hoàn thiện bản thân mình, tự mang lại hạnh phúc cho chính mình, cho gia đình của mình và cho xã hội. Để làm được điều đó, ngoài nỗ lực tự thân, người phụ nữ rất cần đến sự giúp đỡ, hỗ trợ của những người thân trong gia đình, sự ủng hộ của các đoàn thể, cộng đồng.
Con người lao động đảm đang, con người nội trợ trung hậu, con người chiến sĩ dũng cảm - đấy là hình ảnh truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Những người phụ nữ Việt Nam hiện đại không những mang trong mình truyền thống đó mà còn biết tự giác phát huy, bồi đắp, bổ sung thêm “tự tin”, “tự trọng” để thích ứng với hoàn cảnh và điều kiện mới.
“Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” cũng chính là những phẩm chất cốt lõi khắc tạc nên chân dung người phụ nữ Amadora. Từ họ luôn tỏa ra một thứ khí chất thanh tao, thoát tục, trang nhã, điều mà không phải ai cũng có được.
Có không ít mỹ từ miêu tả vẻ đẹp và phẩm hạnh của người phụ nữ Việt như đảm đang, xinh đẹp, khiêm tốn, chân thật, nhân hậu… Người ta nói, đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Hãy khám phá và cảm nhận những cái hay, những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong nhiều cung bậc của cuộc sống.
Phụ nữ Việt Nam với vẻ đẹp bình dị, với đôi mắt nâu và mái tóc dài thẳng đặc trưng, dáng người nhỏ nhắn, thanh mảnh. Phụ nữ ngày nay trong cuộc sống hiện đại, tuy không quá giản đơn nhưng cũng không quá khoa trương trong cách ăn mặc, sự giản dị vẫn được đề cao trong lối sống của họ.
Bên cạnh đó, phụ nữ Việt được đánh giá có giọng nói hay như hát hoặc nhiều khi như thì thầm vì giọng các nàng rất nhẹ nhàng, trong trẻo và đầy nữ tính. Có thể do đặc thù có sáu âm điệu của tiếng Việt đã tạo nên giọng nói đầy truyền cảm ấy cho phụ nữ Việt.
Mặc dù ảnh hưởng mạnh mẽ bởi xu thế “giải phóng” phụ nữ nhưng phụ nữ Việt vẫn còn giữ được nhiều nét truyền thống tốt đẹp. Ngày nay, quan niệm “Tam tòng” có thể chỉ còn sót lại ở các bà các mẹ, nhưng những quan niệm như “công, dung, ngôn, hạnh” hay thủy chung, hiếu thảo, hay dịu dàng, thanh lịch vẫn là những phẩm chất truyền thống được cá nhân, gia đình, xã hội công nhận và hướng tới. Bởi vậy, hình ảnh phụ nữ Việt vẫn rất đậm nét truyền thống trong mắt bạn bè quốc tế, nhất là trong những bộ đồ truyền thống.
Phụ nữ Việt Nam vốn có lối sống đơn giản nhưng vẫn toát lên sự ‘bí ẩn’, từ chiếc áo dài truyền thống hay áo bà ba, áo tứ thân đến những phẩm chất tốt đẹp vẫn tồn tại mặc cho bao thăng trầm lịch sử, mặc cho bao ảnh hưởng giao thoa văn hóa. Sự bí ẩn khiến phụ nữ Việt trở nên không nhàm chán, họ không tỏ ra bí ẩn bằng những hành động khó hiểu mà bí ẩn ngay chính trong sự đơn giản vì những phẩm chất tuyệt vời của mình, và nhận được không ít lời khen ngợi của bạn bè quốc tế
Phụ nữ Việt Nam ngày nay có trình độ học vấn cao hơn trước, họ rất nhạy cảm, thông minh trong công việc hay cách ứng xử trong đại gia đình. Hiện nay, người phụ nữ tuy không còn chỉ biết nhất nhất cam chịu lắng nghe, nhưng họ vẫn tôn trọng người chồng, đồng thời luôn có tiếng nói của riêng mình những lúc cần thiết.
Sau khi kết hôn, là người vợ trong gia đình họ thường hết lòng chăm sóc chồng con, vun vén xây dựng cho gia đình trong ấm ngoài êm. Không những vậy, họ còn hiếu thảo với bố mẹ chồng và bố mẹ mình, chăm lo các mối quan hệ họ hàng.
Ở nước ta, quan niệm về quan hệ ngoài chồng ngoài vợ khi đang kết hôn là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, làm ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Có lẽ vì thế nên mặc dù ở Việt Nam không có những phong tục trừng phạt phụ nữ ngoại tình như nhiều quốc gia khác nhưng tỉ lệ phụ nữ Việt Nam ngoại tình là rất thấp so với nhiều nước. Nếu tình yêu hay hôn nhân xảy ra những trục trặc, thường thì phụ nữ Việt có xu hướng tìm các giải pháp và nhờ gia đình bạn bè khuyên giải hay chấp nhận khó khăn để gìn giữ gia đình. Đó là lý do vì sao phụ nữ Việt được đề cao với phẩm chất chung thủy và đáng được tin cậy.
Phụ nữ Việt trong thời hiện đại không còn chỉ ở nhà làm nội trợ hay chăm sóc ruộng vườn nữa, họ vừa chăm sóc gia đình, dạy bảo con cái, và vẫn đi làm để lo kinh tế cho gia đình. Họ vẫn luôn hỗ trợ chồng con cũng như mọi thành viên khác trong gia đình phát triển, vẫn có trách nhiệm với việc tề gia nội trợ. Ngoài ra, dù là người lao động chân tay hay nội trợ, công sở họ đều làm việc rất chăm chỉ, không nề hà dù là công việc nặng nhọc hay công việc thủ công tỉ mỉ, đến công việc đòi hỏi sự nhẫn nại và hi sinh cao như chăm sóc trẻ nhỏ người già… Họ đều làm hết mình với tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương. Vì gia đình, tình yêu và tương lai, họ cũng luôn luôn có nghị lực để vượt qua những thử thách và gian khó trong cuộc sống.
Phụ nữ Việt Nam có nhiều nét khác biệt so với phụ nữ ở nhiều quốc gia khác. Ví dụ ở Nhật, Hàn, phụ nữ có xu hướng ở nhà chăm sóc gia đình sau khi kết hôn. Ở phương Tây, phụ nữ hay yêu cầu nam giới phải chia sẻ việc nhà.
Có lẽ bạn sẽ nghĩ những phẩm chất của phụ nữ Việt đi ngược lại với phong trào bình đẳng? Con người ai cũng có mặt tốt và mặt cần cải thiện, một cá nhân có những phẩm chất thế nào phần lớn là do ảnh hưởng từ gia đình và môi trường xung quanh mà chính họ cũng không nhận thức được. Chúng ta nên nhìn nhận lại những giá trị tốt đẹp của mình, nếu để tư tưởng “nam nữ bình đẳng” quá nặng sẽ dễ làm mất đi những phẩm chất tốt đẹp vốn có của người phụ nữ. Những người phụ nữ còn chưa đủ tự tin vào bản thân và chưa nhận ra những phẩm chất đáng quý của mình sẽ chợt hiểu ra và yêu thương tôn trọng bản thân mình hơn.
Tuy vậy, với xu thế tự do và bình đẳng, lối sống, văn hóa, văn minh, thì sẽ không có một chuẩn mực nào cho hình ảnh của một người phụ nữ. Bạn là người phụ nữ thế nào: tự do, truyền thống, văn minh, thuần Việt, Tây hóa hay ra sao đi nữa, thì bạn hoàn toàn có quyền tự quyết định và trở thành người phụ nữ mà mình mong muốn. Tuy nhiên, giữ lại được những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống là điều vô cùng đáng quý!
Minh Nguyệt
12 phẩm chất đẹp đáng trân trọng
của người phụ nữ Việt Nam
Chúng ta có thể thấy mọi người đang chuẩn bị cho những bó hoa, quà và sự kiện dành cho phụ nữ diễn ra ở nước ta. Nhưng, ở phương Tây, phụ nữ không được đề cao nhiều như vậy.
Tôi bắt đầu vào thử các công cụ tìm kiếm và gõ tìm kiếm phụ nữ Việt Nam, thấy vô vàn những bức ảnh đẹp và những mỹ từ long lanh người nước ngoài mô tả về phụ nữ nước ta như là nữ thần nhà bếp, xinh đẹp, chung thành, khiêm tốn… Kể cả như thầy giáo nhà thơ Thái Bá Tân, người luôn chỉ ra những thói hư tật xấu của đất nước còn khen phụ nữ nước nhà. Ngay cá nhân tôi, sống ở nước ngoài cũng thấy người nước ngoài ca ngợi phụ nữ Việt và có lẽ đó cũng chính là lí do vì sao đàn ông từ những nước có phong trào nữ quyền cao hay tỉ lệ nam giới cao hơn phụ nữ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và phương Tây cũng như nhiều quốc tịch khác rất thích lấy vợ Việt. Sau đây là một số phẩm chất đẹp tiêu biểu của phụ nữ Việt khiến nam giới trong và ngoài nước vô cùng trân trọng:
1. Xinh đẹp và nữ tính
Mặc dù phụ nữ Việt Nam chưa có nhiều vị trí cao trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế nhưng về vẻ đẹp thường ngày thì phụ nữ Việt được xem là xinh nhất trong khối ASEAN do làn da mềm mịn, dáng mảnh khảnh, đôi mắt nâu và mái tóc dài thẳng mượt như lụa. Bên cạnh đó, phụ nữ Việt lại rất chịu khó tập tành, ăn kiêng, làm tóc, làm móng và ăn mặc hợp mốt nên lại càng đẹp long lanh hơn. Kể cả với những phụ nữ giản dị và ít chăm sóc vẻ ngoài thì trong mắt nam giới nước ngoài, phụ nữ Việt vẫn đẹp với nét dịu dàng, nhỏ bé và nữ tính do chiều cao trung bình thấp, tỉ lệ béo phì cũng rất thấp so với phụ nữ trên thế giới.
2. Giọng nói truyền cảm và nhẹ nhàng
Người nước ngoài vẫn truyền tai nhau rằng phụ nữ Việt nói như chim hót hay như hát hoặc nhiều khi như thì thầm vì giọng nàng rất nhẹ nhàng, trong trẻo và nữ tính. Do tính chất của chính tiếng Việt với sáu âm điệu đã vô tình tạo nên giọng nói truyền cảm của phụ nữ Việt.
3. Có học thức, thông minh, tinh tế
Phụ nữ Việt Nam ngày nay có trình độ học thức và nhiều người thậm chí học cao hơn nam giới. Họ cũng rất nhạy cảm, thông minh trong công việc hay ứng xử trong đại gia đình. Không còn cái thời nam giới hét ra lửa và phụ nữ cam chịu lắng nghe nữa. Nàng vẫn tôn trọng chồng nhưng luôn có tiếng nói của riêng mình nếu chồng không cư xử hợp tình hợp lý.
4. Giỏi nội trợ
Do phong trào nữ quyền lên đỉnh điểm ở các nước phương Tây và ảnh hưởng sâu rộng sang nhiều nước khác, phụ nữ trên thế giới, đặc biệt là các nước thân Mỹ, Âu, nên cho đến đầu thế kỷ 21 rất nhiều người đã không tin vào kỹ năng nấu nướng là một đặc điểm nữ tính nữa. Ngược lại, họ đề cao những người phụ nữ mạnh mẽ trong thể thao, giỏi giang thành đạt trong sự nghiệp và thậm chí còn có suy nghĩ rằng một người đàn ông tốt muốn giữ được phụ nữ thì phải giỏi mọi mặt và biết nấu ăn để lấy lòng nàng. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì phụ nữ Việt đã và đang được gia đình và xã hội dạy dỗ. Chính vì vậy, khả năng nấu ăn ngon được cho là đương nhiên trong xã hội Việt Nam lại rất được đánh giá cao ở hải ngoại.
5. Nói không với rượu, thuốc
Cũng do cách mạng nữ quyền mà hiện nay số lượng phụ nữ phương Tây sử dụng chất cồn và thuốc lá đang trở nên phổ biến và thậm chí còn phổ biến hơn cả nam giới.
Cũng do cách mạng nữ quyền mà hiện nay số lượng phụ nữ phương Tây sử dụng chất cồn và thuốc lá đang trở nên phổ biến và thậm chí còn phổ biến hơn cả nam giới. Và rõ ràng rằng, cả thế giới đã nhận thức việc sử dụng thái quá rượu và thuốc gây tác động tiêu cực thế nào tới sức khỏe thể chất và tâm lý thế nào. Và cũng vì vậy, chỉ việc nói không với rượu thuốc thôi, phụ nữ Việt đã được mến mộ hơn rất nhiều.
6. Yêu thương gia đình hết mực
Hầu hết phụ nữ Việt khi đã kết hôn thường hết lòng chăm sóc chồng con, vun vén xây dựng gia đình nhỏ của mình. Không những vậy, nàng còn hiếu thảo với bố mẹ chồng và bố mẹ mình, chăm lo các mối quan hệ họ hàng khác. Trong khi đó, nhiều phụ nữ phương Tây sẵn sàng sống đơn thân, li hôn, có quan hệ không ràng buộc, hoặc li hôn hoặc kết hôn lại nhiều lần. Với hầu hết phụ nữ Việt, kết hôn nghĩa là mãi mãi, chung sống đến đầu bạc răng, có mâu thuẫn gì thì đóng cửa bảo nhau trong khi ở phương Tây, hôn nhân rất nhiều trường hợp chỉ là biểu tượng hoặc cũng vẫn chỉ là phép thử của tình yêu.
7. Độc lập nhưng luôn hỗ trợ
Phụ nữ Việt trong thời hiện đại không còn chỉ ở nhà nội trợ hay chăm sóc ruộng vườn nữa, nàng vẫn kết hôn, sinh con cái, vẫn đi làm để lo kinh tế cho gia đình và vẫn luôn hỗ trợ chồng con cũng như mọi thành viên khác trong gia đình phát triển và vẫn có trách nhiệm với việc tề gia nội trợ. Trong khi đó ở nhiều nước phát triển ở châu Á như Nhật, Hàn, phụ nữ có xu hướng ở nhà chăm sóc gia đình sau khi kết hôn hoặc ở phương Tây, phụ nữ luôn yêu cầu nam giới phải chia sẻ đôi việc nhà, tài chính và không bao giờ nghĩ mình có trách nhiệm với gia đình mở rộng hay nội ngoại, họ hàng. Cũng vậy, do khả năng độc lập hay hỗ trợ về tâm lý, tình cảm thấp nên hôn nhân khó hạnh phúc hoặc khó bền vững. Đó là một phần trong những lý do vì sao tỉ lệ li hôn lên mức cực điểm ở các nước này và vẫn còn thấp ở Việt Nam.
8. Chung thủy và đáng tin cậy
Mặc dù ở Việt Nam không có những phong tục trừng phạt phụ nữ ngoại tình nặng như nhiều vùng ở Ấn Độ hay Afghanistan hay một số nước khác nhưng tỉ lệ phụ nữ Việt Nam ngoại tình là rất thấp so với nhiều nước. Trong khi một bộ phận ở nước ta coi hối lộ là đương nhiên nhưng quan niệm quan hệ ngoài chồng ngoài vợ khi đang kết hôn là vi phạm pháp luật hay vi phạm đạo đức hoặc làm ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình khác thì nhiều nền văn hóa coi tham ô là hành vi thiếu đạo đức và vi phạm pháp luật trong khi quan hệ ngoài chồng ngoài vợ khi đang kết hôn lại được xã hội chấp nhận là tự do cá nhân. Bên cạnh đó, nếu tình yêu hay hôn nhân có trục trặc, thường phụ nữ Việt có xu thế tìm giải pháp, nhờ gia đình bạn bè khuyên giải hay chấp nhận khó khăn để gìn giữ tình yêu và gia đình. Đó là lí do vì sao phụ nữ Việt được để cao với phẩm chất chung thủy và đáng được tin cậy.
9. Giản dị và chân thành
Ngày nay, phụ nữ Việt không còn quá giản đơn trong cách ăn mặc nữa do Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình nên phụ nữ đã trở nên thời trang và lộng lẫy hơn nhiều. Tuy nhiên, sự giản dị được đề cao ở đây là lối sống đơn giản, không đòi hỏi, không thể hiện, khoe khoang khả năng và thường kín đáo và e thẹn hơn phụ nữ của nhiều nước khác.
10. Chăm chỉ, nghị lực, vị tha
Ngày nay, phụ nữ Việt không còn quá giản đơn trong cách ăn mặc nữa do Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình nên phụ nữ đã trở nên thời trang và lộng lẫy hơn nhiều. Tuy nhiên, sự giản dị được đề cao ở đây là lối sống đơn giản, không đòi hỏi, không thể hiện, khoe khoang khả năng và thường kín đáo và e thẹn hơn phụ nữ của nhiều nước khác.
11. Truyền thống
Mặc dù ảnh hưởng mạnh mẽ bởi xu thế giải phóng phụ nữ trong thời kỳ thuộc địa và kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, phụ nữ Việt vẫn còn giữ được nhiều nét truyền thống tốt đẹp. Ngày nay, quan niệm “Tam tòng” (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) chỉ còn sót lại ở một số phụ nữ trung niên hoặc về hưu do tỉ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động không thua gì nam giới. Tuy nhiên, những quan niệm như “công, dung, ngôn, hạnh” hay thủy chung, hiếu thảo, hay dịu dàng, thanh lịch vẫn là những phẩm chất truyền thống được cá nhân, gia đình và xã hội công nhận và hướng tới. Bên cạnh đó, phụ nữ Việt cũng rất chịu khó học hỏi truyền thống các nước nước khác như Trung Quốc, Nhật, Pháp, Mỹ trong thời kỳ thuộc địa, những truyền thống mà họ đã không còn giữ thì chúng ta mới đang trong quá trình học hỏi khiến hình ảnh phụ nữ Việt vẫn đang cực kỳ… truyền thống trong mắt bạn bè quốc tế.
12. Bí ẩn
Người Việt Nam vốn có lối sống truyền thống và đơn giản nhưng trong họ vẫn toát lên sự bí ẩn, từ chiếc áo dài truyền thống hay áo bà ba, tứ thân đến những phẩm chất tốt đẹp nêu trên vẫn tồn tại mặc cho bao thăng trầm lịch sử, mặc cho bao ảnh hưởng giao thoa văn hóa và mặc cho nhiều ý kiến trái chiều cả trong lẫn ngoài nước. Sự bí ẩn khiến họ không trở nên nhàm chán và dễ hiểu, họ không tỏ ra bí ẩn bởi những hành động kỳ quặc khó hiểu mà bí ẩn ngay chính trong sự đơn giản vì những phẩm chất tuyệt vời của mình khiến nhiều trái tim nam giới ngoại quốc phải ngẩn ngơ và phụ nữ ngoại quốc có chút phần ganh tị.
và nhiều phẩm chất tốt đẹp khác nữa…
Kết luận: Người viết tin rằng sau khi đọc xong bài viết sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều và nhiều câu hỏi được đặt ra. Có bạn sẽ tự hỏi liệu những đánh giá trên là đi ngược lại với phong trào bình đẳng? Ai là phụ nữ Việt Nam (là phụ nữ sinh ra ở Việt Nam? Chỉ cần là phụ nữ nói tiếng Việt? Lâu hay ít chỉ cần sống ở Việt Nam bạn là phụ nữ Việt? Là phụ nữ am hiểu về văn hóa và con người Việt Nam? Sinh ra ở Việt Nam nhưng sống ở nước ngoài). Nam hay nữ, Tây hay ta cũng đều có người nọ người kia, đã là con người ai cũng có mặt tốt và mặt cần cải thiện và rất nhiều trường hợp, một cá nhân có những phẩm chất thế nào cũng phần nhiều là do ảnh hưởng nhiều từ gia đinh, nhà trường và môi trường xã hội xung quanh mà chính họ cũng không nhận thức được.
Riêng trong bài viết này, tôi mong muốn chính bản thân mình và các chị em được có cơ hội nhìn nhận lại những giá trị tốt đẹp của mình, tránh để bị phong trào nữ quyền đẩy mình đi quá xa mà làm mất đi những phẩm chất tốt đẹp vốn có của mình. Hay những chị em phụ nữ nào còn mất tự tin chưa nhận ra những phẩm chất đáng quý của mình sẽ chợt hiểu ra và yêu thương tôn trọng bản thân mình hơn.
Tuy vậy, với xu thế tự do và bình đẳng cả về giới tính, lối sống, văn hóa, văn minh, sẽ không còn một quy chuẩn nghiêm khắc nào cho hình ảnh một người phụ nữ nữa. Bạn là người phụ nữ thế nào: tự do, truyền thống, văn minh, thuần Việt, Tây hóa hay đa văn hóa, bạn hoàn toàn có quyền tự quyết định và xây dựng hình ảnh của chính mình.
Nguồn: Elle
Kim Phượng sưu tầm & tổng hợp