Ma Việt, ma Phi
Ma Việt, ma Phi
Triều Phong
Halloween 2021
Thế là chúng tôi đã qua một kỳ trăng bình an. Ngày thì trông trời ngóng biển, núp nắng dầm mưa. Đêm thì hóng gió đếm sao, vào khoang trốn bão. Con thuyền chết máy cứ vậy mà lênh đênh, trôi bềnh bồng suốt mười mấy ngày.
Tối nay trăng non mọc chênh chếch, cả đám thanh niên kéo ra ngồi trước thuyền đấu láo, mặc kệ số phận. Trên đầu mũi thuyền, tôi dõi mắt nhìn ra xa, tìm kiếm một con tàu. Dưới ánh sáng nhợt nhạt, biển rộng mênh mông, những lượn sóng nhỏ vỗ lăn tăn khiến cho mặt biển giống như ngàn con cá bạc đang quẫy khúc nhạc vui. Về khuya, gió lớn dần, thuyền cứ đong đưa qua lại như trứng hột vịt lắc lư trên sóng nước, mọi người lần lượt chui xuống hầm tránh lạnh bỏ lại tôi với thằng Khanh bên ngoài. Nó là dân Ông Tạ, nhỏ hơn tôi vài tuổi, chuyến này Khanh dẫn Thoa; vợ sắp cưới, theo cùng vì tin chủ tàu bởi họ bảo đảm “chắc ăn như bắp.” Ai dè…
– Giờ cứ như vầy hoài sao anh? Khanh lên tiếng phá tan đêm dài tĩnh mịch. Tôi chắt lưỡi, trả lời yếu ớt:
– Hy vọng sẽ có tàu vớt mình.
– Hơn hai mươi chiếc rồi, gặp mình tất cả đều lơ càng, nản thật!
Nó than thở giọng đầy thất vọng, tôi làm thinh. Nói mãi suốt mấy chục ngày nay đứa nào cũng chán ngán nên một đỗi sau nó leo xuống hầm, đi ngủ. Chỉ còn tôi nấn ná lại trên boong để cầu mong một cơ hội. Ước ao được cứu vớt lúc này đã trở nên mong manh và xa xỉ. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng!
Không biết đến bao lâu, một ngọn gió đột ngột thổi qua, tôi cảm thấy lạnh và người như dại đi. Trong cơn mơ màng, đầu óc lờ đờ nửa tỉnh nửa mê ấy tôi nghe như có nhiều tiếng khóc phát ra xung quanh. Tiếng khóc lúc đầu nhỏ rồi từ từ lớn dần. Hòa lẫn trong những tiếng nấc nức nở nghẹn ngào đó tôi nghe như có cả tiếng gào khóc của con nít thét vang vì sợ hãi nữa. Rồi tiếng người rên rỉ, nỉ non thống thiết, tiếng rú, tiếng la hoảng như của người sắp chết từ dưới lòng đại dương dội lên làm tôi sởn gai ốc, rùng mình liên tiếp mấy cái liền.
– Nhớ nhà hả anh?
Tôi giật mình nhìn lại thấy thằng Khanh ló đầu lên khỏi miệng hầm và đang ngó tôi trân trối, dò xét. Tôi lắp bắp:
– Đâu…đâu…có.
– Em nghe khóc, tưởng là anh khóc vì nhớ nhà nên bò lên xem.
– Mày nghe ?
– Vâng!
Lời như đinh đóng cột của nó vừa thốt ra khỏi cửa miệng thì tôi không nói thêm gì nữa mà chỉ kéo nó chui vội xuống hầm đóng nắp lại mà người rét run bần bật. Tôi thì thào vào tai nó. Nghe xong Khanh vội quay qua ôm chặt con vợ cạnh bên và miệng không ngớt đọc kinh Kính Mừng bỏ mặc tôi trong đêm đen hôi hám. Tôi nằm giữa mấy đứa trẻ nhỏ cùng một đống đàn bà con gái bèo nhèo, miệng lâm râm niệm Phật!
Ngày qua ngày ghe cứ trôi lặng lờ, ngồi trên thành ghe nhìn biển cả mênh mông, trông những vệt mây trắng bay hững hờ trên lưng trời xanh thẳm như mấy dải khăn mỏng dịu dàng run nhẹ trên bờ vai thiếu nữ mà chẳng biết làm sao. Dần dà mọi thứ trên ghe cạn kiệt, đói khát bò tới gần!
Mấy ngày kế tiếp, nước chỉ để dành uống chứ không nấu cháo nữa! Dưới hầm phụ nữ nằm rũ liệt. Trên boong, đám thanh niên chúng tôi lúc bấy giờ chạy lon ton như những con “còng gió.” Khuya một hôm, trời đổ mưa. Mọi người như chết đi sống lại, vui mừng bò lên boong hay ra sau sàn ghe hứng nước mưa uống. Tôi ngửa mặt lên trời nuốt từng giọt, cảm nhận được vị ngọt của nước mưa thấm xuống cuống họng và lan dần vào từng tế bào của cơ thể một cách vô cùng hạnh phúc. Đã khát rồi, chúng tôi lấy áo mưa ra căng để hứng nước đổ vô tất cả các thứ gì có thể chứa được.
Một buổi trưa, anh Hưng đến cạnh tôi và anh Phượng đang ngồi dựa lưng vào vách ca-bin trốn nắng, anh buồn rầu cất giọng Bắc than thở rằng ghe này không có người tổ chức, Bửu chỉ là một thợ máy mới ra trường chẳng có kinh nghiệm gì. Mấy hôm nay anh để ý thấy dưới máy tàu có một con ốc; có lẽ bị gãy bởi đêm bão khiến tàu hỏng máy chứ không phải vì “dầu phun giọt chứ không còn phun sương” làm máy không nổ được như Bửu thường giải thích với mọi người. Anh Hưng tỏ ý muốn sửa chữa nhưng lưỡng lự. Anh sợ rủi có bề gì người ta lại quy trách nhiệm cho anh là thợ máy thì khổ thân anh. Tôi mừng rỡ khi nghe anh bộc bạch. Hy vọng lại nhen nhúm trong tuyệt vọng!
Thế là tôi kéo hai anh xuống khoang. Tôi lên tiếng nói cho mọi người biết rằng anh Hưng không phải là thợ máy ghe này. Anh chỉ biết chút đỉnh về máy móc nên muốn xem thử coi có sửa gì được không mà thôi. Vài tiếng tán thành yếu ớt vang lên. Anh Hưng phân bua bởi hình như tôi chưa nói hết ý của anh:
– Thưa bà con, tôi ở ngoài đời là thợ sửa xe Honda chứ không phải là thợ máy tàu nên nếu Trời thương chúng ta cho tôi sửa được thì tốt, bằng không rủi có bị bắt xin bà con đừng chỉ tui là thợ máy nghe!
Mọi người lặng thinh, anh nhìn chúng tôi lắc đầu. Anh Phượng ghé tai tôi nói nhỏ:
– ĐM, thằng cha này nhát quá, “khéo lo bò trắng răng!”
Đầu tiên, chúng tôi phải năn nỉ anh Sang rất lâu để anh đồng ý cho thằng Tài; con anh, thò tay vô lượm con ốc khi máy được nhỏm lên vì chúng tôi cần bàn tay nhỏ do chúng tôi không thể nâng cái máy tàu cực nặng đó lên cao hơn được trong hoàn cảnh thiếu phương tiện như thế này. Cuối cùng vì mọi người, anh đồng ý nhưng rất lo sợ. Anh Hưng ẵm thằng Tài lên cao, chỉ con ốc đang nằm bên dưới mà nó phải lượm ra theo luồng ánh sáng thằng Bửu dùng đèn Pin rọi xuống cho cháu thấy.
Đoạn chúng tôi tìm một thanh gỗ dài trong lườn ghe tháo ra để làm đòn bẩy. Công việc này nặng nhọc, khó khăn và nguy hiểm vì phải làm trên sóng nước gập ghềnh, cần phải hết sức cẩn thận và tận lực. Tất cả thanh niên được huy động vào phụ giúp theo sự hướng dẫn của anh Hưng. Chúng tôi phải dồn bớt người sang phía bên kia lườn ghe lúc bẩy máy lên để cân bằng con thuyền vì nếu không tính toán kỹ càng, ghe sẽ bị lật ngay.
Ai cũng hồi hộp và căng thẳng khi bắt đầu, nhưng người lo sợ hơn cả có lẽ là anh Sang vì gương mặt anh lúc ấy vô cùng lo âu. Mọi chuyện diễn ra êm xuôi nhờ ai cũng hết lòng. Kế tiếp, anh Hưng lò dò từ đầu ghe đến cuối mũi để tìm con ốc tương tự cùng kích cỡ. May mắn cho chúng tôi, ghe có hai con ốc như thế để anh tháo lấy một cái lắp vào máy. Nghiền ngẫm, nghiên cứu thật lâu rồi anh Hưng bắt đầu tháo nắp máy và gỡ từng bộ phận để tìm vị trí của con ốc gãy. Anh hì hục cả buổi hết mò mẫm chỗ này lại soi mói sang nơi khác. Lâu lâu anh đưa tay ra phía sau lưng bảo:
– ĐM, đứa nào đưa giùm anh cái mỏ lết coi!
Sau gần cả ngày vật lộn với khối sắt to lớn, hút gần chục điếu thuốc bỗng anh mừng rỡ reo lên:
– A, đây rồi. Con ốc gãy ở chỗ này thì làm sao mà máy nổ được.
Ở bên ngoài, tụi tôi vui như mở cờ trong bụng. Anh Hưng cứ lom khom hết đứng rồi lại bò quanh hầm máy cho đến khoảng bốn giờ chiều thì xong. Và anh thử “đề” máy.
– Bạch! Bạch! Bạch…..Đùng, Đùng… Đùng… Đùng!
Tiếng máy nổ phá tan bầu không khí yên lặng như tờ bao ngày qua. Con tàu đang dật dờ, bỗng trở mũi chồm lên và chạy thẳng về phía trước như ngựa bị giật cương dựng đầu và nhổm hai chân trước lên cao vậy. Chú Tám tài công vội vã nhảy vô ca-bin chộp cần lái. Mọi người reo hò, mừng rỡ ôm chầm lấy nhau hét vang. Chú Nhàn thì lúp xúp chạy ra trước mũi ghe quỳ xuống xì xụp vái tạ Trời Đất khắp bốn phương tám hướng. Tuy nhiên ghe chạy rất chậm dù chú Tám cố thử lên ga mấy lần.
Nhưng chỉ vài phút sau thì máy lại tắt, ghe lại lặng lờ như cũ. Mọi người ngó nhau ngơ ngác. Anh Hưng nhảy xuống hầm máy xem thấy con ốc vừa thay lại bị gãy và rơi đúng y chỗ cũ. Leo lên boong anh Hưng nằm soãi hai tay thở dài trong lúc bọn chúng tôi kẻ thì ngồi gục đầu, thằng thở ra thất vọng, buồn hiu! Đằng kia, thằng Tuấn đứng trên thành ghe tiểu mãi vẫn không được vì tàu cứ nhấp nhô trên sóng. Chợt nó la lớn “Ê, hình như là có cái cây gì trên biển kìa anh em ơi. Chắc mình sắp tới đảo rồi.” Cả đám đứng bật dậy trông theo hướng chỉ tay của nó và thấy có ba cái cây đen nhỏ như chiếc đũa nhô cao khỏi mặt biển. Anh Phượng thì leo hẳn lên nóc ca-bin để nhìn cho rõ. Sau một hồi chăm chú quan sát anh quát lớn:
– ĐM, cá mập!
Mọi người lật đật nhảy xuống hầm đóng nắp lại, nín thở, mặt xanh lét nhìn nhau chẳng dám nói tiếng nào. Đợi khá lâu không thấy động tĩnh gì, Phong mở cửa sổ dưới khoang nhìn ra ngoài quan sát. Lúc cửa sổ vừa được nó đẩy lên, tôi giật mình vì thấy hai con cá mập thật lớn đang lội sát thân tàu, mắt mở to thao láo và trong vắt, nhìn thật dễ sợ. Thằng Phong hết hồn kéo vội cửa sổ xuống. Anh Phượng thì thầm bên tai tôi:
– ĐM, cá mập trắng. Hung thần của biển cả!
– A, ở đây một con nữa!
Bên kia thằng Ngọc cũng vừa đóng cửa sổ lại vừa nói lớn.
– Suỵt! ĐM. la lớn nó nghe tiếng động đâm cho vỡ tàu bây giờ.
Anh Phượng gắt nho nhỏ. Thằng nhóc vội nín bặt. Không biết đến bao lâu, thấy không có gì xảy ra chúng tôi lại mở hé cửa sổ lên xem. Chẳng còn con cá mập nào nữa cả! Mọi người thở phào như để trút nỗi kinh hoàng. Theo lời anh Phượng, ba cái cây mà chúng tôi thấy nhô lên khỏi mặt nước như ba chiếc đũa ấy chính là ba cái vi trên lưng của chúng!
Rồi ngày chuẩn bị đi ngủ. Mặt trời rực đỏ như quả cầu lửa ở chân trời, nhuộm vàng cả một vùng biển. Chẳng mấy chốc đại dương nuốt mất quả cầu, không gian đen tối bao trùm. Gió thổi từng cơn mang theo hơi nước lành lạnh. Sóng vỗ rì rầm muôn đời không thay đổi!
Hôm sau chúng tôi làm lại những gì đã làm như hôm qua nhưng nhanh hơn. Suốt buổi, anh Hưng lầm lì ít nói, và có vẻ trầm tư lo lắng. Chú Nhàn lâm râm khấn vái, chú Tám cầm cần lái chờ đợi trước khi anh Hưng đề máy. Tất cả nín thở theo dõi. Kỳ này kinh nghiệm hơn chú Tám không dám rồ ga mạnh do đó con tàu rẽ sóng đi nhè nhẹ lúc máy nổ. Ai cũng vui nhưng không dám mừng rỡ quá như hôm trước. Chú Tám tăng ga dần nhưng ghe vẫn không chạy nhanh hơn được. Sau một lúc thử, chú cho biết ghe chỉ chạy được với tốc độ chậm như thế này thôi dẫu sao thì vẫn tốt hơn là bị thả trôi.
Anh Thành cột một cái bình nhựa không vào sợi dây dài độ mười thước tây và thả xuống biển rồi nhìn đồng hồ để tính vận tốc của ghe khi sợi dây căng thẳng. Anh nhẩm tính như vậy con tàu của chúng tôi chỉ chạy với tốc độ năm hải lý (mile) một giờ. Tuy nhiên vấn đề chính là đi đâu đây? Vì chúng tôi đã hoàn toàn mất phương hướng! Bao nhiêu kiến thức học đường của bọn tôi và kinh nghiệm đi biển của tài công đều được mang ra tranh cãi cuối cùng là mọi người quyết định nhắm theo hướng mặt trời mọc mà chạy!
Ghe đi thêm được hai ngày hai đêm nữa thì tất cả đều đói lả, nằm la liệt. Đàn bà con gái đầu tóc rũ rượi, người ốm o, da dẻ xanh mét, mặt mũi bơ phờ còn trẻ em thì hầu như đều nằm im thoi thóp. Trên ghe không còn gì để ăn. Dưới hầm, thằng Tín đang xé cái áo nhai trong cơn hoảng loạn của cái đói hành hạ. Thùng phuy đựng nước hôm nay đã rỉ sét khiến tí nước còn lại trong đó trở nên đỏ lòm, tuy vậy vẫn có kẻ múc uống để rồi tiêu chảy nằm gục trong góc hầm. Bấy giờ mỗi khi đi trên boong tôi phải men theo ca-bin hay bò lom khom vịn vào thân tàu cho gió khỏi thổi bay vì người lúc nào cũng liêu xiêu chực ngã. Da thịt bắt đầu bị rộp nắng phồng lên và lột khắp người.
Ngày kế tiếp ghe tôi đột nhiên gặp bốn chiếc tàu đánh cá hai tầng thật to của Thái Lan với lố nhố đám đàn ông đen đúa mình trần trùng trục. Nhưng có lẽ ghe tôi được ông bà độ, nên họ chẳng những đã không cướp mà còn quăng qua cho một số lương thực, nước uống, thuốc lá, bánh kẹo và còn định cho “điểm đứng” của ghe rồi chỉ đường cho đi nữa. Nhờ gặp họ mà chúng tôi mới biết là ngày ra khơi chúng tôi đã đụng phải cơn bão cấp 12 mà không chết là cả một sự kỳ diệu đối với ngư dân vậy.
Nhưng “phước bất trùng lai!” Độ chừng ba giờ chiều ngày thứ hai mươi sáu lúc ghe tôi đang chạy cà rịch cà tang thì tự nhiên một cột nước khổng lồ từ trên không phủ chụp xuống người dù trời đang nắng chói chang. Còn đang ngỡ ngàng chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì chúng tôi lại nghe:
– Cắc…Uỳnh! Cắc …Uỳnh!!!
Anh Phượng trợn tròn mắt giây lâu rồi la:
– ĐM, đạn M79!
Lời anh vừa dứt đã thấy có ba chiếc tàu gỗ, to, đang từ xa chạy ào ào về hướng chúng tôi. Hóa ra là bọn người bên kia dùng súng bắn xuống nước để chặn đầu ghe tôi. Chúng tôi lại vội vàng chui xuống khoang và đóng nắp hầm lại. Thằng Thanh ở phía sau chót xuống chưa kịp đã bị đạp ngã chúi vào các người ở dưới, kèm theo những tiếng quát tháo:
– ĐM. Chúng mày ở yên dưới đó nha. Thằng nào ló đầu lên tao bắn nát “gáo” đó!
– ĐM, Việt Nam! Mình bị mấy thằng Thái Lan lừa rồi.
Anh Phượng kinh hãi nói nhỏ vào tai tôi. Nghe tới Việt Nam tôi sửng sốt và điếng người, không hiểu tại sao? Tiếng la lối nạt nộ, tiếng chân người chạy rầm rập trên boong làm náo động không gian. Rồi sau đó toàn bộ đàn ông thanh niên bị lùa lên trên và bị trói lại. Lúc này tôi mới có dịp nhìn rõ những kẻ đã bắt chúng tôi gồm tám người, khá trẻ, khoảng trên dưới ba mươi tuổi, chỉ có một lão già mà chúng gọi là “Bác Ba” chắc là trưởng toán thì cỡ năm mươi.
Trên ba ghe của chúng còn lại bảy người, vị chi chúng có khoảng mười lăm người, tất cả đều mặc quân phục công an biên phòng và tay lăm lăm khẩu M16. Một tên leo xuống hầm máy tháo sợi dây cu-roa (belt) của máy ghe chúng tôi mang về tàu chúng xong đoạn cột ghe của chúng tôi vào tàu của chúng lôi đi. Bấy giờ chúng mới cho biết đây là hải phận Mã Lai và chúng là “Đội lưới Hoàng Khơi của tỉnh Tiền Giang. Nhiệm vụ của đội này là vừa đánh bắt cá vừa có nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải của Việt Nam!”
Tới chừng đó, mọi người đã hiểu rõ nguồn cơn. Ngồi kế tôi, anh Phượng thì thào:
– Ơ, ĐM. Bảo vệ lãnh hải của mình mà sao lại xâm phạm hải phận của người ta?
Tối đến, chúng mang cơm và “canh chua cá mập ” qua cho bọn tôi và chỉ những đốm đèn sáng loáng cả một vùng, rực rỡ như cái tháp xuất hiện từ xa, bảo: “Đó, giàn khoan Tây Đức đó. Ghe mấy ông chỉ còn cách nó chừng ba giờ đồng hồ nữa thôi!” Tiết lộ này làm đám tụi tôi buồn bã và tiếc nuối ngẩn ngơ.
Bảy ngày sau thì chúng tôi bị giải về tới trại giam công an tỉnh. Đêm đêm nằm trong ngục lạnh tôi nghiền ngẫm ý nghĩa của cuộc đời và chợt nghiệm ra một điều là từ ngàn xưa ông bà mình hay than thở “sống khó quá, khổ quá, chết quách cho rồi” nhưng bấy giờ tôi hiểu thêm là “chết cũng chẳng dễ” vì lắm lúc người ta có muốn chết cũng không chết được như tàu tôi chẳng hạn, trôi gần cả tháng trên đại dương bao la với bao sóng gió bão bùng, hết lương thực nước uống nhưng nào có chết được đâu bởi tất cả đều do số mạng!
Một ngày kia tôi thuật chuyện nghe tiếng khóc trên biển kia cho một số người trong tù nghe thì họ nói rằng họ cũng có nghe các câu chuyện tương tự như thế từ mấy người vượt biên định cư ở nước ngoài viết thư về cho thân nhân và người ta nghĩ rằng có lẽ trong hải trình tìm tự do thì ở một nơi nào đó có thể là “thủy mộ” của các người bị đắm tàu hoặc bị nạn khiến oan hồn họ còn vất vưởng, uất ức không siêu thoát được nên thường hiện về khi gặp ghe tàu vãng lai để than oán cũng không chừng. Thời gian này là vào cuối năm 1988!
…Gần một năm sau, tôi lại vượt thoát thành công đến trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) của Phi Luật Tân khi được thả ra, nhưng tương lai để đi định cư thì mịt mờ bởi lúc tôi tới thì trại đã đóng cửa. Thuyền nhân lúc này không còn đương nhiên được xem là người đi tị nạn chính trị nữa mà chỉ được xem như kẻ lánh cư (Asylum Seeker) và phải trải qua tiến trình thanh lọc xác định tư cách tị nạn mà người ta hay gọi nôm na là Chương Trình Hành Động Toàn Diện CPA viết tắt từ các chữ The Comprehensive Plan of Action.
Ngày xưa trại tị nạn Palawan của chúng tôi có tám khu, sau này Cao Ủy Tị Nạn xây thêm bốn khu nữa do lượng người vượt biển tăng cao khi hay tin các đảo đóng cửa làm cho dân số trung bình đang từ khoảng trên dưới hai ngàn lên đến hơn mười ngàn người khiến trại lúc nào cũng ồn ào đông đúc cả ngày lẫn đêm. Nhà tôi ở 14 Khu 1, gần nhà cầu của khu và bức tường ngăn trại với bãi biển. Phía ngoài tường, trên đường đi ra biển có một hố nước khá to và sâu do bị bom nổ mà thành.
Khuya một đêm, tôi bị chột bụng do ăn phải cá ươn lãnh trên ban lương thực hồi sáng nên cần đi đại tiện. Khi tôi xách chùm chìa khóa và xô nước tới nhà cầu nhưng mở mãi vẫn chưa được, tôi bực bội nhủ thầm “cái điều quái gở nhất ở chốn này là nhà thì chẳng bao giờ thèm khóa cửa mà trái lại cầu tiêu thì có tới năm bảy ổ khóa do bốn năm nhà xài chung, mới khổ!” Rồi trong lúc còn lọ mọ tìm chìa khóa thì bất chợt tôi thấy một bóng đen to đùng vừa lách người quẹo trái ngay góc trên của dãy. Giật mình tôi la lớn:
– Ai đó?
Không có tiếng trả lời, tôi nghĩ là có người nào đó cũng đi cầu và trêu mình nên tôi vội vã đi xuống phía dưới theo hướng ngược lại và quẹo phải ra hướng biển để đón đầu. Tuy nhiên tứ bề im lặng, chẳng có động tịnh gì. Chợt tôi cảm giác hình như có gì đó đang lay động, rồi dưới ánh đèn neon sáu tấc tôi thấy một bóng đen đi tới hố bom và… biến mất. Trong thâm tâm tôi tự hỏi “đêm hôm khuya khoắt thế này mà có ai còn đi tắm biển?” Vài giây sau thần trí tôi bỗng bừng dậy, tôi sực nhớ ra và một luồng khí lạnh chạy từ dưới thắt lưng lên tới đỉnh đầu làm tôi tỉnh hẳn. Cơn đau muốn đi đại tiện không còn, tôi tất tả về nhà do câu chuyện ma thường nghe kể tại hố bom này.
Rồi chuyện tôi đi cầu gặp ma chẳng mấy chốc được đồn ầm cả khu. Một bữa trưa, trời nắng chang chang và nóng hừng hực, cả nhà tôi kéo ra ngồi bên hàng rào lớp Cơ khí Sửa chữa Ô tô của cơ quan CADP (Center for Assistance to Displaced Persons) thì tình cờ thấy Sr. Carina, người Phi Luật Tân, từ dưới văn phòng đi lên. Ninh, vốn là dân PA ( The Philippine Arrival) nhờ đến trại trước ngày đóng cửa, nhanh nhẩu chạy tới đón đầu Sơ và vừa nói vừa chỉ tay về chỗ tôi, kể chuyện ma tôi gặp hôm trước. Nghe xong Sơ dẫn bọn tôi ra chỗ nhà cầu và chỉ tay về hố bom nói “ Đầu năm 1942, Nhật dùng máy bay khu trục đánh chiếm Phi trong thời Đệ Nhị Thế Chiến đã thả bom ở đây làm chết một số dân làng địa phương nơi này. Có lẽ do chết oan nên các hồn ma này vẫn còn lẩn khuất đâu đây, thỉnh thoảng xuất hiện khiến vài người dân sống chung quanh và tôi đã gặp. Chúng ta không phải là người Cộng sản vô thần thì chúng ta nên tin và cầu nguyện cho họ vậy!”
Thời gian như cơn gió thoảng, đời tị nạn của các người PS (Philippine Screening) cuối mùa như chúng tôi đầy cam go qua các cuộc biểu tình tranh đấu bất bạo động chống thanh lọc bất công, chống cưỡng bức hồi hương, lắm đau thương cay đắng cứ theo năm tháng lướt qua trên phận người “bị đá,” tức là những người bị bác quyền tị nạn, chờ hồi hương về nguyên quán với nhiều buồn vui xen lẫn muộn phiền. Thắm thoát tôi đã ở chỗ này hơn năm năm, chứng kiến biết bao đoạn trường nghịch cảnh của “thế thái buồn vui, nhân tình ấm lạnh”, mà trong đó các cuộc tình hờ hoặc những cuộc tình vội vã đã để lại nhiều hệ lụy bi ai của kẻ đi người ở. Trước cảnh biệt ly, biết ai buồn hơn ai ấy đôi lúc người ta phải chọn sự hy sinh giọt máu chưa thành hình trọn vẹn của mình vì lầm lỡ nên đã tạo thêm nhiều oan nghiệt. Không ít lần, dân ở trại đã chứng kiến nửa đêm nửa hôm bỗng nhiên có người lù lù xuất hiện trong màn đêm u tối, tại các nơi hoang vắng với ánh lửa leo lét từ mấy nén nhang, để cầu nguyện cho những sinh linh bé bỏng bị bức tử bởi lý do khuất tất nào đó.
Ai sống qua thời gian này ở các trại tị nạn mới biết thế nào là sự khủng khiếp của đợi chờ, nỗi thất vọng và chết lần mòn của thuyền nhân trong tuyệt vọng do Cao ủy khủng bố tinh thần để buộc người lánh cư hồi hương cũng như sự can trường chịu đựng của các người ở lại, quyết chí chết vì lý tưởng tự do đúng tinh thần “rather die than return” khi hằng ngày cứ phải nghe Cao ủy rỉ rả hết tuyên truyền dỗ ngọt lại đến hăm dọa bằng các loa phóng thanh trong trại.
Và để gia tăng áp lực lên các con người khổ đau bất hạnh, giữa năm 1995 Cao ủy đã đóng cửa trại, trường học, trạm y tế, ban lương thực, IOM, các phòng ban của người ngoại quốc tới giúp thuyền nhân kể cả văn phòng của mình cũng như không cho người ngoại quốc vào làm thiện nguyện. Cuối cùng là họ bỏ bớt các khu, thu nhỏ trại lại và giao cho quân đội Bộ Tư lệnh Miền Tây Phi Luật Tân cai quản. Lúc bấy giờ tôi đã phải vào chùa Vạn Đức nương náu.
Một đêm từ Khu 8 trở về chùa, khi tôi đi ngang qua bãi rác ở trước trường HTC (The Holy Trinity College) cũ với đầu Khu 6 thì bất chợt tôi nghe tiếng con nít khóc thút thít. Dừng lại và định thần nhìn kỹ một đỗi tôi thấy có một đứa bé đang ngồi thù lù nơi đống rác. Ngạc nhiên vì không biết cha mẹ nào lại bỏ con ở chỗ khuya khoắt thế này nên tôi tiến lại gần vì tò mò. Tôi chưa kịp mở miệng hỏi thì em vụt chạy lại gốc cây cốc sát hàng rào trại. Tuy nhiên lúc tôi đến cây cốc thì không thấy em đâu cả. Tôi nhìn quanh quẩn, tứ bề im lặng, chỉ có tiếng dế kêu rả rích trong những bụi cỏ gần đó.
Dáo dác ngó tới ngó lui, người tôi ớn dần. Tôi vội rảo bước vô chùa bằng lối sau. Mọi người đã ngủ, tôi lên chánh điện niệm Phật bằng cả lòng thành và cầu xin Trời Phật gia hộ cho tôi cùng mọi người còn ở lại đây được yên lành, cho những người chết oan ức, cho các vong linh còn vất vưởng ở trại sớm được siêu sinh tịnh độ! Đêm đó tôi thanh thản và ngủ an bình cho đến sáng hôm sau. Có lẽ do tôi cầu xin bằng tâm thành kính, tâm thanh tịnh mà tâm là chủ thể của mọi sự sống chết, giải thoát hay luân hồi để siêu độ vong linh người đã khuất khiến họ hoan hỷ, buông xả các điều còn vướng mắc cho nên từ đó đến ngày tôi lên đường đi Mỹ định cư thì không còn gặp lại họ nữa!
Ohio, mùa Halloween 2021
Triều Phong
------
Hình Internet
Kim Quy sưu tầm