THI TẬP NỬA ĐỜI THƯƠNG ĐAU: THI SĨ HOÀNG VŨ BÃO TẶNG ĐIỆP MỸ LINH

Thi Tập Nửa Đời Thương Đau

  Thi Sĩ Hoàng Vũ Bão Tặng Nhà Văn Điệp Mỹ Linh

 
 
Thi Tập Nửa Đời Thương Đau
Thay Lời Tựa
 
 
Vào một đêm Xuân, năm 1999, tình cờ tôi đọc được những vần thơ của chính tôi, bút hiệu Hoàng Việt Sơn, sáng tác cách nay đúng 43 năm, xuất hiện trong Tùy Bút Tưởng Như Trở Về của Điệp Mỹ Linh, đăng trên bán nguyệt san Ngày Nay.
 
Đọc xong, tôi lặng người, cảm nhận được những xao xuyến rạc rào, những rung động bồi hồi, những ray rức triền miên cùng những nuối tiếc xót xa trong gần nửa thế kỷ qua, bỗng cuốn cuộn dâng cao trong lòng tôi. Cùng lúc đó, hình ảnh Nguyễn Bá Liên, người bạn thân từ ngày bé thơ cho đến khi Liên tử trận trong chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu 24 Ben Hét, Vùng II Chiến Thuật và được truy thăng cấp bậc Cố Chuẩn Tướng, hiện về rất rõ nét!
 
Khi hình ảnh của Nguyễn Bá Liên hiện về thì mối tình cảm sôi nổi, nồng nàn và thánh thiện của một thanh niên mới lớn lại bừng lên ngùn ngụt, gợi lại trong tôi một kỷ niệm không bao giờ phai nhạt của đêm Trung Thu năm 1956, tại căn cứ Sóng Thần, Tiểu Đoàn I Thủy Quân Lục Chiến mà Nguyễn Bá Liên là Tiểu Đoàn Phó.
 
CĂn CỨ SÓng ThÀn Tqlc1
 
Đêm Trung Thu năm 1956, trong phần văn nghệ ủy lạo binh sĩ, Liên mời được Ban Ca Nhạc Bình Minh đài phát thanh Nha Trang cùng nhóm học sinh trường Võ Tánh đến giúp vui. Trong khi thưởng thức phần văn nghệ, tôi đã bàng hoàng đến ngẩn ngơ và tim tôi đập những nhịp không đều khi thấy khuôn mặt xinh đẹp, thùy mị và nghiêm trang cùng tiếng đàn Accordéon dìu dặt và giọng hát ngọt ngào của một thiếu nữ có mái tóc dài và đôi mắt màu hạt dẻ, rất buồn.
 
Tôi chưa tìm được cơ hội làm quen với Nàng thì Nàng lẳng lặng theo thân phụ ra về!
Đêm đó, sau khi về nhà Liên, tôi không thể ngủ được; vì hình ảnh Cô Bé Tóc Dài đàn phong cầm cứ chờn vờn trong tâm tưởng tôi. Tôi thao thức, trằn trọc thâu đêm và bài thơ Tiếng Đàn Đêm Trung Thu ra đời.
 
Hôm sau tôi phải rời Nha Trang để tiếp tục việc học tại Y Khoa đại học đường Saigon. Liên đã sao bài thơ Tiếng Đàn Đêm Trung Thu làm ba bản và trao tận tay ba thiếu nữ có tên trong bài thơ.
 
Tôi mong chờ suốt thời gian dài vẫn không nhận được dòng hồi âm nào từ Cô Bé Tóc Dài đàn phong cầm. Dù đã nghe xướng ngôn viên giới thiệu tên Nàng là Thanh Điệp, tôi vẫn thích gọi Nàng là Cô Bé; vì lúc đó Nàng là thiếu nữ trẻ tuổi nhất trong ban Bình Minh cũng như trong nhóm học sinh giúp vui.
 
Sau này, mỗi khi nghe tôi hỏi về Cô Bé Tóc Dài, Liên thường bảo: “Người ta con nhà gia giáo, khó khăn lắm! Cậu ‘tấn công’ tới tấp, không được đâu!”
Bốn mươi ba năm sau, bằng những giòng văn óng ả, mượt mà, nhà văn Điệp Mỹ Linh đã làm sống lại trong tôi nhân dáng oai hùng của Nguyễn Bá Liên; và rồi hình ảnh ngây thơ, dịu dàng, thướt tha của Cô Bé Tóc Dài đàn phong cầm ngày xưa cũng trở về, khuấy động tâm tư tôi rất dữ dội! Đó là nỗi niềm u uẩn đã thúc đẩy tôi sáng tác những giòng thơ sướt mướt trong tập thơ Nửa Đời Thương Đau.
 
Đối với tôi, phụ nữ là tác phẩm diễm tuyệt nhất của Thương Đế. Rung động, say mê và ca ngợi là thiên tính của nghệ sĩ. Vì thế, tôi nghĩ, bất cứ trong hoàn cảnh nào, sáng tác những giòng nhạc, những bài thơ hoặc những mẫu chuyện chan chứa tình cảm về một phụ nữ tài hoa cũng không phải là điều nghịch lý.
 
Trước khi dừng bút, tôi xin mạn phép quý vị độc giả để tạ lỗi cùng quý bạn hữu của tôi; bởi vì, từ sau khi tôi vượt thoát ngục tù Cộng Sản rồi vượt biên đến Mỹ, tôi chỉ thích cuộc sống thầm lặng. Nhưng lúc nào các bạn cũng khuyến khích tôi, mong tôi tạo được ít nhất một tác phẩm xuất bản tại hải ngoại.
 
Năm 1988, tôi đã hoàn tất tập thơ Lênh Đênh và truyện dài Đêm Vượt Biên, mang tính cách tự truyện. Nhưng vì nhiều lý do bất khả kháng, tôi đành phụ lòng bạn hữu của tôi.
Bây giờ tôi xin trân trọng gửi đến quý độc giả cùng quý bạn hữu tập thơ Nửa Đời Thương Đau với tất cả lòng quý mến của tôi.
 
Trân trọng,
 
Hoàng Vũ Bão
 
 
=
 
 
 

Tùy Bút: Tạ Lỗi Với Người Thơ – ĐIỆP-MỸ-LINH

    • ĐIỆP-MỸ-LINH

    Để tưởng niệm nhà văn Phụng-Hồng tức nhà thơ Hoàng-Việt-Sơn, Hoàng-Vũ-Bão và Cố Chuẩn Tướng Nguyễn-Bá-Liên

    Hình do anh Hà-Quang-Đức – người đàn Hạ-Uy-Cầm, ngồi giữa, hàng đầu – gửi nhà văn Lê Thị Hoài Niệm đem về Mỹ tặng Điệp-Mỹ-Linh. Hình gồm một số nhạc công trong ban Bình Minh; lúc ấy Điệp-Mỹ-linh khoảng 13/14 tuổi.

     

    Tình cờ gặp lại Thúy-Minh – người bạn ngày xưa cùng học trường Võ-Tánh và cũng cùng sinh hoạt trong ban ca nhạc Bình-Minh đài phát thanh Nha-Trang – Thanh-Điệp mừng quá, hỏi hết chuyện này sang chuyện khác. Vừa trả lời được vài câu, Thúy-Minh đột ngột bảo:

    – Anh Hoàng-Việt-Sơn chết rồi, Thanh-Điệp biết chưa?

    Sau giây phút kinh ngạc đến sững sờ, Thanh-Điệp rơi vào trạng thái ngờ vực và chối bỏ. 

    – Anh Hoàng-Việt-Sơn làm sao mà chết được?

    Thúy-Minh lập lại “Chết rồi!”

    Sau đó, để kiểm chứng, Thanh-Điệp điện thoại cho người bạn của Hoàng-Việt-Sơn – bác sĩ Thuận. Bác sĩ Thuận, không những xác nhận tin dữ, mà còn cho nàng biết rõ Hoàng-Việt-Sơn mất vào ngày thứ Năm, vì bệnh tim. 

    Nửa tin nửa ngờ, Thanh-Điệp điện thoại sang Ngọc-Hoài-Phương, người bạn thân của Hoàng-Việt-Sơn và cũng là chủ nhiệm nguyệt san Hồn-Việt mà Hoàng-Việt-Sơn cộng tác thường xuyên, dưới bút hiệu Phụng-Hồng. Ngọc-Hoài-Phương không có ở tòa soạn. 

    Thanh-Điệp gọi Phương-Dung, vợ của Ngọc-Hoài-Phương, những mong Phương-Dung sẽ cho nàng nguồn tin trái ngược với những gì nàng đã nhận được. Nhưng không, Phương-Dung xác nhận đúng, Hoàng-Việt-Sơn đã vĩnh viễn ra đi. Thanh-Điệp thảng thốt kêu lên: “Ô! Trời ơi!” Rồi nàng không nghe được gì nữa. Thanh-Điệp cảm thấy mất thăng bằng và tưởng như đang bềnh bồng trong vùng không gian câm nín.

    Thanh-Điệp không nhớ trạng thái giao động tình cảm của nàng kéo dài trong bao lâu; nhưng nàng nhớ, năm 1999, sự thích thú nhẹ nhàng cứ lan dần, lan dần trong lòng nàng khi bất ngờ nàng đọc được bài điểm sách – ký bút hiệu Phụng-Hồng – viết về tác phẩm Tưởng Như Trở Về của nàng, đăng trên báo Ngày Nay, do giáo sư Nguyễn Ngọc Linh là chủ nhiệm và Trọng-Kim làm chủ bút. 

    Sự xuất hiện của bài điểm sách cũng như bút hiệu Phụng-Hồng khiến Thanh-Điệp thắc mắc. Với dụng ý truy tìm chi tiết để dò ra manh mối tác giả bài điểm sách, Thanh-Điệp đọc lại bài ấy thật kỹ. Nàng khám phá ra, Phụng-Hồng là một bút hiệu khác của Hoàng-Việt-Sơn – vị bác sĩ Quân-Y, lúc còn là sinh viên, đã nhờ Trung-Úy Thủy-Quân Lục-Chiến Nguyễn-Bá-Liên, trao tặng Thanh-Điệp bài thơ Tiếng Đàn Đêm Trung Thu, cách nay hơn 40 năm. Thanh-Điệp cảm thấy rất thú vị, nhưng nàng chưa biết phương cách nào để liên lạc với Phụng-Hồng.

    Vài hôm sau Thanh-Điệp nhận được thư Hoàng-Việt-Sơn gửi về P.O. Box – địa chỉ này được in phía sau tác phẩm của nàng – tự nhận chàng là “thủ phạm” của bài thơ Tiếng Đàn Đêm Trung Thu năm xưa và cũng là “thủ phạm” bài điểm sách đăng trên Ngày Nay. Hoàng-Việt-Sơn yêu cầu Thanh-Điệp xác định có phải nàng là “cô bé” đàn phong cầm và hát bản Dạ-Khúc của Nguyễn-Mỹ-Ca trong buổi văn nghệ ủy lạo binh sĩ Thủy-Quân Lục-Chiến do tiểu đoàn phó Nguyễn-Bá-Liên, bạn thân của Hoàng-Việt-Sơn, mời, vào đêm Trung-Thu năm 1956, tại căn cứ Sóng-Thần, Nha-Trang hay không? 

    Là một người ngoại giao không được khéo, ít bạn, nay tìm lại được một người biết nàng từ ngày còn bé, Thanh-Điệp vui thích lắm. Còn bài thơ ngày xưa Hoàng-Việt-Sơn tặng mà nàng ngây thơ, khờ dại không hồi âm thì, nàng nghĩ, đó chỉ là những rung động nhất thời của chàng, một người có tâm hồn đa cảm. Giờ đây giữ cho nhau chút tình bạn cũng quý rồi. Nhưng chàng không nghĩ như vậy! Sau khi nhận được sự xác nhận của Thanh-Điệp, Hoàng-Việt-Sơn gửi ngay cho nàng những dòng thơ rất tha thiết, rất ngọt ngào:

     Anh thấy hôm nào chiếc ảnh em,

    In trong bìa cuốn sách êm đềm.

    Nhớ ai em thoáng buồn xa vắng?

    Mắt ướt như từng đẫm lệ hoen.

     Người ấy ngày xưa nét mặt buồn,

    Tuổi đời trong trắng tựa sao trăng,

    Yêu đương nào biết, thơ ngây quá!

    Nửa thế kỷ rồi chẳng nói năng.

    Người ấy ngày xưa quá hững hờ,

    Vô tình nào hiểu được bài thơ,

    Để chàng thiếu úy Quân-Y ấy,

    Năm tháng phôi pha cũng vẫn chờ… (1)

    Thanh-Điệp hơi hoảng, chưa biết phản ứng bằng cách nào thì Hoàng-Việt-Sơn gửi tiếp bài Em Là Ai với những câu thật dễ thương:

    … Anh nhìn Em mà tưởng chừng sẩy bước,

    Mái tóc dài buông lơi lả bờ vai.

    Ai hai mươi đi hái vạn hoa cười?

    Anh lẻo đẻo mang tâm tư sầu đắng.

    Em mắt nâu, nhìn xa xăm im lặng,

    Anh sững sờ nghe động đáy con tim…

    Thanh-Điệp viết thư và không hề “úp mở” gì cả, cho Hoàng-Việt-Sơn biết rằng nàng không còn được một tý gì của hình ảnh mà chàng vẫn giữ trong lòng suốt gần nửa thế kỷ qua. Xin hãy quên hết đi và xem nàng như một người em hay một cô học trò thôi. Hoàng-Việt-Sơn phúc đáp bằng bài Mối Tình Đầu:

     Cho anh sống lại mối tình đầu,

    Xa cách nghìn trùng vẫn nhớ nhau.

    Họp mặt trăng rằm Trung Thu ấy

    Phong cầm Dạ Khúc chuyện xưa, sau.

    Cho Anh sống lại mối tình đầu,

    Nửa thế kỷ qua vẫn gối sầu.

    Tình hận tưởng chôn vào dĩ vãng,

    Bỗng về sống lại tựa chiêm  bao.

    Cho Anh sống lại mối tình đầu,

    Em đã vô tình đốt cháy sâu.

    Nao nức mộng mơ ngày tái ngộ.

    Dòng thơ thủ thỉ nén thương đau.

    Cho Anh sống lại mối tình đầu,

    Ai có ngờ đâu, có biết đâu,

    Thanh-Điệp ngày xưa như bướm lạ,

    Hững hờ… thơ đọc, chẳng tìm nhau.

    Cho Anh sống lại mối tình đầu,

    Lưu luyến ngàn đời, mặc bể dâu.

    Ai đã lạnh lùng khuya đối bóng?

    Trời ơi! Em có biết Anh cầu…!

    Đọc xong bài thơ này Thanh-Điệp biết vấn đề sẽ vượt ra ngoài những gì nàng dự tưởng. Theo nàng hiểu, viết văn xuôi, người giàu óc sáng tạo có thể gán ép cho nhân vật của mình bất cứ điều gì mình chọn lựa; ngược lại, thơ thường xuất phát từ nội tâm. Và chính  J. Cocteau cũng xác nhận: “The Poet is a liar who always tell the truth.” Như vậy có nghĩa rằng Hoàng-Việt-Sơn vẫn còn nặng lòng với nàng? 

    Riêng Thanh-Điệp, nàng không đủ can đảm cự tuyệt – vì chàng chỉ tặng nàng những bài thơ ướt lệ chứ chàng không hề vô lễ hoặc sàm sở, lố bịch – mà nàng cũng không tìm được chút rung động nào trong lòng nàng. Thanh-Điệp tự biết, nàng không phải là nữ tu; nàng cũng không bị ràng buộc vì mớ đạo đức nghịch lý của ông Khổng, ông Mạnh, ông Trang, ông Lão nào cả; và, quan trọng hơn hết, nàng không bao giờ dám có ý nghĩ Hoàng-Việt-Sơn là một “vỏ dừa” (2) đáng sợ. Vậy thì tại sao trái tim của nàng cứ chai lỳ đến nỗi Hoàng-Việt-Sơn phải trách:

    … Em hững hờ xa lạ,

    Mặc ai da diết buồn.

    Em lạnh lùng sắt đá,

    Anh ép dòng lệ tuôn (3)

    Những hờn trách và chút tủi thân của Hoàng-Việt-Sơn khiến Thanh-Điệp nghĩ ngợi rất nhiều. Nhưng nỗi buồn cô đọng trong bốn câu sau đây mới làm ray rức hồn nàng: 

    …Chiều xuống, sầu dâng đến não lòng,

    Mịt mờ Texas  vẳng thu không.

    Vời trông lá rụng sầu đôi ngã,

    Dằn vặt tâm tư lệ nhỏ dòng (4)

    Sau những giây phút buồn, tủi thân và hờn trách, Hoàng-Việt-Sơn trở về với bản tính lạc quan/yêu đời: 

    Ôi, trái tim em đẹp bội phần!

    Người tên Thanh-Điệp bướm vườn xuân.

    Đêm nay gió lạnh giao mùa chuyển,

    Anh nhớ em mà nước mắt dâng.

    Em đã cho anh ý nghĩa đời,

    Cung đàn năm ấy còn chơi vơi.

    Thế tình đã mấy ai tri kỷ?

    Anh quyết theo em trọn kiếp người.

    Kiếp người chờ mãi ngàn thương nhớ,

    Nửa thế kỷ rồi lắm bể dâu.

    Cố nhân còn dệt cung đàn cũ?

    Gieo mãi cho ta một mối sầu!…. (5)

    Khi những câu thơ đậm tình như thế mà cũng vẫn không chinh phục được trái tim của nàng thì Thanh-Điệp hiểu. Tim của nàng, sau nhiều thương tổn nặng nề, nay đã cằn cỗi, tật nguyền, chỉ còn đủ khả năng cho nàng sự sống chứ không còn biết rung động trước bất cứ biến động tình cảm nào nữa cả!

    Khi đăng thơ trên báo, Hoàng-Việt-Sơn – lúc này chàng có thêm bút hiệu Hoàng-Vũ-Bão – thường đề: Trọn vẹn trao về Cô Bé Tóc Dài T. Đ. Hoặc viết tắt Đ.M.L. Khi điện thoại, đôi khi Hoàng-Việt-Sơn gọi nàng bằng tên thật hoặc Nàng hoặc Phu Nhân Một Thời Oanh Liệt. Biệt danh sau cùng chàng đặt cho nàng sau khi chàng đọc loạt bài nàng viết về Lính và về Hải Quân.

    Thanh-Điệp gửi thư cảm ơn chàng về những bài thơ và hỏi đùa rằng tại sao chàng lại theo đuổi mãi “mối tình đui”? Thanh-Điệp là người rất lười viết thư và viết thư rất dỡ, vậy mà chàng cũng rung động vì cái dỡ của nàng: 

    … Em viết sao mà lắng nỗi niềm

    Tâm  tình giao động giữa trời im

    Đọc rồi đau xót, lòng da diết

    Chia cách, Trời ơi! Lạnh ước nguyền.

    Ôi mộng vô cùng, Điệp thiết tha

    Yêu Em biết mấy nẽo quê nhà

    Giá mà đời chẳng chia sông núi

    Có phải tình ta đã mặn mà?…

    ….Anh dẫn Em về lối mộng xưa

    Mà Em hờ hững vô tình chưa?

    Khói hương đầm ấm nào đâu thấy,

    Chỉ thấy phai tàn bóng tuổi thơ!

    Anh dắt Em về quá khứ qua,

    Trường xưa Võ-Tánh mộng hiền hòa.

    Cho Em đôi cánh hồn nâng bổng

    Đến một phương trời Anh tặng hoa…

    ….Nhắc đến làm chi tương nhớ thêm,

    Ngày xưa tưởng nhớ mộng êm đềm.

    Hỡi ơi! Cô Bé Tóc Dài ấy,

    Sao quá vô tư đến độ hiền?

    Cả một trời thơ đọng bóng Em

    Làm sao thố lộ được nỗi niềm?

    Anh mong có lại ngày Thu ấy

    Để hát Trung-Thu bóng nguyệt chìm.

    Hy vọng ngày mai có mãi nhau.

    Chiếc cầu ô-thước sẽ bền lâu.

    Cùng nhau đi mãi trên cầu ầy.

    Anh sẽ yêu Em đến cuối đời! (6)

    Biết không thể nào thuyết phục được Hoàng-Việt-Sơn, Thanh-Điệp viết một truyện ngắn, trong đó nàng trích thơ của chàng và cũng để cho chàng thấy rõ ước muốn của nàng là chỉ mong làm một người em hoặc một người học trò của chàng thôi; mà thật sự Thanh-Điệp quý Hoàng-Việt-Sơn như một bậc thầy; vì chàng cầm bút từ khi nàng còn là Cô Bé Tóc Dài. 

    Trong ý nghĩ này, nhân lúc Hoàng-Việt-Sơn điện thoại thăm, Thanh-Điệp đề nghị, từ nay chàng đọc hộ và góp ý về bài của nàng trước khi nàng gửi đăng báo. Dù Thanh-Điệp không tiết lộ nội dung bài viết, Hoàng-Việt-Sơn cũng thẳng thắn từ chối. Chàng bảo chàng có cái thú riêng khi nghiền ngẫm từng chữ trong bài của nàng, trên báo, chứ không phải trên bản thảo.

    Vì Hoàng-Việt-Sơn không chịu đọc bản thảo cho nên khi chàng đọc một truyện ngắn của nàng trên báo, chàng rất buồn về đoạn kết. Chàng than: 

    -Sao Điệp nghiệt với anh quá vậy?

    Im lặng. Chàng tiếp: 

    -Phục nàng quá. Nàng cứ ‘lộng giả thành chân’, viết như thật. Anh mà được cùng em ngoạn cảnh bằng thuyền trên hồ Tuyền-Lâm và đi bên nhau trên thành phố Dalat trong cảnh tình tứ như nhân vật Phong đi với Bảo-Trân trong truyện của em thì rồi có chết anh cũng mãn nguyện.

    -Anh nói quá đáng. 

    -Em đa nghi chứ thật lòng anh chỉ mơ ước được đường đường chính chính đi cạnh em thôi.

    -Điệp đã thưa với anh nhiều lần rồi. Đừng đề cập đến chuyện ấy nữa. Anh thử xử sự với Điệp như với một cô học trò, rồi anh sẽ quen và anh sẽ thấy dễ chịu.

    -Anh không muốn làm thầy; anh chỉ muốn làm người yêu của em thôi.

    -Điệp đâu còn gì cho anh. Thôi, quên hết đi, anh!

    -Anh yêu Điệp là vì Điệp mà thôi chứ anh không yêu Điệp vì những gì Điệp có hoặc những gì Điệp mất.

    -Nếu anh cứ tiếp tục nói những câu như vậy, Điệp e rằng…

    Như ngại nàng sẽ nói lời cự tuyệt, chàng chận lời: 

    -Ừ, thì thôi. Rứa cho anh gặp mặt một lần, được không?

    -Dạ, không.

    -Chao ôi! Không ngờ từng này tuổi rồi mà anh cũng còn khổ vì tình! Đừng nghiệt với anh quá, Điệp ơi!” 

    -Anh nhớ ý tưởng của Bảo-Trân trong câu chuyện em viết chứ?

    -Ít có chi tiết nào trong những tác phẩm của em mà anh quên lắm.

    -Vậy thì anh nên hiểu cho Điệp. Điệp rất thương thân phận đàn bà. Điệp không đan tâm gây phiền lụy cho bất cứ người đàn bà nào cả.

    -Chuyện gia đình của anh, để anh giải quyết. Anh chỉ cầu mong được sống với em những ngày còn lại của đời anh thôi.

    -Điệp không thể làm như vậy được. Điệp sợ tạo ra ác nghiệp. Ác nghiệp sinh ác báo. Không biết quan niệm đó có phù hợp với giáo lý nhà Phật hay không; nhưng quan niệm đó, trong quá khứ, đã nhiều lần giúp Điệp gượng lại được bên nay bờ tội lỗi.

    -Hai đứa mình có làm gì tội lỗi đâu. Em là người đến trong đời anh trước nhất. Em đã thiệt thòi hơn bốn mươi năm rồi. Bây giờ là lúc anh phải đền bù cho em những gì em đã mất. Không ai trách anh được, vì bổn phận và trách nhiệm của anh đã xong.

    -Không được đâu, anh. Anh chọn Điệp, anh sẽ mất các con; Điệp chọn anh, Điệp cũng sẽ mất các con. Chúng ta còn lại gì khi mà chúng ta mất từng ấy người thân? 

    Im lặng.  Một lúc sau, chàng bảo: 

    -Chính ý  tưởng của em làm anh quý trọng và thương yêu em nhiều hơn. Từ ngày liên lạc lại được với em, qua những lần nói chuyện hoăc những lá thư, anh biết tâm hồn em rất cao thượng; vì vậy, những bài thơ anh sáng tác về em có sai đâu!

    Bất chợt Hoàng-Việt-Sơn nhớ đến chi tiết nhỏ của nhân vật Bảo-Trân, vội hỏi. Thanh-Điệp có một cố tật, nếu không ai hỏi, nàng không nói; nhưng nếu ai hỏi, nàng nói và khi nói thì nói thật. Do đó nàng đành phải cho Hoàng-Việt-Sơn biết là nàng đang trong thời kỳ chờ đợi kết quả thí nghiệm y tế, sau dấu hiệu nghi ngờ ở lần thí nghiệm trước. Giọng chàng thảng thốt: 

    -Trời ơi! Tại sao những chuyện như vậy mà em không cho anh hay?

    -Đã có gì đâu!

    -Chưa bao giờ anh muốn được gặp em như lúc này. Anh xốn xang vô cùng, Điệp biết không? Mấy mươi năm qua anh đã không lo lắng được cho em; bây giờ em trong tình trạng như vậy mà anh cũng không được cận kề săn sóc em. Em không thương yêu anh, đó là quyền của em; còn anh thương yêu em, tại sao em cứ tránh né?

    -Thôi anh ạ! Điệp cảm ơn anh nhưng tất cả đều quá muộn màng!

    -Anh sẽ qua thăm em.

    -Đừng, anh!

    -Em không cho anh gặp em thì anh sẽ… thấy em.

    -Bằng cách nào?

    -Bằng cách nào thì bằng, anh cũng phải… thấy em.

    -Anh sẽ thấy Điệp trong nhà thương, có phải không? Nếu đúng như vậy thì tội cho Điệp quá! Thôi, anh đừng nuôi ý định gặp Điệp nữa.

    -Anh không hiểu được em. Và anh cũng không hiểu tại sao em dành cho anh hình phạt vô lý như thế này?

    Nàng trấn an chàng mà cũng như để trấn an cho chính nàng: 

    -Cho đến giờ phút này chưa bác sĩ nào xác định được bệnh trạng của Điệp mà anh lo làm chi.

    -Người ta bảo rằng “những điều mình biết sẽ không giết mình mà chính là những điều mình không biết, bởi vì mình tưởng tượng” (7) đó, em biết không.

    Nàng cố tình chuyển đề tài cho nên chọc “quê”:

    -Sao anh đọc Reader’s Digest mà anh nhớ hay vậy?

    -Nói cái chi ra là nàng biết xuất xứ liền. Reader’s Digest vẫn gửi báo cho em đều chứ?

    -Dạ. Cảm ơn anh.

    -Anh đã gia hạn cho năm tới rồi. Em không cần điền phiếu cảm ơn gửi lại cho anh nữa, để thì giờ mà sáng tác. 

    Nàng rất biết ơn chàng. Hoàng-Việt-Sơn khuyên nàng, đã lỡ bỏ đàn bỏ hát lâu rồi thì thôi; còn viết thì, dù hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu nàng cũng phải vượt qua, đừng bao giờ bỏ. Chàng buộc nàng hứa.

    Hoàng-Việt-Sơn chuyển lời thăm hỏi các con của Thanh-Điệp. Đang vui thích nói về những bài thơ bằng Anh ngữ do con của nàng sáng tác mà chàng đã dịch ra Việt ngữ chợt chàng dừng lại, hỏi: 

    -Điệp! Các con của em có biết chuyện của…hai đứa mình không?

    -Chết! Anh nói như vậy là chết Điệp rồi! Có chuyện gì giữa anh và Điệp ngoài chuyện văn chương, anh em, thầy trò đâu mà anh gọi là chuyện hai đứa mình?

    -Thôi thì chuyện của anh. Chao ôi! Tưởng lâu lâu, lựa những lúc nàng sơ ý, mình “tấn công”, rứa mà nàng cũng “phản công” nhanh quá. Mà Điệp ơi! Anh nghĩ, em nên cho con em biết về anh.

    -Tại sao và để làm gì, thưa anh?

    -Để các con em hiểu anh và chấp nhận anh. Em cho các cháu biết rằng không bao giờ anh lùi bước. Anh sẽ vượt qua tất cả mọi thử thách để đạt cho được ước muốn cuối cùng. Bất cứ hậu quả như thế nào anh cũng sẵn sàng chấp nhận.

    -Các cháu chấp nhận anh để làm gì? Khổ quá! Mới cách đây vài phút Điệp đã thưa với anh là anh đừng nên đề cập đến những điều như vậy nữa mà!

    -Không cho nói về chuyện đó nữa thì anh nói về một tin vui. Cách nay mấy hôm anh đã gửi bản thảo tập thơ sang Cali. nhờ Ngọc-Hoài-Phương ấn hành để tặng em.

    -Sao anh không cho Điệp biết trước?

    -Thơ của anh, anh ấn hành để tặng em, em chỉ có việc nhận thôi chứ em biết trước để làm gì?

    -Dạ, đúng vậy! Nhưng nếu anh cho Điệp xem trước thì Điệp sẽ vui hơn. Bây giờ muộn rồi thì thôi.

    -Không, không trễ đâu. Anh sẽ gửi bảng copy sang em cùng với mấy bài thơ vừa mới sáng tác, chưa kịp gửi đăng báo.

    -Ủa, như vậy là mấy bài thơ mới này sẽ không có trong tập thơ hay sao, thưa anh? 

    -Anh sẽ gọi Ngọc-Hoài-Phương xem “chàng ta” có thể cho vào trước khi in hay không.

    Nhận được copy bản thảo, Thanh-Điệp thấy, ngoài những bài thơ mới, Hoàng-Việt-Sơn còn kèm theo cuốn kinh Bạch-Y Thần-Chú, với dòng chữ: “Thân mến tặng Thanh-Điệp chút linh thiêng để phòng thân lúc nguy biến”. Chàng cũng viết trong thư dặn mỗi ngày nàng nên trì chú niệm kinh thì mọi hoạn nạn đều qua. Nàng đọc mấy bài thơ mới. Bài Về Muộn có nhiều câu chàng trách nàng:

     … Em vẫn vô tình như vạn thuở.

    Có bao giờ thông cảm với anh đâu!

    Em thắc mắc, hững hờ, xa lạ quá!

    Anh ngây thơ mơ mãi mối tình đầu…

    Thơ của Hoàng-Việt-Sơn không cầu kỳ, không trau chuốc, nhưng thơ của chàng gói ghém một tấm lòng. Trong bài Phong Cầm Năm Ấy tâm tư của chàng cũng vẫn còn vướng mắc vào mối tình đơn phương. 

    … Tơ đồng thuở ấy rồi im bặt,

    Để một người xa lạnh nẽo về.

    Hiu hắt phương trời hoa úa nhạt:

    Tương tư Thanh-Điệp buồn trong mê…

    Rồi chàng lại trách nàng: 

    … Dòng thơ cũ, cung đàn xưa réo rắc,

    Làm tim Anh máu vỡ trào quặn thắt.

    Nửa đời người sao duyên nợ còn đeo?

    Em vô tư ngoảnh mặt chẳng buồn theo.

    Tình da diết như ngại ngùng Đưa Tiễn (8)

    Em vô tình, tàn nhẫn cười không tiếng…  (9)

    Đến một lúc nào đó, Hoàng-Việt-Sơn cũng cảm thấy trong lòng gợn lên chút dỗi hờn. Nhưng chỉ một thoáng sau, tình cảm của chàng lại lắng xuống, để quay về một tình yêu đằm thắm nhưng muộn màng. 

    … Ai Đưa Tiễn để lòng ai thổn thức? (8)

    Thôi, bến ơi! Bến nghỉ nghé, thuyền đi.

    Dòng Cuồng Lưu không xóa được câu thề. (10)

    Ngày trở lại ước mong về bến cũ… (11)

    Mở copy của bản thảo tập thơ, Thanh-Điệp đọc Thay Lời Tựa. Nàng xúc động dạc dào rồi buồn đến tái tê khi đọc đoạn: “…Tôi đã bàng hoàng đến ngẩn ngơ và tim tôi đập những nhịp không đều trước khuôn mặt xinh đẹp, thùy mị và nghiêm trang cùng tiếng đàn phong cầm dìu dặt và giọng hát ngọt ngào của một thiếu nữ có mái tóc dài và đôi mắt màu hạt dẻ, rất buồn. Tôi chưa tìm được cơ hội làm quen với Nàng thì Nàng lẳng lặng theo thân phụ ra về. {…}Đêm đó tôi không thể nào ngủ được vì hình ảnh Cô Bé Tóc Dài đàn phong cầm cứ chờn vờn trong tâm tưởng tôi. Tôi thao thức, trằn trọc thâu đêm và bài thơ Tiếng Đàn Đêm Trung Thu ra đời… ” 

    Lật sang bìa sau, Thanh-Điệp thật sự hoảng sợ khi thấy, ngoài tựa đề những tác phẩm của chàng đã ấn hành ở quê nhà như Danh Từ Điện Tuyến, Người Em Miền Hỏa Tuyến, Đi Tìm Một Tâm Hồn Việt-Nam, v. v… Chàng còn liệt kê rõ ràng tên thật, tiểu sử, chức vụ và đơn vị sau cùng của chàng! 

    Khi Hoàng-Việt-Sơn điện thoại, Thanh-Điệp đề nghị chàng chỉ nên để bút hiệu Hoàng-Vũ-Bão, không nên đăng tên thật và phần tiểu sử. Chàng không đồng ý: 

    -Tại sao em sợ? Tình cảm anh dành cho em là tình cảm tinh khiết, vượt lên trên mọi thứ tình yêu đời thường. Anh không sợ và anh chấp nhận bất cứ điều gì đến với anh.

    -Không phải Điệp sợ cho Điệp mà Điệp ngại cho anh. Điều gì tránh được, mình nên tránh. Anh đừng tự ái.

    -Anh không tự ái. Bản tính anh không thích lén lút. Anh không biết sợ. Nếu đã sợ thì đừng làm.

    Khi nào thấy chàng “gàn” quá nàng cũng chỉ biết lập lại một câu: 

    -Anh đúng là Thủy-Quân Lục-Chiến!

    Mỗi khi nghe nàng trách đùa bằng cách nhắc đến binh chủng mà chàng rất hãnh diện đã một thời phục vụ – sau khi tốt nghiệp bác-sĩ Y-Khoa – chàng cười có vẻ tự đắc: 

    -Khi Thủy-Quân Lục-Chiến tấn công là phải chiếm cho được mục tiêu, bất kể thiệt hại!

    -Điệp biết tinh thần của Thủy-Quân Lục-Chiến là như vậy; nhưng nếu đưa Thủy-Quân Lục-Chiến ra tuyến đầu thì Thủy-Quân Lục-Chiến cũng đành phải ở bên nay bờ Thạch-Hãn!

    -Đúng là Phu Nhân Một Thời Oanh Liệt! Chuyện nhà binh của người ta mà cũng rành! Còn bìa tập thơ, em thích không?

    Nhìn bìa sách với tựa đề Nửa Đời Thương Đau mà chữ “Th và Đ” được viết khác màu Thanh-Điệp cảm động. Hoàng-Việt-Sơn hỏi: 

    -Đố em biết ý nghĩa của mấy phụ âm Th và Đ mà anh cố viết khác đi?

    -Có vậy mà anh cũng đố.

    -Giỏi thì nói đi.

    -Là Thanh-Điệp chứ gì!

    -Trời! Sao em vô tình quá vậy, Điệp?

    -Điệp chịu thua. Anh nói đi.

    Chàng lại thở dài, giọng rất buồn, nói rõ từng chữ: 

    -Nửa Đời Thương Điệp đó, em biết không?

    Tự dưng nàng muốn khóc, nhưng khóc không được! Một lúc sau nàng trở lại vấn đề không nên in tên thật và tiểu sử của chàng. Hoàng-Việt-Sơn giận và gay gắt: 

    -Anh tặng em tập thơ vì anh thương yêu, quý trọng em, muốn đem niềm vui đến cho em chứ anh không muốn đem sự lo âu, phiền phức đến cho em. Nếu em sợ đến như vậy thì thôi, anh không xuất bản tập thơ nữa. Anh gọi Ngọc-Hoài-Phương ngay. 

    Những lần điện thoại sau đó Hoàng-Việt-Sơn tỏ ra rất quan ngại về vấn đề sức khỏe của Thanh-Điệp chứ chàng không đề cập đến tập thơ nữa. Nàng nghĩ có lẽ chàng còn giận nàng và cũng có thể chàng đã đình chỉ việc ấn hành tập thơ, như chàng đã nói. Hơi buồn, nhưng nàng không hỏi chàng mà lại hỏi Ngọc-Hoài-Phương. 

    Sau khi nghe Thanh-Điệp phân trần về vấn đề tên thật và tiểu sử của Hoàng-Việt-Sơn, Ngọc-Hoài-Phương cười: 

    -Xong rồi! Tôi có cùng cảm nghĩ với chị cho nên tôi giải thích và ông ấy đã đồng ý chỉ để bút hiệu thôi.

    Khi Ngọc-Hoài-Phương in xong tập thơ “Nửa Đời Thương Điệp” cũng là lúc nàng nhận được kết quả tốt đẹp về y tế của nàng.

    Biết tình trạng sức khỏe của Thanh-Điệp bình thường, Hoàng-Việt-Sơn càng vui hơn và chàng thúc đẩy nàng xuất bản tác phẩm kế tiếp. Trong tác phẩm này, chàng thích đoạn kết vì nàng nhắc đến ca khúc Chiều, phổ nhạc từ thơ của Hồ-Dzếnh mà chàng đã nghe vào một buổi chiều, tại phòng trực của quân-y-viện Đà Nẵng, sau khi anh Nguyễn-Bá-Liên báo cho chàng hay Thanhh-Điệp đã lập gia đình!

    Sau khi tác phẩm của Thanh-Điệp ra đời, Hoàng-Việt-Sơn viết một bài điểm sách gửi cho nàng, bảo nàng tùy nghi xử dụng. 

    Thanh-Điệp cho chàng biết nàng đang viết một tác phẩm khác. Chàng hỏi nàng viết về ai, viết về cái gì? Nàng đáp: 

    -Dạ, viết về những vụng dại của tuổi thơ.

    -Những vụng dại của tuổi thơ đó có giống cái vụng dại của Cô Bé Tóc Dài làm điêu đứng anh chàng Quân-Y này không?

    Thanh-Điệp im lặng, thầm nghĩ, những vụng dại tuổi thơ của nàng chỉ làm điêu đứng anh chàng Quân-Y này và Dũng – một chàng Quân-Y khác – nhưng lại đưa nàng vào kiếp sống âm thầm của loài ốc bên bến sông!

    ******

    Ngày còn bé, Thanh-Điệp thường được thân phụ dạy rằng: “Trong địa hạc Văn Học Nghệ Thuật, nếu con thực hiện điều gì mà con cảm thấy điều đó không bằng hoặc không khá hơn điều mà con đã làm ngày hôm trước thì con đừng nên làm”. Vì vậy, từ sau khi bỏ đàn và bỏ hát để được yên thân, nàng không muốn xuất hiện trên sân khấu nữa.        

    Vậy mà, vào buổi họp mặt sơ ngộ của trường Quốc Học/Đồng Khánh, Thanh-Điệp không nhớ tại sao nàng bị “lôi” lên sân khấu để làm phiền thính giác của quan khách mà nàng chỉ nhớ ánh nhìn dịu dàng, thiết tha, trìu mến của một người đàn ông ngồi bên góc phải, khi nàng hát bản Tình Quê Hương của Đan-Thọ.

    Trở về chỗ ngồi, Thanh-Điệp quên mất ánh mắt đã nhìn nàng lúc nãy. Một lúc sau, trực giác bén nhạy cho nàng biết ánh mắt ấy vẫn không rời nàng. Thanh-Điệp quay nhanh về hướng ấy. Người đàn ông ấy không tỏ vẻ gì muốn né tránh ánh nhìn của nàng khi bất ngờ bị nàng bắt quả tang đang… nhìn trộm. Người đàn ông ấy rất điềm đạm, hơi mỉm cười, khẽ nghiêng đầu chào nàng. Nàng chào lại. Vừa khi đó bác sĩ Thuận bước về phía ông ấy, bắt tay ông ấy, ra vẻ rất mừng rỡ.

    Vì chưa bao giờ thấy ảnh của Hoàng-Việt-Sơn, Thanh-Điệp không thể nhận diện được. Nhưng ánh mắt của người đàn ông ấy khiến nàng nhớ đến lời “hăm dọa” của chàng rồi nàng trở nên lúng túng, vụng về. Thanh-Điệp ra về.

    Buổi họp mặt hôm sau, vừa bước vào hội trường, Thanh-Điệp nhận ra ngay người đàn ông đã nhìn nàng tối hôm trước. Và ông ấy cũng nhìn nàng bằng ánh nhìn đằm thắm, chan chứa cảm tình. Thanh-Điệp tìm bác sĩ Thuận và hỏi xem có phải người ấy là Hoàng-Việt-Sơn hay không? Sau khi bác sĩ Thuận xác nhận, nàng hoàn toàn mất bình tĩnh! 

    Là một người mang dòng máu nghệ sĩ nhưng Thanh-Điệp lại có cá tính của một người cứng rắn và đầy tự chủ. Thanh-Điệp vội vàng rời hội trường trước khi Hoàng-Việt-Sơn có cơ hội đến gặp nàng.

    Trong đời, Thanh-Điệp đã có nhiều quyết định sai lầm. Nàng chịu đựng, âm thầm gậm nhấm những sai lầm của mình và tự tha thứ cho nàng. Nhưng không có một quyết định thiếu khôn ngoan nào của nàng lại đeo đẳng, dằn vặt nàng như quyết định lánh mặt Hoàng-Việt-Sơn vào kỳ họp mặt năm đó. Thanh-Điệp nghĩ nàng sẽ không bao giờ tha thứ cho nàng!

    Vài hôm sau, Hoàng-Việt-Sơn gửi tặng Thanh-Điệp phân đoạn đầu của bài thơ chàng mới sáng tác. Trong thư gửi kèm, chàng bảo chàng còn đang sáng tác tiếp, dài lắm, xong đoạn nào chàng sẽ gửi tặng nàng đoạn đó. Hoàng-Việt-Sơn không hề đề cập đến bất cứ chi tiết nào về việc chàng đã đến Houston tham dự ngày họp mặt Quốc Học/Đồng Khánh. 

    Vừa thấy tựa đề bài thơ Thanh-Điệp chợt se lòng vì hiểu rằng Hoàng-Việt-Sơn rất buồn về thái độ của nàng:

     Thanh-Điệp Trường Hận

    Lá gục đầu,

    Sông sâu.

    Những con thuyền không hướng.

    Em mà chi. Thương nhớ mà chi.

    Thanh-Điệp!

    Anh thường có những ngày dài xa cách,

    Những đêm buồn da diết nhớ tên em!

    Em có nhớ thương?

    Vòng hoa trắng mộ

    Mộng chưa thắm, 

    Anh còn cay đắng,

    Bởi mối tình tan vỡ một đêm nao!

    Mà em hỡi! Giữa biển sầu thiên cổ, 

    Sao dững dưng như gỗ đá vô tình?

    Sao lạnh lùng và mãi mãi lặng thinh?

    Em về đâu cho kịp chuyến tàu đêm?

    Ôi chuyến tàu xưa, anh đứng đợi im lìm.

    Tìm em mãi ga Nha-Trang heo hút.

    Thanh-Điệp!

    Sông chảy về đâu?

    Suối chảy về đâu?

    Đôi bờ giạt ao bèo.

    Như tình anh vẫn lạc loài câm lặng,

    Giữa cuộc đời trơ trọi một mình anh.

    Nước mắt buồn cứ đọng mãi đôi vành.

    Nước mắt buồn cứ chảy mãi năm canh. 

    Mà năm tháng cứ phai dần kỷ niệm.

    Thanh-Điệp!

    Em đi về đâu? Em ở tận đâu?

    Đêm nay em có sầu thương nhớ?

    Anh thấy cô đơn lạnh buốt đời!….

    Hoàng-Việt-Sơn thường bảo chàng tha thứ cho Thanh-Điệp, vì ngày xưa nàng còn bé, ngây thơ vô tội; nhưng chàng không hiểu tại sao mỗi lần chàng hỏi Nguyễn-Bá-Liên về Thanh-Điệp thì Nguyễn-Bá-Liên cứ tìm cách nói sang chuyện khác. Vì vậy, chàng đành ôm “mối tình vô vọng” (12) để rồi “Ôi chuyến tàu xưa, anh đứng đợi im lìm. Tìm em mãi ga Nha-Trang heo hút.”

    Đây không phải là bài thơ đầu tiên Hoàng-Việt-Sơn hờn trách Thanh-Điệp. Nhưng đây là bài thơ đầu tiên chàng đề cập đến chữ “mộ” – Vòng hoa trắng mộ. Nhưng nàng vẫn vô tình, chỉ cảm thấy buồn vì lời thơ ướt lệ chứ nàng cũng không linh cảm được điều gì cả! Thanh-Điệp chưa viết thư cảm ơn chàng về phân đoạn này vì nàng có ý chờ những phân đoạn kế tiếp; khi nào chàng hoàn tất trọn bài rồi nàng sẽ viết thư cảm ơn và xin lỗi chàng về hành động… thiếu xã giao của nàng hôm hội ngộ. 

    Hoàng-Việt-Sơn thường bảo, viết thư hay nói điện thoại, mình có thể cảm nhận được sự gần gủi với người mình giao tiếp hơn là e-mail; cho nên chàng không có địa chỉ e-mail. Vì vậy, Thanh-Điệp dự tính, khi nào Hoàng-Việt-Sơn điện thoại nàng sẽ xin lỗi chàng. Nhưng không bao giờ chàng gọi và chàng cũng chẳng gửi gì cho nàng nữa, kể cả những đoạn kế tiếp của bài thơ Thanh-Điệp Trường Hận mà chàng đã hứa.

    Thanh-Điệp buồn vì nghĩ rằng Hoàng-Việt-Sơn đã hoàn toàn thất vọng khi thấy lại nàng sau hơn 40 năm không gặp! Nhưng nghĩ lại, nàng thấy luận cứ này không vững; bởi vì, nếu Hoàng-Việt-Sơn thật sự thất vọng vì nhân dáng hiện tại của nàng thì chàng đã không nhìn nàng bằng ánh nhìn trìu mến, thiết tha, dịu vợi; và chàng cũng đã không dệt được những vần thơ làm xót lòng người đọc như trong bài Thanh-Điệp Trường Hận. Càng suy nghĩ nàng càng thấy chỉ có một lý do là Hoàng-Việt-Sơn giận nàng và muốn quên nàng. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi vì, sau ngần ấy thời gian giữ kín trong lòng hình bóng nàng và khoảng hơn bốn năm kiên nhẫn theo đuổi nàng, nay chàng nhận ra sự phủ phàng từ trái tim gỗ đá của nàng thì chàng còn lưu luyến nàng để làm gì! 

    Nhiều khi Thanh-Điệp hối hận, muốn điện thoại sang chàng; nhưng nàng ngại, vì chưa bao giờ nàng gọi chàng. Thanh-Điệp cũng muốn viết thư, nhưng rồi nàng nghĩ, thôi, nàng đã không yêu thương chàng thì hãy để “mối tình câm ủ dột” (13)  này yên nghỉ. Đôi khi nàng bình thảng chấp nhận ý nghĩ này; nhiều khi nàng lại mong chàng gọi để nàng được ngõ lời xin lỗi.

    Trong sự bồn chồn mong đợi của Thanh-Điêp, điện thoại của Hoàng-Việt-Sơn không đến mà một tin không bao giờ nàng ngờ thì lại đến từ Thúy-Minh. Thanh-Điệp xót xa đoài đoạn vì nghỉ rằng Hoàng-Việt-Sơn “ra đi” mang theo niềm giận hờn do nàng tạo nên! 

    Hơn một năm qua, kể từ khi hay tin Hoàng-Việt-Sơn mất, Thanh-Điệp không viết được! Nàng cũng không muốn gửi bài điểm sách do chàng viết về tập truyện của nàng đến báo nào cả. Nàng muốn giữ cho riêng nàng. 

    Ngày xưa, khi Hoàng-Việt-Sơn đi hành quân thì: “Chiều hành quân cạnh ven rừng, Trong một thoáng anh mơ về Thanh-Điệp” (14); ngày nay, trong chuyến đi cuối cùng này, Hoàng-Việt-Sơn mang theo tất cả nguồn cảm hứng, óc sáng tạo và niềm đam mê văn chương của nàng; chỉ để lại cho nàng những dằn vặt/ray rức/đau buồn!

    Rồi một hôm, nhớ đến lời đã hứa với Hoàng-Việt-Sơn, Thanh-Điệp quyết định viết trở lại. Bài đầu tiên khi trở lại với văn chương, chữ nghĩa, nàng xin được một lần viết về những kỷ niệm với Hoàng-Việt-Sơn – như một lời tạ lỗi.

    ******


    Quanh nàng không một bóng người, không một tiếng động. Thanh-Điệp ngồi bệt trên khóm cỏ non, tay vuốt nhẹ theo từng nét chữ khắc tên thật của Hoàng-Việt-Sơn trên mộ bia. Tâm hồn nàng tê dại. Khối óc nàng trống rỗng. Nàng chỉ cảm thấy cay cay ở mắt chứ nàng không còn giọt lệ nào nhỏ xuống cho “Một mối tình câm cứ lặng câm!” (15) Thanh-Điệp đến đây không một nén nhang, không một đóa hoa; vì nàng nghĩ, lúc Hoàng-Việt-Sơn còn sống nàng đã quá tệ với chàng thì nay chàng chết, những hình thức kia đâu thể nào làm cho chàng hiểu được những ray rức, ngậm ngùi, tiếc thương đang xâu xé tâm hồn nàng!

    Trong thinh lặng bỗng dưng Thanh-Điệp tưởng như nàng có thể nghe được tiếng thì thầm:  

    …Bình minh dậy, ánh nắng hồng đỏ chói;

    Chân trời xa, biển lặng, buồm nhấp nhô.

    Thôi, chia tay, thuyền duỗi, bến dặn dò:

     Ngày gặp gỡ? – Đành tìm nhau kiếp khác! (16)

    Thanh-Điệp thảng thốt nhìn quanh. Sự yên lặng lại bủa vây. Và, bất chợt, Thanh-Điệp nhớ đến câu nói của một người mù mà nàng đã đọc trong một tác phẩm nào đó. “Tôi nghe trong im lặng, một im lặng hoàn toàn!”(J’entends dans le silence, un silence parfait). (17)

    ĐIỆP MỸ LINH

     http://www.diepmylinh.com/

    2.-Thành ngữ Việt-Nam: Đạp vỏ dưa, thấy vỏ dừa sợ.

    7.-Theo Reader’s Digest.

    4-5-8.-Những tác phẩm của ĐML.

    1-3-4-5-6-9-10-11-12-13-14-15-16.-Trích từ Nửa Đời Thương Đau của HoangVũ-Bão.

    17.-Không nhớ tên tác phẩm/tác giả.

    Cảm ơn Mrs. ĐML chuyển bài.

     

    *********

 
 
 
Điệp-Mỹ-Linh là bút hiệu của Nguyễn Thị Thanh-Điệp, được sinh ra tại Dalat.

Điệp-Mỹ-Linh được thân phụ - cụ Nguyễn Văn Ngữ - dạy nhạc ngay từ khi còn bé. Khởi đầu Điệp-Mỹ-Linh học đàn Mandoline; lớn hơn một tý Điệp-Mỹ-Linh học đàn Accordion.
Học hết bậc tiểu học tại trường Domain de Marie, Điệp-Mỹ-Linh theo gia đình về quê Nội, Nha-Trang. Tại Nha-Trang, Điệp-Mỹ-Linh theo học trường trung học Võ-Tánh.
Cũng tại Nha-Trang, cụ Nguyễn Văn Ngữ thành lập ban Ca Nhạc Bình-Minh để phụ trách phần văn nghệ cho Đài Phát Thanh Nha-Trang, vào tối thứ Năm và tối Chủ Nhật. Điệp-Mỹ-Linh đàn Accordion và hát, dùng tên thật, Thanh-Điệp.
Thời gian này cụ Nguyễn Văn Ngữ viết cho báo Đuốc Thiêng, dùng bút hiệu Điệp-Linh. Điệp-Mỹ-Linh cũng được thân phụ khuyến khích cầm bút.

Điệp-Mỹ-Linh bắt đầu viết từ năm 1961 và có bài đăng trên Đuốc-Thiêng, Tin-Sáng và Tia-Sáng với vài bút hiệu khác nhau như: Nguyễn Thị Kiều-Lam, Thanh-Điệp, Thủy-Điện và Điệp-Mỹ-Linh.
Sau bậc trung học, Điệp-Mỹ-Linh theo học Luật tại Đại Học Luật Khoa Saigon.
Sau khi định cư tại Hoa-Kỳ, năm 1975, Điệp-Mỹ-Linh không còn dùng những bút hiệu khác nữa.
 
Những tác phẩm đã xuất bản của Điệp-Mỹ-Linh:
 
 
Quý vị có thể liên lạc với Điệp-Mỹ-Linh tại:

Alief, Texas 77411  U.S.A.



Mời quý vị "bấm" vào bìa mỗi tác phẩm   
dưới đây để đọc những truyện đã xuất bản.
 
 

Bạn Hữu Viết Về Điệp Mỹ Linh


Tặng Phẩm Của Bạn Hữu

 

Điệp Mỹ Linh Phỏng Vấn Bạn Hữu

 

Điệp Mỹ Linh Viết Về Bạn Hữu

 

Bài Mới Chưa In Thành Sách

 

*****

 

       Kim Phượng sưu tầm & tổng hợp     

 

 

 
Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %19 %621 %2021 %08:%11
back to top