Một Chuyến Vòng Quanh - Yên Sơn

Một Chuyến Vòng Quanh

Yên Sơn

Sau bao nhiêu ngày bị tù túng vì nạn dịch bệnh cúm Tầu – Wuhan Coronavirus, “my house” xin nghỉ việc cùng tôi làm một chuyến ngao du bằng xe với vợ chồng chú sư đệ Xuân-Vy đang ở thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona.

“My house” suốt ngày thấy tôi hết đi ra lại đi vào, thở dài thở vắn, không nói năng chi dù vẫn cơm ngày ba bữa, tắm rửa vẫn lười, lại có vẻ thiếu vắng nụ cười… cầu tài. Nên khi được cô chú đề nghị đi ngắm mùa thu ở vùng đồi núi để xem lá vàng và ít tuyết đầu mùa… Tôi hăng hái đề nghị và nàng cũng chiều lòng.

Dù vậy, đây không phải là lần đầu chúng tôi đi chơi chung với nhau kiểu nầy. Ba năm trước bốn chúng tôi đã loanh quanh ở các canyon vùng đồi núi Arizona và Nevada cả tuần lễ, chưa kể đánh bạc bằng mắt ở Las Vegas vài ngày. Vì hợp tính tình nhau nên mỗi lần đi chơi với nhau về vẫn thấy chưa đủ nên lại hẹn sẽ đi tiếp. Hẹn thì cứ hẹn nhưng ai cũng “công lên việc xuống” thành ra phải làm “thợ rèn” dài dài. Tại sao phải nhắc đến “thợ rèn”? Vì ông thợ rèn của chúng ta ngoài đức tính ham việc còn có tính ham vui; nhận nhiều mối quá, lại thích la cà nhậu nhẹt thành ra phải hẹn với khách hàng ngày mai lấy… nhưng khổ ơi, lần nào cũng có ngày mai!

 

Tôi biết chú Xuân từ lúc anh em còn học tập chung ở Học viện Võ Thuật Thần Phong trong căn cứ Không Quân VNCH Tân Sơn Nhất khoảng năm 1971. Cho dù không chung thầy, chung lớp nhưng chung một trường. Khi ấy chú trong nhóm thiếu niên Thần Phong còn tôi ở lớp quân nhân. Chú là một trong số Thiếu niên Thần Phong giỏi mà tôi biết. Biết thì biết vậy nhưng không thân cho tới mãi sau nầy, khi tất tả chạy qua đến Mỹ. Sau khi tôi bắt đầu gầy dựng lại võ phái Thần Phong ở vùng Bay Area miền bắc California vào cuối năm 1977. Nhân chuyến xuôi nam, vùng Hawthorn – gần Orange County – tìm thăm Võ sư Thần Phong Nguyễn Văn Lợi – huynh đệ đồng môn với thầy tôi là Võ sư Phan Văn Đức. Từ đó mối giao tình càng ngày càng sâu đậm, thân thiết; nhất là khi hai anh em đồng chí hướng, cùng tìm cách liên lạc với anh em Thần Phong cũ hiện ở Saigon để tiến tới việc phục hồi võ phái Thần Phong ở Việt Nam sau một thời gian dài bị chính quyền Việt cộng cấm đoán tối đa.

Chú Xuân rất thích làm ăn buôn bán. Chú nhảy vào thương trường từ đầu thập niên 1980, nhưng số trời không cho nên sau bao năm thăng trầm rồi cũng về không, chỉ được cái hậu vận an nhàn, cuộc sống thoải mái. Trong những lúc thăng trầm của chú, tôi cũng sẻ chia, khuyến khích cùng an ủi. Khi chú lập gia đình với Phượng Vy tôi có dịp tham dự và quen biết với Phượng Vy từ đó. Phượng Vy là một tiểu thơ con nhà giàu có nhưng tính tình rất thuần hậu, chân tình, vui tính lại hay giúp đỡ người khác. Là một đứa con, một nàng dâu hiếu hạnh vẹn toàn cho cả hai bên gia đình. Bây giờ, dù cô chú còn xa tuổi nghỉ hưu nhưng cũng đã gác kiếm, lìa xa thương trường, thích ngao du sơn thuỷ, đặc biệt rất thích lái xe đi du lịch đây đó.

Cái sở thích của cô chú Xuân-Vy rất hợp với chúng tôi nhưng vì tôi vẫn còn đa đoan với nhiều công việc không tên; nhà tôi còn phải khuya sớm “gánh gạo nuôi chồng… dù không đến nỗi phải… nước mắt nỉ non như cụ bà Tú Xương năm xưa. Vì thế, khi nào xếp đặt được là chúng tôi lại đi chung với nhau. Hy vọng một ngày nào đó, chúng tôi có dịp đi với nhau từ nam chí bắc trên quê hương dấu yêu trước khi chiếc lá lìa cành. “Hy vọng không bao lâu nữa” – nhà tôi bảo vậy – thì có thể bỏ gánh cơm áo xuống để cùng nhau “thơ túi rượu bầu, ngao du sơn thuỷ, tiếu ngạo giang hồ”.

 

North Rim Grand Canyon - Arizona 

Đáng lẽ chuyến đi này dài hơn 10 ngày, nhưng phút chót, cô chú có việc nhà nên đành phải cắt ngắn. Chú Xuân cho biết đại khái lịch trình, “1g trưa đón anh chị ở phi trường xong trực chỉ tới thành phố Page – cực bắc của Arizona, gần biên giới tiểu bang Utah – ngủ lại một đêm. Dọc đường sẽ dừng lại ăn chiều ở Sedona. Sáng hôm sau đi thăm thắng cảnh Horseshoe Bend, nếu không trễ quá sẽ đi Castle Hot Spring, xong tới North Rim Grand Canyon, trở ra ngủ lại phố Kanab; sáng hôm sau trực chỉ Glenwood Spring, Colorado; ở đây hai đêm để đi thăm Aspen và tắm suối nước nóng. Sau đó đi Salt Lake City du ngoạn và ở lại hai đêm; hôm sau về Las Vegas đánh bài bằng mắt một đêm; sáng sớm hôm sau về lại Phoenix ăn trưa đến 1g đưa anh chị lên phi trường về Houston.”

Tôi hoàn toàn tin tưởng cách hoạch định chương trình của Chú Xuân, vì chú chính là một chuyên gia lái xe đi du lịch đường trường. Khi đón chúng tôi ở phi trường Phoenix lúc 1g trưa là đi thẳng 10 ngày. Chú nói đã lo hết mọi thứ từ A đến Z cho chuyến đi, và chúng tôi chỉ việc ngồi trên xe… ngắm cảnh. Có nghĩa là ngày chạy mấy tiếng, đi tới những đâu, thăm nơi chốn nào, ngủ khách sạn mấy sao… tính xong hết rồi.

Trạm dừng đầu tiên để ăn tối là một nhà hàng nổi tiếng trong vùng – The Hudson Restaurant – nằm trên triền núi ở phố Sedona. Dù đang xế bóng nhưng khi đến nơi vẫn phải đợi bàn. Người ta vẫn đeo khẩu trang nhưng nhà hàng vẫn tấp nập ra vào. Trời bắt đầu trở rét, khách ngồi đầy chung quanh quầy rượu, có lẽ để tìm hơi ấm qua chất men. Chờ khoảng 40 phút, chúng tôi được cho vào. Chỗ ngồi tuyệt đẹp, ngắm được cảnh hoàng hôn trên vùng núi đỏ. Nhà hàng khá rộng và khách ngồi theo “giãn cách xã hội.” Nhìn vào thực đơn, dù là vùng du khách, lại là nhà hàng nổi tiếng nhưng giá cả cũng tương đối… dễ chịu. Cô chú Xuân nói đã ăn ở đây vài lần rồi, món nào cũng ngon; đặc biệt giới thiệu cho chúng tôi thực đơn hamburger và sandwich mà theo chú vừa rẻ vừa ngon. Mỗi người chọn một món. Được chú Xuân khuyến khích, tôi chọn một chiếc bánh hamburger đặc biệt có tên là Ahi Tuna Sandwich, giá $19. Chiếc hamburger với một chút rau cải lạnh (coleslaw) $19… nhưng rất “xứng đáng đồng tiền bát gạo;” nếu trở lại, tôi chắc sẽ ăn thêm lần nữa.

Rời Sedona khoảng 4 giờ chiều mà đã đậm nét hoàng hôn. Hướng về nơi đến, thành phố Page, phải lái xe băng qua vùng đồi núi, dù với tốc độ cao nhưng cũng phải mất gần 3 tiếng mới tới nơi.

Dọc đường nhìn ngắm những phong cảnh đẹp thoả thê; lá vàng đất đá đỏ trộn lẫn nhau tạo nên những sắc màu rực rỡ, có thể sẽ không tìm thấy ở vùng nào khác ngoài mấy tiểu bang hang động nầy. Cứ mải mê ngắm cạnh và trò chuyện nên khi gần tới thành phố Page thì thấy chớp nhoáng đèn xanh đỏ phía sau. Tính tập bài ca “tình anh bán chiếu” mà thấy cái mắt nó đăm đăm khó chịu nên đành ký tên vào sổ đoạn trường! Mất hết lửa! Phượng Vy bảo thế! Thay vì tìm tới chỗ Hot Spring nhưng vừa phần tối vừa bị cụt hứng nên đành đi thằng về khách sạn. Trời đã tối đen ngoài những ánh đèn đường vàng vọt của một thành phố nhỏ với hơi lạnh mịt mùng. Tôi chợt mơ, giá giờ nầy được ngồi bên lò sưởi, uống rượu nghe nhạc êm dịu thì tuyệt vời biết mấy.

Sedona- Arizona 

Sau khi nhận phòng khách sạn, chú Xuân rủ đi ăn BBQ và uống rượu ở tiệm nổi tiếng gần bên khách sạn, nhưng khi hỏi thăm mới biết tiệm đóng cửa vì… Covid. Chú nói sở dĩ chọn khách sạn nầy vì muốn chúng tôi thưởng thức món BBQ đặc biệt ở đây. Thế là hai anh em đành chạy đi mua rượu và ít đồ nhậu lai rai đem về phòng. “Mất hết lửa!” Phượng Vy nói thế khi cầm ly rượu trên tay. Phượng Vy rất tếu. Cỡ nào cũng tếu được.

Sáng sớm hôm sau rời khách sạn đi ăn sáng và thăm địa điểm nổi tiếng trong vùng. Đó là Horseshoe Bend với lời giới thiệu trên website, “Đây không phải là chỗ tận cùng thế giới nhưng người ta nói rằng bạn có thể nhìn thấy nó từ chỗ nầy” (It may not be the end of the world but some people say that you can see it from here!)

Horseshoe Bend là của tổ hợp tư nhân người da đỏ. Vào cửa trả tiền xe, không đắt lắm. Từ cổng đi bộ tới vùng horseshoe bend, khu yêu thích của du khách, khoảng gần 3 dặm đường cong cong quanh một ngọn đồi thấp. Du khách, già trẻ lớn bé đa chủng tộc, rất đông. Ai cũng tới bên hố thẳm ngó xuống dòng sông cong như móng ngựa, chảy lòn giữa những tường núi nhiều màu sắc đỏ đỏ hồng hồng, làm đủ loại dáng kiểu để chụp hình. Tôi nổi hứng leo tuốt lên đỉnh núi cao nhất để tự chứng nhận sức chưa cùng lực chưa tận gan vẫn to của mình, nhưng khi nghe tôi nói thế, không biết nhà tôi nghĩ gì mà cười mỉm!

Sau vài tiếng loanh quanh, chúng tôi lên xe đi về phía North Rim Grand Canyon. Đoạn đường khoảng 150 miles. Thời tiết dự báo rất khả quan, sẽ có tuyết rơi nặng đêm nay nhưng muộn, đủ để chúng tôi ghé qua loanh quanh vài tiếng trước khi trời tối về khách sạn ở thành phố nhỏ Kaibab không xa lắm để ngủ qua đêm.

Người ta thường nói, “Trên đời nầy có hai thứ không nên tin. Thứ nhất là lời hứa của đàn bà, thứ hai là các chuyên gia dự báo thời tiết.” Tôi thiệt là không đủ gan để chứng thực về “lời hứa của đàn bà” nhưng mục thứ hai thì xảy ra mọi nơi, mọi chỗ, mọi đất nước, nhất là thời còn bay bổng. Và lần nầy không ngoại lệ. Khi xe gần tới nơi đầu đường SR67 dẫn vào North Rim thì tuyết bắt đầu rơi, mặt đường đã phủ một lớp mỏng trắng xoá. Đường vắng, lâu lâu mới có xe ngược chiều. Khi vào cổng không thấy có người gác nhưng cửa vẫn mở nên cứ lái thẳng vào.

Tuyết càng lúc càng rơi nặng đều hơn, trời đất một màu trắng đục, xe cộ rất thưa thớt. Thực tình trong bụng tôi cũng có chút nghi ngại vì xe không có trang bị để lái trên đường tuyết dù chú Xuân nói vừa thay 4 bánh xe mới. Dù vậy, tôi vẫn làm tĩnh bên cạnh chú tài xế Xuân. Hai người phụ nữ ngồi phía sau càng lúc thấy càng ít nói. Lâu lâu gió mạnh thổi tốc bụi tuyết hai bên che cả mặt đường đi, che luôn tầm nhìn của tài xế. Tốc độ xe lúc nầy chỉ có thể chạy 15-20 miles/g.

Từ ngoài cổng chạy vào khu cabin – nơi du khách thuê ngủ đêm trong những ngày khám phá vùng North Rim – khoảng trên dưới 20 dặm đường mà vì chạy chậm nên thấy như thiên thu. Nhìn đồng hồ thấy mới có hơn 1g trưa nên tài xế và tôi cứ yên lòng chầm chậm đi tới. Nhất là khi thấy xe cảnh sát của Canyon chạy ngược chiều ra phía cổng mà không có dấu hiệu cản trở nên chúng tôi càng yên tâm lái đi tiếp. Thỉnh thoảng cũng thấy có xe từ trong chạy ra. Chạy một hồi khá lâu, đàng sau xa xa chúng tôi cũng có xe đi cùng hướng khiến càng yên tâm hơn.

Road to Rim of Grand Canyon- Minh họa

Xe đang tàng tàng leo lên một dốc thấp rồi cua vòng hướng trái; khi vừa xong khúc cua, chuẩn bị đổ dốc thì chiếc xe lạc tay lái trượt trên mặt đường. Chú Xuân, một tay lái đầy kinh nghiệm và bình tĩnh có thừa mà tay chân cũng đang múa võ tự do. Chiếc xe trượt xoay vòng, chú Xuân cố bẻ tay lái không cho rớt xuống hố. Nghe tiếng Phượng Vy niệm Phật vang lên trong khi nhà tôi im phăng phắc, không biết vì gan dạ hay đang chết điếng… Chiếc xe giạt sát lề đường, sắp rớt xuống hố; hai tay chú Xuân múa quyền và trước mặt là cây cối um tùm; tôi chuẩn bị trong tư thế chịu đựng nếu xe tông vào đám cây cối trước mặt. Không biết mấy câu niệm Phật có hiển linh hay không mà một phép mầu đã hiển hiện giữa lúc chú Xuân loay hoay với tay lái. Chiếc xe bỗng ngừng lại ngược chiều, nằm sát cạnh hố, chú Xuân cố đạp ga từ từ để leo ra xa lề, nhưng vô vọng, chiếc xe không di chuyển gì thêm, nằm yên một chỗ. Tôi hoàn hồn, bảo mọi người đừng động đậy, chờ thêm một lúc, thấy chiếc xe không có dấu hiệu lật nhào mới khe khẽ, cẩn thận bước ra khỏi xe để quan sát. Gió lạnh như cắt, tuyết rơi mênh mang. Tôi vòng qua bên phía hố thấy hai bánh xe ghim sâu dưới bùn và tuyết. Như vậy yên tâm không tuột được nữa nhưng sợ gió tạt mạnh quá thì cũng tiêu tán đường như không. Tôi vội bước vào xe ngồi sau khi bị trượt té nằm dài trên tuyết.

Khi mọi người bình tĩnh trở lại thì mối lo không biết làm sao để được người cứu trợ vì cả 4 điện thoại cầm tay đều không hoạt động. Chợt nhớ chiếc xe chạy sau khi nãy đâu mất tiêu, có thể đã quay trở ra rồi. Máy xe vẫn phải chạy, máy sưởi vặn tối đa mà hơi lạnh vẫn làm buốt cả da thịt. Một lúc khá lâu có chiếc xe chạy từ trong ra, tôi mở cửa sổ vẫy tay cầu cứu, thấy xe cố chậm lại nhưng thấy trơn trợt nên đành chậm chạp chạy tiếp sau khi nói lớn qua cửa sổ, “Chúng tôi sẽ tìm người cứu giúp cho bạn.” Ngồi thêm chút nữa lại có xe chạy ra, tôi lại làm giống như lần trước và cũng lại nghe câu trả lời giống nhau. Thêm khoảng nửa tiếng nữa, chúng tôi mừng rỡ thấy xe cảnh sát công viên chạy vào, dừng lại phía sau xe chúng tôi. Anh cảnh sát vừa đậu xe, bước xuống, hướng về phía chúng tôi… Anh đi chưa được mấy bước thì xe của anh tuột ngay xuống hố, dộng đầu vào một cây lớn, banh càng. Anh cảnh sát lắc đầu nhìn chúng tôi rồi nhìn xe của anh ấy. Tôi buồn cười quá mà không dám; đi tới bên anh tỏ lời xin lỗi vì tai nạn của chúng tôi kéo anh theo, nhưng trong bụng tôi lại mừng thầm. Có anh cảnh sát với chúng tôi thì an toàn rồi, anh ấy có hệ thống thông tin nên thế nào cũng tìm cách cứu chúng tôi và cứu cả anh. Một lúc sau, anh cảnh sát nói với chúng tôi là đã gọi được xe kéo, khoảng vài tiếng mới tới vì họ đến từ Jacob Lake, 65 dặm xa. Anh cũng nói đêm nay dự báo tuyết rơi hai bộ!

Tôi yên tâm vọt ngay vào trong xe ngồi chờ. Tuyết rơi khá nặng, trời u ám và bóng tối phủ quanh nhưng ai cũng như tôi, có vẻ yên lòng chờ đợi; chú Xuân tỉnh bơ lấy game ngồi chơi an bình. Được một lúc có thêm chiếc xe cào tuyết đến nơi, đậu lại giữa đường nói chuyện với anh cảnh sát lâm nạn. Họ đang nói chuyện thì có một chiếc xe nhỏ vừa quẹo qua cua đang đổ dốc… Có lẽ thấy phía trước của mình có xe nằm bên lề, xe giữa đường, tài xế quýnh quáng làm sao chiếc xe bắt đầu tuột xuống giống tình trạng cũ của chúng tôi. Anh cảnh sát và tài xế xe cào tuyết nhanh chân né vội vào sau chiếc xe xúc tuyết. Trong lúc mọi người trong xe chúng tôi xanh mặt, lo sợ chiếc xe đó tuột thẳng vô xe mình thì lãnh nợ cả lũ. Tài xế múa sao không biết, xe đâm đầu vô lề trái dập đầu xe nằm yên phía lề đối diện. Thấy hai ông thanh niên nhí, mặc quần sọt bước ra rồi bước lẹ vào xe. Anh cảnh sát và tài xế xe cào tuyết tới bên nói chuyện và ghi chép gì đó xong cả hai người đi về hướng chiếc xe dưới hố của họ.

Hình Minh Họa

Khoảng một lúc không lâu, một chiếc xe van khác quẹo qua cua và… tuột xuống chỗ chúng tôi! Cả xe lại một phen xanh mặt! May quá chiếc xe xoay ngang giữa đường rồi đứng lại, cách chúng tôi chừng 10 bộ! Hú hồn! Ngồi trong xe thì nguy hiểm, mà ra ngoài thì lạnh cóng nên đành bấm bụng ngồi lì trong xe chờ thời. Tài xế xe cào tuyết không biết chạy đi đâu một lúc khá lâu, khi trở lại thấy anh ta lấy xẻng xúc đất bỏ chung quanh bốn bánh xe van. Xe van được cứu và chạy về hướng bên trong.

3 xe nằm vạ, 7 người co ro đợi chờ, trời càng lúc càng tối, tuyết càng lúc càng rơi. Được một lúc có chiếc xe nhỏ đi tới, dừng lại, một cô nương bước ra – có lẽ người da đỏ – nói chuyện với anh cảnh sát một lúc rồi giúp anh cảnh sát biên biên chép chép gì đó. Mọi người lạnh tê người mà cô ta mặc chiếc váy dài, áo jean mà không chứng tỏ lạnh lẽo gì lắm, cùng với anh cảnh sát đi đi lại lại từ xe nầy tới xe kia tiếp tục ghi chép khoảng thời gian cả nửa tiếng đồng hồ, xong cô ta chào từ biệt với nụ cười thân thiện. Tôi chợt nhớ cũng do mình mà chiếc xe kia bị nạn nên lục đồ ăn thức uống đem sang cho hai cậu thanh niên. Hai cậu nhỏ có lẽ cũng dân xứ lạnh nên cũng có vẻ tỉnh bơ ngồi chờ.

Khoảng 3 tiếng rưỡi sau tai nạn, chúng tôi vui mừng chào đón hai chiếc xe kéo. Trong khoảng tranh tối tranh sáng, hai chiếc xe câu kéo hai chiếc xe thường dân chúng tôi ra mặt lộ an toàn, mỗi xe phải trả $300 tiền mặt. Xe hai thanh niên dù banh cái đầu nhưng được biết vẫn còn chạy được. Thấy anh cảnh sát gọi máy một lúc, xe xúc tuyết trở lại đứng phía trước, một lúc sau thêm một số xe nữa và thêm một xe cảnh sát khác từ phía trong chạy ra sắp hàng. Các vị cảnh sát bảo với chúng tôi rằng, họ sẽ đưa tất cả mọi người ra tới cổng. Bao nhiêu xe nối đuôi nhau chạy chậm theo chiếc xe cào tuyết và hai xe kéo từ từ chạy ra phía cổng vào.

Ra khỏi miệng hố chúng tôi vui mừng quá sức, lại được hộ tống ra tới xa lộ nữa mới vui chứ. Tưởng đâu phen nầy được về khách sạn ấm cúng, ăn tối và làm một giấc cho vơi căng thẳng cả ngày. Ai ngờ ra đến cổng thì cảnh sát nói đường bị đóng! Chúng tôi đành sắp hàng chờ trong lúc mấy anh cảnh sát gọi máy liên lạc. Thêm gần nửa tiếng nữa, cảnh sát đi từng xe bảo chúng tôi theo họ quay lại vào khu cabin, họ sẽ cấp phòng ngủ và thức ăn nhẹ miễn phí, đợi đến sáng mai đường mở sẽ cho chúng tôi lên đường. Cũng may, xe còn đủ xăng!

Thế là bầu đoàn thê tử lại kéo nhau quay vào. Xe xúc tuyết đi trước cào tuyết trên đường, vừa đủ cho một làn xe chạy. 10 chiếc xe nối đuôi nhau, chậm chạp đi theo vào khu cabin, nơi dành riêng cho công nhân của khu du lịch ở. Khu nhà hai tầng, rộng rãi nhưng trống trơn. Vì là đang dịch bệnh Covid tràn lan nên công nhân viên được nghỉ làm. Khoảng 40 người của 10+ chiếc xe du lịch đều dồn vào hai tầng lầu. Mỗi cặp được cấp một phòng với mền gối dư thừa đã được giặt giũ sạch sẽ. Lại phát cho nước uống và thức ăn chơi, chỉ là máy sưởi không đủ ấm dù vặn tối đa, không có nước chảy cho phòng vệ sinh, nếu ai có nhu cầu thì đành phải lội bộ ra một trong hai cầu tiêu lưu động ở hai đầu chung cư, khoảng 30 bộ xa ngoài tuyết giá mênh mông.

Hình Minh Họa

Mấy người trách nhiệm canh giữ khu cabin rất niềm nở đón tiếp chúng tôi, thêm vài anh chị cảnh sát trẻ tới tiếp tay giúp chúng tôi ổn định. Họ cho biết sáng mai sẽ được cung cấp bữa ăn sáng với nhiều thức uống nóng ở nhà ăn tập thể, dù đơn sơ nhưng cũng rất đầy đủ. Và rất có thể khoảng 9-10 sáng mọi người mới được… xả trại! Khi mọi người đã ổn định, họ chào tạm biệt, chúc ngủ ngon… dễ thương vô cùng.

Chúng tôi quấn không biết bao nhiêu lớp quần áo và trùm mấy lớp mền nhưng cái lạnh cứ len lỏi vào tận xương tuỷ nên không thể ngủ ngon giấc được. Lại thêm giường đơn dành cho công nhân viên độc thân nên không thể “chuyền hơi ấm cho nhau”, đành loay hoay ca bản “chuyến đi về sáng” và “một mai qua cơn mê” mà nghe não lòng. Nhìn qua vuông cửa sổ, bên ngoài tuyết đã rơi cao hơn đầu gối và đêm cứ chầm chậm, chầm chậm, thênh thang, thênh thang!

Trăn trở tới gần sáng thấy nhà tôi nhăn nhó, xuýt xoa bước vào, nói rằng vừa trợt té ngoài hiên khi phải đi phòng vệ sinh. Xem lại bầm tím cả mông và chảy máu ở cùi chỏ phải. Tôi cũng xuýt xoa với nàng phụ bóp dầu. Một lát thì cũng nghe chú Xuân lật gọng tím cả người! Ôi dân xứ nóng đi du lịch xứ tuyết… lần nầy chắc tởn tới già, dẫu cho ai có cho quà cũng thôi!

Khi nghe tiếng người xôn xao, tưởng mới tản sáng nhưng nhìn lại đồng hồ đã 8 giờ mà vì trời âm u nên tưởng sớm lắm. Ra phòng khách mới thấy các chủ xe đang cào tuyết chung quanh xe mình. Tuyết rơi phủ trắng cả xe. Tôi cũng rán làm tròn nghĩa vụ, ra mượn xẻng của chung cư xúc tuyết phụ với chú Xuân. Trời vẫn lạnh như cắt nhưng xúc một chút đã mệt bở hơi tai mà chỉ mới được trên trần xe, mũi xe, bên hông và chung quanh 4 bánh xe! Chạnh nghĩ tới những người ở xứ tuyết năm nầy qua năm khác chắc chắn sức khoẻ của họ tuyệt vời lắm. Nhìn lại huynh đệ võ sư của chúng tôi mà đâm ra nghi ngờ sức lực của mình.

Được ban quản trị thông báo đến nhà ăn để ăn sáng, uống cà phê. Trời lạnh căm mà được uống cà phê thì không gì tuyệt hơn. Đến nhà bếp thấy rất đông người, toàn là dân kẹt đường như chúng tôi. Ban quản trị rất chu đáo, cho nhân viên phục vụ chí tình. Tất cả mọi người đều tỏ lòng biết ơn sâu đậm.

Mãi đến gần 10g sáng mới được thông báo chuẩn bị lên đường. Như tối qua, tất cả đoàn xe sắp hàng sau xe xúc tuyết và xe cảnh sát và sau cùng là một chiếc xe cảnh sát nữa hộ tống. Và 10g30 sáng bắt đầu lên đường; họ đưa chúng tôi ra tận cổng rồi nói lời chia tay. Trời mây xanh biếc một màu. Đường sá đã được cào sạch tuyết. Chúng tôi hát bài “Tạm Biệt Mùa Đông, trực chỉ đi Springwood, Colorado.”

Đang mênh mông trải lòng cùng với trời mây, nhìn hàng hàng lớp lớp đồi núi trắng xoá chung quanh, rồi nhìn những đụn tuyết dọc ven đường tôi bỗng giật mình! “Nếu hôm qua xe rớt xuống hố, xe và người đều dập đầu sứt trán thì hệ luỵ chắc khó lường. Chưa nghĩ tới những rắc rối khi người trong xe bị thương tật, chỉ nghĩ tới việc phải huỷ bỏ chuyến đi, kéo xe về tận Arizona rồi nằm nhà ca bài ‘xin thời gian qua mau’ đã hãi lắm rồi.” Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Ôi phước đức vô lượng! $300 để xe kéo lôi ra đường khoảng 10 bộ giữa tranh tối tranh sáng của hoàng hôn tuyết rơi mịt mùng nơi xứ lạ… quả là xứng đáng.

Aspen Colorado 

Đường từ North Rim đến Glenwood Spring, Colorado dài 560 dặm. Tiên đoán thời tiết cho biết có tuyết rơi buổi chiều! Thế là phải chạy trong tuyết nữa rồi. Nghe muốn nổi da gà trong bụng nhưng vẫn làm tĩnh để không nao lòng hai tài xế ngồi sau. Chú Xuân cố vượt đường trường để đốt giai đoạn. Tài xế đàng sau bảo gài số chạy tự động (cruise control) tránh bị phạt vạ, chú Xuân cũng làm +5 nhưng thấy đường vắng là vọt… hơn tí nữa. Đường quang mây tạnh, tốc độ bên đường ghi 75 dặm/g. Tính chạy 10 tiếng là phải tới nơi nếu không dừng lại ăn uống. Mình đi ăn chơi chứ đâu phải chạy giặc chứ. Có sao thì sao phải dừng lại bên đường ăn uống, nghỉ xả hơi.

Nói thì nói vậy chứ nghĩ tới phải chạy trong đêm tuyết rơi thì ngại lắm. Nên ăn nhanh vội vàng lên đường. Nhưng rồi cũng không thể tránh lên ruột vì càng tối tuyết càng rơi, mặt đường đã bắt đầu trắng. Trên đường vẫn có xe cộ nhưng thưa thớt. Tài xế diễu ngồi sau lầu bầu… sẽ không một lần nào nữa chạy đi chơi trong tuyết! Nàng bắt đầu mở máy cho mọi người nghe nhạc kinh Phật, chắc đang âm thầm cầu nguyện!

Có lo sợ gì thì cuối cùng cũng tới nơi. Xe vào khu đậu xe khách sạn khiến mọi người thở phào nhẹ nhõm. Tuyết vẫn rơi nhẹ nhưng mọi lo âu đã được bỏ xuống. Chúng tôi nhận phòng xong, anh em thanh toán một chai rượu thì chia tay về phòng để ngủ bù cho mấy hôm nay. Chúng tôi hợp gu uống rượu vang nên mang theo xe một ít cho mỗi ngày để không cần phải la cà tiệm quán trong mùa đại dịch.

Sáng hôm sau xong điểm tâm ở khách sạn, chú Xuân nhắm khu du lịch nổi tiếng Aspen trực chỉ. Khoảng cách từ Glenwood Spring tới Aspen chỉ hơn 40 dặm xa, nhưng rán đi sớm để có nhiều giờ thăm viếng.

Aspen nổi tiếng là khu phố trượt tuyết. Những ai ưa thích trượt tuyết đều đến khu này ít nhất một lần. Lũ con chúng tôi cũng khuyến khích chúng tôi nên thăm viếng cho biết. Chúng tôi không ai biết và cũng chẳng thiết tha gì vụ trượt tuyết, nhất là hai người đàn bà đã có kinh nghiệm nhớ đời ngày hôm qua! Theo hai bà, tuyết chỉ để nhìn cho đẹp; muốn đứng trong phòng ấm áp nhìn tuyết rơi; trượt tuyết là của thiên hạ. Chúng tôi lái xe quanh phố, dạo chơi ở công viên The John Denver Sanctuary, sau đó lái qua công viên Maroon Lake cách xa thị trấn Aspen hơn nửa tiếng đường núi. Nơi chốn nào ở quanh đây cũng đông người, cũng khẩu trang, và tuyết trắng xoá. Loanh quanh ở Maroon Lake khá lâu cho tới khi tuyết lấm tấm rơi thì hai tài xế ngồi sau giục đi về dù mới khoảng hơn 3g chiều. Có lẽ tuyết rơi và bóng đêm đã ám ảnh hai nàng nên cứ thấy tuyết rơi, đường tối là xôn xao.

Về gần đến khách sạn, chúng tôi chạy vòng khu phố để tìm chỗ Hot Spring. Trong khi chạy vòng vòng lại gặp một nhà hàng đề tên Kedai Pho & Japanese Cuisine. Vừa đói vừa hiếu kỳ, chúng tôi vào ăn tối ở đây. Thực sự toàn bộ là người Nhật, người nấu phở cũng Nhật. Chúng tôi muốn thử phở ra sao và nghĩ cũng hợp với thời tiết lạnh. Phở ăn chỉ tạm được, giá cả cũng trên dưới $10. Sau khi ăn, chúng tôi tìm đến Hot Spring. Xem qua, thấy không hấp dẫn gì mấy nhưng giá $29/người/tiếng; khăn phải mướn $5/chiếc. Tôi bảo thôi về khách sạn ngâm nước nóng cũng thế thôi, đỡ tốn tiền… nhưng Vy Xuân muốn thử cho biết nên đưa chúng tôi về khách sạn rồi quay lại. Tôi về phòng mở nước nóng đầy bồn tắm lớn vừa ngâm mình vừa ngủ được một lúc thì Xuân Vy gọi qua uống rượu. Nhà tôi thì không uống được rượu, còn Phượng Vy lúc nào cũng chỉ uống được nửa ly. Chúng tôi cạn chai rồi chia tay đi ngủ để để sáng mai còn dậy sớm cho đoạn đường dài cả 10 tiếng lái xe để tới Salt Lake City.

Salt Lake City - Utah

Buổi sáng dậy sớm chuẩn bị lên đường vì đêm qua tuyết rơi nhẹ. Ra xe kiểm điểm xăng dầu và cào tuyết sạch sẽ; xong, dùng điểm tâm tại khách sạn rồi hối hả lên đường với dự định ghé thăm thắng cảnh ở Rifle Falls State Park, chỉ hơi ngược đường một chút nhưng được giới thiệu ở đó có 3 dòng thác chảy quanh năm rất đẹp.

Tuyết trên đường đã được cào sạch sẽ, và với trời quang mây tạnh nên chạy thoải mái. Tôi say sưa đắm chìm với những cảnh trí dọc đường. Đây đó tuyết trắng xoá, nhất là trên những đồi lũng núi non dọc đường đi. Vẫn là chú Xuân làm tài xế. Chú nói hồi xưa tôi làm phi công nội địa bay khắp Miền Nam nước Việt, giờ tới phiên chú làm xa công quốc tế lái xe đường trường xa con chó không cần tha con mèo.

Rifle Falls cách khách sạn khoảng một tiếng lái xe nếu chạy đường tắt qua đồi núi. Tài xế Vy sợ gặp tuyết nên lệnh cho tài xế chính chạy đường vòng theo chính sách, “An toàn trên xa lộ, thanh lịch trong thành phố,” nên có hơi vòng vèo dài hơn một chút mà cũng đâu có tránh được núi đồi.

Quả nhiên phong cảnh ở đây đẹp hữu duyên hữu tình. Vừa tới gần đã nghe tiếng thác nước làm rộn ràng bước chân. Cổng không thấy người trông coi, chú Xuân chạy tuốt vào gần chân thác. Thấy một số xe du lịch đã đậu và một ít người đi hiking. Có người mách có chỗ trả tiền ngoài cổng. Tiếng thác nước lôi kéo đôi chân phiêu lưu của tôi xuống xe, nhà tôi xuống theo trong lúc Phượng Vy theo chú tài chạy ra cổng tìm chỗ trả tiền tự động.

Chúng tôi quanh quẩn chụp hình bên 3 thác nước hồi lâu vẫn chưa nghe, chưa thấy bóng dáng Xuân Vy đâu mà điện thoại lại không có sóng. Chúng tôi đi dần ra cổng mới biết chú đậu ngoài chờ vì không trả được bằng thẻ trong lúc chú có nhiều ông Franklin trong túi.

Nhìn vào bản đồ thấy đường đi Salt Lake còn những 360+ dặm. Xem thời tiết cũng thấy… tuyết lại rơi. Ủa, đi trong mùa tuyết mà tuyết không rơi mới lạ! “Lái xe trong tuyết ban đêm” đã là nỗi ám ảnh trong đầu mọi người dù tôi luôn… có vẻ yêu đời và không nói ra. Ngu sao nói, tôi là huynh trưởng mà thỏ đế thì còn mặt mũi gì chứ. Hahaha!!!

Cuối cùng cũng tới khách sạn ở thành phố Salt Lake bình an vào khoảng 6g chiều, sau đoạn đường dài qua bao nhiêu vùng đồi núi trắng xoá cộng với tuyết rơi mênh mang vào lúc gần tối. Sau khi lấy phòng, tôi liên lạc với “thiên tài Hồ Muối” là vợ chồng ông bạn hiền BS Mạnh và người đẹp nữ văn sĩ Mai Phương vì đã có hẹn trước trên đường đi. Cặp thần tiên nầy, lâu lắm chúng tôi không liên lạc với nhau nhưng khi nghe chúng tôi đến thì rất vui vẻ, nhiệt tình dù tình trạng sức khoẻ của nàng không khả quan lắm. Ông bà nói sẽ đãi phở đặc biệt của nhà hàng Mai Phương do chính đầu bếp Lệnh Hồ Tiểu Ca nấu. Trời lạnh mà được ăn phở nhìn tuyết rơi thì còn gì bằng, nhất là sau khi chạy một đoạn đường dài trong âu lo, không dám dừng chân ăn uống vì sợ trời tối.

Salt Lake City

Cũng may, từ khách sạn dưới phố tới nhà họ chỉ mất khoảng nửa tiếng đồng hồ. Tới căn nhà tôi đã từng tới mấy năm về trước, đã được ông bác sĩ nầy chữa bệnh bằng rượu một lần. Nhà đang thi hành luật giãn cách xã hội nhưng khi đến chủ khách đều quây quần bên căn bếp đầy hương thơm phở và rất ấm cúng với tấm lòng nồng hậu của chủ nhà. Bác sĩ nói bị bệnh một thời gian nên không còn uống được rượu nữa và thân tình mời chúng tôi dùng rượu vang. Phở ấm, tình người ấm và rượu ngon càng làm tăng sự tiếp đãi ân cần. Mai Phương là một nhà văn nổi tiếng mà tôi có dịp quen biết từ rất lâu. Một người hoạt động cộng đồng với tấm lòng độ lượng. Một văn nghệ sĩ thứ thiệt. Một hoạ sĩ có tài. Mai Phương lại rất điêu luyện trong việc vừa đàn vừa ca. Cái tài nầy của nàng đã làm mê hoặc anh em văn nghệ sĩ Houston khi nàng có dịp giới thiệu tranh ảnh, thơ văn của nàng hơn 10 năm về trước. Theo Mai Phương thì Bác sĩ Mạnh đã hết mạnh rồi. Tôi nói nếu Mai Phương đã chứng thực như vậy thì tôi tin. Nhìn Mai Phương vẫn trẻ trung, tươi đẹp; mái tóc huyền vẫn óng ả, nói năng vẫn nhỏ nhẻ từ tốn. Nhà tôi thắc mắc hỏi chị có nhuộm tóc không; Mai Phương trả lời chưa hề một lần. Nhan sắc đó, tài năng đó, tấm lòng đó… ông Mạnh yếu đi cũng không có gì ngạc nhiên.

Phở nhà hàng Mai Phương ngon thiệt chứ không phải vì chúng tôi đói và lạnh. Nếu đem so với những danh phở ở Houston chắc không chịu thua chút nào. Khi đã ăn xong, chai rượu cũng cạn, chủ nhà lại muốn bẻ cổ chai khác đãi khách nhưng chúng thấy tuyết rơi khá nặng nên xin phép đi về, dù còn rất lưu luyến, sau khi được cho thử tài pha chế cà phê của cụ Lệnh Hồ.

Về tới khách sạn, dù đã có dự định trước nhưng chúng tôi cũng “lướt net” để tìm “Things to Do in Salt Lake City.” Ôi xứ Hồ Muối có quá nhiều thắng cảnh chung quanh nhưng… hỡi ơi chỗ nào cũng… đóng cửa! Báo tin buồn cho nhau trước khi thưởng thức phòng khách sạn êm ấm tuyệt vời. Tôi lại pha nước ấm và ngâm mình thoả thích cho đến khi buồn ngủ. Đêm Hồ Muối an bình trong chăn êm nệm ấm, nhìn ra ngoài trời tuyết đổ mênh mông.

Sáng thức dậy đi xuống phòng ăn sáng, cũng như những khách sạn đã qua, họ đưa cho mỗi người một gói tự lo ăn tự lo chơi. Xem net lại một lần nữa thì cũng “vũ như cẩn”… các thắng cảnh đều đóng cửa cho du khách. Chạy cả ngàn dặm đường trong tuyết giá lên tới đây để chỉ ngủ khách sạn một đêm rồi quay về thì quả là không ai có thể hiểu được. Cũng may là có dịp gặp thăm lại cặp thiên tài Hồ Muối sau bao năm đứt dây thân ái. Chúng tôi bèn phải thay đổi dự định ban đầu, rời Salt Lake City để về Las Vegas chơi những ngày còn lại. Sau khi trả trả khách sạn, chúng tôi chạy một vòng quanh phố, đến trung tâm tài chính dưới phố, đến tiền đình quốc hội tiểu bang chụp một mớ hình nữa để chứng minh “We were here,” rồi trực chỉ về thẳng Las Vegas.

Con đường 430 dặm trở thành bình thường khi chạy trong ngày không mưa, không tuyết. Ngoài lần ghé cây xăng cho xe và người lấy thêm năng lực, chúng tôi về tới tiệm Phở Saigon 8, ở Las Vegas lúc 4g chiều. Có cả hơn chục nhà hàng VN trong một chu vi hẹp của trung tâm cờ bạc nầy nhưng chú Xuân nói ở đây ăn ngon hơn mấy nhà hàng khác. Chú nói sao tôi nghe vậy chứ làm sao biết được. Những lần ghé qua đây tôi đều ăn ở nhiều nhà hàng khác nhau cũng chỉ tàm tạm.

Planet Hollywood- Las Vegas

Đây là nơi dừng chân đầu tiên của chuyến đi mà không có tuyết rơi. Trời vẫn rất lạnh. Ăn xong về lấy phòng ở khách sạn Planet Hollywood. Khách sạn sang trọng nhất của chuyến đi. Hầu hết những khách sạn ở qua đều rất tốt (Clarion, Holiday Express) và giá rất rẻ, nhưng không rẻ bằng khách sạn 5 sao nầy. $90+ cho hai ngày quả là khó ai hơn được, có cả wifi và jacuzzi, chỉ là thiếu cà phê vì họ nói đang trong mùa đại dịch.

Buổi tối đi dạo chơi xem đèn dọc đại lộ chính của Vegas, mỏi chân về ngồi uống rượu trong khu ăn chơi của Casino. Hai đêm ở Las Vegas đều làm thế. Ban ngày đi thăm viếng phong cảnh chung quanh, đặc biệt tới thăm con đập nổi tiếng Hoover Dam và các vùng lân cận. Sáng hôm sau là ngày Thứ Bảy, ngày trở về. Như vậy chúng tôi đã lang thang đủ 7 ngày. Người ta cưỡi ngựa ngắm hoa còn chúng tôi chạy xe vòng vòng ngắm tuyết no đầy con mắt.

Sau đoạn đường hơn 4 tiếng lái xe trở về, vợ chồng chú Xuân đưa chúng tôi đi dùng trưa lần sau cùng ở một tiệm phở mà chú quen biết. Theo chú, phở ở đây nổi tiếng nên cũng háo hức muốn thử. Đến nơi phải chờ ngoài xe gần 45 phút mới có chỗ ngồi. Khi vào bên trong mới biết là tiệm phở chỉ có khoảng 10 chỗ ngồi vì phải giản cách. Phần đông thấy người ta mua mang đi rất nhiều. Nếu so sánh phở đây thì chỉ được khoảng 3/10 các tiệm trung bình ở Houston. Vâng, Houston của chúng tôi nổi tiếng về ẩm thực hơn cả California. Đó là sự nhận xét chung của những người đến từ nhiều nơi khác. Quý vị đến Houston, không cần đi đâu cả, cứ loanh quanh đại lộ Bellaire, có hàng ngàn tiệm quán, đủ chủng tộc; đặc biệt Tầu với Việt Nam là nhiều hơn cả.

Trên đường bay về, ngồi ôn lại chuyến đi. Cám ơn câu Niệm Phật đã ban an bình cho mọi người. Lái xe gần ba ngàn dặm đường loanh quanh 4 tiểu bang Arizona, Colorado, Utah, Nevada và qua nhiều thành phố chỉ để xem tuyết và qua một đêm đầy kỷ niệm ở North Rim Grand Canyon với tình người trên đất Mỹ. Dù vậy, tôi cũng nghĩ đây là một chuyến đi chơi rất tuyệt vời và rất khó quên. Cám ơn chú sư đệ tài giỏi và cô em dâu dễ thương của chúng tôi./-

 

Kingwood, Tháng 12/2020

Yên Sơn

--------

Hình minh họa- Internet

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %06 %824 %2021 %13:%12
back to top