Nữ sĩ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu
được UNESCO vinh danh
Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu là hai nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Hồ Xuân Hương được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm, trong khi Nguyễn Đình Chiểu được coi là nhà thơ lớn của Nam Bộ.
Ảnh minh hoạ nhà thơ Hồ Xuân Hương. Ảnh internet
Vào lúc 10 giờ 35 phút (giờ địa phương, 16 giờ 35 phút giờ Việt Nam) ngày 23/11, tại Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 (diễn ra từ ngày 9 đến 24/11) tại Paris (Pháp), thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023, UNESCO đã vinh danh Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu.
Theo đó, có 60 hồ sơ của các nước được thông qua, trong đó có Hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Những người được vinh danh là danh nhân văn hoá thế giới phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí, có sức ảnh hưởng lớn không chỉ trong nước mà còn ở các nước khác. Từ lâu, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu đã quá nổi tiếng với tài thơ của mình.
Cả hai danh nhân này đã để lại những di sản văn hoá cho dân tộc. Hồ Xuân Hương với lối viết độc đáo, sử dụng chữ Nôm, loại chữ dân tộc, đã mang đến cái nhìn mới về thi ca, về phụ nữ, về những bất công trong xã hội.
'Bà chúa thơ Nôm' trong tranh vẽ xưa. Ảnh: TL
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ mù, nhưng bằng nỗ lực phi thường, sức sáng tạo khó người sánh nổi đã tạo nên những tác phẩm văn chương bất hủ, tiêu biểu có Lục Vân Tiên, một tác phẩm có thể được xem như là “Truyện Kiều của Nam Bộ”.
Các tác phẩm của Lục Vân Tiên luôn lấy con người làm trung tâm. Trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, thì nhân dân là lực lượng nòng cốt, chỉ có nhân dân mới tạo nên thắng lợi cho việc gìn giữ độc lập dân tộc. Ngoài ra, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu còn mang đạo lý sống nhân văn, gìn giữ phẩm hạnh.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh interne
Nguyễn Đình Chiểu còn là một thầy thuốc, một người rất có uy tín vào thời bấy giờ. Sức ảnh hưởng của Nguyễn Đình Chiểu giờ đây không chỉ ở Nam Bộ mà còn cả toàn quốc, cũng như vang xa quốc tế.
Hồ Xuân Hương, cái tên đến nay còn gây nhiều tranh cãi về năm sinh, năm mất, về tính độc đáo trong thi ca. Theo một số tài liệu, Hồ Xuân Hương sinh năm 1772, mất năm 1822, cùng thời với Nguyễn Du. Cũng có nơi viết, bà từng có qua lại với Nguyễn Du. Hồ Xuân Hương được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Quê bà tại Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Nguyễn Đình Chiểu sinh năm 1822, tại thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, nếu năm mất của Hồ Xuân Hương là đúng, thì năm sinh của Nguyễn Đình Chiểu là năm mất của Hồ Xuân Hương. Nguyễn Đình Chiểu được đánh giá là nhà thơ lớn của miền Nam Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 19. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm lớn: Lục Vân Tiên; Dương Từ - Hà Mậu; Ngư tiều vấn đáp nho y diễn ca.
Nguyễn Đình Chiểu, một tấm gương nghị lực phi thường. Mặc dù bị mù, nhưng với sự phấn đấu không ngừng nghỉ, ông đã trở thành một nhà giáo, một thầy thuốc có tiếng. Và hơn hết, ông là một nhà thơ lừng danh của dân tộc.
Trả lời báo Tuổi trẻ, ông Mai Phan Dũng - vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, cho biết, cả hai nhà thơ đều là những nhân vật kiệt xuất, có tư tưởng anh hùng nghĩa hiệp, bảo vệ người yếu thế, chống bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Hồ Xuân Hương ngoài tài thơ độc đáo, các tác phẩm thơ của bà cũng mang nhiều nội dung về bình đẳng giới, đấu tranh cho việc giải phóng phụ nữ ở Việt Nam. Đây đều là những giá trị mà UNESCO đang rất thúc đẩy trên toàn thế giới.
GS.TS Trần Ngọc Vương (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì cho biết, về tài văn thơ, chỉ với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu trở thành đại diện xuất sắc nhất của lá cờ đầu không chỉ của văn học yêu nước ở Nam Bộ mà còn trong phạm vi toàn quốc. Hơn thế, ông xứng đáng được vinh danh như lá cờ đầu của văn học chống chủ nghĩa thực dân, không chỉ của Việt Nam mà của thế giới. Nhưng tác phẩm lớn của ông phải được kể đến là Lục Vân Tiên - một tác phẩm được nhiều người ưa chuộng, nhất là quần chúng nhân dân Nam Bộ, bởi nó kích thích những tấm gương hy sinh quên mình vì nghĩa lớn.
Như vậy, việc vinh danh nhà thơ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là dịp khẳng định lại sức ảnh hưởng to lớn của hai danh nhân văn hoá không chỉ ở trong nước, mà còn lan toả đến nhiều nơi trên thế giới. Qua đây, cũng là dịp để chúng ta đọc lại những tác phẩm bất hủ của hai tác gia này. Những tác phẩm đã qua thời gian dài nhưng vẫn làm say đắm biết bao thế hệ bạn đọc, và qua đó, chúng ta học được cách làm người, cách sống đẹp hơn.
Vũ Đoàn
UNESCO vinh danh hai nhà thơ: : Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương
Huỳnh Trúc Lập sưu tầm